KỶ NIỆM 200 NĂM SINH ARANY JANOS ĐẠI THI HÀO CỦA NHÂN DÂN HUNGARY VÀ THẾ GIỚI
Từ nhỏ, Arany Janos vốn gầy yếu, hay rụt rè, nhạy cảm, nhưng có trí thông minh hơn người: 4 tuổi đã biết đọc chữ thông qua những tờ giấy hút thuốc của bố, tiếp thu sáng tạo những câu chuyện cổ tích, những tín ngưỡng, thơ ca dân gian một cách đầy hứng thú, nhờ thế, tâm hồn và năng khiếu văn học của cậu bé ngày càng phát triển. Bố mẹ, họ hàng hết sức yêu mến, chăm lo cho cậu. Lên 6 tuổi, Arany Janos đi học ở trường làng. Cậu nhanh chóng biết đọc, biết viết, làm nhiều thơ, nên đã nổi tiếng là thần đồng. Thời gian học tiểu học cậu rất say mê tiếng Hy Lạp, Latinh cổ, và ngữ văn của hai thứ tiếng này. Năm 1833 thì gia đình cậu chuyển đến Debrecen - một trung tâm chính trị văn hóa lớn của Hungary lúc bấy giờ, và cậu học trung học ở đó. Thế nhưng mới được 2 năm thì cậu phải bỏ học, đi theo gánh hát làm diễn viên. Đến khoảng giữa năm 1836, cậu cũng chán luôn cả nghề diễn viên, đi bộ một tuần từ Mamarossziget về quê sinh sống. Trong năm này có 2 biến cố liên tiếp xảy ra: Mẹ cậu mất, còn bố bị mù lòa, làm chàng thanh niên rất chán đời. Năm 1840, Arany Janos chấp nhận lời mời làm phó chánh lý ở quê, sau đó lấy vợ và chí thú với đời làm công chức tỉnh lẻ.
Từ năm 1842, nghe theo lời khuyên của một người bạn, Arany trở lại con đường văn học, ông học một số ngoại ngữ nữa, nghiên cứu văn học cổ Hungary và thế giới và chính thức sáng tác văn học. Trong cách mạng và cuộc chiến đấu vì tự do 1848-1849, ông tham gia biên tập báo Bạn dân, làm vệ quốc binh, công chức Bộ Nội vụ. Sau thất bại của cuộc chiến đấu vì tự do này, Arany lui về giảng dạy ở trường trung hoc Nagykoros. Năm 1859, ông được bầu làm viện sĩ hàn lâm Hungary, một năm sau thì chuyển lên Budapest làm giám đốc Hội Kisfaludy. Do tài năng, vai trò tổ chức quản lý và nghiên cứu mà từ năm 1865 ông được bầu làm thư ký, và từ năm 1870 giữ luôn chức vụ Tổng thư ký Viện hàn lâm khoa học Hungary. Thời gian này Arany thường xuyên đau ốm, nên sau nhiều lần xin từ chức, mãi năm 1879 ông mới được miễn nhiệm.
Arany janos từ trần vào ngày 22 tháng 10 năm 1882, hưởng thọ 65 tuổi.
Thi nhân Arany bắt đầu sáng tác từ thời niên thiếu, nhưng mãi đến năm 1844-1845 mới gửi in ở báo chí. Đầu tiên là những bài văn, bài thơ ngắn thuộc loại hình ảnh cuộc đời. Mùa hè 1845 thì ông viết Hiến pháp đã mất, một trường ca tự sự mang tính trào lộng nhằm giễu cợt phê phán cuộc sống công chức nơi tỉnh lẻ. Năm 1846, trường ca này được giải của Hội văn học Kisfaludy. Năm sau cũng Hội văn học này đã chấm giải nhất cho tác phẩm Toldi của ông. Kèm theo phần thưởng 25 đồng tiền vàng là tình bạn với Petofi (1823-1849), nhà thơ lớn nhất mọi thời đại của dân tộc Hungary. Từ đây, Arany trở thành nổi tiếng toàn quốc, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực độc tôn, tiêu biểu là các tác phẩm thuộc 3 thể loại lớn: Thơ ca trữ tình, thơ ca tự sự, và đặc biệt là thơ ballat. Mỗi lĩnh vực đó đều mang những đặc trưng riêng….
Các nhà nghiên cứu thường chia quá trình sáng tác của Arany Janos làm 3 thời kỳ: 1845-1849 là thời kỳ bắt đầu, 1850-1876 thời kỳ sau cách mạng, và 1877-1882 là thời kỳ Mùa thu nhỏ.
Ngoài những sáng tác văn học, các bài nghiên cứu phê bình dịch thuật văn học của ông cũng vô cùng có giá trị. Ông xứng đáng được gọi là một thi hào.
Do những đóng góp to lớn đối với văn học Hungary và thế giới mà Quốc hội và Viện hàn lâm Khoa học Hungary đã chọn năm 2017 là năm kỷ niệm Arany Janos.
Chúng tôi xin giới thiệu một chùm thơ của ông...n
Vũ Ngọc Cân
(Dịch và giới thiệu từ
nguồn tiếng Hungary)
Phúc đáp Petofi
Bối rối hồn tôi như chiếc đàn hỏng bét
Tim tôi vui mà lòng lại quặn đau
Bọt nước nổi trôi: phần thưởng này lớn vậy?
Làm bạn Petofi chẳng xứng đáng rồi!
Bởi lẽ là không biết mình được giải
Thật là may, tôi may quá trời ơi!
Tác phẩm xoàng của tôi khéo chỉ quăng vào lửa
Chứ làm sao dám hy vọng cao vời?
Tôi được nhiều, đâu chỉ là tiền bạc
Sáng rực một thời, tôi sẽ lại tối tăm
Mà cái thêm!... Mấy tâm can thấu hết
Tôi trở thành cánh tay phải của anh.
Tôi là gì? - Một nông dân - Anh hỏi
Nguyện sống vì tổ tiên, nhờ họ vượt lên
Số phận họ số phận tôi nối kết
ở môi tôi, bài ca họ ngọt thêm
Tôi muốn ra đi từ nơi họ
Bánh xe số phận đẩy giữa đường
Muốn trốn trở lại sao mà khó
Từ đống gai tôi hái mấy bông hường.
Bạn đường ơi, bao nghĩ suy lo lắng
Ta kết bạn, ta quen nhau chóng vánh
Tôi kết vòng hoa, họ ủng hộ giả vờ
Khi xong xuôi họ xé nát bất ngờ
Kho báu cuối cùng tôi tìm được
Không cần gìn giữ hạnh phúc nhà
Dọc bờ sông Iza tôi gặp
Hơn thế ư, tôi chẳng dám mong chờ!
Giờ có ngôi sao trong phòng tôi nhỏ hẹp
Tâm hồn tôi anh rọi chiếu khắp nơi
Khi gặp Tompa nhờ anh nói hộ
Yêu mến anh, anh ấy cũng yêu nhiều!
1847
Ta làm gì nhỉ?
Đồng bào ơi, đang làm gì thế?
Các bạn cuốc đất để cấy cày?
Không! Chúng tôi không cuốc đất
Mà rũa rèn vũ khí chờ ngày
Đã từ lâu chúng tôi thu dọn
Trên đất mình đồng cỏ bao la
Liềm hái chúng tôi ngâm sáng quắc
Trong hờn căm vũng máu quân thù
Chúng tôi tắm rửa cho liềm hái
Sắc lẹm trong sương đỏ đẹp tươi
Lội đến thắt lưng trong vũng máu
Để giữ gìn Tổ quốc muôn đời!
1848
Lên ngựa
Lên ngựa đi người Hung, thời khắc đã điểm rồi
Trống báo nguy rền vang, còn chần chừ gì nữa
Cháy! Cháy nhà anh, nổi loạn khắp nơi
Phải đứng dậy thôi, người Hung ta hỡi!
Từ Bắc, đông, Nam, từ nơi hoàng hôn xuống
Toàn bộ láng giềng đều chống lại anh
Với người nào anh chia đôi miếng bánh
Đấy chính người muốn đoàn kết chân tình
Đẹp đồng bằng này, bình nguyên kia trù phú
Nào ngựa, bò, bao thứ họ tị ghen
Họ từ bỏ núi đồi, cỗi cằn đất đá
Ruộng đồng anh họ hướng tới, khát thèm
Anh chỉ rõ nơi này đất chết
Cho kẻ ngoài muốn xâm chiếm của ta
Nước, cỏ tươi cùng bao vây tiêu diệt
Máu các ngươi sẽ chảy, quyết không tha!
1848
Nguồn Văn nghệ