Tác phẩm chọn lọc

25/4
5:03 PM 2017

NGUYỄN VĂN TOẠI, NHÀ VĂN CỦA ĐẤT HỌC LÀNG DÒNG

Phạm Đình Ân-Tôi không sợ quá lời khi nói rằng, Nguyễn Văn Toại là một trong số ít nhà văn ở nước ta hiện nay rất nặng tình, nặng nghĩa với quê hương thân yêu của mình và ông đã viết với tất cả lương tâm, tình cảm và trách nhiệm của người cầm bút. Làng Dòng - xã Xuân Lũng, quê ông, cái làng Việt cổ ở trung du sớm được tiếng là đất học, đất tạo anh tài.

                                                                 Nhà văn Nguyễn Văn Toại

Trong bài minh Trùng thuyên bi ký - Bia ghi việc trùng tu Từ vũ (1793) đặt ở Văn chỉ làng ông có câu: "Xã Xuân Lũng là nơi núi đồi mạch quý, đất tạo anh tài, người giỏi nườm nượp, hiền triết dồi dào, đoạt khoa chiến bảng, sử ghi ngời ngời". Còn câu chữ nào âm vang hơn thế về sự ảnh hưởng mang sắc thái văn hóa không thể chối từ của vùng chôn rau, cắt rốn đối với từng bước hình thành và phát triển văn nghiệp của một nhà văn! Đất nào, cây ấy mà!

 

Có một câu hỏi luôn luôn trở đi trở lại trong tâm trí ông: Tại sao một làng có lịch sử gần cả chục thế kỷ tồn tại và phát triển với bề dầy văn hiến danh bất hư truyền cùng đội ngũ vài trăm sĩ tử nho học đỗ đạt cao,  không họ nào là không có, nhưng điều khó hiểu là không ai để lại, dù chỉ là một trang phác thảo về quê Dòng? Ông đã thử lục tìm trong hành trang lý lịch của những bậc quan đầu triều, học vấn cao, gốc quê Dòng như Bùi Ứng Đẩu, đỗ Thái học sinh năm Mậu Thìn,  đời Trần, 1400, của tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, đời Lê Thánh Tông, 1469; của Hoàng giáp Nguyễn Chính Tuân, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất, đời Lê Tương Dực, năm 1514; của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Dần, đời Lê Chiêu Tông, năm 1518... thì tuyệt nhiên không gặp được một thông tin khả dĩ nào! Phải chăng tư liệu về làng do các nhà khoa bảng này lưu trữ đã vô cớ bị thất lạc? Một nhà văn, một ẩn sĩ tiếng tăm như Nguyễn Hãng, tác giả hai bài phú để lại dấu ấn trên tiến trình văn học Việt Nam thời trung đại, trong đó Tịch cư ninh thể phú cũng chỉ mô tả một vùng đất "áy o ruộng núi, vườn đèo" chung chung, chứ không ghi cụ thể là làng xã nào. Đó là một khó khăn không nhỏ đặt ra cho các thế hệ hậu sinh muốn tìm hiểu và viết về quá khứ. Có lần, Nguyễn Văn Toại đã nói: "Cái làng đẹp thế, ai nỡ kiệm lời khen? Chẳng thà đừng là nhà văn!" Nhà văn gốc quê Dòng đã dành những tình cảm cao đẹp nhất, trong sáng nhất của đời cầm bút để tô đẹp thêm vùng đất huyền thoại đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Được biết, Nguyễn Văn Toại từng tản bộ nhiều lần trên cánh đồng Dạt, rừng Mả Cao, rừng Đầm... vào những sớm mù sương, trời hiu hiu lạnh để tận hưởng hương thơm của đất, của nước, của những tiếng mưa rơi nhè nhẹ trên những tán cọ xòe mà chợt nhớ thương người mẹ tảo tần bắt nhặt từng con cua, cái tép lo cho bữa ăn của một đàn con thơ dại. Người mẹ ấy xuất hiện trong tác phẩm của ông với tư cách nhân vật dắt dẫn một số chuyện về làng.

Cái làng có 36 quả đồi, 36 xóm và 36 con đường sỏi đỏ. Phổ Quang tự cổ kính có Bệ đá hoa sen được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình Cả, nơi từng diễn ra những đêm hát xoan, hát ghẹo đắm đuối lòng người, đã được tái dựng bằng tiền công đức của dân. Năm 1730, Văn chỉ làng bắt đầu hình thành. Cấu tác Từ vũ bi tạo dựng cùng năm đã ghi lại rõ ràng sự kiện này. Tiếp theo, Trùng thuyên bi ký (1793), Tu tác Từ chỉ bi (1931) khắc tính danh vài trăm sĩ tử thành đạt trước 1945. Cả ba tấm bia cổ trên đều bị hủy hoại trong thời giảm tô do non kém về nhận thức, thật may mắn đã được phục chế nguyên dạng và hiện đã được đặt ở Văn chỉ làng. Đó là niềm tự hào về nghiệp học của riêng kẻ Dòng. Ai biết nhà văn đã rơi nước mắt? Con số gần năm mươi các giáo sư, tiến sĩ, các tân khoa bảng đời nay, chưa kể vài chục thạc sĩ cùng ngót một nghìn cử nhân đủ các ngành nghề, chẳng nói lên điều gì sao? Thử hỏi cả tỉnh, khắp huyện, làng xã nào dám làm một việc lạ lùng và khổ công là hạ thấp một cái dốc cao xuống thành đường Vinh quy để rước một thí sinh (ông Đặng Văn Hòa) sau khi giật được mảnh bằng cử nhân nho học vinh quy bái tổ, năm 1897 và ở đó, năm 1997, họ Đặng đã đặt bia "Vinh quy lộ" nhân con đường chẵn trăm tuổi?

Thế nghĩa là, cho đến năm 1994, khi Kẻ Dòng nội truyện, quyển thượng, của Nguyễn Văn Toại được xuất bản thì nó nghiễm nhiên trở thành ấn phẩm đầu tiên và duy nhất nói về làng Dòng - xã Xuân Lũng. Năm 2000, quyển hạ, ra mắt bạn đọc. Năm 2007, cả hai quyển được gom lại thành một tập, tái bản có sửa chữa, bổ sung, in đẹp, bọc bìa cứng, đính kèm một số ảnh cổ minh họa. Biết bao thế hệ người làng Dòng đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, kể cả máu xương để tạo nên vẻ đẹp vĩnh hằng cho nhà văn dùng làm chất liệu sáng tạo.

Tất nhiên, không phải đợi tới ngày ngồi vào bàn khởi thảo những trang đầu tiên về quê hương, Nguyễn Văn Văn Toại mới bắt đầu thâm nhập thực tế của làng. Theo lời tác giả thì từ năm, bảy thập kỷ trước, trong khi không khí giảm tô ở quê Dòng đang căng lên như dây đàn, người ta chỉ muốn chôn vùi quá khứ đi thì cậu thiếu niên nọ lại ngây thơ khuấy lên khiến những người từng giữ các chức danh phó, lý trưởng, ông chánh, cụ tổng... yếu bóng vía, nghi ngờ thằng nhóc này là "cánh tay" của mấy ông đội và hậu quả là Nguyễn Văn Toại bị họ xa lánh, thậm chí bị... đuổi khéo. Càng phương trưởng, học vấn được nâng lên, ông càng đau đáu với đề tài về quê hương và mơ ước viết một cuốn sách sao cho xứng với những lời thiên hạ vẫn truyền tụng về nơi đã và đang nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn ông. Khi còn ở nhà xuất bản "Văn hóa", ông từng tiếp xúc và biên tập nhiều bản thảo về làng xã ở các tỉnh phía bắc nhưng không một bản thảo nào làm ông hài lòng, đáng chú ý là về cách viết. Có một tín điều mơ hồ nào đó đã trói buộc thiện chí của nhiều cây bút. Tư duy bao cấp sơ cứng đã tạo ra một hệ sách rập khuôn, cả về bố cục đến những nhận định, đánh giá. Sách viết xong, không bị lườm nguýt đã là phúc lớn rồi. Nguyễn Văn Toai thì khác. Ông không vội ra sách. Và, ông đã gặp thời, cái thời cho phép nói cả những điều xưa nay kiêng kỵ. Đọc Kẻ Dòng nội truyện dễ nhận ra sự tung tẩy ngòi bút của tác giả trong việc đặc tả những nét hoa khôi trên gương mặt nhiều trăm năm của làng Dòng mà không sợ lệch lạc hoặc vơ vào; chẳng những vậy còn gói ghém biết bao quan niệm và suy tư của người viết về nhân tình thế thái.

Bởi vậy, không lấy làm lạ, người làng Dòng đã tiếp nhận Kẻ Dòng nội truyện như đón nhận đứa con tinh thần đầu lòng với dung mạo tuấn tú và thể trạng lành mạnh. Thật khó có thể nói hết được những xúc cảm và suy nghĩ của người dân quê Dòng, đặc biệt là của lớp người cao tuổi, khi gặp trong sách này nhiều thông tin mới lạ và bổ ích. Tác phẩm lập tức trở thành một "hiện tượng văn hóa" và Nguyễn Văn Toại được gọi là "nhà văn của làng". Một sự vinh danh phải chăng mà trân trọng. Ông Đặng Hữu Phát, chuyên viên cao cấp, lúc còn công tác ở Bộ Văn hóa đã rưng rưng tâm sự với tác giả: "Tôi đã đặt Kẻ Dòng nội truyện lên bàn thờ gia tiên và thắp hương kính báo các cụ. Bởi, nhờ chú mà tôi được biết một cách chắc chắn cụ nội tôi là Đặng Hữu Khuyến đã đậu tú tài hai khóa, Đinh Mùi, 1847 và Canh Tuất, 1850, cho nên mới có tên thơm Kép Dụ, gọi theo tên người con cả là Đặng Hữu Dụ". Các ông bà đại diện cho dòng họ Mã Cương đã trò chuyện với nhà văn hằng đêm và hết lời cảm ơn tác giả vì "nỗi oan" của tổ tiên họ mình chung quanh một giai thoại bị thêu dệt với dụng ý hạ bệ một trong những dòng họ lớn, đông đinh nhất làng đến nay đã được thanh minh qua những nguồn tư liệu xác thực và tin cậy do nhà văn đã tốn bao công sức tra cứu, hỏi tìm. Không ít gia đình đã dựa vào "cẩm nang" Kẻ Dòng nội truyện để viết lại hoặc viết mới gia phả cũng như lịch sử dòng họ. Hầu như ở đâu có người đồng hương làng Dòng là ở đó có sách Kẻ Dòng nội truyện. Cuốn sách đã theo chân lớp lớp thanh niên quê hương xuất ngoại. Có những chuyên gia nghiên cứu người nước ngoài đã phải phôtô coppi cuốn sách này mang về nước làm tài liệu.

Năm 1995, Kẻ Dòng nội truyện được trao Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ. Sau đó là Giải thưởng của UBTQLHHVHNT Việt Nam, Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Mới đây, Ban Chỉ đạo Công bố tài sản Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chọn Kẻ Dòng nội truyện là một trong những công trình được công bố trong "Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian Việt Nam giai đoạn 2008-2012" theo Quyết định số 1905/QĐ-TTg, ngày 24-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những thành công đáng kể của Kẻ Dòng nội truyện là ở chỗ tác giả đã chọn được một cách viết không giống ai. Hãy đọc những dòng tự bạch sau đây trong tiểu thuyết Vầng trăng mặt sáng của ông (Nxb "Văn hóa - Thông tin, 2012): "Trong vài chục đầu sách của tôi được xuất bản trên hai mươi năm qua thì Kẻ Dòng nội truyện là tác phẩm tâm huyết nhất và cũng là công trình tôi đã đầu tư nhiều công sức nhất. Mấy ai biết tôi đã ăn chực, nằm chờ ở TTLT Quốc gia I Hà Nội, buổi trưa phải nghỉ lại trên bàn làm việc của TT để truy tìm tư liệu về làng Dòng - xã Xuân Lũng? Tôi từng thuê xe ôm hàng tuần liền đi các xã quanh huyện Lâm Thao chỉ để xác minh một vài tư liệu nào đó còn nghi vấn. Trả lời phỏng vấn của tạp chí "Văn hóa - Văn nghệ công an", số 12, năm 2000: "Kẻ Dòng nội truyện là văn hay là sử, tôi đáp - cả hai! Tôi đã vận dụng thể loại văn học làm phương tiện chuyển tải những sự kiện (thông tin) của lịch sử thông qua nhiều chi tiết cụ thể và sống động, nó cho phép nhà văn làm mới thêm những sự kiện và những con người tưởng chừng đã lùi vào dĩ vãng hoặc đã bị lãng quên. Thực tế cho thấy, đó là cái cầu ngắn nhất, có hiệu quả hơn cả để rút gần lại khoảng cách giữa người đọc và tác phẩm. Cảm xúc văn chương ngọt ngào thấm suốt các trang sách. Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch trên báo "Văn nghệ" (9-12-1995) đánh giá đó là một công trình khoa học độc đáo... trước hết được thể hiện ở việc định tính của nó - là một công trình khoa học địa chí thuần túy hay là một sáng tác nghệ thuật? Là sử hay là văn?" (tr. 87-88).

Chỉ tiếc là cuộc hội thảo về Kẻ Dòng nội truyện do Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao Vĩnh Phú chủ trương đã không thực hiện được vì... không có kinh phí! Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn phàn nàn với tác giả là ông đã mất quá nhiều tâm sức chuẩn bị đề cương cho hội thảo và mong nhà văn hết sức thông cảm với khó khăn của tỉnh nhà.

Về thể loại, Kẻ Dòng nội truyện là "tạp văn", còn Vầng trăng mặt sáng thì được khoác cái áo "tiểu thuyết". Theo tôi, cuốn sau gọi là "tiểu thuyết tư liệu" thì dễ được chấp nhận hơn. Đây là ấn phẩm thứ hai nhà văn viết về quê hương thân yêu của mình, là sự bổ sung cần thiết những gì chưa kịp hoặc chưa có điều kiện nói kỹ ở quyển trước. Quả thực, tôi bị ngợp trước một khối tư liệu đầy ắp và đa dạng về lối sống, phong tục, tập quán, cách cảm, cách nghĩ, phương thức canh tác ruộng dọc, vỡ hoang đồi sỏi, những bữa cơm đầy hương vị làng đồi với miếng thịt thú thơm lừng, lộc cây thành ngạnh chấm tương, ấm nước chè xanh đặc sánh uống chung ... tất cả còn đậm dấu vết "tập đoàn" của một xã hội đã xa xưa lắm, trong đó nổi lên là gia đình tác giả và nó diễn ra hàng ngày ở một xóm nhỏ hẻo lánh, có tên rất nôm là Chi Huy. Ông nội tác giả, một người từng vạ vật với đám chữ vuông, chữ hòm, vừa phải nuôi một đàn con ăn học lại vừa điều hành mọi chuyện lớn, nhỏ trong gia tộc. Cha ông là trưởng của năm người em, đã không bỏ cây bút lông lại dốc lòng theo Tây học. Sinh ra và lớn lên trong môi trường sinh thái lành mạnh ấy, dù muốn hay không ông cũng đã hấp thụ được nhiều điều hay, lẽ phải của gia giáo. Người chép gia phả họ Nguyễn Nhà Vang của ông đã ghi lại lời tiên đoán: Họ ta rồi sẽ có người phát về văn học! Tôi phải cảm ơn nhà văn đã giúp tôi hiểu biết thêm về thời chữ nho còn thịnh hành với hình ảnh thầy đồ thư thái ngồi trên chiếc sập gụ, tay cầm cái roi dài, người mẹ còng lưng gánh gạo nếp trả công thầy, trò mài mực trong nghiên; cách bài trí án gian, đồ thờ, hoành phi, câu đối trong một gia đình lễ giáo nền nếp. Rồi, thời làng xóm trải qua giảm tô và cải cách ruộng đất, cái được và sự  mất mát cùng dấu ấn lành - dữ, đã được tác giả "nhìn lại" với một cái nhìn đầy tính nhân văn. Nguyễn Văn Toại đâu có ý đề cao người thân, họ mạc nhà mình? Nói vậy là không biết đọc sách. Không ai hiểu những người ruột thịt, họ hàng gần, xa của mình bằng chính người cầm bút. Nhà văn đã xâu chuỗi và tái hiện những sự kiện, những mảnh đời riêng lẻ theo một chủ định, qua đó dựng nên một bức tranh sinh hoạt đa thanh, đa sắc về lịch sử, về xã hội học, dân tộc học. Những con số, những tư liệu trần trụi, khô cứng đã được mềm hóa qua những trang văn mượt mà, tinh tế, giầu hình ảnh và thấm đẫm tình người.

Ngoài hai ấn phẩm trên, Nguyễn Văn Toại còn gửi gắm không ít trang tản văn về quê Dòng. Thơ về thôn quê nói chung và trung du nói riêng của ông có nhiều câu hay: "Tam quan mái nắng ghập ghềnh - Chuông chùa ai thỉnh làm vênh ráng chiều". "Mưa phùn làm chua bao mùa trám - Cây cọ vụng về khoe bóng cao". "Nắng còn hằn cả vân tay - Vầng trăng gió núi heo may vò nhàu". "Đường mòn thiên thẹo ngang lũng vắng - Doi rừng còn thơm theo dấu tay"... Hoặc, trong bài Chị, ông viết vào tháng 2-1994: Giầu cái dại, nghèo cái khôn - Khôn treo đầu sóng, dại chôn cuối giường - Em cầm nửa bắp ngô nương - Thấy đuôi mắt chị tình thương lặn vào. Ngay trong 7 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, nhà văn không hề vô tình khi kê khai lý lịch cho các nhân vật đều lấy xuất xứ từ quê Dòng hoặc chí ít cũng là từ vùng đồi thân thương của đời ông.

Tôi xin mượn lời của Raxun Gamdatốp, nhà thơ nổi tiếng của xứ Đaghextan xa xôi mà gần gũi, tác giả tập sách bất hủ Đaghextan của tôi, để kết thúc bài viết này, đại ý: Có một đề tài gần như lời khấn khứa, càng lặp lại càng linh thiêng hơn, đề tài đó là Quê hương. Và, nhà văn lớn thú nhận, ông đã viết về Đaghextan "với cảm giác run run trên tay".

Cảm giác này cũng rất đúng với nhà văn Nguyễn Văn Toại.

   Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *