ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT
Lĩnh vực sáng tác đã làm nên một “hiện tượng Hà Minh Đức” (gần 1/3 số tác phẩm thuộc về các thể loại sáng tác ký và thơ). Nếu không nói quá thì đã có một “Văn sản Hà Minh Đức”. GS Hà Minh Đức vinh sự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, 2010.
Đi tìm thời gian đã mất...
Quả thực không sai khi nói đang có “hội chứng hồi ký” trong văn hóa đọc của người Việt hôm nay. Độc giả nhiều khi hoang mang về sự thật được viết ra trong những cuốn sách mà đọc xong thấy ngay thói thường “ta thì trong người thì đục”. Thật may mắn tôi và nhiều người đã thoát ra được cái sự mắc mớ, rối ren đó khi đọc xong Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật. Thiết nghĩ, cái nhan đề này nếu bỏ ghi chú thể loại thì độc giả khi cầm sách sẽ nghĩ đây là một cuốn sách phê bình văn chương (vì chúng ta đã quen với một định đề “nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống, phê bình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”). “Đi tìm thời gian đã mất” (nương theo ánh sáng của cái đẹp), tôi nghĩ, chính là “cấu tứ” quan trọng của Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật. Trên con đường thiên lý dài dằng dặc và khổ ải này, như hồi ký tái hiện, tôi chú ý đến mấy mốc chính của một đời người: tự tin bước vào đời, hăm hở vào nghề, bước lên đài vinh quang nghề nghiệp, cuối dặm đường xa đã ngả bóng chiều. Chín chương của hồi ký (đánh dấu từ I đến IX) đã tái dựng những bước đi hào hứng say mê nhưng đầy tự tin và thận trọng của một người quyết chí lập nghiệp. Ai cũng có quá khứ, và không chỉ thế hệ tác giả mà cả thế hệ chúng tôi (sinh những năm năm mươi thế kỷ trước) đều đói nghèo, lận đận, trầy trật phấn đấu trong một hoàn cảnh đầy những thử thách khắc nghiệt. Nên chương I (Quê hương thời niên thiếu) đã như là chỉ dấu cho tôi đọc thích thú tiếp chương II (Ra Hà Nội). Năm 1968, chiến tranh ác liệt, tôi cũng một mình đi theo người anh rể từ Hà Tĩnh ra Hà Nội học lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm lúc đó). Thật nhiều cảnh ngộ và cảm xúc, bây giờ nhớ lại ứa cả nước mắt. Vì thế khi đọc “Ra Hà Nội” của Hà Minh Đức tôi rất thú vị, vì cái thưở ban đầu Thủ đô ấy đã găm vào ký ức người viết, nó gây liên tưởng cho người đọc có tâm cảm như tôi - ra Hà Nội đi học đại học. Bây giờ vào đại học là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng những ngày xa xôi ấy, là một sự kiện trọng đại “Tôi đi Hà Nội vào buổi sáng ngày 20-10-1954” (lúc ấy tác giả 19 tuổi). Thời bấy giờ đi bộ là chính. Sau mấy ngày vất vả rồi cũng đến Thủ đô. Bây giờ thí sinh trúng tuyển đại học, đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chỉ mất 3 giờ đồng hồ trên xe ô tô chất lượng cao. Sung sướng và tiện nghi đôi khi làm người ta quên đi ý nghĩa của sự chinh phục hoàn cảnh. Anh thanh niên xứ Thanh có nguyện vọng thi vào Đại học Sư phạm. Nhưng còn những một tháng rưỡi nữa trường mới mở cửa thi tuyển. Về hay ở? Đang lúng túng thì gặp anh Chương Thâu, từ Nghệ An ra sớm hơn, cho sáng kiến ở lại và tìm về vùng ngoại thành (Vĩnh Tuy) trú ngụ, vừa kiếm việc làm thêm (viết báo nhì nhằng), vừa chờ thời cơ,... Rồi cũng đến ngày nhập trường. Thôi khỏi phải nói nỗi hân hoan vui mừng của chàng tân sinh viên Hà Minh Đức lúc đó. Đọc chương II xong tôi nghĩ, đây cũng là “nhập môn” để người trẻ bây giờ biết rằng trước khi học chữ phải học sống. Chương III (Làm thầy), ghi lại cái hăm hở của tuổi trẻ nhiệt huyết khi chọn nghề “làm thầy” cho cả cuộc đời mình. Bây giờ trong cơ chế thị trường, đôi khi xã hội nhìn nghề dạy học qua lăng kính lợi ích/lợi nhuận mà ít quan tâm tới ý nghĩa của nghề “ trồng người”. Chàng thanh niên Xứ Thanh tốt nghiệp đại học tháng 7-1957 (chỉ có 2 năm mà vẫn giỏi giang) và chính thức được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường từ tháng 9-1957. Vì sao lại chọn nghề làm thầy ? Có nhiều lý do. Nhưng theo tôi thì, nghề dạy học hợp với “tạng người” của anh thanh niên xứ Thanh Hà Minh Đức - nghề này đòi hỏi sự nền nếp, kiên nhẫn, phải có lửa để truyền lửa dẫu biết sẽ thanh bần về tiền tài, vật chất. Và quan trọng hơn cả là phù hợp với niềm đam mê, sở thích cá nhân (được sống và làm những việc mình yêu thích, khó lắm thay). Có một sự kiện (tình tiết) tôi rất quan tâm: Khi vào nghề anh thanh niên xứ Thanh được thụ giáo một bậc túc nho, một học giả, một nhân cách đặc biệt của xứ Nghệ - Giáo sư Đặng Thai Mai. Tôi nghĩ đó là hạnh phúc của nhà giáo trẻ Hà Minh Đức. Không phải ai bước vào nghề cũng có may mắn và thuận lợi như thế. Đó là vạn sự khởi đầu nan, đầu xuôi đuôi lọt. Dĩ nhiên nội lực là quan trọng. Nhưng thử nghĩ xem nếu không có cú huých ban đầu này liệu ly nước có tràn nếu thiếu giọt nước mát lành, quý giá đến như thế? Được Giáo sư Đặng Thai Mai dìu dắt (tiếp sức, tiếp lửa) nên thầy giáo trẻ Hà Minh Đức sớm trưởng thành. Năm 26 tuổi, Hà Minh Đức công bố tác phẩm nghiên cứu đầu tay Nam Cao – Nhà văn hiện thực xuất sắc (NXB Văn học, 1961). Đến nay, nhiều công trình nghiên cứu về Nam Cao đã xuất bản, nhưng công trình của Hà Minh Đức vẫn có giá trị, ý nghĩa mở đường.
Mốc thứ ba “vinh quang nghề nghiệp” đánh dấu những công thành danh toại của Hà Minh Đức là từ những Năm 90 của thế kỷ trước (1990 đến năm 2000 ông làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN). Năm 1995 đến 2003, khi nhận thêm trách nhiệm Viện trưởng Viện Văn học (bây giờ thuộc Viện HLKHXH Việt Nam) thì uy tín chuyên môn của GS. Hà Minh Đức đã toàn vẹn. Ông là một nhà khoa học, một nhà hoạt động xã hội trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Các giải thưởng cao quý mà ông nhận được (cao nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, năm 2010) đã xác nhận con đường đi đến đài vinh quang của một trí thức xã hội chủ nghĩa. Những phần thưởng cao quý mà ông nhận được, tôi nghĩ, hoàn toàn xứng đáng.
Mốc cuối “đường xa đã ngả bóng về chiều”, thực sự ám gợi độc giả khi đọc xong hồi ký Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật. Nghỉ làm việc ở tuổi 70 (với học hàm GS), nhưng không ngưng nghỉ lao động trí tuệ, nghệ thuật. Thử tính từ năm 70 tuổi (năm 2005) đến 85 tuổi (năm 2020), GS. Hà Minh Đức vẫn như con tằm nhả tơ, công bố 37 tác phẩm (gồm các thể loại nghiên cứu/ lý luận/ sáng tác), đúng bằng ½ tổng số tác phẩm của một đời dạy văn và viết văn. Vậy thì làm gì có “ ngả bóng” hay “về chiều”. Trong một bài viết về GS. Hà Minh Đức gần đây tôi đặt tựa “Cháy đến giọt cuối cùng” là vì thế.
Văn hóa của văn chương...
Hiển nhiên văn hóa là chân đế, căn cốt, nền tảng của đời sống xã hội, trong đó có văn chương. Thông thường, văn hóa thể hiện qua ba phạm trù cơ bản: giá trị, bản sắc và ứng xử. Đọc Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật tôi quan tâm tới phương diện “ứng xử”, xem đó như là nơi thể hiện cốt cách, tài năng cốt cách văn hóa của tác giả. Trước hết, tôi chú tâm đến cách tác giả giải quyết mối quan hệ “riêng - chung” của sự viết? Có hẳn chương VIII với tựa “Ngày tháng của riêng mình”. Có thể nói đây là “góc riêng tư” đáng yêu nhất của bất kỳ ai. Mỗi người có những nỗi niềm, khao khát, bí mật của riêng mình. Như thế mới là con người đích thực. Tác giả có những nỗi buồn, đau riêng, có người biết nhiều, có người biết ít, lại có người không biết. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chủ thể biết cách xoa dịu những nỗi đau đó. Tác giả cậy đến con chữ, đến văn thơ, ở đó được tự do bộc lộ, gửi gắm, ký thác. Đọc thơ Hà Minh Đức thấy man mác một nỗi buồn đẹp về tình đời, tình người. Đọc văn xuôi Hà Minh Đức thấy tác giả là người tinh tế, bặt thiệp, chiêm nghiệm và từng trải. Cả văn cả thơ gợi liên tưởng về sự thấu cảm, chia sẻ. Câu chữ thơ tuy giăng mắc nỗi buồn nhưng không yếm thế, bi lụy. Câu chữ văn xuôi tuy sát sạt thực tế nhưng không bỗ bã, buông tuồng, không ám chỉ. Văn có cái tinh chất đại khí, mã thượng. Tiếng Việt được tác giả nắn nót lựa chọn, nâng niu cả trong văn nghiên cứu/ lý luận / phê bình lẫn sáng tác.
Một khó khăn mà tác giả vượt qua được nhờ vào sự mẫn cảm, độ lượng, hòa khí là khi viết về những con người, nhân vật đặc biệt như Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường,... Có ai đó thiếu thiện chí cho rằng cách viết của tác giả trong Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật là “né”, nhẹ hơn là “ôn hòa”, “bảo an” (!?). Riêng tôi không nghĩ thế. Tôi thấy tâm thế “trăm năm trong cõi người ta” chính là động hướng ngòi bút nhà văn khi viết về việc, về người của quá vãng. Nếu trong nghiên cứu ngòi bút của nhà văn hài hòa trí tuệ và tình cảm thì trong sáng tác, theo tôi, ngòi bút này duy tình.
Nói văn hóa của văn chương còn ở khía cạnh khác, theo tôi là quan trọng, ở nỗ lực của tác giả nhằm bảo lưu ký ức của các thế hệ sáng tác văn chương. Không nhiều người biết và chia sẻ lao động nghệ thuật âm thầm, bền bỉ và kiên nhẫn của GS. Hà Minh Đức suốt hơn nửa thế kỷ chắt chiu tư liệu từ những tiếp xúc nghề nghiệp với các nhà văn tài năng như Tố Hữu, Tô Hoài, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi,... để tái tạo thành những trang sách như những bảo tàng văn chương sống đáng quý cho các thế hệ độc giả: Tố Hữu - Cách mạng và thơ, Huy Cận - Ngọn lửa thiêng không tắt, Tô Hoài –Đời văn và tác phẩm, Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay về núi, Nữ sỹ Anh Thơ - Mùa hoa đồng nội, Tế Hanh - Mãi mãi hoa niên, Xuân Diệu - Vây giữa tình yêu, Chế Lan Viên - Người trồng hoa trên đá, Nguyễn Bính - Thi sỹ của đồng quê./.
Hà Nội, tháng 5-2020
B.V.T
Bài đăng Báo Văn nghệ, số 26 (ra ngày 27-6-2020)