Tác phẩm chọn lọc

6/8
9:58 AM 2017

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI: THƠ HÀ NỘI 30 NĂM ĐỔI MỚI- NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU

Đỗ Ngọc Yên - Câu chuyện đổi mới hay cách tân thi ca Việt đã không còn là mới lạ, trái lại nó đã được bàn thảo khá nhiều và khá lâu. Từ cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX cho đến nay, có hai khuynh hướng cách tân thơ khá rõ nét.

Một là, đổi mới thơ ca truyền thống, chuyển từ anh hùng ca, mang đậm chất sử thi chiến trận sang tự sự trữ tình thời hậu chiến, với các tên tuổi như: Hữu Thỉnh,  Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh, Hoàng Trần Cương, Trần Quang Quý, Nguyễn Hữu Quý,…đều đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng công chúng mến mộ thơ ca cả nước từ nhiều năm nay và đã từng đoạt giải thưởng của các Hội Văn học - Nghệ thuật.

Hai là sáng tạo ra một kiểu thơ mới, tiệm cận với ngôn ngữ đời sống thường ngày hơn từ ảnh hưởng khá nhiều thơ của các trường phái Hậu hiện đại, Tân hình thức, Tân cổ điển,…của các nước phương Âu- Mỹ như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Inrasara, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị  Như Thúy,…

Ở đây chúng tôi xin chỉ xem xét một số hiện tượng thơ Hà Nội tiêu biểu ở khuynh hướng thơ cách tân trong diễn trình đổi mới thơ từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX.

1. Có thể nói Nguyễn Việt Chiến là một trong số không nhiều các nhà thơ háo hức kiếm tìm một diện mạo mới cho thơ Việt đương đại: Thưa mẹ/ hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu/ trong con vẫn còn một chuyến tầu/ ba mươi ba năm trước chưa trở về/.../ phải chăng vì thế/ những câu thơ bây giờ/ vẫn phải lên đường/ làm một cuộc ra đi...(Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ).

Ông coi diễn trình đổi mới thi ca Việt như những chuyến tầu lao mãi về phía trước không ngừng nghỉ. Chuyến du hành ấy chẳng bao giờ là sớm và cũng chẳng bao giờ là muộn. Chỉ có điều, không thể không ra đi để tìm bến đỗ mới cho thơ. Bởi lẽ, những gì mà thơ ca Việt trước đây đã từng làm được dường như đều cũ mèm: tôi chỉ dám cất giấu trong câu thơ chật hẹp của mình/ một ít gió còm cõi từ mùa hạ cũ/ một ít nắng đăm chiêu từ mùa đông cũ/ một ít mây chiều bơ vơ trên mái phố cũ/ một chút bụi tư tưởng rơi ra từ cuốn sách cũ/ một hơi ấm thì thào trong bài hát cũ/ một mùi vị hoang dại ngọt ngào trong da thịt cũ...(Để nhớ về em)

Bài chỉ có 19 đơn vị câu thơ mà có tới 13 lần ông nhắc tới những cụm từ cũ với nhiều sắc thái tâm trạng khác nhau. Như vậy đủ biết nhu cầu làm mới thơ trong ông, róng riết biết nhường nào.  Thơ truyền thống đã cũ, nhưng thơ cách tân lại đang bị lãng quên. Một thực tế thật khó chối bỏ được, dù đấy là một nghịch lý mà Nguyễn Việt Chiến đã viết như sau: “Các nhà  thơ đương đại/ và tôi/ đang bị thời gian lãng quên/ từng người một/ từng ngày một/ từng câu thơ một/ khi làm xiếc trên sợi dây ngôn ngữ/ chúng tôi/ bắt chước thiên nhiên/ gieo một tiếng thở dài / vào cái cây bóng tối/sự lãng quên vô tình hoặc cố ý/ đang dập tắt tất cả/cả sự yên ổn trong tâm hồn và mỗi câu thơ. (Thơ đang bị lãng quên)

Thực trạng thơ bị lãng quên được thể hiện khá rõ từ phía công chúng và của chính các bằng hữu văn chương, cũng như các nhà lý luận- phê bình và lãnh đạo văn nghệ. Khách quan mà nói, thơ Nguyễn Việt Chiến là sự pha trộn của cả ba khuynh hướng thơ đương đại: khuynh hướng truyền thống, khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống, và khuynh hướng cách tân hoàn toàn ảnh hưởng thơ của các trường phái Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức, Tân cổ điển,…từ các nước phương Âu- Mỹ.

2. Khác với nhiều người, ngay tập thơ đầu tay Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều vừa ra đời đã nhận được Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1992. Vào thời điểm ấy, tập thơ đã gây ra những luồng dư luận trái chiều, người khen thì ít, mà kẻ chê lại nhiều. Thậm chí có người còn cho rằng Sự mất ngủ

của lửa không phải là thơ, mà chỉ là sự mê sảng của một người mất ngủ lâu ngày được viết ra bằng một thứ ngôn ngữ giống như văn nói và được gọi là thơ. Có người còn bảo đấy là bản dịch từ tiếng Tây sang tiếng Việt. Cho đến nay vẫn còn không ít người còn e ngại, dè chừng với kiểu  thơ này. 

Nhưng nếu chỉ xét ở góc độ thành công, có thể xem Nguyễn Quang Thiều là một trong số ít những người đi đầu trong việc đổi mới thơ Việt đương đại. Ông đã tạo nên sự cộng hưởng nhất định trên thi đàn với hàng loạt các cây bút trẻ sau này.

Trong một tuyên ngôn có tên Bản thông cáo, ông đã không ngần ngại bắn phá dữ dội vào thành trì của lối thơ cũ hoa mỹ, mang đầy tính chất tụng ca sáo rỗng, một thứ hàng lỗi mốt, nhưng vẫn cố tình tô son trát phấn bằng hình thức bên ngoài, hoặc như một loại hàng giả được bọc trong những bao bì lòe loẹt của ngôn từ: Trong nghi lễ của ngôn ngữ/ được trang hoàng lộng lẫy/ giống sự lòe loẹt/ trong bức tranh dân gian của một nghệ sỹ mù

Theo Nguyễn Quang Thiều, đối với thơ ca có hai căn bệnh đáng sợ nhất là sự tha thứ và ngợi ca vô lối. Làm như vậy là con người đang tự lừa dối chính mình. Ông tuyên chiến với thơ cũ, thứ thơ không bao giờ dám bắt tận tay, day tận trán cái hiện thực đời sống được làm nên chủ yếu bằng bóng tối, đầy rẫy những bất trắc, mà ông cho rằng đấy là một thói quen tồi tệ nhất là dùng thời quá khứ (Giọng của H). 

Bộ mặt của thơ cũ và những người đã sản sinh ra chúng, mà người ta quen gọi là thơ truyền thống, đã được ông vẽ nên thật sự gớm ghiếc và đáng kinh sợ biết nhường nào. Dẫu biết rằng người ta không thể tự tay vặn ngược bánh xe lịch sử của sự phát triển, thế nhưng trớ trêu là các nhà cách tân vẫn không sao quẳng truyền thống ra ngoài cuộc sống được, mà vẫn phải sống chung với nó, như người ta vẫn phải sống chung với ruồi và nhiều thứ khác nữa.

3. Có lẽ Nguyễn Lương Ngọc là người hiếm hoi trong làng thi ca Việt đương đại dám đem cả đời mình ra đánh cược cho công cuộc cách tân thi ca, một cuộc chơi đầy phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng dù sao ông cũng đã thắng, chí ít là về một phương diện nào đấy của thơ.

Điều đáng ghi nhận ở Nguyễn Lương Ngọc không phải là ông đã làm được những gì trong diễn trình vận động cho sự đổi mới thi pháp thơ, mà chính là một tinh thần dũng cảm, thái độ nghiêm túc và một bầu nhiệt huyết tràn đầy trong sự nỗ lực của diễn trình ấy. Có lẽ ở giai đoạn từ sau 1986 đến nay, ít thấy ai dám đem đời mình ra đánh cược với thơ như Nguyễn Lương Ngọc, khi ông dám tuyên bố: ... anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình

ra mà kết cấu... (Hội họa lập thể)

Đối với ông, thơ ca cũ bây giờ chỉ là những khuôn mẫu hay qui tắc lên men chỉ có thể tạo ra những thứ giống như sự thật, chứ nhất quyết không phải là sự thật, thế thì buộc phải đập vỡ nó ra mà làm lại, ông dứt khoát rằng: những con đã sinh ra thì đã chết/ những con chưa chết thì chưa sinh ra...(Gọi hạc).

Khát khao đến phát cuồng, si mê đến vật vã cho quá trình đổi mới thi ca Việt đương đại của Nguyễn Lương Ngọc là một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận, trong điều kiện tinh thần dân chủ đã được khai thông từ chủ trương đổi mới nền kinh tế của đất nước để hội nhập và phát triển trong các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

4. Dương Kiều Minh được ghi nhận như một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp trong quá trình cách tân thơ Việt từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước.

Tôi chọn ngẫu nhiên 52 bài thơ, ứng với số tuổi đời của Dương Kiều Minh để đọc. Cảm nhận đầu tiên và cũng là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là cảm thức thời gian trong thơ ông hiển hiện rất rõ nét. Trong số 52 bài thơ mà tôi khảo sát có tới 437 lần Dương Kiều Minh sử dụng các từ/cụm từ chỉ về hoặc liên quan đến thời gian, trung bình mỗi bài có tới hơn 8,4 lần.

Trong thơ Dương Kiều Minh cảm thức thời gian được đặc trưng bởi hình tượng mùa. Với 52 bài thơ mà chúng tôi khảo sát có tới 217 lần người thơ nhắc tới từ/cụm từ chỉ mùa: mùa, mùa vụ, mùa màng, vẻ thu, hơi xuân, chiều đông,... Tính trung bình mỗi bài có tới trên 4,17 lần ông nhắc đến các từ/cụm từ gắn liền với hình tượng này.

Trong các mùa của năm, dường như mùa thu có duyên nợ nhất đối với Dương Kiều Minh, nên nó có sức ám ảnh lạ thường. Trong số 52 bài thơ như tôi đã nói, có tới 37 lần tác giả nhắc tới từ/cụm từ chỉ/ liên quan đến mùa thu. Trung bình cứ khoảng 0,7 bài thơ ông lại nhắc đến mùa thu một lần.

Bài Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống của Dương Kiều Minh được viết vào ngày 24- 8- 2011, tức là cách ngày ông ra đi 28- 3- 2012, đúng 7 tháng 4 ngày. Ông đã khai triển thi pháp một cách bài bản, nhưng không kém phần táo bạo và đã đem lại hiệu quả cả về mặt tư tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ cho thi phẩm. Bài thơ viết về một mùa thu trong giấc mơ dịu dàng, thật nhẹ nhàng, không ồn ào, không có những từ, những câu gây cảm giác mạnh, trái lại rất gần gũi thân quen, mới và lạ về ý tưởng, cảm quan về con người, cuộc đời và thế giới tự nhiên. Nó là chiếc cầu nối mang trên mình thông điệp nối đôi bờ giữa hai thế giới hư và thực, sống và chết, giữa cái hữu hạn của đời người với cái vô hạn của đất trời, vũ trụ. Có lẽ, điểm nhấn rõ nhất trong sự vận động của thi tứ là cảm thức về thời gian. Bài thơ chỉ có 26 câu mà Dương Kiều Minh đã 12 lần sử dụng các từ/ cụm từ chỉ thời gian. Như vậy, trung bình cứ hơn 2 câu, ông lại nhắc đến thời gian một lần, mà chủ yếu là thời gian của mùa thu, mùa của sự bắt đầu từ cái hữu hạn chuyển dần sang cái vô hạn của muôn thưở kiếp người. Bài thơ với nhiều biểu tượng khá đắt được đặt ở những vị trí đắc địa của nó, khiến cho sức lay động càng sâu, càng xa mãi vào cõi vô thường. Có thể coi đây là một trong những bài thơ viết về mẹ và mùa thu hay nhất của Dương Kiều Minh. Bài thơ đã đạt đến độ chín về cảm xúc, chiều sâu về suy tưởng, lung linh về hình ảnh, ngôn từ..

5. nhiều công sức cho việc tìm đường. Có lẽ Nguyễn Bình Phương là người duy nhất trong số các nhà thơ hiện đại Việt Nam lúng túng về mối quan hệ giữa con người công chức và con người nghệ sĩ. Điều ấy cho thấy một thực tế là ở Việt Nam rất hiếm có nhà thơ chuyên nghiệp, mà chủ yếu vẫn là những công chức- nghệ sĩ. Dù là ở thời kỳ nào của sự phát triển kinh tế - xã hội của nước Việt Nam hiện đại: thời chiến, bao cấp hay kinh tế thị trường thì người Việt cũng thường khoác lên mình danh xưng về mặt xã hội đầu tiên là làm gì, ở đâu, sau đấy mới đến các danh xưng khác như nhà

văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ hay nhà khoa học,... mang tính nghề nghiệp.

Ngay ở tập thơ đầu tiên Lam Chướng (1994), Nguyễn Bình Phương mới gần 30 tuổi, đã phải đối mặt với một thực tế trong sự lựa chọn đầy khó khăn: công chức hay nghệ sĩ: Này tôi/ Một khuôn mặt công chức/ đứng nhìn/ những cuộc họp rạc rài/ tiêu ma bao ý tưởng...(Bài thơ cũ).../ Một cái chức nhỏ bé/ Một cái chức lăn như cỏ lông chông/.../ Một cái chức liu riu ánh vàng/.../ Người ạ, ấp má vào vai nghe máu thở/ Không ngồi thì đứng vững cùng mưa/ Vung tay vẽ, người ạ, nét bập bùng của lửa/ kẻo cái chức nhì nhằng vẽ bậy xuống đời ta...(Gửi người khổ sở)

Tôi chọn ngẫu nhiên 87 bài thơ của Nguyễn Việt Phương để làm một khảo sát nho nhỏ, thật bất ngờ thấy sự lúng túng của ông thể hiện rất rõ trong việc sử dụng từ láy ở các thi phẩm trong thế lưỡng phân. Trong số 87 bài thơ có tới 457 từ láy đôi và láy ba, trong đó có một số từ láy được lập lại tới ba lần trong cùng một bài thơ. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Bình Phương là nhà thơ hiếm hoi sử dụng nhiều từ láy đến như vậy. Nhưng vấn đề không dừng lại ở số lượng từ láy nhiều, mà quan trọng hơn là, dù nhiều nhưng người đọc không cảm thấy nhàm chán, làm giảm giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của bài thơ, mà nhiều khi là ngược lại.

Cùng với việc sử dụng nhiều từ láy và những từ láy mới lạ tạo nên một sắc thái riêng cho thơ ông, rất khó trộn lẫn với những người thơ khác. Điều ấy cần ghi nhận như là một sự đóng góp cá nhân của nhà thơ vào tiến trình đổi mới thi ca Việt đương đại và cũng phần nào nói lên khuynh hướng cách tân thơ mang nghệ hiệu Nguyễn Bình Phương, mà không dễ gì ai cũng có thể làm được./.  

  

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *