Tác phẩm chọn lọc

6/5
10:35 AM 2017

TỔNG BIÊN TẬP VŨ CAO TRONG TÔI

NGUYỄN TRỌNG TẠO-Tôi thích đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội từ trước khi làm lính. Nhập ngũ, thường lân la đến phòng chính trị viên để mượn tờ tạp chí này về đọc. Nhưng mãi đến năm 1972 tôi mới rón rén bước chân vào nhà số 4 Lý Nam Đế, vì có bài thơ đăng trên tạp chí.

                                                            Nhà thơ Vũ Cao

Vừa bước vào cổng, tôi gặp một người cao lớn, mặc áo sĩ quan đã cũ đi ra. Trông ông thật bình dị, mộc mạc, dễ gần. Thấy tôi có vẻ rụt rè, ông nhìn tôi rồi hỏi: “Đồng chí cần hỏi ai?”.

Tôi nói tôi có bài thơ Tổ phá bom trên đường Rú Trét đăng trên tạp chí... Tôi chưa kịp nói dứt câu, ông đã vui vẻ thốt lên: “A, Nguyễn Trọng Tạo ở tuyến lửa khu Bốn”. Rồi ông đưa tôi vào phòng Trị sự giới thiệu với mọi người, bảo họ đưa tôi báo biếu và nhuận bút. Ông cũng nói là ông đã biết tôi nhận được thư ông gửi, và ông cũng đã nhận được thư tôi nhưng chưa kịp viết thư lại...

Thì ra ông là nhà thơ Vũ Cao, tác giả bài thơ Núi Đôi nổi tiếng, và ông cũng chính là Chủ nhiệm (nay gọi là Tổng biên tập) tạp chí.

Thú thực là hồi mới làm thơ, tôi thường gửi đăng trên báo Quân đội nhân dân, báo Nhân dân (với mục “Thơ chiến sĩ”), nhưng với tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi gửi vài lần nhưng không được đăng. Một lần, tôi đánh liều gửi thẳng đến ông một chùm thơ. Và bất ngờ, tôi nhận được thư ông. Thư ông viết cho tôi dài đến tám trang giấy pơluya mỏng, viết một mặt. Ông nói ông đã đọc mấy bài thơ của tôi, ông thích sự trong sáng, giản dị, mộc mạc chứ không thô mộc. Rồi ông bàn về thơ khá dài, ông nói về trách nhiệm của người cầm bút trước vận mệnh đất nước và nhân dân. Nhưng ông làm tôi xúc động nhất là khi ông nói rằng, “Tôi cũng có cậu con trai chừng tuổi anh, nó cũng vào bộ đội và nó cũng giàu mơ mộng lắm...”. Đọc thư ông, tôi có cảm giác ông không chỉ là một nhà thơ lớn luôn quan tâm chăm sóc và khích lệ những người viết trẻ mà ông còn bày tỏ tấm lòng của một người cha có con đi lính trong những ngày chiến tranh ác liệt không biết sống chết thế nào. Tôi đã đem lá thư của ông khoe với mấy anh bạn yêu thơ cùng đơn vị. Quả là lá thư của người Tổng biên tập đã khích lệ tôi rất nhiều trong cuộc sống và sáng tác. Sau này đọc được quan niệm sáng tác của ông trong cuốn Nhà văn Việt Nam tôi thấy ông vẫn nhất quán với quan điểm mà ông đã viết trong lá thư gửi tôi: “Những gì tôi viết ra là rút từ cuộc sống của bộ đội, của nhân dân, từ cuộc sống để trở lại cuộc sống. Do đó người sáng tác cần phải trau dồi vốn hiểu biết, từng trải, phải luôn luôn gắn mình với đất nước, nhân dân và cách mạng. Người viết còn phải có trách nhiệm với câu chữ của mình, và cần nhất là sự giản dị, trong sáng. Người viết cần có phong cách riêng, tính cách riêng, nhưng theo tôi không được tách ra khỏi cuộc sống nhân dân”.

Sau 1975 vài năm, tôi được Tổng cục Chính trị điều về Hà Nội tham gia lớp viết văn quân đội, rồi vào học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Văn nghệ Quân đội trở thành ngôi nhà thân thiết mà chúng tôi thường lui tới. Mỗi lần gặp ông đều thấy rất tự nhiên, thoải mái. Ông coi chúng tôi, những người viết trẻ như là bạn đồng hành. Có lúc ông bá vai tôi đi dọc hành lang và ông nói chuyện thơ. Ông bảo ông cho rằng thơ mà cầu kì kiểu cách quá nó thành giả tạo. Thơ trước hết phải chân thật. Chân thật thì nó mới có sức truyền cảm, lay động. Có khi đọc thơ thấy không còn chữ nghĩa đâu cả mà chỉ thấy một sự rung động đến ngạc nhiên, thấy mình thấy đời tốt đẹp hơn. Nó như từ ngõ nhỏ mở ra cả chân trời mênh mông. Đó là vì thơ có sự độc đáo. Độc đáo mới tạo được cảm xúc bất ngờ, tư tưởng bất ngờ.

Những lời tâm sự chân thành đầy tâm huyết của ông bao giờ cũng rót vào tôi, khiến tôi thêm nhiều trăn trở về nghề, về nghiệp.

Một người nghiêm túc với nghề văn như vậy, nhưng trong cuộc sống rất hiền lành và dễ tính. Người ta nói, có lần ông dự một tiết giảng văn bài Núi Đôi, cô giáo xúc động quá đã đọc sai mấy chữ, cô áy náy xin lỗi nhà thơ, nhưng ông vui vẻ nói: “Sai mà hay là được”. Người ta nói, nếu viết một cái đơn xin bán cầu Long Biên cho ông kí, ông cũng kí cái rẹt. Đó là người ta nói vống lên để đề cao sự dễ tính của ông. Chứ thực ra thì ông chu đáo lắm.

Nhớ lần tôi cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngô Minh đi cùng ông về dự Ngày thơ Hạ Long (1998), khi rủ nhau lên sân thượng khách sạn để ngắm cảnh, thấy tôi mặc áo phong phanh, ông bảo tôi khoác thêm áo ấm để lên cao khỏi bị cảm gió. Quả là khi chúng tôi lên sân thượng, gió thổi từ biển lên thật mạnh và lạnh. Tối hôm đó đã khuya, chúng tôi mang rượu ra và mời ông. Tuy tuổi đã bảy mươi sáu, ông vẫn hào hứng tham dự. Suốt cả đêm đó, chúng tôi hỏi ông về sự nghiệp văn chương trong quân đội, và được ông kể rất hồn nhiên. Ông nói, cuộc đời quân đội của ông chủ yếu là làm báo. Nhưng mỗi lần có rung cảm thơ văn thì ông làm thơ viết văn. Nếu không có chất liệu cuộc sống hàng ngày thì ông không viết được. Nhưng có hai trường hợp trái ngược nhau: Khi qua sông Đà trong một đêm sương, ông định viết bài thơ thì cuối cùng lại viết ra truyện ngắn Một đoạn thơ sông Đà, còn khi về núi Đôi, định viết một bài báo về người nữ du kích đã hi sinh dũng cảm thì lại viết ra bài thơ Núi Đôi. Với truyện Một đoạn thơ sông Đà, có người đã khen ông tưởng tượng giỏi, nhưng thực ra đó là câu chuyện có thật một trăm phần trăm. Năm 1966, ông đến một đơn vị pháo binh bên kia sông Đà vào lúc quá nửa đêm, chị em người chèo đò đưa ông qua sông. Con đò bị lạc bến vì sương quá dày đặc, khiến cho ông nhớ lại thời chống Pháp có lần ông đi qua bến đò này và nghe chuyện có con hổ đội lá bơi qua sông. Ông xúc động vì tinh thần phục vụ của chị em người chèo đò và về “ghi lại” thành truyện. Còn bài thơ Núi Đôi ông viết tháng 12 năm 1956. Hồi 1955 - 1956 ông về công tác ở Sư đoàn 312 đóng quân ở Sóc Sơn, cạnh đấy có núi Đôi. Một hôm theo mấy người dân đi chợ, ông nghe họ kể về cô gái du kích trong làng yêu một trai làng, rồi anh đi bộ đội. Anh bộ đội trở về thì cô gái đã hi sinh. Vũ Cao tìm đến thăm mộ cô gái đó. Và bài thơ Núi Đôi ra đời, đúng như câu chuyện có thật, kể cả tên làng, tên chợ, tên người và quang cảnh đều hoàn toàn có thật. Mộ cô gái hiện nay vẫn còn. Chỉ có anh bộ đội là ông không gặp được, không rõ còn sống hay đã mất.

Tôi hỏi ông, hai câu đầu bài thơ Núi Đôi, tại sao ông lại viết về cô gái mười bảy tuổi và chàng trai đôi mươi là trẻ nhất làng, chả lẽ làng ấy không có trẻ con? Ông nói ông cũng không hiểu vì sao mình lại viết như vậy. Hồi đó trong làng còn có cả trẻ thơ, và bao nhiêu bạn bè trang lứa của họ. Có lẽ ông đã quá cảm, quá yêu tình yêu trẻ đẹp của họ mà viết như vậy chăng…

Vũ Cao nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn được mời giữ chức Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khoá 5 (1995 - 2000). Hồi đó tập thơ Đồng dao cho người lớn của tôi được Hội đồng đưa vào vòng chung kết giải thưởng Hội Nhà văn, nhưng cuối cùng lại không được giải. Có vẻ ông băn khoăn lắm. Khi đó tôi đang ở Huế, nhận được thư của ông chia sẻ nỗi băn khoăn, rồi ông động viên: “Mình và Duật (Phạm Tiến Duật, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ - N.T.T) đều nhất trí với nhau rằng, tuy tập Đồng dao cho người lớn không vào giải lần này, nhưng tin là nó sẽ có sức sống sâu rộng và lâu bền trong lòng công chúng yêu thơ”. Rồi ông viết tiếp: “Mình đã viết một bài về tập Đồng dao cho người lớn của Tạo, sẽ đăng trên Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Tạo nhớ xem nhé”. Thêm một lần cảm động về tính chu đáo và chân tình của ông, và khi đọc được bài viết đó, tôi vô cùng ngạc nhiên. Ông đã nhận xét về tập thơ và về cả tôi nữa, không giống ai:
“Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời “chức năng của thơ là gì” thì khó có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại. Anh suy nghĩ một mình vẩn vơ với những điều bất chợt nhận ra rồi bất chợt viết thành những câu thơ có lúc mộc mạc có lúc sang trọng, nhưng cũng có lúc như chỉ viết cho riêng mình.

Thực ra từ xưa đã có người làm thơ theo lối như vậy và đã để lại nhiều tác phẩm còn lưu truyền mãi đến nay. Tình yêu, khát vọng, hoài nghi, cái chết, hữu hạn và vô hạn, tính xa lạ và tính phi lí của con người, của sự sống... bao nhiêu đề tài vẫn treo lơ lửng trên đầu nhà thơ.

Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút của anh thoải mái nói những điều không phải dễ nói ra, những điều ấp ủ:
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn
                        mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh
                                     vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

Người đọc khó có thể lí giải từng chữ khi câu thơ anh vui đấy lại buồn đấy...”

Đọc xong bài viết khá dài của ông, tôi cảm động đến trào nước mắt, và ngồi viết thư cám ơn ông. Thư tôi viết có đoạn: “Thật hiếm người như Anh, dù tuổi đã cao. Tôi chỉ mong Anh khỏe và tốt sạch mãi như từ xưa vẫn vậy. Bởi cái Nhân của Anh, tôi vô cùng kính trọng. Cái Nhân của người kẻ sĩ, người đàn ông. Chả thế mà tên các cổng của đàn ông đi vào triều đình Huế đều mang theo chữ Nhân (dĩ nhiên là cổng đàn bà kèm theo chữ Đức)”.

Rồi lần cuối cùng tôi gặp ông ở Hội Nhà văn. Anh bạn ở Văn nghệ Quân đội thấy hai người trò chuyện, bỗng xen vào nói với tôi rằng, tuy tuổi cao nhưng ông Vũ Cao vẫn thường đi bộ (thể dục) buổi sáng gần tiếng đồng hồ. Có hôm mới năm giờ rưỡi sáng đã thấy ông đi bộ từ Hoàng Hoa Thám đến gõ cửa cơ quan cũ ở Lý Nam Đế, gọi tất cả anh em dậy. Tưởng có việc gì khẩn cấp, hoá ra ông chỉ thông báo một suy nghĩ “mới lạ” của ông vừa nảy ra đêm qua: “Đến bảy mươi tuổi tớ mới ngẫm ra là, anh nào thời trẻ tính tình thế nào, thì lúc già tính tình cũng vẫn như thế ấy. Không thể khác được, các cậu ạ!”. Ông nghe và cười xòa: “Tớ nói có sai đâu”.

Điều ấy cũng đúng với quan niệm của ông về văn chương: “Văn chương có phần thật là quan trọng nhất. Chính phần thật của đời mới làm người đọc xúc động và nhớ lâu”. Thế mới đúng là Vũ Cao, một người anh lớn, một thủ trưởng luôn tận tình và chan hòa với lớp đàn em chúng tôi trên con đường văn chương.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *