VanVN.Net - Đây là tập thứ mười và là bước chuyển động thứ ba của thơ Vũ Quần Phương; sau hồn nhiên, qua ý thức chia sẻ cùng thân phận người với tập Vầng trăng trong xe bò và giờ đây, nhà thơ đang dò dẫm vào đến lõi nhân tình, đến thơ. Vào tuổi 50 (Quang Dũng: Buồn như sắp năm mươi) ông viết: “Đến đây gần bể xa nguồn/ Con sông chảy chậm nỗi buồn tan lâu”. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, kể như là chậm? Vì hình như ông mất nhiều thì giờ cho tìm tòi hiện đại, những Quên chữ quên câu, những Giấy mênh mông trắng dụng công nhiều cho tuyên ngôn với giảng giải hơn là với thơ? Đến lõi nhân tình thì không phải không còn thế sự, mà là thế sự tinh tế và minh triết: Ừ thì đất thấp trời cao/ Đất không thấp nữa thì lao đao trời, lại đầy nghiệm sinh và kiêu hãnh: Chim trong lồng/ tiếng hót bay lên không/ mở tự do cho trời xanh bát ngát. Bởi vì, hay có lẽ vì được đi đây đi đó nhiều, cảm nhận được là người thì ở đâu cũng thế: Nhân loại nơi đây thật hẹp/ Năm đại châu chung một mái nhà; hẹp ấy là lõi nhân tình vậy. Nhưng thời gian vẫn ám vào thơ ông từ trước, kịp khi nhìn thấy trái tim mình đập bên ngoài mình, tức là trên màn hình vi tính thì nhà thơ bất giác như gặp một chân trời khác. Bài Nó đấy, trái tim tôi lạ, hay và quý vì hiếm gặp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
sau chân trời
lại chân trời nữa
nghĩ chân trời
lại nghĩ chân ta
Trà đạo
Trắng mốc
săn móc câu
không nhận ra hình lá
nước thật sôi
trà chết một lần nữa
lại hiện ra búp non
bơi trong đặc chát
Chậm. Thật chậm!
từng giọt thấm
vị và hương
Lắng nghe...
nghe cơn khát của mình
mà đo hương trời đất
nghe trên lưỡi
vị mưa nắng xa vời ngọt chát
mình nuốt mình vào trong lòng
thì nguôi cơn khát
Giọt. Từng giọt
như người đánh thức
ngoài trời đang còn đêm
người đang ngủ, đang mơ,
đang nói mớ
Ngón tay nâng trà lên
thanh khiết
biển xa, núi biếc
chén trà nâng
nghe...
biết...
Trà đã thức
người không ngủ lại
ngày bắt đầu
ngay trong đêm.
2-5-2011
Con sâu đo
Lịch sử cân vĩ nhân
có ông tưởng nghìn cân
mà rồi bay như bụi
có ông chìm tận mấy trùng sâu
mà rồi sáng chói.
Nhưng đến lúc cũng cần cân lịch sử
lắm thứ mơ hồ
nhiều điều nông nổi
lịch sử như anh mù,
anh điếc,
anh câm
lại hay thích nói
Nguyễn Trãi vào Lam Sơn
Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”
án Vườn Vải tru di...
be bét văn bia
luật nước trang nghiêm và bố láo
năm sáu đời vua thấy chóng ghê!(1)
Lịch sử lề mề
có khi lại nhanh như lửa cháy
cái gì không thành tro
Ông nhà thơ là con sâu đo
lấy thân mình mà đo
lịch sử,
đo kích thước vĩ nhân,
châu chấu, cào cào, gió trăng, vui khổ
muốn đo vào tất cả
những rộng dài nặng nhẹ sâu nông
thân trải ra với đất
trái tim làm quả cân.
18-6-2011
-----------
(1) Thơ Phạm Thái (1777-1813).
Chữ
Đêm
mặt bàn mất trí nhớ
trang sách ngủ
chữ từng dòng nằm thở
cây đổ
mục trong rừng
rêu lên hương
Đêm
nhợt dần những vì sao
gió khởi sự
mây bắt đầu kết tụ
chữ nói mê
người ngái ngủ
ai biết mặt trời đi đằng nào
Bừng sét nổ
mưa rửa sạch từ mây đến cỏ
chữ chạy như chân người
và hát
mặt bàn hóa phi trường
bát ngát
chữ mặt trời
bay lên cao.
22-7-2009
Thơ tặng bạn thơ
Chuột và ta
thằng nào gặm sách?(1)
chuột cắn rồi nhả ra
mà ta thì nuốt
giấy có vi trùng, chữ mang độc chất
hại dạ dày là cái chắc
có khi còn đau lên thần kinh
u mê, tê liệt...
Chữ mỗi ngày một tinh,
càng tinh càng độc
chữ trên mai rùa, trên thẻ tre, gấm vóc
chữ trên đá, trên băng từ, compact
trên bằng khen thành tích, công lao
dịu như nụ hôn, cuồng như dao sắc
nhiều khi lại vừa êm vừa sắc
một lời thành ra hai lưỡi dao
Đừng tưởng làm thơ không có tội
trắc bằng lắm lối
không đưa ai qua sông
mà người chết đuối
Gặm làm gì chuột ơi!
4-6-2011
------------
(1) Lũ chuột ăn gì để sống
Suốt đêm gặm sách của ta chăng?
(Trần Nhuận Minh)
Bức tranh cuối của Bùi Xuân Phái
Thôi chẳng còn thấy biển thấy sông
phố cổ rêu phong
chẳng còn ngồi sau cánh gà vở diễn
ông Phái nằm lặng nhìn xuống chân mình. Lưu luyến
những con đường đã đến, đã đi
Ông Phái ngắm bàn chân như nói lời từ tạ
từ tạ phố phường, từ tạ bến sông
lối mòn đê cỏ may, mái chèo ì oạp sóng
tiếng vạc quệt ngang trời, mùa đã sắp sang thu
những con đường mong đến, chưa đi...
Bàn tay yếu và run nâng bút
không ngó được đâu xa thì ngó lại mình
thì tay vẽ lấy chân mà làm trăng trối
ông ngắm nghía trăm nơi
nhưng chính bàn chân mình thì ông chưa kịp tới
bàn chân trần vuông vức cần lao
những ngón xòe bấm trên mặt đất
đôi gót dày rỗ vết chông gai
bàn chân ấy thèm đi
nhưng tim ông đã đến ngày phải nghỉ
bức vẽ cuối hay lời ông năn nỉ
xin độ lượng của đời:
được ở lại bàn chân
cho lòng ông ấm mãi với đường trần.
1-1-2010
Tranh ngựa
Tặng Lê Trí Dũng
Ngựa tỏa mười phương, tranh vẫn đây
Tranh lên tiếng gọi, ngựa về ngay
Bờm đẫm sương mai, tai đẫm gió
Những đại dương mờ, những bến mây
Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút
Thân chưa khô mực, đã đường xa
Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ
Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta
Lòng ta thành bụi, thành trăng sáng
Núi lạ, đồng xa, ta với ngươi
Bụi theo nâng vó bay ngàn dặm
Trăng rọi đường phi đến tận trời.
22-3-2010
Tịnh khẩu(*)
Tặng Sư ông Thích Tịnh Từ và Kts Nguyễn Phước Thuyên
Không nói ra ngoài thân
nói vào trong da thịt
không nói thành tiếng nghe
nói thành tiếng nghĩ
không nói một ngày
nặng trong lòng
ù lỳ như đá
tâm hồn lên rêu
không nói hai ngày
không nói ba ngày
mình tự rào mình,
rồi đến nghe cũng không
xung quanh biển lặng im
mình thành cô đảo
không nói một tuần
một tháng...
không còn mình trong lòng
mình thành côn trùng đêm
thì thầm xa tít
thành vì sao trong vắt
thao thức cùng đêm thanh...
những tiếng chưa từng nghe
bấy giờ nghe hết
tiếng nghe mà chưa biết
thì lặn vào trong da
một nỗi mình nghìn nỗi người ta
miệng trao việc cho tai
tai thì thay bằng mắt
thay tiếng khóc
bằng trời xanh
gan góc
ngẩng đầu lên!
8-3-2011
------------
(*) Viện Phật học Việt Nam trong rừng Kim Sơn California, Mỹ có những khóa tu tịnh khẩu (không nói).
Thôi kệ!
Tặng N.X.H
Hai chữ Việt (Viết như tranh. Lồng kính treo sau anh) Thôi kệ! Nhìn tôi
Thôi và kệ. Kệ rồi thôi. Thôi kệ!
Sống đã là thôi kệ trăm năm
Cái tặc lưỡi cho thắng thua, còn mất
Chữ như tranh vẽ rõ mặt con người.
Muốn là được nhưng bao giờ được muốn
Người bị giam giam cai ngục. Thời gian
thành sợi xích nối hai đời một phận
Thắng hay thua thì thân cũng tội tù
Lẽ ra tôi gặp anh từ năm mươi năm trước
khi đời ta là chữ chửa thành câu
Lẽ ra...Lẽ... mà bây giờ giấy hết
mực cạn rồi. Thôi kệ! Còn ta
- Ta thở vào. Đang thở vào, ta thở
- Ta thở ra. Này ta đang thở ra!
Sư ông dạy sống phải là hít thở
Không thành sư thì ta đã thành ông
Các đứa cháu, chúng làm ta hít thở
Các cháu không thôi kệ! Nó đòi ta:
Ông phải chui vào gậm bàn, tìm bóng
Thì ông chui, mà cũng đáng công chui
Tìm bằng được, ta không thôi, không kệ
Dẫu đời mình thôi kệ! Hoàng ơi!
Thôi kệ gió. Thôi kệ mưa. Mưa gió!
Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa
Đứng trước gió nhưng lòng ta đã gió
Gió ngoài kia đâu biết gió trong này.
Ta đã sống cái thời không dễ sống
Những đêm đen nhuộm trắng tóc trên đầu
Không kệ được, thì cũng thôi.
Thôi kệ!
Bức chân dung vẽ lại cả đời người
Tôi thấy anh. Lại thấy mình. Thấy họ
Cái đời này
Thôi kệ!
Chúng mình đi.
Santa Clara, 19-1-2011
Xem đồng hồ
Vì thiếu thời gian nên phải có đồng hồ
Hay tại lắm đồng hồ nên người ta mới vội
Cái kim con làm rung cả loài nguời
Từ siêu thanh, siêu tốc đến siêu... đời
Vội đến mức người ta không kịp sống
Tiếng tích tắc vang tận vào cõi mộng
Toát mồ hôi, mê hoảng, bàng hoàng
Những nhân sâm, tê giác với ngưu hoàng
Uống từng vốc rồi đem thời gian giết
Ai giết thời gian thì người ấy chết
Thời gian cười rung bụng những kim giây.
29-5-1999
Thăm Hang Bà Côn Đảo
Vợ thì nhốt vào hang
Con thì quăng xuống bể
Tất cả cho ngai vàng
Làm vua thì phải thế
Ông Gia Long hoàng đế
Chết tám mươi đời triều
Thăm Hang Bà, tiếng thét
Còn rợn rừng nếp rêu.
4-2007
Ậm à
Thăng Long đang tiến về nghìn tuổi
Một dáng bay xanh của liễu hồ
Một nét vàng tươi
Khuôn diễm ảo
Trăng lại về soi trên cố đô
Dưới trăng lớp lớp nhà cao ngất
Vốn của người xây trên đất ta
Chiến địa hay không là chiến địa
Bé em lem luốc tối không nhà
Lịch sử - cái ông già lẩm cẩm
Hỏi suốt nghìn năm, vẫn ậm à...
13-5-2007
Thơ lúc đi đường
Đường Hà Nội quá đông
chen người chen xe
tôi đi cùng khoảng trống
lòng tôi như cánh đồng
lòng tôi thành tuyết trắng
vừa đóng băng vừa bay
Người tìm thì không gặp
gặp toàn người không tìm
đám đông thì không mặt
nào biết ai vào ai
gương mặt em thân quen
quen như hình dung
quen như mong ước
nhưng rồi tôi ngơ ngác
gương mặt này
ai khác
nhìn em không thấy em.
2-2010
Gửi sen
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
(Ca dao)
Quên bùn vội thế hả sen
Vừa ngoi khỏi nước đã chen hóng trời
Hóng mây, hóng nắng cao vời
Lả lơi gương nhụy chào mời gíó trăng.
Nữa mai tàn tạ trong đầm
Ai buông giọt lệ âm thầm khóc hoa(1)
Đâu vàng, xanh, trắng kiêu sa
Nuôi mầm, giữ gốc lại là bùn đen
Quên bùn vội thế hả sen!
9-3-2011
------------
(1) Nhớ Tản Đà: Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Trường tôi trăm tuổi
Vòm lá mới - Bóng râm xưa
trăm năm ngàn năm hay đang trưa
Chu Văn An dâng sớ chém gian thần
đã ai trông thấy sớ
bẩy gian thần là ai
chắc vua biết nhưng vua cũng sợ
mà cứu người viết sớ
thì sớ cho vào lửa
Chu Văn An về hưu.
Tôi là chú học sinh tóc bạc
trường trăm năm, tôi ngồi vào lớp
mẹ cha không còn
anh em phiêu bạt
chữ nghĩa rơi xuống đất
bò thành dây leo.
Ông Chu Văn An về trường
ngồi làm bất tử
ngực đá không còn hồi hộp thở(1)
cả gian thần và sớ
bình yên
bình yên vào lịch sử.
Bạc đầu, lại vỡ lòng bỡ ngỡ
đâu bây giờ?
đâu ngày xưa?
trăm năm ngàn năm hay đang trưa?
17-5-2008
-----------------
(1) Tượng Chu Văn An dựng trong dịp trường trăm năm tuổi.
Ngắm anh đào Nhật ở Mỹ
Xứ lạ, tới đây
yêu người hoa ở lại
cùng nắng mưa xứ này
hồn quê xa thanh khiết
trắng như màu mây bay
Trắng,
cây trắng toàn thân hoa
hoa toàn thân sương khói
gạch đá hóa mơ màng
màu hoa hay tiếng gọi
gọi mùa mây trắng xa
gọi miền quê trắng tuyết
trắng tinh khôi da diết
trắng lặng im nhớ nhà
có ông già xa nước
nhuộm tóc mình theo hoa.
21-5-2011
Sân bay
Háo hức. Tò mò. Nhớ và buồn. Lơ đãng
Những sân bay. Những chặng đời người
Mầu tóc lạ. Chân trời. Ngôn ngữ
Nụ cười hay gương mặt đăm chiêu
Không cần phải dịch
Nhân loại nơi đây thật hẹp
Năm đại châu chung một mái nhà
Biên giới quốc gia
Không rõ quốc gia
Đâu là biên giới?
Quán cà phê và chỗ trẻ con chơi
Thuốc lá và rượu ngon.
Son môi và xứ lạ
Những quầy vé bên nhau.
Những ngả chân trời.
Khác biệt những múi giờ
Chênh nhau nhiều thế kỷ
Người đi từ đỉnh tuyết hoang vu
Người đến vùng sa mạc
Chung nhau một chuyến bay
Khác nhiều tầng lịch sử.
Cất cánh thì một chỗ
Bay lên nhiều ngả trời.
5-6-2008
Ghi nhanh ở New York
Những ngọn đèn chen những ngôi sao
Trời thành sông hẹp
chảy trên cao
Da vàng. Da
trắng. Đỏ. Nâu. Đen
Mũ rộng bo. Quần bò. Cà vạt
Mắt người không cản người
bước người không cản bước
Súng bán như đồ chơi,
người ta chơi trò súng
Ngày lấn sang đêm
đêm trộn vào ngày
Bức tranh không có tranh
mỗi mặt người đều rõ
Hoa hậu và khủng long
đen, nâu, vàng, trắng, đỏ
đi theo đèn giao thông
Không thấy được chân trời
chân trời vào ý nghĩ
Sau chân trời
lại chân trời nữa
Nghĩ chân trời
lại nghĩ chân ta
Đuốc cầm ở tay người
ngoài bể
đuốc cháy không thành lửa
Người ngủ lúc đang đi
người đi trong lúc ngủ
Tôi đang ngủ
hay đi
cũng chẳng cần biết nữa
Ai không mơ
thì tỉnh với con đường.
18-10-2008
Hoa một loài cây
Trên ghềnh đá có hai đứa nhỏ
tóc đỏ nắng
áo quần tơi tả gió
Chúng nó cười. Trời thì đứng ngọ
Đôi chân đen khoắng vào mặt bể.
Bọt đại dương trắng xóa
liếm bàn chân tí hon
Bàn chân, đôi cánh chim
suốt ngày bay dọc bể
tiếng chim rao khản cổ
Trà đá, trà đá đây!
Hoa một loài cây
mọc lên từ đất
giữa giờ trưa nắng gắt
tỏa hương ra ngoài khơi.
1990
Hương mưa
Mưa rón nhẹ chân mưa
cũng đủ làm hương đêm thức giấc:
hoa bưởi góc vườn khuya
hoa móng rồng, hoa mộc
có cả vị xanh rêu,
vị đất ải
hăng hăng…
lá lộc.
Hương bay thì thầm
mà đêm thao thức
những ngày xa… tít xa
một căn nhà
mái rạ
gió hàng cau ngoài vườn trở lá
khói rơm thơm êm ả
một miền hương thời gian
Hương trong mưa
miên man
con mèo nằm lim dim
đôi tai vểnh nghe xa… yên tĩnh
Hình như đêm cũng đang lắng nghe đêm
trong lòng mưa tịch mịch
Trong lòng người giọt gianh tí tách
nhịp tay mưa
âm thầm xé rách
tiếng rách khẽ
nhưng không lành lại được
giấc mơ xưa
và giấc ngủ bây giờ.
31-12-2007
Bỗng dưng
Bỗng dưng gió, bỗng dưng ngàn
Gió rung, ngàn động, thơ tràn lên mây
Bỗng dưng đấy, bỗng dưng đây
Trinh nguyên sông suối thơ ngây bãi cồn
Bỗng dưng thương vội nhớ dồn
Một câu thơ mỏng hai hồn song song
Người về ảo cõi chờ mong
Ta mang nỗi mộng vào trong cõi đời
Chân đi đã rạc xứ người
Thì mang mộng ảo lên trời mà ru
Bỗng dưng lòng hóa sa mù
Cõi yêu cùng cõi với tù chung thân
Bao giờ thơ hóa vô tâm
Nửa ôm nhân thế nửa cầm chiêm bao
Ừ thì đất thấp trời cao
Đất không thấp nữa là lao đao trời
Ra sông nhìn nước bời bời
Mà nghe hạt cát nói lời viễn du…
26-6-2007
Sắc trắng hoa lau
Không biết ngày mai về bến cũ
Sắc lau còn trắng đợi ta không
Đá cũng mòn dần theo nước chảy
Mà trắng lau thì như tuyết bông
Thôi đừng thổi nữa bờ sông gió
Trắng quá làm ta lại buốt lòng.
2005
Thời tiết
Đêm trượt êm như nhung
ngày như sợi tơ chùng,
thời tiết
tự lòng ta thành rét
thành mưa
Bây giờ đang mưa
mà chưa vào rét
Không biết
đến khi mưa rồi rét
thì ngày ra sao?
15-11-2007
Nó đấy, trái tim tôi
Tặng giáo sư bác sĩ Nguyễn Lân Việt
Tôi được thấy tim tôi, các buồng tim đang bóp
Thấy cả mặt bên trong. Vách thất nó hơi dày
Chắc do huyết áp cao? Hay thời gian thấm mệt?
Mình khảo sát tim mình…
kể cũng hơi hoang mang.
Nó vất vả thế ư?
Suốt cả một đời người. Ghê thật!
Cái luồng huyết cuộn dòng xuôi xuống,
trườn lên
Ngay cả phút này đây ta thanh thản nằm yên
Nó vẫn vội cồn cào nhịp bóp
Những vết bệnh, tim không che giấu
Nhưng nỗi buồn thì tim cất ở đâu?
Tim đã cất ở đâu những lời không thành tiếng
Giọt nước mắt nuốt vào, niềm thức
những đêm sâu…
Ta nhìn nó, nhỏ nhoi, mà đời bao nhiêu nỗi
Nó là mình mà mình biết gì đâu.
Tôi đã thấy những chỗ vành mạch thắt
Thắt bán phần, thắt ba mươi phần trăm
Đấy cánh cửa đưa mình sang cõi khác
Tôi lặng nhìn mà không sao hiểu hết
Máy lạnh lùng đo chính xác từng li
Như giao hẹn với anh: Lịch chỉ còn có thế
Khóc hay cười hay hét toáng… Tùy anh!
Tôi nhìn trái tim mình như nhìn khách lạ
Đôi khi nó bất thường, hẫng nhịp. Vì đâu?
Tôi chưa biết nguyên nhân
cũng chưa lường kết quả
Thu đĩa đoạn phim này có thể để xem sau
Xem nó đập khi tim mình thôi đập
Nó vẫn đau khi tôi chẳng còn đau
Tôi quên hẳn trái tim mình đang bệnh
Để nghĩ trái tim này
sao nó
lại đang đau?
Viện Y học hình ảnh
CORNELL, New York
6-12-2008
Khát trùng khơi
Chiếc neo gẫy cắm trên bờ cát
Thân rỉ mòn trong đất
Nghênh nghênh đôi ngạnh ngó chân trời
Neo gãy không còn về biển
Xa sóng, nằm nghe tiếng sóng reo.
Xa sóng nằm mơ cơn bão giật
Thân neo khan lại ngập sóng triều.
Chiếc neo gãy rỉ mòn trong cát
Chôn nguyên hình nỗi khát trùng khơi.
3-7-1998
Tiếng hót
Chim trong lồng
tiếng hót bay lên không
mở tự do cho trời xanh bát ngát.
24-8-2010
Bài thơ trăng sáng
Trăng sáng do mặt trời
nhưng bài thơ trăng sáng
do lòng người sáng soi.
24-8-2010
Đàn chim di trú
Đàn chim di trú
bay qua sân bé thơ
rủ hồn tôi đi mãi đến bây giờ.
24-8-2010
Làng Canh, quê mẹ
Tặng Uyển và Vĩnh, bạn trường làng 60 năm trước
Chùa lặng bên sông, sông chảy êm
Tiếng chuông hư ảo cả con thuyền.
Tôi về quê cũ sông thành phố
Chùa cổ chìm sau chợ áo xiêm
Quê mẹ hay mình thành khách lạ
Cầu Diễn đây mà sao quá xa
Cây gạo bên đình im lặng đỏ
Rừng rực “ngày xưa” trên sắc hoa.
28-5-2011
Cháu đón sinh nhật ông
Nến nhỏ cháy
trên bánh to sinh nhật
Thằng cháu ăn bằng mắt
cái tuổi gần bảy mươi của ông
Ngọt
chắc là ngọt và ngon
Nó liếm mép
làm ông thèm
tiếc lại
những tháng ngày ông ăn hàng vốc
mà chưa biết một lần liếm mép
cái vị ngon thời gian
Mắt không chớp, đăm đăm
quên cả ông, cháu chỉ còn thấy bánh
Sinh nhật bánh. Kìa bánh đã chia ra
nhưng mẹ bảo bưng đi mời bà
mời ông, rồi mời bố.
Cháu bưng trọn hai tay
bàn chân đi rón khẽ
Ôi ông thương cái thằng cu bé
rón chân đi dù đang nóng lòng chờ
Giá, ông nghĩ, được hàng ngày sinh nhật
hàng ngày cùng cái bánh sinh ra.
Tháng 9 - 2007
Đêm thức
Tí tách mưa
Tuần sau con đi
Dằng dặc dăm năm mới lại về
Mỗi đợt bên con càng thu ngắn lại
Đêm thức một mình thì cứ dài ra.
8-9-1995
Cầu qua đại dương
Tặng bà cháu Hạnh Nhi
Cháu ngủ không ru
Thì lòng bà hát
Bà thương con vạc
Kiếm ăn quê người
Phận gái mưa rơi
Cánh đồng xứ lạ.
Đôi bàn chân bé
Đi trên địa cầu
Dung dăng dung dẻ
Cùng trẻ năm châu
Tối nghe bà kể
Hàng cau, lá trầu…
Cháu ơi nơi đâu
Tình người đùm bọc
Lọt lòng tiếng khóc
Ơn người chở che
(Ngọn đèn hạt đỗ
Bà thương bộn bề)
Mẹ cha gieo gặt
Đất nào không quê?
Đâu mà không quê
Hạt lúa, hạt mì
Đều lên từ đất
Ở đâu nước mắt
Cũng là nỗi đau
Cháu bà, con mẹ
Công dân địa cầu
Núi sông khác lạ
Vẫn người thương nhau
Đại dương rộng sâu
Bà ơi! Cháu gọi
Tiếng lên thành cầu.
Bang New Jersey, 23-12-2008
Đón giao thừa
Trong căn nhà này là nước Việt
Là đèn nhang, con cháu, giao thừa
Ngoài căn nhà này là nước Mỹ
Ngày giữa tuần, phố đã vào trưa.
Thiên hạ đi làm yên tĩnh quá
Nhà ta đón Tết với riêng mình
Một năm gom lại bao thương nhớ
Một đời đồng bãi lũy tre xanh
Ừ vui, ngày Tết, vui cay mắt
Đời người, năm tháng... như chiêm bao
Bên kia: làng nước, đây: con cháu
Sóng Thái Bình Dương nó thế nào.
California, Tết Ất Dậu
Với cháu
Trước yêu con
khác bây giờ yêu cháu
Đi công tác nhớ con nung nấu
nhưng về nhà, lúc cáu, đét mông con
Với cháu bây giờ đến mắng cũng không
không đủ sức
bởi lòng mình vịn nó
như vịn đời
thương khó
âu lo…
Nhiều khi ôm cháu chặt
mà thấy mình xa lắc
xa lơ.
17-4-2006
Đêm nghe tiếng cháu
Tặng Cu Trí
Ô... ê! Rồi nhỏ giọng dần
Cháu vào giấc ngủ, ông nằm nghe đêm
Hình như mưa xuống ngoài hiên
Gió khuya mang lạnh rít trên rặng sồi
Ngoài xa chắc biển sóng dồi
Bên kia bờ chắc mặt trời đã cao
Nhớ gì, nhớ cái cầu ao
Giấc đêm thì ngắn chiêm bao lại dài
Ở đây người cũng miệt mài
Núi cao cũng đá, sông dài phù sa
Bảo xa thì cũng là xa
Bảo thân thì cũng là nhà cháu con
Nước trôi thì đá phải mòn
Ở đâu cũng trái đất tròn dưới chân
Nhớ xa mới biết thương gần
Đục trong ai chọn cho thân phận người
Cong cong là cái đường đời
Chân lem cát bụi, lệ ngời long lanh
Cháu mơ... rồi ngủ, êm lành
Ông nghe thức cả đời mình ô... ê.
Santa Clara, 1-2011
Thơ tặng cháu
Tặng cháu Trí
Chưa biết nói, chưa biết đi
Nhưng cháu biết ông là người chơi được
Dù ông cháu mới mấy ngày quen biết
Sớm mai, từ trong buồng cháu tự bò ra
Nhìn thấy ông là bò nhanh như... cún
Ông thì ngừng những hít vào với lại thở ra
Ngồi thụp xuống xòa hai tay đón cháu
Ùa vào ông như sóng
Vịn chân ông đứng lên
Đôi mắt cháu nhìn ông như nói lại như cười
Ông bồng cháu dâng cao
Cả trái đất - lúc ấy thôi - ông chỉ còn thấy cháu
Thằng Cu Trí nhìn ông
Chừng cũng thích như nhìn mèo, nhìn chó
Nghịch đầu ông, vỗ tóc, vò tai, xoa... thích chí
Ông thì như đang uống rượu của trời
Say sưa túy lúy
Cái đầu ông ngỡ đựng toàn nhí nhố
Lại đủ làm cho cháu cười vang
Cái nụ cười bốn răng rớt rãi
Lại đủ làm cho ông có lại
Những niềm vui tưởng buột khỏi tay rồi
Dạy cho ông hiểu cái thú đời người
Lại là cháu, cái thằng bò như... cún.
Santa Clara, 4-1-2011
VanVN.Net - Đây là tập thứ mười và là bước chuyển động thứ ba của thơ Vũ Quần Phương; sau hồn nhiên, qua ý thức chia sẻ cùng thân phận người với tập Vầng trăng trong xe bò và giờ đây, nhà thơ đang dò dẫm vào đến lõi nhân tình, đến thơ. Vào tuổi 50 (Quang Dũng: Buồn như sắp năm mươi) ông viết: “Đến đây gần bể xa nguồn/ Con sông chảy chậm nỗi buồn tan lâu”. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, kể như là chậm? Vì hình như ông mất nhiều thì giờ cho tìm tòi hiện đại, những Quên chữ quên câu, những Giấy mênh mông trắng dụng công nhiều cho tuyên ngôn với giảng giải hơn là với thơ? Đến lõi nhân tình thì không phải không còn thế sự, mà là thế sự tinh tế và minh triết: Ừ thì đất thấp trời cao/ Đất không thấp nữa thì lao đao trời, lại đầy nghiệm sinh và kiêu hãnh: Chim trong lồng/ tiếng hót bay lên không/ mở tự do cho trời xanh bát ngát. Bởi vì, hay có lẽ vì được đi đây đi đó nhiều, cảm nhận được là người thì ở đâu cũng thế: Nhân loại nơi đây thật hẹp/ Năm đại châu chung một mái nhà; hẹp ấy là lõi nhân tình vậy. Nhưng thời gian vẫn ám vào thơ ông từ trước, kịp khi nhìn thấy trái tim mình đập bên ngoài mình, tức là trên màn hình vi tính thì nhà thơ bất giác như gặp một chân trời khác. Bài Nó đấy, trái tim tôi lạ, hay và quý vì hiếm gặp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
sau chân trời
lại chân trời nữa
nghĩ chân trời
lại nghĩ chân ta
Trà đạo
Trắng mốc
săn móc câu
không nhận ra hình lá
nước thật sôi
trà chết một lần nữa
lại hiện ra búp non
bơi trong đặc chát
Chậm. Thật chậm!
từng giọt thấm
vị và hương
Lắng nghe...
nghe cơn khát của mình
mà đo hương trời đất
nghe trên lưỡi
vị mưa nắng xa vời ngọt chát
mình nuốt mình vào trong lòng
thì nguôi cơn khát
Giọt. Từng giọt
như người đánh thức
ngoài trời đang còn đêm
người đang ngủ, đang mơ,
đang nói mớ
Ngón tay nâng trà lên
thanh khiết
biển xa, núi biếc
chén trà nâng
nghe...
biết...
Trà đã thức
người không ngủ lại
ngày bắt đầu
ngay trong đêm.
2-5-2011
Con sâu đo
Lịch sử cân vĩ nhân
có ông tưởng nghìn cân
mà rồi bay như bụi
có ông chìm tận mấy trùng sâu
mà rồi sáng chói.
Nhưng đến lúc cũng cần cân lịch sử
lắm thứ mơ hồ
nhiều điều nông nổi
lịch sử như anh mù,
anh điếc,
anh câm
lại hay thích nói
Nguyễn Trãi vào Lam Sơn
Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”
án Vườn Vải tru di...
be bét văn bia
luật nước trang nghiêm và bố láo
năm sáu đời vua thấy chóng ghê!(1)
Lịch sử lề mề
có khi lại nhanh như lửa cháy
cái gì không thành tro
Ông nhà thơ là con sâu đo
lấy thân mình mà đo
lịch sử,
đo kích thước vĩ nhân,
châu chấu, cào cào, gió trăng, vui khổ
muốn đo vào tất cả
những rộng dài nặng nhẹ sâu nông
thân trải ra với đất
trái tim làm quả cân.
18-6-2011
-----------
(1) Thơ Phạm Thái (1777-1813).
Chữ
Đêm
mặt bàn mất trí nhớ
trang sách ngủ
chữ từng dòng nằm thở
cây đổ
mục trong rừng
rêu lên hương
Đêm
nhợt dần những vì sao
gió khởi sự
mây bắt đầu kết tụ
chữ nói mê
người ngái ngủ
ai biết mặt trời đi đằng nào
Bừng sét nổ
mưa rửa sạch từ mây đến cỏ
chữ chạy như chân người
và hát
mặt bàn hóa phi trường
bát ngát
chữ mặt trời
bay lên cao.
22-7-2009
Thơ tặng bạn thơ
Chuột và ta
thằng nào gặm sách?(1)
chuột cắn rồi nhả ra
mà ta thì nuốt
giấy có vi trùng, chữ mang độc chất
hại dạ dày là cái chắc
có khi còn đau lên thần kinh
u mê, tê liệt...
Chữ mỗi ngày một tinh,
càng tinh càng độc
chữ trên mai rùa, trên thẻ tre, gấm vóc
chữ trên đá, trên băng từ, compact
trên bằng khen thành tích, công lao
dịu như nụ hôn, cuồng như dao sắc
nhiều khi lại vừa êm vừa sắc
một lời thành ra hai lưỡi dao
Đừng tưởng làm thơ không có tội
trắc bằng lắm lối
không đưa ai qua sông
mà người chết đuối
Gặm làm gì chuột ơi!
4-6-2011
------------
(1) Lũ chuột ăn gì để sống
Suốt đêm gặm sách của ta chăng?
(Trần Nhuận Minh)
Bức tranh cuối của Bùi Xuân Phái
Thôi chẳng còn thấy biển thấy sông
phố cổ rêu phong
chẳng còn ngồi sau cánh gà vở diễn
ông Phái nằm lặng nhìn xuống chân mình. Lưu luyến
những con đường đã đến, đã đi
Ông Phái ngắm bàn chân như nói lời từ tạ
từ tạ phố phường, từ tạ bến sông
lối mòn đê cỏ may, mái chèo ì oạp sóng
tiếng vạc quệt ngang trời, mùa đã sắp sang thu
những con đường mong đến, chưa đi...
Bàn tay yếu và run nâng bút
không ngó được đâu xa thì ngó lại mình
thì tay vẽ lấy chân mà làm trăng trối
ông ngắm nghía trăm nơi
nhưng chính bàn chân mình thì ông chưa kịp tới
bàn chân trần vuông vức cần lao
những ngón xòe bấm trên mặt đất
đôi gót dày rỗ vết chông gai
bàn chân ấy thèm đi
nhưng tim ông đã đến ngày phải nghỉ
bức vẽ cuối hay lời ông năn nỉ
xin độ lượng của đời:
được ở lại bàn chân
cho lòng ông ấm mãi với đường trần.
1-1-2010
Tranh ngựa
Tặng Lê Trí Dũng
Ngựa tỏa mười phương, tranh vẫn đây
Tranh lên tiếng gọi, ngựa về ngay
Bờm đẫm sương mai, tai đẫm gió
Những đại dương mờ, những bến mây
Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút
Thân chưa khô mực, đã đường xa
Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ
Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta
Lòng ta thành bụi, thành trăng sáng
Núi lạ, đồng xa, ta với ngươi
Bụi theo nâng vó bay ngàn dặm
Trăng rọi đường phi đến tận trời.
22-3-2010
Tịnh khẩu(*)
Tặng Sư ông Thích Tịnh Từ và Kts Nguyễn Phước Thuyên
Không nói ra ngoài thân
nói vào trong da thịt
không nói thành tiếng nghe
nói thành tiếng nghĩ
không nói một ngày
nặng trong lòng
ù lỳ như đá
tâm hồn lên rêu
không nói hai ngày
không nói ba ngày
mình tự rào mình,
rồi đến nghe cũng không
xung quanh biển lặng im
mình thành cô đảo
không nói một tuần
một tháng...
không còn mình trong lòng
mình thành côn trùng đêm
thì thầm xa tít
thành vì sao trong vắt
thao thức cùng đêm thanh...
những tiếng chưa từng nghe
bấy giờ nghe hết
tiếng nghe mà chưa biết
thì lặn vào trong da
một nỗi mình nghìn nỗi người ta
miệng trao việc cho tai
tai thì thay bằng mắt
thay tiếng khóc
bằng trời xanh
gan góc
ngẩng đầu lên!
8-3-2011
------------
(*) Viện Phật học Việt Nam trong rừng Kim Sơn California, Mỹ có những khóa tu tịnh khẩu (không nói).
Thôi kệ!
Tặng N.X.H
Hai chữ Việt (Viết như tranh. Lồng kính treo sau anh) Thôi kệ! Nhìn tôi
Thôi và kệ. Kệ rồi thôi. Thôi kệ!
Sống đã là thôi kệ trăm năm
Cái tặc lưỡi cho thắng thua, còn mất
Chữ như tranh vẽ rõ mặt con người.
Muốn là được nhưng bao giờ được muốn
Người bị giam giam cai ngục. Thời gian
thành sợi xích nối hai đời một phận
Thắng hay thua thì thân cũng tội tù
Lẽ ra tôi gặp anh từ năm mươi năm trước
khi đời ta là chữ chửa thành câu
Lẽ ra...Lẽ... mà bây giờ giấy hết
mực cạn rồi. Thôi kệ! Còn ta
- Ta thở vào. Đang thở vào, ta thở
- Ta thở ra. Này ta đang thở ra!
Sư ông dạy sống phải là hít thở
Không thành sư thì ta đã thành ông
Các đứa cháu, chúng làm ta hít thở
Các cháu không thôi kệ! Nó đòi ta:
Ông phải chui vào gậm bàn, tìm bóng
Thì ông chui, mà cũng đáng công chui
Tìm bằng được, ta không thôi, không kệ
Dẫu đời mình thôi kệ! Hoàng ơi!
Thôi kệ gió. Thôi kệ mưa. Mưa gió!
Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa
Đứng trước gió nhưng lòng ta đã gió
Gió ngoài kia đâu biết gió trong này.
Ta đã sống cái thời không dễ sống
Những đêm đen nhuộm trắng tóc trên đầu
Không kệ được, thì cũng thôi.
Thôi kệ!
Bức chân dung vẽ lại cả đời người
Tôi thấy anh. Lại thấy mình. Thấy họ
Cái đời này
Thôi kệ!
Chúng mình đi.
Santa Clara, 19-1-2011
Xem đồng hồ
Vì thiếu thời gian nên phải có đồng hồ
Hay tại lắm đồng hồ nên người ta mới vội
Cái kim con làm rung cả loài nguời
Từ siêu thanh, siêu tốc đến siêu... đời
Vội đến mức người ta không kịp sống
Tiếng tích tắc vang tận vào cõi mộng
Toát mồ hôi, mê hoảng, bàng hoàng
Những nhân sâm, tê giác với ngưu hoàng
Uống từng vốc rồi đem thời gian giết
Ai giết thời gian thì người ấy chết
Thời gian cười rung bụng những kim giây.
29-5-1999
Thăm Hang Bà Côn Đảo
Vợ thì nhốt vào hang
Con thì quăng xuống bể
Tất cả cho ngai vàng
Làm vua thì phải thế
Ông Gia Long hoàng đế
Chết tám mươi đời triều
Thăm Hang Bà, tiếng thét
Còn rợn rừng nếp rêu.
4-2007
Ậm à
Thăng Long đang tiến về nghìn tuổi
Một dáng bay xanh của liễu hồ
Một nét vàng tươi
Khuôn diễm ảo
Trăng lại về soi trên cố đô
Dưới trăng lớp lớp nhà cao ngất
Vốn của người xây trên đất ta
Chiến địa hay không là chiến địa
Bé em lem luốc tối không nhà
Lịch sử - cái ông già lẩm cẩm
Hỏi suốt nghìn năm, vẫn ậm à...
13-5-2007
Thơ lúc đi đường
Đường Hà Nội quá đông
chen người chen xe
tôi đi cùng khoảng trống
lòng tôi như cánh đồng
lòng tôi thành tuyết trắng
vừa đóng băng vừa bay
Người tìm thì không gặp
gặp toàn người không tìm
đám đông thì không mặt
nào biết ai vào ai
gương mặt em thân quen
quen như hình dung
quen như mong ước
nhưng rồi tôi ngơ ngác
gương mặt này
ai khác
nhìn em không thấy em.
2-2010
Gửi sen
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
(Ca dao)
Quên bùn vội thế hả sen
Vừa ngoi khỏi nước đã chen hóng trời
Hóng mây, hóng nắng cao vời
Lả lơi gương nhụy chào mời gíó trăng.
Nữa mai tàn tạ trong đầm
Ai buông giọt lệ âm thầm khóc hoa(1)
Đâu vàng, xanh, trắng kiêu sa
Nuôi mầm, giữ gốc lại là bùn đen
Quên bùn vội thế hả sen!
9-3-2011
------------
(1) Nhớ Tản Đà: Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Trường tôi trăm tuổi
Vòm lá mới - Bóng râm xưa
trăm năm ngàn năm hay đang trưa
Chu Văn An dâng sớ chém gian thần
đã ai trông thấy sớ
bẩy gian thần là ai
chắc vua biết nhưng vua cũng sợ
mà cứu người viết sớ
thì sớ cho vào lửa
Chu Văn An về hưu.
Tôi là chú học sinh tóc bạc
trường trăm năm, tôi ngồi vào lớp
mẹ cha không còn
anh em phiêu bạt
chữ nghĩa rơi xuống đất
bò thành dây leo.
Ông Chu Văn An về trường
ngồi làm bất tử
ngực đá không còn hồi hộp thở(1)
cả gian thần và sớ
bình yên
bình yên vào lịch sử.
Bạc đầu, lại vỡ lòng bỡ ngỡ
đâu bây giờ?
đâu ngày xưa?
trăm năm ngàn năm hay đang trưa?
17-5-2008
-----------------
(1) Tượng Chu Văn An dựng trong dịp trường trăm năm tuổi.
Ngắm anh đào Nhật ở Mỹ
Xứ lạ, tới đây
yêu người hoa ở lại
cùng nắng mưa xứ này
hồn quê xa thanh khiết
trắng như màu mây bay
Trắng,
cây trắng toàn thân hoa
hoa toàn thân sương khói
gạch đá hóa mơ màng
màu hoa hay tiếng gọi
gọi mùa mây trắng xa
gọi miền quê trắng tuyết
trắng tinh khôi da diết
trắng lặng im nhớ nhà
có ông già xa nước
nhuộm tóc mình theo hoa.
21-5-2011
Sân bay
Háo hức. Tò mò. Nhớ và buồn. Lơ đãng
Những sân bay. Những chặng đời người
Mầu tóc lạ. Chân trời. Ngôn ngữ
Nụ cười hay gương mặt đăm chiêu
Không cần phải dịch
Nhân loại nơi đây thật hẹp
Năm đại châu chung một mái nhà
Biên giới quốc gia
Không rõ quốc gia
Đâu là biên giới?
Quán cà phê và chỗ trẻ con chơi
Thuốc lá và rượu ngon.
Son môi và xứ lạ
Những quầy vé bên nhau.
Những ngả chân trời.
Khác biệt những múi giờ
Chênh nhau nhiều thế kỷ
Người đi từ đỉnh tuyết hoang vu
Người đến vùng sa mạc
Chung nhau một chuyến bay
Khác nhiều tầng lịch sử.
Cất cánh thì một chỗ
Bay lên nhiều ngả trời.
5-6-2008
Ghi nhanh ở New York
Những ngọn đèn chen những ngôi sao
Trời thành sông hẹp
chảy trên cao
Da vàng. Da
trắng. Đỏ. Nâu. Đen
Mũ rộng bo. Quần bò. Cà vạt
Mắt người không cản người
bước người không cản bước
Súng bán như đồ chơi,
người ta chơi trò súng
Ngày lấn sang đêm
đêm trộn vào ngày
Bức tranh không có tranh
mỗi mặt người đều rõ
Hoa hậu và khủng long
đen, nâu, vàng, trắng, đỏ
đi theo đèn giao thông
Không thấy được chân trời
chân trời vào ý nghĩ
Sau chân trời
lại chân trời nữa
Nghĩ chân trời
lại nghĩ chân ta
Đuốc cầm ở tay người
ngoài bể
đuốc cháy không thành lửa
Người ngủ lúc đang đi
người đi trong lúc ngủ
Tôi đang ngủ
hay đi
cũng chẳng cần biết nữa
Ai không mơ
thì tỉnh với con đường.
18-10-2008
Hoa một loài cây
Trên ghềnh đá có hai đứa nhỏ
tóc đỏ nắng
áo quần tơi tả gió
Chúng nó cười. Trời thì đứng ngọ
Đôi chân đen khoắng vào mặt bể.
Bọt đại dương trắng xóa
liếm bàn chân tí hon
Bàn chân, đôi cánh chim
suốt ngày bay dọc bể
tiếng chim rao khản cổ
Trà đá, trà đá đây!
Hoa một loài cây
mọc lên từ đất
giữa giờ trưa nắng gắt
tỏa hương ra ngoài khơi.
1990
Hương mưa
Mưa rón nhẹ chân mưa
cũng đủ làm hương đêm thức giấc:
hoa bưởi góc vườn khuya
hoa móng rồng, hoa mộc
có cả vị xanh rêu,
vị đất ải
hăng hăng…
lá lộc.
Hương bay thì thầm
mà đêm thao thức
những ngày xa… tít xa
một căn nhà
mái rạ
gió hàng cau ngoài vườn trở lá
khói rơm thơm êm ả
một miền hương thời gian
Hương trong mưa
miên man
con mèo nằm lim dim
đôi tai vểnh nghe xa… yên tĩnh
Hình như đêm cũng đang lắng nghe đêm
trong lòng mưa tịch mịch
Trong lòng người giọt gianh tí tách
nhịp tay mưa
âm thầm xé rách
tiếng rách khẽ
nhưng không lành lại được
giấc mơ xưa
và giấc ngủ bây giờ.
31-12-2007
Bỗng dưng
Bỗng dưng gió, bỗng dưng ngàn
Gió rung, ngàn động, thơ tràn lên mây
Bỗng dưng đấy, bỗng dưng đây
Trinh nguyên sông suối thơ ngây bãi cồn
Bỗng dưng thương vội nhớ dồn
Một câu thơ mỏng hai hồn song song
Người về ảo cõi chờ mong
Ta mang nỗi mộng vào trong cõi đời
Chân đi đã rạc xứ người
Thì mang mộng ảo lên trời mà ru
Bỗng dưng lòng hóa sa mù
Cõi yêu cùng cõi với tù chung thân
Bao giờ thơ hóa vô tâm
Nửa ôm nhân thế nửa cầm chiêm bao
Ừ thì đất thấp trời cao
Đất không thấp nữa là lao đao trời
Ra sông nhìn nước bời bời
Mà nghe hạt cát nói lời viễn du…
26-6-2007
Sắc trắng hoa lau
Không biết ngày mai về bến cũ
Sắc lau còn trắng đợi ta không
Đá cũng mòn dần theo nước chảy
Mà trắng lau thì như tuyết bông
Thôi đừng thổi nữa bờ sông gió
Trắng quá làm ta lại buốt lòng.
2005
Thời tiết
Đêm trượt êm như nhung
ngày như sợi tơ chùng,
thời tiết
tự lòng ta thành rét
thành mưa
Bây giờ đang mưa
mà chưa vào rét
Không biết
đến khi mưa rồi rét
thì ngày ra sao?
15-11-2007
Nó đấy, trái tim tôi
Tặng giáo sư bác sĩ Nguyễn Lân Việt
Tôi được thấy tim tôi, các buồng tim đang bóp
Thấy cả mặt bên trong. Vách thất nó hơi dày
Chắc do huyết áp cao? Hay thời gian thấm mệt?
Mình khảo sát tim mình…
kể cũng hơi hoang mang.
Nó vất vả thế ư?
Suốt cả một đời người. Ghê thật!
Cái luồng huyết cuộn dòng xuôi xuống,
trườn lên
Ngay cả phút này đây ta thanh thản nằm yên
Nó vẫn vội cồn cào nhịp bóp
Những vết bệnh, tim không che giấu
Nhưng nỗi buồn thì tim cất ở đâu?
Tim đã cất ở đâu những lời không thành tiếng
Giọt nước mắt nuốt vào, niềm thức
những đêm sâu…
Ta nhìn nó, nhỏ nhoi, mà đời bao nhiêu nỗi
Nó là mình mà mình biết gì đâu.
Tôi đã thấy những chỗ vành mạch thắt
Thắt bán phần, thắt ba mươi phần trăm
Đấy cánh cửa đưa mình sang cõi khác
Tôi lặng nhìn mà không sao hiểu hết
Máy lạnh lùng đo chính xác từng li
Như giao hẹn với anh: Lịch chỉ còn có thế
Khóc hay cười hay hét toáng… Tùy anh!
Tôi nhìn trái tim mình như nhìn khách lạ
Đôi khi nó bất thường, hẫng nhịp. Vì đâu?
Tôi chưa biết nguyên nhân
cũng chưa lường kết quả
Thu đĩa đoạn phim này có thể để xem sau
Xem nó đập khi tim mình thôi đập
Nó vẫn đau khi tôi chẳng còn đau
Tôi quên hẳn trái tim mình đang bệnh
Để nghĩ trái tim này
sao nó
lại đang đau?
Viện Y học hình ảnh
CORNELL, New York
6-12-2008
Khát trùng khơi
Chiếc neo gẫy cắm trên bờ cát
Thân rỉ mòn trong đất
Nghênh nghênh đôi ngạnh ngó chân trời
Neo gãy không còn về biển
Xa sóng, nằm nghe tiếng sóng reo.
Xa sóng nằm mơ cơn bão giật
Thân neo khan lại ngập sóng triều.
Chiếc neo gãy rỉ mòn trong cát
Chôn nguyên hình nỗi khát trùng khơi.
3-7-1998
Tiếng hót
Chim trong lồng
tiếng hót bay lên không
mở tự do cho trời xanh bát ngát.
24-8-2010
Bài thơ trăng sáng
Trăng sáng do mặt trời
nhưng bài thơ trăng sáng
do lòng người sáng soi.
24-8-2010
Đàn chim di trú
Đàn chim di trú
bay qua sân bé thơ
rủ hồn tôi đi mãi đến bây giờ.
24-8-2010
Làng Canh, quê mẹ
Tặng Uyển và Vĩnh, bạn trường làng 60 năm trước
Chùa lặng bên sông, sông chảy êm
Tiếng chuông hư ảo cả con thuyền.
Tôi về quê cũ sông thành phố
Chùa cổ chìm sau chợ áo xiêm
Quê mẹ hay mình thành khách lạ
Cầu Diễn đây mà sao quá xa
Cây gạo bên đình im lặng đỏ
Rừng rực “ngày xưa” trên sắc hoa.
28-5-2011
Cháu đón sinh nhật ông
Nến nhỏ cháy
trên bánh to sinh nhật
Thằng cháu ăn bằng mắt
cái tuổi gần bảy mươi của ông
Ngọt
chắc là ngọt và ngon
Nó liếm mép
làm ông thèm
tiếc lại
những tháng ngày ông ăn hàng vốc
mà chưa biết một lần liếm mép
cái vị ngon thời gian
Mắt không chớp, đăm đăm
quên cả ông, cháu chỉ còn thấy bánh
Sinh nhật bánh. Kìa bánh đã chia ra
nhưng mẹ bảo bưng đi mời bà
mời ông, rồi mời bố.
Cháu bưng trọn hai tay
bàn chân đi rón khẽ
Ôi ông thương cái thằng cu bé
rón chân đi dù đang nóng lòng chờ
Giá, ông nghĩ, được hàng ngày sinh nhật
hàng ngày cùng cái bánh sinh ra.
Tháng 9 - 2007
Đêm thức
Tí tách mưa
Tuần sau con đi
Dằng dặc dăm năm mới lại về
Mỗi đợt bên con càng thu ngắn lại
Đêm thức một mình thì cứ dài ra.
8-9-1995
Cầu qua đại dương
Tặng bà cháu Hạnh Nhi
Cháu ngủ không ru
Thì lòng bà hát
Bà thương con vạc
Kiếm ăn quê người
Phận gái mưa rơi
Cánh đồng xứ lạ.
Đôi bàn chân bé
Đi trên địa cầu
Dung dăng dung dẻ
Cùng trẻ năm châu
Tối nghe bà kể
Hàng cau, lá trầu…
Cháu ơi nơi đâu
Tình người đùm bọc
Lọt lòng tiếng khóc
Ơn người chở che
(Ngọn đèn hạt đỗ
Bà thương bộn bề)
Mẹ cha gieo gặt
Đất nào không quê?
Đâu mà không quê
Hạt lúa, hạt mì
Đều lên từ đất
Ở đâu nước mắt
Cũng là nỗi đau
Cháu bà, con mẹ
Công dân địa cầu
Núi sông khác lạ
Vẫn người thương nhau
Đại dương rộng sâu
Bà ơi! Cháu gọi
Tiếng lên thành cầu.
Bang New Jersey, 23-12-2008
Đón giao thừa
Trong căn nhà này là nước Việt
Là đèn nhang, con cháu, giao thừa
Ngoài căn nhà này là nước Mỹ
Ngày giữa tuần, phố đã vào trưa.
Thiên hạ đi làm yên tĩnh quá
Nhà ta đón Tết với riêng mình
Một năm gom lại bao thương nhớ
Một đời đồng bãi lũy tre xanh
Ừ vui, ngày Tết, vui cay mắt
Đời người, năm tháng... như chiêm bao
Bên kia: làng nước, đây: con cháu
Sóng Thái Bình Dương nó thế nào.
California, Tết Ất Dậu
Với cháu
Trước yêu con
khác bây giờ yêu cháu
Đi công tác nhớ con nung nấu
nhưng về nhà, lúc cáu, đét mông con
Với cháu bây giờ đến mắng cũng không
không đủ sức
bởi lòng mình vịn nó
như vịn đời
thương khó
âu lo…
Nhiều khi ôm cháu chặt
mà thấy mình xa lắc
xa lơ.
17-4-2006
Đêm nghe tiếng cháu
Tặng Cu Trí
Ô... ê! Rồi nhỏ giọng dần
Cháu vào giấc ngủ, ông nằm nghe đêm
Hình như mưa xuống ngoài hiên
Gió khuya mang lạnh rít trên rặng sồi
Ngoài xa chắc biển sóng dồi
Bên kia bờ chắc mặt trời đã cao
Nhớ gì, nhớ cái cầu ao
Giấc đêm thì ngắn chiêm bao lại dài
Ở đây người cũng miệt mài
Núi cao cũng đá, sông dài phù sa
Bảo xa thì cũng là xa
Bảo thân thì cũng là nhà cháu con
Nước trôi thì đá phải mòn
Ở đâu cũng trái đất tròn dưới chân
Nhớ xa mới biết thương gần
Đục trong ai chọn cho thân phận người
Cong cong là cái đường đời
Chân lem cát bụi, lệ ngời long lanh
Cháu mơ... rồi ngủ, êm lành
Ông nghe thức cả đời mình ô... ê.
Santa Clara, 1-2011
Thơ tặng cháu
Tặng cháu Trí
Chưa biết nói, chưa biết đi
Nhưng cháu biết ông là người chơi được
Dù ông cháu mới mấy ngày quen biết
Sớm mai, từ trong buồng cháu tự bò ra
Nhìn thấy ông là bò nhanh như... cún
Ông thì ngừng những hít vào với lại thở ra
Ngồi thụp xuống xòa hai tay đón cháu
Ùa vào ông như sóng
Vịn chân ông đứng lên
Đôi mắt cháu nhìn ông như nói lại như cười
Ông bồng cháu dâng cao
Cả trái đất - lúc ấy thôi - ông chỉ còn thấy cháu
Thằng Cu Trí nhìn ông
Chừng cũng thích như nhìn mèo, nhìn chó
Nghịch đầu ông, vỗ tóc, vò tai, xoa... thích chí
Ông thì như đang uống rượu của trời
Say sưa túy lúy
Cái đầu ông ngỡ đựng toàn nhí nhố
Lại đủ làm cho cháu cười vang
Cái nụ cười bốn răng rớt rãi
Lại đủ làm cho ông có lại
Những niềm vui tưởng buột khỏi tay rồi
Dạy cho ông hiểu cái thú đời người
Lại là cháu, cái thằng bò như... cún.
Santa Clara, 4-1-2011
VanVN.Net - Tối ngày 8-10-2011 trong khuôn khổ Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung, các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học về dự hội thảo đã có cuộc gặp gỡ và ...
VanVN.Net - Ðồng chí Lê Ðức Thọ, nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng, "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng", đặc biệt ...
VanVn.Net - Chàng hẹn nàng đến, thần sắc của chàng tỏ ra nghiêm trang, chàng nói: “Anh có việc quan trọng muốn nói với em!” Nàng rất hiểu chàng, nhìn thấy vẻ mặt chàng nghiêm túc, nàng bỗng bật cười, nàng ...
VanVn.Net - Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải ...
VanVn.Net - Chiều nay, 12/10/2011, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới, trong đó có Vịnh Hạ Long (Việt Nam). Chương trình bầu chọn này có sự phối ...
VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn