Tác phẩm chọn lọc

30/7
8:27 AM 2017

VỀ CHỦ NGHĨA CẤU TRÚC

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG - Ferdinand de Saussure, Claude Lévi-Strauss và chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954 - 1975)- (Kỳ 1). Trong những năm 1954-1975, ở miền Nam Việt Nam, nếu chủ nghĩa hiện sinh lan truyền khá rộng rãi cả trong học giới lẫn trong công chúng dưới nhiều hình thức đa dạng, thì chủ nghĩa cấu trúc chỉ ảnh hưởng ở một phạm vi hạn chế trong nhà trường đại học và giới chuyên môn.

                                          Nhà phê bình Huỳnh Như Phương

Tuy vậy, có thể nhận thấy những nỗ lực thầm lặng, nghiêm túc trong việc giới thiệu và bước đầu vận dụng chủ nghĩa cấu trúc vào những công trình khảo cứu về ngôn ngữ học, dân tộc học, sau đó là nghiên cứu và phê bình văn học.

 

Những giới thiệu tổng quát về chủ nghĩa cấu trúc

         

Các nhà nghiên cứu ở miền Nam dịch thuật ngữ “structure” là “cơ cấu”, “structuralisme” là “chủ nghĩa cơ cấu”, “cơ cấu luận” hay “thuyết cơ cấu”. Cách dịch này hầu như thống nhất giữa Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Đỗ Dũng, Ngô Trọng Anh, Trần Ngọc Ninh, Bửu Lịch, Phạm Hữu Lai… ; cá biệt có nhà ngôn ngữ học dịch là “thuyết tổng hợp” (Trương Văn Chình).

         

Là trào lưu xuất hiện vào giữa thế kỷ 20 trong lĩnh vực ngôn ngữ học, chủ nghĩa cấu trúc nhanh chóng lan rộng ra các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là ngành nhân loại học (anthropologie). Cũng như hiện tượng luận và phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc được giới thiệu ở miền Nam chủ yếu sau năm 1965. Công lao đầu tiên thuộc về các giáo sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trên tạp chí Bách Khoa Thời Đại, Nguyễn Văn Trung viết các bài “Đặt lại vấn đề văn minh với Claude Lévi-Strauss” (Bách Khoa Thời Đại các số 222, 223, 224, năm 1966); “Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu” (Bách Khoa Thời Đại các số 293, 294, năm 1969). Trong Lược khảo văn học (tập 3, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1968), Nguyễn Văn Trung giới thiệu “Phê bình cơ cấu của Lucien Goldmann” và “Phê bình cơ cấu hình thức” của  R. Barthes. Sau đó, Tạp chí Bách Khoa Thời Đại (không ghi số, ngày 15-11 và 30-11-1972) đăng cuộc đối thoại giữa Nguyễn Văn Trung và Bùi Hữu Sủng về “phê bình cũ, phê bình mới” và việc vận dụng cơ cấu luận để nghiên cứu Truyện Kiều.

 

Cũng trên tạp chí Bách Khoa Thời Đại và tạp chí Tân Văn, Trần Thái Đỉnh, trình bày những vấn đề “Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn” (Bách Khoa Thời Đại các số 267-268, 269-270, 271, năm 1968); “Khoa nhân học cơ cấu của Claude Lévi-Strauss” (Bách Khoa Thời Đại số 278, năm 1968); “Đối tượng và phương pháp của khoa nhân học cơ cấu” (Bách Khoa Thời Đại, các số 279, 280, 281, 282, năm 1968); “Con người theo tư tưởng Lévi-Strauss”, (Bách Khoa Thời Đại số 283, năm 1968); “Thuyết cơ cấu và phê bình văn học” (Bách Khoa Thời Đại  các số 289, 290-291, 292, năm 1969); “Sống và Chín hay là áp dụng thuyết cơ cấu vào dân tộc học” (Tân Văn các số 11, 12, năm 1969), “Thử tìm một định nghĩa cho thuyết cơ cấu” (dịch J. Pouillon, Tân Văn các số 5, 6, năm 1968)...

 

Trần Thái Đỉnh viết những bài này sau chuyến trở lại Paris, khi mà trào lưu hiện tượng luận và chủ nghĩa hiện sinh đang dần lắng xuống trước sức thu hút của trào lưu cấu trúc luận vừa nổi lên. Tác giả “dự tính sẽ lần lượt giới thiệu quan niệm cơ cấu trong khoa ngữ học… rồi sau đó sẽ trình bày đại cương về khoa nhân học cơ cấu của Claude Lévi-Strauss, khoa phân tâm học cơ cấu của Noel Mouloud, khoa phê bình văn học mới của Roland Barthes, thuyết mác-xít cơ cấu của Louis Althusser và sau cùng là triết học cơ cấu của Michel Foucault”[1], trước khi tập hợp những bài viết này, bổ sung và sửa chữa để in thành sách Tìm hiểu cơ cấu luận. Rất tiếc, do những biến đổi của thời cuộc, dự định đó đã không kịp thực hiện.

 

Ngoài ra, vào nửa cuối những năm 1960, trên các tạp chí Văn và Tân Văn xuất hiện một số bài viết có tính chất thông tin khoa học về cấu trúc luận của các tác giả Tam Ích (“Cơ cấu luận”[2]Tân Văn số 1, tháng 4-1968; số 2, tháng 5&6-1968); Trần Thiện Đạo (“Tìm hiểu thuyết cơ cấu”,Văn số 2, tháng 12-1967; “Thuyết cơ cấu dưới mắt nhà nhân chủng học”, Tân Văn số 6, tháng 10-1968)…

          

Trong Những vấn đề triết học hiện đại (Nxb Ra Khơi, Sài Gòn, 1972), Lê Tôn Nghiêm dành một chương để bàn về “Cơ cấu luận với xã hội học”. Dựa theo ý kiến của Jean Piaget và Merleau-Ponty, Lê Tôn Nghiêm tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Cơ cấu là gì?”. Theo ông, “Một cách vắn tắt và hình ảnh, có thể hiểu cơ cấu không phải một tập hợp hỗn tạp gồm những thành tố rời rạc, mà là một tổng hợp hoàn bị gồm đầy đủ những thành tố cần thiết, ví dụ một bàn cờ thiết yếu gồm những quân cờ xe, pháo, mã v.v…, trong đó chức vụ của mỗi quân cờ đều đã được ấn định và tương quan giữa chúng với nhau đã được ấn định. Có thế mới cấu thành một toàn bộ, một tổng hợp”[3]. Sau đó, tác giả trình bày những luận điểm chính trong tác phẩm Anthropologie structurale của Lévi-Strauss mà ông dịch là Nhân sinh học theo cơ cấu, trước khi giới thiệu Ngữ pháp cơ cấu của F. de Saussure và Ngữ pháp sản sinh (Generative Grammar, mà ông dịch là Văn phạm hóa sinh) của Noam Chomsky. Lê Tôn Nghiêm dịch một số thuật ngữ cũng khác ngày nay: “totalité” là “toàn bộ”, “synchronie” là “đồng thời”, “diachronie” là “biến thời”, “competence” là “khả năng”, “performance” là “xuất trình khả năng”…

          

Nếu những bài báo và chương sách nói trên thiên về việc giới thiệu khái quát học thuyết và luận điểm của các tác gia cấu trúc luận, thì những cuốn sách mà chúng tôi điểm qua sau đây cho thấy nỗ lực tiếp thu học thuyết này một cách có ý thức và sâu đậm hơn trong lĩnh vực ngôn ngữ học và dân tộc học.

 

Hai cuốn sách liên quan đến Ferdinand de Saussure

           

Nói đến việc truyền bá ngữ học cơ cấu của F. de Saussure, có lẽ phải dành vị trí đặc biệt cho Phạm Hữu Lai, giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Sorbonne, có thiên hướng khoa học nghiêng về trường phái Praha. Công trình Ferdinand de Saussure và ngữ học cơ cấu (Tủ sách Ngữ học, Sài Gòn, 1974) của ông là một tập bài giảng in ronéo giản dị, lưu hành nội bộ trong năm học cuối cùng của chiến tranh sau một thời gian được chính tác giả truyền đạt cho các khóa sinh viên ban Ngữ học[4].

          

Tài liệu học tập này gồm hai phần. Phần thứ nhất “Trình bày”: giới thiệu thân thế và sự nghiệp F. de Saussure, xác định đối tượng của ngữ học và tính hệ thống của ngữ, chứng minh ngữ là một hệ thống dấu hiệu, để đi đến đúc kết về ngữ học hệ thống và ngữ học cơ cấu. Phần thứ hai “Văn tuyển” trích dịch những đoạn văn chọn lựa trong Cours de linguistique générale (1916), mà Phạm Hữu Lai dịch là Giảng khóa về ngữ học cơ cấu, tương ứng với từng chương mục của phần thứ nhất, giúp người đọc đối chiếu để sáng tỏ hơn những ý kiến trình bày ở phần trước. Ưa thích dùng lớp từ Hán Việt, ngoài thuật ngữ “structure” được dịch là “cơ cấu”, Phạm Hữu Lai còn dịch một số thuật ngữ cơ bản của chủ nghĩa cấu trúc khác với các học giả miền Bắc: “langage” là “ngôn ngữ”, “langue” là “ngữ”, “parole” là ngôn”, “arbitraire” là “chấp định tính”, “signe” là “dấu hiệu”, “sémiologie” là “dấu hiệu học”, “le signifiant” là “tác hiệu”, “le signifié” là “thụ hiệu”[5]

        

Trong tài liệu này, Phạm Hữu Lai khẳng định người đặt nền móng cho cấu trúc luận trong ngôn ngữ học là Ferdinand de Saussure (1857-1913), người Thụy Sĩ gốc Pháp và Giảng khóa về ngữ học cơ cấu vốn là bài giảng được xuất bản sau khi tác giả qua đời, do hai người học trò của ông là Charles Bally và Albert Séchehaye[6] ghi chép, sưu tầm, bổ sung và biên soạn.

         

Lấy câu nói của Saussure làm lời đề từ cho phần thứ nhất (“Ngữ chỉ có thể là một hệ thống giá trị thuần túy”). Phạm Hữu Lai cho biết Saussure không phải là người đầu tiên đưa từ “hệ thống” vào kho thuật ngữ khoa học – trước ông, từ này đã được Galilée, J. Harris, F. Thurot, F. Bopp sử dụng; nhưng chính ông “đã biến một khái niệm có tính cách mô tả thành một ý niệm có sức tác dụng, và nhất là ông đã dùng nó như nền tảng ngữ thuyết của ông và từ đó mở ra một kỷ nguyên mới cho ngữ học: kỷ nguyên của ngữ học cơ cấu”[7]. Ở Saussure, trực giác về tính cách hệ thống trong ngôn ngữ có rất sớm, ngay khi còn nhỏ, và lần đầu tiên từ “hệ thống” được  ông đưa vào trong Tiểu luận về hệ thống sơ khởi của các nguyên âm Ấn-Âu, hoàn thành vào năm 1878 và xuất bản một năm sau đó. Riêng trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, từ “hệ thống” xuất hiện 138 lần, trong khi từ “cơ cấu” được sử dụng chỉ có ba lần. Saussure cắt nghĩa: “Ngữ là một hệ thống chỉ biết trật tự riêng của nó. So sánh nó với trò chơi cờ tướng sẽ làm ta cảm thấy rõ hơn… Nếu tôi thay thế các quân cờ gỗ bằng các quân cờ ngà, thì sự thay đổi này không liên quan gì đến hệ thống cả; nhưng nếu tôi giảm hay tăng số quân, thì sự thay đổi ấy đụng chạm sâu xa đến ‘văn phạm’ của trò chơi”[8].

http://nhavantphcm.com.vn/userfiles/image/Ferdinand%20de%20saussure.jpg

Nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure (1857-1913)

 

Theo Saussure, “ngữ là một hệ thống dấu hiệu” và dấu hiệu có hai mặt gắn liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy là tác hiệu và thụ hiệu. Saussure phân biệt ngữ và ngôn: ngữ là một hệ thống, một thiết chế, một tập hợp những quy tắc và quy phạm liên cá nhân, trong khi ngôn bao gồm những biểu hiện có thật của hệ thống đó trong nói và viết.

         

Phạm Hữu Lai diễn đạt công thức “ngôn ngữ (langage) là ngữ (langue) cộng với ngôn (parole)” căn cứ trên tinh thần của Saussure: “chúng tôi đã phân biệt, trong hiện tượng toàn diện là ngôn ngữ, hai thành tố: ngữ và ngôn. Đối với chúng tôi, ngữ là ngôn ngữ trừ ngôn. Nó là toàn thể các tập quán ngôn ngữ cho phép một chủ thể hiểu và làm cho hiểu mình”[9]. Phạm Hữu Lai đúc kết sự phân biệt ngữ và ngôn theo quan điểm Saussure: “Tóm lại, ngữ khác với ngôn cũng như xã hội khác với cá nhân, hay đúng hơn như sự đồng nhất trong xã hội khác với sự dị biệt theo cá nhân, như hệ thống khác với sự hỗn độn. Vì ngôn ngữ xét như một phương tiện truyền thông là một định chế xã hội hơn một sáng kiến cá nhân cho nên ngữ là chính mà ngôn là phụ. Vì cốt yếu của ngôn ngữ là sự truyền thông, cho nên hệ thống chung do xã hội chấp nhận trong ngữ mới quan trọng, còn những dị biệt theo cá nhân trong lời nói của cá nhân không quan trọng”[10].

          

Dựa theo cách Benveniste giải thích Saussure, Phạm Hữu Lai trình bày tính hệ thống của ngôn ngữ thông qua các cặp đối lập được gọi là “lưỡng tính (dualisme) đối nghịch”: lưỡng tính phát/ thu; lưỡng tính âm/ ý; lưỡng tính xã hội/ cá nhân; lưỡng tính ngữ/ ngôn; lưỡng tính hữu chất/ vô chất; lưỡng tính liên tưởng/ liên tỏa; lưỡng tính đồng nhất/ đối nghịch; lưỡng tính đồng đại/ xuyên đại.

         

Hệ luận của quan niệm đó là sự cần thiết phải phân biệt hai thứ khoa học: ngữ học đồng đại (linguistique synchronique) và ngữ học xuyên đại (linguistique diachronique) và dành sự ưu tiên cho “phương diện đồng đại của ngữ vì đó là phương diện hệ thống của hệ thống”, còn “phương diện xuyên đại là phương diện không hệ thống của hệ thống”[11].

        

Giải thích dấu hiệu như một hệ thống gồm hai thành phần là “thính tượng” (image acoustique) và “ý niệm” (idée-concept) hay tác hiệu và thụ hiệu, Saussure viết: “Sợi dây nối kết tác hiệu với thụ hiệu có tính cách chấp định, hay hơn nữa, vì chúng ta hiểu dấu hiệu là toàn thể do sự liên kết một tác hiệu với một thụ hiệu mà ra cho nên chúng ta có thể nói một cách đơn sơ hơn: dấu hiệu ngôn ngữ có tính cách chấp định”[12]. Về điểm này, E. Benveniste tỏ ý nghi ngờ tính lô-gích trong cách lý giải của Saussure về tính chấp định trong tương quan giữa tác hiệu và thụ hiệu. Trái lại, Phạm Hữu Lai dẫn ra một câu văn của Saussure để biện minh cho nhà bác học này: “chúng tôi muốn nói rằng tác hiệu là vô cớ (võ đoán – arbitraire, HNP), nghĩa là chấp định đối với thụ hiệu. Đối với thụ hiệu, tác hiệu không có một ràng buộc tự nhiên nào trong thực tại cả”. Điều đó có nghĩa là Saussure chỉ “quả quyết tính cách chấp định là đặc điểm của tương quan giữa tác hiệu và thụ hiệu, chứ ông không hề dùng phẩm từ ‘chấp định’ để phẩm định tương quan giữa tác hiệu và thực tại. Trong câu nói này cũng không hề có sự lẫn lộn hay đồng nhất giữa thực tại và thụ hiệu. Saussure chỉ quả quyết rằng tương quan giữa tác hiệu và thụ hiệu không phải là một ràng buộc tự nhiên, nghĩa là nó không phản chiếu tương quan có trong thực tại ngoài dấu hiệu, nó không phải là hình ảnh của dây liên kết có trong sự vật ngoài ngôn ngữ; nó không có căn bản trong sự vật ở ngoài nó mà chỉ xây trên chính nó”[13].

           

Ngoài ra, trong tài liệu này, Phạm Hữu Lai cũng giải thích rất rành mạch các khải niệm “chấp định tính tuyệt đối” và “chấp định tính tương đối”, “tương quan liên tỏa” (rapports syntagmatique/ quan hệ ngữ đoạn) và “tương quan liên tưởng” (rapports associatifs/ quan hệ liên tưởng) cũng như mối liên hệ giữa các cặp khái niệm đó. Đối với người nghiên cứu văn học, những trích dẫn và giải thích của Phạm Hữu Lai đối với công trình để đời của Saussure có rất nhiều gợi mở trong việc phân tích văn bản nghệ thuật theo quan điểm hệ thống. Chẳng hạn đây là một tư tưởng có sức nặng của Saussure: “Toàn thể có giá trị nhờ các thành phần của nó, các thành phần có giá trị cũng nhờ chỗ đứng của chúng trong toàn thể, và đó là lý do tại sao tương quan liên tỏa của thành phần đối với toàn thể cũng quan trọng như tương quan giữa các thành phần”[14].

         

Trong mục cuối cùng của tài liệu nói trên, Phạm Hữu Lai bắc một nhịp cầu giữa ngữ học hệ thống và ngữ học cơ cấu, khi ông nói đến nguồn cảm hứng mà tác phẩm của Saussure gợi ra cho các trường phái Praha, Copenhague và trường phái duy chức năng (fonctionnalisme); từ đó mở ra một kỷ nguyên mới cho khoa ngữ học là ngữ học cơ cấu với những đại diện tên tuổi như R. Jakobson, S. Karcevsky, N. Troubetzkoy, A. Greimas, L. Hjelmslev… Nói theo Hjelmslev, “người ta hiểu ngữ học cơ cấu là một toàn thể các công cuộc tìm tòi dựa trên một giả thuyết coi là chính đáng theo khoa học việc mô tả ngôn ngữ chính yếu là một thực thể tự lập gồm những liên hệ nội tại, hay tóm lại trong một tự ngữ là một cơ cấu”[15]. Vì vậy, theo Phạm Hữu Lai, “ngữ học cơ cấu chỉ là phần nối tiếp của ngữ học hệ thống. Vì chấp nhận ngữ là hệ thống nên phải phân tách hệ thống để tìm thấy cơ cấu của nó. Vì mỗi hệ thống do các đơn vị liên đới chặt chẽ với nhau hợp thành, nên nó khác với các hệ thống khác ở cách sắp đặt bên trong của các đơn vị ấy. Chính những cách sắp đặt này tạo ra cơ cấu của hệ thống. […]. Chấp nhận quan điểm của ngữ học cơ cấu chẳng qua chỉ là coi ngữ như một hệ thống được tổ chức theo một cơ cấu mà người ta phải đưa ra ánh sáng, phải mô tả»[16].

         

Ý kiến trên đây gặp gỡ với sự xác nhận của E. Benveniste trong Những vấn đề ngôn ngữ học đại cương: “Khái niệm ngôn ngữ như một hệ thống từ lâu đã được thừa nhận bởi những ai học tập Saussure, trước hết trong ngữ pháp đối chiếu, rồi trong ngôn ngữ học đại cương. Nếu người ta thêm vào đó hai nguyên tắc khác, cũng của Saussure, rằng ngôn ngữ là hình thức chứ không phải là chất liệu, và những đơn vị ngôn ngữ chỉ có thể được xác định bằng quan hệ của chúng, thì người ta sẽ chỉ ra được những cơ sở của một lý thuyết mà chỉ vài năm sau đó sẽ chứng minh cấu trúc của các hệ thống ngôn ngữ là một điều hiển nhiên”[17].

         

Đối chiếu với bản dịch đầy đủ và đáng tin cậy của Cao Xuân Hạo, nghiên cứu của Phạm Hữu Lai chưa bao quát hết những nội dung và vấn đề phong phú, sâu sắc, đôi khi gây tranh cãi vì thiếu nhất quán, trong ngữ học Saussure. Dù vậy, ở thời điểm đầu những năm 1970, đó là nỗ lực tiên phong góp phần du nhập vào miền Nam lý thuyết và phương pháp ngôn ngữ gây ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Đáng tiếc là do tài liệu được in với số lượng quá ít, lại bị lịch sử bỏ quên một thời gian dài, nên nó đã không phát huy hết tác dụng cần thiết trong việc phát triển ngành ngôn ngữ học ở nước ta.

         

Ảnh hưởng của F. de Saussure trong đời sống học thuật miền Nam còn thấy rõ qua các công trình nghiên cứu của Trần Ngọc Ninh, vốn là bác sĩ, giáo sư Đại học Y khoa Sài Gòn: “Ý nghĩa và cơ cấu Truyện Kiều” (Bách Khoa, không ghi số, ngày 15-11 và 30-11-1972); Cơ cấu Việt ngữ (Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1973-1974).

          

Nếu Phạm Hữu Lai là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp được đào tạo căn bản về ngôn ngữ học, thì Trần Ngọc Ninh là một học giả bước vào lĩnh vực này nhờ những tích lũy công phu. Tác giả tự nhận là “người xuất thân trong khoa học và đã nhìn vào ngôn ngữ như một nhà tự nhiên học nhìn vào thiên nhiên hay một nhà hóa học nhìn vào một hỗn hợp để phân tích”. Công trình Cơ cấu Việt ngữ của ông do Lửa Thiêng xuất bản trong hai năm 1973-1974 gồm ba quyển. Quyển I nghiên cứu về “sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ con và cơ cấu cú pháp sơ giải”. Quyển II bàn về “cơ cấu dạng vị học”. Quyển III dành cho vấn đề “danh từ và số lượng từ”[18].

          

Đọc Trần Ngọc Ninh, ta thấy nhiều thuật ngữ được ông dịch rất khác cách dùng quen thuộc ngày nay: “linguistique” là “ngữ lý học”, “sémiologie” là “hiệu lý học”, “phonétique” là “phát âm học”, “typologie” là “mẫu định học”, “synchronie” là “đẳng thời”, “diachronie” là “xuyên thời”, “arbitraire” là “tính cách chấp định”, “le signifiant” là “dấu để chỉ”, “le signifié” là “cái được chỉ bằng dấu”… Trần Ngọc Ninh quan niệm: “Sự phân biệt cái chỉ và cái được chỉ trong dấu hiệu là một sự phân biệt rất tự nhiên trong khoa học. Trong y khoa, các y sĩ làm việc với những triệu chứng và dấu hiệu: người thầy thuốc đi tìm những cái chỉ để định cái được chỉ là gì mà hành động theo đó để chữa cho bệnh nhân. Y thuật cũng là một hệ thống nằm dưới cái hiệu lý học (sémiologie) mà các sinh viên thường gọi là triệu chứng học (séméiologie)”[19].

        

Tuy nhiên, thiết nghĩ, ở đây cần lưu ý ý kiến của Peirce là người đề xuất sự phân biệt ký hiệu với những khái niệm có liên quan: chỉ hiệu, dấu hiệu, hình hiệu, biểu tượng hay tượng trưng. Theo Peirce, chỉ hiệu (Index/ Indice) là khái niệm liên kết hai hiện tượng tự nhiên vốn có mối quan hệ thường trực, thường là quan hệ nhân quả: chẳng hạn khói là chỉ hiệu của lửa; triệu chứng sốt là chỉ hiệu phản ứng của cơ thể đối với sự xâm nhập của vi trùng. Chỉ hiệu ở đây không có ý hướng truyền thông.

        

Trần Ngọc Ninh chia sẻ quan niệm của Saussure: “Ngữ là một hình thức chứ không phải là một chất liệu” (La langue est une forme et non une substance) và của Hjelmslev: “Đằng sau mỗi sử trình phải tìm thấy được một hệ thống” (Derrière tout procès on peut faire correspondre un système). Xuất phát từ quan niệm đó, “Cơ cấu Việt ngữ là kết quả của sự khảo sát ngữ lý áp dụng vào Việt ngữ để làm sáng cái hệ thống các liên hệ giữa các đơn vị cấu thành được dùng trong ngôn ngữ hiện tại của người Việt Nam. Nói cách khác, đây là ngữ pháp Việt Nam ở phương diện đẳng thời”[20]. Công trình của Trần Ngọc Ninh có nhiều tìm tòi và phát hiện, nhưng được trình bày khá rườm rà, nên khó theo dõi, nhất là đối với những độc giả phổ thông.

          

Vận dụng chủ nghĩa cấu trúc, Trần Ngọc Ninh tìm cách làm nổi bật cấu trúc trong Việt ngữ. Cấu trúc được hiểu như một hệ thống với tư cách là một toàn thể hay một tập hợp gồm những yếu tố có liên quan mật thiết với nhau đến mức khi một yếu tố biến mất thì toàn bộ hệ thống sẽ thay đổi. Ngôn ngữ là một hệ thống những yếu tố có tương quan với nhau, giá trị và bản sắc của những yếu tố này được xác định bởi vị trí của chúng trong hệ thống hơn là bởi lịch sử của chúng. Điều này đòi hỏi ngôn ngữ học phải quan tâm đến những trạng thái ngôn ngữ bền vững, và vì vậy nó không còn quan tâm đến phương diện phát sinh của ngôn ngữ, nghĩa là không đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ trong sự tiến hoá lịch sử theo viễn cảnh lịch đại mà như một hệ thống với những mối quan hệ đồng đại.

           

Nếu hệ thống có thể được nghiên cứu nội tại, thì bản thân ngôn ngữ là võ đoán và có tính chất tự trị trong tương quan với hiện thực. Chính vì thế việc nghiên cứu các yếu tố của hệ thống phải được thực hiện ngay bên trong hệ thống. Văn bản, hiện thân của cấu trúc, được xem như một toàn thể đóng kín.

 

 

(Còn tiếp)

 

____________________

 

[1] Trần Thái Đỉnh (1968): “Ba Lê, chiều hướng văn học mới”, Bách Khoa Thời Đại, số 265-266, ngày 15-01, tr.39.

[2] Về sau, bài báo hai kỳ này được tác giả đổi nhan đề thành “Bóng dáng cơ cấu luận” và  đưa vào phần phụ lục của sách Tam Ích (1969): Sartre và Heidegger trên thảm xanh, Nxb Hồng Đức, Sài Gòn.

 

[3] Lê Tôn Nghiêm (1972): Những vấn đề triết học hiện đại, Nxb Ra Khơi, Sài Gòn, tr. 253.

[4] Một tài liệu in ronéo khác dành cho sinh viên các trường đại học Văn khoa Sài Gòn, Đà Lạt, Tiền Giang, Duyên Hải, Cao Đài phát hành trong thời gian này là Ngôn ngữ học tổng quát của Nguyễn Hưng, tiến sĩ Đại học Sorbonne. Vì là giáo trình có tính chất đại cương, nên tác giả chỉ giới thiệu vắn tắt quan niệm ngữ học của F. de Saussure trong vòng một trang.

[5] Về hai thuật ngữ này,  Phạm Hữu Lai cho rằng cũng có thể dịch là “năng hiệu” và “sở hiệu”. Ở miền Nam đã xuất hiện nhiều cách dịch khác nhau: “năng ký” và “sở ký’, “ngữ thái” và “ngữ ý”, “dấu để chỉ” và “cái được chỉ bằng dấu”… Trong bản Việt ngữ Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Saussure, Cao Xuân Hạo dịch là “năng biểu” và “sở biểu”. Nhà ngữ học này gặp gỡ Phạm Hữu Lai ở cách dịch “signe” là “dấu hiệu” chứ không phải “ký hiệu” như cách dịch của một số người khác.

[6] Một số tài liệu khác nêu thêm tên Albert Riedlinger, cũng là một nhà ngữ học người Thụy Sĩ.

[7] Phạm Hữu Lai (1974): Ferdinand de Saussure và ngữ học cơ cấu, Tủ sách Ngữ học, Sài Gòn, tr. 26.

[8] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 27.

[9] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 41.

[10] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 36.

[11] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 53.

[12] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 80.

[13] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 82.

[14] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 95.

[15] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 105.

[16] Phạm Hữu Lai (1974): Sđd, tr. 104.

[17] E. Benveniste (1966): Problèmes linguistique générale, Gallimard, Paris, tr. 98.

[18] Bộ sách ba quyển này được Việt Việt học (Institute of Vietnamese Studies) tái bản năm 2009 tại California, Hoa Kỳ.

[19] Trần Ngọc Ninh (1973): Cơ cấu Việt ngữ, quyển I, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, tr. 28.

[20] Trần Ngọc Ninh (1973): Sđd, tr. 175.

Nguồn: NhavanTPHCM

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *