Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Bút kí: "Mênh mang biển biếc"

Lê Mạnh Thường - 25-07-2011 08:55:19 AM

VanVN.Net - Tác giả Lê Mạnh Thường là một chiến sĩ cảnh sát biển. Trong Hội nghị Những người viết văn Trẻ Toàn quân lần thứ nhất (13.6.2011), anh vinh dự thay mặt 50 tác giả trẻ toàn quân đọc bản tham luận đầu tiên. Bản tham luận của anh được nhấn bằng câu nói: “Tôi vừa từ chuyến tàu cảnh sát biển cập cảng, và kịp về Hà Nội dự Hội nghị này”. Lê Mạnh Thường làm nóng không khí Hội nghị bởi những tấm ảnh tàu cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển đảo quê hương. VanVN.Net xin giới thiệu với bạn đọc bài bút ký của anh...

Đêm. Mặt biển tròng trành xung quanh tôi. Ánh trăng chênh chếch như chiếc móng tay phía xa xa. Ánh sáng mờ mờ, bàng bạc từ chiếc móng tay đó phả xuống đủ để tôi nhận ra từng làn hơi nước mỏng luễnh loãng, lập lờ trên sóng. Không gian thật tĩnh mịch. Chỉ có tiếng sóng khe khẽ đập vào mạn tàu nghe thao thiết. Và gió cũng nhè nhẹ, lâng lâng. Đã hơn một tuần rồi tôi mới có cảm giác yên bình như đêm nay. Con tàu Cảnh sát biển mỏng manh như chiếc lá tre giữa mênh mang biển và biển. Chúng tôi đang thả neo tại phía Tây Nam Bạch Long Vĩ. Xa xa, ngọn hải đăng trên đảo quét từng hồi, từng hồi cần mẫn. Trên boong tàu, ba chúng tôi thủ thỉ nói chuyện. Mỗi người một tâm trạng, một nỗi niềm riêng. Thượng uý Đặng Ngọc Lương, Chính trị viên tàu CSB 3003 mắt nhìn xa xăm vào khoảng không mờ mờ, ảo ảo. Tôi rất biết tâm trạng của Lương lúc này. Nhớ vợ và mong chuyến đi sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về nhà mà ẵm, mà hôn, mà xem mặt đứa con gái đầu lòng mới sinh của anh. Vợ anh vừa sinh cháu được năm ngày. Khi Lương đưa vợ vào bệnh viện để chờ sinh thì anh nhận được lệnh đi biển. Thôi thì quê ở xa nên mọi việc tất thảy phải nhờ hết bên ngoại chăm sóc mẹ con Thùy giùm. Thùy cũng hơi buồn vì đúng “thời điểm trọng đại” của gia đình thì Lương lại đột xuất lên đường. Nhưng chừng ấy thời gian yêu nhau cũng đã đủ cho Thùy hiểu và thông cảm cho công việc của Lương. Cô chỉ mong cho chồng mình bình an và sớm trở về với tổ ấm nhỏ này.

Lương tủm tỉm khoe:

- Từ hồi Thùy có thai đến giờ, vợ chồng mình đã chọn đặt tên cho con gái rồi đấy! Bạn có biết tên gì không?

Tôi tròn mắt lắc đầu.

- Con gái tớ tên là Đặng Thuỳ Trâm!- Lương hãnh diện nói một câu chắc nịch.

- Vậy á?- Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Ừ, Thì mình là Đặng Ngọc Lương, vợ mình là Thùy, tên con gái có cả họ của bố và tên của mẹ. Vả lại, vợ chồng mình rất cảm phục và mong muốn con gái nêu gương sáng và khí phách anh hùng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nên chúng mình rất đắc ý khi chọn cái tên này.

Tôi chưa kịp thở phào vì cách lý giải một cách rất chi là “ông cụ” của Lương thì Lương lại “bồi” thêm một câu nữa như để chứng minh cho “sự lựa chọn hoàn hảo” của mình:

 - Bạn thấy không, khó mà chọn được cái tên nào chuẩn hơn thế!

Chúng tôi cùng cười và tán thưởng về cái tên thật ấn tượng của cô con gái rượu nhà Chính trị viên Lương.

Thiếu uý chuyên nghiệp Võ Thái Bình, chàng trai quê Đô Lương, Nghệ An đang đảm nhiệm ca gác đêm nay. Bình là nhân viên máy tàu. Tốt nghiệp Trường Trung học Kỹ thuật Hải quân tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình về nhận công tác tại Vùng 1 Cảnh sát biển cho đến nay. Làm rể đất Bắc, vợ là cô giáo dạy nhạc, anh chàng này nói đặc sệt tiếng quê. Càng nói chuyện, tôi càng phát hiện ra hắn ta rất khéo nịnh vợ. Cứ hở ra là một Thuý nhà em nấu ăn ngon, hai Thuý nhà em rất chiều chồng…

Bình thủ thỉ:

- Bữa mô anh nhớ viết về vợ em một bài lên báo nhé!

- Viết về cái gì?- Tôi hỏi.

- Thì anh cứ viết về những chuyện mà em vừa kể với anh và anh Lương ấy! Em cảm ơn Thuý nhiều lắm. Em đi biển biền biệt suốt năm. Việc nhà, chăm sóc con cái đều một tay cô ấy lo liệu! Nhớ viết giúp em anh nhé!

- Ừ, anh sẽ viết về Thuý!

Tôi trả lời Bình mà trong lòng gợn lên một niềm vui nho nhỏ. Phải chăng, hạnh phúc của người lính biển đến từ những điều bình dị nhất? Hạnh phúc đó là sự sẻ chia của những người vợ với những khó khăn vất vả, những sóng gió mà họ phải ngày đêm đối mặt.

Xung quanh, sóng vẫn thở từng nhịp khẽ khàng.

 

Trưa nay, tôi may mắn được ngồi “hầu chuyện” cùng đại tá Vũ Hoàng Oanh, Phó Chỉ huy trưởng Pháp luật Vùng trong phòng câu lạc bộ của tàu. Ông là chỉ huy chuyến công tác trên biển lần này. Nhìn bề ngoài, ông có dáng vẻ xương xương, tóc pha sương, da bánh mật, vẻ mặt đăm đăm khó gần nhưng khi tiếp xúc hoá ra lại có phong cách nói chuyện hóm hỉnh ra phết. Quê Thanh Liêm, Hà Nam, là dân an ninh chính gốc. Ông từng công tác tại phòng An ninh Quân chủng Hải quân một thời gian khá dài trước khi lực lượng Cảnh sát biển được thành lập. Gắn bó với Vùng 1 này từ ngày đầu tiên ra mắt nên trong con người vị đại tá già này có vô số những câu chuyện đời, chuyện nghề mà ông đã từng trải qua. Cái kho chuyện đời, chuyện nghề ấy được ông tích cóp, được đúc rút bằng ba mươi mấy năm lính của mình. Càng nghe ông nói, tôi càng bị cuốn sâu vào chủ đề mà ông đang đề cập bởi lối nói chuyện khúc chiết, am tường tới từng chi tiết, từng ngõ ngách của nghề Cảnh sát biển.

Câu chuyện sôi nổi nhất có lẽ là khi tôi gợi tới vấn đề chống tiêu cực của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển. Đôi mắt ẩn sau cặp kính cận của ông sáng lên. Ông bảo, đó là vấn đề hết sức nhạy cảm nhưng chừng ấy năm giữ chức vụ chỉ huy chuyên trách về mảng pháp luật của đơn vị cho đến nay ông rất tự tin mà khẳng định một điều chắc như đinh đóng cột rằng, dùng tiền hay vật chất có giá trị để hòng hối lộ, mua chuộc lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ nhằm giải thoát tàu và hàng hóa nhập lậu- một chiêu thức trong rất nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt mà các đối tượng làm ăn phi pháp trên biển thường sử dụng mỗi khi phải đối mặt với lực lượng của Vùng thì họ đều phải chấp nhận thất bại. Trước mênh mông của biển cả và những con sóng dữ của cơ chế thị trường, sự cám dỗ hiểm nguy đó đã không thể khuất phục được bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác và lòng yêu nghề của mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên những con tàu mang tên Cảnh sát biển Việt Nam.

Đại tá Oanh đưa ra một vài dẫn chứng về những thủ đoạn mua chuộc lực lượng làm nhiệm vụ của các đối tượng buôn lậu để minh chứng cho tính chất phức tạp của công việc mà đơn vị đang đảm nhiệm. Chẳng hạn như vụ tàu CSB 3006 bắt giữ một tàu chở 15m3 gỗ sưa trị giá hàng hóa hơn 20 tỷ đồng, chủ hàng đã đặt vấn đề với lực lượng làm nhiệm vụ rằng nếu thả tàu thì họ sẽ “bồi dưỡng” 700 triệu đồng, đó là một khoản tiền rất lớn so với thu nhập bằng đồng lương, phụ cấp hàng tháng của mỗi cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát viên. Hay có một số đối tượng thường xuyên hoạt động trên tuyến biển Đông Bắc, khi bị lực lượng chức năng của Cảnh sát biển kiểm tra tàu phát hiện sai phạm họ cũng đề nghị “bồi dưỡng” từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng để không bị xử phạt. Tất cả những thủ đoạn đó đều bị anh em kiên quyết từ chối không nhận và lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý đúng pháp luật. Tôi hiểu, để vượt qua được những cám dỗ tầm thường nhưng cũng hết sức nguy hiểm, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn được quán triệt, nhắc nhở và chấp hành nghiêm những quy định của đơn vị khi làm nhiệm vụ, đó chính là bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm - những tố chất cần thiết để đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển.

  Nghe đại tá Vũ Hoàng Oanh nói làm tôi lại nhớ, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Chuẩn đô đốc Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã nói rằng: “Tuần tra, kiểm soát trên biển không chỉ khó khăn mà còn nguy hiểm. Mối nguy hiểm do gặp tai nạn hay bị tấn công không đáng sợ bằng cám dỗ vật chất, điều mà anh em chúng tôi hay gọi là “những viên đạn bọc đường”. Chúng tôi đang hướng tới xây dựng hình ảnh người chiến sĩ “Cảnh sát biển Cụ Hồ” có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, dũng cảm, vượt khó, nói “không” với hối lộ và có tác phong chuẩn mực ”.

 

Trong chuyến biển lần này, tôi đã gặp và quen Thiếu tá Phan Quang Huy, Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Vùng Cảnh sát biển 1. Huy quê ở vùng biển Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Anh có dáng người cao to, nước da ngăm đen, trông như một anh ngư dân thứ thiệt. Mỗi khi nói chuyện với ai, vui lên là y như rằng anh đọc ngay một vài câu Kiều hầu mọi người. Huy bảo, dù sao anh cũng được thơm lây cái tiếng là quê của cụ Nguyễn Tiên Điền! Bây giờ vợ con, gia đình vẫn ở quê. Vợ anh là công an. Huy chuyển ra đây cũng được chừng bảy năm rồi. Trước đó anh đã có nhiều năm lăn lộn ở vùng biển Tây Nam, từng đối mặt với rất nhiều hiểm nguy nên đã đúc kết cho mình được nhiều kinh nghiệm quý báu trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển. Vùng biển Vịnh Bắc bộ này anh cùng đồng đội đã trở thành quen thuộc bởi tần suất hoạt động nhiều. Các biên đội tàu và lực lượng trinh sát, cảnh sát viên thay nhau bám biển làm nhiệm vụ liên tục trên một khu vực rộng lớn từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Đây là vùng biển mà tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, luôn có chiều hướng gia tăng.

Phan Quang Huy, Nguyễn Quốc Huy và Trần Thanh Hải là những người đã có rất nhiều lần trực tiếp đi thực hiện nhiệm vụ trên biển kể cho tôi nghe dễ đến một ngàn lẻ một phương thức thủ đoạn rất tinh vi mà các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường sử dụng và đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Nếu không kiểm tra kỹ càng, tỷ mỉ thì rất khó phát hiện. Nếu là tàu sắt thì họ để hàng lậu xuống dưới hầm hàng rồi chất các loại hàng hoá khác lên trên để nguỵ trang, còn đối với tàu gỗ thì họ tạo thành nhiều vách ngăn giữa các khoang, hai bên thành tàu, khi cất giấu hàng xong thì đóng đinh lại như cũ rồi dùng nhựa đường phết lên trên các vết đóng, sau đó dùng than, cát xoa lên để nguỵ trang cho vết đóng đinh cũ đi; dùng than đổ lên trên để che các két xăng, dầu bởi sự chênh lệch về mặt hàng này giữa Việt Nam và các nước lân cận là không nhỏ; những mặt hàng như pháo lậu thì họ thường để ở những khoang ít ai ngờ tới như khoang mũi, họ nguỵ trang phía trên bằng thúng mủng, dây dợ, đồ lặt vặt; khi tàu lớn chở hàng về tập kết ở vùng ngoài cảng, xa đất liền, các đối tượng liên lạc, hiệp đồng với nhau dùng các thuyền nhỏ chạy ra để phân tán hàng lậu nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng… Hơn nữa các đối tượng này thường lợi dụng những điều kiện như thời tiết xấu, biển động, sóng gió to hay vào những đợt gió mùa, sương mù, đêm tối để ra tay hoạt động vận chuyển hàng lậu gây ra cho anh em không ít khó khăn, vất vả trong việc đấu tranh bắt giữ.

Phan Quang Huy kể tiếp, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, vì để cố giữ bằng được số hàng lậu trên tàu, các đối tượng vi phạm thường bất chấp tất cả, hết sức liều lĩnh và “liều mình như chẳng có” để ra sức chống cự lực lượng làm nhiệm vụ của ta bằng nhiều hình thức như cố tình bỏ chạy khi bị phát hiện, thả lưới để nhằm cuốn chân vịt của tàu ta… Khi xuồng công tác của ta tiếp cận tàu vi phạm thì chúng đánh vô lăng, xoay tàu, gạt xuồng của ta ra. Khi ta lên được tàu, họ dọa sẽ tháo van thông đáy để tàu chìm, rồi xua chó ra đuổi, giả say để chửi bới lăng mạ anh em làm nhiệm vụ, nguy hiểm hơn có đối tượng còn dùng dao, gậy, mã tấu trực tiếp uy hiếp tổ công tác. Do vậy, ngoài tinh thông nghiệp vụ, anh em còn phải huấn luyện thuần thục các tình huống xử lý, đối phó trong những trường hợp cần thiết và nâng cao thể lực, tinh thần dẻo dai, sự phối hợp nhịp nhàng khi nhảy sang tàu lạ mới có thể bảo đảm cho chuyến làm nhiệm vụ trên biển hoàn thành thắng lợi.

Nghe Huy nói vậy, tôi mới càng thêm hiểu và thấm thía hơn sự vất vả, gian truân và hiểm nguy của mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển biết nhường nào!

 

Trời dần về sáng, vầng trăng như chiếc móng tay bé nhỏ kia đã mờ hẳn. Bình đã thay gác từ lâu. Chính trị viên Lương chắc giờ này đang có một giấc mơ đẹp về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Chỉ còn tôi, ngọn hải đăng, và biển. Tôi đã bỏ qua sự ghen tỵ với hải đăng để thức cùng biển đêm nay. Một đêm thức trắng cùng biển đã giúp tôi hiểu thêm những gì ẩn chứa bên trong lòng biển, và cả những phận đời nổi nênh trên sóng nước.

Sóng bắt đầu dềnh lên. Sóng lừng. Con tàu bắt đầu chao đảo. Hôm qua đài báo chuẩn bị có gió mùa. Biển sẽ động. Chúng tôi còn phải bám trụ nơi đây. Tôi phóng tầm mắt ra xa. Ngoài kia, biển mang một màu đen thẫm. Những con hải âu đang chao liệng rập rờn cùng sóng.

Tôi nhẩm tính rằng, vài ngày nữa, hết đợt gió mùa, biển sẽ trở lại biếc xanh...                           

                                                                               

 Biển Đông Bắc đêm trăng...

(Nguồn Tạp chí Nhà văn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...