THƯ CỦA NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG GỬI CHỊ GÁI- SỐNG ĐỂ VIẾT VÀ YÊU THƯƠNG
Nhà văn Trần Hoài Dương
Ở thời buổi lắm nghịch lý, tác giả bùng rộ một cách dễ dàng, văn chương suy giảm, mảng Văn học thiếu nhi ngày một thiếu vắng những cây bút chuyên sâu và có tài, độc giả đích thực của Kim Đồng lại nhớ đến các nhà văn của tuổi thơ. Sách cho trẻ em đặc biệt bởi sức sống của nó có thể lưu truyền thế hệ. Một nhà văn độc đáo và quý hiếm với tinh thần đề cao tuyệt đối sứ mệnh viết cho trẻ thơ là lý tưởng cuộc đời, luôn nhắc mình sống trong sáng, thánh thiện, chấp nhận mọi khổ nhọc để viết nên ngàn trang văn đẹp đẽ, trong ngần, thánh thiện, là Trần Hoài Dương (1943-2011). Từ truyện đầu tay “Em bé và bông hồng” (1963) đến ngày cuối cuộc đời ông vẫn viết cho trẻ em, trăn trở sửa từng chữ bản thảo “Huyền thoại về một loài chim cánh cụt” là tác phẩm cuối cùng xuất bản (2012) sau khi ông mất. Có phải quá tải cô đơn và bác ái, vị tha mà ông bị bệnh tim lâu năm? Ông đã ra đi hơn 6 năm, vào mùa Hè 2011 do nhồi máu cơ tim, trút hơi thở cuối cùng một mình trong ngôi nhà vắng - 56/38 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, tro cốt nhà văn gửi tại Thanh Minh Thiền viện, số 9, đường Trần Huy Liệu, phường 8, cùng quận, ở thành phố mà ông đã sống 30 năm.. Nhân dịp sinh nhật 60 năm, NXB Kim Đồng đã tái bản tập “Những truyện hay viết cho thiếu nhi” (28 truyện) và tự truyện “Miền xanh thẳm” - tác phẩm nổi bật nhất đời văn của ông. Sáng tác và tâm hồn, câu chữ và văn cách Trần Hoài Dương đồng nhất sự trong trẻo, đầy yêu thương, cả tin và đa cảm. Ít ai biết, lúc 25 tuổi, ông đã tự nguyện rời bỏ Thủ đô khi có công việc tốt, lên dạy học tại trường giáo dưỡng trẻ em phạm pháp tại Lục Ngạn, Bắc Giang, với ý muốn lăn lộn vào nơi thiếu thốn, chông gai, gia tăng vốn sống, thêm chất liệu để viết cho thiếu nhi. Là con thứ 6 trong gia đình 8 chị em (4 trai, 4 gái), mồ côi Mẹ từ khi lên 6, mẹ kế chính là dì ruột, nhưng nỗi tổn thương mất mát của chú bé Trần Bắc Quỳ (tên thật của nhà văn, sinh ở Bắc Ninh, quê gốc Hải Dương) khiến ông luôn cần quý và thấy thiếu tình cảm. Và hình như bởi thế, ông hằng yêu thương quá nhiều với cuộc đời, với mọi người. Tưởng nhớ Mẹ, ông lấy họ Mẹ ghép vào tên con trai duy nhất - nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh (SN 1978 tại Hà Nội), tác giả những tình ca được công chúng yêu thích: Cô gái đến từ hôm qua, Tuyết rơi mùa Hè, Chân tình... Nổi tiếng khi còn trẻ, hiện Trần Lê Quỳnh là Thạc sĩ, nhà báo, Phó Ban Việt ngữ Đài BBC, định cư cùng vợ và hai con trai Trần Vũ Kiên (2009) và Trần Nam Phong (2003) tại London, Anh - nơi anh đã được đón Bố sang thăm năm 2004, 2010. Lá thư này ông viết cho chị gái thứ hai, người thân thiết nhất - Trần Ngà (SN 1938, Thượng tá, nguyên BTV Âm nhạc, Xưởng phim Quân đội), cách đây 49 năm, khi ông đang sống thiếu thốn ở vùng đồi trung du Bắc Giang với mong muốn sẽ cảm hóa được các em hư thành những đứa trẻ ngoan, có ích. Tuy là thư riêng, nhưng chứa cốt cách và khát vọng sống của nhà văn. Được sự thuận tình của bà Trần Ngà, chúng tôi công bố lá thư này cùng bút tích của nhà văn với người Chị mà ông coi như người Mẹ. Tôi tin, nếu Trần Hoài Dương còn sống đến hôm nay, ông cũng vẫn sống và viết bằng thiên lương đáng trân quý ấy, để chúng ta cùng thấy sự thiếu vắng, tổn thất khi vắng những nhà văn giàu tâm huyết và ước mong có được.
Trần Hoài Dương còn để lại nuối tiếc lớn bởi ông đầy ắp ý tưởng và nung nấu mãnh liệt viết cho tuổi thơ. Những thua thiệt của đời ông được bù đắp lại bằng chính di sản tinh thần mà ông cống hiến cho đời, những tác phẩm thuần khiết, thiết tha hướng các em tới những cái đẹp và lòng cao cả.
Nhà thơ VI THUỲ LINH
THƯ GỬI CHỊ GÁI(*) SỐNG ĐỂ VIẾT VÀ YÊU THƯƠNG
TRẦN HOÀI DƯƠNG
Lục Nam, ngày 2-7-1968
Chị yêu thương của em!
Em vừa nhận được thư chị chiều hôm qua, chị ạ. Như vậy là vừa đúng 20 hôm, thư mới đến nơi. Đọc thư chị giữa lúc vừa đi lao động về, em thấy hết cả mệt nhọc, em vui vô cùng. Chị hãy luôn viết thư cho em, chị nhé. Em không cần gì ngoài tình thương yêu của chị. Không hiểu sao em đã lớn rồi, em vẫn muốn được sống trong sự trìu mến quan tâm của người thân, nhất là của chị, chị chiều em một tý, chị nhé.
Em vẫn khỏe, ăn uống, sinh hoạt vẫn như hôm trước em kể. Em cứ nghĩ cái quý nhất là tình yêu thương, mọi chuyện ồn ào rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại cái lõi cuối cùng của tình cảm. Hãy trân trọng ngày còn ở gần nhau, chắc gì em đã được ở gần chị mãi mãi? Thôi, em không nói đến chuyện ấy nữa, em thấy buốt ngực lắm.
Em công tác vẫn bình thường, nghĩa là rất mệt nhọc và căng thẳng. Chị không thể nào hiểu hết được em đã sống như thế nào: day dứt, thiếu thốn… đến mức khó mà tưởng tượng được. Tuy vậy, em không chán nản đâu. Nhiều lúc sống sao mà khó khăn, em cứ nghĩ mà phát sợ. Đã có lúc em cảm thấy ngột ngạt tưởng chỉ sống thêm một ngày như thế nữa cũng thật là vất vả. Rồi em vẫn sống được, không phải sống một cách gắng gượng mà là sống có ý thức rõ rệt và nhiều khi thích thú nữa.
Đêm qua em thức đến gần 2 giờ sáng chị ạ. Chiều lao động mệt lắm rồi, chỉ mong tối đến để lăn ra ngủ. Ở đây, em sống mệt lắm, song em có một niềm an ủi lớn là: tất cả, tất cả mọi khó khăn, mọi lo buồn và vui sướng sớm muộn đều có ích cho những trang viết. Em cứ nghĩ càng khó khăn bao nhiêu em càng thích thú bấy nhiêu vì rồi mọi khó khăn sẽ qua, miễn là mình đừng có ngã. Mà em thì chẳng thể nào ngã được đâu, nhất định thế. Tùy theo quan niệm của mỗi người về hạnh phúc. Riêng em thì em cho hạnh phúc chính là được thử thách, được rèn luyện và được sống đúng theo lương tâm mình đã nghĩ. Có lẽ cuối cùng em vẫn chỉ là một người rất bình thường thôi, một “ông giáo làng”, hưởng mức lương tối thiểu, em chẳng buồn đâu. Có phải mọi con sông đều chảy ra tới biển lớn cả đâu? Trên đời, bao nhiêu con sông chẳng bao giờ được gặp biển, dù sao chúng vẫn là sông chứ không phải là rãnh nước quẩn quanh nơi xó bếp!
Không nguôi khát vọng muốn viết văn, đặc biệt viết cho trẻ em, em muốn được chuyển đến nơi nhiều gian khổ khó khăn hơn, với hy vọng mình sẽ có thêm nhiều vốn sống để viết. Em sợ cứ sống mãi với lý luận khô cứng, với cuộc sống yên tĩnh bên sách vở, xa rời sôi động ngoài đời, tâm hồn mình sẽ nghèo nàn chẳng có gì đáng viết. Nhiều người cho là dại dột, là hoang tưởng, là mơ mộng hão huyền, không thực tế, khi em xin chuyển công tác khỏi Tạp chí Cộng sản, để về làm việc ở trường giáo dục trẻ em phạm pháp heo hút mãi tận huyện Lục Nam, Bắc Giang. Cắt hộ khẩu khỏi Hà Nội để lên đó sống, một điều thời đó hầu như không ai dám liều lĩnh như vậy. Chỉ với ý nghĩ: được lăn lộn trong cuộc sống, có cái mà viết sau này. Và quả thật, thời gian sống ở đây đem lại nhiều vốn hiểu biết, em cảm thấy đời mình phong phú hơn rất nhiều. Do em quá nhiệt tình muốn đi vào nơi gian khổ hơn, hy vọng sẽ cống hiến được nhiều hơn, không được lòng Tổ chức, nên chỉ chút xíu nữa người ta khai trừ em ra khỏi Đảng.
Hôm trước, em về, đi qua mấy quầy bán hoa ở Bờ Hồ. Em bỗng xúc động vì đàn con ong nhỏ bé đang chăm chỉ hút nhụy không phải ở những bó hoa bình thường, mà là ở mấy vòng hoa chuẩn bị mang đi viếng người chết. Chị hiểu ý em không? Những con ong ấy mới đáng quý làm sao! Chúng cần cù đi tìm nhụy hoa, chúng lăn cả vào nơi tưởng như sắp sửa bỏ đi, để cố chắt lọc ra sự sống, từ đó chúng tạo ra chất ngọt cho đời…Em biết em sẽ còn cực nhọc rất nhiều, thậm chí sẽ có lúc em bi quan tuyệt vọng nữa, nhưng em không than thân trách phận đâu.
Em vui lòng, bình tĩnh chờ đón tất cả. Chị cứ tin ở em, em sẽ mãi xứng đáng là đứa em của chị. Chị đừng hy vọng gì em sẽ là thế này thế nọ, em sẽ chẳng là gì cả, em chỉ là đứa em luôn luôn bé bỏng của chị và là người biết sống có lý tưởng, có nghị lực để thực hiện lý tưởng đó. Điều an ủi lớn nhất của em là: em đã sống, ngay thẳng, sống đúng với điều mình suy nghĩ, sống không có gì trái với lương tâm và đã biết cưỡng lại số phận thường hay bắt mình sống một cuộc sống tầm thường.
Còn về chuyện yêu đương của em, cho đến nay thì vẫn chưa có gì đáng tiếc xảy ra. Đây là một dịp sàng lọc con người. Em nghĩ rằng tình yêu phải giúp cho người ta lớn lên, người yêu phải là người bạn đời, người đồng chí có thể cùng mình chịu đựng mọi thử thách để thực hiện lý tưởng, chứ không phải yêu nhau chỉ cốt để có một gia đình êm ấm và sinh con đẻ cái, chỉ biết sống cho riêng mình. Em không nghĩ viển vông đâu. Em không còn ở cái tuổi nghĩ viển vông nữa rồi. Phải nhìn thẳng vào thực tế, phải biết xử lý sao cho tốt, nếu không sẽ bị sự thật tàn nhẫn đào thải. Em biết thế, vẫn nghĩ như thế. Em rất muốn sống ở Hà Nội, em thèm được đọc sách, em thèm được nghe nhạc…quá chừng, em đáng được sống ở Hà Nội hơn rất nhiều người khác. Thế mà em vẫn đi xa Hà Nội.
Em thiếu tình cảm, em rất cần được sống yêu thương, chắc không nói thì chị cũng hiểu em rồi, nhưng giữa lúc tình yêu bắt đầu chớm nở, em lại ra đi. Em biết em phải hy sinh nhiều lắm chứ, và đâu thể sống khác được. Em chán lắm rồi cái cảnh sống quá an nhàn, nhiều khi quá tầm thường nữa. Em buồn nhiều năm, một phần rất lớn do cảm thấy mình sống quá bình thản trong lúc sôi sục này. Chị ạ, em nghĩ về X rất nhiều, rất nhiều, chẳng biết làm thế nào hơn được. Thôi cứ để cho thời gian sẽ trả lời. Tình yêu chân chính sẽ có thể chịu đựng được mọi sự xa cách và thử thách. Liệu rồi sẽ ra sao? Em nghĩ lắm lúc cứ rối tung cả lên.
Em muốn nói với chị rất nhiều mà không sao nói hết được. Trước mặt em còn cả một con đường dài đầy thử thách. Liệu tương lai sẽ dành cho em những gì? Chưa thể nào nói chắc chắn được, chỉ có chuyện này là chắc chắn: tý nữa em sẽ lại ngồi nhai hai cục bột luộc với bát canh rau muống nấu suông, lại lau mặt bằng chiếc khăn nhúng nước từ trưa mà em không dám căng ra phơi, chỉ dám thu gọn lại cho ướt lâu vì nước ở đây rất xa và rất đục. Mặc dù vậy, em vẫn không thể nào không nghĩ đến những trang viết mai sau. Vừa nhai bánh em vừa nghĩ đến cách làm thế nào cất bát nước ở đâu, để chốc nữa có nước mà uống vì cất đâu chúng nó (đám học trò hư) cũng lục ra được.
Và em thường trực nghĩ đến hình ảnh những nhân vật của cuốn sách tương lai mà bây giờ em đã bắt đầu thấy thấp thoáng hình bóng chúng…
Em của chị.
T.H.D
(*)Thư của Trần Hoài Dương viết từ Trường giáo dục trẻ em hư của Bộ Giáo dục Đào tạo, Lục Nam, Bắc Giang gửi về cho chị gái Trần Ngà.
Nhà văn Trần Hoài Dương tại Anh năm 2004.
Nhà văn Trần Hoài Dương và cháu đích tôn Trần Kiên năm 2010.