Ống kính phê bình

25/12
8:42 AM 2020

HỘI THẢO “THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI”

Văn Giá thực hiện (Phần 1). Sáng ngày 24/12/2020, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nòng cốt là Khoa Viết văn-Báo chí) đã tiến hành tổ chức Hội thảo “Thơ lục bát Việt Nam đương đại”. Hội thảo thu hút sự có mắt khá đông đảo các nhà NCPB, các nhà văn, nhà thơ, các bạn đọc yêu thơ, các thầy cô giáo và sinh viên.

Về giới nghiên cứu, lý luận, phê bình có mặt: GS. Trần Đình Sử, PGS.TS. La Khắc Hòa, Nhà NC Lại Nguyên Ân, Nhà NC Nguyễn Hùng Vĩ, PGS. TS. Phan Diễn Phương, PGS.TS. Lê Dục Tú, PGS.TS. Đỗ Lai Thúy, PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy, TS.Nguyễn Thị Tính, Nhà NC Phạm Xuân Nguyên, TS.Nguyễn Thanh Tâm, nhà giáo Nguyễn Kim Rẫn... Về giới sáng tác, có mặt một số nhà thơ như: Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Xuân Tuyền, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Đỗ Anh Vũ, Trần Hưng, Hoàng Liên Sơn và nhiều gương mặt khác…

Sau lời phát biểu chào mừng của TS Đỗ Thị Thu Thủy-Trưởng khoa Viết văn-Báo chí, là báo cáo Đề dẫn do TS.Mai Anh Tuấn (Chủ nhiệm bộ môn Viết văn) trình bày. Báo cáo đề dẫn cho biết đã nhận được hơn 20 tham luận gửi đến Hội thảo từ trong nước và cả ở nước ngoài (Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hàn Chung). Hội thảo tập trung vào ba vấn đề chính:

+Nhận thức lại về về đặc tính thơ lục bát và các hướng tiếp nhận.

+Nhận diện đặc điểm nổi bật và một số trường hợp: trong nước và hải ngoại

+Những thủ pháp làm mới thơ lục bát hiện nay

Về vấn đề thứ nhất, một số ý kiến tập trung nhận diện, khái quát thơ lục bát Việt Nam dưới góc nhìn thể loại trong sự tương tác với bối cảnh văn học và văn hóa Việt Nam.

PGS. Đỗ Lai Thúy cho rằng lục bát có cái mã của nó, mà người nghiên cứu phải có nhiệm vụ thám mã. Về cơ bản hiện nay có 3 mã lục bát: Thứ nhất, mã lục bát dân gian (cơ bản): vần, nhịp 2 là nhịp cơ bản của văn hóa Việt tâm thức Việt, nó đi ra từ cầu cúng tâm linh…Đã từng có những lý giải lục bát xuất phát từ lao động. Nếu điều này đúng, nó chỉ có ý nghĩa phái sinh, chứ gốc gác của nó phải đi từ hoạt động tâm linh của con người.

Thứ hai, mã lục bát trung đại, mà đỉnh cao là Nguyễn Du. Ở Nguyễn Du, ông vừa theo vừa phá vỡ nhịp cơ bản 2/2 đó. Phá nhịp đôi thành 3/3, 4/4, 1/5…Ông đưa vào lục bát các phép đối, đối xứng…, Ông xây dựng lục bát trên cơ sở chữ Hòa: hòa giữa nôm na-bác học. Về mặt tư tưởng, có liên quan đến sự hài hòa của tam giáo đồng nguyên. Phan Ngọc cho thơ lục bát Nguyễn Du đã thành cổ điển, tất cả ai làm lục bát đều theo mã Nguyễn Du. Nguyễn Khuyến cũng rất giỏi tiếng Việt thế nhưng do cần phải tránh mã Nguyễn Du, nên rất ít làm thơ lục bát.

Muốn mã lục bát thay đổi thì thời đại thay đổi. Thời đại thay đổi lục bát phải tương thích. Người viết lục bát là phải có tài và nắm được tinh thần thời đại thì mới có khả năng tạo ra mã mới. Cho nên Tản Đà là người đã có khả năng chuyển mã để tạo ra mã lục bát thứ ba là mã lục bát hiện đại. Thời Thơ mới, có hai mã: hiện đại mang tính bác học (Huy Cận), và dân gian (Nguyễn Bính).

Sang đến hôm nay, các nhà thơ lục bát đa số mang mã dân gian: Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy... Thay đổi lớn nhất về thơ lục bát là thay đổi về mặt thị giác: nhiều dòng, thơ cụ thể (xếp hình). Nếu lục bát trung đại coi trọng chữ Hòa thì lục bát hiện đại là “bất hài hòa”. Nó đang đi tìm sự hài hòa mới, khi nào tìm được nó sẽ lại kết thúc để lại đi tìm mô hình khác thay thế…Về các mô hình, có thể thay đổi, phá bỏ, xây dựng mô hình khác, liên tục.

GS Trần Dình Sử nêu một ý kiến rất đáng chú ý. Ông cho rằng giới nghiên cứu về thơ lục bát ở ta chưa có ý thức phân biệt giữa “thể thơ lục bát” và “thơ lục bát”.

Khi nói về thơ lục bát, ta hiểu đó là thơ lục bát trữ tình. Còn thể thơ lục bát nó có thể để vè, để kể, để truyên truyền. Thơ lục bát thì sánh ngang với các thể khác như thơ Đường chẳng hạn. Thơ lục bát đương đại không theo lối truyện thơ. Tôi e là không có trường ca lục bát. Trường ca thường là có sự phối xen của nhiều thể thơ.

Vậy thơ lục bát trữ tình ra đời khi nào? Lê Đức Mao thk XV. Vào lúc ấy, thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói đang nguyên hợp, mãi sau mới tách ra.

Trăm năm sau (đầu XVII), người ta chưa biết vận dụng thơ lục bát để kể chuyện. Cuối thk 18 đầu thk 19 mới có Truyện Kiều. Nguyễn Du không dùng thơ lục bát để làm thơ trữ tình, ông chỉ biết lục bát để kể chuyện; ông làm thơ trữ tình bằng chữ Hán. Hồ Xuân Hương không có thơ lục bát. Nguyễn Công Trứ chỉ có bài vịnh cây thông. Nguyễn Khuyến, Tú Xương viết rất ít lục bát. Tú Xương chỉ có “Sông Lấp”. Đầu thk 20 thể thơ trữ tình mới sử dụng thơ lục bát. Tản Đà có hai thể lục bát: thứ nhất, lục bát trường thiên (du ký, chứ không phải trữ tình; bài “Non nước” lại nằm trong tác phẩm tự sự, liên châu, do nhiều người viết ra); thứ hai, ông làm câu lục bát ngắn như một thể thơ tự do phóng khoáng hơn về mặt tư tưởng.

Vậy thơ lục bát trữ tình lần đầu tiên xuất hiện Tản Đà, sau đó là Á Nam Trần Tuấn Khải.

Như vậy, thơ lục bát như một thể thơ xuất hiện thế kỷ 16. Đầu 20 mới có thơ trữ tình lục bát, nhưng dẫu sao vẫn cổ. Phải đến Nguyễn Bính, Huy Cận …mới có được thơ trữ tình lục bát. Điều đặc biệt trong Thơ mới, lục bát có vị trí vững chắc để trở thành thơ lục bát trữ tình. Hiện nay lục bát kế thừa lục bát trữ tình Thơ mới.

Muốn nhận diện lục bát đương đại phải đối lập với cái trước đó. Cho nên, phải quan tâm tới thi pháp, cách tư duy, tư tưởng của nó mới nhận diện được.

Cũng trên tinh thần nhận thức lại/thêm về thể thơ lục bát dưới góc nhìn lịch sử và thi pháp thể loại, PGS.La Khắc Hòa đặt vấn đề: Thơ lục bát ở đâu mà ra? Ông cho rằng dựa vào kết cấu thơ lục bát, âm luật và vần luật có nguyên tắc, nhưng thơ lục bát tuân theo nguyên tắc hồi hoàn vần, nên làm cho văn bản kéo dài đến vô cùng. Nhưng kéo dài văn bản thì phải mở rộng nghĩa. Lục bát vận dụng nguyên tăc lũy tích nghĩa của đồng dao. Nhưng ý kiến này của tôi cũng chỉ là phỏng đoán.

Hội thảo, mục đích chính của nó là nghiên cứu lục bát chứ không phải để vinh danh lục bát. Thế nên, chúng ta cũng phải trả lời câu hỏi: thơ lục bát vận động thế nào?

Hiện nay có quá trình rút lui của lục bát, chứ không bung ra. Nó được trọng dụng và đắc dụng vào thk 18, nó chuyển từ thịnh thời sang mạt thế: thời đại mang tinh thần thi ca nhường chỗ cho thời đại mang tinh thần văn xuôi. Tự sự lúc bấy giờ viết bằng chữ Hán. Thơ lúc bấy giờ gánh lấy việc của văn xuôi để biểu đạt đời sống thế tục (…). Câu lục bát là đơn vị của thơ, có lúc gánh nhiệm vụ của văn xuôi. Sau này, khi văn xuôi hiện đại ra đời, ngâm khúc và câu thơ lục bát hết vai trò của nó, nó di chuyển vào ý thức siêu cá thể: Tản Đà, Huy Cận…Cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp, đến lúc này mới có.

Xét về công năng: lục bát đã đi từ ngâm, rồi đến truyện thơ, cuối cùng là trữ tình siêu cá thể.

Nêu mô tả sự vận động lục bát theo phong cách, trên cơ sở lý thuyết của B.Eikhenbaum nghiên cứu về nhạc điệu câu thơ Nga (GS Trần Đình Sử ứng dụng trong nghiên cứu thơ Tố Hữu) thì ta thấy: câu thơ khởi đầu là điệu ca (hát cửa đình) – điệu ngâm (đọc một cách trịnh trọng)- điệu nói (mỗi câu thơ có từ đánh dấu giọng; khi nói cái cú pháp giọng át cú pháp logic). Theo đó, thơ không còn diễn đạt cái trinh trọng nữa. Nguyễn Duy có chỗ “phá nát” thơ lục bát ra để chơi…

Đặt lục bát vào bối cảnh văn hóa của dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra những nhận xét bước đầu có tính gợi ý nhưng khá thú vị. Ông nói: “Đi vào công năng lục bát, thể thơ này đại diện một cách xuất sắc cho Văn hóa Việt. Thứ nhất: người Việt trọng lệ mà chưa/không trọng luật. Lục bát tuân thủ lệ, tức là theo quy ước, theo thói quen. Các thơ khác có luật. Lục bát chỉ có lệ, lệ chính là ứng xử văn hóa Việt.

Thứ 2: lục bát giống văn hóa một cách kỳ lạ, nó vận động từ tối thiểu đến tối đa: số lượng từ 2 câu trong ca dao đến 8316 câu trong Thiên nam ngữ lục.

Thứ 3 là về nhịp, nhịp lục bát cơ bản 2/2. Ấy thế mà từ đó truyện Kiều có mấy tram lọai nhịp khác nhau. Thứ 4, vần lục bát chỉ có một loại cơ bản là vần bằng. Nhờ cơ chế bện thừng của nó, nó sẵn sàng khai thác kho vần một cách vô tận. Thứ 6, vấn đề đối xứng: 4 tình thế đối xứng ở câu sáu; 8 tình thế ở câu 8. Từ đó nó có vô vàn đối xứng. Nó là nghệ thuật, nhận thức, là tồn tại của vũ trụ. Thứ 7, về luật hài thanh, có trắc và bằng. Nhưng lục bát thì rất lạ: có thể 6 chữ bằng câu 6, 7 chữ của câu 8 đều là vần bằng. Tất cả rơi vào tình thế của lệ, tùy biến, chứ không phải là luật.

Thứ 8, lục bát bao gồm tất cả các phương thức: tự sự, trữ tình, kịch. Thứ 9, lục bát có ở trong tất cả dân ca người Việt, có đến 80%. Hò Lệ Thủy- Quảng Bình chỉ có lục bát và song thất lục bát.

Thứ 9, về khả năng biểu cảm thảm mỹ: lục bát có sự nhịp nhàng, sự xô lệch..tạo nên vô vàn mỹ cảm khác nhau.

Thứ 10, về sự trường tồn của lục bát, có từ thời cụ Nguyễn Trãi, mà vẫn cứ biến hóa đến tận hôm nay, mãi mãi. Thứ 11, thơ lục bát có thể dùng để dịch bất cứ thơ của ngôn ngữ nào.

Và cuối cùng, thị trường cho lục bát là vô cùng mênh mông. Xin lấy một ví dụ, hiện nay phong trào phục dựng, phát triển lễ Tết lễ hội là rất mạnh, bà con có nhu cầu hát. Các nahf thơ chuyên nghiệp có thể giúp họ phần thơ lục bát để họ hát. Tôi viết quanh năm không đủ cho các biểu diễn. Lục bát tự xé mình ra từng mảnh để hiến mình cho lễ hội…

Tôi đi Đà Nẵng thấy các bà tập thể dục toàn mở nhạc Tàu, tôi cảm thấy nhục. Tại sao ta có mà lại phải theo họ? Có một nhóm nhảy mở nhạc Hồng Kông. Tôi nghĩ cách, lấy lục bát để phổ vào dân ca của mình để thay thế cái bản nhạc Hồng Kông kia. Cuối cùng tôi thắng, đẩy bài Hồng Kong kia ra, đưa hò khoan vào lục bát vào. Đó, lục bát đã góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc.

Trong tư cách một chuyên gia , PGS Phan Diễm Phương là người đã viết nhiều công trình nghiên cứu về thơ lục bát và song thất lục bát. Bà nói rằng nếu ai quan tâm, xin hãy đọc các công trình của bà. Tuy nhiên bà muốn khẳng định: Thơ lục bát là thể thơ cách luật, mà là âm luật. Nó có nguyên tắc của nó. Nếu phá (cách tân-VG) đến đâu đi nữa vẫn cứ phải tuân thủ nguyên tắc. Nếu không thì không còn thơ lục bát nữa. Tôi yêu và hàm ơn thế hệ các nhà thơ Việt Nam đã xây dựng và sáng tạo thể thơ này. Ở Việt Nam mình có 4 thể thơ thuần dân tộc: lục bát, song thất lục bát, thơ hát nói, thơ tám chữ; đó là những thứ đặc sắc của Việt Nam.

(còn nữa)

Văn Giá lược thuật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *