Tác phẩm chọn lọc

28/2
10:31 PM 2020

NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG QUA THĂNG TRẦM THỜI CUỘC

(Đọc tập thơ Lãng mạn 4.0 của Hải Đường – NXB Hội Nhà văn.2019)

TRỌNG KHANG

Bài thơ “Lãng mạn 4.0” được mang tên cho cả tập thơ này đề cập đến những “thực tế” của thời đại công nghiệp 4.0: “Rớt đài những thành quách đền đài/rớt những đám mây huyền vi ánh sáng/những bộ óc khổng lồ sẽ lui về khu vườn yên tĩnh/ người máy làm thơ/ người máy vẽ tranh/… Trời hòa vào đất/ đất bật lên trời/… Xóa nhòa mọi ranh giới/ mọi chuyển động như đang đứng im/ mọi đứng im bất ngờ phát nổ”. Trong thời đại ngày nay, trí tuệ nhân tạo dường như đang thắng thế trí não con người. Cách đây lâu lắm rồi, người máy đã thắng những đại kiện tướng Cờ vua thế giới Cácpốp hay CacSparốp nào đó. Và đến “Thời hiện đại”, trong tập Sức mạnh của cái đúng của Nguyễn Trần Bạt đã đề cập đến hiện tượng: Khoảng cuối năm 2015, Google phát hiện ra hai máy tính ở hai nơi trên thế giới liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ không ai biết được, nó tự động làm thế để giải quyết một vấn đề: công nghệ mới sẽ kiểm soát từng người một, đánh dấu sự toàn thắng của trí tuệ nhân tạo. Thậm chí học giả Stepen Hawking còn lo xa, rằng trí tuệ nhân tạo sẽ có thể tiêu diệt con người.

 Trong bối cảnh thời đại như thế, những giá trị văn hóa truyền thống được nói tới trong tập thơ này dường như đang bị xới xáo,  đảo lộn. Trật tự cũ bị phá vỡ. Xưa, niềm thiêng liêng trong những đêm giao thừa, người Việt thức thâu đêm để hưởng sự ấm cúng bên nồi bánh chưng. Thì nay, tất tần tật thịt mỡ, dưa hành, giò chả, bánh chưng đều mua được ngoài chợ. Cảnh “chợ tết mom sông bán mua như cướp” không còn xa lạ. Và vào dịp giao thừa thời nay: Các con bàn nhau đi Sinhgapo ăn tết để tránh cỗ bàn và những lời chúc tụng. Trong bài Đầu năm lễ chùa, cái nét nền nã dịu dàng bị thay bằng sự nhốn nháo, xô bồ: “Ta lùi người thúc ta lên/ trồi lên người đẩy ta xuống/ ta trôi trong tiếng Kinh cầu”. Tại chùa chiền, gặp nhà sư vàng đeo đầy người, dáng ngồi tụng kinh như dấu hỏi (?). Còn ngoài xã hội, gặp những cảnh “Chộp giựt cân đo thêm bớt/ loạng quạng đường tắt đường vòng/ chỉ thấy được thua hơn kém”.

Những thế sự của thời đại ùa vào tập thơ. Một tên khủng bố máu lạnh ở Las Vegas bắn 59 người chết, hơn 500 người bị thương trong một buổi sáng tưởng chừng như an bình nhất - buổi Lễ nhạc đồng quê. Và ở biên giới liên Triều, hai vị nguyên thủ của Triều Tiên và Hàn Quốc cùng trồng cây thông cầu nguyện cho hòa bình. Ở ranh giới vĩ tuyến 38, họ dỡ bỏ 40 trạm phóng thanh chiếu sang nhau, khi phát lên có công suất làm…rạn nứt cả mây trời. Với hội nghị về vũ khí hạt nhân giữa hai nguyên thủ Mỹ-Triều tại Hà Nội: “Không một thỏa thuận nào được ký kết/ Cái bắt tay chỉ để bắt tay thôi”.

Trong tập thơ, mỗi con người cụ thể dường như đều bị cuộc sống hối hả chi phối. Những vần thơ thể hiện khá góc cạnh cuộc chiến giữa đồng tiền và lương tâm. Một “cuộc chiến phía sau những cuộc chiến”. Tình cảm đã từng keo sơn thì nay: “Trong thế giới đồ vật ma mị/ rượu uống mãi mà không say/vườn hoa ngổn ngang dấu giày/Bạn cũ bỗng thành lỗi mốt”. Trong bài Được và mất, phản ánh một thực tế rầu lòng - giàu đổi bạn, sang đổi vợ:“Sau những lá phiếu bầu/ bạn bỗng thành người khác”.Giữ được nếp sống, giữ được thuần phong mỹ tục trong sự đảo lộn giá trị  đúng là cả một vấn đề: “Áo xống thay ra mặc vào/ làm mới mình chẳng dễ”; hay: “Thôi về ngõ nhỏ nhà ta/ Phật ở trong lòng mình đấy”.

Trong tập thơ, nhiều giá trị cũ - mới được đưa nhau lên “sàn đấu”. Và quan niệm đạo đức cổ truyền đứng vào cái thế chênh vênh trước thử thách “Ai bảo bây giờ thanh lịch/ chỉ còn trong nỗi nhớ thôi/ ai bảo Đồng Xuân chật ních/ giấc mơ tiền đè chết người”. Còn với người thơ, dù thời gian trôi xa, nhưng giá trị truyền thống không bao giờ suy chuyển.  Người lính trở về viết những câu thơ đầy trải nghiệm: “Những câu thơ chắt ra từ mưa rừng, sốt rét/giờ đọc lên còn run tán cây”… “ Trận đánh giữa đồi sim cháy sém/ hai thằng nhường nhau miếng nước cuối cùng”… “Đêm thằng Hoạt hy sinh/ ánh trăng ròng ròng máu chảy”; “Sự bình yên chẳng dễ gì mua được/ bao máu xương đổ xuống mới nở cánh hoa kia”…  Trong bài Đừng giẫm lên kiến có những câu hỏi bình dị mà nhức nhối: “Em nhắc ta lúc chạy thi với bạn/ cán đích không phải điều quan trọng/ hãy tự hỏi ta có cần thắng bạn không”. Và mong mỏi: “Mọi người mỉm cười thân thiện/ không giành nhau bóng râm vỉa hè”. Chứng kiến những người long đong trong cuộc mưu sinh, một so sánh về những đống muối trên ô nề và nón trắng của người bán muối thật thi vị và bất ngờ:“Nón trắng dập dềnh trên phố/vỉa hè dọc ngang vụt hiện những ô nề /biển cồn cào sóng vỗ ngoài kia”.Bài “Lá phiếu của bác xích lô” là một liên tưởng lạ nhưng hợp lô gic. Khi trong các tháp ngà có “những lá phiếu đổi ngôi số phận” thì bác xích lô tự bỏ phiếu cho mình, mình đổi ngôi bằng chính giọt mồ hôi. Cuộc đời bầm dập trong cảnh hoa tươi người héo: “Hàng Gai then cài cửa đóng/ Bỏ quên tiếng rao bánh mỳ”.  Tác giả không cầm lòng được trước cổng viện Nhi: Những bệnh nhân bé nhỏ trong cảnh: “Gió rít từng cơn chăn mỏng quấn tròn/ mạng sống phập phồng vận may run rủi/ tiền góp gạo đong bão lũ đang về”. Một câu cảm bật lên xa xót: “Trước ngây thơ bỗng thấy mình bất lực/ trăng sao thì xa cơm áo thì gần”.

 Xin được nói đôi điều về nghệ thuật ngôn từ. Nhà thơ không mô tả thuận theo lẽ thường, mà trong suy tư, đẩy lên một cung bậc cao hơn, đôi khi làm người đọc ngỡ ngàng qua sự phát hiện. Một số dẫn chứng: “Cũ như tiếng chim/ hót trên lá rụng”; “Cha lặng im chôn khói thuốc vào tim”; “Tiếng gà gáy rợp lên sóng lá/ chẳng đánh thức được ai tiếng gà chìm đáy sông”; “Hoa mua tím chiều trung du chín rạn”; “Ao thu lặng như tấm kính/ lặng nghe đáy nước sủi tăm/ phao câu rập rình xoáy nước/ nụ cười sáng cả ngày mưa”; “Những ồn ào chúc tụng đã rơi vào đôi giầy ở chân giường...”. Cảnh thiên nhiên thật là có họa trong thơ: “Ngòi Thia tre trúc thông thênh gió/ Rập rờn hoa dại vương bướm bay/ ngực áo căng đầy lưng dốc nắng”. Và như để “đối lại” nghệ thuật thi hóa tình cảm thật tinh tế, ấn tượng “Tôi về gom nhớ vào yêu”; “Phiêu diêu cơn gió mới/ hương thơm tóc người xưa”; “Cát non chân son bước”. Với cuộc sống chung tình sau nhiều năm khi lễ hội hoa đã được thay bằng lễ hội cỏ: “Chúng ta thật sự đã già rồi/ hay hoa đã già không biết nữa”. Với tình yêu lứa đôi: “Mặc ai xuôi bến ngược dòng/ bằng lăng cứ tím như không có gì”. Mối tình trong mưa Huế: “Mong cho mưa tạnh mây lành/tiếng chim đừng ướt trên cành thông reo/anh về ánh mắt về theo/áo em tím phía trăng treo cuối trời”.

Đọc thơ Hải Đường không tìm thấy những tuyên ngôn to tát mà như được tâm sự với người bạn tri âm, tri kỷ lâu ngày mới gặp. Thức cùng những bài thơ của anh, đọc đi đọc lại, ôn kỷ niệm cũ, chợt nhận ra những giá trị sống hình thành qua biết bao thăng trầm cuộc đời./.

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *