Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những ấn tượng trẻ khó quên

Ghi chép từ Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ 3

Đồng Chuông Tử - 31-05-2011 12:47:58 PM

VanVN.Net - Sau gần 5 năm mong đợi, vào lúc 14 giờ ngày 27.5 tại Bến Nhà Rồng (chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh), đã chính thức khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 3. Hơn 100 đại biểu và khách mời văn trẻ đã về tham dự. Không khí buổi khai mạc trầm lắng, trang nghiêm…

Hội nghị văn trẻ TP HCM

Có một điều ngoài rìa, tưởng chừng không đáng chú ý ở đây là việc từ cổng vào trung tâm Hội nghị không có băng rôn chào mừng hoặc chí ít bảng chỉ dẫn. Các nhà văn, nhà thơ trẻ về dự “lơ ngơ” đi vào đều được bảo vệ của Bảo tàng gọi lại hỏi, rồi mới chỉ tay về hướng cần đến.

MC của Hội nghị là nhà thơ “bự con” Phạm Sỹ Sáu, phó chủ tich Hội Nhà văn TP.HCM. Ông là một người lính từng cầm súng ở nhiều mặt trận, trong đó có mặt trận ở Campuchia.

Tiếp theo lời khai mạc của nhà thơ Lê Quang Trang - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Phan Hoàng - Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ đã đọc tham luận đề dẫn mở đầu cho tham luận của các nhà văn trẻ: Nguyễn Thu Phương, Ngô Thị Hạnh, Trần Minh Hợp, Lê Thiếu Nhơn, Huỳnh Mẫn Chi, Nguyễn Lệ Chi… Nhiều vấn đề “nóng” của đời sống văn học trẻ đã được đưa ra với nhiều góc nhìn khác nhau.

Nhà thơ Lê Quang Trang khai mạc hội nghị

Những khách mời đặc biệt là những nhà văn “cây đa cây đề” như Nguyễn Quang Sáng, Vũ Hạnh, Trần Kim Trắc, Lê Văn Thảo lần lượt được mời lên cầm “cây bút micro” để “phóng” chuyện. Mỗi người “phóng” một ít, gom lại cũng được “năm hay sáu trang âm thanh”.

Vì dành thời gian hơi nhiều cho các bậc lão thành nên nhiều tham luận của các nhà văn trẻ như Trần Hoài Anh, Đồng Chuông Tử, Trương Anh Quốc, Phương Trinh, Lê Thuỳ Vân,… đành phải chuyển về hội thảo ở Cần Giờ.

Khai mạc Trại Sáng tác trẻ và giao lưu ở Cần Giờ

Như vậy, phần “nghị” đã được “gọt” lại cô đọng, tinh giản đối với những đại biểu nhà văn trẻ.

16 giờ 30 phần “nghị” kết thúc, sớm hơn 30 phút so với lịch trình.

Phần “hội” được nối vào sau đó, ở một nhà hàng ẩm thực ven sông, cách Hội trường hội nghị khoảng trăm mét. Không khí buổi “hội” này thật rôm rả, vui tươi trong làn gió mát sông Sài Gòn. Và cùng bắt tay nhau hẹn ở Cần Giờ vào hôm sau…

Khoảng 13 giờ ngày 28.5, đông đảo đại biểu nhà văn trẻ đã tập trung tại Văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM, số 62 Trần Quốc Thảo, Quận 3.

Khoảng 13 giờ 45 phút thì chiếc xe chở đại biểu đến. Đúng 14 giờ xe lăn bánh, mang theo hầu hết những tài năng trẻ văn chương của thành phố đi tham quan một số công trình đã định trong lịch biểu.

Có một chuyện hi hữu gây “ngỡ ngàng” thoáng chốc cho mọi người, đó là việc chiếc xe hình như vừa vội vã đến từ một đám tang nào đó ở ngoại ô xa xôi. Nên khi vừa đỗ lại, cờ tang vẫn còn “đu đưa” trên đầu xe.

Nhận thấy nhiều ánh mắt nhìn chầm chầm, xôn xao vào “hình ảnh lạ”, người lơ xe đã “xúc động” vội vàng gỡ xuống.

Chiếc xe lượn đi nhiều nơi đã định rồi đậu lại ở Trung tâm Dã ngoại Cần Giờ. Nơi đây là địa điểm sẽ diễn ra nhiều hoạt động “trọng tâm” của Hội nghị.

Do buổi chiều hôm đó trời có mưa, với hơn 30 phút nghỉ ngơi dọc đường, xe đến chậm hơn dự định già một tiếng đồng hồ.

Theo danh sách thì có khoảng 72 đại biểu tham dự. Vài người vì công việc riêng không đến được. Số lượng đại biểu nữ nam tương đương nhau. Trong đó có hai vị tiến sĩ phê bình văn học, hiện đang giảng dạy ở các trường đại học phía Nam.

Việc lo liệu phòng ốc, ăn uống, vui chơi, dã ngoại,… hình như chỉ một mình nhà thơ - Chánh văn phòng Hội Phan Trung Thành “đạo diễn”. Một người lo cho non 100 người. Thật tội nghiệp cho anh, nhất là cách đây chưa lâu, anh vừa trở về từ bệnh viện. Di sản của cuộc trở về ấy vẫn còn được anh kiêng cữ, chăm sóc.

Đúng 20 giờ, một trò chơi mang tính giao lưu đã diễn ra trong không khí ấm áp vui nhộn, tràn tiếng cười, tiếng vỗ tay. Ngoài hội trường mưa rơi nặng hạt, gió lạnh rít từng cơn, từng cơn. Trò chơi là ý tưởng của nhà văn – đạo diễn Nguyễn Thu Phương. Nhờ một chút “sân khấu hoá” mà cuộc giao lưu rất lôi cuốn, giúp các nhà văn trẻ biết rõ nhau hơn.

Hoá trang giao lưu giữa các nhà văn trẻ

Sau một đêm lạ nước lạ cái, có nhiều người trẻ khó ngủ, nhất là nhà văn nữ. Nhiều “chàng thơ trẻ” như Thanh Tùng, Lê Quang Trang, Phạm Sỹ Sáu,… lại không chịu ngủ, vì sợ lỡ mất trận chung kết “trong mơ” cúp C1 châu Âu, giữa MU và Barcelona.

8 giờ ngày 29.5, bước vào Hội thảo Văn học trẻ trong dòng chảy thị trường. Phải nói chân tình rằng, ấn tượng ngày khai mạc đã khiến rất nhiều nhà văn trẻ nản lòng. Nhưng mọi người vẫn đến. Cứ ngỡ đến cho có. Hội thảo sẽ nhạt, ai dè…

Trừ 15 phút đầu, thời gian cần thiết để khởi động làm nóng. Chủ toạ của Hội thảo là nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng - Trưởng ban Nhà văn trẻ, cùng nhà văn Tiến Đạt - Phó ban, đồng cầm trịch. Hội thảo ngày càng mở, nóng lên theo từng giây từng phút, nhiều vấn đề được đem ra mổ xẻ gây cấn. Nhiều tham luận, ý kiến được phản biện sôi nổi, đa chiều chưa từng có trước đây, ở bất kỳ hội thảo văn học nào, từ Trung ương đến địa phương. Thời gian càng trôi về trưa, tay của các nhà văn trẻ giơ lên xin phát biểu, phản biện càng nhiều. Không khí xứ biển Cần Giờ dường như cũng “nóng” hơn cùng hội thảo!

Nhiều vấn đề được các đại biểu nhà văn trẻ gởi gắm, mong chờ như chuyện tài trợ in sách, giải thưởng, bản quyền, các hình thức đưa thơ đến công chúng, quảng bá tác phẩm,…

Hội thảo đã thành công ngoài kỳ vọng, ngoài sức tưởng tượng, lần đầu tiên có được như vậy.

Hội nghị kết thúc. Các đại biểu văn trẻ trở về trung tâm thành phố với nhiều ấn tượng đẹp. Những thành viên tham gia Trại Sáng tác văn học trẻ do nhà thơ Phan Hoàng phụ trách tiếp tục ở lại “đắm mình” trong sông nước Cần Giờ.

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn một số tham luận, ý kiến tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3:

 

Nhà thơ Phan Hoàng:

Nhà thơ Phan Hoàng đọc tham luận đề dẫn

“Nhìn lại 36 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, đội ngũ các nhà văn trẻ của thành phố đã nối tiếp nhau xuất hiện, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, chưa bao giờ lực lượng các cây bút tuổi đời dưới 40 của thành phố lại xuất hiện đông đảo như hiện nay: khoảng gần 100 người. Có bạn đã xuất bản cả chục đầu sách. Có bạn đã đoạt các giải thưởng văn học của thành phố, quốc gia, quốc tế. Có bạn đã có vị trí nhất định trên văn đàn. Và cũng có bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, mới bước đầu tìm cách khẳng định mình nhưng sớm thể hiện được tài năng và nhiệt huyết văn chương. Đặc biệt hơn, có những bạn say mê và lặng lẽ sáng tác, nhưng mãi loay huay chẳng biết gửi đăng báo thế nào, in sách ra sao; họ bước vào thế giới văn chương tự nhiên đơn độc như “cỏ dại” và cứ thế mà vươn lên… Đó là một thực tế mà ít người biết được.

Hoàn cảnh xuất thân của các nhà văn trẻ thành phố cũng là một nét văn hoá đặc biệt ít nơi nào có được. Có người sinh trưởng tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Có người từ miền Tây lên. Có người từ miền Đông xuống. Có người từ miền Bắc, miền Trung vào. Đa số họ tốt nghiệp từ các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, có người học từ nước ngoài về, nghĩa là họ có nền tảng cơ bản về văn hoá tri thức trước khi đi vào con đường văn chương.

Rõ ràng đội ngũ các nhà văn trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Điều quan trọng là làm sao tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ phát triển tài năng, gắn bó lâu bền với nghề, để họ cống hiến hết khả năng sáng tạo văn học của mình, cũng chính là góp phần sáng tạo nên những sản phẩm văn hoá cao cấp cho đời sống tinh thần của thành phố và đất nước ta”.

 

Nhà văn Nguyễn Thu Phương:

“Trong dòng chảy của thị trường, nhà văn trẻ xem ra chẳng ngại biến mình thành “những người bán hàng”, và văn chương xét cho cùng đã chỉ còn là “hàng hóa” (cho dù là hàng hóa tinh thần). Với quan niệm này, tất cả những chiêu thức cần có của nghề kinh doanh đều có thể đem áp dụng, từ việc tự “rao” văn mình rất kêu đến tặng kèm, khuyến mãi, chơi nổi, gây sốc và… hạ giá, chỉ miễn sao bán được nhiều nhất, xôm tụ nhất.Bạn tìm gì trong những trang viết của người trẻ bây giờ, đó không còn là chuyện của chính bạn, mà còn là chuyện của nhà văn cộng với nhà làm sách. Hướng đến những lợi ích cụ thể thông qua con đường văn chương, thực tế đã sản sinh ra cả một thế hệ viết lách tập trung đưa yếu tố ăn khách lên hàng đầu trong việc sáng tác. “Lạm phát” sex, đồng tính nam, đồng tính nữ, hoang tưởng, kinh dị… tất cả những gì vốn cấm kỵ và “nhạy cảm”, nói chung chỉ cần đánh trúng tâm lý giải trí, nhu cầu đọc theo kiểu bình dân hay hiếu kỳ đơn thuần của số đông là được. Nếu như trước đây, nhà văn rất e dè trong những phát ngôn về lợi ích kinh tế của nghề viết và chủ động tìm các công việc khác để kiếm sống thì nay, nhà văn thẳng thừng đề cập đến những được-thua trong chuyện mua vàbán văn, rồi hãnh diện hơn bao giờ hết khi có sách phát hành từ 5000, 6000 bản trở lên. Ngộ nhận về sự nổi tiếng đã khiến không ít cây bút mới chỉ lo chăm chút cho những thứ hoàn toàn phi văn học để “khuyến mãi” kèm theo ấn phẩm thay vì tập trung tâm huyết để viết lách. Nên mới có những ứng xử nông nổi theo kiểu chụp ảnh sex của chính mình đăng kèm trong cuốn sách vừa phát hành đã bị thu hồi.”

 

Nhà văn Trương Anh Quốc:

“Thời nay công việc, đi lại, đã ngốn hết hầu hết quỹ thời gian. Rất ít nhà văn có thể sống được bằng nghề, văn chương chỉ là niềm đam mê. Việc gặp gỡ giao lưu là động năng cho tình yêu văn chương và các tác phẩm mới ra đời. Nhà văn ai chẳng muốn có tác phẩm hay để đời nhưng có một tác phẩm giá trị là không dễ khi văn hóa càng ngày không được xem trọng và bị đồng tiền lấn át. Như nhà văn Trần Văn Tuấn “để có tác phẩm văn học chất lượng thì nỗ lực tự thân của tác giả là 80 phần trăm”. Còn với Trần Nhã Thuỵ “viết một cuốn sách là chặt một cái cây”. Một cuốn sách không hay sẽ chặt cây thảm hại nhất. Đọc sách không hay, tôi cũng đã gián tiếp chặt phá cây rừng…

Đọc sách, không chỉ tôi bồi dưỡng kiến thức, nhặt nhạnh từ ngữ cho mình mà còn đang góp phần giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt và văn hóa Việt. Cây rừng có thể trồng lại, còn văn hoá mất là mất luôn…”

 

Nhà văn Hải Miên:

“Tôi vẫn không dứt bỏ được về ý nghĩ và cảm giác với cái chết của nhà văn Trần Hoài Dương vào đầu tháng 5 này.

Tôi có quen biết anh, nhận được ở anh sự ân cần, tử tế và thân mến, không phải vì tôi xứng đáng thế mà vì đó là thói quen giao tiếp, là tinh thần đối xử với con người cố hữu ở anh.  

Cả đời anh viết sách cho thiếu nhi, nương náu vào thế giới nhân hậu, trong trẻo và thánh thiện ấy để ngoảnh mặt với sự tàn bạo và vô độ của con người chưa đời nào không tràn lan trên mặt đất. Anh cũng xem đối tượng độc giả của mình như một cánh đồng mầu mỡ vừa cày ải xong, còn chưa kịp gieo trồng. Và hành động viết sách, in sách của anh là hành động của người nông dân gắng kịp tung ra những nắm hạt giống xuống cánh đồng mầu mỡ ấy, trước khi những hạt cỏ dại theo gió bay về.

Đất không trồng hoa màu thì cỏ dại sẽ mọc, tất yếu nó là thế thôi.

Và, không thể nào tìm ra được một lý do khả dĩ, để không cay đắng trước việc con người gieo hạt ấy, nắm hạt giống còn đầy tay mà cánh tay thì không thể nào vung ra được nữa. Người ấy chết đi trong im lìm, lặng lẽ và cô quạnh, với đôi bàn tay còn đang gieo hạt, còn đang nắm đầy  hạt giống.

Người ấy chết như thế giữa một căn phòng tràn ngập sách, trong đó có những cuốn sách của mình.  

Đấng vô hình nào muốn gửi cho chúng ta thông điệp gì bằng cái chết đột ngột và cô độc ấy của một nhà văn, trong căn phòng đầy sách không một bóng người, không một hơi ấm sự sống nào  ngoài chính sự sống vừa rời bỏ mình đi?

Phải chăng nỗ lực của một nhà văn, hay nỗ lực của mọi nhà văn, bằng toàn bộ hành trình sáng tác của mình, như một bàn tay vẫy tha thiết và tuyệt vọng về phía con người, về phía sự sống, thì sự đáp trả cuối cùng là như vậy?”

 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn:

“Chỉ cần ngoảnh lại thập niên đầu tiên vừa trôi qua ở thế kỷ 21, những cây bút trẻ TPHCM được bạn đọc cả nước đón nhận có thể liệt kê thành một danh sách có thểhài lòng những ai lấy sự sung túc của số lượng làmcơ sởcho sự lạc quan tuyệt đối. Xin lấythiện chí và cẩn trọng, để thấyrằng, văn học của thế hệ 7X, 8X đa dạng mà ít thành tựu, đông mà chưa mạnh. Chúng ta từng hào hứng chào đón Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Triều Hải… rồi bẽ bàng chứng kiến họ lùi dần vào mệt mỏi và chán chường. Các cây bút kế cận vừa viết lách vừa lau mồ hôi cơ cực đời thường. Chỉ cần cất đi thái độ ngụy biện, chúng ta dễ dàng hình dung được một bức tranh đầy nghịch lý: những cây bút có sẵn trong tay mối quan hệ truyền thông đang kéo bè kết cánh ríu rít ca ngợi nhau bằng những ngôn từ véo von nhất, cũng chính là những kẻ láu lỉnh nhất sẵn sàng tháo chạy khỏi văn chương để giữ lấy nồi canh niêu cơm riêng mình. Còn những cây bút thầm lặng hơn, vẫn nhẫn nại viết nhưng lòng bắt đầu hoang mang khi chứng kiến văn chương mỗi ngày mỗi ít ảnh hưởng đối với cộng đồng.

Vì sao sức bật tuổi trẻ và cảm hứng đô thị chưa mang đến những tác phẩm có tiếng vang dư luận? Câu trả lời rất đơn giản: chung cái nền văn học Việt Nam đang khủng hoảng thi pháp, văn chương trẻ đang dựa trên tiền đề tiếp nhận khá mơ hồ. Thời đại đã khác, bây giờ vui buồn của công chúngmuôn vẻ ngàn dáng, người viết phải chọn được đối tượng phản ánh và đối tượng độc giả. Giai đoạn cả nước đánh giặc, chỉ cần một câu thơ đón đầu tổng kết “em ơi, hai trăm máy bay rơi” cũng khiến triệu trái tim xúc động. Hiện tại, những bài thơ tương tư đưa đẩy, những truyện ngắn ngọt lạt than trách, những tiểu thuyết xưng tụng cô đơn, chỉ đủ giúp những cô nhân viên văn phòng bớt ngáp vặt lúc nhàn rỗi công việc hành chính. Khi và chỉ khi, tiền đề tiếp nhận mạch lạc mới tạo ra phong cách tác giả và thiết lập giá trị hành động của văn chương. Ngược lại, nếu văn chương tạm ngừng ở chức năng giải trí thì mỗi tác phẩm được in ra, chúng ta chỉ trả được món nợ cho đam mê cầm bút bản thân, mà không thể nào trả được món nợ cho xứ sở đã cưu mang người cầm bút!”

 

Nhà thơ Đồng Chuông Tử:

“Chăm là một dân tộc hội tụ đầy đủ những điều đáng kể. Di sản hôm qua, đời sống cộng đồng xen cư, cộng cư hôm nay, đều là những đối tượng đáng để thể hiện. Không chỉ trong những công trình khoa học chuyên nghành, có lúc khô khan, đơn điệu, mà loại hình thơ ca, cô đọng, dễ nhớ dễ thuộc cũng phải can dự vào. Không phải can dự cho có, mà can dự như những bông hoa đẹp, ai ngắm cũng trầm trồ, trong vườn hoa đa sắc đa thanh ấy.

Những cái tên như Inrasara, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Jalau Anưk, Chế Mỹ Lan, Bá Minh Trí, Thông Minh Diễm,… đã lần lượt xuất hiện. Mặc dù xuất hiện với tâm thế khác, ngôn ngữ khác nhưng họ rặt tâm hồn Chăm, thấm đẫm tinh thần minh triết Chăm.

Lời tuyên bố của Paul Mus ngày xưa, theo thời gian đã mất hoàn toàn giá trị. Công trình Văn học chăm, khái luận - văn tuyển của Inrasara ra đời năm 1994 đã vô tình hay cố ý xô ngã thảm hại lời tuyên bố có phần vội vã ấy.

Và với những tập thơ đã ấn hành vài năm trở lại đây của các tác giả trẻ Chăm, cũng đã phần nào chấm dứt tình trạng thương vay khóc mướn.

Từng ngóc ngách của đời sống, nơi họ đến, đi, trở về, được họ quến lại cảm xúc mình. Đặc sệt nồng độ, tươi rói hình ảnh, ngôn ngữ.

Ở nơi xó xỉnh nào đó, họ ở lại, dịu dàng tiếp biến ngữ cảnh hay cô đơn miệt mài định phận. Chẳng hề hấn gì, họ vẫn say sưa thắp sáng ngọn lửa thơ ca, ôm mang nó phiền muộn nhiệt tình trên mọi nẻo lãng du.”

 

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi:

“Ánh sáng của công cuộc đổi mới, của nền văn minh đã song hành cùng chúng ta, đã có sức mạnh tác động sâu sắc đến cuộc sống của nhân dân. Sự thay đổi về đời sống sẽ làm chuyển đổi nền văn học TP.HCM. Thế nhưng trên đà chuyển đổi của cuộc sống, văn học phát triển còn quá chậm so với hiện thực. Một mặt văn học không thể chạy theo đuôi cuộc sống, nhưng không được phép tụt lại phía sau cuộc sống hiện thực. Văn học nó phải hiện diện ngay chính trong cuộc sống hiện thực. Nó cần được phát triển và phát triển liên tục. Có như thế văn học thành phố ta mới có thể tiếp tục đóng góp tính đặc trưng cơ bản vào sự phong phú, đa dạng cho nền văn học cả nước.

Song vấn đề là ở chỗ qua một chặng đường nhìn lại, chúng ta nhận thấy văn học thành phố ta phát triển còn thiếu nhịp đập của một thành phố đang phát triển mạnh nhất của cả nước. Có những mảng đề tài quá quen thuộc lại  tập trung thể hiện quá nhiều như tình yêu, tình dục… Có những mảng đề tài, xét về chất hiện thực trong xã hội hiện tại thì lại còn thể hiện quá “mỏng” và vì thế chưa đủ sức “đánh động” sự lưu tâm của bạn đọc.

Cho nên đặt vấn đề phát triển văn học trong giới nhà văn trẻ ở thành phố ta, không phải là sự cổ vũ cho việc tìm kiếm một hình thức văn học xa lạ nào đó, xa rời thực tế mà là đòi hỏi một thái độ nghiêm túc ở mỗi người viết văn trẻ. Chúng ta không những cần đổi mới cái nhìn, đổi mới cảm xúc, tự hoàn thiện phong cách trong sáng tác. Mà chúng ta còn phải có đủ tự tin và đủ năng lực để có thể, thể hiện mọi mặt cuộc sống một cách đầy hiện thực khi tạo ra sản phẩm tâm hồn là những tác phẩm văn học giá trị.”

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Truyện vui: "Độ nóng"

VanVN.Net - Một nhà ba người. Chồng 72,25kg, vợ 65,45kg đều thuộc loại thể hình hơi béo. Thế là vợ nêu ra, nhà mình mua một máy chạy bộ nhé. Ai cũng giơ hai tay tán thành.

Nhà văn đọc sách  

Giao hưởng – gió Đỗ Quyên

VanVN.Net - Chỉ bấm tính, như trồng cây, để có được tập trường ca này, phải cần nửa đời người. Các tác giả trường ca trước Đỗ Quyên (ĐQ), đều vậy, hoặc hơn. Chưa kể, những trường ca của các bộ ...