Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Nhớ về cô: Phó giáo sư – họa sỹ Vũ Giáng Hương

Đỗ Ngọc Dũng (Chủ tịch Hội LH VHNT Phú Thọ) - 23-08-2011 01:59:20 PM

VanVN.Net - 9h sáng thứ 7 ngày 19/8 tôi dở điện thoại xem thì thấy có mấy cuộc gọi nhỡ, trong đó có 2 cuộc gọi của họa sĩ Hà Huy Chương - Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương, tôi bấm máy gọi lại xem có chuyện gì mà anh lại gọi cho tôi vào ngày nghỉ. Thì ra, anh thông báo cô Giáng Hương đã mất đêm qua, tôi lặng người như không tin nổi đó là sự thật, rồi gọi điện ngay cho nhà văn Tùng Điển, nhà văn Đỗ Kim Cuông để hỏi cho rõ ngày giờ để đưa đoàn văn nghệ sĩ Phú Thọ xuống viếng cô.

Thật đau lòng vì đúng giờ này hôm qua tôi còn nói chuyện với cô. Thấy cô vẫn khỏe giọng nói vẫn rất trong trẻo, dù qua điện thoại nhưng tôi vẫn thấy ở cô luôn toát lên sự đôn hậu, đức độ và lịch sự của một trí thức nho nhã. Cô kể, đợt này cô đang vẽ nhiều và cô đang say vẽ, thấy rất vui mặc dù mấy hôm nay thấy trong người hơi mệt, rồi cô còn nói về dự định: Sau đây còn viết một cuốn sách nữa, cô cũng không quên hỏi tôi về việc mang tác phẩm đến dự Triển lãm khu vực năm nay vì họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật có mời nhưng cô không đi được, cô hỏi thăm về tình hình hoạt động của Hội Phú Thọ, thăm hỏi anh em văn nghệ sỹ. Cô còn nói luôn đánh giá cao văn chương của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, Sao Mai, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Khắc Xương. Tôi dự định sẽ đến thăm cô và xem tranh mới sáng tác của cô trong một ngày gần nhất. Vậy mà, chỉ sau đó ít giờ đồng hồ cô đã ra đi mãi mãi. Tôi được nghe nhiều về tên tuổi gia đình cô, quê gốc ở Bắc Ninh, cô sinh ra trong một gia đình văn nghệ - một gia đình trí thức. Cha cô là nhà văn Vũ Ngọc Phan tác giả của bộ sách nổi tiếng "Nhà văn hiện đại" cho văn học tiền chiến, mẹ cô là nhà thơ Hằng Phương, chồng cô là giáo sư Lê Cao Đài - một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho y học quân đội, em trai cô là GS viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - một nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm triển lãm của họa sỹ Giáng Hương (1993)

Nhưng chỉ cách đây 15 năm về trước khi là Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam tôi mới có điều kiện gặp gỡ và làm việc với cô nhiều. Được biết rõ hơn về sự nghiệp sáng tác và những đóng góp của cô cho nền mỹ thuật nước nhà. Cô là học sinh xuất sắc của các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung và Hoàng Tích Chù - những bậc thầy của hội họa Việt Nam. Sau khi ra trường khóa I (1962) cô được giữ lại làm giảng viên và đưa nhiều đoàn sinh viên đi thực tế tại ở các địa phương và vào Thanh Hóa, Quảng Bình, đường Trường Sơn những năm chiến tranh ác liệt, sau này lại lên Việt Bắc gắn bó với đồng bào dân tộc. Chính vì vậy mà trong các sáng tác của cô, các tác phẩm đều có những địa danh, những hình ảnh sống động, nhất là những tác phẩm về đề tài chiến tranh bằng các chất liệu: mực nho, thuốc nước, chì than là những kí họa gây xúc động cho người xem. Nhưng có lẽ mảng tranh lụa chiếm phần nhiều trong các sáng tác của cô và nó còn gây ấn tượng cho đến tận bây giờ như: "Bếp lửa rừng chiều" - giải 3 Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995, "Hành quân qua Trường Sơn", "Tổ thông tin Trường Sơn" - giải A triển lãm nữ tác giả 1974, "Nhà trẻ ở Tây Bắc", "Em gái người Thái", "Cô gái trường Sơn"... ở thể loại đồ họa khắc gỗ: "Cầu Hàm Rồng" (1970), "Chùa Thầy" (1957), "Chuyến phà đêm" (1965), "Chân dung cháu gái" (1968). Với những đóng góp cho nền mỹ thuật, cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ họa sĩ tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cô Giáng Hương được đề bạt Phó hiệu trưởng, được phong hàm Phó giáo sư, rồi được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I năm 2001.

Không chỉ kính trọng cô trong sự nghiệp sáng tác, chúng tôi luôn nể trọng cô mặc dù tôi không trực tiếp học cô, nhưng vẫn luôn coi cô như một người thầy, một người thật gần gũi trong gia đình.

Những lần triển lãm Mỹ thuật khu vực, những chuyến công tác lên Phú Thọ cô thường dành thời gian đến xem tranh của tôi, kể cả khi tôi mở triển lãm cá nhân ở 29 Hàng Bài cô cũng là người đến sớm nhất xem tranh tôi một cách kỹ càng, rồi trao đổi động viên tôi thật nhỏ nhẹ, thật chân tình như những người đồng nghiệp.

Khi ở cương vị Phó Chủ tịch Thường trực UBTQ các Hội VHNT Việt Nam,  cùng với Chủ tịch - nhạc sỹ Trần Hoàn, cô Giáng Hương luôn tâm huyết cho sự nghiệp văn nghệ nước nhà, khi nhạc sỹ Trần Hoàn đột ngột qua đời, được Trung ương giới thiệu, được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp, mặc dù ở tuổi cao nhưng cô vẫn hăm hở với những chuyến công tác đến nhiều địa phương, các vùng miền của đất nước để chỉ đạo động viên, khích lệ phong trào sáng tác và hoạt động văn nghệ ở các Hội địa phương, gặp gỡ lãnh đạo các địa phương đề nghị quan tâm phát triển sự nghiệp VHNT của tỉnh nhà. Rồi lắng nghe ý kiến từ các địa phương, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ cả nước để cùng với các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Liên hiệp, các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Trung ương, với Chính phủ có những chủ trương, chính sách đúng đắn phát triển nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Đúng như nhận xét của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì cô luôn dành nhiều thời gian để chăm lo cho những người khác làm nghệ thuật, còn dành cho mình thì rất ít.  Riêng đối với Hội Phú Thọ, cô Giáng Hương luôn dành cho sự quan tâm ưu ái, cô nói: Phú Thọ là vùng trung du miền núi, là nơi Đất Tổ, nơi phát tích của dân tộc Việt, có đền thờ các Vua Hùng, vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, có đội ngũ văn nghệ sĩ khá hùng hậu, lại có nhiều người đang là những tên tuổi của đất nước. Phú Thọ còn là cái nôi của văn nghệ cách mạng - nơi ra đời của Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay, mà chính ở vùng đất Phú Thọ này, một thời bao nhiêu tên tuổi các nhà văn, nghệ sỹ hàng đầu của đất nước đã cùng sống và sáng tác trong điều kiện khó khăn những năm tháng kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Hình ảnh và những kỷ niệm về cô rất nhiều với Hội và anh chị em VNS Phú Thọ. Nhớ hôm nào cô còn lên với Hội Phú Thọ dự lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và trao giải thưởng VHNT Hùng Vương lần thứ VI, cô còn lên phát biểu và tặng cho Hội bức trướng của Liên hiệp, hình ảnh về cô giờ đây luôn hiện về trong tôi, một người phụ nữ đẹp, đẹp trong cả tâm hồn và nhân cách, đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi ông được bầu là Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong lời phát biểu chia tay với người tiền nhiệm, ông đã đánh giá rất cao những đóng góp của họa sỹ Vũ Giáng Hương với Liên hiệp, với sự nghiệp VHNT nước nhà. Nhà thơ Hữu Thỉnh còn nói họa sĩ Vũ Giáng Hương đã là người đồng chí, người chị cả, người thầy, người bạn đồng nghiệp rất đỗi thân thương và kính trọng của nhiều thế hệ VNS Việt Nam.

Cô Giáng Hương giờ đây đã đi xa mãi mãi, về cõi hư vô nơi nghìn trùng xa cách, nhưng những tác phẩm hội họa của cô, những tình cảm của cô và cả sự kính trọng đối với cô sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí rất nhiều người, trong đó có VNS Đất Tổ chúng tôi.

Xin vĩnh biệt cô.

                                                                Việt Trì, ngày 21/8/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn