Tác phẩm chọn lọc

15/4
10:51 AM 2017

VĂN HỌC THÁI LAN ĐƯƠNG ĐẠI

Vũ Thị Huế (Tổng hợp từ Wordswithoutbor Tders.org) Mui Poopoksakul, nữ nhà văn trẻ Thái Lan luôn day dứt một câu hỏi: Tại sao có rất ít văn học Thái Lan được dịch? Thái Lan là đất nước với khoảng 67 triệu người, tiếng Thái là tiếng mẹ đẻ thứ 25 trên thế giới. Với những con số này, văn học Thái Lan xứng đáng được quan tâm hơn.

                                                   Ảnh minh họa-Internet

Vậy mà, hầu hết những gì người ngoại quốc biết về Thái Lan chỉ là Phuket, mại dâm, hỗn loạn chính trị. Người Thái Lan tự hào có cá dưới nước, lúa trên đồng. Các nhà văn xứ sở chùa vàng thật sự mong muốn đất nước được nhìn nhận bằng con mắt khác.

Bản đồ Thái Lan mang hình lưỡi rìu, phần “lưỡi” tiếp giáp với Myanmar, Lào, Campuchia, phần “cán” kéo dài từ Vịnh Thái Lan tới cực Nam, giáp Malaysia. Thái Lan đương đại bị đè nặng bởi áp lực từ Quốc vương Bhumibol Adulyadej (1927-2016). Kể từ khi chuyển đổi từ chế độ quân chủ độc đoán sang chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932, hàng chục cuộc đảo chính diễn ra. Hiện tại, giới quân sự nắm vai trò điều hành đất nước.

Điểm chung của các nhà văn Thái Lan là sự quan tâm sâu sắc với chủ đề chính trị. Theo nhận định của biên tập viên kỳ cựu, nhà văn Suchart Sawasdsri, từ 140 năm trước, giới văn nghệ Thái Lan đã mang vai trò phê bình, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong quá khứ, văn học tiếng Thái là truyện thơ. Văn xuôi, tường thuật chỉ bắt đầu vào cuối thời Quốc vương Rama Đệ Tam, đầu thời Quốc vương Rama Đệ Tứ. Truyện ngắn đầu tiên xuất hiện vào năm 1874, trên Tạp chí Darunowat. Nó được xem như kết quả của sự ảnh hưởng từ phương Tây. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Thái Lan là tiểu thuyết mô phỏng, được “xào” lại từ Chuyện của một người bị lãng quên (The Story of One Forgotten) của Marie Corelli (Anh).

Dù tiểu thuyết đầu tiên của Thái Lan giống như “trò nhai lại”, nó vẫn mang sắc thái Thái Lan. Nếu bỏ qua tác phẩm này và nhìn vào những tác phẩm Thái Lan chính thức từ năm 1915, chủ nghĩa hiện thực phê phán hiển thị rõ ràng. Trong Cuộc trò chuyện giữa Jit và Jai (Nai Jit Nai Jai Sontana Gun) và Bốn chàng ngư dân (Chai Ha Pla Tung See), sự chỉ trích đối với tòa án hoàng gia và sự tham nhũng bắt đầu hình hài. Bốn chàng ngư dân thuộc thể loại hiện thực huyền bí. Nó kể về bốn người đàn ông với bốn tính cách và bốn đặc trưng khác biệt: Một người tai dơi, một người gò má thấp, một người thò lò mũi, người còn lại ba tay. Họ cùng đi câu cá. Người Thái Lan coi tác phẩm này như truyện ngụ ngôn. Văn xuôi Thái khởi đầu bằng yếu tố phê bình xã hội pha lẫn yếu tố huyền ảo.

Sau Marie Corelli, nhà văn ngoại quốc thứ hai được “nhại” là Rider Haggard (Anh). Khi Chuyện của một người bị lãng quên được dịch và xuất hiện trên Tạp chí Lukwittaya năm 1900, nó tạo nên sự bùng nổ. Bất kỳ cây bút Thái Lan nào muốn trở thành nhà văn hiện đại đều phải đọc qua. Truyện của Corelli tuy được chấp nhận rộng rãi ở Thái nhưng, nếu hỏi độc giả Anh hiện tại về bà, đa phần họ không biết.

Văn học Thái đặc trưng bằng quan điểm “vì cuộc sống”. Suốt nửa cuối Thế kỷ XX, “văn học vị thế tục” là tiêu chí sáng tác. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chiếm ưu thế. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa “vì cuộc sống” trong văn học trước và sau thập niên 1970. Trước 1970, “vì cuộc sống” là vì lý tưởng, chủ nghĩa xã hội, công bằng, tiến bộ. Sau 1970, “vì cuộc sống” bẻ lái qua chủ nghĩa hiện thực tư bản. Nội dung của các tác phẩm vẫn xoay quanh sự nghèo đói của người dân lao động song, môi trường xung quanh chuyển từ tầng lớp thấp nhất sang tầng lớp trung lưu. “Vị thế tục” lúc này hàm ý “sự phát triển của cuộc sống”. Tính nghệ thuật trở thành yêu cầu thiết yếu. Nhà văn Thái hiểu rằng văn học không phải sách giáo khoa. Họ cần thay đổi cách kể chuyện. Thế giới trong sách (Lok Nungsue) của Sawasdsri là nỗ lực cho sự thay đổi nhận thức này.

Nhà văn Thái đi theo hai xu hướng “vị thế tục” và “vị nghệ thuật”. Họ vạch ranh giới tách biệt rõ rệt. Sau Sự kiện Ngày 14/10/1973, cuộc nổi dậy dẫn đến kết thúc chế độ độc tài quân sự cầm quyền của thống chế chống cộng Thanom Kittikachorn, những tác phẩm theo quan điểm “vì cuộc sống” cũ không còn được yêu thích. Nhà xuất bản và độc giả khao khát những câu chuyện về tầng lớp thượng lưu, quý tộc, tư bản, ngân hàng, đầu tư chứng khoán,… hơn là đắm chìm mãi trong nỗi thống khổ của người nghèo. “Người làm nghệ thuật phải giống như nước chảy”, Sawasdsri viết. “Ngay khi bạn dừng lại, sáng tạo bắt đầu thối úng”.

Bước qua thập niên 1980, văn học tiếng Thái nặng “vì đam mê” hơn. Tác phẩm của họ không chỉ phân rạch trắng-đen, tốt-xấu, mà khai phá đa chiều, đào bới tới tận ngóc ngách sâu tối nhất của sự vật, sự việc. Tác giả toàn quyền tự do thể nghiệm dưới mọi hình thức, nội dung. Dù vẫn lấy nỗi đau của người dân làm gốc, văn xuôi Thái Lan vận dụng cách dẫn truyện phức tạp. Sang thập niên 1990, khoa học viễn tưởng ra đời, khởi đầu bằng tập truyện ngắn Chiến thắng của vuốt cọp (Chorparichart), sưu tầm truyện ngắn từ nhiều tác giả. Tuy nhiên, nó không đủ mạnh để trở thành một phong trào.

Những năm 1960-70, thời kỳ của nổi dậy và giải phóng, phản đối Chiến tranh Việt Nam, chống đế quốc, văn học đương đại tiếng Thái cũng chia sẻ mối quan tâm với các đối tác láng giềng. Họ gọi hình thức văn chương này là “văn học tìm kiếm”. Thế hệ trước 14/10, những người nắm vững lý tưởng chính trị, yêu cầu tác phẩm phải có thông điệp rõ ràng, nội dung, hình thức mạch lạc. Trái lại, thế hệ sau 14/10 cố gắng bước ra ngoài con đường định sẵn. Họ khao khát tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Nhân vật của nhà văn thế hệ sau 14/10 thường không có gốc gác hoặc mục tiêu rõ ràng. Họ mơ hồ về cuộc sống, cách sống, cả tương lai và kết thúc.

40 năm trở lại đây, nhà văn Thái Lan quay lại mối bận tâm truyền thống: Các vấn đề xã hội. Song, họ không còn sử dụng phong cách giáo điều cũ, thay vào đó là văn phong phóng túng, vui vẻ, hài hước. Từ năm 1932, Thái Lan, trên danh nghĩa, là đất nước dân chủ. Dù vậy, văn học Thái Lan không vì thế mà bỏ qua hiện thực đất nước. Nó phản ánh một Thái Lan vẫn chìm đắm trong mê tín dị đoan. Rất ít cư dân Thái Lan có tư duy khoa học. Ngay cả thể loại trinh thám, xu hướng sáng tác phổ biến trong bất kỳ nền văn học nào, cũng vắng bóng trong văn học tiếng Thái. Tiểu thuyết khoa học không phát triển. Không nhà văn hay tác phẩm nào của Thái Lan cho thấy tầm quan trọng của pháp luật, cái vốn là nền tảng của xã hội dân chủ. “Tiểu thuyết Thái như vũng nước tù đọng, thậm chí bốc mùi”, Sawasdsri nhận xét. Truyện ngắn và thơ phát triển hơn, cố tách khỏi vũng lầy trì trệ của tiểu thuyết nhưng, không có nhiều thay đổi trong hình thức của thơ. Cái duy nhất phát triển trong thơ Thái Lan, bất kể thơ tự do hay thơ truyền thống, là hàm ý chính trị. Các thi sĩ ngày càng khéo léo, thành thục trong việc che giấu ý tưởng.

Vấn đề xã hội được văn học Thái Lan chia theo dạng nhị phân, thành thị và nông thôn, trong và ngoài Thủ đô Bangkok, thống trị và hiện đại,… Sự tương phải giữa chúng được miêu tả bằng cuộc sống hàng ngày của cư dân Thái Lan cũng như các vấn đề ngày càng gia tăng trong một quốc gia đang phát triển, ví dụ sự phân biệt tầng lớp, đẳng cấp, truyền thống, lạm dụng quyền lực.

Trước sự phân tách rạch ròi này, nhiều nhà văn Thái Lan lên tiếng về sự mất mát của nhiều sắc thái. Chart Korbjitti, tác giả của những vết nứt trong lối sống cũ ở vùng nông thôn, đã không ngừng nhắc đi nhắc lại vấn đề. Sri Daoruang, nữ nhà văn Thái Lan hiện đại nổi bật nhất, cũng vậy. Bà không ngần ngại hướng bút vào các chủ đề táo bạo, thể hiện sự bức xúc với vị trí thấp cổ bé họng của phụ nữ Thái trong xã hội.

Bên cạnh “nữ anh hùng” Sri Daoruang, Duanwad Pimwana được xem như “ngọn hải đăng” của nữ nhà văn Thái Lan. Văn phong của cô điển hình bởi sự kết hợp giữa hiện thực xã hội với hiện thực kỳ ảo. Pimwana cũng là một trong sáu nhà văn nữ giành Giải thưởng Văn học Đông Nam á (S.E.A Write Award), giải thưởng văn học danh giá nhất do Hoàng gia Thái Lan đỡ đầu.

Thế mạnh của văn học Thái Lan thuộc về các nam nhà văn. Kutat Phu Kradat nổi lên như tiếng nói mới của vùng đông bắc Isan. Ông viết bằng phương ngữ, thể hiện sự thách thức với định mệnh trở thành công nhân nhập cư của người Isan. Tuy nhiên, vì viết bằng ngôn ngữ bản địa, với độc giả Thái Lan, thơ của Kradat hơi khó hiểu. Khác với Kradat, Prabda Yoon chia sẻ mối quan tâm về các vấn đề thanh niên Bangkok phải đối mặt bằng kỹ thuật tường thuật hậu hiện đại. Còn Uthis Haemamool đứng ra chống đối các khái niệm truyền thống về sự kiện và lịch sử. 

Sau 14/10, có một bầu không khí thiếu đoàn kết giữa các nhà văn Thái Lan. 40 năm trước, hầu hết các nhà văn, dù chia ranh giới “vị nghệ thuật” và “vị thế tục”, vẫn đứng chung một chiến tuyến chống chế độ độc tài, kêu gọi tự do và dân chủ. Cuộc đảo chính gần đây nhất chia họ thành ba nhóm: Nhóm đứng lên chống đảo chính quân sự, đòi bầu cử, tự do, dân chủ; nhóm về phe đảo chính; và nhóm tách mình ra khỏi sự hỗn loạn.

Hiện tại, sau 40-50 năm tích trữ, Thái Lan có một kho tàng văn học viết phong phú, bao gồm thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Poopoksakul, Sawasdsri cùng các tác giả khác hy vọng có thể mở rộng văn chương tiếng Thái bằng dịch thuật, chuyển thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhà nước Thái Lan vẫn đang chưa sẵn sàng cho việc này. Người sáng tạo, độc giả háo hức, nhưng người truyền tải (các tổ chức, ban giám khảo, giáo viên) thì không.

Nguồn: Văn Nghệ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *