Ống kính phê bình

27/9
3:19 PM 2016

THAM LUẬN HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ: CUỘC VƯỢT THOÁT CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG - Chúng ta có thể nghĩ, hiểu và làm văn học theo cách riêng mà mỗi cá nhân có thể tạo lập và mục đích cuối cùng là phụng sự cho nền văn học nước nhà.

Một cách nói khác như nhà văn Nguyễn Trọng Tạo: “Chính chúng ta, những người trực tiếp làm văn nghệ, cũng góp phần thắt chặt thêm sợi dây trói buộc bản thân mình”. Là ước mơ, mong muốn thực hiện một quyền năng tạo hóa ban tặng: “quyền sáng tạo”. Bất kỳ một văn nghệ sĩ nào khó có thể chối bỏ sự ban tặng ngọt ngào đó, thay vào đó là sự theo đuổi, phụng hiến bằng tất cả ước mơ, đam mê và sức lực chúng ta sở hữu. Với những người trẻ, sự chọn lựa con đường/ nghề nghiệp/ mơ ước táo bạo hơn và dĩ nhiên niềm hy vọng luôn được dành chỗ.

Trong tuổi trẻ ngắn ngủi của mình, Hàn Mặc Tử đã dựng nên một cõi thơ riêng mình, đọc thơ Hàn là chạm vào trăng rực rỡ, vào tình yêu đắm đăm và nỗi đắng cay vô thường. “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng...”, ấy là cái “sướng” của thi nhân vậy Những bài thơ Hàn “hổn hển như lời của nước mây” xuất phát từ thái độ phụng hiến của như tuyên ngôn: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt cả Sự Sống”.

Và nếu như chúng ta làm thơ, chúng tôi thật sự tâm đắc một tràng bút diễn của Chế Lan Viên: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai”.

Và đây, con phượng hoàng của thi ca Pháp và thế giới - Rimbaud chỉ thực sự đến với thơ trong vỏn vẹn ba năm từ năm 16 đến năm 19 tuổi với vài bài thơ đăng báo và một tập thơ duy nhất “Một mùa địa ngục” xuất bản để không bao giờ ra mắt người đọc trừ mấy ấn bản gửi cho bạn bè. Arthur Rimbaud (1854 - 1891) với tuổi đời ngắn ngủi, thời gian làm việc không mấy gì dài dẳng đã bao trùm cái bóng thi ca khổng lồ của mình gần một phần tư thế kỷ 19, suốt thế kỷ 20 và có lẽ cho tới tận hôm nay.

Rimbaud với tư cách một thi sĩ cách tân “Phải tuyệt đối hiện đại” và táo bạo “Hãy kính trọng kẻ bị nguyền rủa tột bực, tôi đã thét điều đó trên trái đất. Tất cả ham muốn thi ca đó để đạt “tới cái chưa biết” bằng sự “rối loạn lập luận mọi giác quan”. Thi sĩ phải biết khai thác những ảo giác, và phải bắt giác quan đi chệch ra ngoài những lối mòn rốt ráo để đạt được “cảnh giới”: “Triệt để phá lệ mọi cảm nhận”.

Qua những tấm gương điển hình trên, người viết trẻ chúng ta cần minh định thêm những vấn đề sau:

 

1. Luận về thái độ viết

 Thái độ viết quyết định sự nghiệp của chúng ta, sự thành bại của tác phẩm. Các nhà khoa học đã chứng minh thái độ làm việc mới là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công trong công việc chứ không phải là sự thông minh. Thái độ của con người thành công là thái độ “nhận thức phát triển” (growth mind), là hành trang làm việc đích thực, tâm huyết đến cùng. Trong địa hạt văn chương, mọi thứ phụ thuộc vào thái độ của bạn chứ không phải năng khiếu của bạn để quyết định vị trí của bạn trong cuộc sống, trên văn đàn.

 Chúng ta là những người viết trẻ, có những bạn ở đây đã thành danh, có sự nghiệp, thuơng hiệu; có những bạn viết đang chập chững vào nghề. Nhưng dù là ai đi chăng nữa chúng ta cần nhận thức rằng không thể có được những điều chúng ta muốn ngay lập tức, ví như bạn muốn rằng tên tuổi của bạn được mọi người biết đến, bạn là một nhà văn lớn trong tương lai. Hãy tin rằng, cứ tiếp tục hình dung giấc mơ của bạn, tin tưởng vào nó, sống như thể nó đã là của bạn thì chẳng bao lâu sau, trước khi bạn nhận thức được, sự nghiệp sẽ xuất hiện ngay trước mắt bạn. Thái Khắc Lễ nói về “Nội lực tự sinh” và chúng tôi nghĩ rằng hãy đánh thức nó, mở ra cánh cửa mới cho văn học. Nội lực sáng tạo quyết định hành trình sáng tạo.

 Nhìn lại phong trào Thơ Mới, mà đặc biệt là Trường thơ loạn đã bộ lộ sự dấn thân của mình trong hành trình sáng tạo. Họ tạo ra một cuộc nổi loạn thi ca, xưng danh cái đẹp dưới góc nhìn của những thi sĩ theo một cảm quan mỹ học đặc sắc. Thái độ thơ của Hàn Mặc Tử kia chẳng phải là minh chứng cho vầng trăng siêu thực tỏa sang trên bầu trời thơ Việt đấy sao. Và Rimbault “Triệt để phá lệ mọi cảm nhận” đã vươn đôi cánh phượng hoàng, tỏa rạng những đốm lân tinh soi sang cho bao lớp thế hệ thơ trên khắp thế giới. Thái độ tận hiến ấy, dù ngắn ngủi nhưng đã huy hoàng chói rỡ.

Trên hành trình của mình, một bản đồ chỉ đường cho chúng ta cần phải lập ngay bây giờ, là chiến lược phát triển, chiến lược viết. Dù không hoàn thành tất cả mọi ước mơ, kế hoạch nhưng trong nỗ lực làm việc và khả năng cho phép của chúng ta, thì đó cũng là một thành công chấp nhận. Tuy nhiên, hành tranh của một nghiệp viết, không dừng lại ở ước mơ, chúng ta phải chuẩn bị cho mình những “bảo bối viết” cần thiết. Các nhà văn tiền bối đã chỉ cho chúng tôi kim chỉ nam của sự sáng tạo trong bốn chữ: “Đi – học  - đọc – Viết”. Đi khắp nơi, đi tất cả, đi nơi mình thích, đi lúc nào có thể đi, đi một mình, như Đại văn hào Voltaire: “Niềm hạnh phúc to lớn nhất của mọi cuộc đời là sự cô độc bận rộn” vì được đi. Trong số những bạn văn chúng tôi biết, Văn Thành Lê là một người chịu khó đi, hầu như có cơ hội anh đều tự “điền dã” đến những nơi danh lam, thắng cảnh, địa chỉ văn hóa để lấy tư liệu, cảm hứng, nguồn dữ liệu vô biên của sự viết. Học những gì có thể học, bất kỳ lĩnh vực nào, học các bạn trẻ, những nhà văn lớn, học những ai có thể học. Điều này nhiều bạn văn đã đi rất xa như Hoàng Công Danh, Vũ Văn Song Toàn, Trịnh Sơn, Nguyễn Thị Kim Hòa… Đọc gần đọc xa, đông tây kim cổ, trong nước, nước ngoài, văn học, ngoài văn học, đọc để kiến văn mở rộng, đọc sâu, đọc sát, đọc chuyên, đọc triệt. Đinh Phương, Phan Tuấn Anh… là những người mê sách, chơi sách mà chúng tôi biết và sự đọc của họ đáng để chúng ta học hỏi. Và cuối cùng mới là sự viết khi sự hoài thai đã đến độ viên mãng sau những hành trình trên. Nguyễn Kim Hòa là minh chứng cho sự đam mê viết, khó nhọc viết và những những thiệt thòi về sức khỏe không ngăn cản được chị. Nguyễn Văn Học, Văn Thành Lê, Meggie Phạm, Vũ Thị Huyền Trang… là những cây bút trẻ sức viết dồi dào. Sự tìm tòi lối viết, chúng ta còn có thể thấy trong những trang văn của Lê Minh Phong, Đinh Phương, Nhật Phi, Nhụy Nguyên, Trịnh Sơn… Nhiều bạn văn khác chứng minh thành quả trên giá sách, được các giới trẻ đón nhận nồng nhiệt như Anh Khang, Hamlet Trương, Hồng Sakura…

  Thi sĩ giang hồ Nguyễn Bính dành hầu hết tuổi trẻ của mình cho sự đi, phiêu du góc bể chân trời để phục vụ cho sự viết. Gabriel J.G Márquez đã dành rất nhiều thời gian chuẩn bị cho nghiệp viết của mình qua hành trình di chuyển giữa hai châu lục Âu – Mỹ và cuối cùng lấy Mỹ La tinh làm nơi cứu rỗi cho “những điều huyền thoại đang bị nguội lạnh”. Nếu chúng ta ngồi một chỗ, chúng ta sẽ trở thành những biến thể văn nghệ salon. Nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ trở thành con ếch trong cái giếng của chính mình. Nếu chúng ta không chịu đọc, sự hóa hoang sẽ đến rất nhanh với con chữ. Và việc Viết, là sự chuẩn bị tất cả những tốt nhất có thể của Đi – học  - đọc, là sự đối mặt can đảm với cô đơn sáng tạo và hành trình nhảy qua cái bóng của người khác và khó hơn là cái bóng của chính mình. Hãy “khơi những nguồn chưa ai khơi”, để tạo nên một dòng suối riêng cho mình.

 

          2.  “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

Chữ có linh hồn, chữ đầy quyền năng sống. Từ những trang viết, chúng ta hãy xác định văn cách là kim chỉ nam đầu tiên của sự viết. Chẳng phải Phạm Quỳnh đã nói “văn là người”, tâm bấn loạn làm sao chữ tròn đầy. Đại thi hào Nguyễn Du mở vế “thiện căn ở tại lòng ta”, lấy chữ thiện làm đầu của tâm, là dây cung nâng mũi tên sang tạo bay xa. Tâm phát xuất từ bản chất thuần lương vốn có của con người: “bản lai vô nhất vật” hay “nhân chi sơ tính bổn thiện”, không lí gì chúng ta lại đi trật đường ray của chân lí.  Con người là nhân lành của Trời Đất, thực hiện chi tiết sanh tồn mà tiến hóa. Gom gọn gọi là Tiểu vũ trụ, tiểu thiên địa. Gốc gác của ta là thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, chữ sáng trong.

Với thơ, nhà thơ Pháp Paul Géraldy từng nói rằng: “Thơ ví như một vị thần, gồm hết cả những cái đẹp ở đời, đáng yêu đáng mến, người thơ phải ra sức mà phụng sự vị thần ấy cho thành tín”. Ở một cực độ của đam mê, thơ cần sự trung thành không mặc cả, sự thủy chung vẹn toàn với chữ, với tứ, với “ngôn chí” người thơ theo đuổi. Thơ đẩy con người đến độ mộng tưởng, phiêu diêu với thơ hóa thân mình trong cuộc bay không giới hạn. Ở một diễn đạt khác, thể tính thơ được ví như “Thơ là một thứ tôn giáo không có giáo chủ. Ở đấy các tín đồ của nó đều được mặc khải về sự bi hoan trần thế và năng lực sẻ chia những nỗi niềm thân phận” mà nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch từng lụy giải. Đó là cái tâm của thi sĩ vậy.

Con đường sáng tạo lắm chông gai và cũng đầy hương mật. Chữ nghĩa dễ làm con người ta si mê bao nhiêu thì “con quỷ” kiêu mạn lớn thêm bấy nhiêu. Chúng ta rất dễ bỏ rơi những đứa con tinh thần của mình, là hồn cốt, da thịt của chúng ta, thay vào đó là chạy theo những tấm thẻ màu mè, tạm bợ. Gốc sáng tạo được quyết định bởi độ trong trẻo của tâm. Mọi thứ đều do tâm tạo. “Tâm có thể là ảo tưởng, nhưng nó là sáng tạo - nó tạo ra mơ” khiến ta sai lạc. Đa phần tha nhân sống vì mơ, sống như mơ, mơ là thật, mơ sinh thơ. Con người là trung tâm thế giới, như sông bắt nguồn từ suối khe, gió bắt nguồn từ sự chuyển động của không khí, lá bắt nguồn từ cây… Tâm ta và thế giới chính là đối thể của nhau, thế giới này còn tồn tại chừng nào tâm ta chưa biến mất. Tâm trí tạo ra thế giới này và thế rồi thế giới lại tạo ra tâm trí. Những người viết trẻ chúng ta phải truyền tải thông điệp tích cực cho mọi người. Truy bản thể của Văn, nguyên nghĩa là vẻ đẹp, tại sao không lau của Tâm mình sạch bụi để cảm được giọt sương tinh khiết ban mai kia. Chẳng phải Nguyên Hồng đã từng khóc với những nhân vật của mình, Nam Cao đã sống chết với trang viết đầy ẩn ức của mình đó ư. Tài năng có thể giúp chúng ta vươn lên đỉnh thành công một cách nhanh chóng, nhưng nó không thực sự giúp người ta nhớ đến bạn cũng như giúp bạn giữ được thành công của mình bằng “văn cách” đạo đức của bạn.

 

3.  Hệ định tư tưởng, vượt thoát lề cũ

Những người trẻ, chúng ta phải sống cùng sức mạnh dẻo dai của mình trên trang viết. Việc hệ định lại những giá trị tư tưởng để chúng ta phụng hiến có thể là những quyết định lịch sử của chính chúng ta. Các thể tài văn học để có “sức công phá” lớn đều phải xây dựng, bồi đắp quanh mình hệ thống lý luận, hệ tư tưởng định hình cho phương pháp sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, toàn cầu hoá là xu hướng chính của mọi nền văn chương trong thế kỷ 21. Chúng ta bằng mọi giá phải tiệm cận được những chuyển động,  thành tựu  của văn học thế giới và tìm một chỗ đứng tương xứng với thể tính dân tộc. Tạp chí Sông Hương những năm 80 thế kỉ trước từng xây dựng chủ trương về văn học của mình: “Cái cũ phải sâu sắc, cái mới phải mạnh mẽ và nhìn ra thế giới”, đó cũng là sự tiệm cận đến những giá trị sống, vận động của văn học.

Phải chăng từ cốt cách văn hóa, xuất phát điểm dân tộc và những nội lực khác chưa nhuần nhị để nhào nặn nên những tên tuổi “khổng lồ”. Chúng tôi quan tâm đến  việc xây dựng một “tự sự về đất nước” (narrative of the nation) dưới ánh sang văn học mà Stuart Hall và một số chuyên gia về văn hoá hậu thuộc địa nhìn thấy trong chủ nghĩa dân tộc. Đành rằng việc đào xới tất cả những câu chuyện, hình ảnh, phong cảnh, biến cố lịch sử, di tích và phong tục có khả năng tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc… đã, đang làm nên một cuộc tạo dựng thành công, quy mô về “tự sự về đất nước” và sẽ mở ra những chiều kích táo bạo, thănh hoa hơn nữa.

Những người viết trẻ chúng ta cần thiết góp mặt mình trong những “tự sự về đất nước” thay vì những mục đích nào khác. Chính chúng ta góp phần trưng dẫn và phát huy Việt tính trong dòng chảy Toàn cầu hóa. Sự tôi luyện đủ cứng cáp để diễn trình thứ “hiện thực thậm phồn” bằng tiếng Việt, mà chúng tôi nghĩ nó sẽ làm rạng danh cho xứ sở. Một thực tế rằng chủ nghĩa hiện thực không còn giữ địa vị của một khuynh hướng sáng tác chủ đạo. Chúng ta không thể đánh giá cao vẻ đẹp của một tác phẩm nếu chúng ta không chịu tìm kiếm cái gì khác bên trong nó và tại sao chúng ta chỉ giới hạn lại việc thấu hiểu một cảm giác hiện thực.

Nhà phê bình trẻ Đoàn Huyền đã nói về thực tế này “…quán tính và áp lực mạnh nhất của văn học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn là ám ảnh về hiện thực và quán tính phản ánh hiện thực trên những khuôn nền cũ”. Và tác giả cũng chỉ ra thứ “tinh thần phản hiện thực - phản hiện thực truyền thống của văn học Việt Nam. Tinh thần phản hiện thực muốn tách rời khung hiện thực trước mắt và mở rộng “biên độ” của hiện thực được phản ánh. Đó cũng là lối đi mới cho văn chương mà những người viết trẻ chúng ta nên chú tâm. Những “khung cửa hẹp” khác đã mở ra và ngày càng rộng thêm, như thành tựu của dòng văn học hiện thực huyền ảo, văn học hậu hiện đại hay những kiểu lục bát cách tân, thơ Tân hình thức và vô số sự tự do khác trong văn học… đã cho chúng ta thấy sự tiếp biến, phát triển và là vận hội để bàn tiệc văn học thêm đa sắc màu.

Những người trẻ cần tự do, tự do sống, tự do suy nghĩ, tự do luận, tự do đi, tự do đọc, tự do học, tự do viết, tự do trong tất cả những thứ cần được tự do. Chẳng phải Albert Camus đã nói “Tự Do không là gì, nhưng là một cơ hội để trở nên tốt đẹp hơn”. Tuổi trẻ đang cho chúng ta cơ hội, chúng ta phải nắm chặt. Theo cảm quan riêng của chúng tôi, còn có thêm sự “tự do lạnh” cần thiết bổ sung cho những khoáng lượng tỉnh táo, riêng biệt của văn học. Mượn lời tác giả Linh Sơn – Cao Hành Kiện về nền văn chương lạnh, ở mức độ nào đấy, những người trẻ có thể vịn vào “Văn chương lạnh cần thoát ly để sống sót; nó là thứ văn chương từ chối bị bóp cổ bởi xã hội để tìm đến sự cứu rỗi tinh thần...”. Hẳn nhiên, các yếu tố tâm lí dân tộc – thời đại, hoàn cảnh lịch sử xã hội, thời tiết chính trị, những ham thích của các giá trị thị trường… ít nhiều tác động đến sự “tự do lạnh” ấy. Nếu một nền văn chương không có tự do đích thật, nền văn chương ấy sớm trở thành tiếng hót của loài chim nhại.

Tuổi trẻ rồi sẽ qua mau, tài hoa rồi cũng lụi tàn trước thời gian.  Nếu nghĩ rằng chúng ta không đủ rủng rỉnh thời gian để phụng sự văn học, chúng ta phải chạy đua với thời gian, với sự tỉnh táo của trí tuệ, sức khỏe dần mối mọt theo nhịp kim đồng hồ. Không gì đo được thời gian, nhưng thời gian đo được cuộc sống đang hiện hữu, đo được nghiệp viết chúng ta đang theo đuổi. Đại văn hào William Faulkner trong “Âm thanh và cuồng nộ” đã nói lên hết tất cả những gì con người không thể tri nhận được về thời gian qua một đoạn văn ngắn: “Này Quentin ạ, cha cho con đồng hồ này, cha cho con nấm mồ chôn hết tất cả hy vọng và tất cả ham muốn… con sẽ dùng đồng hồ này để qui hết tất cả kinh nghiệm loài người vào chỗ phi lý… tất cả nhu cầu của đời con sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cũng như tất cả nhu cầu của những người chung quanh con, của cha con cũng thế. Cha cho con có cái đồng hồ này không phải để con nhớ đến thời giờ, mà để con có thể quên nó trong một khoảnh khắc để con đừng hì hục mệt nhọc cố gắng chinh phục nó.”

Con người bị động trước thời gian, không thể tự chủ để cưỡng đoạt những gì thời gian lấy đi. Chúng ta đừng bỏ phí thời gian cho những cuộc ngoài văn học, thay vào đó là sự dấn thân, phụng hiến cho văn học mới mong gặt một chút nắng trong bóng câu.

Nghiệp viết suy cho cùng là cái duyên phú, là sự phân công của xã hội để giữ lại hồn cốt, tâm lý, thể tính của thời đại chúng ta đang sống. Chúng ta may mắn sống trong hòa bình, nhiều cơ hội, thuận lợi được mở ra cho văn chương. Ngoài kia, “những chân trời không có người bay” vẫn đương chờ chúng ta gặt mây và hái nắng. Trong sự lang thang cùng con chữ, “tìm giới hạn” và “chỗ đứng một và chỉ một” của chúng ta khả dĩ “mua vui cũng được một vài trống canh” ấy là đã là vượt thoát khỏi vũ môn- cái tôi nhỏ bé của mình rồi.

 

L.V.T.G

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *