Ống kính phê bình

28/9
5:45 AM 2016

THAM LUẬN CỦA TÁC GIẢ TRẺ: PHÊ BÌNH TRẺ VÀ NHỊP ĐIỆU ĐỜI SỐNG HÔM NAY

HÀ THỊ VINH TÂM - (Nghệ An ) Phê bình văn học vốn được xem là bà đỡ cho các sáng tác văn học nghệ thuật, là bạn đồng hành với bạn đọc và nhà văn. Phê bình văn học có vị trí, chức năng đặc biệt quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật, tác động tới sự nhìn nhận và đánh giá của người đọc và người sáng tạo.

. Hơn thế, nhà phê bình phải nhận ra sự vận động bên trong của đời sống văn học, từ đó đưa ra các phán đoán, thẩm định, đánh giá, phát hiện các giá trị, các quy luật; dự báo, phát hiện cái mới; điều chỉnh, định hướng sự vận động, phát triển của văn học nghệ thuật đồng thời lí giải một cách thuyết phục những hiện tượng văn học đang diễn ra trước mắt. Vậy phê bình văn học làm thế nào để thực hiện tốt vị trí chức năng này của mình? Nhất là với những người phê bình trẻ làm thế nào để hòa nhịp vào đời sống hôm nay?

1. Văn trẻ

Đây không phải là câu chuyện mới mẻ nhưng lúc nào cũng khiến mọi người phải quan tâm, trăn trở, suy nghĩ nhất là đối với những người thực sự quan tâm đến văn chương nước nhà hôm nay và tương lai. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam rất quan tâm chú trọng và đề cao thế hệ nhà văn trẻ: "Đừng hạ thấp sức cảm, sức nghĩ của tuổi trẻ".

Khái niệm văn trẻ cần phải giới thuyết rõ ràng. Trẻ là tính theo tuổi đời hay tuổi nghề, theo số lượng bài báo, sách, công trình in trong hay ngoài nước, ở trung ương và địa phương hay như thế nào...? Thực ra, bấy lâu nay chúng ta vẫn hiểu và “mặc định” với nhau là các nhà văn trẻ là các nhà văn thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x (chiếu theo quy định của Hội Nhà văn Việt Nam, những người viết văn trẻ là những người có độ tuổi từ khoảng 35 trở xuống). Trong đội ngũ văn trẻ không thể không nói đến đội ngũ phê bình văn học trẻ. Do sống trong môi trường lịch sử, xã hội, văn hóa thời hiện đại với xu thế toàn cầu hóa; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng tin học với hệ thống internet và  ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh công nghiệp, văn minh trí tuệ, ... nên thế hệ này có những đặc thù riêng trong đời sống văn học nước nhà.

            2. Phê bình trẻ- quá trình nhìn nhận lại bản thân

2.1. Mặt làm được của giới phê bình trẻ

Chúng ta có thể thấy thế hệ phê bình trẻ ở nước ta thường xuyên năng động và nhạy bén khi tiếp nhận các hệ lý thuyết mới như: hậu hiện đại, nữ quyền luận, liên văn bản, hậu thực dân, môi trường luận, tân lịch sử, phân tâm học, hiện tượng luận, mỹ học tiếp nhận. Các vấn đề mới về mặt lý luận bước đầu được giới phê bình trẻ nhìn nhận, đánh giá, thẩm định, soi chiếu vào bài viết một cách mới mẻ, khoa học. Đặc biệt, một số bài viết thể hiện tính học thuật, tư duy lý luận khá sắc sảo. Đồng thời, các kiến thức liên ngành như: ngôn ngữ học, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, thông diễn học, văn hóa học… đã vận dụng một cách vững vàng và sáng tạo vào tác phẩm cụ thể.

Cũng nhờ ảnh hưởng của lí thuyết tiếp nhận nên giới phê bình trẻ có những cách đọc khác nhau, những cách lí giải khác nhau trên cùng một tác phẩm. Họ hiểu “tác phẩm văn học như một quá trình”, họ hẳn nhiên thừa nhận "không ai là người phán xử cuối cùng". Từ đó, họ thỏa sức sáng tạo và thể hiện phong cách cá nhân của mình khi phê bình một hiện tượng văn học. Nhìn vào đội ngũ phê bình trẻ hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy họ đã hoặc đang dần định hình phong cách viết của mình một cách chững chạc, tự tin và năng động.

            Sự xuất hiện của kiểu tác giả phê bình trẻ trong sự bùng nổ của công nghệ truyền thông là minh chứng cho sự tiếp nối, bổ sung đội ngũ làm phê bình, đồng thời cho thấy sự đa dạng, dân chủ trong sinh hoạt phê bình văn học; sự đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường; sự thích ứng với thời đại internet, với sức mạnh của công nghệ tin tức truyền thông. Các nhà phê bình trẻ đa phần đều là bạn bè của nhau trên thế giới mạng, có thể nói chuyện với nhau bất kì lúc nào, dù ở bất cứ đâu nhờ vào facebook, yahoo, skype, twitter, ... Bên cạnh đó, họ có thể đưa tất cả bài viết, công trình khoa học của mình lên mạng một cách dễ dàng. Vì thế họ có điều kiện tiếp xúc, chia sẻ, học hỏi, ảnh hưởng lẫn nhau thường xuyên, liên tục. Đặc trưng này sẽ là điều kiện thuận lợi để tạo nên những trường phái phê bình trong tương lai. Dĩ nhiên, như có người đã nói muốn tạo nên những trường phái phê bình còn dựa trên nhiều yếu tố khác, nhưng sự giao tiếp, sự trao đổi tư tưởng là điều kiện tiên quyết. Hơn nữa, nhờ thế các nhà phê bình trẻ mới có thể thường xuyên làm ra những sự kiện văn học, hiện tượng văn học có ý nghĩa và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ mạng xã hội, các cây bút phê bình trẻ tăng cường tính thời sự cho văn bản phê bình văn học, thể hiện sự phản ứng nhanh của người đọc trước các hiện tượng, tác phẩm văn học mới.

            Bên cạnh đó, phê bình trẻ hôm nay chủ yếu hướng tới những hiện tượng văn học đương đại. Họ có sự tỉnh táo, sâu sắc với bản lĩnh nghề nghiệp, tầm tri thức rộng, đã bắt nhịp vào đời sống và đã thực sự bám sát đời sống sáng tác đa dạng của nền văn học nghệ thuật hôm nay. Họ góp phần tạo nên những khuynh hướng thẩm mĩ nhất định và tham gia vào quá trình tạo dư luận xã hội nhằm góp phần điều chỉnh, định hướng cho sự phát triển của văn học. Dù ít hay nhiều, các nhà phê bình văn học trẻ cũng có thể tạo nên mộ cú hích, một tác nhân và động lực đối với các nhà văn trẻ. Bởi vì họ là những người cùng thời, cùng thế hệ có những điểm chung về tâm lý lứa tuổi, nhận thức xã hội, quan niệm sống, quan điểm thẩm mỹ và mặt bằng tri thức nên rất dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau.

Một điểm đáng lưu ý nữa là các nhà phê bình trẻ hôm nay đã quan tâm nhiều hơn đến tính nghệ thuật của văn chương bên cạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm. Từ đó, họ tránh khỏi lối mòn của khuynh hướng xã hội học dung tục. Phê bình trẻ đã và đang góp phần định hướng người tiếp nhận, kích thích sự sáng tạo của người viết, thúc đẩy nền văn học hiện đại Việt Nam phát triển.

2.2. Mặt chưa làm được của giới phê bình trẻ

Thực tế công tác lý luận phê bình hiện nay còn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Người viết phê bình trẻ ở nước ta gần đây còn quá ít ỏi, khiêm tốn so với các thế hệ trước. Nhiều người đã thẳng thắn chỉ ra: Đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay đang thiếu và yếu; chất lượng phê bình nhìn chung chưa cao; công tác đào tạo ngành lý luận, phê bình còn gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong khâu bồi dưỡng, tạo dựng đội ngũ kế cận.

Bên cạnh đó, đội ngũ phê bình trẻ còn bộc lộ sự hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Mặc dù các bạn trẻ hôm nay được học hành tử tế, đi nhiều nơi, có nhiều cơ hội để nắm bắt thông tin ở đủ mọi lĩnh vực và trên phạm vi toàn thế giới nhưng ở họ lại thiếu khả năng dung nạp, tích lũy, mức độ đồng điệu, chuyển hóa và năng lực thẩm thấu những tri thức sách vở cũng như kinh nghiệm đời sống. Thêm vào đó là những lý do: thời gian cầm bút viết phê bình chưa lâu nên kinh nghiệm viết chưa nhiều; còn chịu sự câu thúc của bát cơm manh áo; tâm lý nóng vội "ăn xổi ở thì" muốn viết là được in ngay trên các mặt báo,... Điều ấy, khiến cho bài viết bị thương mại hóa thay vì phải chú tâm đến chất lượng và giá trị. Các bài viết mới chỉ mang tính chất vận dụng lý thuyết, ít có sự đúc kết, phát kiến về mặt lý luận. Tính tư tưởng, tính triết học trong phê bình còn yếu, thậm chí vẫn còn tồn tại những kiểu phê bình thù tạc, khen, chê một cách chung chung. Viết phê bình cũng diễn ra manh mún chỉ ở dạng điểm sách văn chương, chứ không phải phê bình chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng các lý thuyết văn học phương Tây ở một số cây bút phê bình trẻ nhiều khi chưa nhuyễn, chưa nắm vững những mặt tiến bộ cần áp dụng và những mặt lỗi thời cần tránh. Một số bài viết tỏ ra điệu đàng, sính ngoại, thậm chí khoe chữ, làm ra vẻ... Ở một số cây bút trẻ trong khi chuộng văn học nước ngoài thì lại tỏ ra ít mặn mà với thực tế sáng tác trong nước. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp. Vì thế, một phần công chúng hiện nay quay lưng lại với phê bình văn học nói chung và phê bình văn học trẻ nói riêng, khi họ cho rằng đấy là "thứ ăn theo, nói leo, sống ký sinh vào sáng tác".

Không khí phê bình trẻ nhìn chung cũng còn buồn tẻ. Một số cây bút phê bình trẻ quay lưng với việc in báo, xuất bản thành sách, chỉ xuất hiện trên các trang mạng trong và ngoài nước. Một số cây bút phê bình trẻ khác thì các bài viết được đăng tải trên các tạp chí nhưng lại chưa tập hợp thành sách. Cả hai điều này đã làm hạn chế khả năng ảnh hưởng của họ đối với đời sống văn học. Những vấn đề đối thoại, trao đổi trong hoạt động phê bình trẻ chưa tạo được làn sóng sôi động, nhộn nhịp. Các cây viết phê bình trẻ còn dửng dưng trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Họ chưa thực sự nhiệt tình, xông xáo. Đối tượng mà những tác giả phê bình trẻ hướng đến chưa bao quát, đa phần thiên về những tác giả, tác phẩm có tên tuổi, đang gây sự chú ý còn những gương mặt sáng tác trẻ chưa được những người viết phê bình trẻ quan tâm, phát hiện, giới thiệu. Việc đi tìm cái mới trong lý luận của phê bình trẻ còn mờ nhạt. Phê bình văn học trẻ vẫn chưa có sự thay đổi mang tính đột phá. Tinh thần ngại phiêu lưu, va chạm khiến phần lớn các nhà phê bình trẻ luôn tìm hệ số trú ẩn an toàn trong những sáng tác thuộc hệ mĩ học truyền thống, đã được thời gian thẩm định, sàng lọc. Họ có tâm lý ngại "đi vào vùng xoáy dễ sa sẩy của sáng tác mới", của những hiện tượng văn học phức tạp đang diễn ra hôm nay hoặc những hiện tượng văn học còn gây nhiều tranh cãi trong quá khứ (việc đánh giá, nghiên cứu văn học Việt Nam ở hải ngoại, văn học đô thị miền Nam trước năm 75). Các nhà phê bình trẻ chưa chú ý nhiều đến những vấn đề lớn của văn học nước nhà trong xu thế hòa giải, hội nhập. Biết hướng về cái mới và bảo vệ cái mới là một phẩm chất cần thiết của một nhà phê bình vì chính Belinxki từng nhấn mạnh: Sứ mệnh của phê bình là “giết cái cũ (…) chuẩn bị cho nền nghệ thuật mới ra đời”(1). Rất ít nhà phê bình dấn thân trọn vẹn với các trào lưu sáng tác mới, để có thể nắm bắt, cả phần sáng lẫn bề tối của chúng. Họ chưa thực sự đồng hành với văn học đương đại (ví dụ như: thơ hậu đổi mới) để có thể đối thoại sòng phẳng với cái mới. Từ đó, khai mở cơ sở văn hóa, nền tảng triết học hình thành các trào lưu sáng tác mới, các hiện tượng thơ cách tân,... Có người ví các nhà phê bình trẻ như những cầu thủ mới tập chơi bóng, mỗi năm chỉ có thể đá được một trận hoặc ngồi trên ghế dự bị nhất là khâu "tác chiến" tại những điểm nóng của đời sống văn chương. Việc bám sát đời sống văn chương thiếu các chủ thể phê bình văn học nên nhiều khi phó mặc cho công chúng. Trong trường hợp này, phê bình văn học không những không làm tròn nhiệm vụ định hướng thẩm mĩ, tạo dư luận mà còn làm nhiễu loạn chuẩn mực văn chương, khiến người đọc không phân biệt được đâu là những giá trị thật và đâu là những giá trị giả. Vì thế, hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác.

So với mặt bằng chung của người đọc bình dân, những tác phẩm phê bình của giới phê bình trẻ thường vượt quá tầm đón nhận của độc giả bình thường. Đa phần những nhà phê bình thế hệ trẻ đều là phê bình lý thuyết hoặc ứng dụng những lý thuyết mới mẻ của phương Tây vào việc khảo cứu văn bản. Lối phê bình này kén người đọc, dễ tạo cảm giác khô khan, nặng nề, lại đòi hỏi người đọc phải có một tầm đón nhận nhất định, có sự tìm hiểu sơ bộ về lí thuyết.

Sự phức tạp của nền tảng mạng, nơi mọi tri thức, văn bản đều có quyền tồn tại, lưu hành, chia sẻ. Từ đó, thiếu đi một chuẩn kiểm định, xuất bản, nghĩa là thiếu đi một bộ lọc quan trọng đối với những nghiên cứu lệch lạc, phiến diện hoặc đơn thuần không có giá trị. Hơn thế nữa, các nhà phê bình trẻ vẫn chưa có chỗ đứng và vị thế nhất định trên các diễn đàn văn học khi trong giới chuyên môn chưa chú trọng không khí đối thoại và dân chủ.

Tóm lại, phê bình văn học trẻ vẫn đang còn nhiều điều đáng bàn, đáng suy ngẫm để có những đóng góp tích cực đồng hành với nhịp điệu đời sống hôm nay.

3. Đề xuất một vài giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình trẻ hiện nay

3.1. Nội lực của người phê bình hết sức quan trọng

             Điều quan trọng đầu tiên là cần nâng cao tính chuyên nghiệp của phê bình văn học trẻ. Đó chính là việc gia tăng tính khoa học, tính học thuật và chiều sâu lí giải trong các tác phẩm phê bình. Nhà phê bình phải là người tinh thông nghề nghiệp, có khả năng khám phá các giá trị nghệ thuật thông qua năng lực cảm nhận tinh tế và năng lực vận dụng các tri thức khoa học để trình bày ý kiến của mình.

          Việc tăng cường tính chuyên nghiệp đòi hỏi người viết phê bình phải thạo nghề, khổ học và nhạy cảm. Người phê bình trẻ cần bồi dưỡng tình yêu, tâm huyết, tri thức, vốn sống, bản mệnh nghề nghiệp trách nhiệm công dân và nhất định phải đầu tư thậm chí hy sinh thời gian để đọc và viết phê bình. Nhà phê bình văn học trước hết phải là một người đọc chung thủy và đầy say mê với văn chương, như một "người tình" thực sự. Họ còn phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức sâu, rộng không chỉ ở chuyên ngành văn học mà còn là sự tổng hòa của các ngành nghệ thuật khác và nhất là cần có nền tảng triết học, mỹ học cũng như có vốn ngoại ngữ tốt. Ngoài ra nó đòi hỏi người phê bình trẻ cần có cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật, chứ không còn dừng lại ở một tiểu luận khô khan thiếu sinh khí.  

          Phê bình trẻ cần có một phẩm chất nhạy cảm đặc biệt trong việc biểu dương khích lệ “các văn bản, các tác giả” hoặc phê phán kịp thời những biểu hiện lệch lạc, phản truyền thống, nhằm hướng dẫn dư luận, định hướng hoạt động tiếp nhận. Nhà phê bình tổ chức những cuộc đối thoại giữa văn chương và cuộc đời, giữa tác giả và độc giả. Phải xem đó là quá trình tác động hai chiều. Bởi vậy phê bình cần nhiều hơn đến những phát hiện mang tính cá nhân miễn là những ý kiến ấy phải hướng tới mục đích vì văn học chứ không phải vì những mục đích phi văn học. Phải coi phê bình văn học là một bộ phận, song hành cùng văn học, để phản biện, đối thoại, chứ không phải là "ăn theo" hay ca ngợi văn học. Người làm phê bình phải có chính kiến, lập trường, không ngại bị va chạm vì khi phê bình văn học, là đối diện với văn bản cụ thể, chứ không phải với tác giả nào đó.

            Chất lượng phê bình còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực vượt khó của mỗi cá nhân. Đối diện với những khó khăn như: có quá ít sân chơi cho phê bình trẻ, lao động trí tuệ cực nhọc nhưng thù lao thì quá “bèo”, một bộ phận khá đông bạn đọc và những người sáng tác có thái độ thiếu thiện chí với phê bình,... người phê bình trẻ phải luôn tự thân vận động, nỗ lực không ngừng.

Cuối cùng, mỗi nhà phê bình trẻ cần phải có một cái phông, nền văn hóa, văn học mang tính dân tộc và hiện đại. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi bàn về công tác Lý luận- Phê bình văn học đã từng nói: “Không dựa vào căn bản văn hóa thì dễ chết yểu, gây ồn ào tức thời. Đặc biệt văn hóa phải gắn với dân tộc và hiện đại. Hiện đại trong văn học là xu hướng phẩm chất tiến bộ vượt qua các giá trị truyền thống nhằm tư duy sáng tạo, vượt ra cái hữu hạn chiếm lĩnh cái vô hạn, vượt qua cái khu biệt để đạt được cái phổ quát. Hiện đại cả hình thức và nội dung, tinh thần nhân văn, dân chủ được đề cao. Đi đến tận cùng dân tộc gặp nhân loại”(2). Như vậy, điều căn cốt nhất đối với một người phê bình đó là phải tiếp thu không ngừng những thành tựu của các trường phái lý luận văn học tiên tiến/ hiện đại và hậu hiện đại trên thế giới để có thể theo kịp, hòa nhập vào thế giới trong xu thế toàn cầu hóa đồng thời họ phải luôn đứng trên lập trường của dân tộc và nhân loại để đi sâu tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá, phát biểu về các hiện tượng văn học, tác phẩm văn học, sự kiện lịch sử đã trải qua và đang diễn ra trong đời sống.

3.2. Ngoại lực góp phần thúc đẩy phê bình trẻ phát triển

            Thiết nghĩ không chỉ bàn về việc nâng cao hiệu quả của phê bình từ những đòi hỏi, cơ chế nội tại, căn cứ vào những yếu tố căn cốt nhất mà còn nên xuất phát từ những yếu tố tác động từ bên ngoài như: chế độ nhuận bút, diễn đàn công bố các văn bản, sự tác động của mạng internet, công nghệ kỹ thuật, bối cảnh toàn cầu hóa và văn hóa tiêu dùng, thực trạng sáng tác kém hấp dẫn, văn hóa phê bình thiếu lành mạnh,... “Sân chơi” phê bình văn học bình đẳng với tất cả mọi người, chấp nhận mọi ý kiến, tôn trọng những đánh giá độc lập và có tính chất phê phán miễn là những ý kiến ấy phải có căn cứ khoa học. Do đó cần gia tăng tính học thuật của phê bình khi trao đổi, đánh giá.

                        Bên cạnh đó, giới phê bình trẻ rất cần sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, các Hội chuyên ngành đối với việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những người làm công tác lý luận, phê bình trẻ. Hội đồng lý luận phê bình các cấp cần khích lệ, động viên các gương mặt phê bình trẻ, mới, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, thường xuyên có kế hoạch đào tào, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận. Nhà nước cần giành kinh phí để gửi đi đào tạo cử nhân và nghiên cứu sinh về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại một số trường, viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới. Bởi lẽ, ngoài một chút năng khiếu, lòng đam mê, phê bình văn học cần được đào tạo một cách bài bản như bất cứ một chuyên ngành nào của khoa nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học.

Xã hội và các nhà chức trách cần thay đổi cách nhìn, đưa ra được định hướng cụ thể và có cơ chế đối xử thỏa đáng cho phê bình văn học phát triển, nhằm khuyến khích những cây bút trẻ đã được đào tạo và có niềm đam mê tham gia vào mặt trận này. Từ đó mới hạn chế và dần dần chấm dứt tình trạng tụt hậu, yếu kém của phê bình văn học. Do đó sẽ ngăn chặn được sự tác động tiêu cực của phê bình đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng và đến sự phát triển của cả nền văn học đương đại nước nhà. 

Nền phê bình văn học của ta hiện giờ tuy còn nhiều hạn chế so với đòi hỏi thực tiễn nhưng rõ ràng là đã có những thay đổi cơ bản trong quan niệm về bản chất, chức năng, phương pháp phê bình. Đặc biệt, phê bình trẻ hiện nay đã và đang có những nỗ lực nhất định để hòa nhập vào nhịp điệu đời sống, đồng hành với sáng tác đương đại và song hành với các lý thuyết học thuật hiện đại trên thế giới./.                                       

Chú thích:

(1) Dẫn theo Nhiều tác giả, Lí luận văn học (tập 1), Nxb. Đại học sư phạm, H, 2002.

(2) Hữu Thỉnh, Lý do của hy vọng, Nxb Hội nhà văn, 2010.

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *