“TRUYỆN KIỀU”: QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Hội thảo có ý nghĩa như một sự tiếp nối, nhìn lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều; hướng đến tìm tòi mới, bao gồm những phát hiện tư liệu mới, những thông tin và diễn giải mới về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du, việc chuyển ngữ - tái tạo Truyện Kiều trong các ngôn ngữ khác; việc tái tạo Truyện Kiều trong sáng tác văn chương đương đại; Nguyễn Du và Truyện Kiều qua - trong các hình thức nghệ thuật khác (Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc,…).
Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học từ các cơ quan nghiên cứu trong vào ngoài nước như Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Nhà xuất bản EHESS (Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội, Pháp), Đại học Fulbright Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga,... và một số nhà nghiên cứu tự do đến từ CHLB Đức, Hungary…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã nêu lên tầm vóc, giá trị của Truyện Kiều đối với lịch sử văn chương - nghệ thuật Việt Nam. Đáng chú ý, PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh cùng đồng sự đã giới thiệu bản Kim Vân Kiều tân truyện lưu trữ tại Thư viện Anh quốc. Theo đó, đây là một bản Kiều Nôm độc đáo, rất quý, rất giá trị, có thể xem là “vô tiền khoáng hậu” cho đến nay. Cả về nội dung và hình thức, bản Kim Vân Kiều tân truyện đã cho thấy sự tỉ mỉ, chăm chút chu đáo, cẩn thận của người soạn sách với tinh thần thưởng lãm, nâng niu giá trị nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm. Bản Kiều Nôm này đã lưu lạc hơn 100 năm, bây giờ mới có dịp được giới thiệu trên quê hương Việt Nam. Trong tư cách người phản biện - trao đổi lại với bài nghiên cứu của PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh và đồng sự, GS.TS. Trần Đình Sử một lần nữa đánh giá giá trị của Truyện Kiều (nói mãi không cùng), đồng thời ghi nhận những tìm tòi, giới thiệu quan trọng của các nhà khoa học đối với việc nghiên cứu và thưởng thức Truyện Kiều.
Đặt ra những vấn đề quan trọng thuộc về tiểu sử tác giả, lịch sử văn bản tác phẩm, các diễn tiến - du hành - chuyển ngữ - tái tạo của Truyện Kiều trong các ngữ cảnh khác nhau, trong các hệ thống kí hiệu khác (Hội họa, Âm nhạc, Kịch, Múa, Điện ảnh, Sân khấu…), các nhà nghiên cứu tại hội thảo một lần nữa cho thấy sức sống và tầm ảnh hưởng của kiệt tác Truyện Kiều. Cử tọa đã được nghe nhiều ý kiến tham luận có giá trị như: Lại bàn tiếp về cái kết Truyện Kiều (so sánh với cái kết của tiểu thuyết Evgeny Onegin) của PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh; Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản của PGS.TS. Đoàn Lê Giang; Bản Kiều tiếng Rumani và cái tâm của người dịch (PGS.TS. Nguyễn Văn Dân); Cải biên điện ảnh đầu tiên thời thuộc Pháp: trường hợp Kim Vân Kiều truyện của TS. Nguyễn Nam; Truyện Kiều trên sân khấu đương đại Việt Nam của Ths. Đào Thị Diễm Trang… Thông qua các báo cáo tại hội thảo, có thể nhận ra đời sống của Truyện Kiều trong lịch sử, ngoài không gian Việt Nam cũng như trong các loại hình nghệ thuật khác, rất đa dạng, sinh động, đầy tiềm năng.
Đáng lưu ý, tham luận của PGS.TS. Đoàn Lê Giang nhấn mạnh đến việc Kim Vân Kiều truyện (của Thanh Tâm Tài Nhân) vào Việt Nam cùng thời điểm với du hành đến Nhật Bản. Cũng tại diễn đàn này, một lần nữa, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang khẳng định nguồn gốc của Truyện Kiều và bác bỏ thông tin cho rằng, tác phẩm có nguồn gốc Việt Nam và du nhập sang Trung Quốc. Tham luận của Ths. Đào Thị Diễm Trang lại đưa công chúng đến với những hình thức mới mẻ của Truyện Kiều trong các hình thức của sân khấu đương đại. Động thái này cho thấy giá trị và nguồn cảm hứng từ Truyện Kiều đối với nghệ sĩ đương đại. Đó vừa là sự kế thừa, phát huy những giá trị đã đi cùng dân tộc vừa đối thoại với tiền nhân, nhằm đem đến sinh khí mới cho kiệt tác Truyện Kiều. Ngoài ra, hội thảo cũng đã được chia sẻ các kết quả nghiên cứu công phu của TS. Nguyễn Nam về quá trình cải biên Truyện Kiều sang điện ảnh từ thời Pháp thuộc. Theo đó, dấu tích cải biên này đã được ghi nhận bằng bộ phim Kim Vân Kiều (1924) do Hãng Indo-Chine Fiml sản xuất. Ở khía cạnh khác, PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh - một chuyên gia văn học Nga, đã nhấn mạnh đến những điểm tương đồng trong nghệ thuật xây dựng hình tượng, tư tưởng của tác phẩm và sự va đập của văn chương với cuộc đời, thân phận con người trong hai tác phẩm nổi tiếng: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Evgeny Onegin của Puskin.
Như là một ý kiến phản biện nghiêm khắc về quá trình chuyển dịch - cải biên - tái tạo Truyện Kiều trong các ngữ cảnh văn hóa khác, loại hình nghệ thuật khác, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh nhấn mạnh việc dịch thơ vô cùng khó (nhất là một tác phẩm đậm màu sắc dân tộc như Truyện Kiều). Dịch thơ có làm mất đi chất thơ của tác phẩm? Truyện Kiều hay và giá trị ở chiều sâu của cái tĩnh, nhưng các loại hình khác thường có xu hướng tập trung biểu đạt cái động (Múa, Bale…). Và như thế, vô hình trung, một số loại hình nghệ thuật lại chưa tiếp cận được với cốt lõi giá trị của kiệt tác văn chương này.
Có thể nói, hội thảo khoa học Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật thực sự là diễn đàn để các dịch giả, nhà nghiên cứu - phê bình văn học trong và ngoài nước thúc đẩy đưa học thuật Việt Nam hòa nhập vào đời sống nghiên cứu quốc tế, đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều trở lại với đời sống hôm nay, tạo kết nối văn hóa vững chắc, sinh động giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.
L.P-NGUỒN: VNQĐ