Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: “Hồn Mai” của Lê Văn Thê

21-07-2011 01:14:48 PM

Cây Mai kiểng ấy có tự bao giờ không ai biết cụ thể, chỉ biết là lâu lắm, từ đời cụ kỵ nào đó. Người sở hữu cây Mai kiểng ấy là hai ông bà già, không có con cái. Họ già tới mức đứng bên cạnh cây Mai kiểng lâu niên, người và vật bổ sung cho nhau, sần sùi, mốc thếch, trông rất xưa cổ.

Hai ông bà già sống trong một ngôi nhà cổ, chính xác hơn là trong một gian nhà cổ. Trước đây ngôi nhà ấy ba gian, hai chái, cột rường bằng gỗ lim, rui mè, đòn tay bằng gỗ gụ. Qua nhiều năm tháng gỗ lên nước đen bóng. Sân nhà lát gạch vuông. Nhà xây bằng gạch to bản. Mái lợp bằng ngói vẩy cá. Trong chiến tranh, ngôi nhà bị trúng bom tan sập mất hai gian. Hai ông bà nhờ người thu vén những gì còn lại, tu sửa một gian, ép về góc phải nền nhà để sống. Từ đó cái sân lệch về một phía. Hai ông bà không lấp và cũng không cho ai lấp cái hố bom đó. Nó cứ toang hoác, rậm rì những cỏ. Mùa mưa, hố bom có nước, ếch nhái đến ở, ì ọp cả đêm.

Hai ông bà sống bằng rau dưa, hoa trái bòn nhặt ở trong vườn, bằng nguồn hảo tâm của làng xóm. Không ai bầu và hai ông bà cũng chẳng bảo ban ai cái gì nhưng người làng xem như già làng, trưởng bản. Họ kính nể bậc cao niên, kính nể phong cách sống Trúc Mai, ngưỡng mộ huyền thoại cây Mai già.

Cây Mai ngự trên một chậu sứ đã rạn nứt nhiều chỗ. Hai ông bà đã dùng nhiều sợi thép nhỏ ràng buộc lại, giữ cho cái chậu khỏi rã ra, rơi rụng xuống. Gốc Mai to nằm nghiêng như con rồng ngước mắt về phía cao xanh. Những cành Mai uốn lượn như vậy, như râu, như chân, như đuôi, sống động. Cành và lá phía trên vần vũ như mây, bảng lảng như sương. Những bông hoa Mai hiếm hoi đậu vào cành đúng chỗ, lóe những điểm vàng, đĩnh đạc và kiêu hãnh như khí tiết nho gia, như nhân cách văn sỹ.

Đời trước đã để lại cho ông bà chậu Mai kiểng ấy, nhưng trước đó nữa, cây Mai đã hiển hiện thế nào? Trong dân gian mỗi người nói mỗi cách.

Có người nói rằng: Cách đây chín đời, ông tổ của ông bà già bây giờ sống trong cung vua, chăm sóc cây cảnh vườn thượng uyển. Thời ấy có loạn, bọn kiêu binh truy sát vua, ông tổ đã xả thân cứu. Sau loạn, vua ban cho ông tổ cây Mai đẹp nhất vườn Thượng uyển để trả ơn. Dòng họ ông có cây Mai từ đó, xem như biểu hiện của lòng trung quân ái quốc, truyền nhau từ đời này qua đời khác giữ gìn.

Có người lại nói: Một hôm ông tổ đi rừng bị voi đuổi. Đáng ra phải chạy xuôi núi, ông lại leo ngược lên, vì vậy bị voi dồn lên tận đỉnh, khi đến đường cùng, bất chợt ông nhìn thấy cây Mai này, cành lưu thủy của nó như một cánh tay  mềm mại đầy bông sắc vàng, chỉ xuống phía dưới núi bên kia. Ông nhìn xuống thấy dốc thẳm và hiểm trở quá nhưng nghĩ là thánh thần đã hiển hiện chỉ đường thì phải lao xuống, thế là thoát. Để tạ ơn trời đất đã cứu sống cha ông mình, con cháu làm lễ hậu, đốt vàng mã, thắp hương trầm, thỉnh cây Mai về chăm sóc.

Tin đồn về cây Mai quý đến tai vua. Vua triệu gia chủ thỉnh Mai tới. Mê hồn trước cây Mai diệu kỳ, nhà vua muốn mua lại với giá bao nhiêu tùy gia chủ, kể cả việc đổi toàn bộ cây cảnh của vườn thượng uyển hoặc một xe ngựa đầy bạc vàng. Gia chủ thưa “Đã có lời nguyền với trời đất, Mai còn người còn, Mai mất người mất, xin vua cho tiện dân được giữ lại cây Mai”. Rất may là nhà vua hiểu đạo lý, trọng lời thề, biết trời đất đã ban Mai cho người xứng đáng nên thưởng thêm vàng bạc cho về. Chỉ hẹn là mỗi mùa xuân đến, gia chủ phải rước cây Mai tới hội hoa xuân để triều đình và toàn dân được thưởng ngoạn. Gia chủ: Thưa, vâng!

Số tiền vua thưởng ông tổ dựng được ngôi nhà cổ, bây giờ còn lại một gian ông bà già đang ở.

Từ đó, xuân năm nào, dân đô thành cũng được chiêm ngưỡng cây Mai ngự trên một chậu sứ lớn ở vị trí cao sang nhất của hội hoa xuân. Vào thời hiện đại, em ruột tổng thống là quan đứng đầu xứ Trung Kỳ quá mê cây Mai đã mượn nó vào cung để thưởng ngoạn một thời gian nhưng dùng dằng không muốn trả. Tổng thống biết ý chú em muốn chiếm đoạt, liền quở trách: “Vua chúa ngày xưa thèm cây Mai đó rỏ cả nước bọt nhưng phải bấm bụng trả lại, chú chiếm đoạt nó thì mình không bằng vua chúa xưa, nói dân không nghe”.

Chậu Mai được đưa trả về chủ cũ ở làng quê không bình yên này, đặt trước nhà, giữa sân lát gạch vuông. Thời chiến tranh khốc liệt, làng này cũng như nhiều làng khác trong vùng bị giành giật, chiếm rồi mất, mất rồi chiếm. Bom đạn của hai bên dội xuống đây như vãi trấu. Nhà cửa cháy trụi, gia súc không còn một con. Người làng chạy giặc rồi lại về, về rồi lại chạy. Người làng ngày một vơi đi, có người chạy mãi ra miền Bắc để sống, có không ít người đã bỏ mạng đó đây. Vì chậu Mai quá nặng, không mang đi được, hai ông bà cứ để giữa sân, cứ sống trong ngôi nhà cổ. Khi tạm thời bình yên hay khi nổ súng đánh nhau, quân hai phe đều biết ở đó có hai ông bà già và một chậu Mai cảnh. Rất lạ là người chạy trốn chiến tranh bị chết không ít nhưng hai ông bà cứ ở điềm nhiên trong ngôi nhà thì không chết, không bị thương. Chỉ có một lần hai ông bà đi bắt cá chết vì bom ở ngoài khe nước thì nhà bị trúng một quả bom, bị phá hủy mất hai gian, nhờ vắng nhà hai ông bà vẫn sống. Chậu Mai giữa sân bị nứt vỡ nhiều mảnh nhưng cây Mai không bị mất một cành nhỏ. Mùa xuân năm đó Mai vẫn đơm bông như mọi năm.

*

Nhiều năm sau hòa bình, xóm làng đông vui, ngày càng trù phú nhưng hai ông bà vẫn ở nguyên chỗ cũ, trong một gian nhà cổ, bên hố bom, chậu Mai kiểng vẫn ngự trước nhà bề thế và ngày càng có thêm nhiều chuyện mới. Sở văn hóa, hội cây cảnh, phân viện bảo tàng dân tộc học... đến thuyết phục ông bà sung công cây Mai và gian nhà cổ với nhiều lý do, trong đó có lý do xác đáng là ông bà đã già không có con cái, lỡ có mệnh hệ nào không ai chăm sóc cây Mai. Đổi lại, họ xây cho ông bà một tòa nhà lớn, đủ thiết bị và trợ cấp thường xuyên . Mọi cuộc thuyết phục và đổi chác đều không thành.

Có một nhà tỷ phú được tin nói rằng: Những người thuyết phục, đổi chác đó không biết cách. Không có gì đồng tiền không mua được. Cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng nhiều tiền, rất nhiều tiền. Không ít người đã tin ông ta làm được điều ông ta nói. Nhà tỷ phú giàu tới mức đấu giá và mua một số sim hơn một tỷ, đã đấu giá và mua một bức tranh do trẻ con vẽ nghệch ngoạc hai bàn tay gầy gò che lên đầu, chắn một trận mưa axít, cũng hơn một tỷ đồng. Về sau cả hai cái đó đều vô dụng với ông. Giàu như ông, số sim xấu bao nhiêu người ta cũng nhớ. Bức tranh đấu giá về ông chẳng biết treo ở đâu. Phòng ngủ chỉ cần mấy cái tranh mỹ nhân, ăn vận nửa kín nửa hở cho khêu gợi. Phòng khách thì trưng bày toàn là những đồ cổ đen đúa, sứt mẻ, treo tranh trẻ con vẻ màu mè, ngoạch ngoạc, không hợp. Hai thứ đấu giá thắng lợi, hơn hai tỷ đồng, trở thành những vật không mấy giá trị nhưng ông chẳng lấy đó làm tiếc. Ông chỉ tặc lưỡi: Coi như một thương vụ không thành công.

Đến nhà hai ông bà già chủ nhân của cây Mai, ông thấy mừng. Hai ông bà đang ăn trưa, trên cái mâm gỗ cổ mà thời nay không ai dùng, chỉ có một đĩa tép đồng, mấy quả cà muối nhỏ. Nghĩa là họ rất nghèo túng, nghĩa là họ sẽ cần tiền, vài trăm triệu sẽ là một sức nặng như trái núi. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, nhà tỷ phú vào thẳng ý định, ngay từ đầu phải ra một giá mạnh, phải gây bất ngờ và sự chú ý:

- Con xin mua chậu Mai cảnh của hai ông bà hai tỷ đồng, xin trả đủ tiền một lần.

Hai ông bà vẫn điềm tĩnh ăn cơm, không có một phản ứng gì. Nhà tỷ phú tưởng họ lãng tai, ông nhắc lại cái giá đó một lần nữa và luận thêm:

- Với số tiền đó ông bà có thể xây một ngôi nhà to lớn, đẹp và chắc chắn, có thể mua đủ các phương tiện sống cần thiết, còn đủ tiền sống sung sướng suốt một chặng đời còn lại.

Hai ông bà vẫn lặng lẽ ăn hết bát cơm. Cuối cùng, bà rót cho ông một bát nước chè rồi đẩy cả ấm tích và một chiếc bát không về phía nhà tỷ phú:

- Chú có khát thì rót một bát mà uống, chè xanh om lá ngon lắm. - Bà nói với giọng nhỏ nhẹ, yếu ớt: Đã có người gạ mua chậu Mai kiểng đó bốn tỷ đồng mà vợ chồng tui không bán.

- Bốn tỷ? không bán!

 Nhà tỷ phú buột miệng kêu lên. Bốn tỷ, ông chẳng bao giờ mua. Cây Mai ấy đẹp thật nhưng nhà ông thiếu gì chậu kiểng đẹp kể cả Mai. Ông giàu thật nhưng tiền không phải là lá mít. Hai ông bà này thật là kỳ lạ, lời nói và phong thái không phải của kẻ hèn. Mới gặp nhau lần đầu nhưng ông tin lời hai ông bà nói là thật. Ta đi tới đâu đều được tiếp đón hàng dọc, hàng ngang, từ đường cái quan tới trụ sở làng. Ta ngồi ở xó xỉnh nào cũng nghe được lời xun xoe nịnh bợ ấy mà về đây không được bà rót cho bát nước. Ta rút ví, có kẻ nhìn thấy một xếp đô đã tròn xoe mắt, nể trọng, ấy vậy mà hai ông bà này nói đến tiền tỷ như nói đến phù vân.

- Thưa bà, con xin mua bằng một nửa gia tài, nghĩa là trên một ngàn tỷ đồng.

- Này con, đừng hiếu thắng . - Ông già nhìn nhà tỷ phú như nhìn một đứa con còn bồng bột - Ta bán cho con cây Mai đó thì ta và con đều sai lầm. Con ném đi một nửa gia tài lớn để mua về một chậu cảnh chỉ biết đẹp và đắt giá, không biết gì thêm như đã từng mua một số sim và một bức tranh trẻ con viết ngoạch ngoạc. Ta nhận từ con một đống tiền chẳng biết làm gì có khác chi giấy vụn. Với vợ chồng ta mười đồng, mười triệu hoặc một ngàn tỷ đồng có giá trị như nhau. Chúng ta cũng sẽ ăn vậy, sống vậy và cũng chẳng còn sống được bao nhiêu nữa. Đất cát sẽ xây được nấm mồ ấm cho vợ chồng ta, tiền giấy ngàn tỷ không làm được chuyện đó. Cây Mai với vợ chồng ta là một linh thiêng sống.

Nhà tỷ phú biết lỗi. Ông chỉ hô giá cao để được đồng ý bán, để được đắc thắng ở đây và trước mặt những nhà tỷ phú khác, để chứng minh sức mạnh của đồng tiền có thể làm nghiêng thành sập núi, không có ý mua thực lòng. Hai ông bà già này thuộc một thế giới khác, thế giới huyền thoại của Mai, sự tinh khiết của sương trời gió núi, của hồn đất, hồn trời.

*

Các thành viên của băng cướp biết được tin đó mừng rơn. Tại sao lại có của cực kỳ đắt tiền lại nằm trong tay một ông già và một bà già, lại phơi ra giữa sân. Trời cho chúng cơ hội làm giàu chăng? Vàng trong tiệm có vệ sỹ canh phòng, tiền trong két ngân hàng có bao nhiêu lớp bảo vệ chúng còn cướp được nữa là. Chúng họp bàn với một quyết tâm lớn. Chúng hớn hở như vớ được tiền tỷ trong tay mỗi đứa. Kế hoạch được vạch ra và thực hiện khá chu đáo. Hai đứa đóng vai kẻ mua chó dạo tới nhà ông bà quan sát, ước lượng độ cao, độ lớn và trọng lượng chậu Mai. Tại một ngôi nhà bỏ hoang, chúng phục chế một chậu cảnh tương tự, tập dượt nhiều lần về cách đột nhập, khiêng bẩy lên xe và đào thoát.

Giữa một đêm gió mùa đông bắc lạnh buốt, lùa ràn rạt, cây lá lung lay xào xạc, chúng hành sự. Nhà hai ông bà ở một góc vắng của làng, không nuôi chó, cả lũ tiếp cận chậu Mai như vào chốn không người. Chúng đứng một vòng xung quanh chậu, vừa đụng tay vào thì một tổ kiến từ trên cao rơi xuống, bung ra. Hàng ngàn con kiến phủ lên đầu chúng. Mỗi con to như đầu đũa, đốt bọn chúng túi bụi, đau hơn cả ong châm. Bọn cướp tháo chạy. Nhiều ngày sau đó, mặt mày, chân tay, lưng, bụng, đều sưng cục, tím tái.

Miếng ngon to, không thể bỏ. Tổ kiến rơi vào lúc đó chỉ là sự tình cờ. Chúng bảo với nhau như thế.

Nhân một đêm sắp có bão lớn ập vào, gió lay mạnh, mưa xối ào ào, xóm làng đóng chặt cửa, chúng lại đột nhập. Sau tín hiệu của đại ca, cả bọn bặm môi đồng loạt nhấc chậu Mai. Chậu Mai bị nhấc lên khỏi mặt đất, sức nặng đè lên bọn trộm. Bỗng nhiên chậu Mai lại thụt xuống nằm nguyên vị trí cũ. Cả lũ trộm cướp thấy  đất dưới chân mềm ra, như hóa bùn. Chúng bị thụt xuống, thụt xuống, ngang đầu gối, ngang thắt lưng, ngang ngực, như có một ma lực kéo chúng về âm địa. Chúng hốt hoảng bấu víu lấy nhau, bấu vào chậu Mai, bươn bả trườn lên.

Lũ cướp họp lại với nhau. Chúng không dám bàn tới chuyện trộm cướp chậu Mai của hai ông bà già. Chúng hung hăng là để cướp của người. Chẳng thằng nào hung hăng để cướp cái chết. Mỗi đứa mỗi lời nói ra: Chắc chắn quanh cây Mai còn nhiều cạm bẫy bí ẩn nữa, một núi tiền nằm giữa sân qua bao nhiêu năm loạn lạc vẫn không mất. Bom đạn sập nhà, cây cối đổ gãy, bị phạt cụt ngọn, cây Mai vẫn không mất một cành. Nếu cây Mai không phải là sản phẩm của thần thánh, ông bà già không được Tiên - Phật ủng hộ, làm sao bình yên như thế. Nhưng uy danh của đảng cướp thế nào? Dù bưng bít,  cái tin bọn hắn bị kiến đốt bêu đầu, bị sập đất lóp ngóp mãi mới dìu nhau lên được, cứ loang ra, mua cười cho các băng đảng khác. Ăn miếng trả miếng, chúng phải trả thù, phải  hủy diệt.

Một đêm hè khô cháy, cây Mai bốc lửa. Hai ông bà già đẩy cửa bước ra. Ngọn lửa đang bốc cao ngùn ngụt. Bên cạnh chậu Mai là một chiếc can đựng xăng lăn lóc. Hai ông bà tựa vào nhau, bấu vào cửa đứng nhìn, bốn con mắt ngời ngời  màu lửa.

Xóm làng biết tin kéo đến rất đông. Người ta cứ tưởng hai ông bà sẽ van  khóc, lăn lộn vì mất Mai. Nhưng không, hai con người ấy vẫn bình tâm gom nhặt tro Mai đựng vào một chiếc hộp nhỏ. Lần đầu tiên bà con trông thấy cái hộp đó. Hộp gỗ cổ xưa, khảm xà cừ, làm ra chỉ đựng vật quý. Hình như ông bà đã biết trước được ngày hôm nay như đã biết trước quy luật luân hồi có sinh, có tử. Cây Mai ra đi bởi sự phũ phàng của những kẻ ác nhưng cũng là một sự hóa kiếp sau nhiều năm tháng hiện diện trong cõi trời đất. Hai ông bà vái tạ sự quan tâm của làng xóm, vào nhà khép chặt cửa.

Một ngày sau đó, giữa mùa đông ảm đạm, bỗng cả bầu trời bừng sáng sắc Mai vàng. Căn nhà cổ của hai ông bà cuồn cuộn bốc lên những quầng lửa vàng chói lọi, rực rỡ. Dân làng kéo đến, ngọn lửa đã tắt. Giữa nền nhà còn lại hai bộ hài cốt mang hình hài hai con người đang ngủ. Hai bộ hài cốt sáng rực sắc Mai, ở giữa là chiếc hộp khảm xà cừ đựng tro Mai.

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...