SÁCH CŨ, NGƯỜI CŨ, NHƯNG MỚI TỪ LÂU
Họa sĩ-nhà phê bình Nguyễn Quân
Chương mở đầu, “Những cửa vào nội giới- vấn đề hạnh phúc”, là phần quan trọng nhất. Nó là “sợi chỉ xanh” xuyên suốt cuốn sách này. Đặc biệt thú vị (và được viết rất hay) ở chương này là, thông qua phân tích quá trình đào luyện ngũ quan, Nguyễn Quân đã lý giải rất thuyết phục, cơ chế hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật-cơ chế giải phóng cái tiềm năng (để nhiều phần đã thành ra năng lực thực tế) quí nhất, cao nhất, của con người/loài người. Càng thú vị ở chỗ, ngay từ thời bao cấp (cả về tư tưởng và học thuật), sự xuất hiện một cuốn sách tự do như vậy là một bước tiến dài, của cả người viết lẫn người đã xuất bản nó.
Nguyễn Quân viết: “5 giác quan là 5 cửa vào nội giới (thế giới bên trong) của con người, cũng là 5 cửa mở ra ngoại giới (thế giới bên ngoài họ)”; “5 giác quan là cơ sở cho mọi thông tin căn bản, nguyên ủy, và khởi đầu cho việc tạo dựng cái thế giới thăng hoa trên cơ sở thân thể người ta” (đúng vậy, nếu 5 giác quan ấy bị tê liệt, nội giới người ta sẽ trống rỗng hoặc tù đọng và quá trình tiến hóa thông thường lập tức dừng lại hoặc tắt hẳn, nói gì đến việc thăng hoa, đặc biệt là việc thăng hoa để hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật). Nhưng như thế là chưa đủ! Nguyễn Quân viết tiếp: “Khả năng hưởng thụ để có khoái thú thẩm mỹ, không chỉ là những gì đi qua 5 cửa này… Nghe cho sướng tai, ngửi cho sướng mũi, nếm cho sướng lưỡi, sờ cho sướng da, nhìn cho sướng mắt; (dù) vẫn là những ham muốn chân chính, nhưng cũng thuần túy trần tục thôi. Cái đáng bàn (vấn đề là), cảm giác sướng của người ta (lại) không nằm ở số lượng những gì đi qua 5 cửa kia, mà nằm ở khả năng kiểm soát/khám xét mọi cái đi qua 5 cửa ấy, như người hải quan kiểm/khám hàng nhập cảnh vậy. Có khi ăn cà, ăn cơm vài món thấy ngon mà ăn yến ăn tiệc dăm chục món lại không thấy sướng vì không kiểm soát được. Chỉ có khả năng soát xét kỹ càng (của 5 cửa vào đã nói), mới tạo ra, mới chính là, xúc cảm”.
Tuy nhiên, xúc cảm bậc 1 ấy mới chỉ “tạo ra sướng/khổ… ở tầng sơ đẳng và cần thiết nhất”, mà sinh vật cấp thấp cũng có thể có. Nhưng gắn với/thông qua “liên tưởng”, chỉ ở con người, mới tạo ra một loại “xúc cảm hỗn hợp” có giá trị tiến hóa cao, tùy thuộc ở từng cá nhân cụ thể, chứ không được đưa vào “mã di truyền” của cả loài người (cho nên, không ai không học-hành, rồi chỉ dựa vào “mã di truyền” để thành ra nhà thông thái và nghệ sĩ lớn được). “Xúc cảm hỗn hợp” ở con người, lúc đầu do các “liên tưởng đơn”, sau đó, vì vô vàn các “liên tưởng đơn” chồng chéo, thắt buộc, giằng kéo nhau như cuộn chỉ rối; mà nếu không thoát ra được, sẽ giống/là trạng thái bệnh lý-người ta sẽ “sa lầy, chết đuối” ở đây-nên, để “thoát chết” và tiến hóa, ở con người xuất hiện khả năng “liên tưởng đa chiều” để có Xúc cảm bậc 2, cao hơn. Từ “Xúc cảm bậc 2” có bởi “liên tưởng đa chiều”, con người mới có thể sáng tạo nghệ thuật và thăng hoa trong hưởng thụ nghệ thuật- mới có khoái thú thẩm mỹ. Tuy thế, xúc cảm và liên tưởng của con người, dù đã là bậc 2 như thế rồi, lại phụ thuộc rất nhiều vào các “mặt cắt thời gian” trên “trục thời gian thứ 3” của nội giới người ta. Chỉ ở những “mặt cắt thời gian” thích hợp, ngẫu nhiên, theo “trục thời gian thứ 3”, các bậc 2 kia mới giúp người ta sáng tạo nghệ thuật và có khoái thú thẩm mỹ. Nói nôm na, chỉ ở các khoảnh khắc “tiền định” (không biết trước) của nội giới, từ các bậc 2 như đã nói, con người mới có các sáng tạo (lớn hơn các sáng kiến) nghệ thuật (nếu không, cứ biết nhiều là thành nghệ sĩ lớn hết!). Dễ hiểu hơn, hãy hình dung, mọi “thông tin” đi vào, qua 5 cửa của nội giới, dù tạo ra các bậc 1 rồi bậc 2, thì đều lập tức trở thành kỷ niệm, được hạ xuống tầng sâu hơn, cất vào kho của nội giới, chồng chất lên nhau như các vỉa địa tầng, ở từng “sát na” (đơn vị thời gian ngắn nhất, theo quan niệm của nhà Phật) khác nhau, nhưng không nằm bất động như của cải trong kho chứa; mà luôn vận động, không kiểm soát được, thậm chí, không “ý thức” được; tác động trở lại, thường xuyên, đến khả năng kiểm soát của 5 cửa vào như đã nói ở phần đầu, tức là quyết định chất lượng kiểm soát xúc cảm - cả bậc 1, bậc 2-ở một số “mặt cắt” thời gian của nội giới theo “trục thời gian thứ 3”, để “vô thức” mà sinh ra khoái thú thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật. Sự “vô thức” vừa nói rất gần, hay chính là, khái niệm “vô thức” của các học giả phương Tây. Điều đặc biệt ở đây là, “trục thời gian thứ 3” (ngoài trục 1 - đi tới, và trục 2 - trở về, ứng với “tương lai” và “quá khứ”) mà Nguyễn Quân tin tưởng, luôn “hiện tại” trong nội giới người ta. Nếu “Phân tâm học” và từ đó, dẫn đến các lý thuyết phương Tây về cõi “vô thức”, thì việc Nguyễn Quân coi trọng “trục thời gian thứ 3”, là một nhấn mạnh đầy sức nặng. Từ đó, tác giả viết: “Nếu tôi thô thiển hóa nội giới của chúng ta thành một tòa nhà hai tầng, thì tầng dưới cùng - tầng hầm - không nhìn thấy, là kho ký ức. Tầng 1 của tòa nhà với 5 cửa vào/ra là mặt cắt hiện tại tức thời, thì tầng thượng của nó, là một không gian vô hình thù. Đó là khu vực thăng hoa. Nó đồng thời tồn tại với hai tầng kia, nhưng kết cấu và hoạt động của nó, vật thể các yếu tố làm ra nó... thì không nhận biết được bằng tư duy logic hay bằng cảm biết ngũ quan, vật lý... Nó là khu vực “không để hiểu”/“không để tri giác”, chứ không phải là “chưa hiểu”/“chưa tri giác” được. Và, vì thế nó không phải là phần siêu hình nằm trong khu vực không siêu hình... Nó tăng trưởng cùng với sự tăng trưởng của tầng hầm và tầng 1 ở cả nhân loại, mỗi dân tộc và mỗi cá nhân. Do vậy, với tiến hóa văn minh... thì khu vực “không để hiểu”/“không để tri giác” này cũng rộng ra, phức tạp lên (không như ta quen nghĩ, phần “biết” càng lớn lên, thì phần “không biết” cũng tăng lên của “ý thức”). Cái tầng thượng này... có lẽ giống với cõi cực lạc, cõi không... phi trần thế mà Phật giáo hay nói tới... Đây chính là sự bí ẩn làm cho ta luôn cảm thấy suy, cảm của ta bị dẫn dắt, bị tác động và hướng về một cái gì đó. Sáng tạo nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật lớn luôn hấp dẫn, luôn bí ẩn vì nó đụng đến một phần của thế giới tầng thượng này.”. Như thế, sau các bậc thầy cổ, kim, đông, tây; Nguyễn Quân đã có, đã đưa ra, một kiến giải/đề nghị, về miền “không để hiểu”/“không để tri giác” của con người, nhằm thay thế cho miền “chưa hiểu”/“chưa tri giác” được của “Duy vật biện chứng” về “ý thức”; đồng thời, thay thế luôn cho cõi “vô thức” siêu hình của “Phân tâm học”. Có lẽ, đó là cống hiến lớn nhất của cuốn sách này. Song song với kiến giải/đề nghị đó, tác giả đã “đồ họa hóa” cái cơ chế hình thành miền “không để hiểu”/“không để tri giác” ấy. Và, với việc thừa nhận, có một miền “không để hiểu”/“không để tri giác”, “Duy vật biện chứng” thôi mâu thuẫn với “Phân tâm học”; đồng thời, “Phân tâm học” cũng cởi bỏ được cái vỏ duy tâm/siêu hình cũ- “ý thức” và “vô thức” gặp nhau, Đông gặp Tây, ở chỗ “không để hiểu”/“không để tri giác”! Miền này, không còn vẻ siêu hình nữa, vì nó sinh ra một cách biện chứng, từ 5 cửa vào nội giới, có thể phát lộ, giúp con người tăng tần suất thăng hoa do đào luyện 5 cửa vào nội giới, chứ không từ một gốc gác thần bí nào.
(...)
Từ lý thuyết về ngũ quan cùng cơ chế hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật bắt đầu từ 5 cửa vào ấy, Nguyễn Quân đi tiếp sang lĩnh vực ngôn ngữ. Theo anh, “Các từ gốc/từ nguyên là các sản phẩm đào luyện và sự mã hóa đầy tính ngẫu nhiên, các kinh nghiệm đào luyện ngũ quan. Chúng sinh ra ở ngay 5 cửa vào nội giới”... “Các cụm từ... thì sinh ra từ “xúc cảm hỗn hợp” liên giác quan. Rồi sau đó, chúng đi theo trục ký ức, sinh ra các mệnh đề, các kết cấu bên trong của mỗi hệ thống tín hiệu của mỗi ngôn ngữ-cú pháp, từ pháp...” và việc các ngôn ngữ khác nhau không chồng khít lên nhau được chỉ vì chúng “được mã hóa đầy tính ngẫu nhiên, các kinh nghiệm đào luyện giác quan” khác nhau mà thôi. Ngôn ngữ, không thể di truyền được, nên tuy nó độc lập với cơ thể sinh học, nhưng lại là một bộ phận cấu thành cơ thể của người ta đến nỗi phải có cả một trung khu thần kinh điều khiển nó. Rõ ràng, có một “sợi dây chìm” rất mỏng manh, không nhìn thấy được, của ngôn ngữ, nối nó với và song hành với, ngũ quan người ta. “Sợi dây chìm” ấy chính là nơi xuất phát của ngôn ngữ bậc cao-ngôn ngữ văn học-có khả năng động chạm được tới khu vực “không để hiểu”/”không để tri giác” đã nói, cho nên, dù “ngôn ngữ bất đồng” nhưng vì khu vực “không để hiểu”/“không để tri giác” không bất đồng, văn học nghệ thuật vẫn có thể làm cho các dân tộc “hiểu” nhau, “thông cảm” cho nhau, đỡ bị cô độc và được an ủi. Như vậy là, dù ngôn ngữ các dân tộc là khác nhau, được mã hóa ngẫu nhiên theo kinh nghiệm đào luyện ngũ quan của dân tộc ấy, không thể chồng khít lên nhau được, thì chúng đều có nguồn gốc từ 5 cửa kia và hình thành, cao dần, do những xúc cảm, liên tưởng, từ đơn giản đến phức tạp, của nội giới người ta, bằng cùng một quy luật. Theo Nguyễn Quân, ngôn ngữ độc lập với cơ thể sinh học (không di truyền được) nhưng khi đã hình thành thì nó là một bộ phận (nhân tạo) của cơ thể, hoạt động như một bộ phận cấu thành cơ thể. Cuối cùng, Nguyễn Quân viết: “Tất cả những gì biểu hiện bằng ngôn ngữ logic cùng tất cả các cảm xúc và liên tưởng ngũ quan có thể mã hóa được đều có thể bàn giao cho các chương trình máy tính và người máy lý tưởng sẽ làm được, có thể gọi là sáng tạo bậc 1. Tuy nhiên, thế chưa đủ, còn cần có cảm ứng ngũ quan và liên tưởng trục dọc với ký ức mang tính cá thể mới động tới, mới gợi ý và làm phát lộ phần nào khu vực không để hiểu, cảm. Đó là sáng tạo bậc 2, trí khôn bậc 2-vĩnh viễn là của con người”. Theo tác giả, “Ngôn ngữ giống như những con đường trên bản đồ mà nội giới thì giống như phong cảnh và những con đường thì không bao giờ là toàn bộ phong cảnh/phủ kín phong cảnh nên khi tư duy bằng ngôn ngữ, thực ra là ta chỉ đi trên những con đường thôi”. Tư duy bằng ngôn ngữ, tư duy thì tồn tại, nên ngôn ngữ tạo nên con người. Ai mất trí nhớ, mất ký ức, không “người” như người khác được nữa, thế là ký ức luôn “hiện tại” cùng ta. Người máy không có cái “trục thời gian thứ 3” kia, nên mọi mã hóa của nó cũng chỉ đủ tạo ra tầng hầm, tầng 1 mà thôi. Nó không thể có tầng thượng, nơi có thể thăng hoa để có văn học nghệ thuật và khoái thú thẩm mỹ. Rõ ràng, việc chỉ ra vùng “không để hiểu”/“không để tri giác”-tầng thượng-chỉ có ở con người, là một kiến giải/đề nghị quan trọng của riêng Nguyễn Quân để từ đó, kiến giải sự hình thành và chỉ ra vai trò của ngôn ngữ cùng khả năng mã hóa “bên dưới” tầng thượng, cùng khả năng động chạm đến tầng thượng, của nó.
(...)
*
Cũng theo lối kiến giải ấy, Nguyễn Quân bàn sang “Bản chất của nghệ thuật”. “Nghệ thuật nào cũng xuất phát từ sự đào luyện ngũ quan” (cho đến khi biết/có khoái thú thẩm mỹ)- tác giả viết- do đó, chỉ khi con người “dư thừa cảm giác ngũ quan”, mới có hoạt động nghệ thuật. “Dư thừa”, tức là có phần dôi ra, sau khi đã “đủ” cho sinh tồn. Và vì, chỉ ở con người mới có khoái thú thẩm mỹ, nên “nhân đạo là bản chất của nghệ thuật, cái gì phản con người, phủ nhận con người, không thể là nghệ thuật. Cái gì xa lạ với niềm vui và nỗi lo sợ của con người (ái, ố, nộ, hỷ, ai, lạc) đều phi nghệ thuật”.
Quả thật, chỉ con người mới có ngôn ngữ và người ta có thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt mọi ái, ố, nộ, hỷ, ai, lạc của mình và tạo ra văn học, nên văn học, khi nào tạo ra được khoái thú thẩm mỹ cho con người/đông người, thì thành ra nghệ thuật, đó là nghệ thuật ngôn từ. Và vì, văn học-nghệ thuật, dù muốn hay không, cũng đã có tính chất xã hội, cho nên nó hay được dùng vào những mục đích xã hội khác nhau. Việc dùng vào/“gán cho” ấy, là việc tất yếu của xã hội, nhưng người làm văn học-nghệ thuật được quyền lựa chọn mục đích làm văn học-nghệ thuật của mình. Khi không hoàn toàn thống nhất thì sinh ra những cuộc tranh luận, ví như “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh”, vốn không đáng để to chuyện đến thế, không đáng để nhỡ ra mà quên đi cái gốc của cả hai phái và cái mục đích chung là “dưỡng sinh nòi giống, dưỡng sinh dân tộc, dưỡng sinh đời sống thực tại đã sản sinh ra nó”. Thế là, bản thân văn học-nghệ thuật, tự khởi thủy, đã vị nhân sinh rồi.
Nguồn Văn nghệ số 29/2017