Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

"Cơn mưa rào đen nhánh" - Trần Quốc Toàn

04-10-2011 08:24:11 AM

VanVn.Net - 1. Nửa đời rồi, những lần hớt tóc dạo, hớt tóc tiệm, hớt tóc thanh nữ đã lên số trăm số nghìn, vậy mà tôi vẫn còn ngù ngờ về cái nghề rất cổ xưa này.

Suối tóc

Ngù ngờ là bởi tự thị, có coi mấy bác phó cạo ra gì đâu, có thèm nhòm ngó tới công việc của người ta bao giờ. Nếu không chúi mũi vào tờ báo thì nhắm mắt ngủ – mình ngủ chứ không phải đêm mơ huyền ngủ mơ trên mái tóc như Bích Khê đã viết – ngủ trong tiếng ru lích chích của cái mỏ kéo cần mẫn mổ vào mái tóc đã bắt đầu tổ quạ của mình. Cho mãi tới khi hết tuổi làm đẹp thì mới ngộ ra rằng, mang tóc vào tiệm chỉ để làm đối tượng được tổng vệ sinh thì hơi bị... kém văn hóa. Người sành điệu là phải biết mang tóc đi làm đẹp. Đừng nói gì các cô, các bà, ngay các quý ông - người nào cũng râu tóc kiểu chỉn chu. Cho nên Nguyễn Tuân mới nói: "Cái người nào trong suốt một đời người mà không được ngắm một mớ tóc cho tử tế, thì cái thẩm mỹ quan của người ấy còn lung lay lắm, chưa lấy gì làm định". Cứ theo như Nguyễn Tuân thì mái tóc của ta cũng phải vì mọi người mà đẹp lên đặng xứng với cái trân trọng tử tế nhìn ngắm, mọi người hướng về ta.

2. Mẹ tôi là người vấn tóc trần. Ngày tôi thò lò mũi xanh, các bà Hà Nội hay giấu tóc giả trong khăn nhung vấn trên đầu. Các bà có điệu như vậy thì Hà Nội xưa mới có nghề làm tóc giả, nghề này sinh ra những người gánh mạch nha đi suốt ngày trong 36 phố phường vừa đi vừa rao "Ai... tóc rối đổi kẹo". Đó là nghề làm sạch môi trường từ khi vấn đề môi trường chưa được đặt ra, biến các nùn tóc rác, tóc chết có thể nút chặt các lỗ cống, thành thời trang tóc sóng và mượt. Bọn trẻ lo nguyên liệu đầu vào cho nghề này, đâu biết mình đã góp phần làm sạch môi sinh, làm đẹp cho những người mẹ vì con mà tóc bạc, tóc rụng! Chỉ biết tóc rối đổi được kẹo mạch nha cây, cầm tay mút như mút kem. Thứ quà lúa non chân quê này theo đường tóc có mặt quanh năm, bất chấp ngày đông tháng giá. Giữa mưa phùn gió bấc mà ba bốn môi son một kẹo ngọt thì kẹo ấy nóng lên. Nóng như mãi sau này được lùa tay vào tóc ai mà tìm tình yêu.

3. Tính trong các bộ phận "đối ngoại" của cơ thể, giúp người ta làm đẹp, được việc nhất là mái tóc. Để làm đẹp tóc có thể dài ra hoặc ngắn lại. Có thể buông lơi, lại có thể thắt bím. Có thể búi để tạo khối, cũng có thể uốn tạo mảng, tạo sóng. Đã biết làm đẹp thì tóc có khác gì thứ mỹ phẩm quý mà cha mẹ đã cung cấp miễn phí. Thứ mỹ phẩm mềm mại để có thể kết thành hai bím đuôi sam khoe ra cổ kiêu ba ngấn, có thể rủ xuống che bớt vầng trán bướng bỉnh, có thể xõa ra trên má, giấu đi một vết sẹo mờ còn vương lại từ thời ấu thơ. Trong khi mắt biếc, mũi thanh, môi son, má phấn... chẳng cơ phận nào vì nhiệm vụ làm đẹp mà chịu biến đi thì tóc lại dám... "xuống tóc" tạo mốt thể thao kiểu Ronando, mốt thánh thiện của các chân tu nam và nữ.

4. Tôi đã bật khóc khi Phăng Tin, mẹ của Cô Dét (các nhân vật trong “Những người khốn khổ” của Victor Hugo) phải ra đứng đường kiếm tiền nuôi con và bị một khách làng chơi lột mũ bêu riếu cái đầu trọc lốc. Vậy ra, tóc mai sợi vắn sợi dài... không chỉ là những sợi đẹp. Có cả bi, cả hùng trong những sợi đàn bà kia. Danh họa Bùi Xuân Phái chẳng đã âm thầm dùng tóc rêu mái phố trong tranh mình, kình chống những bom tạ bom tấn Mỹ đánh xuống Hà Nội đó sao. Nhưng thú vị hơn khi chính tóc trên đầu một người đẹp hóa thành đại bút mà xuống màu trong văn Nguyễn Tuân: "...chị Hoài mỗi lúc vừa nằm xuống rất nhẹ nhàng thì cả một mớ tóc trần quấn rất chắc ấy đổ tung xuôi xuống như một trận mưa rào đen nhánh. Rồi mớ tóc mây dài một sải rưỡi ôm lấy gáy, ấp lấy bả vai".

Tiếng mưa đen nhánh kia nói giúp ta về nỗi khát thèm được ôm, được ấp.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn