Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Tùy bút: "Tản mạn xứ Đoài"

Quốc Toản - 03-06-2011 04:55:53 PM

VanVN.Net - Sơn Tây hiện lên thật giản dị và lãng mạn: “Em có về Sơn Tây/ Bàng đang mùa trổ lá/ Trưa xanh trời thị xã/ Lặng lẽ sau vòm cây/ Ba vì mây trắng bay/ Đền Và lim cổ thụ/ Người yêu nhau ngày xưa/ Mấy ai về chốn cũ?” Sơn Tây vẫn đó và người thơ đã ở nơi xa lắm. Nhưng những câu thơ thì mãi còn...

Đã thành lệ, cứ đến ngày cuối cùng của năm cũ, tôi lại thả bộ một vòng quanh thành cổ. Nét đẹp xưa không chỉ vọng về trong sử sách.Thành cổ thân thuộc trong tôi mấy chục năm rồi. Nhưng vào những ngày cuối năm, hình như thành cổ trở nên thiêng liêng và trầm mặc hơn. Vẫn bức tường đá ong rêu phong, con hào nước xanh phẳng lặng, hàng dừa nghiêng mình soi bóng, một chút mưa bụi rắc lên rặ\ng liễu ven hồ, gợi nhớ nhung xa mờ sương khói...chỉ có vậy thôi mà bỗng thấy tim mình thổn thức. Vẻ đẹp của Sơn Tây là ở đây. Sự yên tĩnh và trầm tư của người Sơn Tây là ở đây. Cái chất đá ong đã ngấm vào họ tự bao giờ, mạch nguồn đá ong, mưa nắng trung du bất chợt...đã tạo nên một dáng vẻ, một giọng nói đậm chất Xứ Đoài. Đi đâu, ở đâu cũng không thể trộn lẫn được.

Thành cổ Sơn Tây, lịch sử cha ông để lại vẫn còn vọng về những chiến công oanh liệt của một thời hào hùng. Hồn thiêng của mỗi một vùng quê, vùng đất là đây. Mảnh đất Xứ Đoài tự hào là mạch nguồn của thi ca và huyền thoại. Thành cổ Sơn Tây còn là nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Biết bao người đã ngã xuống, biết bao người về thăm lại đất này? Và ở góc nào quanh thành cổ những Tản Đà, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Tô Hoài, Ngô Quân Miện, Phan Kế An... đã từng dạo bước? Trong cuốn “Cát bụi chân ai” Tô Hoài đã nhắc đến Sơn Tây và nhắc đến thành cổ. Hình như thành cổ Sơn Tây vẫn còn bóng dáng Tản Đà với “Thề non nước”. Với nhà thơ Quang Dũng, ông từng học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Quang Dũng đã bao lần đến đây, trầm tư bên bức tường đá ong, nhìn về phía Ba Vì - Xứ Đoài mây trắng... để viết nên bài thơ nổi tiếng “Đôi mắt người Sơn Tây” để rồi, đi cùng năm tháng bài thơ trở thành niềm tự hào của người dân Xứ Đoài.

Và nữa, một người con của Sơn Tây, một người "tuyệt đối" dành trọn trái tim mình cho mảnh đất đầy thi ca và huyền thoại này đó là nhà thơ Doãn Trang. Sơn Tây hiện lên trong thơ anh rất đặc trưng, giản dị và lãng mạn: “Em có về Sơn Tây/ Bàng đang mùa trổ lá/ Trưa xanh trời thị xã/ Lặng lẽ sau vòm cây/ Ba vì mây trắng bay/ Đền Và lim cổ thụ/ Người yêu nhau ngày xưa/ Mấy ai về chốn cũ?”

Sơn Tây vẫn đó và người thơ đã ở nơi xa lắm. Nhưng những câu thơ của anh thì mãi còn. Bất chợt lật giở từng trang thơ anh tôi lại bùi ngùi, tiếc nuối. Đâu rồi những tên phố xưa? Và những con phố mới, tên phố mới hiện nay liệu có lưu giữ nét văn hoá của một miền đất Xứ Đoài?

Xứ Đoài, cái tên ấy thật thơ mộng, nó gắn với một vùng đất, một quẻ trong kinh dịch. Nếu bắt đầu điểm xuất phát là Hà Nội, thì Đoài còn chỉ phương hướng (Đoài là hướng tây). Vậy thì, nên chăng con đường Láng  - Hoà Lạc chạy từ Hà Nội lên phía Tây kia. ta đặt tên cho nó là “đường Xứ Đoài” vừa đúng nghĩa, vừa thơ mộng. “Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm” câu thơ ấy đã in sâu vào trái tim người dân Sơn Tây. Có thể nói rằng, bài thơ “Tây tiến” và “Đôi mắt người Sơn Tây” đã tạo nên một Quang Dũng tài hoa, một Quang Dũng của Xứ Đoài. Sơn Tây, nét dịu dàng, tinh tế, bảng lảng, và rất đỗi mơ hồ như khói, như sương giăng giăng thành cổ. Đời nối đời, tên người, tên đất, tên núi, tên sông... cái chất trung du rất riêng ấy đã vào thơ Quang Dũng giản dị và xúc động biết chừng nào. Vậy thì tên phố hay “đường Quang Dũng” xứng đáng đặt quá đi chứ? Ở Hà Nội, có mấy đường phố mang tên những người con sinh ra ở vùng đất này: Phố Giang Văn Minh, phố Phan Huy Chú, phố Khuất Duy Tiến... Vào thành phố Hồ Chí Minh, người ta bắt gặp đường Tản Đà... Ấy vậy mà vùng quê Xứ Đoài lại không có những tên phố mang tên các danh nhân quê hương. Thật buồn và thật đáng tiếc.

Đã nhiều lần, báo chí nêu việc đặt tên phố, đánh số nhà ở nhiều thành phố, thị xã rất lộn xộn, chẳng theo quy tắc nào cả. Sơn Tây không phải là ngoại lệ. Sơn Tây có phố Chùa Thông (vì có chùa Thông), phố Thanh Vị (tên ghép của làng xã), phố Dốc Đá Bạc (vì có cái dốc Đá bạc)... đành rằng nó chẳng có gì sai, nhưng hay chưa, gợi chưa, có gì đáng nhớ chưa thì dứt khoát là ‘chưa” rồi. Ta có thể đặt tên cho nó là đường Tản Viên Sơn, bởi đó là đường lên núi Ba Vì. Nó gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, một trong “tứ bất tử” mà nhân dân ta tôn thờ. Ta có thể đặt tên là đường Tản Đà (bút danh của thi sĩ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu). Đó cũng là con đường lên núi Tản, sông Đà, lại mang tên danh nhân văn hoá. Con đường Sơn Tây lên Đường Lâm, Trung Hà sang Phú thọ có thể đặt tên là “đường Giang Văn Minh” (con đường đến với ấp cổ quê hương ông) để muôn đời con cháu vẫn nhớ mãi một sứ thần với câu đối đáp nổi tiếng “Đắng Giang tự cổ huyết do hồng”. Cũng có thể còn nhiều tên đặt khác, nhưng sao cho xứng với con đường ấy. Đừng quá tự do và vô ý cho sự đặt tên đường tên phố. Có một người con đã làm dạng danh vùng đất này, một danh nhân văn hoá, đó là Nghệ sỹ nhân dân, nhà viết kịch nổi tiếng Tào Mạt với bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” và nhiều vở kịch khác. Ông và nhà thơ Quang Dũng đã được các Văn nghệ sĩ Xứ Đoài dựng tượng chính nơi các ông sinh ra. Vậy thì, đặt tên đường Quang Dũng, đường Tào Mạt, thật xứng đáng và rất tự hào cho mảnh đất này. Sơn Tây trước đây có những phố mang tên: Hàng Nón, Hàng Đàn, Đông Tác, Cửa Tiền, Cửa Tả... những cái tên có cách đây hàng trăm năm, có giá trị văn hoá cả về thời gian và không gian. Ấy vậy mà nó đã bị đổi thành tên khác. Cũng có thể do chúng ta còn suy nghĩ đơn giản mà vô tình đánh mất đi một nét đẹp văn hoá Xứ Đoài. Lại nữa, tại sao phố Phùng Hưng lại thuộc phường Ngô Quyền? Hai ông Vua cùng sinh ra trong ấp cổ Đường Lâm (ông Phùng Hưng sinh ra trước). Vậy tại sao chúng ta cứ chấp nhận cái sai một cách thản nhiên để rồi thành quen và không cần biết đến sự ứng sử văn hoá? Vào thời điểm Sơn Tây tái nhập về Hà Nội, chúng ta hãy cùng nhau xem xét, nhìn nhận, trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hoá Xứ Đoài. Chỉ có như vậy mới làm cho vùng đất này đẹp hơn, thơ mộng hơn.

Xin chậm bước để tận hưởng niềm khát khao hy vọng ùa về. Đó là mùa xuân. Xuân về bên thành cổ Sơn Tây. Những cành đào, gốc quất được bày bán xung quanh thành cổ tạo nên một bức tranh quê tuyệt đẹp. Mỗi khi tết đến, xuân sang, người dân Sơn Tây quanh năm chộn rộn với biết bao công việc bộn bề, lo toan, khó nhọc. Một năm với bao nhiêu buồn vui. Thoả mãn thì ít mà nuối tiếc thì nhiều. Thế là, từ ý thức của mỗi cá nhân sẽ là ý thức sống của cả một cộng đồng, của cả xã hội.

Sơn Tây sát nhập về Hà Nội, đánh dấu một bước chuyển mình trong những năm tới. Thời gian đang dần trôi. Cuộc sống đòi hỏi sôi động hơn, gấp gáp hơn. Những biến chuyển cùng đất nước đang điều khiển con tim mỗi người. Một nếp nghĩ mới, một cách cảm mới đã hình thành và dần dần được khẳng định. Rồi đây, từng ngày, từng giờ với năng lực, trí tuệ, với sức sáng tạo mới mỗi người dân sẽ biến mảnh đất hai Vua, địa linh nhân kiệt đầy sự tích thi ca và huyền thoại trở nên giàu có và sung túc. Hơn lúc nào hết, thời gian lại lay động chúng ta dữ dội. Phải làm gì để giã biệt những cái sáo mòn, xưa cũ.

Đất nước nào cũng vậy, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Mảnh đất Xứ Đoài đã có biết bao thế hệ làm rạng danh non sông đất nước. Trong lúc này, cần lắm những người có tâm, có đức cùng chung tay gánh vác sứ mệnh của con Lạc cháu Hồng. Mảnh đất của thi ca còn vang mãi những giai điệu quê hương ”Đất thiêng rạng danh anh tài/ Nếu ai không có tình quê/ Như cây mất rễ người ơi”.

Đất nước, quê hương vững bước đi lên như quả ngọt chuyền tay và niềm vui đang chín dần lên. Mảnh đất Xứ Đoài từng ngày từng giờ chuyển mình theo nhịp sống của thời đại. Không cho phép ta dừng bước. Không cho phép ta cứ sống mãi trong hoài niệm và tự thoả mãn với mình. Nhưng thời gian cũng không cho phép ta quên rằng hồn thiêng sông núi chính là bản sắc của cả một cộng đồng, một dân tộc. Đây, thành cổ uy nghiêm; núi Tản, sông Đà mây trắng bay; đây truyền thuyết về Đức thánh Tản Viên; là Lăng Ngô Quyền, đền thờ Phùng Hưng; là Thám hoa Giang Văn Minh, những đình chùa miếu mạo, ấp cổ Đường Lâm... đã làm nên một Xứ Đoài rất đáng trân trọng và tự hào. Dấu ấn thời gian sẽ điểm tô kỳ tích và truyền thống hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trên con tàu thời gian ấy, mỗi người chúng ta đang băng nhanh về điểm hẹn. Chợt nhận ra trên mỗi gương mặt và “Đôi mắt người Sơn Tây” ánh lên một niềm tin, một hẹn ước của ngày mai.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...