Tác phẩm chọn lọc

26/6
8:35 AM 2017

HIỆU CẮT TÓC NHÀ HẦM- TRUYỆN NGẮN PHẠM TRƯỜNG THI

Ông Chuẩn thấy người run lên như bị gió lạnh đột ngột. Sau đấy là cảm giác sợ hãi. Sợ hãi như cách đây không lâu, một chiều vắng khách, ông tự soi mình trong gương và nhận ra sự thật tàn nhẫn. Ông! Chính ông đã bước qua cái tuổi trai trẻ lúc nào mà không biết

Ông Chuẩn nhả vội khói thuốc lào rồi quay sang hỏi con gái: - Con vừa nói gì đấy Hương? Nhắc lại bố nghe.

- Bố… bố viển vông lắm. Thời buổi bây giờ bố còn đứng dưới hầm mà cắt tóc thì làm gì có khách.

- Tao đứng ở đấy từ hồi chưa có mày kia mà. - Ông Chuẩn phản ứng bị động vẻ tức tối.

- Thế nên nhà mình mới nghèo, mới khổ. Chả bù cho nhà cái Hoa, bạn con!

“A” chút nữa ông Chuẩn kêu lên cái thán từ ấy, may mà kìm lại được. Ông chằm chằm nhìn con như nhìn một người xa lạ.

 

Sau làn khói lởn vởn, một thân hình gầy nhẳng, sạm nắng đang đứng, mặt cúi xuống khiến cho hai bím tóc vắt về phía trước giống như hai chiếc sừng của một con dê non bướng bỉnh.

Ông Chuẩn không tin vào những lời vừa nghe lại phát ra từ cái miệng mới sạch hơi sữa của con gái mình.

Ai đã xui hay tự nó nghĩ ra? Nếu là ý nghĩ của nó thì ghê gớm quá. Ông định dùng cái thế của người cha với mấy câu quát tháo để tìm ra sự thật, nhưng không thực hiện được. Đúng ra đã bị chặn lại trước cái nhìn đăm đăm của con: Nó nhìn ông bằng đôi mắt vô hồn tượng đá. Để cảm thông ư? Sao mà biết được. Để lên án ư? Ông không thể nhận ra.

Ông Chuẩn thấy người run lên như bị gió lạnh đột ngột. Sau đấy là cảm giác sợ hãi. Sợ hãi như cách đây không lâu, một chiều vắng khách, ông tự soi mình trong gương và nhận ra sự thật tàn nhẫn. Ông! Chính ông đã bước qua cái tuổi trai trẻ lúc nào mà không biết… Ông! Chính ông không còn nhận ra mình ở mái tóc nửa muối tiêu; ở đôi gò má nhỏ cao, đuôi mắt đầy vết rạn nứt, ở hai khóe miệng chồng chéo những nét ngoặc đơn, ngoặc kép.

Ông thấy buồn nôn khi bất chợt ngửi phải cái mùi xà phòng cạo mặt pha lẫn với mùi mồ hôi của khách mà ông vốn quen thuộc. Lúc này, cái mùi hỗn hợp ấy chợt bay đến khiến ông choáng váng.

Thường khi, ông Chuẩn vẫn nhờ chén rượu để đánh lừa cơn mỏi, cơn đau và cả giấc ngủ. Vậy mà đêm nay, môn thuốc hiệu nghiệm ấy phản tác dụng. Càng uống, ông càng tỉnh. Cái tỉnh giả tạo làm đầu óc ông nhức buốt, mọi giác quan căng ra.

Ngõ cụt ông Chuẩn ở gồm chín gia đình cả thảy. Ngoài ba gia đình làm công nhân nhà máy, còn lại làm nghề tự do; đạp xích lô, xe bò kéo, bốc vác, dệt len, bán số đề. Tuy mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng đều giống nhau cái nghèo và đông con. Nhiều bù ít, bình quân mỗi nhà sau, vậy là ngõ ông có tới sáu chín năm tư người cả thảy. Bằng một cái chợ con. Chưa kể số công dân mới được bổ sung đều đều mang đến tiếng khóc oe oe không dứt. Chợ họp từ nhá nhem tối đến tận đêm khuya, dư ba tháng hè oi bức. Người ta buôn dưa lê, bán đủ thứ chuyển trên trời, dưới đất. Phong phú vậy, nhưng chung quy cũng chỉ có hai thứ chính: Tiền và tình. Một nhà, vợ chồng cắn cấu nhau vì hết gạo, cả xóm biết. Một nhà trúng con đề hơn chục nghìn, cả xóm tru lên như phát rồ. Ông này rẫy vợ theo gái, bà nọ ruồng chồng theo giai, cái con cave rách giời rơi xuống ấy vớ được chồng ngoại, đi rồi, con kia bị nhân tình đá… là đề tài thường xuyên muôn thuở không dứt.

Ông Chuẩn nghe nhàm tai, muốn phát điên lên, nhảy ra chửi bới om xòm một trận cho hả, nhưng không thể. Ông cũng chỉ là thành viên của cái cộng đồng nhỏ bé hỗn tạp đó. Làm sao ông có thể thoát ra được khi cùng thở chung với họ một bầu không khí, cùng thắp chung với họ một đường điện, cùng uống chung với họ một đường nước và cùng bỏ chung với họ một hòm phiếu mỗi khi bầu bán. Vả lại, ông không có phận sự can thiệp mọi người. Giữa lúc quyền dân chủ quá trớn mà quyền tự do thì nửa vời, ai làm gì tùy thích, phải trái, đúng sai thây mặc. Như cuộc đối thoại giữa ông và con gái chiều nay cũng vậy. Vào thời các cụ, con cái “đấu” bố mẹ như thế là hư, là hỗn, đáng đóng bè chuối buông sông, nhưng thời bây giờ, ông Chuẩn không biết dùng từ để gọi cho chính xác. Tuy vậy, nghĩ lại con gái ông nói có lý. Ông viển vông, cổ hủ, xa vời thực tế, đúng vậy. Thậm chí ông còn tự huyễn hoặc mình. Điều ấy chỉ riêng ông biết. Ông như người bị ma dẫn lối, quỷ đưa đường. Tỉnh đấy, biết đấy mà không sao thoát ra khỏi cái guồng quy định sẵn. Con Hương nhắc đến nhà con Hoa bạn nó, nghĩa là nói đến ông Sâm. Cũng dân thợ đứng cùng tổ với ông trong cái hiệu cắt tóc nhà hầm nhiều năm, ông Sâm đã bỏ tổ ra đứng vỉa hè. Lúc đầu mảnh bạt che chống tạm bợ, sau ông mua được một đoạn ngõ cụt, dựng một căn nhà nhỏ. Nhỏ, nhưng có mặt đường. Quay đi, quay lại ông lên tầng hai. Thế là trên ở, dưới cửa hàng, một mô hình lý tưởng. Ông Sâm còn sắm được đủ thứ: Ti vi, tủ lạnh, cát sét. Ngày giỗ, ngày Tết, ông Sâm vẫn mời ông Chuẩn đến nhà uống rượu. Lần nào cũng vậy, ngồi trên ghế sa lông, ông Chuẩn cũng có cảm giác bồng bềnh. Bồng bềnh không phải vì chiếc đệm mút mà vì những suy nghĩ gợn sóng trong đầu ông. Ông nghĩ về bạn, nghĩ về mình. Cùng nghề nghiệp, cùng hoàn cảnh, vậy mà ông thua thiệt. Con người, trước thành công của đồng loại bao giờ cũng có một chút ghen tị. Hơn thế, ông Chuẩn thấy tủi thân. Hay là có định mệnh. Định mệnh đã an bài, không cưỡng nổi.

Có lẽ bắt đầu từ đấy. Ngày mà ông Chuẩn trút bộ quần áo lính, lê cái chân tập tễnh ở Lạch Trường, Thanh Hóa trở về. Ông là một trong số chiến sĩ nhận chiếc huy hiệu thương binh đầu tiên của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thành phố của ông sau sự kiện vịnh Bắc bộ không lâu cũng trở thành tiền tuyến khi những bể xăng khổng lồ ở ngoại ô bị không quân Hoa Kỳ oanh tạc, lửa cháy rừng rực cả vùng trời suốt mấy ngày đêm liền. Thuộc diện phải đi sơ tán nhưng ông Chuẩn xin được ở lại để phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Người ta cấp cho ông một bộ tông- đơ, dao kéo với cả gương lược, khăn choàng, xà phòng thơm và một căn nhà hầm. Gọi là nhà hầm vì nó nửa chìm nửa nổi, hình chữ nhật xung quang vỉa gạch, rộng chừng mười mét vuông, có hai cửa lên, xuống. Trước mỗi cửa có đắp ụ đất dày để đề phòng mảnh bom, đạn xuyên ngang.

Ông Chuẩn chẳng thích thú với công việc này lắm, sau rồi quen. Nghĩ cho cùng, nhiệm vụ của ông cũng quan trọng chẳng kém gì ai, mặt khác còn có thu nhập. Vả lại, thành phố một tháng không có thợ cắt tóc làm việc thì cánh mày râu sẽ trở thành thổ phỉ hết hay sao.

Nơi ông Chuẩn làm việc ngay trung tâm thành phố, vậy nên cũng là trận địa và ông là chiến sĩ. Ai bảo chốn này không hòn tên, mũi đạn? Ông Chuẩn nhớ dư ba lần bom Mỹ đã ném gần sát sạt. Lần cuối ông suýt chết bởi mảnh tên lửa rơi trúng mái nhà. Chiếc gương treo tường đứt dây buộc đổ ụp xuống đầu làm ông chết ngất. Ông Sâm phải gọi tự vệ cáng ông đi bệnh viện cấp cứu. Sau trận ấy, lãnh đạo khu phố đề nghị thành phố nâng cho ông một bậc thương binh. Khi hỏi ý kiến, ông cười: “Tôi loại một, thế được rồi, xin dành tiêu chuẩn ấy cho đồng chí khác”. Thời ấy, mỗi ngày thành phố ít ra vài trận mưa bom, dăm bảy người bị chết, bị thương là chuyện thường. Không còn đủ nước mắt để biểu hiện nỗi đau, niềm thương cảm.

Sau đấy, ngôi nhà nơi sơ tán của ông Chuẩn bị trúng đạn cháy sạch. Bố chết, ba đứa em nhỏ bơ vơ.

Mặc cho hoàn cảnh gia đình khó khăn, không lúc nào ông Chuẩn vắng mặt nơi hiệu cắt tóc nhà hầm, vị trí chiến đấu mà tổ chức đã tin tưởng giao cho.

Ông Chuẩn qua đó ở ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và cho đến nay. Tính ra hai bảy năm kém một tháng.

Cuộc chiến đấu kết thúc, những khách hàng của ông người đã chết, người đã già đi. Trước những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tường ghép đá xẻ, cửa gương lấp lánh, mấy ai còn nhớ đến cái cửa hiệu cắt tóc nhà hầm nhỏ bé chìm sâu dưới đất, mái hiên đã sạt lở. Mấy ai còn nhớ đến ông, người chiến sĩ tự vệ năm xưa, một chân tập tễnh với bộ tông đơ dao kéo kiên trì bám trụ dưới tầm bom đạn địch. Nhớ, quên là quyền của mỗi người, ai mà ép được. Có điều ông Chuẩn không khỏi suy nghĩ về đám khách trẻ tuổi, chúng đã chính thức bỏ rơi ông. Vì mấy lẽ: Không ai dại gì chui xuống hầm cắt tóc trong những ngày hè nóng bức, như lời con Hương đã nói. Lẽ khác, ông già rồi. Người già tay chân run rẩy và chậm tiếp thu cái mới. Lớp trẻ cần đổi mới luôn luôn, nên chúng tìm đến những nơi đáp ứng nhu cầu của chúng. Dù cao đạo đến mấy, con người vẫn không thoát được nỗi lo cơm áo hàng ngày. Ông Chuẩn nghĩ đến mức thu nhập sa sút, đó là dấu hiệu đời sống gia đình đang xuống dốc. Ông mong một phép màu nhiệm nào đó của đấng tối cao để đổi đời, nhưng không phải là các bỏ rơi vị trí như ông Sâm đã làm. “Bỏ rơi vị trí” chỉ mới nghĩ đến, ông đã cảm thấy bị xúc phạm. Xấu hổ như bị lột quần áo đi giữa phố đông người.

Điều ông Chuẩn trông đợi đã đến. Một chiều thu lạnh lẽo, có hai người đàn ông lần đầu tiên xuất hiện ở cửa hàng. Một người béo lùn, trán bóng nhẫy, một người cao dỏng, lưng hơi gù, răng vẩu. Người béo lùn xưng là cán bộ phường, còn người cao dỏng ở ngành văn hóa. Họ báo cho ông một tin quan trọng. Hiệu cắt tóc của ông được xếp hạnh di tích lịch sử và trên đang nghiên cứu để tặng ông một cái danh hiệu gì đó cho xứng đáng. Họ nhắc ông phải tự hào vì được quản lý một tài sản vô giá của thành phố. Mai kia cả nước sẽ biết đến và toàn thể thế giới không thể quên tên.

Tưởng giỡn, ai ngờ thật. Sớm hôm sau, một chiếc xe công nông lạch phạch đổ xuống vỉa hè đủ thứ vật liệu xây dựng. Chưa đầy một ngày cánh thợ đã hoàn tất công việc. Hiệu cắt tóc nhà hầm được bao quanh bởi hàng rào xi măng đúc sẵn. Lối cửa ra vào gắn tấm biển bằng đá ga-ni-tô nổi lên hàng chữ: “Di tích lịch sử đã được xếp hạng”. Tường, mái nhà không sửa để giữ nguyên hiện trạng. Một khung kính khá lớn lồng ảnh chân dung ông Chuẩn, ông Sâm và mấy thợ cắt tóc từng làm việc ở đây được treo trang trọng trên tường.

Ông Chuẩn chứng kiến sự thay đổi bất ngờ ấy với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Tự hào, vẻ vang, hãnh diện ư, hay ngược lại, thật khó phân định. Từ thờ ơ, lãnh đạm, ông Chuẩn bỗng nói cười luôn miệng. Ông nghĩ ra được cả một bài thuyết minh giới thiệu cửa hàng cắt tóc nhà hầm trong đạn lửa và chêm khéo một chút chiến công của chính mình. Có lẽ trừ lúc đi ngủ, ông Chuẩn không rời chiếc yếm vải phòng không được trên cấp. Sự đổi thay trong ông thật dễ hiểu. Từ ngày hiệu cắt tóc nhà hầm thành di tích lịch sử, ông có nhiều khách hơn. Nhiều người phải chờ đợi, phải khất đến hôm sau, họ vẫn vui lòng. Khách thành phố đến, khách Trung ương về và cả khách nước ngoài. Họ tới cửa hàng có thể vì hiếu kỳ và cũng có thể để được sống lại cái không khí thời oanh liệt đã qua. Nhiều khách nước ngoài hảo tâm, chỉ là cạo mặt, sửa râu thôi cũng trả công phục vụ của ông bằng ngoại tệ, đổi ra tiền Việt ngang thu nhập cả tháng. Có tiền, ông Chuẩn thấy người khỏe ra; tiếng nói có trọng lượng hơn trong mọi công việc của gia đình cũng như họ mạc. Đó là thời hoàng kim về kinh tế của ông. Ông muốn kéo nó dài ra vô tận, đừng bao giờ giảm bớt, đừng bao giờ thay đổi. Nghĩa là muôn năm. Nhưng không có gì muôn năm, cả trái đất mà chúng ta đang sống cũng vậy. Tin vào sự vĩnh hằng là tự lừa dối mình. Và cũng không có cái gì mới được mãi mãi. Thăng - trầm, tiến - thoái, lẽ thường của tạo hóa. Ông Chuẩn nhận ra sự trầm, sự thoái ở xếp tiền ông thu nhặt được mỗi ngày một ít đi, cho đến lúc tụt xuống dưới mức bình thường. Tiếng chuông báo động đã rung lên, không được phép chần chừ, nấn ná.

Một nhà tám miệng ăn rồi tiền học hành, điện nước, vệ sinh, trăm thứ trông cả vào chiếc tông đơ của ông. Bà vợ với sạp hàng la-gim ngồi chợ. Chợ cháy, trắng tay không còn đủ sức gánh đỡ cho ông nữa. Làm thế nào để duy trì cuộc sống hàng ngày là câu hỏi mà ông phải trả lời. Cái khó ló cái khôn. Ông Chuẩn đã tìm được lối thoát. Ông chuyển một phần đồ nghề từ nhà hầm lên mặt đất. Khách quen cũ lại đến với ông, đương nhiên có việc là có tiền. Có tiền là có nụ cười. Khốn thay, sự đời không đơn giản thế. Sau ba ngày chuyển dời, ông bị cảnh sát giao thông cảnh cáo về tội: Lấn chiếm vỉa hè làm mất mỹ quan thành phố. May mà không bị phạt do vi phạm lần đầu và thuộc diện chính sách.

Về hầm, ông Chuẩn lại làm bạn với chiếc điếu bát, thong dong thả khói thuốc lào, ngắm nhìn cái ghế trống trơn phủ mảnh vải choàng trắng đến lạnh người. Rồi cũng có một ông khách đến. Không phải ai xa lạ đó là anh đại diện ngành văn hóa có cái lưng hơi gù, răng vẩu, đeo kính trắng. Anh ta khẽ khàng đặt mình xuống ghế rồi rủ rỉ nói với ông:

“Bác Chuẩn ạ. Việc mang tông đơ, dao kéo dời hầm lên vỉa hè vừa rồi của bác là sai đấy, chẳng lẽ bác không thấy vinh dự của mình là được quản lý một khu di tích lịch sử tầm cỡ quốc gia hay sao. Bao nhiêu người mong được như bác mà đâu có được chứ”.

Anh ta còn nói thêm nhiều điều nữa. Ông Chuẩn đều thấy hay, đều thấy đúng cả. Phải tự hào, vinh dự vì được ưu tiên là hẳn rồi. Sao lại phụ lòng tin của cấp trên. Nhưng mà đói. Ông đói, gia đình ông thiếu ăn. Sự mâu thuẫn ấy khiến ông Chuẩn nắn ná, tiến thoái lưỡng nan,

Điều con gái ông chất vấn không hẳn là đúng. Từ lâu, ông đã suy nghĩ, đã tính toán, thậm chí đã bung ra đấy chứ. Trẻ con sao thấu sự đời. Chúng ưa nhận ban phát, còn bất biết người lớn đã kiếm thứ đó bằng cách nào.

Ông là con kiến bò miệng chén, trên vai một hòn đá vô hình đè nặng, dù muốn hay không cũng khó trút bỏ được. Chao ôi, danh dự, áo cơm vợ con, hạnh phúc sao mà khắc nghiệt vậy.

Những suy nghĩ vật vã trong đầu khiến ông Chuẩn thiếp đi lúc nào không biết. Ông mơ một giấc mơ kỳ diệu và hãi hùng.

Sau một đêm mưa gió, sấm chớp ầm ầm, ông trở lại nơi làm việc của mình. Lạ thay, cái hiệu cắt tóc nhà hầm quen thuộc đã biến mất. Thay vào đó là ngôi miếu cổ, mái ngói uốn cong, tường gạch lở lói, loang lổ, rêu phong. Những chiếc cọc dậu hàng rào bằng xi măng bỗng hóa thành những cây cổ thụ cành lá sum suê đan chéo vào nhau, tạo thành chiếc ô khổng lồ che kín cả bầu trời. Đang do dự không dám bước tới, ông Chuẩn bỗng nghe một chuỗi cười sằng sặc, sau đấy là giọng nói khàn khàn phát ra từ vết nứt của bức tường ngôi miếu cổ.

- Đừng sợ, hãy bước lại gần đây.

Ông Chuẩn không cưỡng lại được vì một bàn tay vô hình thô nháp túm lấy kéo đi.

- Cần tiền lắm phải không? Ta sẽ giúp nhưng với điều kiện không được ngại khó, ngại khổ. Đồng ý không?

- Vâng! Vâng - Ông Chuẩn đã lấy lại được bình tĩnh: - Thưa! Tôi chỉ mong có thế. Tôi cần có việc làm dù phải lao lực…

Chuỗi cười lại phát ra:

- Tốt! Lời thề danh dự đấy nhé. Bây giờ về mài dao kéo đi. Bắt đầu từ ngày mai.

Lời nói ấy linh nghiệm thật. Ngày thứ nhất có năm khách. Ngày thứ hai có mười. Ngày thứ ba có mười lăm. Con số này giữ ổn định hàng tuần lễ liền. Phải làm việc nhiều, mệt rã rời chân tay nhưng ông Chuẩn vui lắm. Ông nhẩm tính: Mỗi cái đầu hai chục nghìn đồng, nhân mười lăm cái một ngày là ba trăm. Tháng thu gần chục triệu bạc. Cứ đà này mấy nỗi mà thành triệu phú... Nhưng rồi số lượng khách cứ tăng dần lên : Hai mươi, hai lăm, ba mươi xem ra có nguy cơ tăng nữa. Tiếc, nhưng không kham nổi, ông Chuẩn phải đến cầu cứu ông Sâm hỗ trợ. Ông Sâm nhìn ông bằng con mắt nghi ngờ, chối khéo :

- Đời được mấy cái lộc, em đâu dám xí phần của bác.

Trở lại công việc, ông Chuẩn thấy người rã rời như bị sức ép đạn rốc két. Trong nhà, ngoài sân khách đang chờ ông có tới hàng trăm. Đầu người nào cũng bù xù như tổ quạ. Sợ quá, ông Chuẩn định bỏ chạy nhưng không kịp. Khách đã quây lấy ông, chũi chũi cái đầu tổ quạ vào mặt ông, khiến ông ngạt thở.

- Xéo! Xéo đi! Tôi có ba đầu, sáu tay đâu mà phục vụ nổi các người.

- Cần việc làm hả! Thì việc đấy, làm đi. Nuốt lời hứa ta bóp chết…

Sau chuỗi cười man rợ cất lên, ông Chuẩn bị quật ngã xoài trên mặt đất. Một bàn tay có những chiếc móng nhọn sắc chụp lên đầu ông, siết mạnh. Ông Chuẩn kêu rũ lên, bừng tỉnh…

Trở lại hiện thực, ông Chuẩn thấy mồ hôi vã ra như tắm. Ông nhận ra bàn tay đang bóp trên trán mình là bàn tay gầy guộc của người vợ. Bà có thói quen bóp đầu cho ông mỗi khi ông sốt. Đứng bên cạnh  bà là con Hương, nước mắt ròng ròng trên má má. Nó mếu máo nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Bố tỉnh lại rồi…

Nguồn Văn nghệ số 11/2016

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *