NHÀ VĂN NAM HÀ “NƯỚC MẮT DÀNH NGÀY GẶP MẶT”
Nhà văn Nam Hà
Người thì nói quê tác giả này ở tỉnh Nam Hà nên lấy tên tỉnh làm bút danh, kẻ lại bảo ở miền Nam, toà soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội một thời đã nhiều lần trả lời thắc mắc này. Nhà văn Nam Hà, tên là Nguyễn Anh Công, sinh năm 1933 ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Anh mồ côi cha khi vừa lên chín tuổi, vừa đi học, vừa làm ruộng giúp mẹ nuôi hai em nhỏ. Năm 1950, khi đang học đệ tứ, có phong trào thanh niên tòng quân, anh nhập ngũ làm lính huyện đội và bắt đầu viết báo với bút danh Trúc Hà. Bài bàt ký "Bộ đội về làng", tác phẩm đầu tay được đăng báo là lý do cấp trên điều anh về làm phóng viên báo "Giữ làng" của tỉnh đội Nghệ An. Nhưng chỉ đến tháng 12 năm 1950 thì thiếu giấy in, báo ngừng hoạt động, anh được cử đi học lớp Quân chính đào tạo tiểu đội trưởng. Năm 1952, anh tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh, phục kích trên đường số Mười, đánh nhau với lính Âu Phi, đơn vị anh hy sinh 35 người. Thương đồng đội, anh đã viết bài thơ "Phút cuối cùng" dài 150 câu, được chính trị viên tiểu đoàn dùng thay lời điếu văn đọc trong đêm truy điệu ở Nga Sơn, Thanh Hoá, sau đăng trên báo "Quân địa phương" của Quân khu 4. Như vậy, những bài viết đầu tay của Trúc Hà đều viết trực tiếp về người lính, với thơ, là tiếng khóc những người đồng đội hy sinh. Nhưng nhiệm vụ chính của anh lúc đó là đánh giặc. Năm 1953, anh tham gia chiến dịch Thượng Lào. Năm 1954 về nước đánh nhau trên chiến trường Bình Trị Thiên và bị thương ngày 20 tháng 7 năm 1954, đúng ngày hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết. Sau khi ra viện, anh về trung đoàn 270, vào giới tuyến Vĩnh Linh. Ở trung đoàn này được sự khích lệ của một số đồng đội thích văn nghệ, sau này trở thành nhà văn hoặc đạo diễn điện ảnh như Xuân Thiều, Cao Tiến Lê, Văn Ngữ...nên Trúc Hà viết đều, bài của anh vươn ra các báo trung ương như Quân đội Nhân dân và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1959, Trúc Hà được cử đi dự một trại viết do Tổng cục Chính trị tổ chức và khi trại kết thúc, anh về làm cỏn bộ biên tập tạp chớ Văn nghệ Quân đội, cùng với Xuân Thiều, mở đầu giai đoạn làm báo, làm văn chuyên nghiệp bình lặng trong năm năm trời..
Một buổi sớm mùa hè năm 1964, Trúc Hà đang tập thể dục cạnh gốc đại ở số 4 Lý Nam Đế thì nhà thơ Vũ Cao đạp xe đến . "Vào chỗ mình có tý việc", Vũ Cao trả lời câu chào của Trúc Hà bằng một lời mời. Tí việc đó là câu hỏi "Trúc Hà đi B được không?". Tính Chủ nhiệm Vũ Cao vẫn thế, anh không bao giờ ra lệnh, mà chỉ thăm dò ý kiến, trước đó hai năm, Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn cũng đã nghe câu hỏi như thế và bây giờ một người đang ở chiến trường khu Năm, một người ở B2. Trúc Hà tự nghĩ mình là người trẻ nhất cơ quan, chẳng có lý do gì để thoái thác, nên chỉ vài phút suy nghĩ anh đó nhận nhiệm vụ. Việc phải biền biệt xa mẹ là anh nghĩ đến trước tiên, nhưng rồi tự an ủi: mình để lại lương, hàng tháng hoặc hàng quý có người chuyển về cho mẹ là yên tâm rồi, còn chuyện xa cách thì mẹ đã quen chịu khi con là bộ đội. Cái khó nhất mà anh phải giải quyết là chuyện tình yêu. Đã vài năm nay, anh và Lộc, cô gái đồng hương đang học trường Thương nghiệp, yêu nhau. Bây giờ quyết định thế nào đây? Đi B là đi dài hạn, không biết ngày trở lại, để cô ấy phải chờ đợi đến bao giờ? Sau một ngày suy nghĩ, anh đã tìm đến ký túc xá trường Thương nghiệp, nói rõ hoàn cảnh và ý nghĩ của mình, khuyên cô đừng chờ đợi ... Cô Lộc không nói gì, chỉ biết nhìn anh mà khóc...
Công việc đầu tiên của nhà văn, nhà báo đi B hồi đó là đổi bút danh.Nguyễn Ngọc Tấn đó lấy tên con trai là Nguyễn Thi làm bút danh mới. Nguyên Ngọc đổi thành Nguyễn Trung Thành. Đó là chuyện của hai năm trước. Bây giờ anh quyết định đổi Trúc Hà thành Nam Hà, với ý nghĩa Trúc Hà ở miền Nam.
Đã trên 44 năm rồi, nhưng anh vẫn nhớ rõ những ngày đó. Anh được cử làm chính trị viên một đòan 32 người đi B bổ sung cho chiến trường khu 6. Năm giờ sáng ngày 25 tháng 5 năm 1964, từ khu văn công Mai Dịch, ô tô đưa đoàn từ biệt Hà Nội bằng cách đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, trước khi đi thẳng vào Vĩnh Linh. Dạo đó chưa có chiến tranh phá hoại trên miền bắc nên từ Hà Nội vào giới tuyến được đi bằng ô tô. Từ Bến Hải vào đến Bình Long, đoàn anh phải đi bộ mất đúng một trăm ngày. Mang nặng, ăn đói, mùa mưa ướt át tăng võng áo quần, đến nơi tập kết cuối cùng ở Đồng Nai Thượng, vừa đọc xong câu ca "Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đó trải, Đồng Nai cũng từng" thì sốt rétt quật anh quỵ xuống. Anh nhớ mãi cô y tá người địa phương lên chiến khu chưa lâu, cố bón cho anh từng thìa cháo và khuyên rằng:"nếu không cố nuốt thì thế nào anh cũng chết"! Và, khi cơn sốt trong người anh tạm lui, thì cô ấy lại hy sinh vì máy bay địch.Khu 6 là đất miền Đông "gian lao mà anh dũng" trong câu hát thời kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ càng gian lao gấp bội. Cán bộ, bộ đội phải tự túc lương thực bằng cách phát rẫy trồng sắn. Anh là người nổi tiếng làm rẫy giỏi của cơ quan, từ việc chọn rừng, đến chuyện phát, đốt cây và trồng trỉa. Có sáu tháng liền không có lấy một hạt cơm, không có muối phải đốt cỏ gianh lấy tro, hoặc lá đu đủ giã nhỏ với ớt, để "đánh lừa cái lưỡi". Thiếu đói triền miền, toàn trai tráng mà có khi bước đi mỏi long đầu gối, không co chân nổi mà leo dốc. Có những lần máy bay Mỹ rải chất độc hoá học xuống đúng khu vực đơn vị đang phát rẫy, chẳng biết chạy đi đâu, bèn ngồi xuống tại chỗ, căng tấm ni lông lên che, chất độc chảy nhỏ giọt bốn phía như nước mưa. Cả rẫy sắn nhiễm độc lá trụi, củ đen, đắng không thể ăn được. Tập truyện "Mùa rẫy" của anh được viết trong hoàn cảnh ấy. Những ngày đó anh luôn nhớ lời căn dặn của Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị trước lúc đoàn lên đường, là phải viết ngắn để phục vụ trước mắt, đồng thời phải có ý thức tích luỹ để viết dài về sau. Ngoài nhiệm vụ chính làm báo Quyết thắng của Quân khu, anh ghi chép đầy hàng chục quyển sổ để làm tư liệu viết dài, nhưng một lần đi công tác xa bị cháy rừng rồi cháy lán, thiêu sạch mọi thứ; một lần giấu trong hang bị biệt kích Mỹ lấy mất. Trong ba lô của anh còn có ảnh và một bức thư gửi về Tổng cục Chính trị báo cáo một năm công tác. Bức ảnh ấy bọn địch đã in vào truyền đơn nói rằng anh bị bắt, cho máy bay thả xuống quê hương làm mẹ anh khúc cạn nước mắt, sau đó em anh từ Nghệ An ra tận Tạp chí Văn nghệ Quân đội xác minh mới biết được sự thật. Còn tất cả tài liệu chúng mang về Mỹ, sau này nhà thơ Phạm Tiến Duật đến thăm Bolton, cựu chiến binh Mỹ đã chuyển bức thư này về nước và đăng trên tuần báo Văn nghệ với nhan đề "Bức thư của một nhà văn".
Năm 1971 Nam Hà vào B2 để viết về gương chiến đấu của những anh hùng dũng sĩ nhân Đại hội Anh hựng, Chiến sĩ thi đua toàn miền. Xong việc, anh được giữ lại để bổ sung cho Văn nghệ Quân giải phóng, nơi Nguyễn Trọng Oánh đang phụ trách, và hai người bạn đồng hương vốn cùng cơ quan lại được cộng tác với nhau thêm gần bốn năm nữa...
Năm 1974, quân đội có chủ trương những ai đã đi B mười năm thì được ra Bắc. Nam Hà đúng tiêu chuẩn ấy. Thấy anh Nguyễn Trọng Oánh gầy yếu, Nam Hà có ý định nhường suất ra bắc của mình, khi đó anh Oánh chỉ mới được tám năm. Anh Oánh không chịu, bảo Nam Hà "ra bắc còn lo chuyện vợ con, đã trên bốn mười tuổi rồi còn gì"...Thế là cuộc nhường nhịn không thành. Hơn một tháng trời đi xe, đi bộ ngược đường Trường Sơn, Nam Hà mang ba lô về làng. Người làng reo lên khi nhận ra anh rồi gọi to :"Anh Công về rồi bà ơi!". Mẹ anh bước qua bậu cửa ôm chầm lấy anh trên thềm khi anh chưa kịp đặt ba lô:" Con còn về được với mẹ hả Công?". Hai mẹ con cứ đứng ôm nhau mà khóc trong sự chứng kiến của người làng nghe tin anh về tìm đến. Mười năm xa, người mẹ anh thấp, nhỏ đi nhiều và mái đầu đã bạc trắng, nước mắt thấm vào vào áo anh. Anh thầm nghĩ: với mình, nước mắt ngày gặp mặt là thế này đây!
Khi về Hà Nội, anh có nhiệm vụ chuyển một loạt thư từ cho bạn bè, nên tìm đến cô Phương, cháu ruột của anh Oánh đang học năm cuối của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Do duyên trời xe, hai người nên vợ nên chồng và hôn lễ được tổ chức vào 10-5-1975, đúng mười ngày sau giải phóng miền Nam. Một buổi trưa tháng 3 năm 1976, biết vợ đã sinh con ở nhà hộ sinh Hàng Bún, Nam Hà nhớ lại nhiều người bạn ở chiến trường như mình, khi trở về lấy vợ sinh con dị tật, nên giữa trưa, nhà hộ sinh đóng cửa, anh leo qua rào sắt, lẻn vào nơi vợ nằm, cố nhìn được chân tay, mặt mũi của con, thấy bình thường vội leo rào về nhà để mau báo cho hai bên nội ngoại. Khi viết thư, anh mới nhớ ra rằng, vì quá mừng, mình đã vội chạy ra, chưa biết được con trai hay gái, liền chạy đến leo rào một lần nữa, nhưng lần này bảo vệ đuổi, nên tận cuối chiều mới biết được con trai! Cảm giác hồi hộp, lo âu này không chỉ riêng anh. Năm 1999, trong chuyến thăm Mỹ, có cuộc toạ đàm với một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, một cựu chiến binh ở Bolton nói với anh đại ý rằng: khi đứa con đầu lòng sắp ra đời, anh không quan tâm là trai hay gái, đẹp hay xấu...mà chỉ mong nó có đầy đủ mặt mũi, tay chân! Thế đấy, ngay những người lính Mỹ cũng ám ảnh, kinh hoàng về chất độc hoá học Mỹ trút xuống trên chiến trường Việt Nam.
Khác với nhiều nhà văn khác thường lơ mơ về kiến thức quân sự, Nam Hà nắm rất chắc chiến lược chiến thuật, có khi nằm trong ban chỉ huy chống càn, từng đóng góp với người chỉ huy chiến dịch những ý kiến xác đáng. Có những trận đánh thất bại hoặc không đạt yêu cầu thắng lợi, anh cũng chỉ ra được những nguyên nhân chính, nên được cán bộ quân sự nể trọng. Cũng vì đặc điểm ấy mà sau ngày hoà bình, cấp trên đã điều anh về công tác tại Ban ký sự, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, anh trở lại Ban sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội, vì nhận thấy rằng, sáng tác văn học hợp với sở trường của mình hơn. Những kiến thức quân sự ấy đó giúp anh khá nhiều trong khi viết bộ ba tiểu thuyết Đất Miền Đông, và Trong vùng tam giác sắt (hai tác phẩm đưa anh tới Giải thưởng Nhà nước cao quý) và Ngày rất dài, tiểu thuyết sử thi được trao Giải thưởng Bộ Quốc phũng...
Nam Hà là người của công việc. Ngoài việc ngồi bên bàn sáng tác một cách bền bỉ, anh có mặt đầy đủ trong các buổi họp nhưng không xuất hiện ở những cuộc chơi. Một số nhà văn bảo rằng đi dự trại sáng tác thì giao lưu là quan trọng nhất nên thời gian ngồi quanh bàn trà nhiều hơn bên bàn viết. Nam Hà thì không thế. Anh chỉ gặp các trại viên khác trong bữa ăn, ăn xong, lẳng lặng trở về phòng mình đóng cửa, viết. Với cách làm việc như thế, có lần hai tháng dự trại, anh hoàn thành tiểu thuyết dày hơn ba trăm trang.Trong thời gian làm Thư ký ( tức chủ tịch) Chi hội Nhà văn Quân đội, anh đã làm một việc được dư luận đánh giá rất cao, đó là xuất bản Tổng tập Nhà văn Quân đội, gồm 5 tập, dày 5.000 trang in, của 303 nhà văn đã và đang mặc áo lính. Phải chăng đó là bộ sách về văn học đồ sộ nhất ở nước ta?
Nhập ngũ từ năm mười bảy tuổi, gần sáu chục năm nay, anh chỉ gặp quê nhà trong các đợt nghỉ phép ngắn ngủi, trong đó có mười năm biền biệt xa, chỉ gặp trong chiêm bao. Năm ngoái anh bảo với tôi rằng anh rất thèm được sống giữa quê nhà, và dự định một chuyến về quê thật lâu để làm lại nhà thờ, sau đó sẽ ngồi viết dài ngày ở giữa quê hương. Và anh đã làm đúng điều dự định, chỉ có một điều không ngờ là sau khi nhà thờ làm xong, tiểu thuyết "Thời hậu chiến" vừa hoàn thành, anh ngã bệnh nặng, các con ở Hà Nội phải cho xe về đón. "Tuổi già muốn sống với quê hương, nhưng không thể khi con cháu ở thành phố"! Anh rút ra chân lý là bi kịch mà nhiều người đó gặp.
Đến nay nhà văn Nam Hà đã xuất bản trên hai chục tác phẩm, riêng tiểu thuyết đã vượt con số năm ngàn trang in. Đã có cháu nội, cháu ngoại, dù sức khoẻ có giảm sút nhưng luôn coi mình là người may mắn bởi anh là một trong 8 người còn lại sau chiến tranh của đoàn 32 người cùng đi B năm đó.
Ngồi đối diện với anh ở Hà Nội mà sao trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh hai mẹ con anh giữa quê nhà như một tượng đài: người con cao gầy trong màu quân phục, đầu đội mũ tai bèo, lưng mang ba lô, nước da sạm xanh sốt rét, hai tay ôm choàng vai người mẹ thấp nhỏ, mặt áp vào áo con, mái tóc bạc trắng, cả hai nước mắt tuôn trào niềm vui gặp mặt...
Vương Trọng