Tác phẩm chọn lọc

5/7
5:25 PM 2017

NGƯỜI NỐI DÕI-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THỊ BÍCH VƯỢNG

Đứng trên mặt đê nhìn xuống, làng cổ Phú Lâm chừng mấy trăm nóc nhà lẩn khuất sau những khóm tre. Cạnh nhà thờ họ Trần là cây gạo cao vót lên, đang thả những bông hoa to bằng nắm tay xuống mặt thảm cỏ.

Bên kia sông vẫn còn nguyên dấu vết của trận bão mùa trước. Cả một cánh bãi mênh mông, những vạt chuối tiêu đổ la liệt chưa gượng dậy được. 

Làng Phú Lâm có từ xưa, có nhiều dòng họ lập nghiệp. Sau họ Nguyễn là họ Lê rồi đến họ Trần. Ông tổ họ Trần vốn là lính thú triều đình, dẹp xong giặc về qua đây, thấy đồng bãi trù phú, liền tậu vườn lập nghiệp đã hơn năm trăm năm. Đến đời ông Trần Tư là đời thứ mười tám. Mà cũng thật lạ, nhìn trên cây gia phả, họ Trần liên tục có đến năm đời độc đinh. Đẻ nhiều nhưng nuôi chỉ được một. Ông bà cụ nội của ông Trần Tư đều mất sớm, để lại đứa con trai chưa đầy mười tuổi. Ông Trần Ba, ông cụ bốn đời của ông Trần Tư trơ trọi như cây gạo cạnh nhà thờ họ. Trẻ mồ côi chóng khôn. Ông Trần Ba lớn lên khỏe mạnh, lại thích võ nghệ, bơi lặn như rái cá, lại thạo việc đồng bãi nên các cô gái làng mê tít. Nhưng trong phúc đã ẩn mầm họa. Ông Trần Ba và ông Sằn đều mê cô Nụ đẹp nhất làng. Sằn là con một ông lão gốc Tàu, Quảng Đông, giạt từ trên phố Hiến về đây, làm nghề cúng bái, phù thủy bên kia sông. Dân làng Phú Lâm vẫn kể, bố con Sằn đêm đến thường đi khắp các đình chùa trong vùng đào bới vụng trộm, hình như tìm kiếm, lục lọi thứ gì đấy mà ông tổ mấy đời của họ cất giấu đâu đó, trước khi được quân ông Quang Trung Nguyễn Huệ tha chém, cho về nước. Ông Ba và ông Sằn hậm hực đe loi mãi không ai chịu ai, hai người con trai đưa nhau ra tỉ thí trước cổng nhà thờ họ Trần, cạnh cây gạo. Sằn cậy khỏe, hoa chân múa tay tỏ ý xem thường, bị ông Trần Ba lẳng cho một cái đâm đầu vào gốc gạo, máu phun thành dòng, không đứng dậy được nữa. Nghe tin con bị nạn, bố Sằn bơi đò vội sang, thì chỉ còn kịp lầm rầm mấy câu gì đó trước cây gạo, rồi lặng lẽ đẽo một mảnh vỏ gạo mang về bên kia sông chôn cùng với đứa con trai. Lâu ngày, vết chém sần sùi, nham nhở hệt như một con mắt dị hình trên thân cây gạo. Cũng từ đó bọn trẻ không còn dám ra nô đùa quanh gốc gạo nữa.  

Ông Trần Ba lấy cô Nụ đầu năm thì cuối năm sinh con. Đêm sinh ông nội ông Tư, mưa to, gió lớn. Nước từ đâu kéo về mấp mé mặt con đê, đỏ ngầu, cuồn cuộn như có long xà hà bá quần nhau dưới đó. Đứa bé khóc ngằn ngặt ba tháng liền mới thôi. Xóm giềng bảo khóc dạ đề. Họ không hề biết, đêm ấy, bố Sằn đội mưa mang hương vàng đồ lễ đến khấn vái bên gốc gạo, rồi khi trở về bên kia sông, ra đến giữa dòng, sóng to cuốn trôi cả đò và người, tìm mãi không thấy, chỉ còn những bó hương đốt không cháy vương vãi cạnh nhà thờ họ Trần. Có người chép miệng, thôi cũng đành một kiếp người lúc sống theo nghề bí hiểm, chết theo sông nước bất kỳ.

 Ông Trần Ba và cô Nụ rồi cũng chỉ sinh mỗi một đinh là ông cụ ông Trần Tư. Sau ngày đi bộ đội về, có lúc đứng bên cây gia phả, ông Tư thầm cảm ơn các cụ tổ đã kiên cường gìn giữ không để đứt mạch dòng họ. Mặc dù nhìn cây gia phả, họ Trần đến đoạn năm đời độc đinh kia như dòng sông đang chảy chợt thắt lại chỉ còn như mạch nước nhỏ lách qua khe đá hẹp, có thể đứt bất cứ lúc nào!. Nhưng dù nhân lực không bề thế bằng các họ khác, bù lại, họ Trần lại có nhiều người đỗ đạt và nhà ai cũng khấm khá, không đứt bữa bao giờ, cả khi mất mùa bão lụt.

Năm ông Tư vào bộ đội, chính quyền xã đến tận nhà khuyên nên để dịp sau, anh là con một, nhưng ông Tư không chịu. Bố ông Tư nghe vậy buồn lo không ăn không ngủ. Nhưng biết tính con, thay vì ngăn cản, ông lại ra điều kiện buộc ông Tư phải cưới vợ trước khi nhập ngũ. Chiến tranh xưa nay có chừa ai… Ông cụ không dám nghĩ tiếp. Cưới vợ cho nó may ra có đứa cháu. Ông bà cũng đã già rồi. Vậy là ông Tư trong một tháng vừa sửa lại cho bố cái nhà vừa lo hỏi vợ. Bà Phổ về làm vợ ông Tư lúc chưa đầy mười tám tuổi, đang học cấp ba trường huyện, phải xin nghỉ học mấy hôm để lo đám cưới. Đám cưới có vẻ gấp gáp nhưng thời chiến mọi việc đều phiên phiến nên ai cũng thông cảm cho đám trẻ, cho gia cảnh nhà ông Tư. Nhưng rồi, ba tháng sau khi Tư vào bộ đội, Phổ viết thư báo điều mong mỏi của bố mẹ và của anh vẫn chưa đến. Tư thương bố mẹ, thương Phổ vô cùng. Rồi đơn vị Tư được lệnh vào Quảng Trị.

*

- Bác Phổ có ở nhà không đấy?

Tiếng thím Quá, cô em dâu họ bà Phổ vọng vào. Bà Phổ chưa kịp ra thì em dâu đã đến trước thềm. Thím ấy vẫn thế, miệng nói chân đi, làm cái gì cũng nóng như ngô rang trên chảo.

- Em có chuyện quan trọng muốn bàn với bác đây

- Quan trọng gì thì cũng phải thư thả, thím vào nhà uống chén nước đã nào.

 ​Vừa cầm chén nước lên, thím Quá đã ghé sát tai bà Phổ nói nhỏ: Là việc lo người nối dõi dòng họ Trần nhà mình bác ạ. Ra thế, bà Phổ bỗng nhiên ngồi thừ ra như người mất hồn.  

- Không được! Thím ơi, nhà tôi hình như vô phúc thím ạ. Cũng có lần tôi lựa lời nói với ông Tư về việc đó. Nhưng thím còn lạ gì tính nhà tôi. Ông ấy gạt đi. Nối dõi cái gì? Bà tưởng tôi dễ thường là cục đất không biết lo nghĩ gì chắc? Ông ấy mắng cho đấy!

- Em không nói anh Tư đi lấy vợ bé!

Bà Phổ đã nhận ra ý định của thím Quá. Bà nghĩ ngay đến gia cảnh nhà mình. Thằng Đông vừa mất chưa được nửa năm, bà đang đứt từng khúc ruột mỗi khi nghĩ đến cảnh nó lăn lộn đau đớn trước khi mất vì khối u do chất độc da cam chẹn vào cổ họng không thể thở được. Thằng Hà thì có lành lặn đâu, nó ốm đau liên tục. Những cục u sau lưng càng ngày càng tím lại như những miếng thịt trâu. Thuốc thang ai mách gì chạy nấy, tìm bằng được mà nào có đỡ. Ông Tư còn sang tận Thái Bình gặp những người cùng đơn vị chiến đấu với ông hồi ở Quảng Trị, cùng một cảnh ngộ con bị nhiễm chất độc da cam hỏi cách chữa trị. Đi năm lần bảy lượt, càng đi, về nhà càng buồn, càng cáu bẳn. Chán, ông bà cứ để mọi việc trôi trong buồn tủi. Giờ nghe thím Quá nói vậy, bà không khỏi giật mình:

- Không được thím ạ.

- Bác lo cũng phải. Nhưng các cụ vẫn chẳng bảo nồi nào vung ấy là gì. Em nói chẳng phải ngoa chứ thằng Hà đi hỏi vợ còn dễ hơn khối kẻ lành lặn đấy. Nhà mình không giàu có gì nhưng cũng nhiều kẻ ghen tị đấy. Hai bác cứ quyết, việc khác em lo. 

Bà Phổ vẫn ngồi như không động đậy. Thím ấy xưa nay là người nói là làm. Nhưng việc này không phải cứ muốn là được, không phải cứ thò tay vào túi áo là lấy ra được. Không khéo lại mang tiếng cười chê vào mình.

Thấy bà Phổ ngồi im, thím Quá liền ghé gần bên bà:

- Em đã có chỗ nhắm rồi.

- Thím không nói đùa đấy chứ?

- Hoàn cảnh hai bác đã vậy. Em còn lòng dạ nào để đùa cơ chứ. Bấy lâu em cứ lân la ướm hỏi. Con bé có vẻ ưng bác ạ. Em thấy được lắm. Nhà người ta cũng quý nhà mình.    

- Nó là ai? Con cái nhà nào?

- Cái Lý con xóm Chùa ý.

Bà Phổ nghĩ ngợi một lúc rồi giấu một tiếng thở dài:

- Không được! Thằng Đông nhà tôi mất chưa đầy năm, giờ lại đi hỏi vợ cho thằng Hà, tôi thấy cứ làm sao ấy.

- Anh em có phúc có phận. Lo được việc gì thì lo. Hơn nữa gia cảnh nhà mình thế này người ta thông cảm mà bác. Các cụ vẫn bảo lấy vợ thì cưới liền tay. Với thằng Hà lại càng phải tiến hành ngay bác ạ.

Bà Phổ im lặng. Bà nghĩ mà thương con, buồn tủi cho phận mình. Bà chờ ông Tư gần mười năm. Một tay bà công việc đồng bãi, chăm sóc bố mẹ chồng không một mảy may sơ suất. Ngày ông Tư từ chiến trường về bà không còn xuân sắc như hồi mới cưới, nhưng bù lại tấm thân hình cá trắm của bà như lò lửa than bấy lâu ủ kín, chợt bùng cháy dữ dội như chỉ muốn thiêu đốt. Rồi bà mang bầu. Rồi những ngày chờ đứa bé ra đời. Ông bà sắp có cháu nội. “Đặt tên con là gì anh nghĩ chưa?”. Bà Phổ vừa xếp lại xấp tã lót vừa hỏi vọng vào chỗ ông Tư đang ngồi bên chiếc điếu bát. “Tôi nghĩ rồi, nếu trai gái gì cũng tên Đông, đứa sau trai gái gì cũng tên Hà, tôi suýt chết một lần ở Đông Hà, sống được mà về là cũng nhờ phúc đất ấy”. Cả nhà vui như đang cùng một nhịp đập với những cái đạp chân của đứa bé trong bụng. Khỏi phải nói khi thằng bé sinh ra, ông Tư cả ngày quanh quẩn bên con. Cả nhà ai cũng luôn chân luôn tay, nào sữa, nào tã lót, nào đồ chơi, nào cháo bã. Ông bà mãn nguyện ra mặt khi nhìn đứa cháu nội. Dòng họ Trần tuy không đa đinh, nhưng vẫn như con sông chảy không ngừng qua các thế hệ. 

Nhưng thằng Đông càng lớn lên càng còi đi. Rồi những cục u bầm như máu xuất hiện hai bên mang tai nó. Lúc nó lên năm tuổi, bà Phổ vừa mang bầu đứa thứ hai, tức thằng Hà bây giờ, vừa cõng thằng Đông đi khắp bệnh viện tỉnh, rồi bệnh viện trên Hà Nội chữa bệnh cho nó. Các bác sĩ nói ông Tư bị nhiễm chất da cam nên các cháu mới vậy. Rồi thằng Hà ra đời. Lần này không còn hồi hộp chờ đợi như lần sinh thằng Đông, mà là lo lắng phấp phỏng. Từ lúc thằng Hà mới sinh ra cho đến mãi về sau, không đêm nào ngày nào bà Phổ không sờ sẫm khắp mình thằng bé. Bà sờ nắn xem con có lành lặn, đầy đủ các bộ phận cơ thể không. Khi nó lớn lên bà lại lo bàn tay mình có ngày sẽ vấp phải thứ gì đó đầy sợ hãi xuất hiện trên người thằng Hà. Cho đến một hôm vừa cởi áo thằng bé định tắm cho nó, bà Phổ như khụyu xuống khi nhìn thấy những vệt đỏ bầm trên tấm lưng tội nghiệp của con. Mắt bà nhòe đi…

- Bác đang đắn đo gì à?

Bà Phổ khẽ giật mình trước câu hỏi của thím Quá. Như không biết mình đang ở đâu trong câu chuyện với thím Quá, bà Phổ lóng ngóng đưa tay chùi nước mắt rồi lúng túng:

- À, ờ... Không đắn đo sao được thím. Thằng Hà nhà tôi thím biết đấy, ngoài hai mươi rồi mà đã biết làm gì đâu. Hôm nọ nó bóp cổ con mèo và dìm xuống bể nước lâu đến nỗi con mèo chết đơ ra. Dạo trước cũng vậy, bác Thi xã bên sang chơi vừa dựng chiếc xe đạp cạnh đống rơm, nó đã mang đi dìm xuống ao. Cả nhà tưởng mất trộm, tìm mãi mới thấy. Nó chỉ thích dầm mình dưới nước. Bố nó đe mà nào có ăn thua gì. Hình như nó nóng trong người nên vầy nước cả ngày. Tôi sợ lắm… Xứ mình đồng bãi, ngoài đê sông nước ào ào…

- Bác đừng quá lo xa. Hôm trước nó có tên trong danh sách cử tri đi bầu cử. Nó bỏ cho nhà em một phiếu đấy. Khôn phết đấy!. Em biết chuyện hỏi vợ cho thằng Hà cũng quan trọng nên bàn với bác vậy. Bác cứ bàn với bác giai rồi vài hôm em lại sang.

Thím Quá về rồi bà Phổ mới thực sự trống trải như không còn ai để giãi bày những mắc mớ như tơ vò trong bụng. Một mình bà làm sao quyết nổi việc hỏi vợ cho nó. Thằng Hà cũng không phải trẻ nữa, nhưng hình như nó không nghĩ mình đã lớn. Bà lo cưới vợ về khéo lại làm trò cười cho cả làng. Thật ra thâm tâm bà cũng muốn con trai sớm yên bề gia thất. Cũng đã đến lúc bà muốn được có cháu bế ẵm rồi.

Buổi chiều ông Tư đi làm cỏ ngô về, đợi cho ông rửa ráy, nghỉ ngơi, cơm nước xong bà mới lựa lời:

- Ông này, sáng nay thím Quá sang nhà mình chơi…

Mới nghe đến đó, ông Tư đã ngắt lời bà Phổ:

- Tôi già rồi, lại ở trong tổ chức nên không được đâu. 

- Không, là thím ấy bàn chuyện hỏi vợ cho thằng Hà nhà mình. Ông xem, con cũng đã lớn rồi, có khuyết tật, nhưng tôi thấy thiên hạ cũng ối người tàn tật mà vẫn nồi niêu rổ rá thành đôi thành cặp cả đấy thôi.

Ông Tư như không hề đợi tình huống này. Không phải ông không hề nghĩ đến, mà chán không muốn nghĩ đến. Mấy anh bạn bên Thái Bình cũng từng hỏi vợ cho con, nhưng rồi có ra cơm cháo gì. Nghe bà Phổ nói vậy, ông lặng đi, phần thương vợ, phần lo lắng, phần ân hận vì mình mà nên nỗi. Đêm nào ông cũng tưởng tượng cây gia phả họ Trần đến đời của ông như que diêm trước gió? Ông khẽ thở dài:

- Thím ấy nói thế nào?

- Còn thế nào nữa…

- Thôi thế tùy bà”!

Rồi đám hỏi, đám cưới được tổ chức sau vài tháng hai bên đi lại chuẩn bị. Vợ chồng ông Tư bà Phổ nguôi ngoai phiền não, tập trung lo việc cưới vợ cho Hà. Từ hôm đó tối nào nhà ông cũng sáng trưng ánh điện. Nội ngoại kẻ ra người vào, mỗi người một chân một tay lo cho đám trẻ. Thím Quá bàn với cả họ phải làm đám cưới thật chu đáo, hoành tráng. “Nhà mình không đến nỗi, lại duy nhất chỉ có lần này thôi.Hai bác không phải lo gì cứ cho ý kiến để bọn em thực hiện”. Ông Tư sắm chút lễ sang nhà thờ họ. Ông đứng rất lâu trước bàn thờ, đốt hương lầm rầm khấn vái, cầu nguyện xin phép tổ tiên phù hộ lo việc cho con trai. Ngoài kia cây gạo đứng trơ trọi trong ánh chiều vàng nhạt. Cái vết sẹo hình mắt người như đang liếc xéo. Ông Tư thấy như có ai đốt lửa sau gáy.

Thế là đám cưới diễn ra hoành tráng đúng như bàn bạc của thím Quá. Danh sách mời ăn cỗ gần như hết cả làng. Ai cũng quý ông bà ông Tư, lại thương cháu Hà nên ai cũng đến chia vui. Nhà nào có ô tô đều được huy động. Rạp dựng tràn cả ra vườn. Tiếng nhạc xập xình suốt ngày đêm. Các dì, các cô được dịp tô son vẽ phấn, áo dài quần chùng tưng bừng. Nhà trai đi theo kiểu vòng thúng cho xa một tý chờ đến giờ tốt rồi mới vào nhà gái đón dâu. Chú rể trong bộ com lê màu ghi, sơ mi trắng cà vạt đỏ vừa bước xuống từ chiếc ô tô Porsche nom thật sang trọng. Thím Quá váy chùng đi bên cạnh. Cả nhà trai tươi cười tay bắt mặt mừng trước họ nhà gái. Thằng Hà từ nãy đến giờ vẫn giữ bộ mặt nghiêm túc như đã được thím Quá dặn đi dặn lại, lúc này dường như quên khuấy mất, nhảy lên với một quả bóng bay đang tuột khỏi tay một đứa trẻ khác. Thím Quá vội chạy theo giữ Hà lại. Nó cười hềnh hệch. 

Kia rồi cô dâu. Lý trong bộ váy màu trắng muốt dài xòe trùm đất, đầu đội vương miện óng ánh, đôi hoa tai vàng lủng lẳng, tay cầm bó hoa hồng sóng bước lên xe cùng với chú rể. Thím Quá rất vui khi thấy cháu dâu rất hợp với đôi hoa tai do thím tặng. Bà con lối xóm đứng nép hai bên đường cho xe đi. Ai cũng mừng cho cô dâu chú rể.

Buổi tối hôm ấy, cũng đã hơi muộn, sau khi họ hàng đã vãn, thím Quá ghé tai thì thầm với bà Phổ điều gì đó rồi cũng ra về. Bà Phổ một mình chuẩn bị giường chiếu cho đôi trẻ. Ga nệm trắng tinh làm bà rất yên tâm. Bà kéo con dâu lại rồi chờ cho con trai ra ngoài, bà dặn con dâu như thế, như thế. Chẳng biết bà nói gì mà cái Lý đỏ mặt lên rồi dúi đầu vào vai mẹ chồng như đang rất xấu hổ. Bà ôm lấy con dâu và nhận ra cơ thể đang nóng rực của Lý. Bà biết nó sẽ là đứa mắn đẻ. Nghĩ tới đó lòng dạ bà vui lắm. Bà Phổ gọi con trai vào dặn dò hai đứa đi ngủ tắt đèn tuýp đi, chỉ để đèn ngủ thôi, rồi trở về buồng của mình. Bà nằm mãi mà không chợp mắt được. Ừ, nếu như con người ta, bà chẳng phải dạy chúng. Bà nghĩ lại cái đêm đầu tiên ông Tư đặt tay lên ngực đang căng cứng của bà. Hồi đó bà và ông Tư cũng bằng tuổi chúng nó bây giờ. Cảm giác vừa hồi hộp vừa lo sợ. Lúc này bà cũng hồi hộp lo sợ nhưng không phải như lần ấy. Bà lo con dâu và con trai không biết có làm ăn được gì không. Mà sao lại không biết nhỉ? Thì có ai dạy ông Tư và mình đâu. Con cào cào châu chấu, lũ chuồn chuồn có ai dạy chúng đâu mà chúng cũng quấn riết vào nhau, cả khi đang bay cũng làm chuyện ấy. Ông giời sinh ra chuyện ấy là để có con, có cháu, có đàn, có lũ, có giống, có nòi. Nhưng với hai đứa trẻ kia thì sao bà thấy lo lo. Bà Phổ bước ra khỏi giường đến bên vách  phòng của cô dâu và chú rể. Qua ánh sáng mờ mờ của căn phòng, bà thấy cô con dâu đang làm những việc như bà dặn. Con bé biết nghe lời. Bà Phổ thầm vui.

Những hôm sau bà Phổ nghe như tiếng ai đó lăn đánh uỵch xuống nền nhà. Chắc chúng nó mải vần nhau rơi xuống đất. Rồi lại thấy tiếng dội nước ào ào trong nhà tắm. Chắc thằng bé mệt và nóng nên ra dội nước. Mệt là phải, trẻ nào chẳng thế. Ngày trước ông Tư mệt là vậy mà đang đêm còn hì hụi làm sập cả cái giường cơ mà. Nằm cạnh ông Tư lúc này, nghe tiếng động từ phòng bên, bà những muốn được chồng ôm mình một cái thật chặt, vậy mà ông ấy cứ ngáy như thổi lửa, nồng nặc hơi rượu. Từng đường gân, thớ thịt đã có phần nhão trên ngực, hai bên hông của bà như đang thức dậy, đang cựa quậy cất tiếng gọi thầm kín. Ngày xưa cơ thể của bà cũng như cơ thể của cái Lý, con dâu bà, có biết mệt bao giờ!

Nhưng rồi những đêm sau nữa, bà Phổ nghe như có tiếng thút thít của con dâu vọng sang. Tiếng thằng Hà đang dỗ vợ nín đi kẻo bố mẹ nghe thấy đấy. Thằng Hà thương vợ nhưng mặc cảm vì mọi cố gắng của mình càng làm Lý bực bội. Nó quàng tay ôm Lý vào lòng như sợ có ngày Lý sẽ bỏ nhà đi, khi nhận ra phần nửa dưới của cơ thể vợ đêm nào cũng ướt đẫm. “Thôi anh ngủ đi”. Lý bỏ tay chồng ra. 

Một buổi sáng thức dậy, thấy hai đứa với dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi. Vào buồng của chúng giả vờ tìm cái chổi quét nhà, thấy ga đệm vẫn trắng tinh không một vết lạ gì, bà Phổ biết điều bà mong mỏi chưa đến. Ra bể nước gặp con dâu đang đánh răng rửa mặt, hai con mắt mòng mọng, bà Phổ gặng hỏi nhưng con dâu ấp úng “có sao đâu mẹ”. Nhưng với kinh nghiệm của một bà mẹ, bà Phổ biết điều lo lắng của ông Tư về con trai trước khi ông bà bàn chuyện hỏi vợ cho nó, đã thành sự thật. Rồi Lý lấy cớ, bỏ về nhà mấy hôm thăm mẹ ốm. Suốt mấy hôm ấy Lý quanh quẩn chơi với mấy đứa nhỏ con chị cả. Nghĩ lại những đêm ở nhà chồng, Lý thương chồng bao nhiêu thì lại bực mình bấy nhiêu. 

*

Thím Quá cảm thấy mình như người có lỗi trong chuyện này, cũng hết sức tìm cách giúp đôi vợ chồng trẻ. Những điều cái Lý khó nói với mẹ chồng thì lại có thể tâm sự được với thím Quá. Thím biết thường đêm không làm ăn gì được thằng Hà đã nhiều lần đạp cái Lý rơi uỵch xuống sàn nhà, rồi đi dội nước ướt từ đầu đến chân. Thím biết dù có tìm mọi cách cái Lý hầu như không thể đánh thức được cái phần đàn ông trong chồng mình. Thím biết cái Lý đôi lần đã tự rơi từ trên giường xuống để hạ hỏa cơn thèm khát đang sôi sục trong người…

Nửa năm sau ngày cưới vợ cho con trai, ông Tư lại sang Thái Bình gặp những người đồng đội đã từng nhập ngũ một ngày với ông. Lần này có cả bà Phổ, vợ ông cùng đi. Ông bà muốn hỏi kinh nghiệm những người bạn có con bị nhiễm chất độc da cam thì có còn khả năng sinh con không. Không ai trả lời cho trọn vẹn. Họ nói chất độc tiềm ẩn trong con người bố, có khi đời con, có khi đời cháu cái thứ độc địa ấy mới xuất hiện. Ông bà Tư như người đi đường bị chắn ngay trước mặt một bức tường vô hình đen ngòm quái ác. Rồi ông bà bắt xe về huyện Hưng Hà, đến nhà thờ tổ họ Trần thắp hương cầu xin tổ tiên. Nhà thờ cổ kính, bài vị sắp xếp nghiêm cẩn. Ông cụ cao tằng tổ khảo làm nghề đánh cá, sinh ra mấy thế hệ ai cũng tài giỏi, võ nghệ cao cường, hào khí chất ngất thiên hạ. Hai ông bà làm lễ xong, rồi chuyện trò với các cụ trông coi nhà thờ, cho đến chiều muộn. Mấy hôm sau Lý đi cắt thuốc đông y theo địa chỉ bố Tư và mẹ Phổ mang về.

Phải nói, trong số những con dâu họ Trần, thím Quá là người lo lắng nhất cho họ tộc. Thím lấy chú Ninh nhưng không có con. Đi khám bác sĩ họ bảo tại cả hai người. Thế thì bó tay. Vì vậy, thím muốn tìm cách cho vợ chồng bác Tư có người nối dõi. Thím đã cố gắng nhưng trời không thuận lòng thím. Những lúc gia đình ông Tư bối rối thím bàn hay là tìm gặp thằng Trụ say rượu, cho nó một bữa rượu kiếm lấy một đứa con”. “Không được”, bà Phổ gạt đi ngay. “Cái ngữ nát rượu ấy rước về mà làm gì cơ chứ, không sớm thì muộn nó cũng bán nhà mình đi để cho vào chai”. “Hay là ở gần chỗ em, có công trường xây dựng, bọn trai xa vợ ấy thấy gái như mèo thấy mỡ, khó gì”. “Không được. Có phải con dòng cháu giống nhà mình đâu”. “Thì ai biết đấy là đâu, con rô con trê vào giỏ nhà mình đều là cá cả”. “Không được”. “Hay là bảo cái Lý lên bệnh viện thụ tinh nhân tạo được không bác”. “Không được, nhỡ may thụ tinh nhân tạo không phải máu mủ nhà thằng Hà thì sao, chẳng phải cháu nhà ông Tín bên kia đê, đẻ ra giống hệt ông hàng xóm đó sao thím”. Cứ thế người vun vào, kẻ cuốc ra. Chưa đâu vào với đâu.  

Câu chuyện của thím Quá và bà Phổ còn kéo dài, vẫn chưa kết thúc được, cho đến khi cây gạo trước nhà thờ họ Trần ra mùa hoa thứ hai sau ngày cưới của vợ chồng thằng Hà. Hôm ấy bà Phổ lại một mình sang huyện Hưng Hà làm lễ ở nhà thờ tổ của họ Trần. Thím Quá sang chơi không gặp bà Phổ. Lý nghe tiếng thím Quá liền bỏ ấm thuốc đang sôi trên bếp lửa, chạy vội ra đón. Mùi thuốc bắc quấn bay theo nó, thơm từ nhà ra ngõ. Cái Lý mặt mày đỏ tưng bừng như mặt con bé quạt bánh đa cổng chợ Đình. Nó ghé vào tai thím nói gì đó. “Thật a, thật a! Vậy à, vậy à”. Thím Quá đấm cho cái Lý một cái: “Thảo nào mặt mày đỏ thế kia kìa” “Là vì cháu đang đun bếp đấy chứ” “Còn chối à, tao lạ gì, vợ nằm cạnh chồng không có cái ấy, như lá chuối hơ lửa ấy chứ, còn chối này, chối này”. Thím Quá cốc cho Lý mấy cái rồi vui vẻ ra về. Vừa đi thím vừa nghĩ, ông bà nói trăm câu chẳng sai câu nào, gái phải hơi trai như thài lài… Mừng nhưng cũng thương con bé thật, lấy chồng gần hai năm rồi mới biết mùi đàn ông…

Ông Tư đi làm đồng về qua, thấy cây gạo đang buông những bông hoa to xuống cỏ, ông nhặt lên một bông cho vào chiếc mũ cối cũ định đem về nhà. Nhưng rồi, nghĩ thế nào đó, ông quẳng ngay bông hoa gạo xuống dòng sông. Mùa này cây gạo căng tràn nhựa sống, những u cục trên thân cây biến đi đâu hết cả. Một đám trẻ đi học về đang chơi rồng rắn quanh gốc gạo. Ông Tư nhìn thấy một đứa bé có đôi mắt rất sáng đang chạy về phía ông. Cảnh này ông đã gặp đâu đó rồi, mà sao không tài nào nhớ ra nhỉ? Ngắm lũ trẻ hồi lâu, ông sực nhớ một đêm nào đó ông cũng từng mơ thấy đám trẻ đang chơi trò rồng rắn quanh gốc gạo, cũng nhìn thấy đứa bé có đôi mắt rất sáng đang chạy đến bên ông. Ông Tư như trẻ lại và cảm thấy lòng dạ thư thái, nhẹ nhõm. Tháng ba, chiều muộn, một vệt nắng vàng tươi kéo từ mặt đê xuống, tràn qua tràng cỏ, qua gốc gạo, đến chân nhà thờ họ Trần. Dòng họ Trần của ông Tư cũng như bao dòng họ khác trên đất nước này, như sông như suối ri rách chảy làm nên biển lớn... Ông Tư thoáng bùi ngùi, ông mong rằng, cuộc sống cứ thế này bình yên trôi chảy theo thời gian...

 

Nguồn Văn nghệ số 22/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *