Tác phẩm chọn lọc

10/3
8:56 AM 2018

NGUYỄN TRÍ VÀ TIẾNG NÓI CỦA LƯƠNG TRI

PHẠM PHƯƠNG NGA-Ban đầu, Nguyễn Trí gây chú ý bởi đã vượt qua nhiều tên tuổi để giành được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 trong khi chỉ là một cây bút tay ngang. Sau đó, cái tên Nguyễn Trí lại một lần nữa gây sốt bởi bản lai lịch có một không hai: trước khi cầm bút, Nguyễn Trí từng là phu vàng, phu mỏ, đồ tể...

                                                      Nhà văn Nguyễn Trí

 Nhưng nếu chỉ thấy sức hút của Nguyễn Trí đến từ một giải thưởng và một tiểu sử gai góc thì không công bằng cho tác giả này. Văn chương Nguyễn Trí, dù chưa hay lắm như tác giả tự nhận, nhưng mỗi câu chuyện ông kể đều có tính vấn đề. Từ những câu chuyện ấy, người ta thấy được các góc khuất của xã hội đương đại và thấu cảm về những phận người tứ cố vô thân. Sau Bãi vàng, đá quý, trầm hương, tập truyện ngắn Đồ tể (Nxb Trẻ, 2014) của ông như là sự cất lời của lương tri và hi vọng từ phận người, phận đời cơ cực, cùng quẫn.

Nguyễn Trí viết bằng chất liệu của chính cuộc đời ông, vì lẽ đó, đằng sau lối hành văn tưng tửng, không phô trương câu chữ, không cầu kì trong cách thể hiện, là những giọt nước mắt đắng cay. Bởi chỉ có ai từng bươn chải qua các bãi trầm “gian khó đầy mình” (chữ dùng của Nguyễn Trí), từng vào sinh ra tử trong các mỏ vàng, từng né tránh cái nhìn của con vật trước khi bị giết thịt, từng bị cái đói giày vò thì hôm nay mới có thể bình tĩnh đến vậy khi mô tả những khoảnh khắc nghiệt ngã tột cùng của số phận.

Các câu chuyện được Nguyễn Trí kể hầu như đều gắn với “Bến tắm ngựa”. Đó vừa là không gian hiện thực vừa là không gian mang tính biểu trưng cho sự nghèo khổ, đói rách, cơ hàn trần trụi. Bến tắm ngựa tập hợp những người khổ cực nhất trần đời. Bản thân Nguyễn Trí cũng như hầu hết các nhân vật của ông đều xuất thân từ bến này hoặc đang ngụp lặn trong đó. Tất cả họ, bị cái nghèo đeo đuổi, buộc phải lao vào những nghề lợi ít hiểm nguy nhiều, bán thân nuôi miệng, thậm chí sinh ra lừa đảo, cướp giật, nghiện ngập... Đó là thế giới của những con người cùng đinh bạch ốc khuất sau cái hào nhoáng, lấp lánh của một xã hội hiện đại. Thế giới ấy là không gian nghệ thuật, cũng là nhân vật trong truyện của Nguyễn Trí. Bến tắm ngựa từ các trang văn của Nguyễn Trí dễ khiến người ta liên tưởng đến xóm bãi giữa chân cầu Long Biên - đều là những không gian điển hình của sự nghèo khó, tha phương cầu thực.

Tập Đồ tể gồm 27 truyện, tất cả đều được đặt tiêu đề theo kiểu khẩu ngữ dân dã. Trong đó, có không ít câu chuyện chứa đựng thông tin mang tính báo chí “giật gân”. Nhưng, Nguyễn Trí đã không cố tình khai thác khía cạnh giật gân ấy, mà đặt vào trong đó những cảm xúc và suy nghiệm cá nhân. Đặc biệt, các truyện ngắn của ông luôn có sự hiện diện song song của cặp phạm trù thiện - ác. Nguyễn Trí không cố gắng xây dựng các tình huống để minh chứng cho sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mà cho thấy hai mặt đối lập ấy tồn tại hiển nhiên trong đời sống. Có những khi cái ác mang tính “trội”, nó len lỏi trong các ngõ ngách tâm hồn, khiến con người ta hung hãn, giận dữ, ngu muội, dẫn đến những toan tính nghiệt ngã, lừa lọc, giết chóc. Nguyễn Trí quan niệm: “Cuộc sống đôi khi có những bóng trên đời, trông thật là vô nghĩa. Nhưng sự sống cũng vô cùng mãnh liệt. Vì sao? Vì trong ai cũng có một hi vọng vào ngày mai. Ai cũng tin ngày hôm sau sẽ tươi sáng hơn hôm nay, nên những chiếc bóng vẫn cứ vật vờ hiện diện” (Đồ tể). Chính vì quan niệm như vậy, nên dù kể lại những câu chuyện vật lộn giằng co khốc liệt của đời sống mưu sinh, văn chương Nguyễn Trí không kích thích sự tò mò chờ đợi những kết cục đậm chất kịch, trái lại, vẫn có thể tìm thấy những khoảng lặng, dù không đẹp miên man nao lòng, nhưng đủ để con người ta còn biết tin vào lẽ sống.

Những người đàn ông trong các câu chuyện của Nguyễn Trí đậm đặc chất Nam Bộ, từ ngôn ngữ, khẩu khí, lối sống đến tinh thần phóng khoáng. Qua họ, có thể thấy được con người Nguyễn Trí, với quá khứ lấm lem mệt nhọc và những trăn trở dữ dội về lẽ sống. Họ bị ràng buộc trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, của bầu đoàn thê tử nheo nhóc mà đâm ra khốn đốn. Châu (Đồ tể) chịu xách dao theo Thủy đi chọc tiết lợn bởi “trước một đối thủ nặng kí là đói, ba cái tàu há mồm và một bà xã ốm o gầy mòn anh không gan cũng phải gan”. Truyện Đồ tể, mô tả chi tiết đến rùng rợn cảnh giết lợn, cắt tiết, lột da trâu, nhưng cùng đó, nhà văn chua xót lí giải “để phục vụ cho cái ăn, con người ta tàn bạo lắm”, “Khi cùng đường thì cái gì người ta cũng làm được tất… bẩn thỉu không chết, chỉ có đói mới chết”. Đặng (Một tám một mười) có lẽ điển hình nhất cho hạng người cùng đinh bạch ốc. Vốn “dân có chữ hẳn hoi. Miệng mồm cũng tầm cỡ”, chẳng may bị tiểu nhân hại, đi cải tạo bốn năm về thành ra Đặng “xi cà que”. Đặng và Thảo lấy nhau theo kiểu “vợ nhặt”, sòn sòn tám năm bốn đứa. Nghèo túng luôn đi liền bệnh tật, Đặng chết đi sống lại không biết bao lần. Nhưng cái khổ đó không thấm vào đâu so với nỗi thiệt thòi của một thân phận lưu lạc, phải rời bỏ quê hương xứ sở, chật vật mưu sinh mà “cái lận đận cứ vận vào họ”. Cuối cùng, Đặng cũng được yên ổn, có một căn nhà thực sự là của mình, cũng có nghĩa là được thừa nhận về quyền công dân, quyền làm chủ. Đó hẳn là mong mỏi của hầu hết những kẻ tứ cố vô thân mà Nguyễn Trí từng gặp trên muôn nẻo đường bôn ba kiếm sống.

Với các nhân vật nữ, Nguyễn Trí thường dành cho họ một cái nhìn đôn hậu. Đa số họ đẹp, nhưng đường đời gập ghềnh trắc trở. Mỹ Hạnh trong truyện Đồ tể là người “nhan sắc có tầm và thuộc con cái nhà”, “ăn trắng mặc trơn, dáng lại gầy như liễu và điệu buồn như mai”. Hạnh mê Châu - một thanh niên đẹp nhưng nghèo kiết xác, quyết theo tiếng gọi tình yêu, chấp nhận bỏ phố vô rừng, sống lay lắt tàn tạ. Còn Mai - vợ Thủy, chủ quán cháo lòng tiết canh, may mắn hơn, “quần áo lượt là, đồ trang sức đầy trên thân thể” trong khi thiên hạ lăn lộn để kiếm đủ miếng ăn. Có lẽ, vật chất đủ đầy là sự bù đắp cho thiệt thòi về mặt tinh thần khi vợ chồng Mai không có con. Một ngày kia, nghe đồn Mai bị chồng bắt quả tang cùng Châu trên giường. Sau sự kiện “nghìn năm có một” ấy, người ta không rõ số phận Mai thế nào, đi đâu về đâu. Linh trong truyện Chả có gì là bất thường mất cha khi mười lăm tuổi, phải nghỉ học. Mười sáu tuổi, nhan sắc đẹp “dậy xóm làng”. Nhưng bông hoa đẹp ấy vội nở và chóng tàn. Hơn hai mươi tuổi, Linh đã qua ba lần đò, ba đứa con. Hai người chồng đầu chết, Linh mang tiếng “sát phu”. Quá tam ba bận, đến đời chồng thứ ba, thì chính Linh chết sau một trận đòn ghen của chồng.

Mỗi người phụ nữ một thân phận, một nỗi bất hạnh khác nhau. Họ phải sống đời kiệt quệ vì miếng cơm manh áo, hoặc phải li tán vì miệng lưỡi thiên hạ, hoặc chết tức tưởi vì chính người đầu kề má ấp. Nguyễn Trí nhìn tất cả những câu chuyện đó, những số phận đó, cố gắng theo hướng tích cực nhất. Không thể dành cho họ một “happy ending” nhưng ít ra, ông đã tìm được cho thân phận họ một điểm tựa tinh thần. Linh sau khi mất, ba đứa con cô được các bên nội ngoại, thân thích chăm lo chu đáo. Mỹ Hạnh dù quay quắt vì nghèo đói nhưng ít ra Châu chồng cô “hơn tất cả mọi gã trai khác trên đời là đức chung thủy”. Mai dù vụ việc động trời “trai trên gái dưới” của cô với Châu là thật hay tin đồn thì khép lại trang sách, người đọc vẫn dành cho cô sự cảm thương. Dẫu sao, Mai cũng là kẻ cô độc ngay trong căn nhà của mình. Ngay chính Châu cũng “không hiểu bà chủ có hạnh phúc hay không nữa? Và có buồn không khi chả có lấy một đứa con để nựng nịu hoặc chửi bới cho vui mồm” (Đồ tể). Câu chuyện cuối cùng được Nguyễn Trí chốt lại bằng lí lẽ của một tên mọt sách: “Thằng Thủy (chồng Mai) sẽ nhận ra mọi sự. Nó sẽ nhận ra rằng nếu nó dùng rượu để giải phóng cô đơn, thường xuyên đi kiếm hoa độc để phần nào tiêu đi cái buồn chán, tẻ nhạt, vậy thì vợ nó quăng nỗi niềm ấy đi đâu?” (Đồ tể).

Rõ ràng, trong mọi trường hợp, dù éo le, Nguyễn Trí luôn tìm cách gỡ rối theo một hướng nhân văn nhất, nghĩa là không đẩy các nhân vật của mình (dù họ có sai lầm) vào chỗ đường cùng. Bao giờ Nguyễn Trí cũng để lại trên lối đi của những cuộc đời lầm than một ngã rẽ, một cơ hội để trở về, cũng như ông, đã chọn cho mình văn chương để làm chốn dừng chân sau khi trải qua bao nhiêu kiếp nạn. Với Nguyễn Trí, không gì quý báu hơn một mái nhà, một vòng tay, vì lẽ đó, nhiều nhân vật của ông, dù là gái bán hoa, tay giang hồ khét tiếng hay kẻ suy sụp vì tình… cuối cùng, đều chỉ mong được trở về nhà.

Truyện của Nguyễn Trí cũng không thiếu những cái xấu, cái ác, có lừa hụi (Một tám một mười), có lừa tình (Chi quyết định), có quan hệ ngoài luồng (Ngoại tình), có đổ máu thiệt mạng vì ghen tuông (Chả có gì là bất thường), có giết chóc hội đồng vì trộm cướp (Sau một cái chết). Nguyễn Trí, bằng nhận thức thấu đáo của người cha từng nếm trải nỗi đau đớn mất con, bằng sự tỉnh táo của người đàn ông từng trải, bằng cái nhìn nhân văn của một người yêu văn chương, đã lí giải cho những tội lỗi đó một cách đầy thuyết phục: “Sự thiếu học thức đã dẫn đến không có tri thức. Bước ra đời sớm, và nhiễu nhương của xã hội đã làm họ gần như vô cảm trước tất cả. Chỉ có một cái luôn hiện hữu trong tâm hồn là sự giận dữ, nó chực bộc phát khi có dịp. Không được sống trong môi trường giáo dục, gia đình đã vì miếng cơm manh áo mà đẩy con cái vào cuộc mưu sinh. Tuổi trẻ, thậm chí cả tuổi nhỏ chỉ biết và được dạy rằng vật chất quyết định tất cả. Rất tự nhiên tâm hồn họ chai sạn” (Sau một cái chết). Đó không đơn thuần là sự lí giải cho một vụ án giết người, mà sự lí giải ấy có thể phổ biến cho thực trạng của xã hội đương đại, khi sợ thờ ơ, méo mó của tâm hồn, của đạo đức ngày một trở nên trầm trọng. Cùng với sự thấu hiểu, cảm thông và dung thứ, Nguyễn Trí cũng không giấu nổi sự hoang mang: “Tại sao giận và tại sao lại vui khi làm đau đớn đồng loại của mình?” (Sau một cái chết)

Từ tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương đến Đồ tể, điều đáng nói nhất là viết về những con người dưới đáy xã hội nhưng tuyệt nhiên không thấy ở Nguyễn Trí tiếng thở dài nào. Những nỗi chua xót như nước mắt chảy xuôi vào trong. Các nhân vật của ông cũng vậy, họ lặn lội trên những nẻo đường kiếm tìm sự giải thoát khỏi thân phận nghèo khó bi đát, nhưng lặn lội một cách điềm nhiên, không oán thán, không ôn nghèo kể khổ, thậm chí đôi lúc kiêu hãnh đến khó tin. Chẳng hạn nhân vật Tính (Hảo hớn) và Nghĩa (Chân mình thì mình đứng). Cả hai cùng chung cảnh ngộ tha phương vì gia cảnh khốn khó cùng đường. Lúc quay về, may mắn nhận được phần ăn chia tài sản của cha mẹ để lại, đều từ chối, lựa chọn cảnh sống “xoàng xoàng” mà không hối tiếc: “Ai cũng có hai chân để đứng, có những kẻ không đứng được vẫn ngồi trên xe lăn để hiện diện với đời. Đã có hai chân thì (...) phải đứng trên chân của mình mà bước tới” (Hảo hớn).

Giữ được cái điềm nhiên ấy, hẳn vì Nguyễn Trí đã đi qua quá nhiều ải trầm luân, có li tán, có tù tội, có lưu vong, có chết chóc… để cuối cùng tri nhận mọi lẽ được mất ở đời, để biết tha thứ, biết mở lòng. Văn chương Nguyễn Trí vì thế, đã phần nào đảm nhận được chức năng căn cốt của văn học từ bản nguyên của nó là hướng mĩ, hướng thiện.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *