“TÀU KHÔNG SỐ” VỚI MẬU THÂN NĂM 1968
"...Sau những chiến công mùa khô năm 1967, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp, nhận định: địch đã bị thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược "chiến tranh cục bộ", chúng đang bị động lúng túng về chiến lược, chiến dịch.Trung ương chủ trương chỉ đạo các chiến trường khắc phục khó khăn, tích cực hoạt động quân sự Thu- Đông, nhằm đẩy địch vào thế bị động sa lầy hơn nữa, tạo thế và lực cho ta đón thời cơ, giành thắng lợi quyết định.
Năm 1967, lực lượng Mỹ nguỵ từ chuẩn bị phản công, giành thế chủ động phải quay về phòng ngự bị động. Cuốí năm 1967, lực lượng vũ trang quân giải phóng có 7 sư đoàn, 15 trung đoàn, 50 tiểu đoàn độc lập ; lực lượng vũ trang địa phương có 55 tiểu đoàn, 17 đại đội, 144 trung đội độc lập và 30 mươi vạn dân quân tự vệ.
Từ tình hình trên, tháng 12 năm 1967, Bộ chính trị họp và nhận định :"Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược". Và Bộ chính trị quyết định "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định... Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách lúc này là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để dành thắng lợi quyết định".
Được Bộ chính trị giao nhiệm vụ, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã vạch phương án tổng công kích và tổng khởi nghĩa, xác định: cùng với đòn tấn công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố, quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị Thiên, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn.
Thời gian tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa được chọn vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968. Đây là thời điểm có nhiều yếu tố bất ngờ nhất.
Đêm 30 rạng mồng một tết Mậu Thân ( 31 tháng 1 năm 1968), cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta ở miền Nam nổ ra.
Để tiếp tế vũ khí cho quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 nhận được một kế hoạch "tuyệt mật" từ Bộ Tổng Tham mưu. Theo kế hoạch đó, Đoàn 125 chuẩn bị bốn tàu, xuất phát ở bốn địa điểm khác nhau nhưng cùng vào các bến trong một đêm. Tàu nào không vào được thì nghi binh, thu hút địch để tàu khác vào.
Sau khi cân nhắc, tính toán, chỉ huy Đoàn 125 chọn 4 tầu là 165, 235, 56 và 43 làm nhiệm vụ đặc biệt này.
Tầu 165 sẽ vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), tầu 235 sẽ vào Hòn Hèo (KHánh Hoà); tầu 43 sẽ vào Đức Phổ (Quãng Ngãi) và tầu 56 sẽ vào bến Lô Giao (Bình Định).
Nhận rõ mục đích và ý nghĩa của chuyến đi đặc biệt quan trọng này, cán bộ, thuỷ thủ các tàu đều phấn khởi và quyết tâm cao. Phương châm trong lần đột kích này là: Dũng cảm, thận trọng, táo bạo, ngoan cường.
Nhằm thực hiện ý đồ chiến thuật, từ ngày 25 tháng 2, các tầu 165, 56, 43 và 235 lần lượt nhổ neo. Tầu 165 rời bến đêm 25 tháng 2 ; tầu 56 rời bến đêm 26 tháng 2 ; hai tầu 235 và 43 rời bến chậm hơn, đêm 27 tháng 2.
Ngay đêm các tầu xuất phát, Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo tình hình địch trên biển cho chỉ huy Đoàn 125. Tại sở chỉ huy Đoàn 125, Tư lệnh quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát ; phó Tham mưu trưởng Kim Sang và các cán bộ chỉ huy của Đoàn thường xuyên có mặt, để giúp các tàu xử lý mọi tình huống. Thông tin trực 24/24. Mọi người hồi hộp đón nhận từng tín hiệu từ các tàu đánh về. Không khí trong sở chỉ huy đoàn 125 hết sức căng thẳng. Các cán bộ của đoàn, chính uỷ Võ Hồng Phúc, quyền đoàn trưởng Huỳnh Công Đạo, trợ lý tham mưu Trần Phong... hầu như không ngủ. Ai cũng hồi hộp lo âu.
Mấy đêm kế đó, lần lượt các tàu đều điện về:" Chúng tôi gặp địch"
Cuộc chiến đấu của bốn con tàu Đoàn 125 với hạm đội 7 và Hải quân ngụy đã xảy ra...Và, bốn con tàu ra đi, chỉ một tầu 56 trở về. Cuộc chiến đấu của tầu 43, tầu 165 và tầu 235 đã nói lên sự khốc liệt, khó khăn của công tác vận tải chi viện chiến trường trên tuyến đường biển. Song các con tàu của Đoàn 125 đã hành động vượt xa sức tưởng tượng bình thường, đã chiến đấu xuất sắc và giành thắng lợi. (Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân- tức đoàn tầu không số- Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân- Năm 2001)
Tàu 235
Cách đây hơn hai chục năm, tôi và Lê Đức Do có chuyến làm phim về “tầu không số”. Từ Nha Trang, chúng tôi đi nhờ xuồng của dân Ninh Vân để về Hòn Hèo. Hòn Hèo là tên chung chỉ vùng biển và dãy núi chạy qua hai xã Ninh Phước, Ninh Vân thuộc tỉnh Khánh Hòa. Hòn Hèo cách Nha Trang khoảng hơn chục cây số đường biển. Nơi đó thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã hi sinh cùng con tàu 235 cách đây hơn bốn mươi năm . Địa thế Hòn Hèo phức tạp, lắm mỏm núi nhô ra biển, nhiều đá ngầm, luồng hẹp. Một tài liệu của Pháp nói rằng muốn ra vào Hòn Hèo không mắc cạn, phải là những tay thuyền trưởng lão luyện, có trên dưới hai mươi năm tuổi nghề. Vậy mà Phan Vinh đã đưa được tàu vào đó. Vào ban đêm. Nhưng đêm ấy, đêm 29 tháng 2 năm 1968, vùng Hòn Hèo sáng trắng ánh đèn dù. Gần chục chiếc tàu chiến của Mỹ và ngụy bao vây phía ngoài, chặn lối tàu ta. Biết bến đã lộ, Phan Vinh thực hiện phương án hai, cho thả hàng xuống Ninh Phước, để bến mò vớt sau. Các kiện hàng được bao gói đặc biệt, lần lượt lăn xuống biển. Xong việc, anh đưa tàu xuôi xuống Ninh Vân, cách đó độ mười hải lý, nhằm không để lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi bám, bắn theo không ngớt. Tàu 235 ở vào tình thế gay go. Phía trước núi chắn. Sau lưng, bẩy tầu chiến của địch chặn ngang. Trên trời, máy bay quần lượn, thả pháo sáng, bắn rốc két. Ý định của chúng là bắt sống tàu ta. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phan Vinh, tầu 235 vừa vòng tránh, vừa bắn trả. Súng của Hà Minh Thật, của Đào Quang Ty, của Nguyễn Văn Phong liên tục nã đạn về phía tầu địch. Một chiếc bốc cháy. Đội hình địch rối loạn. Lập tức chúng lùi xa hơn, bắn pháo lớn. Cuộc chiến mỗi lúc một quyết liệt. Lúc này tàu 235 đã có năm người hy sinh, còn lại, hầu như đều bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cũng bị đạn xước qua đầu. Anh tự băng bó, và vẫn đứng trong buồng lái, động viên mọi người chiến đấu. Nhưng tàu địch đông, có ưu thế về hỏa lực, biển lại hẹp, khó cơ động vòng tránh, đồng đội tổn thất đã nhiều, nên Phan Vinh cho tàu dừng lại ở Bãi Giữa. Biết không thể phá vòng vây, Phan Vinh quyết định cho nổ tầu. Anh tổ chức đưa thương binh, liệt sỹ vào bờ. Sau đó lệnh điểm hoả. Khi nhìn thấy đồng đội đã bám được vào chân núi, anh và thượng sĩ thợ máy Ngô Văn Thứ kiểm tra ngòi nổ lần cuối, rồi nhảy xuống biển, bơi vào.
Tiếng nổ dội lên. Một cột lửa bốc cao. Vùng Hòn Hèo thất kinh, đỏ rực. Bọn địch bàng hoàng ngơ ngác. Tạp chí “Lướt sóng” của Hải quân ngụy sau đó thú nhận: “… Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam cộng hòa đã đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt cộng gan góc và thiện chiến (thực ra chỉ có hai mươi thủy thủ) trên một con tàu lớn chở chiến cụ từ miền Bắc thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng chục tấn bộc phá do chính tay họ tự huỷ, không để lại dấu vết trên biển”
Còn đài "Tự Do" của ngụy thì tường thuật: "… Các phi tuần, trực thăng, khu trục võ trang được gọi đến bắn phá. Lực lượng tăng viện đến thì cuộc lục soát bắt đầu. Một toán từ phía bắc xuống, một nhóm từ dọc đồi phía nam tiến lên, một lực lượng khác gồm bốn tầu dàn hàng ngang tiến vào vịnh. HQ12, HQ617 tiếp tục bắn phá vào sườn núi yểm trợ, nhưng chỗ này có nhiều đá ngầm và san hô nên bốn tầu này đều bị cạn, các chiến sỹ đành xuống nước vào để hợp lực với lực lượng trên bờ... "
... Trời đã chiều chiều, nhưng rõ ý định của chúng tôi, chủ tịch xã Ninh Vân, Trà Thái Lâm sốt sắng điều xuồng máy và đưa chúng tôi đến vị trí tàu nổ. Anh phàn nàn:
- Các anh là những người đầu tiên tới đây sau vụ đó. Ngỡ trên quên chớ! Một phần tư thế kỷ rồi...
Vâng, đã hai mươi ba năm đằng đẵng! Đã hai mươi ba lần lá rụng, hai mươi ba lần những mầm non nhú lên... Anh trách là phải, anh Lâm, chúng tôi không quên đồng đội của mình, nhưng hãy hiểu cho chúng tôi, chúng tôi chỉ là người lính. Vâng, lính trơn...
Đến sát một mỏm núi đá, xuồng dừng lại.
- Đây là Bãi Giữa !- Trà Thái Lâm nói và chỉ tay về phía trước.
Chúng tôi cùng nhìn xuống. Lập lờ dưới mặt nước, những khối sắt han rỉ nằm lặng phắc. Đây là mũi tàu hay khoang máy? Còn dấu tích nào của đồng đội chúng tôi vẫn ẩn chìm dưới đó? Có cái gì cay cay nơi sống mũi, chúng tôi bỏ mũ, lặng im… Lẫn trong tiếng sóng nhẫn nại dè dặt đập vào bờ đá, chúng tôi nghe hình như có cả những hơi thở gấp gáp, những tiếng nói đứt nối từ đâu vọng tới. Chiều tà, man mác, se lạnh…
Theo hướng dẫn của anh Lâm, chúng tôi men lên ngọn núi đá và không mấy khó khăn để nhận ra đài chỉ huy của tàu 235 lút chìm giữa gai rậm, cỏ lác. Sức công phá của khối thuốc nổ mạnh đến vậy sao? Chính trong khoang thép này, đã nhiều lần Phan Vinh điều khiển con tàu luồn lách qua đá ngầm, qua tuyến phòng thủ của địch chở vũ khí vào chiến trường và cũng trong khoang máy này anh và đồng đội đã giật ngòi nổ để một cột lửa bùng lên giữa biển khơi… Gần hai mươi lăm năm rồi mà những gì đập vào mắt cứ khiến chúng tôi nao cả lòng. Xác tàu, một nửa văng lên đang rã nát nằm chỏng chơ lưng chừng sườn núi Bà Nam này, một nửa biển ngậm dưới kia, còn anh, anh nằm nơi nào, Phan Vinh?…
Chiếc máy trong tay Lê Đức Do run run. Tôi rõ đồng nghiệp của mình đang xúc động. Hai mươi ba năm rồi mới có những thước phim về các anh, cũng là quá muộn...!
Ngậm ngùi, chúng tôi chỉ biết cùng anh Lâm và bà con Ninh Vân thắp cho các anh và con tàu một nén nhang....
Khi hương đã tàn, ngồi bên xác nửa con tàu, người chủ tịch xã kể:
- Thời đó, tôi mới tám tuổi, nhưng còn nhớ rõ. Sau khi tàu nổ, có hai người bị dạt vào chân núi này. Một người trong họ đội mũ nồi, mặc áo bludông giả da. Bọn địch tung quân lùng bắt ráo riết. Nhưng hai anh đánh trả dữ lắm. Gần sáng, không nghe tiếng súng nổ nữa. Và khi bọn địch mò tới được chỗ hai người, họ đã tắt thở. Hằn học, chúng tưới xăng vào và...châm lửa đốt.
Anh Lâm lẳng lặng dẫn chúng tôi tới một phiến đá hơi lõm xuống cách mặt nước chừng ba mươi mét. Thời gian không làm mất dấu tích tội ác kẻ thù. Tảng đá vẫn còn đen vết cháy. Tôi bật hỏi chủ tịch xã Trà Thái Lâm:
- Anh có biết gốc tích con tàu này và những người đã ngã xuống đây là ai không ?
- Cũng... Không rành... - Người chủ tịch thật thà đáp.
Tôi chạnh buồn. Nhưng Trà Thái Lâm không thể là người đáng trách. Trên đường trở lại thôn Đầm Vân, tôi cứ ước ao rằng, giá chi nơi đây, bên sườn núi Bà Nam này có được một tấm bia ghi lại sự tích về con tầu 235 và tên tuổi mười lăm đồng đội của chúng ta đã bỏ mình nơi đây. Có tấm bia, để khi những mảng thép kia có vụn tơi cùng thời gian, thì từ ông chủ tịch đến người dân thường vẫn đều biết, để con cháu đời sau ghi nhớ rằng, chính những con người đã ngã xuống mảnh đất này, những con người mà hài cốt của họ vẫn vất vưởng, chưa rõ nằm ở nơi đâu, đã làm nên con đường vận tải chiến lược trên biển đông có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Vâng, một tấm bia như thế không nhiều hơn số tiền liên hoan mừng công của một cơ quan bình thường đâu!
- Anh Lâm này, người đội mũ nồi, mặc áo bludông là anh hùng Nguyễn Phan Vinh đấy - Tôi buột nói.
- Hả ? Anh hùng ?...
Trà Thái Lâm quay lại, tròn mắt nhìn tôi. Và nằng nặc đòi tôi kể cho nghe tỷ mỷ những gì đã biết về con tàu, về những thuỷ thủ, về những chuyến đi của họ. Chuyện ấy thì tôi rành. Chính anh Long An, anh Lâm Quang Tuyến, và anh Lê Duy Mai, ba người trong số năm người của chuyến đi ấy còn sống sót trở về, đã thuật lại cho hay. Anh Tuyến đã kể: “Tàu 235 chúng tôi có tất cả 21 thuỷ thủ. Nhưng khi chuẩn bị nhổ neo, Ngô Dầu bị viêm phổi, phải vào viện, nên đội hình còn hai mươi anh em. Tàu do anh Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng, anh Nguyễn Tương làm chính trị viên, anh Đoàn Văn Nhi và anh Vũ Tá Tu làm thuyền phó. Máy trưởng là anh Ngô Văn Thứ; máy hai là Trần Lộc ; thợ máy là Vũ Long An và Nguyễn Minh Hải; thợ điện : Lê Duy Mai ; báo vụ: Phạm Trường Nam, Doãn Quang Ruyện ; ra đa: Trần Thọ Thuyết ; Thuỷ thủ phụ trách súng 14 ly 5: Nguyễn Văn Phong, Đào Quang Ty; Thuỷ thủ bắn súng DKZ: Hà Minh Thật; cơ yếu : Nguyễn Văn Dũng ; y tá: Hoàng Văn Hoà ; lái tầu: Mai Văn Khung và tôi: Lâm Quang Tuyến.
Đêm 29 tháng 2 năm 1968, khi vào đến hải phận Khánh Hoà, tàu chúng tôi bị ba tàu chiến mà sau nay mới hay rằng đó là tàu Ngọc Hồi, tàu HQ12, tàu HQ617 và bốn tàu khác thuộc duyên đoàn 25 bao vây. Nó muốn bắt sống tàu ta. Anh Phan Vinh có ý định đưa tầu xuyên vào đội hình tầu địch, phá vòng vây, nhưng rất không may cho chúng tôi là, vào thời điểm ấy, anh Vũ Long An báo cáo rằng, máy đã hỏng nặng. Việc đột kích ra khơi không thành. Lúc này đã là hai giờ ngày mồng một tháng ba. Tàu cách bờ hai trăm mét, anh Vinh phát lệnh cho tử sỹ và thương binh rời tàu. Số còn lại, cài kíp nổ, phá tàu. Lúc đó anh Vinh, anh Thứ đã bị thương nặng, nhưng vẫn chui vào khoang máy đặt giờ nổ…”
Anh Lê Duy Mai kể: “Nhận lệnh thuyền trưởng, tôi mở van khí ép bơm xuồng cao su để anh em thương binh đưa tử sĩ vào bờ. Ở lại tàu chiến đấu lúc ấy có thuyền trưởng Phan Vinh; anh Mai Văn Khung, phụ trách hàng hải; anh Thứ, anh Long An, anh Trần Lộc phụ trách máy; pháo thủ Nguyễn Văn Phong; anh Hà Minh Thật phụ trách DKZ , và tôi thợ điện. Đã bao năm rồi, nhưng tôi vẫn không sao quên được mệnh lệnh cuối cùng lúc đó của thuyền trưởng Phan Vinh: “Đánh bộc phá tại tàu!”. Đánh bộc phá tại tàu!, đồng nghĩa với hy sinh con tàu bằng lượng thuốc nổ hơn 100 ki lô gam mà chúng tôi đã cài sẵn. Nhận lệnh, anh Thứ, anh Long An, anh Hà Minh Thật vội đến các vị trí đã phân công , điểm hỏa. Tôi thốc xuống cầu thang, vào khoang máy và gặp anh Trần Lộc ở đấy. Thấy đầu anh quấn băng trắng, tôi nói: “Anh bị thương, tôi thay anh đánh bộc phá khoang máy sau” . Tình hình hết sức hiểm nghèo, nhưng thuyền trưởng Phan Vinh, dẫu lúc đó đã bị thương, vẫn bình tĩnh đi kiểm tra và động viên anh em. Đến khoang máy sau, anh hỏi: “Chắc ăn chưa?”. Tôi đáp: “ báo cáo, chắc!”. Đèn tín hiệu điểm hỏa bật sáng, chúng tôi rời tàu. Khoảng hai giờ ba mươi phút ngày mồng một tháng ba, một cột lửa bùng lên. Sức công phá của một tấn thuốc nổ chặt con tầu ra làm hai, một nửa chìm xuống nước, nửa còn lại văng lên núi. Sau phút bàng hoàng, địch gọi pháo từ biển bắn vào, gọi máy bay trên trời bắn xuống. Rồi cho lính đổ bộ lên bờ. Chúng tôi chia làm hai tốp, tốp một do thuyền trưởng chỉ huy. Anh Vinh, anh Thứ và các anh trong tốp này chỉ có súng AK và lựu đạn, nhưng đánh trả quyết liệt. Địch phải tăng viện binh. Trời chưa sáng rõ, lính ngụy, lính nam Triều Tiên từ trực thăng đổ xuống, từ biển mò lên. Chúng rải quân khắp núi Bà Nam. Anh Vinh, anh Thứ và các anh ở tốp đó xoay trở bắn đến viên đạn cuối cùng và tất cả hy sinh... Tốp thứ hai, do Thuyền phó Đoàn Văn Nhi chỉ huy. Tốp này gồm có tôi tức thợ điện Lê Duy Mai; thợ máy Vũ Long An, thuỷ thủ Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong, Mai Văn Khung và Lâm Quang Tuyến... Tất cả đều thương tích đầy mình. Địch lùng rất dữ, nên anh em chúng tôi dìu nhau, chạy vòng vo khắp vùng núi đá Hòn Hèo. Mười ngày phơi dưới nắng gắt, không lương thực, không nước uống, chúng tôi quắt tóp, kiệt quệ. Ngày thứ mười một, Khung khát nước không chịu nổi, bèn lần xuống núi. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, vẫn chẳng thấy về. Chúng tôi cử An và Thật đi tìm, nhưng cũng không biết tin tức gì. Sau này mới hay, Khung đã bị địch bắt. Ngày thứ mười hai, Anh Nhi lúc này đã yếu lắm, không có khả năng đi được xa, nói với chúng tôi: “Đừng vì mình mà loanh quanh ở đây. Hãy tản ra, cố tìm cho được du kích. Mình chờ mọi người ở đây”. Tôi nói: “Không, chúng tôi không bỏ anh. Anh em sẽ thay nhau dìu...”. “Đừng yếu đuối. Nấn ná là không còn người trở về Đoàn báo cáo. Thương mình thì hãy đi đi... Mệnh lệnh đấy”. Chúng tôi đành gạt nước mắt, chia tay anh. Mấy anh em lại luồn rừng mò mẫm đi. Đi suốt ngày suốt đêm. Có lúc gặp thú dữ, phải ngồi chụm lưng vào nhau, canh chừng. Rồi cũng gặp được người của bến. Việc đầu tiên là tuông đi tìm anh Nhi. Nhưng nơi bìa rừng ấy, nơi thuyền phó Đoàn Văn Nhi chia tay chúng tôi chỉ còn mảnh áo rách và cuộn băng cá nhân, máu đã nỏ khô. Chúng tôi chia nhau sục từng hốc đá, bụi rậm vẫn không thấy. Sau đó với sự giúp đỡ của du kích, chúng tôi quay lại Ninh Vân tìm xác đồng đội. Chôn cất anh em xong, chúng tôi dìu díu nhau vượt Trường Sơn trở lại miền Bắc. Sáu tháng sau về đến đơn vi”.
Tôi kể lại chuyện đó với Trà Thái Lâm. Trà Thái Lâm ngồi lặng. Đôi mắt dõi ra biển.
Đêm đó hình như chủ tịch xã không ngủ. Chừng ba giờ sáng, anh đánh thức tôi:
- Này, có thể làm được việc ấy không?
Tôi ngơ ngác:
- Việc gì?
- Còn việc gì nữa! Làm cái bia tưởng niệm anh Vinh và mấy anh đã hi sinh nơi đây…
Tôi nhổm dậy, nhìn anh. Có cái gì đó thoáng chạy qua tôi, thật xúc động. Lâng lâng, tôi không ngủ lại nữa. Tôi lắng nghe tiếng sóng ngoài biển đang triền miên mài lên bãi cát làng Đầm Vân.
Ý nguyện của chủ tịch xã Trà Thái Lâm muốn có cái bia tưởng niệm tàu 235 ở Hòn Hèo, được tôi báo cáo lại với Ban chỉ huy Đoàn 125. Anh Phan Điển, hồi đó là Lữ đoàn trưởng hết sức ủng hộ.
Mấy năm sau, tôi được biết, đồng đội của Nguyễn Phan Vinh ở lữ đoàn 125 đã làm cái điều mà ông chủ tịch xã Ninh Vân ao ước: Xây bia tưởng niệm tàu 235 ở đấy. Bia tưởng niệm ghi lại chiến công của tầu 235, và ghi đủ tên tuổi, quê quán mười lăm cán bộ, thuỷ thủ đã hi sinh tại Hòn Hèo đêm mồng 1 tháng 3 năm 1968 . Nhưng cùng với tin vui là một tin rất buồn: nửa con tàu 235 trên núi Bà Nam đã bị bọn buôn sắt vụn lấy trộm. Dẫu đã thu hồi, gom lại, nhưng đâu còn được nguyên vẹn như cũ...
... Hôm sau, chúng tôi lần sang Ninh Phước. Bác Phạm Kiệm và ông Phạm Duy Y, cựu chủ tịch xã kể lại rằng, những ngày đó có một thủy thủ bị lạc lên mạn này, trong người còn hai trái lựu đạn. Ban ngày, anh xuống biển, đội nón mê vờ làm người cào hến; tối đến tìm hang đá lẩn tránh. Bọn địch truy lùng rất gắt. Bà con theo dõi từng bước để chở che. Rồi một hôm, anh bị chúng phát hiện. Chúng hò hét đuổi rượt vây bắt. Nhưng rõ anh còn vũ khí, không tên nào dám vào gần. Bất lực, chúng bắn như đổ đạn. Anh bị thương vào chân, nhưng vẫn cố lết về hướng núi. Từ đó, không ai nhìn thấy anh nữa. Mười năm sau, bình yên trở lại, bà con Ninh Phước đi phát rẫy, tìm thấy một bộ xương nằm trong bụi rậm, cạnh đấy vẫn còn quả lựu đạn.
Nghe chuyện, tôi giật mình tự hỏi, người đó phải chăng là thuyền phó
Đoàn Văn Nhi? Bởi theo như lời năm chiến sĩ sống sót trong chuyến ấy trở về kể lại thì hình như anh bị lạc sang hướng Bắc. Tôi chợt nghĩ, không rõ đã có những cấp nào lo đến việc này? Hay chí ít cũng trở về đây để tìm hiểu cho tường tận?
Lại thêm nấm mồ nữa của đồng đội chúng ta “vô danh”.
Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên họ, đừng quên những con người như thế! Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên cuộc chiến đấu khốc liệt vừa qua!
Gia đình người anh hùng
Sau chuyến đi làm phim về, tôi có viết về trận chiến đấu của các chiến sỹ của tàu 235 ở Hòn Hèo. Bài báo đã có tác dụng. Nhiều gia đình, thân nhân của các thuỷ thủ, sau chiến tranh chỉ nhận được tờ báo tử : “Hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam” thì nay đọc báo, vỡ ra mọi lẽ. Họ rõ được chồng mình, cha mình, anh mình, con mình hy sinh ở đâu và hy sinh trong trường hợp nào. Cháu Yến con gái máy trưởng Ngô Văn Thứ mừng mừng tủi tủi khoe rằng, cháu vừa đưa mẹ lặn lội vào tận Đầm Vân tìm mộ bố...
Hồi vào Hòn Hèo lần thứ hai, chủ tịch xã Ninh Vân, Trà Thái Lâm đưa cho tôi lá thư gửi từ Hải Phòng vào, bảo:
- Anh đọc đi!
Tôi nhận ra đây là thư của gia đình anh Võ Tá Tu, thuyền phó tàu 235 đã hy sinh cùng Phan Vinh và Nguyễn Tương đã gần 30 năm tại Ninh Vân này. Gia đình nhờ ông chủ tịch xã cho biết hiện giờ mộ đồng chí Võ Tá Tu nằm ở đâu, và nếu có mộ chí thì đó là hài cốt được chôn cất hay chỉ là mộ đất tượng trưng. Gia đình cũng thiết tha xin vào thăm, để chí ít được biết nơi con em mình đã ngã xuống.
Tôi trả lại chủ tịch xã lá thư và thông cảm được tâm trạng anh.
Không chỉ một trường hợp thuyền phó Võ Tá Tu, hiện thuyền trưởng Phan Vinh nằm lại nơi đâu, chính trị viên Nguyễn Tương ngã xuống mép biển hay lưng chừng núi, ngôi mộ vô danh nơi xã Ninh Phước có phải là của thuyền phó Đoàn Văn Nhi? Và hốc đá, bờ cỏ nào còn ẩn giấu hài cốt các chiến sĩ tàu 235, vẫn là ẩn số. Cuộc chiến đã qua gần ba mươi năm, nhưng những vấn đề của chiến tranh đâu đã thôi day dứt!
Trong đợt đi làm phim về đoàn “tàu không số” cách đây gần 20 năm đó, tôi đã tìm đến gia đình anh Phan Vinh, anh Nguyễn Tương, cũng là để góp phần giải tỏa day dứt, chí ít là cho chính mình?
Phan Vinh chẳng còn bố, cũng chẳng còn mẹ. Tháng 3-1968 anh hy sinh ở Hòn Hèo thì cuối năm ấy, người du kích Nguyễn Đức Mẫn, bố của Phan Vinh cũng hy sinh trong một trận chống càn tại quê nhà. Mẹ anh mất sớm hơn. Năm 1963. Bà bị địch bắt vì những hoạt động cách mạng. Và bọn chúng đã tra khảo bà đến kiệt lực. Năm bà ra đi cũng là năm người con trai thứ hai, Nguyễn Đức Lân ngã xuống trên chiến trường Quảng Nam. Một gia đình, bốn liệt sĩ. Anh Nguyễn Đức Xử, người anh duy nhất còn lại của Phan Vinh tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tưởng niệm người anh hùng, gia đình và chính quyền xã cùng xây cất. Khi chúng tôi muốn có một vài kỷ vật của Phan Vinh, anh Xử lấy làm tiếc kể rằng trước lúc hi sinh, Phan Vinh có gửi thư về. Nhưng do chiến tranh, do di chuyển nhiều, lá thư đó, anh đã cố cất giấu, nhưng cũng chẳng giữ được.
Rất may, những năm sau, tôi gặp được một người có nhiều kỷ niệm với Phan Vinh. Đó là anh Trần Phong. Hai người, Trần Phong và Phan Vinh là đôi bạn thân. Họ cùng quê Quảng Nam. Cùng tập kết ra Bắc. Cùng đi học Trung Quốc. Cùng về Hải quân làm thuyền trưởng. Và sau đó cùng là cán bộ đoàn “tàu không số”. Năm 1963, sau hai lần đưa tầu 55 vào Bến Tre và Cà Mau, Trần Phong được rút lên làm trợ lý tham mưu, thì chính Phan Vinh là người “tiếp quản”, làm thuyền trưởng con tàu đó.
Anh Trần Phong tiếp tôi tại ngôi nhà nhỏ, trong một hẻm nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Là người gắn bó lâu năm với con đường biển, gắn bó lâu năm với Đoàn “tầu không số”, nên anh biết nhiều điều, thuộc nhiều chuyện. Cũng là con người hết sức đa cảm. Mỗi lần nhắc đến chuyện xưa, nhắc đến Phan Vinh, anh thường khóc.
- Không phải ngẫu nhiên thủ trưởng Đoàn hồi đó chọn Phan Vinh làm thuyền trưởng tầu 235, đột kích vào mũi khó khăn nhất: Hòn Hèo - Anh Phong kể - Ở Đoàn, ai cũng rõ Phan Vinh là một thuyền trưởng giỏi, gan dạ, quyết đoán. Vinh đã đi mười một chuyến, chuyến nào cũng thành công, chuyến nào cũng có những xử lý thông minh, để lại ấn tượng tốt đẹp. Thuỷ thủ rất phục, quý mến và nể trọng. Trung thực, thẳng thắn là đức tính của Vinh. So với bọn tôi, Vinh đi bộ đội rất sớm. Mười hai tuổi đã vào thiếu sinh quân... Ai ngờ chuyến ấy, Vinh mãi mãi không trở về... Trước khi đi, viết thư cho tôi còn lạc quan lắm...
Nói đến đây, anh Phong lặng đi, đôi mắt đỏ hoe. Rồi như thể cố giấu tình cảm của mình, anh đứng lên, lục tìm, và đưa cho tôi một tập thư của Phan Vinh. Tôi trân trọng đỡ lấy. Những lá thư đã ố vàng, chữ đã mờ nhòe. Tôi gắng đọc nhiều lần những lá thư đó, và mỗi lần đọc càng hiểu thêm về người anh hùng.
Lá thư Phan Vinh gửi Trần Phong khi anh mới sang căn cứ của Đoàn ở Hà Khẩu (Trung Quốc):
Phong thân.
Mình không ngờ đến nơi đây. Mùa hè đã qua mà nóng ghê, nhưng đâu có nóng bằng cõi lòng người chiến sỹ. Mọi việc ở đây diễn ra bình thường, rất mong chờ ngày " thượng lộ". Ấy thế mà cứ ăn chực nằm chờ mãi, kể cũng ê. Còn những gì tiếp theo nữa thì để lịch sử trả lời. Hẹn gặp Phong vào một ngày vinh quang. Điều đó là khẳng định!
Thằng Thanh dạo này cái bụng có phát triển không? Tất nhiên là hắn sẽ có gia đình nhỉ. Kể ra trong cuộc sống cũng lắm phiền toái, làm sao định trước được nó sẽ ra sao và đi đến đâu. Con người sẽ tìm thấy niềm vui trong mọi nẻo của cuộc sống. Mình cũng vậy, nếu không thì phải long đong.
Phong hãy giúp mình biên thư cho anh Xử. Khi nào có dịp mình sẽ biên thư sau, hoặc sẽ có dịp gặp. Mình không muốn biên thư vì mình nghĩ rằng mọi riêng tư lúc này sẽ làm cho con người khó bước tơí. Tình cảm đó có lẽ để dành cho sau chiến tranh. Bây giờ thì mình chỉ có một tình cảm duy nhất là hãy bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, con người hoàn toàn không sợ ràng buộc bởi những mối dây nào khác.
Mình vẫn khoẻ, ở đây cũng đang tiếp tục chơi trò ú tim, giống những ngày ở Hải Phòng. Nghĩa là chờ đợi. Cố nặn óc tìm ra cái gì mới, nhưng tiếc rằng khối óc cũng có hạn. Phong muốn tìm thấy Quyền hàng hải thì hỏi ông (chỗ nay thư bị mất chữ)...
Mọi việc chỉ có thế. Hẹn ngày gặp nhau có nhiều chuyện vui.
Thằng Thanh sắp cưới vợ, mình không có gì làm quà. Phong mở trong gói đồ mình để lại, lấy chiếc khăn tay, lọ nước hoa nói mình gửi tặng mối tình đó. Phong chuyển lời mình hỏi thăm và chúc mừng đôi bạn xinh đẹp ấy.
Vậy nhé. Hẹn ngày gặp nhau và nói nhiều. Gửi lời thăm Phong phu nhân và Phong hoàng tử.
Xiết chặt tay Phong.
Hà Khẩu tháng 1 năm 1968.
Và đây là lá thư cuối cùng, trước lúc Phan Vinh ra đi:
Trần Phong,
Nhân dịp xuân biên cho mày vài chữ. Chúc mày sang năm mới khoẻ mạnh, gặp nhiều may mắn. Gởi lời thăm Phong vợ và Phong con. Chúc cả nhà vui vẻ. Mọi vấn đề gì sang năm mới chúng ta hẵng nói. Bây giờ thì không thể nói và không biết nói gì.
Chỉ nhờ mày một việc. Mày lại chỗ ông Bích lấy dùm tao 100 đ (một trăm đồng). Nếu mày có được đi Hà Nội, đem lại chỗ thằng Ngũ bảo tao gửi cho nó 50 đ để ăn Tết và giúp nó khi vợ nó đẻ. Còn 50 đ thì giao cho ông anh tao, ông Xử đang học ở đại học Nông nghiệp. Nếu không đi được, mày gửi bằng bưu điện và mày biên vài chữ bảo tao không về được. Tao không biên thư vì hiện nay...(thư bị mất chữ)... Hoặc có ai về Hà Nội thì gửi, mày biết địa chỉ ông Xử hay thằng Ngũ, con Soa chứ (Nguyễn Đức Xử, Nguyễn Đức Ngũ, Ngô Thị Soa). Thế nhé, khi nào có tàu về tao sẽ mua quà cho mày. Bây giờ thì không kịp vì có nhiều lý do...
Tao vẫn khoẻ và bình thường.
Đang mong...( chỗ này thư bị mất chữ) mà chẳng thấy, buồn thiu ( thư mất chữ)
Thế nhé, chúc mày khoẻ và vui.
Thân.
Vinh
Anh Bích.
Nhân tiện có người về gửi lời hỏi thăm anh. Và sau đây nhờ anh một việc:
Lấy số tiền lương của tôi ấy mà đưa cho Trần Phong 100đ ( một trăm). Và ghi vào sổ tiền lương đã lấy ra. Vinh rất cần tiền nên biên thư này để lấy tiền, anh thông cảm nhé. Chúc anh năm mới mạnh khoẻ vui nhiều.
Nguyễn Phan Vinh
...Thuyền trưởng Phan Vinh và chính trị viên Nguyễn Tương người cùng huyện nhưng khác xã. Phan Vinh ở Điện Nam, Nguyễn Tương ở Điện Thắng. Song thân Nguyễn Tương đều đã mất. Hồi đó chúng tôi dò hỏi mãi mới tìm được nhà anh thương binh Nguyễn Văn Tỏi, em út Nguyễn Tương.
Một mái nhà lá đơn lẻ. Một mảnh vườn lưa thưa cây. Nắng và cát quây bốn bề. Trên bàn thờ, ngoài ảnh những người đã khuất là tấm huân chương độc lập hạng 3 nhà nước tặng cho ông bố và bà mẹ quá cố vì có ba người con đã hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có Nguyễn Tương.
Khi tôi muốn biết đôi điều về người anh cả Nguyễn Tương, anh Tỏi nói rằng anh không có nhiều thông tin, chỉ hay rằng anh Tương tập kết ra Bắc, lấy vợ ngoài đó. Tên chị là Nguyễn Thị Phấn. Khoảng những năm 60, nhắn tin về Điện Thắng rằng anh chị đã có một cháu trai, đặt tên là Nguyễn Trường Sơn. Anh hy sinh năm 1968... Tôi hỏi hiện cháu Sơn sống thế nào, anh Tỏi có phần buồn, nói rằng, sau khi anh Tương hi sinh, không rõ tin về cháu nữa. Muốn tìm hoặc thư cho cháu, nhưng địa chỉ chẳng rõ ràng. Anh và cả họ Nguyễn ở Điện Thắng rất muốn gặp người con trai anh Nguyễn Tương đã để lại trên đất Bắc.
Tôi nhẩm tính, năm nay Nguyễn Trường Sơn hơn 30 tuổi. Lần ấy trở về Hà Nội, tôi có viết một bài báo với dụng ý nhắn rằng, nếu đọc được những dòng này, cháu Sơn hãy viết thư và nếu có thể về ngay Điện Thắng để nhận họ hàng. Mọi người mong cháu lắm. Hãy tự hào rằng mình đã có người bố chiến đấu rất dũng cảm. Hãy tự hào rằng mình sinh ra trong một gia đình có các chú đã hi sinh hoặc đóng góp lớn lao cho cách mạng. Dẫu chưa một lần đặt chân tới, Điện Thắng vẫn là quê nội và cháu là tộc trưởng đó. Chớ quên điều hệ trọng ấy.
Bài báo có kèm tin nhắn đó không rõ có đến tay Sơn? Những dòng viết hôm nay, coi như lần nhắn tin thứ hai của một người đã có dịp đi qua quê hương anh Nguyễn Tương, bố của Nguyễn Trường Sơn.
Một điều rất thú vị, khi tôi đang viết những dòng này thì anh Trần Văn Hữu, Hội trưởng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển điện thoại cho hay, cháu Nguyễn Trường Sơn, con trai anh Nguyễn Tương, năm nay đã 50 tuổi, hiện làm giám đốc một công ty chè ở Yên Bái. Tôi vội bấm máy liên lạc... Sơn ngạc nhiên, nhưng vui lắm, rồi kể rằng năm 2001, cách đây đã 10 năm, Sơn may mắn đọc được bài báo tôi viết và nhờ vậy đã về Điện Thắng, quê hương của mình. Sơn kể, bố tập kết ra Bắc, đóng quân ở Sơn La. Mẹ người Hà Nam, tham gia thanh niên xung phong làm kinh tế trên đó. Hai người gặp nhau. Năm 1960 Sơn ra đời. Hai năm sau bố chuyển về Hải quân, sau này mới hay làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Nam. “Cháu đã về quê hai lần rồi chú ạ. Cảm ơn bài báo của chú lắm - Sơn nói trên điện thoại - Hiện mộ hai chú là liệt sỹ của cháu nằm ở nghĩa trang Quảng Nam, bởi vậy cháu rất muốn đi tìm mộ bố để quy tập về đấy. Mẹ cháu đã trên tám mươi tuổi, già và yếu, cũng có nguyện vọng như vậy, các chú giúp cháu nhé”. Tôi hứa, tôi và các anh trong hội cựu chiến binh đoàn “tàu không số”, là đồng đội của bố Sơn sẽ có trách nhiệm. Tôi cũng thông báo với Sơn rằng, tôi đã đến nghĩa trang Ninh Hòa, Khánh Hòa, hiện nay mộ anh Nguyễn Tương cùng 13 liệt sỹ trên tàu 235 chở vũ khí vào Hòn Hèo năm 1968 đã được đưa về đó. Nhưng... rất đáng tiếc là đều... “vô danh”.
Viết thêm: Cuốn sách này vừa viết xong thì tôi lại nhận được điện thoại của Sơn. Sơn khoe rằng, vừa rồi có một nhà ngoại cảm giúp đỡ, nhờ vậy Sơn đã “ gặp” được bố Nguyễn Tương. Bố nói rằng hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang Khánh Hòa. Sơn còn nói rất kỹ rằng bố nằm ở hàng nào, ngôi mộ thứ mấy. Khi chôn cất, có chiếc bi đông bên canh, nếu đưa về, nhớ mang những vật dụng ấy về theo. Tôi hỏi: Vậy bao giờ Sơn định rước bố? Sơn đáp: Bố cháu bảo rằng tháng 9 mới được đưa về. Bố muốn nằm cạnh hai chú, là liệt sỹ, tại nghĩa trang quê nhà.
Tôi điện ngay cho anh Nguyễn Bá Cường, cựu bí thư huyện ủy Ninh Hòa, nhờ xác định thông tin trên. Anh Cường điện ra nói rằng ở nghĩa trang Khánh Hòa, không có ngôi mộ nào mang tên Nguyễn Tương. Dẫu vậy, tôi vẫn cầu mong cho người con trai duy nhất của anh Nguyễn Tương tìm được hài cốt bố mình và đón về quê theo nguyện vọng của anh.
Gặp những người ở bến Hòn Hèo
Mùa hè năm 2010, để viết cuốn sách này, bằng vào sự giúp đỡ của các anh trong Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi trở lại Hòn Hèo lần nữa. May mắn và tình cờ, tôi và Tô Hải Nam gặp được anh Nguyễn Bá Cường và chị Phạm Thị Hường, hai người đã từng tham gia đón vũ khí nơi Hòn Hèo năm 1968, hiện sống ở Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa.
Từ Nha Trang, chúng tôi theo quốc lộ Một ngược lên. Quá huyện lỵ vài ba cây số, đã thấy anh Cường ngồi trên xe máy, đợi sẵn. Sợ chúng tôi không tìm ra địa chỉ, anh đi hơn 15 cây số, từ Ninh Thủy ra đường lớn đón. Chị Hường, vợ anh biết trước chúng tôi vào, vội chạy ra cửa, niềm nở vô cùng. Chưa gặp anh chị lần nào, nhưng thái độ ân cần, sởi lởi của hai người khiến chúng tôi quên đi cái nắng nóng miền trung giữa ngày hè. Chị Hường sốt sắng giục khách đi rửa tay chân, rồi tíu tít pha nước, gọt trái cây. Anh Cường chạy ra, chạy vào bật máy lạnh, kiếm thêm quạt điện. Sự chu đáo của hai người khiến chúng tôi cảm động. Chị Hường mập, lại nhanh nhẹn, nom trẻ hơn tuổi 63. Nhìn qua rõ là người phúc hậu, nhiều tình cảm... Nhà anh Cường chị Hường rộng, thoáng, ô tô vào đến tận cửa. Nhưng anh chị cứ loay hoay, như thể sợ rằng có khiếm khuyết khi đón chúng tôi. Để anh chị đỡ băn khoăn, tôi nói rằng mình vốn là lính, đã đi trọn cuộc chiến tranh chống Mỹ, và đã từng qua lại Hòn Hèo nhiều lần. Anh chị “à” lên ngạc nhiên. Song câu chuyện nhờ vậy lại trở nên cởi mở, thân tình. Khi tôi muốn biết giai đoạn năm 1968, Hòn Hèo đã chuẩn bị đón “tàu không số” thế nào, như bắt đúng mach, chị Hường vui vẻ kể:
- Năm đó tôi làm việc ở trạm xá Hòn Hèo. Một hôm mấy anh trên huyện về bảo: “Hường chuẩn bị đi nhận công việc mới nghe”. Tôi muốn biết đi đâu, làm gì, nhưng không ai nói. Hồi chiến tranh, quen với những việc đại loại như vậy rồi, nên chẳng hỏi thêm. Tôi và 6 người nữa được đưa đến Ninh Vân. Sau đó bổ sung thêm 30 du kích. Bộ phận này do ông Tư Sư, bí thơ huyện Ninh Hoà trực tiếp phụ trách. Chúng tôi dựng lán trại bên suối Ba Giao trong rừng để ở. Nhiệm vụ là hàng ngày xuống biển nắm tình hình địch, tình hình hoạt động của bọn hải thuyền, và tình hình nhân dân ở đó, rồi về báo cáo. Tôi nhớ lúc đó có hai bộ phận thay nhau làm công việc ấy. Một bộ phận do anh Hạnh phụ trách. Một bộ phận do anh Hường phụ trách. Tôi được phân công làm y tá và nuôi quân. Rồi một ngày cuối năm 1967, huyện huy động cả trên trăm người tới cứ, bao gồm bộ đội đại đội 71, đại đội 73 và dân công Ninh Phước, Ninh Vân. Hồi ấy Ninh Phước và Ninh Vân chưa tách ra làm hai xã như bây giờ. Ông Tư Sư lúc đó mới thông báo rằng, chuẩn bị đón và nhận vũ khí từ tàu của miền Bắc chở vô. Chúng tôi hồi hộp lắm. Ai cũng vui và sẵn sàng. Nhưng vì lý do sao đó, tàu không vô. Mấy hôm thì ông bí thư huyện tuyên bố cho dân công về. Hồi tết Mậu Thân, đang đêm, chúng tôi nhìn thấy trên biển pháo sáng bắn lên, rồi có nhiều tiếng súng. Gần sáng thì có một tiếng nổ lớn. Biết tàu ta vào đã gặp địch, chúng tôi được lệnh tỏa đi hỗ trợ anh em thủy thủ. Lúc ấy trực thăng đổ quân xuống bao lấy vùng Hòn Hèo. Chúng rất đông. Có cả lính Đại Hàn. Trận càn này có quy mô lớn. Ngoài biển thì tàu chiến, trên núi thì bộ binh. Đạn bắn ra như mưa. Hôm đó chạy càn, tôi lạc đơn vị, mấy ngày lang thang trong rừng. Đói đã đành, nhưng khát mới đáng sợ. Phải hứng từng giọt nước nơi khe đá rỉ xuống để uống. Đêm sau, tôi thiếp đi bên một con suối cạn. Lúc tỉnh dậy, thấy lính Đại Hàn ngay cạnh, gần đến mức nhìn rõ cả nốt tàn nhang trên mặt từng thằng; vỏ đồ hộp chúng ném ra, rơi ngay vào đầu. Nghĩ rằng chuyến này chắc chết. Năm đó mới hai mươi tuổi, chết thì uổng quá, Với nữa chết ở đây chắc đồng đội không biết mà mang xác về. Vậy mà may mắn thoát. Ngày thứ ba lần về đến đơn vị. Nhưng lán trại đã bị đốt trụi. Đói. Khát. Và mệt... Hôm sau nữa thì gặp được đồng đội. Địch rút, chúng tôi lại xuống bến. Thấy một nửa con tàu nằm lưng chừng núi, mới hay các anh thủy thủ đã cho hủy. Mấy hôm lùng tìm thì gặp được 5 anh em thủy thủ còn sống sót. Người nào cũng tơ tướp, hốc hác. Họ đã không ăn uống hơn 10 ngày rồi. Thời đó bến cũng đói dài, nên tôi thường đi đào thêm củ mài để “bồi dưỡng” cho anh em. Hồi ấy đâu có mùng, đêm ngủ muỗi quá trời, thương mấy ảnh, tôi có sáng kiến khâu cho mỗi người một cái bao, lúc ngủ thì chui vào. Hôm chia tay để các anh về cứ Đá Bàn chuẩn bị ra Bắc, anh Tuyến nói vui: “Bọn anh xin em cái bao này để làm kỷ niệm”. Tôi khóc. Thương các anh quá!
Kể đến đây, chị Hường khóc. Tôi nhìn chị Hường, nước mắt ràn rụa, hỏi:
- Từ bấy đến nay chị có gặp lại anh em thủy thủ hồi ấy không?
Chị gạt nước mắt, nói:
- Có. Năm 1978, tức là hơn chục năm sau, anh Tuyến, bấy giờ công tác tại Nha Trang về Ninh Phước tìm tôi. Anh em gặp lại, cùng ôm nhau và cùng khóc. Rồi ôn chuyện cũ, vừa nghẹn ngào vừa vui...- Nước mắt vẫn lưng tròng, chị Hường nở nụ cười, nói tiếp - Mới đây, anh Mai, anh Phong, trong chuyến đi về lại chiến trường xưa, có tìm gặp tôi. Mừng lắm! Anh em nhắc lại những kỷ niệm của một thời gian khổ, gian khổ tưởng không thể chịu nổi, vậy mà vẫn vượt qua.
Anh Cường ngồi cạnh đấy, tham gia:
- Tôi lấy làm tiếc là thời ấy, khi tàu vào Hòn Hèo, lại không có thủy thủ nào là người địa phương dẫn đừơng ...
Tôi không đáp, mà nhìn lên tường, nơi treo tấm bằng “ bốn mươi năm tuổi đảng” của hai người, anh Nguyễn Bá Cường và chị Phạm Thị Hường, nghĩ sang chuyện khác. Anh chị người cùng làng, biết nhau từ nhỏ, cùng họat động rồi cùng lên núi. Hai người kết hôn nơi hang đá trong cứ. Lễ thành hôn cũng là lễ kết nạp chị Hường vào Đảng. Thời anh làm bí thư huyện ủy, chị làm bí thư xí nghiệp muối.
- Anh Cường làm bí thư, tôi cũng bí thư chứ bộ - Chị Hường nói vui - Có điều bí thư của anh ấy to hơn bí thư của tôi.
Chúng tôi cười. Anh chị cũng cười. Chị Hường cười nhưng nước mắt vẫn lăn trên má.
Bữa ăn trưa được dọn ra, toàn thứ chế từ đặc sản vùng biển, và các món ăn nam Trung bộ, đơn giản mà ngon, do chị Hường đã có ý chuẩn bị . Trước khi ngồi vào bàn, chúng tôi chụp ảnh.
Hôm sau, tôi và Tô Hải Nam cùng anh Cường đi nghĩa trang Ninh Hòa viếng đông đội tàu 235. Anh Cường kể:
- Sau khi tàu nổ, địch càn lên Ninh Vân dài ngày. Xác anh em mình hy sinh bị chúng dồn lại và thiêu đốt. Sau khi chúng rút, bộ phận bến, một mặt đi đón người còn sống sót, mặt khác đi tìm thi thể những người đã hy sinh. Trong nhất ký của anh Hường, hồi ấy là trung úy, đã hy sinh năm 1969, viết lại rằng, có 9 trường hợp được người của bến chôn cất tại chỗ... Sau giải phóng, địa phương quy tập về nghĩa trang huyện được 7 mộ. Khi đào lên, vài ba mộ còn lại ít xương, còn phần lớn là mảnh vải dù, hoặc một tấm ni lông nên đành chôn xuống khu mộ vô danh của nghĩa trang huyện... Những năm trước, gia đình anh Thứ ( tức máy trưởng Ngô Văn Thứ- ĐK) có nhờ nhà ngoại cảm tìm hộ. Bước đầu xác định được mộ. Tôi báo cáo với huyện cho lập bia. Sau đó gia đình có nguyện vọng xin đưa về quê, nhưng khi đào lên, chỉ còn một tấm vải dù và một ít đất đen, nên không đưa về nữa, đành lấp nguyên như cũ... Thật tội!
Chúng tôi đến nghĩa trang Ninh Vân khi mặt trời mới lên được một đoạn. Không ai bảo ai, mọi người cùng lần lại khu mộ “vô danh”. Có tất cả hơn hai mươi đồng đội của chúng ta yên nghỉ tại đó. Chúng tôi lặng lẽ đi một vòng, ngó nghiêng, tìm kiếm... Trong số này, đâu là mộ của các chiến sỹ tàu 235? Giá chi chúng tôi kêu tên từng người và các anh thưa được! Trong số các anh đã ra đi trong tết Mậu Thân ngày ấy, ai đã được đưa về nằm tại đây và ai còn vất vưởng nơi chân núi Bà Nam, sát biển Hòn Hèo?... Tôi đứng lặng, nhìn quanh trời đất, chợt thở dài!
Buồn và nhớ thương, chúng tôi chỉ còn biết đặt ít hoa, quả, vàng tiền lên mộ anh Ngô Văn Thứ, rồi thắp một nắm nhang mà khấn rằng: Không rõ được phần mộ các anh, thôi thì xin các anh cho phép được đặt ít quà lên phần mộ anh Thứ. Các anh có linh thiêng, xin tụ về cả đây để nhận tấm lòng thành của anh em chúng tôi... Nam mô a di đà phật!
Hóa vàng xong, chúng tôi chào đồng đội lần nữa, dẫu không rõ họ nằm ở phần mộ nào, rồi lên đường. Trước khi lên xe, anh Cường dặn:
- Muốn biết thêm chuyện, ra Đà Nẵng tìm ông Lê Đình Kiến nghe.
Và hôm gặp anh Kiến ở Đà Nẵng, theo lời anh Cường, tôi có hỏi thêm chuyện ở Hòn Hèo. Anh Kiến kể:
- Sau khi bến Vũng Rô bị lộ, Tôi, anh Dương Kính, anh Phạm Trung Tuấn, anh Sáu Tồn, được giao nhiệm vụ vào Hòn Hèo kiểm tra xem có đủ điều kiện thành lập bến không. Người nắm chắc vấn đề này là anh Cả, thường vụ tỉnh ủy. Rất không may là sau đó anh Cả hy sinh. Vậy là chơ vơ. Chúng tôi xuống Hòn Hèo gặp ông Tư Sư để bàn… Hồi đó rất đói. Chúng tôi vừa tổ chức lực lượng bến, vừa phá rừng, phát rẫy trồng khoai trồng sắn. Khoai sắn chưa kịp mọc thì đào củ mài, củ nâu ăn thay cơm. Tôi nhớ một lần, cả đơn vị say sắn lử đử. Nhưng không ăn sắn, biết ăn gì. Địch lại càn liên miên, nên càng khó khăn. Tháng 7 năm 1967, được bổ sung thêm anh Đỗ Đức Hạnh, anh Võ Tấn Đối, anh Huỳnh Hường. Mấy ông này mới thực sự là người của Hải quân, họ đi vào miền Trung cùng ông Huỳnh Kim nhằm chuẩn bị bến bãi từ những năm trước... Tháng 9 năm đó, tôi được giao làm Bến trưởng rồi được trang bị một đài 15 oát để liên lạc với tỉnh ủy. Về cái máy thông tin ấy, có mấy chuyện như sau: chúng tôi di chuyển đi đâu, địch càn tới đó. Sau này mới hay rằng nó mò được sóng vô tuyến của mình và định vị được chỗ chúng tôi ở. Chuyện nữa, buồn hơn nhiều. Trước khi tàu vào, cái máy 15 oát đó tự dưng dở chứng, không liên lạc được với bộ, không liên lạc được với tỉnh. Tôi dẫn theo một cơ yếu, đạp rừng về căn cứ tỉnh, tính nhờ đài của tỉnh hỏi ra ngoài Bắc để biết ngày giờ tàu vào. Nhưng chắc là cách gõ “ma níp” của người thông tin nơi tỉnh ủy, mấy cha thông tin trên bộ thấy lạ, do cảnh giác nên không trả lời. Lại tưởng tôi đã hy sinh. Khi biết tàu anh Phan Vinh vào Hòn Hèo, từ căn cứ tỉnh, tôi tuông về bến, nhưng 10 ngày sau mới tới nơi… Chuyện tàu vào Hòn Hèo, phải hủy, anh em mình hy sinh đã qua mấy chục năm, nhưng tôi nghĩ, rất nhiều bài học xương máu cần làm rõ…
Tầu 43
Chuyện của chính trị viên
Lang thang đi tìm dấu tích con đường, tôi đã gặp những người như thế, một thời được coi là anh hùng, nay trở về, hoà trộn giữa đời thường, nhọc nhằn, bươn trải để kiếm sống. Không công thần. Không so bì. Không hối tiếc. Bình dị, thanh thản giữa những xô chen...
Anh Trần Quốc Tuấn ( còn có tên là Trần Anh Tuấn, Trần Ngọc Tuấn) là một trong những người như vậy. Anh sinh năm 1933 tại làng Đông An, thôn 9, xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức). Anh nhập ngũ từ những năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở giai đoạn Tổng phản công. Anh là tình nguyện quân, chiến đấu ở Hạ Lào. Hòa binh lập lại, anh theo đơn vị tập kết ra Bắc. Năm 1955, hành quân lên Mộc Châu. Năm 1958, được cử đi học trường Sĩ quan lục quân Sơn Tây. Cuối năm 1961, sau khi ra trường, lại được đi học bổ túc thêm hai năm tại trường Sĩ quan Hải quân. Năm 1953, về đoàn “tàu Không số”. Trong cương vị Chính trị viên, Bí thư chi bộ, anh nhiều lần đưa tầu vaò Cà Mau, Trà Vinh, Quảng Ngãi. Từng là chính trị viên, bí thư chi bộ tầu 56 đột kích vào Bà Rịa, chở 54 tấn vũ khí tiếp tế cho chiến dịch Bình Giã năm 1964; chính trị viên, bí thư chi bộ tầu 43, chở 37 tấn vũ khí vào Đức Phổ, phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968; hai lần gặp địch phải huỷ tầu, vượt Trường Sơn trở về. Nay có tuổi, ra quân, vẫn làm bảo vệ, hỗ trợ vợ nuôi các con... Lúc này anh ngồi kia, đôi vai gầy và mảnh ấp xuống chiếc bàn gỗ nhỏ nơi phòng thường trực, cạnh cổng cơ quan nghiên cứu biển Nha Trang... Biết tôi tới để tìm hiểu chuyến đi của tầu 43 năm 1968, anh rất vui.
- Nghỉ hưu, lương trung uý thấp quá nên làm thêm “chân” bảo vệ để tăng thu nhập. Với nữa cũng là tỏ ra mình chưa già, vẫn hữu ích... - Anh cười, thanh minh khi thấy tôi có cái gì đó ngỡ ngàng, và cũng là để ngầm giải thích rằng tuy đã nhỉnh hơn bẩy mươi, vẫn còn khoẻ.
Tôi nhìn người chỉ huy những con tầu vang bóng một thời, chốc chốc phải ngừng câu chuyện, vội vã đứng lên đẩy hai cánh cửa sắt cho những chiếc ô tô con ra vào, cảm thấy mếch lòng. Âu cũng là một chút sỹ diện lắng kết của thói công thần, thiếu sự thức thời cần thiết...
- Thời gian trôi nhanh quá, phải không? Mới đó mà đã mấy chục năm... - Không để ý đến thái độ của tôi, anh Tuấn kể - Ngày ấy nhằm tiếp tế vũ khí cho quân và dân ta mở chiến dịch Mậu Thân sáu tám, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân cho bốn tầu đưa vũ khí vào Nam. Tầu 43 của tôi có nhiệm vụ đi Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là lần thứ ba chúng tôi cho tầu vào bến này. Lần thứ nhất là cuối năm sáu sáu (1966), nhưng tới gần hải phận miền Nam, chúng quây dữ quá, phải quay về. Trước tết Đinh Mùi (1967), lại đi. Lần này anh em bàn nhau rằng, quyết vào bến. Và chúng tôi đã làm được. Nhưng tình thế hôm đó buộc phải huỷ tầu. Chuyến ấy, sau bốn ngày đêm đi trên biển quốc tế, không thấy chúng bám theo, đã mừng. Nhưng đêm chuyển hướng vào bờ, chợt máy bay và tầu chiến của nó hình như đã có chủ ý từ trước, bỗng xuất hiện. Thì ra nó thực hiện chiến thuật cho ra đa theo dõi mình từ xa. Biết bị lộ, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng khôn khéo đánh lạc hướng, cho tầu chạy về phía khác. Qua vùng biển đảo Lý Sơn, chúng tôi đưa tầu vào bờ. Nhưng bọn địch ma mãnh lắm, nó vẫn bám theo, bắn pháo sáng, gọi hàng. Năm giờ sáng, chúng tôi cập được bến. Lúc này súng các cỡ của địch bắn sang như đổ đạn ... Bị quây ba phía, chần chừ sẽ tổn thất và mất tầu, nhận định như vậy, chúng tôi thực hiện phương án cuối cùng. Anh Thắng tổ chức đưa thương binh lên bờ. Tôi chỉ huy cài thuốc nổ, phá tầu. Cài ba loại kíp : kíp hoá học, dây cháy chậm, hẹn giờ. Cẩn thận hơn, trước khi rời tầu, tôi kéo theo một cuộn dây điện đã nối với kíp nổ điện trên tầu. Hai mươi phút sau, chờ tầu địch vào gần, từ trong bờ, tôi lệnh điểm hoả. Một cột lửa bùng cao, kế đó là tiếng nổ vang trời. Mấy chiếc hải thuyền xăng xái lập công, định vào cướp tầu, cũng tan ra từng mảng luôn... Chúng tôi được du kích ở bến dẫn đường vượt lộ Một, ngược lên mãi Ba Tơ. Từ đó, xuyên Trường Sơn lội bộ trở về.
Được lĩnh một con tầu mới, vẫn mang tên là tầu 43, đầu xuân Mậu Thân, chúng tôi có lệnh tiếp tục vào Đức Phổ... Tầu có 17 anh em do tôi làm chính trị viên, anh Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng; các anh Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Thơm làm thuyền phó. Các thuỷ thủ, tôi vẫn nhớ rất rõ, làm sao mà quên họ được, đó là các anh: Nguyễn Trọng Tài, Nguyễn Thành Thoảng, Nguyễn Đăng Năm, Huỳnh Ngọc Hoa, Phan Đình Thọ, Vũ Văn Hoành, Lê Văn Quý, Lưu Công Hào, Nguyễn Xuân Nghinh, Phạm Văn Rai (tức Kiểm), Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng, Trần Hương Hoa.
Vẫn như những chuyến đi khác, máy bay và tầu chiến địch bám chúng tôi miết... Đành lòng vòng trên biển. Mãi đến một giờ sáng ngày mồng một tháng ba ( 1-3)mới tới gần bờ. Lập tức có hai tầu địch chạy cắt mặt, bắn sang. Chờ nó vào thật gần, chúng tôi mới nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, đã bắn cháy một tầu địch... Chúng tôi vừa cơ động vào bờ, vừa thả khói mù, che mắt địch. Rồi thả bom chìm, cứ cách hai trăm mét, một quả. Lúc này trời gần sáng, ngoài biển tầu chiến bắn vào, trên trời máy bay HU-1A bắn xuống. Mặt biển sôi lên. Súng 12 ly 7 nổ. Một trực thăng trúng đạn, đâm xuống biển. Tuy vậy, do lực lượng không cân sức, tầu 43 đã ở vào một tình thế hết sức nguy nan. Khi từ boong đi vào buồng lái, trong ánh sáng nhập nhoạng của lửa đạn, tôi chợt thấy một bàn tay đang chới với bên vô lăng, vội nhào tới. Chiến sỹ hàng hải Vũ Xuân Ruệ trúng đạn, chỉ kịp nói: “ Em bị rồi, chính trị viên ở lại, chiến đấu trả thù cho... em”, rồi gục xuống. Tôi đỡ Ruệ, lúc đó đã ướt đẫm máu, nói to: “Không để tầu địch vào gần !”. Một tay ôm Ruệ, một tay tôi giữ vô lăng, đưa tầu đi vào sát bờ... Bên ngoài, thêm thuỷ thủ Võ Tòng Nho trúng đạn, hy sinh. Nhiều đồng chí khác bị thương... Bốn giờ sáng, thương tích đầy mình, tầu 43 xục được vào bờ cát. Cũng như chuyến trước, chúng tôi tổ chức để thương binh và liệt sỹ lên bờ, rồi huỷ tầu. Trong từng chuyến đi, chúng tôi thường ém sẵn năm tạ đến một tấn thuốc nổ, đề phòng trường hợp xấu như lúc này, quyết không cho địch cướp tầu. Điểm hoả xong, chúng tôi kiểm tra lại lần nữa, rồi thả mình xuống nước, bơi vào bờ. Địch cho hai xe tăng và bộ binh vây bắt. Song nhờ có nhân dân Đức Phổ che chở, chúng tôi thoát vòng vây... Sau đó, lại hành quân vượt Trường Sơn để trở ra miền Bắc. Điều buồn nhất đối với thuỷ thủ “ tầu không số” là không giấy tờ, không chế độ. Bí mật mà! Đi trên biển cũng “bất hợp pháp”, trở ra Bắc bằng đường bộ cũng “bất hợp pháp”... Tới binh trạm nào cũng bị coi rẻ như những kẻ đào ngũ, những kẻ “bê quay”... Đói khát, bệnh tật, tóc rụng qúa nửa, bẩy tháng sau mới lần về tới đơn vị. Ra đi là cảm tử, là không hẹn ngày về, song thời đó mấy ai nghĩ đến cái tôi, cái cá nhân mình...
Chuyện của người thuyền phó
Những ngày làm việc ở Sài Gòn, hễ rỗi, anh Nguyễn Xuân Thơm lại kể để chúng tôi nghe một chuyện. Về tàu 43 vào Đức Phổ năm 1968, anh nói:
- Hồi tàu 43 vào Đức Phổ năm 1968, tôi là thuyền phó hỏa lực. Trong quá trình chiến đấu khi gặp địch, tôi chỉ huy khẩu 12 ly 7 đánh trả máy bay quyết liệt. Một chiếc “lên thẳng” trúng đạn, đâm đầu xuống biển. Nhưng lực lượng không cân sức, ngoài biển, ba tàu chiến bao vây, trên trời, trực thăng vè vè xỉa đạn xuống, trên bờ, xe tăng bộ binh ập đến bao vây. Trước tình thế ấy, quyết không để vũ khí rơi vào tay địch, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng lệnh hủy tàu. Một tổ do chính trị viên Trần Quốc Tuấn phụ trách, có nhiệm vụ hủy tài liệu, và đưa thương binh liệt sỹ lên bờ. Tổ thứ hai của thuyền phó Nguyễn Văn Đức, có nhiệm vụ hỗ trợ. Tổ còn lại do Thuyền trưởng chỉ huy có nhiệm vụ đánh bộc phá. Anh Tuấn, anh Tài máy trưởng điểm hỏa khoang máy; anh Kiểm ( tức anh Rai ) điểm hỏa khoang mũi; tôi điểm hỏa khoang lái. Lúc ấy tôi đã dính đạn, bị thương vào mông trái, nhưng không còn thời gian nghĩ đến mình nữa. Biết vết thương đang rỉ máu, tôi vẫn lắc nhắc xuống khoang lái, bình tĩnh chọn đủ ba loại kíp nổ và điểm hỏa, đặt 30 phút. Tôi báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ rồi cùng thuyền trưởng Thắng và máy trưởng Tài xuống nước. Đằng mũi, anh Kiểm cũng tung mình vào biển, nhưng vào thời khắc ấy, một viên đạn bay tới, anh hy sinh.
Bơi một lúc, thấy anh Hào và anh Hoa bị thương, bơi bên cạnh. Anh Hoa ngoi ngóp, luôn sặc nước biển vì không có phao cá nhân. Thấy vậy, tôi vội cởi phao của mình, nhường anh. Tôi bị thương vào mông bên trái, chưa băng bó, mất máu nhiều, lại không có phao nên đuối sức. Để dễ bơi, tôi tuột quần áo dài, và bỏ hết đồ dùng, chỉ còn lại quần đùi và khẩu súng ngắn. Nhưng sức đã cạn , sóng lại lớn dồi lên, dồi xuống nên ba lần tôi chìm xuống đáy biển. Nghĩ mình không thể bỏ mạng trong biển Đức Phổ vô lý thế này được, tôi cố trồi lên mặt nước. Vô thức quờ tay về trước. Một con sóng ào tới, hất tôi lên bãi. Tôi cố xục mười ngón tay, neo mình vào cát, không để sóng kéo trở ra. Rất bản năng, tôi cố toài người khỏi mép nước, và không hay biết gì nữa. Tiếng nổ lớn khiến tôi tỉnh lại. Ngoái ra, một cột khói cuộn lên như hình chiếc nấm. Biết là tàu đã được hủy, tôi lê mình vào bụi rậm. Lúc bấy giờ, pháo sáng trắng trời, phía Mỹ Á, địch đang kéo xuống, rất đông. Có cả xe tăng. Tôi lên đạn khẩu súng ngắn và cố lê vào làng. Biết thủy thủ đã lên bờ và hủy tàu, du kích tỏa đi tìm. Tôi bắt gặp một phụ nữ, người này dìu tôi vào làng, băng bó vết thương và tiêm kháng sinh. Sau này mới hay đó là thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Mệt quá, tôi thiếp đi một lát. Tỉnh lại, thấy chiếc quần đùi của mình đã bị vất bỏ, mặc vào thân là bộ quần áo khác, cạnh đấy, hai người phụ nữ đang nhìn tôi và cười. Tư dưng tôi xấu hổ vô cùng... Vậy là “cái bí mật” của người đàn ông nơi mình đã lộ... Chừng ba giờ sáng, tôi gặp Hào và Thọ. Và cùng được đưa xuống hầm bí mật. Ngày hôm ấy, có hai người phụ nữ thôn Quy Thiện chăm sóc rất tận tình chu đáo. Tối hôm sau, chúng tôi đi về thôn Thạch Thủy, là nơi thuyền trưởng Thắng và 11 anh em còn lại được du kích đón về ở tạm đó. Khi nằm lên võng để du kích cáng đi, tôi mới có điều kiện giới thiệu mình và hỏi tên hai cô gái thôn Quy Thiện. Một người tên là Trần Thi Răn, và một người tên là Nguyễn Thi Hồng Phượng.
Ngắt lời anh Thơm, tôi hỏi vui:
- Vậy anh đã về Đức Phổ để gặp lại hai ân nhân, những người đã nhìn thấy “cái bí mật” đàn ông nơi anh chưa?
Anh Thơm cũng cười:
- Ngỡ là hơn bốn mươi năm rồi, lại chỉ gặp nhau thoáng qua, chẳng ai nhớ ai nữa. Nhưng không phải vậy. Nghĩa tình của những người đã qua cuộc chiến tranh lớn lắm. Năm vừa rồi về thăm lại chiến trường xưa, Hào tìm được Phượng, và ông ấy cho địa chỉ của tôi ở Sài gòn. Vậy là sau 40 năm, chúng tôi lại gặp nhau. Mừng lắm, cảm động lắm... Phượng cho hay, hiện nay Răn sống với chồng ở Phú Quốc. Chúng tôi vẫn liên lạc và gặp nhau thường xuyên. Làm ông làm bà cả rồi, nhưng cái tình của những người lính, cái tình đồng đội nơi chúng tôi thì không bao giờ có tuổi, không bao giờ mai một...
- Sau đó các anh ra Bắc?
- Chưa. Còn điều dưỡng ở trạm xá của bác sỹ Đặng Thùy Trâm một thời gian đã. Chuyện ở Trạm xá ấy cũng hay lắm, xuống Cần Thơ, ông Nguyễn Đắc Thắng sẽ kể cho nghe.
Chuyện của người thuyền trưởng
Thực ra chuyện các thuỷ thủ tàu 43 điều trị ở trạm xá Đức Phổ thế nào, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đã kể cho tôi nghe từ nhiều năm trước. Cách đây đã lâu lâu, từ Sài Gòn tôi cũng xuôi xuống Cần Thơ tìm anh. Cần Thơ dạo ấy chưa có cầu bắc qua sông đẹp như hôm nay. Đang mùa nước nổi, sông Hậu đỏ đục, cuồn cuộn, tràn bờ. Những mảng lục bình bị cuốn giữa dòng, quay tròn như chong chóng.
Anh hùng đại tá quân đội Nguyễn Đắc Thắng, thuyền trưởng tầu 43 xưa, tiếp tôi nơi nhà khách Quân khu 9. Anh không kể về trận chiến đấu ở Quảng Ngãi xuân Mậu Thân năm 1968, mà khi tôi hỏi, anh lái sang chuyện khác:
- Chuyện đánh nhau và huỷ tầu, ông nghe nhiều rồi. Chừ kể chuyện khác. Đận đó, sau khi rút lên bờ, bọn địch lùng tụi này dữ lắm. Không có nhân dân Quảng Ngãi che chở, cưu mang, đâu còn được như ngày hôm nay. Mấy hôm đầu, bà con cô bác dìu xuống hầm bí mật để sơ cứu, băng bó vết thương. Địch rút, du kích bố trí đưa lên cứ. Tôi nằm điều trị ở trạm xá cả tháng trời. Dạo ấy có một nữ bác sỹ tên Thuỳ Trâm, chăm sóc rất chu đáo. Thuỳ Trâm người Hà Nội, tốt nghiệp y khoa xong, xung phong “đi bê”, rồi đươc phân công về Quảng Ngãi. Thuỳ Trâm không thật xinh, nhưng có duyên. Lại dịu dàng, tận tình. Chúng tôi chóng bình phục, một phần nhờ chuyên môn của cô, đã đành, còn vì lẽ nữa: thái độ của anh chị em ở đây. Rỗi rãi, tôi với Trâm thường kể chuyện cho nhau nghe. Hợp lắm! Anh em thuỷ thủ thấy vậy, nháy mắt rỉ tai nhau: “Thuyền trưởng nhà mình và bác sĩ Trâm thiệt lãng mạn. Hình như đã bén duyên”. Có người còn tấm tắc: “Đẹp đôi ha, trai anh hùng, gái thuyền quyên. Cứ như trong tiểu thuyết!”. Biết chuyện, Trâm chỉ cười. Tôi cũng vậy. Không giải thích. Không thanh minh. Thân nhau đâu đã là yêu. Với nữa, tình cảm tôi đã dành cho một người... Kể lòng vòng chút xíu nghe... Năm sáu tư (1964), tôi đi tầu 56 đưa vũ khí vô Cà Mau. Hàng bốc xong thì nghe tin bão về, nên đành ở lại bến mấy hôm. Nếu nên vợ nên chồng là do duyên phận thì những ngày kẹt lại ở bến là duyên phận của tôi và Sáu Thuỳ. Tên đầy đủ của cô gái đó là Huỳnh Biên Thuỳ. Cô làm y tá, vừa làm “ anh nuôi” ở bến. Chẳng rõ sao chỉ mấy hôm rỗi rãi, xuống giúp “nhà bếp”, tôi đã thấy mến người con gái này. Rồi say. Và yêu. Tôi chưa gặp tình cảm như thế nơi mình bao giờ. Thuỳ cũng vậy. Nàng nói lần đầu trông thấy tôi, như thể có luồng điện chạy qua người, lạ lắm. Và kêu rằng đây là mối tình đầu. Tình yêu là gì, làm văn làm báo như mấy ông có nhiều định nghĩa. Nhưng suy từ tình cảm mình ra, tôi gọi tình yêu là nỗi nhớ. Không đúng sao? Chỉ bén tiếng nhau dăm ba ngày, mà khi tầu nhổ neo trở lại miền Bắc, thấy Thuỳ đứng trên bờ ngóng theo, tôi nao cả lòng. Rồi những ngày kế đó, nhớ thôi là nhớ. Nhớ thẻo ruột gan luôn. Nỗi nhớ là thước đo của tình yêu! Nào, đúng chưa? Ông đừng nghĩ cánh thuỷ thủ chúng tôi ăn sóng nói gió, chỉ biết ngoéo cò súng, tình cảm đã chai lỳ nghe! Trong địa hạt tình yêu, nhà văn các ông và lính tráng tụi tôi, bình đẳng. Không hẳn cứ viết lách thì lãng mạn hơn... Đương nhiên là trước khi chia tay, tụi này có hẹn hò, có thề thốt... Từ ngày có Thuỳ, chỉ mong cấp trên lệnh đưa tầu vào Cà Mau. Nhưng hoàn cảnh cố tình thử thách tụi này. Sau vụ tầu 143 của ông Thêm bị lộ ở Vũng Rô, không còn cơ hội vô miền Tây nữa. Chúng tôi bặt tin nhau... Nè, phụ nữ khi đã yêu, họ “dữ dằn”, họ liều lắm đó nghe... Lớ rớ là chết với họ. Bốn năm không có tin tôi, và nghe đồn đại thuỷ thủ phong tình lắm, gái Bắc lại đẹp, Sáu Thuỳ không yên tâm. Để rõ trắng đen, cũng có thể nữa là vì nhớ tôi, muốn gặp tôi, cổ vạch ra kế hoạch khá táo bạo. Sáu Thuỳ xin đi cùng một tiểu đoàn của Đoàn 962 lên lộ Vòng Cung (Cần Thơ) tham gia chiến đấu, với hy vọng từ lộ Vòng Cung, qua lộ Cái Sắn, từ đó tìm đường vượt Trường Sơn ra Bắc. Ghê không? Đơn vị 962 đã có chị đi tìm chồng bằng cách đó. Nhưng Sáu Thuỳ không thành công. Những ngày ấy mặt trận Cần Thơ rất ác liệt. Ta và địch tranh chấp từng mét đất. Là y tá, Sáu Thuỳ được biên chế về đội phẫu Trung đoàn 1, rồi qua đội phẫu Trung đoàn 2. Công việc triền miên, không thời gian rảnh để nghĩ đến chuyện riêng tư...
Năm 1968, tôi đưa tầu 43 vô Quảng Ngãi, thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm đưa tầu 165 với ý định vô Vàm Lũng, Cà Mau. Tầu tôi phải huỷ, ông rõ rồi, còn tầu Nguyễn Chánh Tâm gặp địch. Tầu nổ. Toàn bộ thuỷ thủ hy sinh. Vậy mà không rõ nghe phong thanh từ đâu, Sáu Thuỳ ngỡ tôi đi tầu 165, và đã chết trên biển. Thời gian tôi đang được bác sỹ Trâm chăm sóc ở Đức Phổ, thì tại Cần Thơ, người yêu lập bàn thờ thắp hương, để tang...
- Ở Quảng Ngãi năm đó, anh lại có mối tình "sét đánh" như ở Cà Mau ? - Tôi hỏi.
- Trời ơi, đâu có ! Nhiều người cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi với Trâm là bạn. Trâm khoái nghe chuyện về Sáu Thuỳ lắm. Mỗi lần tôi kể, Trâm thần ra, xuýt xoa, nói rằng bịa cũng không thể hay hơn. Hồi ấy tôi đâu rành Sáu Thuỳ đang để tang thờ mình... Vậy mà, sau khi trở lại miền Bắc, tôi nghe tin Trâm hy sinh. Tội quá! Chiến tranh toàn cướp đi người tử tế... Cách đây mấy năm, nhân ra Hà Nội họp, tôi có ghé qua nhà, thắp cho cô ấy nén nhang... Tôi cắm lên bàn thờ bó hoa trắng. Hoàn toàn trắng...
- Còn chị Sáu Thuỳ ?
- Sáu Thuỳ hả? Tôi kể đến khúc cổ lên lộ Vòng Cung, Cần Thơ rồi phải không?... Những năm sáu chín, bẩy mươi, tầu chúng tôi hầu như không đi được chuyến nào, đúng hơn là có tổ chức vô, nhưng đều phải lộn trở lại. Mỹ nó quây vòng ngoài, ngụy quây vòng trong, khó lọt. Quân khu 9 đói súng. Hồi đó anh Tư Mao nghĩ ra chuyện chở công khai bằng thuyền hai đáy. Phương thức đi thuyền hai đáy thế nào, trước đây ông đã gặp anh Tư, tôi khỏi kể nữa. Để có người ở đơn vị mới, có tên là S. 950, Quân khu 9 và anh Tư đề nghị Hải quân tăng cường. Tôi trở thành lính quân khu 9, bởi vậy. Một số thuyền trưởng của Đoàn 125 được điều về đơn vị S. 950. Tôi trong diện đó... Tháng sáu năm bẩy hai (1972), tôi đi thuyền hai đáy đưa vũ khí vào Cà Mau. Rồi trên phân công ở lại giúp anh Tư lo công việc của Đoàn. Tháng chín, đơn vị bố trí cho gặp Sáy Thuỳ. Chao ơi, thiệt mà ngỡ là mơ. Tám năm xa cách ! Quãng thời gian đằng đẵng đó bằng thời gian cả cuộc kháng chiến chống Pháp chớ ít đâu. Sáu khóc. Rồi cười. Rồi trách... Với người phụ nữ thì dù hoàn cảnh cách chi, thằng đàn ông lúc nào cũng có lỗi...
- Và sau đó ?...
- Sau đó hả ? Sau đó hai đứa làm đám cưới. Đơn vị đứng ra tổ chức. Đám cưới trong cứ, đơn giản mà thiệt vui... Ở với nhau chẳng bao lâu, tôi lại ra Bắc để đưa vũ khí về... Cứ vậy cho tới bẩy lăm (1975)... Nay thì sắp làm ông, làm bà. Hai đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học, cháu út cũng sắp ra trường...
Vừa rồi, nhằm có thêm tư liệu viết cuốn sách này, cùng Tô Hải Nam vào Cần Thơ, tôi có đến nhà riêng thăm chị Thùy anh Thắng.
Anh chị vừa có việc riêng, nên mới ở quê ra. Hai người đón tôi thân tình. Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, hết sức vui.
- Anh đã có dịp trở lại Đức Phổ chưa? - Tôi hỏi.
Anh Thắng thoáng buồn:
- Đấy là điều day dứt, áy náy nhất của tôi. Đức Phổ không chỉ là mảnh đất ân nghĩa, chở che, đùm bọc các thuỷ thủ tầu 43. Mà ở đó, đồng đội tôi, Vũ Văn Ruệ, Võ Tòng Nho, Phạm Văn Rai, còn nằm lại... Thương nhất là Ruệ, mới cưới vợ chưa đầy một tuần... Ông đã rõ chuỵên chúng tôi hồi Mậu Thân rồi đấy. Bốn con tầu ấy, đêm hai chín tháng hai (29-2) rạng ngày một tháng ba đều đã gặp địch. Và chỉ tầu 56 trở về. Tầu 165, tầu 235 số phận còn kém may mắn hơn tầu 43. Tầu 165 và mười tám đồng đội của tôi trên con tầu đó đã ra đi, không để lại một dấu vết...
Anh Thắng lại lặng đi. Chuyện đã hơn bốn mươi năm, nhưng với người thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng, thì vẫn là những kỷ niệm sâu đậm, không thể phai mờ .
Để tránh nỗi đau trong anh, tôi lái qua chuyện khác. Chuyện xã hội, chuyện anh và anh Tư Mào thành lập đoàn “tàu hai đáy”, chuyện về mấy đứa nhỏ... Chúng tôi ngồi đến khuya...
Cần Thơ về đêm dìu dịu. Hơi nước từ sông Hậu tỏa ra thơm và mát lạ!
Tầu 165
Từ Cần Thơ, chúng tôi lần tới vùng biển phía Nam, lang thang đây đó, với chút hi vọng mong manh biết thêm ít nhiều về tầu 165 và đồng đội trên con tầu ấy. Nhưng vô hiệu. Giữa một vùng xanh ngắt mênh mông những nước là nước này, tìm đâu ra dấu vết con tầu nhỏ nhoi đã hoá thân vào biển cách đây hơn bốn mươi năm?... “Vết tích” tầu 165 để lại chỉ là hai bức điện gửi về sở chỉ huy trong đêm 29 tháng 2 rạng ngày 1 tháng 3 năm Mậu Thân, tôi tìm được trong số hồ sơ ít ỏi còn lưu giữ ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Bức điện thứ nhất đề lúc 18 giờ ngày 29 tháng 2: “Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi qua tầu- Lương, (tức chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương). Bức điện thứ hai đề lúc 1 giờ ngày 1 tháng 3: “Chúng tôi gặp tám tầu địch bao vây. Quyết cảm tử!”
Đó là bức điện cuối cùng, lời nhắn lại cuối cùng trước lúc tầu 165 và 18 thuỷ thủ đi vào huyền thoại.
Trở về Cần Thơ, tôi tìm tới anh Khưu Ngọc Bẩy. Cũng như anh Trần Phong ở đoàn 125, anh Khưu Ngọc Bẩy biết nhiều chuyện, hiểu nhiều chuyện. Và anh sống nghĩa tình, sống thuỷ chung, sống có trách nhiệm. Nghỉ hưu rồi mà tâm chưa nhàn. Trong cương vị chủ tịch hội cựu chiến binh thành phố Cần Thơ, hầu như không lúc nào anh rỗi. Xoá đói giảm nghèo. Thanh niên tòng quân. Di dời mộ chí. Hoà giải chuyện nhà. An toàn giao thông...Việc gì cũng thấy cần đến “cựu chiến binh”... Rồi viết lịch sử về những người ở bến, giải quyết chế độ cho anh em...
Khi tôi nhắc đến những chuyện đã qua, anh bứt rứt băn khoăn như thể mình là người có lỗi. Với các chiến sỹ tầu 165, anh đau đáu một nỗi niềm. Anh kể:
- Cuối tháng hai năm Mậu Thân, thiệt lâu rồi mới nhận được tin có tầu vô, anh em tôi ở bến mừng lắm ! Mấy ngày trước hôm đó, theo kế hoạch, tầu sẽ vô, đơn vị đã tổ chức bố trí công tác đón tầu chặt chẽ. Ngày hai chín tháng hai, từ sáng sớm bến đã chia nhau, từng tốp, đi đón các ngả, và nếu có thể, hỗ trợ để tầu vô vàm... Lần nào tầu vô, anh em ở bến cũng thấp thỏm, hồi hộp. Và lo nữa. Nhưng chẳng rõ sao, lần này cảm thấy lo nhiều hơn. Có thể do mong quá, lâu rồi không có vũ khí; cũng có thể, chẳng ai rõ đầy đủ hơn chúng tôi về sự gian ngoan và mưu kế của kẻ địch...
Hôm hai chín, trời chưa tối, chúng tôi đã đến các vị trí, dõi mắt trông chừng... Máy bay địch lượn nhiều. Hình như chúng báo động. Ngồi trên bờ ngóng ra biển, ai cũng nơm nớp lo âu... Rồi chừng một giờ sáng, chúng tôi thót tim khi nhìn thấy ngoài khơi, nhiều ánh lửa và nhiều đường đạn vạch lên trời. Anh em mình gặp địch! Biết thế nhưng chẳng dám nói... Chừng hai mươi phút sau, nơi đang xảy ra đánh nhau, một tia chớp, một cột lửa hình nấm vọt lên, và một tiếng nổ lớn trùm xuống biển. Chúng tôi lặng người, rõ điều gì đang xảy ra... Con tầu 165 đã ra đi như thế! Mười tám thuỷ thủ không trở về. Không cả mộ chí... Đúng hơn, mộ anh em mình là biển xanh. Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa, biết là vô vọng, chúng tôi vẫn đi dọc bờ biển có ý kiếm tìm... Nhưng trên bờ cát, nơi cửa vàm, chỉ bắt gặp vài ba mảnh gỗ xơ tướp, sóng đánh trôi dạt vào...
Tôi và anh Bẩy cùng ngồi lặng. Dịp này, Cần Thơ đang tổ chức lễ hội du lịch. Ngoài phố nườm nượp người, nườm nượp xe. Loa phát thanh, ti vi đang rầm rĩ quảng bá cách tiêu tiền, làm thế nào cho “cuộc sống có chất lượng”...
Thật khiếm khuyết và có lỗi nếu trong cuốn sách nhỏ này, tôi không ghi đủ tên họ những thuỷ thủ đã quả cảm ra đi cùng con tầu 165 đêm hôm ấy. Thuyền trưởng: Nguyễn Chánh Tâm; chính trị viên: Nguyễn Ngọc Lương; thuyền phó: Hoàng Văn Tuyết và Nguyễn Văn Thông; Phó chính trị viên Nguyễn Văn Danh; thợ máy: Nguyễn Văn Thị, Trần Văn Dựng, Nguyễn Duy Tạo; Báo vụ: Lý Khánh Hồng và Vương Văn Diêng; thuỷ thủ trưởng: Nguyễn Kính; hàng hải: Nguyễn Văn Em và Mai Đức Long; Y tá: Nguyễn Đình Văn; Thuỷ thủ: Trần Văn Quồi, Phạm Văn Phương, Trần Văn Bé; cơ yếu: Vũ Hữu Nghị.
Ngoài cán bộ tàu, hầu hết các thủy thủ “ra đi” cùng con tàu 165 đêm hôm đó còn ở độ tuổi rất trẻ, hầu hết mới trên dưới hai mươi...
Những dòng viết sơ lược và không mấy đầy đủ này, xin được coi như nhành hoa thả xuống biển để tưởng nhớ tới hương hồn các anh trên tầu 165.
Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên họ, xin đừng quên những con người quả cảm như thế! Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên cuộc chiến đấu vừa qua!
Tầu 56
Trong khi tầu 235, tầu 43 phải huỷ ở Hòn Hèo và Quảng Ngãi, tầu 165 chiến đấu rồi toàn bộ thủy thủ ra đi cùng con tàu tại vùng biển Cà Mau, thì tầu 56 đang đấu trí ở vùng biển Bình Định. Đại tá Hồ Văn Kiêm, vốn là thuỷ thủ tầu 56, đã kể với tôi về chuyến đi đó. Anh nói:
- Ngày hai sáu tháng hai (26 - 2), chúng tôi được lệnh nhổ neo. Tầu do thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và chính trị viên Đỗ Như Sạn chỉ huy. Thuyền phó là Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Sơn. Các anh: Phan Nhạn, Lâm Ngọc Thả, Nguyễn Hữu Thịnh phụ trách máy. Anh Phan Nhạn là thợ máy giỏi đã đi nhiều, có kinh nghiệm. Cũng như ông Năm Sao, chuyến nào khó khăn, cấp trên lại cần đến anh. Phan Nhạn cao lớn, chịu sóng rất đáng nể. Đi biển không say là lợi thế lớn. Các anh Nguyễn Văn Nghiệp, Nguyễn Văn Quốc làm báo vụ; anh Nguyễn Hoa, Nguyễn Thoa, Trần Tiền Vệ, Trần Bá Mai và tôi làm thuỷ thủ. Anh Bùi Văn Hội phụ trách cơ yếu. Anh Phạm Phong Đê, và Trần Như Cơ lái tầu. Và anh Trần Văn Viết, làm y tá. Tầu 56 có nhiệm vụ đưa vũ khí vào bến Lộ Giao, Bình Định... Những ngày ấy, gió mùa đông bắc tràn về, biển động, nên hầu hết các thuỷ thủ chúng tôi đều say. Biển quần, và máy bay Mỹ cũng quần. Nhưng chúng tôi đi trên vùng biển Quốc tế, nên chúng chỉ theo dõi mà không dám đánh. Chập tối ngày hai chín tháng hai (29 – 2), khi cách bờ chừng bốn mươi hải lý, chúng tôi quyết định chuyển hướng, đi vào. Bọn địch đánh hơi thấy, điều tầu chiến đến bám rất sát. Tôi nhớ lúc đó, đứng trên boong nhìn ra, thấy bên phải có đèn pha; bên trái có đèn pha và phía sau cũng có đèn pha chiếu sang. Chi uỷ hội ý, thấy rằng vào bến trong trường hợp này bất lợi. Có thể không hoàn thành nhiệm vụ, lại dễ mất tầu. Do vậy đã quyết định chuyển ra công hải, lựa thời cơ vào bến sau... Kế đó, chúng tôi chuyển hướng khác, cho tàu vào bến ba lần, nhưng cả ba lần đều phải quay ra. Địch quây rất chặt. Lần thứ ba, chúng tôi vừa xoay mũi, lập tức có rất nhiều địch đuổi theo. Chiếc đi đầu đánh tín hiệu hỏi: " Anh là ai? Cho dừng máy, tôi sang kiểm tra". Thuyền trưởng Ba nhìn chính trị viên Sạn. Anh Sạn đề nghị: “ Coi như ta không nhận, hoặc không hiểu. Cứ cho tầu chạy thẳng”. Anh Ba hô: “Giữ nguyên lái. Đi ra hướng đông”... Thấy tầu 56 vẫn chạy, nó lại nháy đèn: “ Anh không dừng máy, tôi bắn”. Anh Ba nói:" Chuẩn bị chiến đấu! Lúc nào có lệnh mới được nổ súng". Cầm vũ khí trong tay, chúng tôi dõi mắt nhìn ra. Tầu địch ép vào rất gần, có lúc chỉ cách chừng ba liên (khoảng 600 mét- ĐK). Rất vừa tầm bắn, nhưng chúng tôi vẫn ôm súng chờ lệnh. Từ tầu địch, đạn bắt đầu bắn sang, nhưng cũng chỉ cầm chừng bắn doạ. Và máy bay lướt qua, thả pháo sáng. Kế đó có tiếng lè rè từ loa phóng thanh nhả xuống: “Hỡi thuỷ thủ đoàn trên tầu Bắc việt, Lộ trình của các bạn đã bị quân đồng minh và quân lực Việt Nam cộng hoà phát giác. Các bạn chỉ còn một con đường hữu hiệu duy nhất là nhanh chóng quay về với chính nghĩa quốc gia... Nếu các bạn dừng máy, chúng tôi lấy danh dự của quân lực Việt Nam cộng hoà, bảo đảm rằng các bạn sẽ được an toàn, được đối xử tử tế”...Từ trong buồng lái, chính trị viên Đỗ Như Sạn nói ra: “Các đồng chí hãy bình tĩnh... Gọi loa, có nghĩa là nó đang thăm dò. Trước mắt là công hải, không được ai manh động”. Tiếng loa trên máy bay lại thả ra, lần này vừa nói bằng tiếng Việt, vừa nói bằng tiếng Hoa. Chúng tôi vẫn làm thinh, đi thẳng. Gọi hàng không hiệu quả, chúng cho tầu ép sát hai bên mạn, rồi một chiếc vọt lên, chặn ngang phía trước. Anh Ba lệnh: “Giữ nguyên lái, đâm thẳng!”. Bấy giờ tôi đứng trước vô lăng, đáp gọn: “rõ!”.Con tầu mở hết tốc độ, lao lên. Cự ly giữa tầu ta và tầu địch đã rất gần. Hai liên !...Một liên !...Tôi đã loáng thoáng nhìn thấy bọn lính trên boong đang hoảng loạn la hét... Một giây. Hai giây... Chợt tầu địch tăng tốc, vọt qua. Tầu 56 lướt đúng vào vị trí năm giây trước đó có chiếc tầu địch... Cứ thế, chúng tôi tiến ra biển đông...
Sáng sớm ngày mồng một tháng ba (1-3), chúng tôi cách bờ chừng bẩy mươi hải lý. Anh Ba cho giảm tốc độ. Anh Sạn nhận định: “ Nếu địch có ý định đánh ta, nó đã bắn rồi. Nó sợ bắn nhầm tàu nước khác... Đây là hải phận Quốc tế, nhưng vẫn phải cảnh giác”... Ngày hôm đó, chúng tôi lang thang trên biển, chờ trời tối...”
Anh Trần Tiền Vệ, một thủy thủ đi chuyến đó, kể lại:
- Trong 4 tàu ra đi tết Mậu Thân 1968, chỉ duy nhất tàu 56 của chúng tôi đấu trí thắng lợi trên biển và trở về an toàn. Chiến công này, trước hết thuộc về sự chỉ huy bình tĩnh, khôn khéo, gan dạ và đầy kinh nghiệm của chính trị viên Đỗ Như Sạn. Mục đích hàng đầu của “tàu không số” là đưa vũ khí vào bến, chứ không phải chiến đấu với tàu địch trên biển. Do vậy tránh đụng độ khi hoàn cảnh có thể tránh được để bảo toàn tàu và sinh mạng thủy thủ là tốt nhất. Chỉ chiến đấu trong trường hợp bất khả kháng, không thể không chiến đâu. Chính trị viên chúng tôi trong chuyến đi đó đã quán triệt tinh thần ấy một cách tỉnh táo. Đã chẳng có lần tàu địch bắn vào tàu của một nước ở Đông Nan Á, gây ra bao phiền phức đấy sao. Bởi vậy khi biết địch chưa xác định chính xác con tàu mà chúng săn đuổi là tàu nước nào, thì phải khai thác triệt để yếu tố đó. Ba lần chúng tôi được lệnh cài kíp nổ vào bộc phá, bom chìm, và khối thuốc nổ TNT ở các vị trí tren tàu với ý thức, đã hy sinh thì cũng phải bắt tàu địch cùng chìm, nhưng cũng ba lần, vào phút chót, lúc sự sống và cái chết lơ lửng treo trên sợi tóc, chính trị viên đã bình tĩnh lệnh tháo tất cả ngòi nổ ra. Anh Sạn cho rằng nếu địch biết ta là tàu Bắc Việt, chúng đã bắn rồi. Khi chúng bắn dọa, anh vẫn động viên anh em: “chúng bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết”. Và chúng tôi đã vững tin vào cách ứng xử của anh. Chính trị viên Đỗ Như Sạn là ân nhân, là cứu tinh của con tàu. Lúc đó, nếu manh động, nôn nóng xả súng sang tàu đich, hoặc có biểu hiện quân sự nào đấy khiến kẻ địch nhận ra con tàu chúng đang theo dõi là tàu nào, chắc chắn chúng sẽ xả đạn vào và tàu chúng tôi đã chìm xuống biển... Tôi vẫn coi anh Đỗ Như Sạn là một chính trị viên “tàu không số” tuyệt vời!...
Tháng 4 vừa qua, tôi cùng đoàn làm phim lang thang vào Sầm Sơn, Thanh Hóa để gặp anh Đỗ Như Sạn. Anh đã gần 80, nên không được khỏe. Hom hem và gây yếu. Anh chị tiếp chúng tôi rất ân cần. Chỉ một người con, lại ở xa nên chỉ anh chị sống với nhau. Một căn nhà nho nhỏ, cũ kỹ, có phần ọp ẹp. Một vườn rau má cũng nho nhỏ nhưng tốt tươi. Anh nói vui và rất thật rằng, vườn rau má đó là thu nhập thêm ngoài lương thiếu tá. Khi tôi hỏi về chuyện đấu trí của tàu 56 năm 1968, anh cười, bảo rằng quên nhiều rồi, hỏi anh em còn trẻ ấy. Khi hay tin Đoàn 125 và Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đang đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho anh, tôi thấy ấm lòng. Một con người như Đỗ Như Sạn sao không là anh hung? Muốn đấy. Nhưng muộn vẫn hơn là đánh mất sự biết ơn và tôn vinh những người đáng được tôn vinh.
... Trở về Bộ Tư lệnh Hải Quân, lục tìm trong mớ hồ sơ, tôi may mắn tìm thấy những bức điện liên lạc giữa sở chỉ huy và tầu 56 ngày ấy.
Tầu 56 báo về sở chỉ huy:
" - 6 giờ, gặp 6 máy bay cắt ngang hướng đi từ Đà Nẵng đến Gu-am.
- 10 giờ, một máy bay NAVY ở độ cao 200 mét, lượn 5 vòng, chụp ảnh. 10 giờ 20' nó vào bờ. Tầu vẫn giữ hướng đi- Sạn"( tức chính trị viên Đỗ Như Sạn- Đk)
Điện từ sở chỉ huy: “Điều chỉnh tốc độ. Không vào sớm hơn - Đạo"(Tức quyền đoàn trưởng Huỳnh Công Đạo- ĐK)
Điện từ tầu về: “17 giờ,1 tầu chặn trước mũi, ta tránh sang trái, 1 máy bay đến lượn vòng. 17 giờ 30', tầu chiến đang đi về phía ta- Sạn”
“19 giờ, gặp 9 tầu địch. Tránh hơn 2 giờ. Chi bộ quyết định vào. Xin chỉ thị- Sạn”
Điện từ sở chỉ huy: “Bình tĩnh xử lý. Nếu địch bám sát, không ăn được, nghi binh đánh lạc hướng, bảo đảm cho đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ - Đạo”.
Ngày 1 tháng 3
Điện từ tầu về:
"18 giờ 23 phút, gặp 11 tầu địch bám sát. Tránh không được. 23 giờ vẫn bám sát. Nhận định, có thể lộ. Trở ra chờ thời cơ - Sạn”.
“3 tầu địch dọi đèn pha gọi dừng máy. Máy bay thả pháo sáng. Chúng tôi vẫn đi. Có thể chiến đấu - Sạn”.
Điện từ sở chỉ huy: “ Tránh né quay ra. Ngày mai chờ lệnh - Đạo”
Điện từ tầu: “Địch chặn đường, cách bờ 40 hải lý. Ba tầu địch đang đuổi theo tôi- Sạn”
Điện từ sở chỉ huy: “ Bình tĩnh. Tầu 68 trước đây địch theo 3 ngày liền vẫn không việc gì. Ngụy trang cho tốt - Đạo”.
Ngày 2 tháng 3
Lúc 3 giờ 30', điện từ tầu: “Đich bám sát, bắn doạ. Tầu đi hướng 90 độ. Treo cờ Nhật Bản. Sẵn sàng chiến đấu. Xin chỉ thị - Sạn”.
Chỉ thị của Sở chỉ huy lúc 3 giờ 50': “Bình tĩnh. Địch doạ. Chúng không dám đánh ngoài khơi - Đạo”
6giờ 40', điện từ tầu: “Máy bay lượn vòng, bắn khiêu khích- sẵn sàng chiến đấu - Sạn”.
Mệnh lệnh từ sở chỉ huy: "Tránh ra biển Đông- Đạo". Một lúc sau, điện tiếp:"Báo cáo:hiện ở đâu? Địch ra sao?Nếu căng, không đi vội- Chuyển hướng đông đi về- Đạo"
12giờ 15 phút, điện từ tầu: “Lúc 12 giờ, tầu ở kinh độ11 độ 36, vĩ độ14 độ 19 hướng đi 90 độ. Vẫn còn một chiếc tầu địch bám liên tục. Tinh thần anh em tôt- Sạn”.
Lệnh từ sở chỉ huy lúc 14 giờ10': “ Bình tĩnh động viên anh em cho tốt. Địch khiêu khích, không dám đánh ở công hải, nhưng phải cảnh giác cao. Cho trở về - Đạo”.
Điện từ tầu lúc 17 giờ: “13 giờ, có 3 tầu địch theo. Gặp 3 máy bay địch đi về phía Đà Nẵng. Đi theo hướng tầu buôn Trung Sa, Tây Sa - Sạn”.
Và, tầu 56 đã trở về bến sau nhiều ngày đấu trí trên biển.
(còn nữa)
“TÀU KHÔNG SỐ” VỚI MẬU THÂN NĂM 1968
"...Sau những chiến công mùa khô năm 1967, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp, nhận định: địch đã bị thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược "chiến tranh cục bộ", chúng đang bị động lúng túng về chiến lược, chiến dịch.Trung ương chủ trương chỉ đạo các chiến trường khắc phục khó khăn, tích cực hoạt động quân sự Thu- Đông, nhằm đẩy địch vào thế bị động sa lầy hơn nữa, tạo thế và lực cho ta đón thời cơ, giành thắng lợi quyết định.
Năm 1967, lực lượng Mỹ nguỵ từ chuẩn bị phản công, giành thế chủ động phải quay về phòng ngự bị động. Cuốí năm 1967, lực lượng vũ trang quân giải phóng có 7 sư đoàn, 15 trung đoàn, 50 tiểu đoàn độc lập ; lực lượng vũ trang địa phương có 55 tiểu đoàn, 17 đại đội, 144 trung đội độc lập và 30 mươi vạn dân quân tự vệ.
Từ tình hình trên, tháng 12 năm 1967, Bộ chính trị họp và nhận định :"Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược". Và Bộ chính trị quyết định "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định... Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách lúc này là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để dành thắng lợi quyết định".
Được Bộ chính trị giao nhiệm vụ, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã vạch phương án tổng công kích và tổng khởi nghĩa, xác định: cùng với đòn tấn công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố, quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị Thiên, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn.
Thời gian tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa được chọn vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968. Đây là thời điểm có nhiều yếu tố bất ngờ nhất.
Đêm 30 rạng mồng một tết Mậu Thân ( 31 tháng 1 năm 1968), cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta ở miền Nam nổ ra.
Để tiếp tế vũ khí cho quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 nhận được một kế hoạch "tuyệt mật" từ Bộ Tổng Tham mưu. Theo kế hoạch đó, Đoàn 125 chuẩn bị bốn tàu, xuất phát ở bốn địa điểm khác nhau nhưng cùng vào các bến trong một đêm. Tàu nào không vào được thì nghi binh, thu hút địch để tàu khác vào.
Sau khi cân nhắc, tính toán, chỉ huy Đoàn 125 chọn 4 tầu là 165, 235, 56 và 43 làm nhiệm vụ đặc biệt này.
Tầu 165 sẽ vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), tầu 235 sẽ vào Hòn Hèo (KHánh Hoà); tầu 43 sẽ vào Đức Phổ (Quãng Ngãi) và tầu 56 sẽ vào bến Lô Giao (Bình Định).
Nhận rõ mục đích và ý nghĩa của chuyến đi đặc biệt quan trọng này, cán bộ, thuỷ thủ các tàu đều phấn khởi và quyết tâm cao. Phương châm trong lần đột kích này là: Dũng cảm, thận trọng, táo bạo, ngoan cường.
Nhằm thực hiện ý đồ chiến thuật, từ ngày 25 tháng 2, các tầu 165, 56, 43 và 235 lần lượt nhổ neo. Tầu 165 rời bến đêm 25 tháng 2 ; tầu 56 rời bến đêm 26 tháng 2 ; hai tầu 235 và 43 rời bến chậm hơn, đêm 27 tháng 2.
Ngay đêm các tầu xuất phát, Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo tình hình địch trên biển cho chỉ huy Đoàn 125. Tại sở chỉ huy Đoàn 125, Tư lệnh quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát ; phó Tham mưu trưởng Kim Sang và các cán bộ chỉ huy của Đoàn thường xuyên có mặt, để giúp các tàu xử lý mọi tình huống. Thông tin trực 24/24. Mọi người hồi hộp đón nhận từng tín hiệu từ các tàu đánh về. Không khí trong sở chỉ huy đoàn 125 hết sức căng thẳng. Các cán bộ của đoàn, chính uỷ Võ Hồng Phúc, quyền đoàn trưởng Huỳnh Công Đạo, trợ lý tham mưu Trần Phong... hầu như không ngủ. Ai cũng hồi hộp lo âu.
Mấy đêm kế đó, lần lượt các tàu đều điện về:" Chúng tôi gặp địch"
Cuộc chiến đấu của bốn con tàu Đoàn 125 với hạm đội 7 và Hải quân ngụy đã xảy ra...Và, bốn con tàu ra đi, chỉ một tầu 56 trở về. Cuộc chiến đấu của tầu 43, tầu 165 và tầu 235 đã nói lên sự khốc liệt, khó khăn của công tác vận tải chi viện chiến trường trên tuyến đường biển. Song các con tàu của Đoàn 125 đã hành động vượt xa sức tưởng tượng bình thường, đã chiến đấu xuất sắc và giành thắng lợi. (Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân- tức đoàn tầu không số- Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân- Năm 2001)
Tàu 235
Cách đây hơn hai chục năm, tôi và Lê Đức Do có chuyến làm phim về “tầu không số”. Từ Nha Trang, chúng tôi đi nhờ xuồng của dân Ninh Vân để về Hòn Hèo. Hòn Hèo là tên chung chỉ vùng biển và dãy núi chạy qua hai xã Ninh Phước, Ninh Vân thuộc tỉnh Khánh Hòa. Hòn Hèo cách Nha Trang khoảng hơn chục cây số đường biển. Nơi đó thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã hi sinh cùng con tàu 235 cách đây hơn bốn mươi năm . Địa thế Hòn Hèo phức tạp, lắm mỏm núi nhô ra biển, nhiều đá ngầm, luồng hẹp. Một tài liệu của Pháp nói rằng muốn ra vào Hòn Hèo không mắc cạn, phải là những tay thuyền trưởng lão luyện, có trên dưới hai mươi năm tuổi nghề. Vậy mà Phan Vinh đã đưa được tàu vào đó. Vào ban đêm. Nhưng đêm ấy, đêm 29 tháng 2 năm 1968, vùng Hòn Hèo sáng trắng ánh đèn dù. Gần chục chiếc tàu chiến của Mỹ và ngụy bao vây phía ngoài, chặn lối tàu ta. Biết bến đã lộ, Phan Vinh thực hiện phương án hai, cho thả hàng xuống Ninh Phước, để bến mò vớt sau. Các kiện hàng được bao gói đặc biệt, lần lượt lăn xuống biển. Xong việc, anh đưa tàu xuôi xuống Ninh Vân, cách đó độ mười hải lý, nhằm không để lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi bám, bắn theo không ngớt. Tàu 235 ở vào tình thế gay go. Phía trước núi chắn. Sau lưng, bẩy tầu chiến của địch chặn ngang. Trên trời, máy bay quần lượn, thả pháo sáng, bắn rốc két. Ý định của chúng là bắt sống tàu ta. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phan Vinh, tầu 235 vừa vòng tránh, vừa bắn trả. Súng của Hà Minh Thật, của Đào Quang Ty, của Nguyễn Văn Phong liên tục nã đạn về phía tầu địch. Một chiếc bốc cháy. Đội hình địch rối loạn. Lập tức chúng lùi xa hơn, bắn pháo lớn. Cuộc chiến mỗi lúc một quyết liệt. Lúc này tàu 235 đã có năm người hy sinh, còn lại, hầu như đều bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cũng bị đạn xước qua đầu. Anh tự băng bó, và vẫn đứng trong buồng lái, động viên mọi người chiến đấu. Nhưng tàu địch đông, có ưu thế về hỏa lực, biển lại hẹp, khó cơ động vòng tránh, đồng đội tổn thất đã nhiều, nên Phan Vinh cho tàu dừng lại ở Bãi Giữa. Biết không thể phá vòng vây, Phan Vinh quyết định cho nổ tầu. Anh tổ chức đưa thương binh, liệt sỹ vào bờ. Sau đó lệnh điểm hoả. Khi nhìn thấy đồng đội đã bám được vào chân núi, anh và thượng sĩ thợ máy Ngô Văn Thứ kiểm tra ngòi nổ lần cuối, rồi nhảy xuống biển, bơi vào.
Tiếng nổ dội lên. Một cột lửa bốc cao. Vùng Hòn Hèo thất kinh, đỏ rực. Bọn địch bàng hoàng ngơ ngác. Tạp chí “Lướt sóng” của Hải quân ngụy sau đó thú nhận: “… Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam cộng hòa đã đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt cộng gan góc và thiện chiến (thực ra chỉ có hai mươi thủy thủ) trên một con tàu lớn chở chiến cụ từ miền Bắc thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng chục tấn bộc phá do chính tay họ tự huỷ, không để lại dấu vết trên biển”
Còn đài "Tự Do" của ngụy thì tường thuật: "… Các phi tuần, trực thăng, khu trục võ trang được gọi đến bắn phá. Lực lượng tăng viện đến thì cuộc lục soát bắt đầu. Một toán từ phía bắc xuống, một nhóm từ dọc đồi phía nam tiến lên, một lực lượng khác gồm bốn tầu dàn hàng ngang tiến vào vịnh. HQ12, HQ617 tiếp tục bắn phá vào sườn núi yểm trợ, nhưng chỗ này có nhiều đá ngầm và san hô nên bốn tầu này đều bị cạn, các chiến sỹ đành xuống nước vào để hợp lực với lực lượng trên bờ... "
... Trời đã chiều chiều, nhưng rõ ý định của chúng tôi, chủ tịch xã Ninh Vân, Trà Thái Lâm sốt sắng điều xuồng máy và đưa chúng tôi đến vị trí tàu nổ. Anh phàn nàn:
- Các anh là những người đầu tiên tới đây sau vụ đó. Ngỡ trên quên chớ! Một phần tư thế kỷ rồi...
Vâng, đã hai mươi ba năm đằng đẵng! Đã hai mươi ba lần lá rụng, hai mươi ba lần những mầm non nhú lên... Anh trách là phải, anh Lâm, chúng tôi không quên đồng đội của mình, nhưng hãy hiểu cho chúng tôi, chúng tôi chỉ là người lính. Vâng, lính trơn...
Đến sát một mỏm núi đá, xuồng dừng lại.
- Đây là Bãi Giữa !- Trà Thái Lâm nói và chỉ tay về phía trước.
Chúng tôi cùng nhìn xuống. Lập lờ dưới mặt nước, những khối sắt han rỉ nằm lặng phắc. Đây là mũi tàu hay khoang máy? Còn dấu tích nào của đồng đội chúng tôi vẫn ẩn chìm dưới đó? Có cái gì cay cay nơi sống mũi, chúng tôi bỏ mũ, lặng im… Lẫn trong tiếng sóng nhẫn nại dè dặt đập vào bờ đá, chúng tôi nghe hình như có cả những hơi thở gấp gáp, những tiếng nói đứt nối từ đâu vọng tới. Chiều tà, man mác, se lạnh…
Theo hướng dẫn của anh Lâm, chúng tôi men lên ngọn núi đá và không mấy khó khăn để nhận ra đài chỉ huy của tàu 235 lút chìm giữa gai rậm, cỏ lác. Sức công phá của khối thuốc nổ mạnh đến vậy sao? Chính trong khoang thép này, đã nhiều lần Phan Vinh điều khiển con tàu luồn lách qua đá ngầm, qua tuyến phòng thủ của địch chở vũ khí vào chiến trường và cũng trong khoang máy này anh và đồng đội đã giật ngòi nổ để một cột lửa bùng lên giữa biển khơi… Gần hai mươi lăm năm rồi mà những gì đập vào mắt cứ khiến chúng tôi nao cả lòng. Xác tàu, một nửa văng lên đang rã nát nằm chỏng chơ lưng chừng sườn núi Bà Nam này, một nửa biển ngậm dưới kia, còn anh, anh nằm nơi nào, Phan Vinh?…
Chiếc máy trong tay Lê Đức Do run run. Tôi rõ đồng nghiệp của mình đang xúc động. Hai mươi ba năm rồi mới có những thước phim về các anh, cũng là quá muộn...!
Ngậm ngùi, chúng tôi chỉ biết cùng anh Lâm và bà con Ninh Vân thắp cho các anh và con tàu một nén nhang....
Khi hương đã tàn, ngồi bên xác nửa con tàu, người chủ tịch xã kể:
- Thời đó, tôi mới tám tuổi, nhưng còn nhớ rõ. Sau khi tàu nổ, có hai người bị dạt vào chân núi này. Một người trong họ đội mũ nồi, mặc áo bludông giả da. Bọn địch tung quân lùng bắt ráo riết. Nhưng hai anh đánh trả dữ lắm. Gần sáng, không nghe tiếng súng nổ nữa. Và khi bọn địch mò tới được chỗ hai người, họ đã tắt thở. Hằn học, chúng tưới xăng vào và...châm lửa đốt.
Anh Lâm lẳng lặng dẫn chúng tôi tới một phiến đá hơi lõm xuống cách mặt nước chừng ba mươi mét. Thời gian không làm mất dấu tích tội ác kẻ thù. Tảng đá vẫn còn đen vết cháy. Tôi bật hỏi chủ tịch xã Trà Thái Lâm:
- Anh có biết gốc tích con tàu này và những người đã ngã xuống đây là ai không ?
- Cũng... Không rành... - Người chủ tịch thật thà đáp.
Tôi chạnh buồn. Nhưng Trà Thái Lâm không thể là người đáng trách. Trên đường trở lại thôn Đầm Vân, tôi cứ ước ao rằng, giá chi nơi đây, bên sườn núi Bà Nam này có được một tấm bia ghi lại sự tích về con tầu 235 và tên tuổi mười lăm đồng đội của chúng ta đã bỏ mình nơi đây. Có tấm bia, để khi những mảng thép kia có vụn tơi cùng thời gian, thì từ ông chủ tịch đến người dân thường vẫn đều biết, để con cháu đời sau ghi nhớ rằng, chính những con người đã ngã xuống mảnh đất này, những con người mà hài cốt của họ vẫn vất vưởng, chưa rõ nằm ở nơi đâu, đã làm nên con đường vận tải chiến lược trên biển đông có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Vâng, một tấm bia như thế không nhiều hơn số tiền liên hoan mừng công của một cơ quan bình thường đâu!
- Anh Lâm này, người đội mũ nồi, mặc áo bludông là anh hùng Nguyễn Phan Vinh đấy - Tôi buột nói.
- Hả ? Anh hùng ?...
Trà Thái Lâm quay lại, tròn mắt nhìn tôi. Và nằng nặc đòi tôi kể cho nghe tỷ mỷ những gì đã biết về con tàu, về những thuỷ thủ, về những chuyến đi của họ. Chuyện ấy thì tôi rành. Chính anh Long An, anh Lâm Quang Tuyến, và anh Lê Duy Mai, ba người trong số năm người của chuyến đi ấy còn sống sót trở về, đã thuật lại cho hay. Anh Tuyến đã kể: “Tàu 235 chúng tôi có tất cả 21 thuỷ thủ. Nhưng khi chuẩn bị nhổ neo, Ngô Dầu bị viêm phổi, phải vào viện, nên đội hình còn hai mươi anh em. Tàu do anh Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng, anh Nguyễn Tương làm chính trị viên, anh Đoàn Văn Nhi và anh Vũ Tá Tu làm thuyền phó. Máy trưởng là anh Ngô Văn Thứ; máy hai là Trần Lộc ; thợ máy là Vũ Long An và Nguyễn Minh Hải; thợ điện : Lê Duy Mai ; báo vụ: Phạm Trường Nam, Doãn Quang Ruyện ; ra đa: Trần Thọ Thuyết ; Thuỷ thủ phụ trách súng 14 ly 5: Nguyễn Văn Phong, Đào Quang Ty; Thuỷ thủ bắn súng DKZ: Hà Minh Thật; cơ yếu : Nguyễn Văn Dũng ; y tá: Hoàng Văn Hoà ; lái tầu: Mai Văn Khung và tôi: Lâm Quang Tuyến.
Đêm 29 tháng 2 năm 1968, khi vào đến hải phận Khánh Hoà, tàu chúng tôi bị ba tàu chiến mà sau nay mới hay rằng đó là tàu Ngọc Hồi, tàu HQ12, tàu HQ617 và bốn tàu khác thuộc duyên đoàn 25 bao vây. Nó muốn bắt sống tàu ta. Anh Phan Vinh có ý định đưa tầu xuyên vào đội hình tầu địch, phá vòng vây, nhưng rất không may cho chúng tôi là, vào thời điểm ấy, anh Vũ Long An báo cáo rằng, máy đã hỏng nặng. Việc đột kích ra khơi không thành. Lúc này đã là hai giờ ngày mồng một tháng ba. Tàu cách bờ hai trăm mét, anh Vinh phát lệnh cho tử sỹ và thương binh rời tàu. Số còn lại, cài kíp nổ, phá tàu. Lúc đó anh Vinh, anh Thứ đã bị thương nặng, nhưng vẫn chui vào khoang máy đặt giờ nổ…”
Anh Lê Duy Mai kể: “Nhận lệnh thuyền trưởng, tôi mở van khí ép bơm xuồng cao su để anh em thương binh đưa tử sĩ vào bờ. Ở lại tàu chiến đấu lúc ấy có thuyền trưởng Phan Vinh; anh Mai Văn Khung, phụ trách hàng hải; anh Thứ, anh Long An, anh Trần Lộc phụ trách máy; pháo thủ Nguyễn Văn Phong; anh Hà Minh Thật phụ trách DKZ , và tôi thợ điện. Đã bao năm rồi, nhưng tôi vẫn không sao quên được mệnh lệnh cuối cùng lúc đó của thuyền trưởng Phan Vinh: “Đánh bộc phá tại tàu!”. Đánh bộc phá tại tàu!, đồng nghĩa với hy sinh con tàu bằng lượng thuốc nổ hơn 100 ki lô gam mà chúng tôi đã cài sẵn. Nhận lệnh, anh Thứ, anh Long An, anh Hà Minh Thật vội đến các vị trí đã phân công , điểm hỏa. Tôi thốc xuống cầu thang, vào khoang máy và gặp anh Trần Lộc ở đấy. Thấy đầu anh quấn băng trắng, tôi nói: “Anh bị thương, tôi thay anh đánh bộc phá khoang máy sau” . Tình hình hết sức hiểm nghèo, nhưng thuyền trưởng Phan Vinh, dẫu lúc đó đã bị thương, vẫn bình tĩnh đi kiểm tra và động viên anh em. Đến khoang máy sau, anh hỏi: “Chắc ăn chưa?”. Tôi đáp: “ báo cáo, chắc!”. Đèn tín hiệu điểm hỏa bật sáng, chúng tôi rời tàu. Khoảng hai giờ ba mươi phút ngày mồng một tháng ba, một cột lửa bùng lên. Sức công phá của một tấn thuốc nổ chặt con tầu ra làm hai, một nửa chìm xuống nước, nửa còn lại văng lên núi. Sau phút bàng hoàng, địch gọi pháo từ biển bắn vào, gọi máy bay trên trời bắn xuống. Rồi cho lính đổ bộ lên bờ. Chúng tôi chia làm hai tốp, tốp một do thuyền trưởng chỉ huy. Anh Vinh, anh Thứ và các anh trong tốp này chỉ có súng AK và lựu đạn, nhưng đánh trả quyết liệt. Địch phải tăng viện binh. Trời chưa sáng rõ, lính ngụy, lính nam Triều Tiên từ trực thăng đổ xuống, từ biển mò lên. Chúng rải quân khắp núi Bà Nam. Anh Vinh, anh Thứ và các anh ở tốp đó xoay trở bắn đến viên đạn cuối cùng và tất cả hy sinh... Tốp thứ hai, do Thuyền phó Đoàn Văn Nhi chỉ huy. Tốp này gồm có tôi tức thợ điện Lê Duy Mai; thợ máy Vũ Long An, thuỷ thủ Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong, Mai Văn Khung và Lâm Quang Tuyến... Tất cả đều thương tích đầy mình. Địch lùng rất dữ, nên anh em chúng tôi dìu nhau, chạy vòng vo khắp vùng núi đá Hòn Hèo. Mười ngày phơi dưới nắng gắt, không lương thực, không nước uống, chúng tôi quắt tóp, kiệt quệ. Ngày thứ mười một, Khung khát nước không chịu nổi, bèn lần xuống núi. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, vẫn chẳng thấy về. Chúng tôi cử An và Thật đi tìm, nhưng cũng không biết tin tức gì. Sau này mới hay, Khung đã bị địch bắt. Ngày thứ mười hai, Anh Nhi lúc này đã yếu lắm, không có khả năng đi được xa, nói với chúng tôi: “Đừng vì mình mà loanh quanh ở đây. Hãy tản ra, cố tìm cho được du kích. Mình chờ mọi người ở đây”. Tôi nói: “Không, chúng tôi không bỏ anh. Anh em sẽ thay nhau dìu...”. “Đừng yếu đuối. Nấn ná là không còn người trở về Đoàn báo cáo. Thương mình thì hãy đi đi... Mệnh lệnh đấy”. Chúng tôi đành gạt nước mắt, chia tay anh. Mấy anh em lại luồn rừng mò mẫm đi. Đi suốt ngày suốt đêm. Có lúc gặp thú dữ, phải ngồi chụm lưng vào nhau, canh chừng. Rồi cũng gặp được người của bến. Việc đầu tiên là tuông đi tìm anh Nhi. Nhưng nơi bìa rừng ấy, nơi thuyền phó Đoàn Văn Nhi chia tay chúng tôi chỉ còn mảnh áo rách và cuộn băng cá nhân, máu đã nỏ khô. Chúng tôi chia nhau sục từng hốc đá, bụi rậm vẫn không thấy. Sau đó với sự giúp đỡ của du kích, chúng tôi quay lại Ninh Vân tìm xác đồng đội. Chôn cất anh em xong, chúng tôi dìu díu nhau vượt Trường Sơn trở lại miền Bắc. Sáu tháng sau về đến đơn vi”.
Tôi kể lại chuyện đó với Trà Thái Lâm. Trà Thái Lâm ngồi lặng. Đôi mắt dõi ra biển.
Đêm đó hình như chủ tịch xã không ngủ. Chừng ba giờ sáng, anh đánh thức tôi:
- Này, có thể làm được việc ấy không?
Tôi ngơ ngác:
- Việc gì?
- Còn việc gì nữa! Làm cái bia tưởng niệm anh Vinh và mấy anh đã hi sinh nơi đây…
Tôi nhổm dậy, nhìn anh. Có cái gì đó thoáng chạy qua tôi, thật xúc động. Lâng lâng, tôi không ngủ lại nữa. Tôi lắng nghe tiếng sóng ngoài biển đang triền miên mài lên bãi cát làng Đầm Vân.
Ý nguyện của chủ tịch xã Trà Thái Lâm muốn có cái bia tưởng niệm tàu 235 ở Hòn Hèo, được tôi báo cáo lại với Ban chỉ huy Đoàn 125. Anh Phan Điển, hồi đó là Lữ đoàn trưởng hết sức ủng hộ.
Mấy năm sau, tôi được biết, đồng đội của Nguyễn Phan Vinh ở lữ đoàn 125 đã làm cái điều mà ông chủ tịch xã Ninh Vân ao ước: Xây bia tưởng niệm tàu 235 ở đấy. Bia tưởng niệm ghi lại chiến công của tầu 235, và ghi đủ tên tuổi, quê quán mười lăm cán bộ, thuỷ thủ đã hi sinh tại Hòn Hèo đêm mồng 1 tháng 3 năm 1968 . Nhưng cùng với tin vui là một tin rất buồn: nửa con tàu 235 trên núi Bà Nam đã bị bọn buôn sắt vụn lấy trộm. Dẫu đã thu hồi, gom lại, nhưng đâu còn được nguyên vẹn như cũ...
... Hôm sau, chúng tôi lần sang Ninh Phước. Bác Phạm Kiệm và ông Phạm Duy Y, cựu chủ tịch xã kể lại rằng, những ngày đó có một thủy thủ bị lạc lên mạn này, trong người còn hai trái lựu đạn. Ban ngày, anh xuống biển, đội nón mê vờ làm người cào hến; tối đến tìm hang đá lẩn tránh. Bọn địch truy lùng rất gắt. Bà con theo dõi từng bước để chở che. Rồi một hôm, anh bị chúng phát hiện. Chúng hò hét đuổi rượt vây bắt. Nhưng rõ anh còn vũ khí, không tên nào dám vào gần. Bất lực, chúng bắn như đổ đạn. Anh bị thương vào chân, nhưng vẫn cố lết về hướng núi. Từ đó, không ai nhìn thấy anh nữa. Mười năm sau, bình yên trở lại, bà con Ninh Phước đi phát rẫy, tìm thấy một bộ xương nằm trong bụi rậm, cạnh đấy vẫn còn quả lựu đạn.
Nghe chuyện, tôi giật mình tự hỏi, người đó phải chăng là thuyền phó
Đoàn Văn Nhi? Bởi theo như lời năm chiến sĩ sống sót trong chuyến ấy trở về kể lại thì hình như anh bị lạc sang hướng Bắc. Tôi chợt nghĩ, không rõ đã có những cấp nào lo đến việc này? Hay chí ít cũng trở về đây để tìm hiểu cho tường tận?
Lại thêm nấm mồ nữa của đồng đội chúng ta “vô danh”.
Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên họ, đừng quên những con người như thế! Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên cuộc chiến đấu khốc liệt vừa qua!
Gia đình người anh hùng
Sau chuyến đi làm phim về, tôi có viết về trận chiến đấu của các chiến sỹ của tàu 235 ở Hòn Hèo. Bài báo đã có tác dụng. Nhiều gia đình, thân nhân của các thuỷ thủ, sau chiến tranh chỉ nhận được tờ báo tử : “Hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam” thì nay đọc báo, vỡ ra mọi lẽ. Họ rõ được chồng mình, cha mình, anh mình, con mình hy sinh ở đâu và hy sinh trong trường hợp nào. Cháu Yến con gái máy trưởng Ngô Văn Thứ mừng mừng tủi tủi khoe rằng, cháu vừa đưa mẹ lặn lội vào tận Đầm Vân tìm mộ bố...
Hồi vào Hòn Hèo lần thứ hai, chủ tịch xã Ninh Vân, Trà Thái Lâm đưa cho tôi lá thư gửi từ Hải Phòng vào, bảo:
- Anh đọc đi!
Tôi nhận ra đây là thư của gia đình anh Võ Tá Tu, thuyền phó tàu 235 đã hy sinh cùng Phan Vinh và Nguyễn Tương đã gần 30 năm tại Ninh Vân này. Gia đình nhờ ông chủ tịch xã cho biết hiện giờ mộ đồng chí Võ Tá Tu nằm ở đâu, và nếu có mộ chí thì đó là hài cốt được chôn cất hay chỉ là mộ đất tượng trưng. Gia đình cũng thiết tha xin vào thăm, để chí ít được biết nơi con em mình đã ngã xuống.
Tôi trả lại chủ tịch xã lá thư và thông cảm được tâm trạng anh.
Không chỉ một trường hợp thuyền phó Võ Tá Tu, hiện thuyền trưởng Phan Vinh nằm lại nơi đâu, chính trị viên Nguyễn Tương ngã xuống mép biển hay lưng chừng núi, ngôi mộ vô danh nơi xã Ninh Phước có phải là của thuyền phó Đoàn Văn Nhi? Và hốc đá, bờ cỏ nào còn ẩn giấu hài cốt các chiến sĩ tàu 235, vẫn là ẩn số. Cuộc chiến đã qua gần ba mươi năm, nhưng những vấn đề của chiến tranh đâu đã thôi day dứt!
Trong đợt đi làm phim về đoàn “tàu không số” cách đây gần 20 năm đó, tôi đã tìm đến gia đình anh Phan Vinh, anh Nguyễn Tương, cũng là để góp phần giải tỏa day dứt, chí ít là cho chính mình?
Phan Vinh chẳng còn bố, cũng chẳng còn mẹ. Tháng 3-1968 anh hy sinh ở Hòn Hèo thì cuối năm ấy, người du kích Nguyễn Đức Mẫn, bố của Phan Vinh cũng hy sinh trong một trận chống càn tại quê nhà. Mẹ anh mất sớm hơn. Năm 1963. Bà bị địch bắt vì những hoạt động cách mạng. Và bọn chúng đã tra khảo bà đến kiệt lực. Năm bà ra đi cũng là năm người con trai thứ hai, Nguyễn Đức Lân ngã xuống trên chiến trường Quảng Nam. Một gia đình, bốn liệt sĩ. Anh Nguyễn Đức Xử, người anh duy nhất còn lại của Phan Vinh tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tưởng niệm người anh hùng, gia đình và chính quyền xã cùng xây cất. Khi chúng tôi muốn có một vài kỷ vật của Phan Vinh, anh Xử lấy làm tiếc kể rằng trước lúc hi sinh, Phan Vinh có gửi thư về. Nhưng do chiến tranh, do di chuyển nhiều, lá thư đó, anh đã cố cất giấu, nhưng cũng chẳng giữ được.
Rất may, những năm sau, tôi gặp được một người có nhiều kỷ niệm với Phan Vinh. Đó là anh Trần Phong. Hai người, Trần Phong và Phan Vinh là đôi bạn thân. Họ cùng quê Quảng Nam. Cùng tập kết ra Bắc. Cùng đi học Trung Quốc. Cùng về Hải quân làm thuyền trưởng. Và sau đó cùng là cán bộ đoàn “tàu không số”. Năm 1963, sau hai lần đưa tầu 55 vào Bến Tre và Cà Mau, Trần Phong được rút lên làm trợ lý tham mưu, thì chính Phan Vinh là người “tiếp quản”, làm thuyền trưởng con tàu đó.
Anh Trần Phong tiếp tôi tại ngôi nhà nhỏ, trong một hẻm nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Là người gắn bó lâu năm với con đường biển, gắn bó lâu năm với Đoàn “tầu không số”, nên anh biết nhiều điều, thuộc nhiều chuyện. Cũng là con người hết sức đa cảm. Mỗi lần nhắc đến chuyện xưa, nhắc đến Phan Vinh, anh thường khóc.
- Không phải ngẫu nhiên thủ trưởng Đoàn hồi đó chọn Phan Vinh làm thuyền trưởng tầu 235, đột kích vào mũi khó khăn nhất: Hòn Hèo - Anh Phong kể - Ở Đoàn, ai cũng rõ Phan Vinh là một thuyền trưởng giỏi, gan dạ, quyết đoán. Vinh đã đi mười một chuyến, chuyến nào cũng thành công, chuyến nào cũng có những xử lý thông minh, để lại ấn tượng tốt đẹp. Thuỷ thủ rất phục, quý mến và nể trọng. Trung thực, thẳng thắn là đức tính của Vinh. So với bọn tôi, Vinh đi bộ đội rất sớm. Mười hai tuổi đã vào thiếu sinh quân... Ai ngờ chuyến ấy, Vinh mãi mãi không trở về... Trước khi đi, viết thư cho tôi còn lạc quan lắm...
Nói đến đây, anh Phong lặng đi, đôi mắt đỏ hoe. Rồi như thể cố giấu tình cảm của mình, anh đứng lên, lục tìm, và đưa cho tôi một tập thư của Phan Vinh. Tôi trân trọng đỡ lấy. Những lá thư đã ố vàng, chữ đã mờ nhòe. Tôi gắng đọc nhiều lần những lá thư đó, và mỗi lần đọc càng hiểu thêm về người anh hùng.
Lá thư Phan Vinh gửi Trần Phong khi anh mới sang căn cứ của Đoàn ở Hà Khẩu (Trung Quốc):
Phong thân.
Mình không ngờ đến nơi đây. Mùa hè đã qua mà nóng ghê, nhưng đâu có nóng bằng cõi lòng người chiến sỹ. Mọi việc ở đây diễn ra bình thường, rất mong chờ ngày " thượng lộ". Ấy thế mà cứ ăn chực nằm chờ mãi, kể cũng ê. Còn những gì tiếp theo nữa thì để lịch sử trả lời. Hẹn gặp Phong vào một ngày vinh quang. Điều đó là khẳng định!
Thằng Thanh dạo này cái bụng có phát triển không? Tất nhiên là hắn sẽ có gia đình nhỉ. Kể ra trong cuộc sống cũng lắm phiền toái, làm sao định trước được nó sẽ ra sao và đi đến đâu. Con người sẽ tìm thấy niềm vui trong mọi nẻo của cuộc sống. Mình cũng vậy, nếu không thì phải long đong.
Phong hãy giúp mình biên thư cho anh Xử. Khi nào có dịp mình sẽ biên thư sau, hoặc sẽ có dịp gặp. Mình không muốn biên thư vì mình nghĩ rằng mọi riêng tư lúc này sẽ làm cho con người khó bước tơí. Tình cảm đó có lẽ để dành cho sau chiến tranh. Bây giờ thì mình chỉ có một tình cảm duy nhất là hãy bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, con người hoàn toàn không sợ ràng buộc bởi những mối dây nào khác.
Mình vẫn khoẻ, ở đây cũng đang tiếp tục chơi trò ú tim, giống những ngày ở Hải Phòng. Nghĩa là chờ đợi. Cố nặn óc tìm ra cái gì mới, nhưng tiếc rằng khối óc cũng có hạn. Phong muốn tìm thấy Quyền hàng hải thì hỏi ông (chỗ nay thư bị mất chữ)...
Mọi việc chỉ có thế. Hẹn ngày gặp nhau có nhiều chuyện vui.
Thằng Thanh sắp cưới vợ, mình không có gì làm quà. Phong mở trong gói đồ mình để lại, lấy chiếc khăn tay, lọ nước hoa nói mình gửi tặng mối tình đó. Phong chuyển lời mình hỏi thăm và chúc mừng đôi bạn xinh đẹp ấy.
Vậy nhé. Hẹn ngày gặp nhau và nói nhiều. Gửi lời thăm Phong phu nhân và Phong hoàng tử.
Xiết chặt tay Phong.
Hà Khẩu tháng 1 năm 1968.
Và đây là lá thư cuối cùng, trước lúc Phan Vinh ra đi:
Trần Phong,
Nhân dịp xuân biên cho mày vài chữ. Chúc mày sang năm mới khoẻ mạnh, gặp nhiều may mắn. Gởi lời thăm Phong vợ và Phong con. Chúc cả nhà vui vẻ. Mọi vấn đề gì sang năm mới chúng ta hẵng nói. Bây giờ thì không thể nói và không biết nói gì.
Chỉ nhờ mày một việc. Mày lại chỗ ông Bích lấy dùm tao 100 đ (một trăm đồng). Nếu mày có được đi Hà Nội, đem lại chỗ thằng Ngũ bảo tao gửi cho nó 50 đ để ăn Tết và giúp nó khi vợ nó đẻ. Còn 50 đ thì giao cho ông anh tao, ông Xử đang học ở đại học Nông nghiệp. Nếu không đi được, mày gửi bằng bưu điện và mày biên vài chữ bảo tao không về được. Tao không biên thư vì hiện nay...(thư bị mất chữ)... Hoặc có ai về Hà Nội thì gửi, mày biết địa chỉ ông Xử hay thằng Ngũ, con Soa chứ (Nguyễn Đức Xử, Nguyễn Đức Ngũ, Ngô Thị Soa). Thế nhé, khi nào có tàu về tao sẽ mua quà cho mày. Bây giờ thì không kịp vì có nhiều lý do...
Tao vẫn khoẻ và bình thường.
Đang mong...( chỗ này thư bị mất chữ) mà chẳng thấy, buồn thiu ( thư mất chữ)
Thế nhé, chúc mày khoẻ và vui.
Thân.
Vinh
Anh Bích.
Nhân tiện có người về gửi lời hỏi thăm anh. Và sau đây nhờ anh một việc:
Lấy số tiền lương của tôi ấy mà đưa cho Trần Phong 100đ ( một trăm). Và ghi vào sổ tiền lương đã lấy ra. Vinh rất cần tiền nên biên thư này để lấy tiền, anh thông cảm nhé. Chúc anh năm mới mạnh khoẻ vui nhiều.
Nguyễn Phan Vinh
...Thuyền trưởng Phan Vinh và chính trị viên Nguyễn Tương người cùng huyện nhưng khác xã. Phan Vinh ở Điện Nam, Nguyễn Tương ở Điện Thắng. Song thân Nguyễn Tương đều đã mất. Hồi đó chúng tôi dò hỏi mãi mới tìm được nhà anh thương binh Nguyễn Văn Tỏi, em út Nguyễn Tương.
Một mái nhà lá đơn lẻ. Một mảnh vườn lưa thưa cây. Nắng và cát quây bốn bề. Trên bàn thờ, ngoài ảnh những người đã khuất là tấm huân chương độc lập hạng 3 nhà nước tặng cho ông bố và bà mẹ quá cố vì có ba người con đã hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có Nguyễn Tương.
Khi tôi muốn biết đôi điều về người anh cả Nguyễn Tương, anh Tỏi nói rằng anh không có nhiều thông tin, chỉ hay rằng anh Tương tập kết ra Bắc, lấy vợ ngoài đó. Tên chị là Nguyễn Thị Phấn. Khoảng những năm 60, nhắn tin về Điện Thắng rằng anh chị đã có một cháu trai, đặt tên là Nguyễn Trường Sơn. Anh hy sinh năm 1968... Tôi hỏi hiện cháu Sơn sống thế nào, anh Tỏi có phần buồn, nói rằng, sau khi anh Tương hi sinh, không rõ tin về cháu nữa. Muốn tìm hoặc thư cho cháu, nhưng địa chỉ chẳng rõ ràng. Anh và cả họ Nguyễn ở Điện Thắng rất muốn gặp người con trai anh Nguyễn Tương đã để lại trên đất Bắc.
Tôi nhẩm tính, năm nay Nguyễn Trường Sơn hơn 30 tuổi. Lần ấy trở về Hà Nội, tôi có viết một bài báo với dụng ý nhắn rằng, nếu đọc được những dòng này, cháu Sơn hãy viết thư và nếu có thể về ngay Điện Thắng để nhận họ hàng. Mọi người mong cháu lắm. Hãy tự hào rằng mình đã có người bố chiến đấu rất dũng cảm. Hãy tự hào rằng mình sinh ra trong một gia đình có các chú đã hi sinh hoặc đóng góp lớn lao cho cách mạng. Dẫu chưa một lần đặt chân tới, Điện Thắng vẫn là quê nội và cháu là tộc trưởng đó. Chớ quên điều hệ trọng ấy.
Bài báo có kèm tin nhắn đó không rõ có đến tay Sơn? Những dòng viết hôm nay, coi như lần nhắn tin thứ hai của một người đã có dịp đi qua quê hương anh Nguyễn Tương, bố của Nguyễn Trường Sơn.
Một điều rất thú vị, khi tôi đang viết những dòng này thì anh Trần Văn Hữu, Hội trưởng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển điện thoại cho hay, cháu Nguyễn Trường Sơn, con trai anh Nguyễn Tương, năm nay đã 50 tuổi, hiện làm giám đốc một công ty chè ở Yên Bái. Tôi vội bấm máy liên lạc... Sơn ngạc nhiên, nhưng vui lắm, rồi kể rằng năm 2001, cách đây đã 10 năm, Sơn may mắn đọc được bài báo tôi viết và nhờ vậy đã về Điện Thắng, quê hương của mình. Sơn kể, bố tập kết ra Bắc, đóng quân ở Sơn La. Mẹ người Hà Nam, tham gia thanh niên xung phong làm kinh tế trên đó. Hai người gặp nhau. Năm 1960 Sơn ra đời. Hai năm sau bố chuyển về Hải quân, sau này mới hay làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Nam. “Cháu đã về quê hai lần rồi chú ạ. Cảm ơn bài báo của chú lắm - Sơn nói trên điện thoại - Hiện mộ hai chú là liệt sỹ của cháu nằm ở nghĩa trang Quảng Nam, bởi vậy cháu rất muốn đi tìm mộ bố để quy tập về đấy. Mẹ cháu đã trên tám mươi tuổi, già và yếu, cũng có nguyện vọng như vậy, các chú giúp cháu nhé”. Tôi hứa, tôi và các anh trong hội cựu chiến binh đoàn “tàu không số”, là đồng đội của bố Sơn sẽ có trách nhiệm. Tôi cũng thông báo với Sơn rằng, tôi đã đến nghĩa trang Ninh Hòa, Khánh Hòa, hiện nay mộ anh Nguyễn Tương cùng 13 liệt sỹ trên tàu 235 chở vũ khí vào Hòn Hèo năm 1968 đã được đưa về đó. Nhưng... rất đáng tiếc là đều... “vô danh”.
Viết thêm: Cuốn sách này vừa viết xong thì tôi lại nhận được điện thoại của Sơn. Sơn khoe rằng, vừa rồi có một nhà ngoại cảm giúp đỡ, nhờ vậy Sơn đã “ gặp” được bố Nguyễn Tương. Bố nói rằng hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang Khánh Hòa. Sơn còn nói rất kỹ rằng bố nằm ở hàng nào, ngôi mộ thứ mấy. Khi chôn cất, có chiếc bi đông bên canh, nếu đưa về, nhớ mang những vật dụng ấy về theo. Tôi hỏi: Vậy bao giờ Sơn định rước bố? Sơn đáp: Bố cháu bảo rằng tháng 9 mới được đưa về. Bố muốn nằm cạnh hai chú, là liệt sỹ, tại nghĩa trang quê nhà.
Tôi điện ngay cho anh Nguyễn Bá Cường, cựu bí thư huyện ủy Ninh Hòa, nhờ xác định thông tin trên. Anh Cường điện ra nói rằng ở nghĩa trang Khánh Hòa, không có ngôi mộ nào mang tên Nguyễn Tương. Dẫu vậy, tôi vẫn cầu mong cho người con trai duy nhất của anh Nguyễn Tương tìm được hài cốt bố mình và đón về quê theo nguyện vọng của anh.
Gặp những người ở bến Hòn Hèo
Mùa hè năm 2010, để viết cuốn sách này, bằng vào sự giúp đỡ của các anh trong Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi trở lại Hòn Hèo lần nữa. May mắn và tình cờ, tôi và Tô Hải Nam gặp được anh Nguyễn Bá Cường và chị Phạm Thị Hường, hai người đã từng tham gia đón vũ khí nơi Hòn Hèo năm 1968, hiện sống ở Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa.
Từ Nha Trang, chúng tôi theo quốc lộ Một ngược lên. Quá huyện lỵ vài ba cây số, đã thấy anh Cường ngồi trên xe máy, đợi sẵn. Sợ chúng tôi không tìm ra địa chỉ, anh đi hơn 15 cây số, từ Ninh Thủy ra đường lớn đón. Chị Hường, vợ anh biết trước chúng tôi vào, vội chạy ra cửa, niềm nở vô cùng. Chưa gặp anh chị lần nào, nhưng thái độ ân cần, sởi lởi của hai người khiến chúng tôi quên đi cái nắng nóng miền trung giữa ngày hè. Chị Hường sốt sắng giục khách đi rửa tay chân, rồi tíu tít pha nước, gọt trái cây. Anh Cường chạy ra, chạy vào bật máy lạnh, kiếm thêm quạt điện. Sự chu đáo của hai người khiến chúng tôi cảm động. Chị Hường mập, lại nhanh nhẹn, nom trẻ hơn tuổi 63. Nhìn qua rõ là người phúc hậu, nhiều tình cảm... Nhà anh Cường chị Hường rộng, thoáng, ô tô vào đến tận cửa. Nhưng anh chị cứ loay hoay, như thể sợ rằng có khiếm khuyết khi đón chúng tôi. Để anh chị đỡ băn khoăn, tôi nói rằng mình vốn là lính, đã đi trọn cuộc chiến tranh chống Mỹ, và đã từng qua lại Hòn Hèo nhiều lần. Anh chị “à” lên ngạc nhiên. Song câu chuyện nhờ vậy lại trở nên cởi mở, thân tình. Khi tôi muốn biết giai đoạn năm 1968, Hòn Hèo đã chuẩn bị đón “tàu không số” thế nào, như bắt đúng mach, chị Hường vui vẻ kể:
- Năm đó tôi làm việc ở trạm xá Hòn Hèo. Một hôm mấy anh trên huyện về bảo: “Hường chuẩn bị đi nhận công việc mới nghe”. Tôi muốn biết đi đâu, làm gì, nhưng không ai nói. Hồi chiến tranh, quen với những việc đại loại như vậy rồi, nên chẳng hỏi thêm. Tôi và 6 người nữa được đưa đến Ninh Vân. Sau đó bổ sung thêm 30 du kích. Bộ phận này do ông Tư Sư, bí thơ huyện Ninh Hoà trực tiếp phụ trách. Chúng tôi dựng lán trại bên suối Ba Giao trong rừng để ở. Nhiệm vụ là hàng ngày xuống biển nắm tình hình địch, tình hình hoạt động của bọn hải thuyền, và tình hình nhân dân ở đó, rồi về báo cáo. Tôi nhớ lúc đó có hai bộ phận thay nhau làm công việc ấy. Một bộ phận do anh Hạnh phụ trách. Một bộ phận do anh Hường phụ trách. Tôi được phân công làm y tá và nuôi quân. Rồi một ngày cuối năm 1967, huyện huy động cả trên trăm người tới cứ, bao gồm bộ đội đại đội 71, đại đội 73 và dân công Ninh Phước, Ninh Vân. Hồi ấy Ninh Phước và Ninh Vân chưa tách ra làm hai xã như bây giờ. Ông Tư Sư lúc đó mới thông báo rằng, chuẩn bị đón và nhận vũ khí từ tàu của miền Bắc chở vô. Chúng tôi hồi hộp lắm. Ai cũng vui và sẵn sàng. Nhưng vì lý do sao đó, tàu không vô. Mấy hôm thì ông bí thư huyện tuyên bố cho dân công về. Hồi tết Mậu Thân, đang đêm, chúng tôi nhìn thấy trên biển pháo sáng bắn lên, rồi có nhiều tiếng súng. Gần sáng thì có một tiếng nổ lớn. Biết tàu ta vào đã gặp địch, chúng tôi được lệnh tỏa đi hỗ trợ anh em thủy thủ. Lúc ấy trực thăng đổ quân xuống bao lấy vùng Hòn Hèo. Chúng rất đông. Có cả lính Đại Hàn. Trận càn này có quy mô lớn. Ngoài biển thì tàu chiến, trên núi thì bộ binh. Đạn bắn ra như mưa. Hôm đó chạy càn, tôi lạc đơn vị, mấy ngày lang thang trong rừng. Đói đã đành, nhưng khát mới đáng sợ. Phải hứng từng giọt nước nơi khe đá rỉ xuống để uống. Đêm sau, tôi thiếp đi bên một con suối cạn. Lúc tỉnh dậy, thấy lính Đại Hàn ngay cạnh, gần đến mức nhìn rõ cả nốt tàn nhang trên mặt từng thằng; vỏ đồ hộp chúng ném ra, rơi ngay vào đầu. Nghĩ rằng chuyến này chắc chết. Năm đó mới hai mươi tuổi, chết thì uổng quá, Với nữa chết ở đây chắc đồng đội không biết mà mang xác về. Vậy mà may mắn thoát. Ngày thứ ba lần về đến đơn vị. Nhưng lán trại đã bị đốt trụi. Đói. Khát. Và mệt... Hôm sau nữa thì gặp được đồng đội. Địch rút, chúng tôi lại xuống bến. Thấy một nửa con tàu nằm lưng chừng núi, mới hay các anh thủy thủ đã cho hủy. Mấy hôm lùng tìm thì gặp được 5 anh em thủy thủ còn sống sót. Người nào cũng tơ tướp, hốc hác. Họ đã không ăn uống hơn 10 ngày rồi. Thời đó bến cũng đói dài, nên tôi thường đi đào thêm củ mài để “bồi dưỡng” cho anh em. Hồi ấy đâu có mùng, đêm ngủ muỗi quá trời, thương mấy ảnh, tôi có sáng kiến khâu cho mỗi người một cái bao, lúc ngủ thì chui vào. Hôm chia tay để các anh về cứ Đá Bàn chuẩn bị ra Bắc, anh Tuyến nói vui: “Bọn anh xin em cái bao này để làm kỷ niệm”. Tôi khóc. Thương các anh quá!
Kể đến đây, chị Hường khóc. Tôi nhìn chị Hường, nước mắt ràn rụa, hỏi:
- Từ bấy đến nay chị có gặp lại anh em thủy thủ hồi ấy không?
Chị gạt nước mắt, nói:
- Có. Năm 1978, tức là hơn chục năm sau, anh Tuyến, bấy giờ công tác tại Nha Trang về Ninh Phước tìm tôi. Anh em gặp lại, cùng ôm nhau và cùng khóc. Rồi ôn chuyện cũ, vừa nghẹn ngào vừa vui...- Nước mắt vẫn lưng tròng, chị Hường nở nụ cười, nói tiếp - Mới đây, anh Mai, anh Phong, trong chuyến đi về lại chiến trường xưa, có tìm gặp tôi. Mừng lắm! Anh em nhắc lại những kỷ niệm của một thời gian khổ, gian khổ tưởng không thể chịu nổi, vậy mà vẫn vượt qua.
Anh Cường ngồi cạnh đấy, tham gia:
- Tôi lấy làm tiếc là thời ấy, khi tàu vào Hòn Hèo, lại không có thủy thủ nào là người địa phương dẫn đừơng ...
Tôi không đáp, mà nhìn lên tường, nơi treo tấm bằng “ bốn mươi năm tuổi đảng” của hai người, anh Nguyễn Bá Cường và chị Phạm Thị Hường, nghĩ sang chuyện khác. Anh chị người cùng làng, biết nhau từ nhỏ, cùng họat động rồi cùng lên núi. Hai người kết hôn nơi hang đá trong cứ. Lễ thành hôn cũng là lễ kết nạp chị Hường vào Đảng. Thời anh làm bí thư huyện ủy, chị làm bí thư xí nghiệp muối.
- Anh Cường làm bí thư, tôi cũng bí thư chứ bộ - Chị Hường nói vui - Có điều bí thư của anh ấy to hơn bí thư của tôi.
Chúng tôi cười. Anh chị cũng cười. Chị Hường cười nhưng nước mắt vẫn lăn trên má.
Bữa ăn trưa được dọn ra, toàn thứ chế từ đặc sản vùng biển, và các món ăn nam Trung bộ, đơn giản mà ngon, do chị Hường đã có ý chuẩn bị . Trước khi ngồi vào bàn, chúng tôi chụp ảnh.
Hôm sau, tôi và Tô Hải Nam cùng anh Cường đi nghĩa trang Ninh Hòa viếng đông đội tàu 235. Anh Cường kể:
- Sau khi tàu nổ, địch càn lên Ninh Vân dài ngày. Xác anh em mình hy sinh bị chúng dồn lại và thiêu đốt. Sau khi chúng rút, bộ phận bến, một mặt đi đón người còn sống sót, mặt khác đi tìm thi thể những người đã hy sinh. Trong nhất ký của anh Hường, hồi ấy là trung úy, đã hy sinh năm 1969, viết lại rằng, có 9 trường hợp được người của bến chôn cất tại chỗ... Sau giải phóng, địa phương quy tập về nghĩa trang huyện được 7 mộ. Khi đào lên, vài ba mộ còn lại ít xương, còn phần lớn là mảnh vải dù, hoặc một tấm ni lông nên đành chôn xuống khu mộ vô danh của nghĩa trang huyện... Những năm trước, gia đình anh Thứ ( tức máy trưởng Ngô Văn Thứ- ĐK) có nhờ nhà ngoại cảm tìm hộ. Bước đầu xác định được mộ. Tôi báo cáo với huyện cho lập bia. Sau đó gia đình có nguyện vọng xin đưa về quê, nhưng khi đào lên, chỉ còn một tấm vải dù và một ít đất đen, nên không đưa về nữa, đành lấp nguyên như cũ... Thật tội!
Chúng tôi đến nghĩa trang Ninh Vân khi mặt trời mới lên được một đoạn. Không ai bảo ai, mọi người cùng lần lại khu mộ “vô danh”. Có tất cả hơn hai mươi đồng đội của chúng ta yên nghỉ tại đó. Chúng tôi lặng lẽ đi một vòng, ngó nghiêng, tìm kiếm... Trong số này, đâu là mộ của các chiến sỹ tàu 235? Giá chi chúng tôi kêu tên từng người và các anh thưa được! Trong số các anh đã ra đi trong tết Mậu Thân ngày ấy, ai đã được đưa về nằm tại đây và ai còn vất vưởng nơi chân núi Bà Nam, sát biển Hòn Hèo?... Tôi đứng lặng, nhìn quanh trời đất, chợt thở dài!
Buồn và nhớ thương, chúng tôi chỉ còn biết đặt ít hoa, quả, vàng tiền lên mộ anh Ngô Văn Thứ, rồi thắp một nắm nhang mà khấn rằng: Không rõ được phần mộ các anh, thôi thì xin các anh cho phép được đặt ít quà lên phần mộ anh Thứ. Các anh có linh thiêng, xin tụ về cả đây để nhận tấm lòng thành của anh em chúng tôi... Nam mô a di đà phật!
Hóa vàng xong, chúng tôi chào đồng đội lần nữa, dẫu không rõ họ nằm ở phần mộ nào, rồi lên đường. Trước khi lên xe, anh Cường dặn:
- Muốn biết thêm chuyện, ra Đà Nẵng tìm ông Lê Đình Kiến nghe.
Và hôm gặp anh Kiến ở Đà Nẵng, theo lời anh Cường, tôi có hỏi thêm chuyện ở Hòn Hèo. Anh Kiến kể:
- Sau khi bến Vũng Rô bị lộ, Tôi, anh Dương Kính, anh Phạm Trung Tuấn, anh Sáu Tồn, được giao nhiệm vụ vào Hòn Hèo kiểm tra xem có đủ điều kiện thành lập bến không. Người nắm chắc vấn đề này là anh Cả, thường vụ tỉnh ủy. Rất không may là sau đó anh Cả hy sinh. Vậy là chơ vơ. Chúng tôi xuống Hòn Hèo gặp ông Tư Sư để bàn… Hồi đó rất đói. Chúng tôi vừa tổ chức lực lượng bến, vừa phá rừng, phát rẫy trồng khoai trồng sắn. Khoai sắn chưa kịp mọc thì đào củ mài, củ nâu ăn thay cơm. Tôi nhớ một lần, cả đơn vị say sắn lử đử. Nhưng không ăn sắn, biết ăn gì. Địch lại càn liên miên, nên càng khó khăn. Tháng 7 năm 1967, được bổ sung thêm anh Đỗ Đức Hạnh, anh Võ Tấn Đối, anh Huỳnh Hường. Mấy ông này mới thực sự là người của Hải quân, họ đi vào miền Trung cùng ông Huỳnh Kim nhằm chuẩn bị bến bãi từ những năm trước... Tháng 9 năm đó, tôi được giao làm Bến trưởng rồi được trang bị một đài 15 oát để liên lạc với tỉnh ủy. Về cái máy thông tin ấy, có mấy chuyện như sau: chúng tôi di chuyển đi đâu, địch càn tới đó. Sau này mới hay rằng nó mò được sóng vô tuyến của mình và định vị được chỗ chúng tôi ở. Chuyện nữa, buồn hơn nhiều. Trước khi tàu vào, cái máy 15 oát đó tự dưng dở chứng, không liên lạc được với bộ, không liên lạc được với tỉnh. Tôi dẫn theo một cơ yếu, đạp rừng về căn cứ tỉnh, tính nhờ đài của tỉnh hỏi ra ngoài Bắc để biết ngày giờ tàu vào. Nhưng chắc là cách gõ “ma níp” của người thông tin nơi tỉnh ủy, mấy cha thông tin trên bộ thấy lạ, do cảnh giác nên không trả lời. Lại tưởng tôi đã hy sinh. Khi biết tàu anh Phan Vinh vào Hòn Hèo, từ căn cứ tỉnh, tôi tuông về bến, nhưng 10 ngày sau mới tới nơi… Chuyện tàu vào Hòn Hèo, phải hủy, anh em mình hy sinh đã qua mấy chục năm, nhưng tôi nghĩ, rất nhiều bài học xương máu cần làm rõ…
Tầu 43
Chuyện của chính trị viên
Lang thang đi tìm dấu tích con đường, tôi đã gặp những người như thế, một thời được coi là anh hùng, nay trở về, hoà trộn giữa đời thường, nhọc nhằn, bươn trải để kiếm sống. Không công thần. Không so bì. Không hối tiếc. Bình dị, thanh thản giữa những xô chen...
Anh Trần Quốc Tuấn ( còn có tên là Trần Anh Tuấn, Trần Ngọc Tuấn) là một trong những người như vậy. Anh sinh năm 1933 tại làng Đông An, thôn 9, xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức). Anh nhập ngũ từ những năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở giai đoạn Tổng phản công. Anh là tình nguyện quân, chiến đấu ở Hạ Lào. Hòa binh lập lại, anh theo đơn vị tập kết ra Bắc. Năm 1955, hành quân lên Mộc Châu. Năm 1958, được cử đi học trường Sĩ quan lục quân Sơn Tây. Cuối năm 1961, sau khi ra trường, lại được đi học bổ túc thêm hai năm tại trường Sĩ quan Hải quân. Năm 1953, về đoàn “tàu Không số”. Trong cương vị Chính trị viên, Bí thư chi bộ, anh nhiều lần đưa tầu vaò Cà Mau, Trà Vinh, Quảng Ngãi. Từng là chính trị viên, bí thư chi bộ tầu 56 đột kích vào Bà Rịa, chở 54 tấn vũ khí tiếp tế cho chiến dịch Bình Giã năm 1964; chính trị viên, bí thư chi bộ tầu 43, chở 37 tấn vũ khí vào Đức Phổ, phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968; hai lần gặp địch phải huỷ tầu, vượt Trường Sơn trở về. Nay có tuổi, ra quân, vẫn làm bảo vệ, hỗ trợ vợ nuôi các con... Lúc này anh ngồi kia, đôi vai gầy và mảnh ấp xuống chiếc bàn gỗ nhỏ nơi phòng thường trực, cạnh cổng cơ quan nghiên cứu biển Nha Trang... Biết tôi tới để tìm hiểu chuyến đi của tầu 43 năm 1968, anh rất vui.
- Nghỉ hưu, lương trung uý thấp quá nên làm thêm “chân” bảo vệ để tăng thu nhập. Với nữa cũng là tỏ ra mình chưa già, vẫn hữu ích... - Anh cười, thanh minh khi thấy tôi có cái gì đó ngỡ ngàng, và cũng là để ngầm giải thích rằng tuy đã nhỉnh hơn bẩy mươi, vẫn còn khoẻ.
Tôi nhìn người chỉ huy những con tầu vang bóng một thời, chốc chốc phải ngừng câu chuyện, vội vã đứng lên đẩy hai cánh cửa sắt cho những chiếc ô tô con ra vào, cảm thấy mếch lòng. Âu cũng là một chút sỹ diện lắng kết của thói công thần, thiếu sự thức thời cần thiết...
- Thời gian trôi nhanh quá, phải không? Mới đó mà đã mấy chục năm... - Không để ý đến thái độ của tôi, anh Tuấn kể - Ngày ấy nhằm tiếp tế vũ khí cho quân và dân ta mở chiến dịch Mậu Thân sáu tám, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân cho bốn tầu đưa vũ khí vào Nam. Tầu 43 của tôi có nhiệm vụ đi Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là lần thứ ba chúng tôi cho tầu vào bến này. Lần thứ nhất là cuối năm sáu sáu (1966), nhưng tới gần hải phận miền Nam, chúng quây dữ quá, phải quay về. Trước tết Đinh Mùi (1967), lại đi. Lần này anh em bàn nhau rằng, quyết vào bến. Và chúng tôi đã làm được. Nhưng tình thế hôm đó buộc phải huỷ tầu. Chuyến ấy, sau bốn ngày đêm đi trên biển quốc tế, không thấy chúng bám theo, đã mừng. Nhưng đêm chuyển hướng vào bờ, chợt máy bay và tầu chiến của nó hình như đã có chủ ý từ trước, bỗng xuất hiện. Thì ra nó thực hiện chiến thuật cho ra đa theo dõi mình từ xa. Biết bị lộ, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng khôn khéo đánh lạc hướng, cho tầu chạy về phía khác. Qua vùng biển đảo Lý Sơn, chúng tôi đưa tầu vào bờ. Nhưng bọn địch ma mãnh lắm, nó vẫn bám theo, bắn pháo sáng, gọi hàng. Năm giờ sáng, chúng tôi cập được bến. Lúc này súng các cỡ của địch bắn sang như đổ đạn ... Bị quây ba phía, chần chừ sẽ tổn thất và mất tầu, nhận định như vậy, chúng tôi thực hiện phương án cuối cùng. Anh Thắng tổ chức đưa thương binh lên bờ. Tôi chỉ huy cài thuốc nổ, phá tầu. Cài ba loại kíp : kíp hoá học, dây cháy chậm, hẹn giờ. Cẩn thận hơn, trước khi rời tầu, tôi kéo theo một cuộn dây điện đã nối với kíp nổ điện trên tầu. Hai mươi phút sau, chờ tầu địch vào gần, từ trong bờ, tôi lệnh điểm hoả. Một cột lửa bùng cao, kế đó là tiếng nổ vang trời. Mấy chiếc hải thuyền xăng xái lập công, định vào cướp tầu, cũng tan ra từng mảng luôn... Chúng tôi được du kích ở bến dẫn đường vượt lộ Một, ngược lên mãi Ba Tơ. Từ đó, xuyên Trường Sơn lội bộ trở về.
Được lĩnh một con tầu mới, vẫn mang tên là tầu 43, đầu xuân Mậu Thân, chúng tôi có lệnh tiếp tục vào Đức Phổ... Tầu có 17 anh em do tôi làm chính trị viên, anh Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng; các anh Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Thơm làm thuyền phó. Các thuỷ thủ, tôi vẫn nhớ rất rõ, làm sao mà quên họ được, đó là các anh: Nguyễn Trọng Tài, Nguyễn Thành Thoảng, Nguyễn Đăng Năm, Huỳnh Ngọc Hoa, Phan Đình Thọ, Vũ Văn Hoành, Lê Văn Quý, Lưu Công Hào, Nguyễn Xuân Nghinh, Phạm Văn Rai (tức Kiểm), Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng, Trần Hương Hoa.
Vẫn như những chuyến đi khác, máy bay và tầu chiến địch bám chúng tôi miết... Đành lòng vòng trên biển. Mãi đến một giờ sáng ngày mồng một tháng ba ( 1-3)mới tới gần bờ. Lập tức có hai tầu địch chạy cắt mặt, bắn sang. Chờ nó vào thật gần, chúng tôi mới nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, đã bắn cháy một tầu địch... Chúng tôi vừa cơ động vào bờ, vừa thả khói mù, che mắt địch. Rồi thả bom chìm, cứ cách hai trăm mét, một quả. Lúc này trời gần sáng, ngoài biển tầu chiến bắn vào, trên trời máy bay HU-1A bắn xuống. Mặt biển sôi lên. Súng 12 ly 7 nổ. Một trực thăng trúng đạn, đâm xuống biển. Tuy vậy, do lực lượng không cân sức, tầu 43 đã ở vào một tình thế hết sức nguy nan. Khi từ boong đi vào buồng lái, trong ánh sáng nhập nhoạng của lửa đạn, tôi chợt thấy một bàn tay đang chới với bên vô lăng, vội nhào tới. Chiến sỹ hàng hải Vũ Xuân Ruệ trúng đạn, chỉ kịp nói: “ Em bị rồi, chính trị viên ở lại, chiến đấu trả thù cho... em”, rồi gục xuống. Tôi đỡ Ruệ, lúc đó đã ướt đẫm máu, nói to: “Không để tầu địch vào gần !”. Một tay ôm Ruệ, một tay tôi giữ vô lăng, đưa tầu đi vào sát bờ... Bên ngoài, thêm thuỷ thủ Võ Tòng Nho trúng đạn, hy sinh. Nhiều đồng chí khác bị thương... Bốn giờ sáng, thương tích đầy mình, tầu 43 xục được vào bờ cát. Cũng như chuyến trước, chúng tôi tổ chức để thương binh và liệt sỹ lên bờ, rồi huỷ tầu. Trong từng chuyến đi, chúng tôi thường ém sẵn năm tạ đến một tấn thuốc nổ, đề phòng trường hợp xấu như lúc này, quyết không cho địch cướp tầu. Điểm hoả xong, chúng tôi kiểm tra lại lần nữa, rồi thả mình xuống nước, bơi vào bờ. Địch cho hai xe tăng và bộ binh vây bắt. Song nhờ có nhân dân Đức Phổ che chở, chúng tôi thoát vòng vây... Sau đó, lại hành quân vượt Trường Sơn để trở ra miền Bắc. Điều buồn nhất đối với thuỷ thủ “ tầu không số” là không giấy tờ, không chế độ. Bí mật mà! Đi trên biển cũng “bất hợp pháp”, trở ra Bắc bằng đường bộ cũng “bất hợp pháp”... Tới binh trạm nào cũng bị coi rẻ như những kẻ đào ngũ, những kẻ “bê quay”... Đói khát, bệnh tật, tóc rụng qúa nửa, bẩy tháng sau mới lần về tới đơn vị. Ra đi là cảm tử, là không hẹn ngày về, song thời đó mấy ai nghĩ đến cái tôi, cái cá nhân mình...
Chuyện của người thuyền phó
Những ngày làm việc ở Sài Gòn, hễ rỗi, anh Nguyễn Xuân Thơm lại kể để chúng tôi nghe một chuyện. Về tàu 43 vào Đức Phổ năm 1968, anh nói:
- Hồi tàu 43 vào Đức Phổ năm 1968, tôi là thuyền phó hỏa lực. Trong quá trình chiến đấu khi gặp địch, tôi chỉ huy khẩu 12 ly 7 đánh trả máy bay quyết liệt. Một chiếc “lên thẳng” trúng đạn, đâm đầu xuống biển. Nhưng lực lượng không cân sức, ngoài biển, ba tàu chiến bao vây, trên trời, trực thăng vè vè xỉa đạn xuống, trên bờ, xe tăng bộ binh ập đến bao vây. Trước tình thế ấy, quyết không để vũ khí rơi vào tay địch, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng lệnh hủy tàu. Một tổ do chính trị viên Trần Quốc Tuấn phụ trách, có nhiệm vụ hủy tài liệu, và đưa thương binh liệt sỹ lên bờ. Tổ thứ hai của thuyền phó Nguyễn Văn Đức, có nhiệm vụ hỗ trợ. Tổ còn lại do Thuyền trưởng chỉ huy có nhiệm vụ đánh bộc phá. Anh Tuấn, anh Tài máy trưởng điểm hỏa khoang máy; anh Kiểm ( tức anh Rai ) điểm hỏa khoang mũi; tôi điểm hỏa khoang lái. Lúc ấy tôi đã dính đạn, bị thương vào mông trái, nhưng không còn thời gian nghĩ đến mình nữa. Biết vết thương đang rỉ máu, tôi vẫn lắc nhắc xuống khoang lái, bình tĩnh chọn đủ ba loại kíp nổ và điểm hỏa, đặt 30 phút. Tôi báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ rồi cùng thuyền trưởng Thắng và máy trưởng Tài xuống nước. Đằng mũi, anh Kiểm cũng tung mình vào biển, nhưng vào thời khắc ấy, một viên đạn bay tới, anh hy sinh.
Bơi một lúc, thấy anh Hào và anh Hoa bị thương, bơi bên cạnh. Anh Hoa ngoi ngóp, luôn sặc nước biển vì không có phao cá nhân. Thấy vậy, tôi vội cởi phao của mình, nhường anh. Tôi bị thương vào mông bên trái, chưa băng bó, mất máu nhiều, lại không có phao nên đuối sức. Để dễ bơi, tôi tuột quần áo dài, và bỏ hết đồ dùng, chỉ còn lại quần đùi và khẩu súng ngắn. Nhưng sức đã cạn , sóng lại lớn dồi lên, dồi xuống nên ba lần tôi chìm xuống đáy biển. Nghĩ mình không thể bỏ mạng trong biển Đức Phổ vô lý thế này được, tôi cố trồi lên mặt nước. Vô thức quờ tay về trước. Một con sóng ào tới, hất tôi lên bãi. Tôi cố xục mười ngón tay, neo mình vào cát, không để sóng kéo trở ra. Rất bản năng, tôi cố toài người khỏi mép nước, và không hay biết gì nữa. Tiếng nổ lớn khiến tôi tỉnh lại. Ngoái ra, một cột khói cuộn lên như hình chiếc nấm. Biết là tàu đã được hủy, tôi lê mình vào bụi rậm. Lúc bấy giờ, pháo sáng trắng trời, phía Mỹ Á, địch đang kéo xuống, rất đông. Có cả xe tăng. Tôi lên đạn khẩu súng ngắn và cố lê vào làng. Biết thủy thủ đã lên bờ và hủy tàu, du kích tỏa đi tìm. Tôi bắt gặp một phụ nữ, người này dìu tôi vào làng, băng bó vết thương và tiêm kháng sinh. Sau này mới hay đó là thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Mệt quá, tôi thiếp đi một lát. Tỉnh lại, thấy chiếc quần đùi của mình đã bị vất bỏ, mặc vào thân là bộ quần áo khác, cạnh đấy, hai người phụ nữ đang nhìn tôi và cười. Tư dưng tôi xấu hổ vô cùng... Vậy là “cái bí mật” của người đàn ông nơi mình đã lộ... Chừng ba giờ sáng, tôi gặp Hào và Thọ. Và cùng được đưa xuống hầm bí mật. Ngày hôm ấy, có hai người phụ nữ thôn Quy Thiện chăm sóc rất tận tình chu đáo. Tối hôm sau, chúng tôi đi về thôn Thạch Thủy, là nơi thuyền trưởng Thắng và 11 anh em còn lại được du kích đón về ở tạm đó. Khi nằm lên võng để du kích cáng đi, tôi mới có điều kiện giới thiệu mình và hỏi tên hai cô gái thôn Quy Thiện. Một người tên là Trần Thi Răn, và một người tên là Nguyễn Thi Hồng Phượng.
Ngắt lời anh Thơm, tôi hỏi vui:
- Vậy anh đã về Đức Phổ để gặp lại hai ân nhân, những người đã nhìn thấy “cái bí mật” đàn ông nơi anh chưa?
Anh Thơm cũng cười:
- Ngỡ là hơn bốn mươi năm rồi, lại chỉ gặp nhau thoáng qua, chẳng ai nhớ ai nữa. Nhưng không phải vậy. Nghĩa tình của những người đã qua cuộc chiến tranh lớn lắm. Năm vừa rồi về thăm lại chiến trường xưa, Hào tìm được Phượng, và ông ấy cho địa chỉ của tôi ở Sài gòn. Vậy là sau 40 năm, chúng tôi lại gặp nhau. Mừng lắm, cảm động lắm... Phượng cho hay, hiện nay Răn sống với chồng ở Phú Quốc. Chúng tôi vẫn liên lạc và gặp nhau thường xuyên. Làm ông làm bà cả rồi, nhưng cái tình của những người lính, cái tình đồng đội nơi chúng tôi thì không bao giờ có tuổi, không bao giờ mai một...
- Sau đó các anh ra Bắc?
- Chưa. Còn điều dưỡng ở trạm xá của bác sỹ Đặng Thùy Trâm một thời gian đã. Chuyện ở Trạm xá ấy cũng hay lắm, xuống Cần Thơ, ông Nguyễn Đắc Thắng sẽ kể cho nghe.
Chuyện của người thuyền trưởng
Thực ra chuyện các thuỷ thủ tàu 43 điều trị ở trạm xá Đức Phổ thế nào, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đã kể cho tôi nghe từ nhiều năm trước. Cách đây đã lâu lâu, từ Sài Gòn tôi cũng xuôi xuống Cần Thơ tìm anh. Cần Thơ dạo ấy chưa có cầu bắc qua sông đẹp như hôm nay. Đang mùa nước nổi, sông Hậu đỏ đục, cuồn cuộn, tràn bờ. Những mảng lục bình bị cuốn giữa dòng, quay tròn như chong chóng.
Anh hùng đại tá quân đội Nguyễn Đắc Thắng, thuyền trưởng tầu 43 xưa, tiếp tôi nơi nhà khách Quân khu 9. Anh không kể về trận chiến đấu ở Quảng Ngãi xuân Mậu Thân năm 1968, mà khi tôi hỏi, anh lái sang chuyện khác:
- Chuyện đánh nhau và huỷ tầu, ông nghe nhiều rồi. Chừ kể chuyện khác. Đận đó, sau khi rút lên bờ, bọn địch lùng tụi này dữ lắm. Không có nhân dân Quảng Ngãi che chở, cưu mang, đâu còn được như ngày hôm nay. Mấy hôm đầu, bà con cô bác dìu xuống hầm bí mật để sơ cứu, băng bó vết thương. Địch rút, du kích bố trí đưa lên cứ. Tôi nằm điều trị ở trạm xá cả tháng trời. Dạo ấy có một nữ bác sỹ tên Thuỳ Trâm, chăm sóc rất chu đáo. Thuỳ Trâm người Hà Nội, tốt nghiệp y khoa xong, xung phong “đi bê”, rồi đươc phân công về Quảng Ngãi. Thuỳ Trâm không thật xinh, nhưng có duyên. Lại dịu dàng, tận tình. Chúng tôi chóng bình phục, một phần nhờ chuyên môn của cô, đã đành, còn vì lẽ nữa: thái độ của anh chị em ở đây. Rỗi rãi, tôi với Trâm thường kể chuyện cho nhau nghe. Hợp lắm! Anh em thuỷ thủ thấy vậy, nháy mắt rỉ tai nhau: “Thuyền trưởng nhà mình và bác sĩ Trâm thiệt lãng mạn. Hình như đã bén duyên”. Có người còn tấm tắc: “Đẹp đôi ha, trai anh hùng, gái thuyền quyên. Cứ như trong tiểu thuyết!”. Biết chuyện, Trâm chỉ cười. Tôi cũng vậy. Không giải thích. Không thanh minh. Thân nhau đâu đã là yêu. Với nữa, tình cảm tôi đã dành cho một người... Kể lòng vòng chút xíu nghe... Năm sáu tư (1964), tôi đi tầu 56 đưa vũ khí vô Cà Mau. Hàng bốc xong thì nghe tin bão về, nên đành ở lại bến mấy hôm. Nếu nên vợ nên chồng là do duyên phận thì những ngày kẹt lại ở bến là duyên phận của tôi và Sáu Thuỳ. Tên đầy đủ của cô gái đó là Huỳnh Biên Thuỳ. Cô làm y tá, vừa làm “ anh nuôi” ở bến. Chẳng rõ sao chỉ mấy hôm rỗi rãi, xuống giúp “nhà bếp”, tôi đã thấy mến người con gái này. Rồi say. Và yêu. Tôi chưa gặp tình cảm như thế nơi mình bao giờ. Thuỳ cũng vậy. Nàng nói lần đầu trông thấy tôi, như thể có luồng điện chạy qua người, lạ lắm. Và kêu rằng đây là mối tình đầu. Tình yêu là gì, làm văn làm báo như mấy ông có nhiều định nghĩa. Nhưng suy từ tình cảm mình ra, tôi gọi tình yêu là nỗi nhớ. Không đúng sao? Chỉ bén tiếng nhau dăm ba ngày, mà khi tầu nhổ neo trở lại miền Bắc, thấy Thuỳ đứng trên bờ ngóng theo, tôi nao cả lòng. Rồi những ngày kế đó, nhớ thôi là nhớ. Nhớ thẻo ruột gan luôn. Nỗi nhớ là thước đo của tình yêu! Nào, đúng chưa? Ông đừng nghĩ cánh thuỷ thủ chúng tôi ăn sóng nói gió, chỉ biết ngoéo cò súng, tình cảm đã chai lỳ nghe! Trong địa hạt tình yêu, nhà văn các ông và lính tráng tụi tôi, bình đẳng. Không hẳn cứ viết lách thì lãng mạn hơn... Đương nhiên là trước khi chia tay, tụi này có hẹn hò, có thề thốt... Từ ngày có Thuỳ, chỉ mong cấp trên lệnh đưa tầu vào Cà Mau. Nhưng hoàn cảnh cố tình thử thách tụi này. Sau vụ tầu 143 của ông Thêm bị lộ ở Vũng Rô, không còn cơ hội vô miền Tây nữa. Chúng tôi bặt tin nhau... Nè, phụ nữ khi đã yêu, họ “dữ dằn”, họ liều lắm đó nghe... Lớ rớ là chết với họ. Bốn năm không có tin tôi, và nghe đồn đại thuỷ thủ phong tình lắm, gái Bắc lại đẹp, Sáu Thuỳ không yên tâm. Để rõ trắng đen, cũng có thể nữa là vì nhớ tôi, muốn gặp tôi, cổ vạch ra kế hoạch khá táo bạo. Sáu Thuỳ xin đi cùng một tiểu đoàn của Đoàn 962 lên lộ Vòng Cung (Cần Thơ) tham gia chiến đấu, với hy vọng từ lộ Vòng Cung, qua lộ Cái Sắn, từ đó tìm đường vượt Trường Sơn ra Bắc. Ghê không? Đơn vị 962 đã có chị đi tìm chồng bằng cách đó. Nhưng Sáu Thuỳ không thành công. Những ngày ấy mặt trận Cần Thơ rất ác liệt. Ta và địch tranh chấp từng mét đất. Là y tá, Sáu Thuỳ được biên chế về đội phẫu Trung đoàn 1, rồi qua đội phẫu Trung đoàn 2. Công việc triền miên, không thời gian rảnh để nghĩ đến chuyện riêng tư...
Năm 1968, tôi đưa tầu 43 vô Quảng Ngãi, thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm đưa tầu 165 với ý định vô Vàm Lũng, Cà Mau. Tầu tôi phải huỷ, ông rõ rồi, còn tầu Nguyễn Chánh Tâm gặp địch. Tầu nổ. Toàn bộ thuỷ thủ hy sinh. Vậy mà không rõ nghe phong thanh từ đâu, Sáu Thuỳ ngỡ tôi đi tầu 165, và đã chết trên biển. Thời gian tôi đang được bác sỹ Trâm chăm sóc ở Đức Phổ, thì tại Cần Thơ, người yêu lập bàn thờ thắp hương, để tang...
- Ở Quảng Ngãi năm đó, anh lại có mối tình "sét đánh" như ở Cà Mau ? - Tôi hỏi.
- Trời ơi, đâu có ! Nhiều người cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi với Trâm là bạn. Trâm khoái nghe chuyện về Sáu Thuỳ lắm. Mỗi lần tôi kể, Trâm thần ra, xuýt xoa, nói rằng bịa cũng không thể hay hơn. Hồi ấy tôi đâu rành Sáu Thuỳ đang để tang thờ mình... Vậy mà, sau khi trở lại miền Bắc, tôi nghe tin Trâm hy sinh. Tội quá! Chiến tranh toàn cướp đi người tử tế... Cách đây mấy năm, nhân ra Hà Nội họp, tôi có ghé qua nhà, thắp cho cô ấy nén nhang... Tôi cắm lên bàn thờ bó hoa trắng. Hoàn toàn trắng...
- Còn chị Sáu Thuỳ ?
- Sáu Thuỳ hả? Tôi kể đến khúc cổ lên lộ Vòng Cung, Cần Thơ rồi phải không?... Những năm sáu chín, bẩy mươi, tầu chúng tôi hầu như không đi được chuyến nào, đúng hơn là có tổ chức vô, nhưng đều phải lộn trở lại. Mỹ nó quây vòng ngoài, ngụy quây vòng trong, khó lọt. Quân khu 9 đói súng. Hồi đó anh Tư Mao nghĩ ra chuyện chở công khai bằng thuyền hai đáy. Phương thức đi thuyền hai đáy thế nào, trước đây ông đã gặp anh Tư, tôi khỏi kể nữa. Để có người ở đơn vị mới, có tên là S. 950, Quân khu 9 và anh Tư đề nghị Hải quân tăng cường. Tôi trở thành lính quân khu 9, bởi vậy. Một số thuyền trưởng của Đoàn 125 được điều về đơn vị S. 950. Tôi trong diện đó... Tháng sáu năm bẩy hai (1972), tôi đi thuyền hai đáy đưa vũ khí vào Cà Mau. Rồi trên phân công ở lại giúp anh Tư lo công việc của Đoàn. Tháng chín, đơn vị bố trí cho gặp Sáy Thuỳ. Chao ơi, thiệt mà ngỡ là mơ. Tám năm xa cách ! Quãng thời gian đằng đẵng đó bằng thời gian cả cuộc kháng chiến chống Pháp chớ ít đâu. Sáu khóc. Rồi cười. Rồi trách... Với người phụ nữ thì dù hoàn cảnh cách chi, thằng đàn ông lúc nào cũng có lỗi...
- Và sau đó ?...
- Sau đó hả ? Sau đó hai đứa làm đám cưới. Đơn vị đứng ra tổ chức. Đám cưới trong cứ, đơn giản mà thiệt vui... Ở với nhau chẳng bao lâu, tôi lại ra Bắc để đưa vũ khí về... Cứ vậy cho tới bẩy lăm (1975)... Nay thì sắp làm ông, làm bà. Hai đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học, cháu út cũng sắp ra trường...
Vừa rồi, nhằm có thêm tư liệu viết cuốn sách này, cùng Tô Hải Nam vào Cần Thơ, tôi có đến nhà riêng thăm chị Thùy anh Thắng.
Anh chị vừa có việc riêng, nên mới ở quê ra. Hai người đón tôi thân tình. Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, hết sức vui.
- Anh đã có dịp trở lại Đức Phổ chưa? - Tôi hỏi.
Anh Thắng thoáng buồn:
- Đấy là điều day dứt, áy náy nhất của tôi. Đức Phổ không chỉ là mảnh đất ân nghĩa, chở che, đùm bọc các thuỷ thủ tầu 43. Mà ở đó, đồng đội tôi, Vũ Văn Ruệ, Võ Tòng Nho, Phạm Văn Rai, còn nằm lại... Thương nhất là Ruệ, mới cưới vợ chưa đầy một tuần... Ông đã rõ chuỵên chúng tôi hồi Mậu Thân rồi đấy. Bốn con tầu ấy, đêm hai chín tháng hai (29-2) rạng ngày một tháng ba đều đã gặp địch. Và chỉ tầu 56 trở về. Tầu 165, tầu 235 số phận còn kém may mắn hơn tầu 43. Tầu 165 và mười tám đồng đội của tôi trên con tầu đó đã ra đi, không để lại một dấu vết...
Anh Thắng lại lặng đi. Chuyện đã hơn bốn mươi năm, nhưng với người thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng, thì vẫn là những kỷ niệm sâu đậm, không thể phai mờ .
Để tránh nỗi đau trong anh, tôi lái qua chuyện khác. Chuyện xã hội, chuyện anh và anh Tư Mào thành lập đoàn “tàu hai đáy”, chuyện về mấy đứa nhỏ... Chúng tôi ngồi đến khuya...
Cần Thơ về đêm dìu dịu. Hơi nước từ sông Hậu tỏa ra thơm và mát lạ!
Tầu 165
Từ Cần Thơ, chúng tôi lần tới vùng biển phía Nam, lang thang đây đó, với chút hi vọng mong manh biết thêm ít nhiều về tầu 165 và đồng đội trên con tầu ấy. Nhưng vô hiệu. Giữa một vùng xanh ngắt mênh mông những nước là nước này, tìm đâu ra dấu vết con tầu nhỏ nhoi đã hoá thân vào biển cách đây hơn bốn mươi năm?... “Vết tích” tầu 165 để lại chỉ là hai bức điện gửi về sở chỉ huy trong đêm 29 tháng 2 rạng ngày 1 tháng 3 năm Mậu Thân, tôi tìm được trong số hồ sơ ít ỏi còn lưu giữ ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Bức điện thứ nhất đề lúc 18 giờ ngày 29 tháng 2: “Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi qua tầu- Lương, (tức chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương). Bức điện thứ hai đề lúc 1 giờ ngày 1 tháng 3: “Chúng tôi gặp tám tầu địch bao vây. Quyết cảm tử!”
Đó là bức điện cuối cùng, lời nhắn lại cuối cùng trước lúc tầu 165 và 18 thuỷ thủ đi vào huyền thoại.
Trở về Cần Thơ, tôi tìm tới anh Khưu Ngọc Bẩy. Cũng như anh Trần Phong ở đoàn 125, anh Khưu Ngọc Bẩy biết nhiều chuyện, hiểu nhiều chuyện. Và anh sống nghĩa tình, sống thuỷ chung, sống có trách nhiệm. Nghỉ hưu rồi mà tâm chưa nhàn. Trong cương vị chủ tịch hội cựu chiến binh thành phố Cần Thơ, hầu như không lúc nào anh rỗi. Xoá đói giảm nghèo. Thanh niên tòng quân. Di dời mộ chí. Hoà giải chuyện nhà. An toàn giao thông...Việc gì cũng thấy cần đến “cựu chiến binh”... Rồi viết lịch sử về những người ở bến, giải quyết chế độ cho anh em...
Khi tôi nhắc đến những chuyện đã qua, anh bứt rứt băn khoăn như thể mình là người có lỗi. Với các chiến sỹ tầu 165, anh đau đáu một nỗi niềm. Anh kể:
- Cuối tháng hai năm Mậu Thân, thiệt lâu rồi mới nhận được tin có tầu vô, anh em tôi ở bến mừng lắm ! Mấy ngày trước hôm đó, theo kế hoạch, tầu sẽ vô, đơn vị đã tổ chức bố trí công tác đón tầu chặt chẽ. Ngày hai chín tháng hai, từ sáng sớm bến đã chia nhau, từng tốp, đi đón các ngả, và nếu có thể, hỗ trợ để tầu vô vàm... Lần nào tầu vô, anh em ở bến cũng thấp thỏm, hồi hộp. Và lo nữa. Nhưng chẳng rõ sao, lần này cảm thấy lo nhiều hơn. Có thể do mong quá, lâu rồi không có vũ khí; cũng có thể, chẳng ai rõ đầy đủ hơn chúng tôi về sự gian ngoan và mưu kế của kẻ địch...
Hôm hai chín, trời chưa tối, chúng tôi đã đến các vị trí, dõi mắt trông chừng... Máy bay địch lượn nhiều. Hình như chúng báo động. Ngồi trên bờ ngóng ra biển, ai cũng nơm nớp lo âu... Rồi chừng một giờ sáng, chúng tôi thót tim khi nhìn thấy ngoài khơi, nhiều ánh lửa và nhiều đường đạn vạch lên trời. Anh em mình gặp địch! Biết thế nhưng chẳng dám nói... Chừng hai mươi phút sau, nơi đang xảy ra đánh nhau, một tia chớp, một cột lửa hình nấm vọt lên, và một tiếng nổ lớn trùm xuống biển. Chúng tôi lặng người, rõ điều gì đang xảy ra... Con tầu 165 đã ra đi như thế! Mười tám thuỷ thủ không trở về. Không cả mộ chí... Đúng hơn, mộ anh em mình là biển xanh. Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa, biết là vô vọng, chúng tôi vẫn đi dọc bờ biển có ý kiếm tìm... Nhưng trên bờ cát, nơi cửa vàm, chỉ bắt gặp vài ba mảnh gỗ xơ tướp, sóng đánh trôi dạt vào...
Tôi và anh Bẩy cùng ngồi lặng. Dịp này, Cần Thơ đang tổ chức lễ hội du lịch. Ngoài phố nườm nượp người, nườm nượp xe. Loa phát thanh, ti vi đang rầm rĩ quảng bá cách tiêu tiền, làm thế nào cho “cuộc sống có chất lượng”...
Thật khiếm khuyết và có lỗi nếu trong cuốn sách nhỏ này, tôi không ghi đủ tên họ những thuỷ thủ đã quả cảm ra đi cùng con tầu 165 đêm hôm ấy. Thuyền trưởng: Nguyễn Chánh Tâm; chính trị viên: Nguyễn Ngọc Lương; thuyền phó: Hoàng Văn Tuyết và Nguyễn Văn Thông; Phó chính trị viên Nguyễn Văn Danh; thợ máy: Nguyễn Văn Thị, Trần Văn Dựng, Nguyễn Duy Tạo; Báo vụ: Lý Khánh Hồng và Vương Văn Diêng; thuỷ thủ trưởng: Nguyễn Kính; hàng hải: Nguyễn Văn Em và Mai Đức Long; Y tá: Nguyễn Đình Văn; Thuỷ thủ: Trần Văn Quồi, Phạm Văn Phương, Trần Văn Bé; cơ yếu: Vũ Hữu Nghị.
Ngoài cán bộ tàu, hầu hết các thủy thủ “ra đi” cùng con tàu 165 đêm hôm đó còn ở độ tuổi rất trẻ, hầu hết mới trên dưới hai mươi...
Những dòng viết sơ lược và không mấy đầy đủ này, xin được coi như nhành hoa thả xuống biển để tưởng nhớ tới hương hồn các anh trên tầu 165.
Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên họ, xin đừng quên những con người quả cảm như thế! Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên cuộc chiến đấu vừa qua!
Tầu 56
Trong khi tầu 235, tầu 43 phải huỷ ở Hòn Hèo và Quảng Ngãi, tầu 165 chiến đấu rồi toàn bộ thủy thủ ra đi cùng con tàu tại vùng biển Cà Mau, thì tầu 56 đang đấu trí ở vùng biển Bình Định. Đại tá Hồ Văn Kiêm, vốn là thuỷ thủ tầu 56, đã kể với tôi về chuyến đi đó. Anh nói:
- Ngày hai sáu tháng hai (26 - 2), chúng tôi được lệnh nhổ neo. Tầu do thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và chính trị viên Đỗ Như Sạn chỉ huy. Thuyền phó là Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Sơn. Các anh: Phan Nhạn, Lâm Ngọc Thả, Nguyễn Hữu Thịnh phụ trách máy. Anh Phan Nhạn là thợ máy giỏi đã đi nhiều, có kinh nghiệm. Cũng như ông Năm Sao, chuyến nào khó khăn, cấp trên lại cần đến anh. Phan Nhạn cao lớn, chịu sóng rất đáng nể. Đi biển không say là lợi thế lớn. Các anh Nguyễn Văn Nghiệp, Nguyễn Văn Quốc làm báo vụ; anh Nguyễn Hoa, Nguyễn Thoa, Trần Tiền Vệ, Trần Bá Mai và tôi làm thuỷ thủ. Anh Bùi Văn Hội phụ trách cơ yếu. Anh Phạm Phong Đê, và Trần Như Cơ lái tầu. Và anh Trần Văn Viết, làm y tá. Tầu 56 có nhiệm vụ đưa vũ khí vào bến Lộ Giao, Bình Định... Những ngày ấy, gió mùa đông bắc tràn về, biển động, nên hầu hết các thuỷ thủ chúng tôi đều say. Biển quần, và máy bay Mỹ cũng quần. Nhưng chúng tôi đi trên vùng biển Quốc tế, nên chúng chỉ theo dõi mà không dám đánh. Chập tối ngày hai chín tháng hai (29 – 2), khi cách bờ chừng bốn mươi hải lý, chúng tôi quyết định chuyển hướng, đi vào. Bọn địch đánh hơi thấy, điều tầu chiến đến bám rất sát. Tôi nhớ lúc đó, đứng trên boong nhìn ra, thấy bên phải có đèn pha; bên trái có đèn pha và phía sau cũng có đèn pha chiếu sang. Chi uỷ hội ý, thấy rằng vào bến trong trường hợp này bất lợi. Có thể không hoàn thành nhiệm vụ, lại dễ mất tầu. Do vậy đã quyết định chuyển ra công hải, lựa thời cơ vào bến sau... Kế đó, chúng tôi chuyển hướng khác, cho tàu vào bến ba lần, nhưng cả ba lần đều phải quay ra. Địch quây rất chặt. Lần thứ ba, chúng tôi vừa xoay mũi, lập tức có rất nhiều địch đuổi theo. Chiếc đi đầu đánh tín hiệu hỏi: " Anh là ai? Cho dừng máy, tôi sang kiểm tra". Thuyền trưởng Ba nhìn chính trị viên Sạn. Anh Sạn đề nghị: “ Coi như ta không nhận, hoặc không hiểu. Cứ cho tầu chạy thẳng”. Anh Ba hô: “Giữ nguyên lái. Đi ra hướng đông”... Thấy tầu 56 vẫn chạy, nó lại nháy đèn: “ Anh không dừng máy, tôi bắn”. Anh Ba nói:" Chuẩn bị chiến đấu! Lúc nào có lệnh mới được nổ súng". Cầm vũ khí trong tay, chúng tôi dõi mắt nhìn ra. Tầu địch ép vào rất gần, có lúc chỉ cách chừng ba liên (khoảng 600 mét- ĐK). Rất vừa tầm bắn, nhưng chúng tôi vẫn ôm súng chờ lệnh. Từ tầu địch, đạn bắt đầu bắn sang, nhưng cũng chỉ cầm chừng bắn doạ. Và máy bay lướt qua, thả pháo sáng. Kế đó có tiếng lè rè từ loa phóng thanh nhả xuống: “Hỡi thuỷ thủ đoàn trên tầu Bắc việt, Lộ trình của các bạn đã bị quân đồng minh và quân lực Việt Nam cộng hoà phát giác. Các bạn chỉ còn một con đường hữu hiệu duy nhất là nhanh chóng quay về với chính nghĩa quốc gia... Nếu các bạn dừng máy, chúng tôi lấy danh dự của quân lực Việt Nam cộng hoà, bảo đảm rằng các bạn sẽ được an toàn, được đối xử tử tế”...Từ trong buồng lái, chính trị viên Đỗ Như Sạn nói ra: “Các đồng chí hãy bình tĩnh... Gọi loa, có nghĩa là nó đang thăm dò. Trước mắt là công hải, không được ai manh động”. Tiếng loa trên máy bay lại thả ra, lần này vừa nói bằng tiếng Việt, vừa nói bằng tiếng Hoa. Chúng tôi vẫn làm thinh, đi thẳng. Gọi hàng không hiệu quả, chúng cho tầu ép sát hai bên mạn, rồi một chiếc vọt lên, chặn ngang phía trước. Anh Ba lệnh: “Giữ nguyên lái, đâm thẳng!”. Bấy giờ tôi đứng trước vô lăng, đáp gọn: “rõ!”.Con tầu mở hết tốc độ, lao lên. Cự ly giữa tầu ta và tầu địch đã rất gần. Hai liên !...Một liên !...Tôi đã loáng thoáng nhìn thấy bọn lính trên boong đang hoảng loạn la hét... Một giây. Hai giây... Chợt tầu địch tăng tốc, vọt qua. Tầu 56 lướt đúng vào vị trí năm giây trước đó có chiếc tầu địch... Cứ thế, chúng tôi tiến ra biển đông...
Sáng sớm ngày mồng một tháng ba (1-3), chúng tôi cách bờ chừng bẩy mươi hải lý. Anh Ba cho giảm tốc độ. Anh Sạn nhận định: “ Nếu địch có ý định đánh ta, nó đã bắn rồi. Nó sợ bắn nhầm tàu nước khác... Đây là hải phận Quốc tế, nhưng vẫn phải cảnh giác”... Ngày hôm đó, chúng tôi lang thang trên biển, chờ trời tối...”
Anh Trần Tiền Vệ, một thủy thủ đi chuyến đó, kể lại:
- Trong 4 tàu ra đi tết Mậu Thân 1968, chỉ duy nhất tàu 56 của chúng tôi đấu trí thắng lợi trên biển và trở về an toàn. Chiến công này, trước hết thuộc về sự chỉ huy bình tĩnh, khôn khéo, gan dạ và đầy kinh nghiệm của chính trị viên Đỗ Như Sạn. Mục đích hàng đầu của “tàu không số” là đưa vũ khí vào bến, chứ không phải chiến đấu với tàu địch trên biển. Do vậy tránh đụng độ khi hoàn cảnh có thể tránh được để bảo toàn tàu và sinh mạng thủy thủ là tốt nhất. Chỉ chiến đấu trong trường hợp bất khả kháng, không thể không chiến đâu. Chính trị viên chúng tôi trong chuyến đi đó đã quán triệt tinh thần ấy một cách tỉnh táo. Đã chẳng có lần tàu địch bắn vào tàu của một nước ở Đông Nan Á, gây ra bao phiền phức đấy sao. Bởi vậy khi biết địch chưa xác định chính xác con tàu mà chúng săn đuổi là tàu nước nào, thì phải khai thác triệt để yếu tố đó. Ba lần chúng tôi được lệnh cài kíp nổ vào bộc phá, bom chìm, và khối thuốc nổ TNT ở các vị trí tren tàu với ý thức, đã hy sinh thì cũng phải bắt tàu địch cùng chìm, nhưng cũng ba lần, vào phút chót, lúc sự sống và cái chết lơ lửng treo trên sợi tóc, chính trị viên đã bình tĩnh lệnh tháo tất cả ngòi nổ ra. Anh Sạn cho rằng nếu địch biết ta là tàu Bắc Việt, chúng đã bắn rồi. Khi chúng bắn dọa, anh vẫn động viên anh em: “chúng bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết”. Và chúng tôi đã vững tin vào cách ứng xử của anh. Chính trị viên Đỗ Như Sạn là ân nhân, là cứu tinh của con tàu. Lúc đó, nếu manh động, nôn nóng xả súng sang tàu đich, hoặc có biểu hiện quân sự nào đấy khiến kẻ địch nhận ra con tàu chúng đang theo dõi là tàu nào, chắc chắn chúng sẽ xả đạn vào và tàu chúng tôi đã chìm xuống biển... Tôi vẫn coi anh Đỗ Như Sạn là một chính trị viên “tàu không số” tuyệt vời!...
Tháng 4 vừa qua, tôi cùng đoàn làm phim lang thang vào Sầm Sơn, Thanh Hóa để gặp anh Đỗ Như Sạn. Anh đã gần 80, nên không được khỏe. Hom hem và gây yếu. Anh chị tiếp chúng tôi rất ân cần. Chỉ một người con, lại ở xa nên chỉ anh chị sống với nhau. Một căn nhà nho nhỏ, cũ kỹ, có phần ọp ẹp. Một vườn rau má cũng nho nhỏ nhưng tốt tươi. Anh nói vui và rất thật rằng, vườn rau má đó là thu nhập thêm ngoài lương thiếu tá. Khi tôi hỏi về chuyện đấu trí của tàu 56 năm 1968, anh cười, bảo rằng quên nhiều rồi, hỏi anh em còn trẻ ấy. Khi hay tin Đoàn 125 và Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đang đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho anh, tôi thấy ấm lòng. Một con người như Đỗ Như Sạn sao không là anh hung? Muốn đấy. Nhưng muộn vẫn hơn là đánh mất sự biết ơn và tôn vinh những người đáng được tôn vinh.
... Trở về Bộ Tư lệnh Hải Quân, lục tìm trong mớ hồ sơ, tôi may mắn tìm thấy những bức điện liên lạc giữa sở chỉ huy và tầu 56 ngày ấy.
Tầu 56 báo về sở chỉ huy:
" - 6 giờ, gặp 6 máy bay cắt ngang hướng đi từ Đà Nẵng đến Gu-am.
- 10 giờ, một máy bay NAVY ở độ cao 200 mét, lượn 5 vòng, chụp ảnh. 10 giờ 20' nó vào bờ. Tầu vẫn giữ hướng đi- Sạn"( tức chính trị viên Đỗ Như Sạn- Đk)
Điện từ sở chỉ huy: “Điều chỉnh tốc độ. Không vào sớm hơn - Đạo"(Tức quyền đoàn trưởng Huỳnh Công Đạo- ĐK)
Điện từ tầu về: “17 giờ,1 tầu chặn trước mũi, ta tránh sang trái, 1 máy bay đến lượn vòng. 17 giờ 30', tầu chiến đang đi về phía ta- Sạn”
“19 giờ, gặp 9 tầu địch. Tránh hơn 2 giờ. Chi bộ quyết định vào. Xin chỉ thị- Sạn”
Điện từ sở chỉ huy: “Bình tĩnh xử lý. Nếu địch bám sát, không ăn được, nghi binh đánh lạc hướng, bảo đảm cho đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ - Đạo”.
Ngày 1 tháng 3
Điện từ tầu về:
"18 giờ 23 phút, gặp 11 tầu địch bám sát. Tránh không được. 23 giờ vẫn bám sát. Nhận định, có thể lộ. Trở ra chờ thời cơ - Sạn”.
“3 tầu địch dọi đèn pha gọi dừng máy. Máy bay thả pháo sáng. Chúng tôi vẫn đi. Có thể chiến đấu - Sạn”.
Điện từ sở chỉ huy: “ Tránh né quay ra. Ngày mai chờ lệnh - Đạo”
Điện từ tầu: “Địch chặn đường, cách bờ 40 hải lý. Ba tầu địch đang đuổi theo tôi- Sạn”
Điện từ sở chỉ huy: “ Bình tĩnh. Tầu 68 trước đây địch theo 3 ngày liền vẫn không việc gì. Ngụy trang cho tốt - Đạo”.
Ngày 2 tháng 3
Lúc 3 giờ 30', điện từ tầu: “Đich bám sát, bắn doạ. Tầu đi hướng 90 độ. Treo cờ Nhật Bản. Sẵn sàng chiến đấu. Xin chỉ thị - Sạn”.
Chỉ thị của Sở chỉ huy lúc 3 giờ 50': “Bình tĩnh. Địch doạ. Chúng không dám đánh ngoài khơi - Đạo”
6giờ 40', điện từ tầu: “Máy bay lượn vòng, bắn khiêu khích- sẵn sàng chiến đấu - Sạn”.
Mệnh lệnh từ sở chỉ huy: "Tránh ra biển Đông- Đạo". Một lúc sau, điện tiếp:"Báo cáo:hiện ở đâu? Địch ra sao?Nếu căng, không đi vội- Chuyển hướng đông đi về- Đạo"
12giờ 15 phút, điện từ tầu: “Lúc 12 giờ, tầu ở kinh độ11 độ 36, vĩ độ14 độ 19 hướng đi 90 độ. Vẫn còn một chiếc tầu địch bám liên tục. Tinh thần anh em tôt- Sạn”.
Lệnh từ sở chỉ huy lúc 14 giờ10': “ Bình tĩnh động viên anh em cho tốt. Địch khiêu khích, không dám đánh ở công hải, nhưng phải cảnh giác cao. Cho trở về - Đạo”.
Điện từ tầu lúc 17 giờ: “13 giờ, có 3 tầu địch theo. Gặp 3 máy bay địch đi về phía Đà Nẵng. Đi theo hướng tầu buôn Trung Sa, Tây Sa - Sạn”.
Và, tầu 56 đã trở về bến sau nhiều ngày đấu trí trên biển.
(còn nữa)
VanVN.Net – Ngày 10/4/2012, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học” được tổ chức trong một ngày. Buổi sáng, hội thảo khai mạc với sự có mặt của hơn 100 đại ...
VanVN.Net - Cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954) đỗ Hoàng giáp năm Đinh Mùi (1907) khi tròn 18 tuổi; trẻ thứ nhì trong lịch sử khoa cử Việt Nam, sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Khi vua Thành Thái mời các ...
VanVN.Net – Sáng 05/4/2012, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ban Nhà văn trẻ đã có buổi chuẩn bị cho tiết mục trình diễn thơ và văn xuôi ...
VanVN.Net - Từ trước đến nay, nhiều người (trong đó có tôi) vẫn cho rằng, không kể cuốn gia phả lịch sử viết dưới dạng tiểu thuyết chương hồi Hoan châu ký (cuối thế kỷ XVII, không rõ tác giả), thì ...
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn