CÁI TÔI VĂN HÓA TRONG TÙY BÚT ĐỖ CHU: KHÁM PHÁ VÀ TRI ÂM
Nhà văn Đỗ Chu
Người sáng tác tùy bút được hướng đạo bởi cái đẹp, trí thức uyên thâm, tư duy triết luận sắc sảo, năng lực nội cảm mạnh mẽ. Tùy bút là phương thức đối thoại thẩm mĩ của người nghệ sĩ cuộc đời, đồng thời làm sống dậy phẩm chất yêu nghệ thuật văn chương trong lòng độc giả. Đến với tùy bút Đỗ Chu, ta sẽ bắt gặp một cái tôi văn hóa Việt luôn đam mê khám phá, đi tìm và tri âm với văn hóa Việt.
Với sự ra đời của tập tùy bút Tản mạn trước đèn (Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2005), ba năm sau là tập tùy bút Thăm thẳm bóng người (2008), dường như Đỗ Chu đã phá vỡ “định nghiệp” truyện ngắn của mình. Năm 2012, Đỗ Chu vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Và gần đây nhất, với tập tùy bút Chén rượu gạn đáy vò (2013), Đỗ Chu lại đóng góp vào nền văn học nước nhà một tiếng nói đầy bản lĩnh và tài năng, một cái nhìn mới về con người và cuộc sống trong chiều sâu văn hóa.
Đặc biệt, trong thế giới nghệ thuật ấy, người đọc thấy nổi bật lên cảm thức văn hóa Việt của nhà văn Đỗ Chu. Dưới cái nhìn văn hóa, mỗi nhân vật mà Đỗ Chu nói đến trong tác phẩm đều mang trong mình những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều ấy thể hiện trong cách con người ứng xử với quê hương, với những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, với người thân bạn bè, đồng nghiệp và với chính mình. Họ là hiện thân của những giá trị văn hóa, là nơi bảo tồn và nuôi dưỡng văn hóa Việt, tâm hồn Việt. Các vấn đề về văn hóa - lịch sử, về xã hội và con người… được đặt ra trong tùy bút của Đỗ Chu đạt tới tầm triết lý nhân sinh, tới tầng sâu nhân bản.
Ngay từ những trang tùy bút đầu tiên, Đỗ Chu đã thể hiện niềm đam mê đi tìm, phát hiện và khẳng định các giá trị văn hóa Việt. Không quá lời khi cho rằng Đỗ Chu là nhà văn “suốt đời đi tìm các giá trị văn hóa”. Những gì ông viết về chính mình cũng là một cách thể hiện con người, cốt cách nhà văn để người đọc có thể hiểu thêm về văn ông và chất văn hóa lấp lánh trong những trang tùy bút Đỗ Chu.
Nói cách khác, Đỗ Chu đã lấy hồn mình để hiểu hồn người – tình nghệ sĩ. Có lẽ, tất cả xuất phát từ quan niệm sống cũng như cuộc sống đời thường của ông. Đỗ Chu thích nhà lá, thích ngôi nhà đơn sơ. Có lẽ vì thế mà vợ chồng Đỗ Chu hiện vẫn đang sống trong ngôi nhà mộc mạc, đơn sơ ở tại Niềm Xá, Bắc Ninh, với thú vui thưởng trà xanh bằng bát hằng ngày. Ông chỉ thích những gì tự nhiên như nó vốn có, cái gì càng đơn giản lại càng khó quên.
Nét đẹp trong con người Việt biểu hiện rất phong phú trong tùy bút Đỗ Chu. Ông nhận ra vẻ đẹp con người Việt với sự trân trọng tình đời, tình người, nhất là ở những bậc hiền tài. Thật vậy, nếu ta không thấy, không chịu thấy họ thì chính họ chưa mất gì, chỉ có ta là mất, ta làm cho chính bản thân mình trở nên buồn tẻ và nghèo khó, trước hết là nghèo khó trên phương diện tinh thần. Như thế, giữa bộn bề cuộc sống, giữa ngổn ngang sự đời, người hiền tài vẫn là những viên ngọc sáng lấp lánh. Ta nhận thấy ở Đỗ Chu sự trân trọng con người Hoàng Ngọc Hiến, sự ngưỡng vọng một Nguyễn Tuân hơn cả một nhà văn. Với Đỗ Chu, bản thân con người Nguyễn Tuân là kết tinh của văn hóa trong từng điệu nói, lối nghĩ, câu văn.
Đọc các trang tùy bút Đỗ Chu, ta thấy một cái tôi khám phá biết bao vẻ đẹp của những vùng đất thiêng liêng của đất nước. Theo ông, đó là những vùng đất mà khi tìm hiểu về chúng, ta có thể đọc ra số phận dân tộc mình, số phận chính mình. Trong đó, gần gũi nhất đến tận đáy lòng ông là mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa, nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. Do vậy mà có một sợi dây vô hình gắn chặt nhà văn với quê hương mình. Kinh Bắc đã đi vào những trang văn của ông một cách rất tự nhiên và cũng đầy cảm xúc. Qua thế giới nghệ thuật tùy bút, ông đã vẽ nên một không gian văn hóa với những đặc trưng vùng miền nơi đây. Ta thấy hiện lên một Thuận Thành trải dài đến Gia Bình, qua Liễu Ngạn đến phủ Từ Sơn. Ông nhắc đến ngôi chùa Dâu cổ kính, chùa Bút Tháp hay đền thờ Sĩ Nhiếp Nam giao hoc tổ, đền thợ cụ Lê Văn Thịnh Nam quốc khai khoa đệ nhất nhân… Đó là những địa điểm lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.Có thể nói, hiếm nơi nào có nhiều đền chùa thiêng liêng như quê hương Kinh Bắc của Đỗ Chu. Đối với tác giả, Kinh Bắc không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, anh hùng bất khuất với truyền thống chống giặc ngoại xâm mà người con của quê hương ấy còn nhận ra điều đặc biệt trong văn hóa của quê hương mình là giọng nói và những câu hát quan họ tình tự muôn đời của các liền anh, liền chị. Nhắc đến nơi đây, Đỗ Chu mở ra trước mắt bạn đọc hình ảnh một miền quê sinh ra những bậc hiền tài. Vùng Mai Lâm, Lộc Hà, Du Lâm là một bãi đất bồi cửa sông Đuống, tứ thời ướt át lụt lội, ngồi xuống mâm quanh năm đều thấy bắp cùng khoai vậy mà thật lắm hiền tài. Nói bên kia sông Đuống là nói tới miền đất phủ Từ Sơn, một vùng đồng bằng có chen mấy dãy núi thấp khiến dáng dấp trung du của nó càng có duyên. Còn như bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm thì ngược lại, nó chính là vùng đất Thuận Thành mà hiện nay anh đã có mặt. Khi ông Hoàng Cầm viết bài thơ nổi tiếng ấy, ông đã đứng từ bên kia mà nhìn sang bên này. Có lẽ “quê ngoại là một miền lúc nào cũng như xa lại như gần. Một màn sương mờ tỏ choàng nhẹ lên, phủ mờ lên những kỉ niệm yêu dấu” [1, 128]. Phải nói rằng, quê ngoại Bắc Ninh rất đặc biệt với Đỗ Chu, là nguồn cảm hứng rất thiêng liêng đối với nhà văn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Đỗ Chu gửi gắm tất cả những tâm tư tình cảm của cái tôi văn hóa vào làng Việt. Đặc biệt, ông còn đánh giá cao những trang viết của đồng nghiệp bàn về cái làng Việt Nam xưa và nay. Và ông mong còn được đọc thêm nhiều bài nữa, của nhiều người viết nữa. Nhất là những bài viết về cái làng Nam bộ, cái làng Trung bộ, tôi thật sự thèm khát được hiểu thêm đôi chút về nó. Đặc biệt, Đỗ Chu muốn giữ lại nét đẹp của làng Việt cổ. Cái làng Việt chính là cái nôi tuyệt vời, là cội nguồn của mỗi người Việt Nam. Mọi tinh hoa của dân tộc, sức sống của của một nền văn hóa lâu bền, tinh thần của đất nước đều từ đấy mà ra. Cho nên hỏi quê hương người Việt Nam ở đâu thì ai cũng có thể trả lời ngay rằng quê hương người Việt Nam là ở cái làng Việt Nam. Cái làng Việt đã sinh ra biết bao người con ưu tú cho dân tộc: Cụ Phan Châu Trinh, Cụ Phan Bội Châu, cụ Hồ Chí Minh… những người lính xung phong ra mặt trận, những mẹ già, vợ trẻ, con thơ… Tất cả là sức mạnh về cả vật chất lẫn tinh thần của dân tộc ta. Hóa ra, làng Việt là sáng tạo kiêu hãnh của lịch sử. Đỗ Chu đưa ra nhận định thật xác đáng: “Nước nhà có tuổi thọ là mấy ngàn năm thì cái làng Việt cũng có tuổi thọ là ngần ấy. Cái làng Việt từng trải và chìm nổi như lịch sử dân tộc từng trải và chìm nổi” [1, 319].
Khi bàn về cái đẹp, cái tài, về văn hóa, Đỗ Chu không chỉ thể hiện một cái tôi ham cái đẹp, yêu cái đẹp và hòa mình vào cái đẹp mà ta còn thấy một cái tôi luôn luôn đối thoại, tranh luận và có lúc luận chiến chung quanh cái đẹp, cái tài và những vấn đề văn hóa. Bên cạnh sự tự hào, ngợi ca trước những giá trị văn hóa Việt, có không ít trang viết Đỗ Chu bày tỏ sự tiếc nuối, thậm chí đau xót trước những biểu hiện suy đồi của nó. Đỗ Chu thẳng thắn nói về sự giảm sút của các giá trị văn hóa. Ta nghe thấy trong lời văn sự ngậm ngùi: “Theo tôi dân mình chưa biết mở hội, cũng có nghĩa là chưa biết chơi, đã chưa biết chơi thì việc làm ăn cũng chưa đâu vào đâu” [2, 163]. Nhưng gần đây thần tình, chuyện ấy đã thành một sự hiển hiện khiến mọi người phát hoảng vì tình trạng văn hóa của chúng ta. Giờ khắp nơi đang “đua nhau” làm hồ sơ xin danh hiệu di sản văn hóa thể giới, kể ra rất xứng đáng, nhưng xin đừng quên chính những di sản ấy lại không thể chứng nhận rằng người hôm nay là đã có đầy đủ đẳng cấp văn hóa như cha ông mình từng có. Đáng ngại nhất là một thực trạng mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều lo lắng là người tứ xứ đến ta du lịch nhìn chung đều lắc đầu không còn muốn quay lại nơi này, đây không chỉ là mối lo nghĩ của riêng ngành du lịch. Sự tiếc nuối của nhà văn về sự phá hủy các công trình kiến trúc mang tầm vóc dân tộc cũng được thể hiện rõ nét. Bởi vì trong những quần thể kiến trúc ở đó có cất giữ hồn cốt Việt, giàu sức cảm sức nghĩ, không một chút kiêu kỳ vậy mà vẫn rất kiêu sa, kiêu sa mà sao thân thiết như một lời thì thầm gần gụi của người xưa. Ấy thế mà chỉ trong vòng một thế kỷ vừa qua hầu hết các công trình bỗng thành hoang phế không gì cứu chữa nổi. Đây thực sự là một câu chuyện đau lòng, nếu cầm bút như các sử gia xưa thì phải bàn đây là triệu chứng điển hình của sự “bại hoại tâm thế, nhân tâm rối loạn, lòng người không yên, cái ác lấn át cái thiện” [2, 42].
Những lời tâm sự tận đáy lòng mình vừa ngọt ngào lại rất đỗi thân thương, khi tự hào hãnh diện, lúc sôi nổi triết luận. Tình người ấm áp, tình yêu quê hương đất nước tha thiết, tình quân dân nồng nàn, tình đồng chí, đồng đội đằm thắm, những thứ tình cảm bình dị thời chiến tranh, những câu chuyện thế sự thời nay… Đó chính là vẻ đẹp làm nên sự sang trọng, sức mê đắm của những trang tùy bút Đỗ Chu.
Nguồn Văn nghệ số 21/2017