Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Đền thờ Côn Đảo - một công trình nghĩa

Cầm Kỳ - 19-11-2011 12:23:19 PM

VanVN.Net - Dự án đầu tư tôn tạo đền thờ Côn Đảo - di tích nghĩa địa Hàng Dương thuộc Quy hoạch 1/2000 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã hoàn thành và được khánh thành vào ngày  hôm nay, 19/11/2011, sau ngày kỷ niệm 25 năm sát nhập tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu (1/11/2011).

 

Đền thờ Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo được thành lập theo nghị định ngày 1/2/1862 của Đô đốc Bonard, ban đầu để giam những tội nhân mang án từ 1 đến 10 năm. Viên quản đốc đầu tiên của Đảo là phó hạm trưởng Félix Roussel. Cho đến tháng 3/1955, khi Nguỵ quyền tiếp quản nhà tù từ tay thực dân Pháp, thì ở đây đã trải qua 25 đời chúa đảo, với hàng ngàn tù nhân (là những tù chính trị và thường phạm). Rất nhiều người trong số đó đã chết vì bị đầy ải, tra tấn, bệnh tật…

Từ khi Mỹ Nguỵ đẩy mạnh chiến tranh, số lượng tù nhân Côn Đảo đã lên đến hàng vạn; trong số đó có cả phụ nữ và trẻ em, họ đều là tù chính trị bị câu lưu, không có án tiết bị đưa đến đây. Ở nơi “địa ngục trần gian” này tù nhân bị những tên chúa đảo tàn bạo đàn áp dã man. Một trong số đó là Andouard, trung uý bộ binh, các tù nhân gọi là “ông lớn 1 tay”. Để đàn áp những người tù vượt ngục hắn đã ra lệnh bắn giết thẳng tay, cứ mỗi người tù chết được lĩnh thưởng 10 đồng, chính vì vậy, mà không ít người tù đã bị chết oan uổng. Báo chí Nam Kỳ lúc đó đã gọi hắn là tên “đao phủ ở Côn Lôn” khi hắn ra lệnh giết hại 83 người tù, trong đó có cả những người vô tội. Sau này, hắn đã phải đền tội. Người kế tục sự tàn bạo của Andouard là Bouvier, chúa ngục của 2 thời kỳ khủng bố trắng (1930-1934) và (1939-1942) ở nhà ngục này. Tù chết hàng loạt, có thời kỳ mỗi ngày chết đến hàng chục người, đến nỗi phải cho mở thêm nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù.

Bên cạnh việc xây dựng các nhà tù, các sở, ngẫu nhiên Côn Đảo dần hình thành các phố với nhà chúa đảo (nơi ở của "chúa Đảo"), nhà công quán (nơi tiếp khách), các khu biệt thự giám thị Tây, khu giám thị (người Việt), các ty sở: sở Cò, ty ngân khố, tòa hành chính, nhà thương, kho lương thực... với cảnh quan đặc trưng: cây xanh đường phố (hàng cây bàng, cây gội trắng...), cống thoát nước lộ thiên kích cỡ lớn được kè bằng đá; hàng đá kè tự nhiên bờ biển.v.v...

Trong đó Nghĩa địa Hàng Dương có khoảng 20.000 người tù được chôn ở đây. Trước năm 1945, có tên gọi là Nghĩa Địa tù. Nơi chôn tù nhân chết do bị xử bắn, bệnh, tra tấn. Đặc biệt có nhà ái quốc Nguyễn An Ninh, Uỷ viên Quốc tế CS; Lê Hồng Phong, Trưởng ban Hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương. Mộ ở khu A.

Từ năm 1945-1954, đặc biệt có người con gái đất đỏ, anh hùng Võ Thị Sáu. Tương truyền cô Sáu linh thiêng, các gia đình trên đảo lập bàn thờ. Chính tên chúa đảo Tăng Tư (1964) cũng trực tiếp xây mộ và dựng bia đá quý. Mộ nằm ở khu B.

Từ năm 1955-1975, nơi chôn tù nhân chủ yếu ở khu C và một phần ở khu B. Đặc biệt có đ/c Lưu Chí Hiếu, Võ Đắc Bằng.

Huyện Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo (Côn Lôn, Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ, Hòn Trọc, Hòn Bông Lau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Trứng, Hòn Vung, Hòn Anh, Hòn Em ), nằm ở Biển Đông, cách Vũng Tàu 179 km. Di tích lịch sử Côn Đảo chủ yếu nằm trên đảo Côn Lôn. Trong đó khu vực tôn tạo đền thờ liệt sỹ nghĩa địa Hàng Dương thuộc đảo Côn Lôn.

Côn Đảo chủ yếu là đồi núi (chiếm 88,4% tổng diện tích tự nhiên), núi Chúa cao 515m, núi Thánh Giá cao 577m. Khu di tích nằm ở thung lũng đảo Côn Lôn, địa hình ở đây tương đối bằng phẳng. Trong đó khu vực xây dựng gác chuông thuộc đền thờ liệt sỹ - nghĩa địa Hàng Dương nằm trên khu đất tương đối bằng phẳng.

Đặc điểm di tích nghĩa địa Hàng Dương là sự lộn xộn theo ba chiều của các ngôi mộ: Sự chồng chồng lớp lớp là theo chiều đứng; sự đan xen đa hướng là theo chiều ngang và dọc. Cho nên có thể nói đụng bất cứ chỗ nào trong khu vực này đều có thể gặp thấy mộ. Trong quá trình thi công xây dựng mộ hiện nổi trên bề mặt đất; xây dựng tường rào, đường, khu tưởng niệm và quy tập hài cốt từ nghĩa địa Hàng Keo và Hòn Cau về (có danh và không danh), công nhân đều thấy có hài cốt ở dưới lòng đất. Chính vì vậy quá trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng tất cả đều đã được hoàn thành trong sự nỗ lực phi thường của toàn thể cán bộ công nhân viên, công nhân, thợ nghề… của Công ty CP Xây dựng Công trình văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong suốt 5 năm qua.

Có thể nói sự nỗ lực này cũng xuất phát từ tấm lòng biết ơn và kính trọng những chiến sĩ đã ngã xuống trong nhà tù Côn Đảo, trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; xuất phát từ niềm tin thiêng liêng, rằng từ nay, các bác các cô chú, các anh các chị đã có một nơi chốn đi về.

Khi bắt tay xây dựng Đền thờ Côn Đảo, lãnh đạo công ty đã xác định rằng nơi đây sẽ: Tạo không gian tâm linh nhằm tôn vinh các liệt sỹ và những người yêu nước đã ngã xuống từ thời kỳ thuộc Pháp đến thời Mỹ Nguỵ; Cô đọng hoá các giá trị văn hoá vật thể nguyên gốc của di tích nghĩa địa Hàng Dương vào trong không gian đền thờ; nhằm làm rõ thêm giá trị vật chất và làm nơi thể hiện các giá trị văn hoá phi vật thể; qua đó bảo tồn và phát huy; Tạo không gian kiến trúc truyền thống dân tộc Việt Nam, quy mô hài hòa với cảnh quan di tích.

 

Gác chuông Đền thờ côn Đảo

Các đền thờ trong khu vực lăng mộ truyền thống của Việt Nam thường có quy hoạch dựa trên trục đường thần đạo và theo thuyết phong thuỷ; Tuỳ theo địa hình khu đất có thể đền thờ và khu vực lăng mộ cạnh nhau và tụ về án sơn; hoặc đền nằm trên trục thần đạo và phía trước mộ. Kiến trúc đền thường bao gồm hạng mục chính: Cổng đền, Tả Hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Mặt bằng có số gian lẻ; mái đao; vì chồng gường, kẻ, bẩy... Nội thất: Danh mục đồ thờ tuân theo quy luật thờ cúng của đền thờ truyền thống Việt.

Với 2,3ha, các hạng mục công trình theo thứ tự từ ngoài vào trong, trên đường Thần Đạo, gồm: Tứ trụ, Cổng đền, Gác chuông, Tả hữu mạc, Đại bái, Thiêu hương, Hậu cung, Hóa vàng, Nơi tiếp khách và ở của người coi đền, Khu vệ sinh công cộng, Sân vườn, hàng rào.

Chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đền thờ và Gác chuông tại nghĩa địa Hàng Dương (tại Thông báo số 109/TB- BVHTTDL ngày 11/01/2008) ghi rõ: Gác chuông phải được thiết kế đảm bảo theo kiến trúc truyền thống dân tộc Việt Nam, kích thước phù hợp hài hòa với cảnh quan và tương xứng với các công trình khác của di tích; Quả chuông phải đảm bảo có "bài minh", chỉ nên dùng chữ quốc ngữ; không dùng chữ Hán; hoa văn theo truyền thống trang trí của Chuông Việt Nam; đảm bảo chất lượng về mỹ thuật và âm thanh.

Ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về việc xây dựng Đền thờ và gác chuông tại Côn Đảo (tại văn bản số 120-TB/TU ngày 28/12/2008) ghi rõ: Quy mô đền thờ liệt sỹ Côn Đảo phải ngang tầm với đền thờ liệt sỹ Bến Dược, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Về hoa văn trên quả chuông: tham khảo thêm ý kiến của các nhà văn hoá để lựa chọn những bài thơ có ý nghĩa truyền thống và giá trị lịch sử; có thể dùng biểu tượng của Côn Đảo qua các thời kỳ lịch sử.

Công ty thi công đã thực hiện đúng các bước về yêu cầu kỹ thuật đối với công tác bảo tồn, tôn tạo theo kiến trúc truyền thống; xử lý chống mối; xử lý chống tiêu tâm, chống mục cấu kiện gỗ; gạch ngói nung chín vừa, đều, nguyên vẹn và đồng nhất, không có vết nứt; sử dụng vữa truyền thống bao gồm cát vàng, vôi tôi, mật mía, nhựa cây, rơm, tro rơm.

Trên quả chuông đồng, những hàng chữ nổi đúc theo bài viết của Giáo sư-anh hùng Lao động Vũ Khiêu, gửi gắm biết bao nghĩa tình của những người đang sống trong hòa bình hôm nay:

Chuông vang xa: từ hòn đảo anh linh

Chuông vang vọng: từ bầu trời đại nghĩa

Hơn trăm năm chí lớn anh hùng

Hai chục vạn hồn thiêng liệt sỹ

Trên không trung, rực sáng những vì sao

Dưới địa ngục, dìm sâu bầy ác quỷ

…Rồi mai đây:

Tưởng người xưa, càng nặng ân tình

Nhìn đất cũ, chưa khô huyết lệ

Quê hương thắng lợi sẽ phồn vinh

Thế giới hòa bình thêm hữu nghị

Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân

Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế

Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng có giá trị lịch sử và văn hoá quan trọng của Quốc gia, là một di tích ghi dấu ấn của Cách mạng qua các thời kỳ; đồng thời là nơi hoạt động văn hoá tinh thần của nhân dân với các lễ hội, thăm viếng…

Công trình Đền thờ Côn Đảo được xây dựng sẽ góp phần phát huy các giá trị di tích và tôn vinh công trạng các thế hệ liệt sỹ, những người yêu nước đã ngã xuống trên mảnh đất Côn Đảo.

(Ảnh trong bài do tác giả cung cấp)

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • tgrfgsr lúc 29-11-2011 03:32:24 PM

    Chúc mừng bạn viết rất hay

    Trả lời

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Nghe trong khoảng lặng Từ Quốc Hoài

VanVN.Net – “Sóng & khoảng lặng” là tập thơ thứ tư, cũng là tập thơ được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010 của Từ Quốc Hoài. Trong lý lịch tóm tắt về sáng tác, thấy ông xuất hiện khá muộn ...

Tư liệu  

Lịch sử kịch Noh

VanVN.Net - Sân khấu Noh đến nay đã được 600 tuổi, ngày nay người ta không chỉ nghiên cứu thực trạng của bản thân nó mà còn như một sự giới thiệu và giải thích về văn hóa Nhật Bản theo ...