Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Khoảng giữa hai văn bản nghệ thuật

(Đọc "Lời tiên tri của giọt sương", tập truyện của Nhật Chiêu, NXB Hội Nhà văn, 2011)

Inrasara - 03-01-2012 08:55:57 AM

VanVN.Net - Sáng tạo không là cái gì độc sáng, như chủ nghĩa hiện đại quan niệm. Văn học cũng không gánh chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống, như chủ nghĩa hiện thực đủ loại cho là như thế và ước mơ làm được như thế. Ít ra là với Lời tiên tri của giọt sương của Nhật Chiêu.

Bìa cuốn Lời tiên tri của giọt sương

Không khó nhận ra Nhật Chiêu ít sống đời sống “hiện thực”, nên - ở tập truyện này - khó tìm thấy vốn sống như ta thường đòi hỏi nhà văn phải thế để kiến tạo tác phẩm nghệ thuật ngồn ngộn hơi thở cuộc sống. Nhật Chiêu chìm ngập trong đống sách vở và giữa ngổn ngang ngôn từ với bộn bề ý tưởng. Sách vở giải thích sự giải thích về thế giới còn nhiều gấp ngàn lần chính sách vở giải thích thế giới - ai nói thế?

Câu chuyện Lời tiên tri của giọt sương khởi đầu từ văn bản, từ vô số văn bản có mặt trước đó từng trôi qua con mắt và bàn tay Nhật Chiêu để hình thành một văn bản mới, khác. Nó là một thứ liên văn bản intertext đúng nghĩa hậu hiện đại.

Xuất phát điểm của mọi câu chuyện, người đọc đều có thể tìm ra địa chỉ hay chứng từ. Có khi từ một chữ (như Đạo, Nhại, Tề Vật luận, Được…), một cuốn tiểu thuyết (Người lạ hay Kẻ xa lạ của Camus, Buồn nôn của Sartre, Cửa hẹp hay Khung cửa hẹp của Gide…), một tập thơ hay một bài thơ (như Lá cỏ - Leaves of Grass của Whitman, bài thơ của thiền sư Ryôkan hay bài thơ “con cóc” trong văn học dân gian Việt Nam) hoặc đơn thuần chỉ là một cái tên (Godot, Vua Lear, Tây Thi…), để làm nên các truyện rất ngắn của Lời tiên tri của giọt sương. Ngắn như một bài thơ haiku, một truyện chớp, một ngụ ngôn hậu hiện đại, một câu đố, thậm chí có cái gì từa tựa một công án Thiền! Chúng mang ý nghĩa khác ý nghĩa của bản gốc, phản lại ý nghĩa có trước đó, trại hay sái ý nghĩa, hoặc mở ra một ý nghĩa mới lạ hơn. Không cần đến chú giải hay diễn giải dài dòng, để tùy kiến văn, phông văn hóa, sự trải nghiệm hay óc tưởng tượng, người đọc có thể thả sức liên tưởng, từ đó - diễn ngôn chúng.

Sartre nói: Trước một đứa bé chết đói, tác phẩm Buồn nôn không có chút giá trị gì cả.

Nhật Chiêu đánh tráo và chuyển đổi mệnh đề của Sartre thành: Trước Thượng đế, một đứa bé chết đói không có giá trị gì cả.

Một tín đồ Hồi giáo cực đoan cụ thể hơn: Trước Thượng đế của tôi, mọi Thượng đế của các ngươi và tất cả đứa bé chết đói trên trái đất đều không giá trị gì cả.

“Vào”

Tiếng chuông nửa đêm vọng đến thuyền khi anh vào sâu trong nàng.

Tiếng chuông của Trương Kế (Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền - “Phong Kiều dạ bạc”) giải phóng tâm hồn con người thoát vòng tục lụy gợi sự liên tưởng cho Nhật Chiêu chế tạo truyện “Vào” nhưng theo thể cách ngược lại: anh vào sâu trong nàng giải thoát tinh thần nhân vật anh qua hành vi hợp hoan vỡ ra trong giây phút thăng hoa tột đỉnh của tình yêu và tình dục. Từ “vào” này có thể đánh thức ký ức bạn về tiếng hét “V…à…o… Vào rồi, các bạn…” của bình luận viên bóng đá trực tiếp trên màn ảnh nhỏ, khi Henry của Các Pháo thủ ghi bàn vào lưới Những Con Quỷ đỏ thành Manchester! Tiếng hét kéo theo hàng loạt tiếng hét đồng thanh từ mấy khu phố ổ chuột cạnh nhà bạn. Nó xuất thần và gây chấn động dây chuyền không thua kém “đáo” và “vào” trên kia, nhất là với những người hâm mộ đã làm cả ly đen đậm để mở mắt đến hai giờ rưỡi sáng, đợi.

Tất cả truyện trong Lời tiên tri của giọt sương đều thoát thai từ chữ và qua chữ.

Như vậy, sáng tạo không gì hơn là ăn theo, cưỡng bức hay tái tạo ngôn ngữ có sẵn để tạo ra thế giới ngôn ngữ khác. Không chút ảo tưởng về “độc sáng”, Nhật Chiêu ý thức sâu thẳm tình trạng đó, và đã làm được Lời tiên tri của giọt sương độc đáo.

“Ngôn ngữ tạo ra thế giới, các giới hạn ngôn ngữ của tôi là các giới hạn của thế giới tôi” - L. Wittgenstein nói thế. Nghĩa là, con người khi còn là con người thì bất khả thoát khỏi ngôn ngữ. Nhật Chiêu không thể thoát khỏi ngôn ngữ, hàng đống ngôn ngữ đi qua đời anh, ám ảnh và thao túng anh, làm nên con người anh - một văn bản.

Tôi cũng không hơn gì.

Nhìn trăng hay đang đi dưới trăng, trăng kia hết còn là trăng đơn thuần tôi đang ngắm hay soi lối tôi đi. Sau “trăng”, cạnh “trăng” và qua “trăng”, tôi thấy thấp thoáng bóng Hàn Mặc Tử say trăng, ôm trăng ngủ. Xa hơn, tôi không thể không nhớ đến giai thoại Lý Bạch nhảy xuống sông ôm bóng trăng, tôi biết là Vũ Hoàng Chương đã viết câu thơ bi thiết “trăng của nhà ai trăng một phương”. Đi giữa mùa trăng hiện tại, tôi bị ám bởi mấy màu trăng tôi từng nhìn thấy qua bao nhiêu bức tranh của các họa sĩ trường phái Ấn tượng ở trời Tây, để rồi tôi cũng có thể than vãn theo kiểu Nguyễn Trọng Tạo: “Không còn ánh trăng ngà cho thi sĩ làm thơ”.

Mênh mông tri kiến cùng bạt ngàn kỷ niệm về trăng khiến trăng hết còn là trăng “thực”, mà đã thành trăng của ký ức, trí tưởng và tri kiến của tôi về trăng. Tôi đánh mất khả năng nhìn trăng như là trăng.

 

Nhà văn ít vốn sống “thực”, cứ tạm cho là vậy. Nhưng không phải vì lý do đó mà hắn không thể lấy kinh nghiệm từ vốn sống dù hạn hẹp hay ít ỏi tới đâu, để sáng tác. Nhật Chiêu không làm thế, bởi anh hiểu, mỗi kinh nghiệm, mỗi tri kiến sở đắc dù từ chính “đời sống thực” hay từ lý giải về đời sống cũng chỉ là một thứ diễn ngôn. Diễn ngôn từ diễn ngôn qua diễn ngôn bằng diễn ngôn. Trùng trùng điệp điệp. Diễn ngôn đến mất hết hệ quy chiếu với hiện thực, với bản gốc của văn bản, cắt đứt mọi liên hệ giữa văn bản và hiện thực. Tác giả của Lời tiên tri của giọt sương sẵn sàng nhặt “hiện thực diễn ngôn” ấy bất kỳ đâu, để sáng tác. Và kêu đòi người đọc nhập cuộc đồng sáng tạo với tác giả. Sáng tạo mở rộng ý hướng của tác giả, hay chống lại ý nghĩa tác giả ý đồ gán cho mỗi truyện.

Thế giới hiện tại tràn ngập thông tin. Hiện thực hôm nay là thứ hiện thực ngụy tạo, vật thế vì giả tạo simulation. Mọi hình ảnh đều là thứ hình ảnh phi căn nguyên image-without-an-original. Phi căn nguyên đến Tòa Tháp Đôi chưa… sụp đổ, cuộc chiến Iraq không hề… xảy ra - theo lý giải của Baudrillard. Nhưng hiện thực đau khổ của con người là có thực.

Làm sao có thể tiếp cận với cái “thực” kia?

Làm sao thoát khỏi quá khứ, thoát khỏi vô vàn cái biết phi căn nguyên kia? Làm sao có thể freedom from the known giải thoát tri kiến như Krishnamurti từng kêu gọi? Hay cụ thể hơn: làm thế nào để cho trăng được là trăng như thực? Từ ngàn năm trước, bao nhiêu đạo sĩ, tư tưởng gia đã đặt ra câu hỏi đó. Nhận thấy con người quá lệ thuộc vào ngôn từ, lệ thuộc đến thành nô lệ mụ mẫm, xưa, chư Thiền sư đề xướng “bất lập văn tự”. Bất lập văn tự không phải là thôi dùng ngôn ngữ nữa, mà là dùng ngôn ngữ như là dùng ngôn ngữ. Bởi,

Chỉ trong từ, trong ngôn ngữ mà sự vật mới trở thành và hiện hữu. Cũng vì lẽ đó mà sự lạm dụng ngôn ngữ trong thuyết lý ba hoa thuần túy, trong các khẩu hiệu diễn giải dài dòng, ta đánh mất đi mối tương quan chân thực với sự vật (Heidegger, Nhập môn siêu hình học, bản dịch của G. Kahn, NXB Epiméthé 1958, tr. 22).

Nhà văn thì không thể không dùng đến ngôn từ. Nhật Chiêu đã từ ngôn từ và qua ngôn từ để làm nên văn bản nghệ thuật Lời tiên tri của giọt sương. Ngay cả ý hướng sử dụng thuần ẩn dụ hay ký hiệu, tác phẩm của nhà văn cũng phải thông qua xác ngôn từ. Khi ngôn từ được dùng với sự tinh tế đặc biệt, nó có thể đạt được hiệu quả nghệ thuật.

“Bức tranh”

Giữa sa mạc. Để làm dịu cơn khát của mình họa sĩ đã vẽ trên cát một con suối.

Khi chàng bỏ đi, một mạch nước ngầm đã tràn lên bức tranh khe suối ấy.

Đoàn lữ hành đã tìm thấy xác chàng họa sĩ cách đó không xa. Dẫu sao đi nữa, họ đã uống nước thỏa thuê.

Dẫu sao đi nữa, hiệu quả kia vẫn là hiệu quả nghệ thuật, đến từ ngôn từ và qua ngôn từ. Và người đọc thưởng ngoạn tác phẩm Lời tiên tri của giọt sương cũng không thể không thông qua sự có mặt của ngôn từ. Điều chắc chắn là những ngôn từ này đã dẫn người đọc tiếp cận được với hiện thực, một hiện thực khác với hiện thực ta từng quan niệm. Bởi dẫu sao đi nữa, hiện thực này cũng đã góp phần mình làm đa dạng nghệ thuật và làm phong phú đời sống tinh thần của con người.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Chùm truyện cười 2012

VanVN.Net – Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, dịch giả Lê Bá Thự muốn gửi tặng độc giả VanVN.Net chùm truyện cười, góp thêm niềm ui vào không khí Tết đang tràn về mỗi ngôi nhà, thay lời chúc một năm ...

Tư liệu  

Thơ mới Nhật Bản

VanVN.Net - Vì sao thơ Pháp được dịch nhiều ở Nhật Bản? Vì khi bắt đầu hiện đại hóa văn học Nhật Bản, nước Pháp và văn học Pháp là giấc mơ của các họa sĩ, nhà thơ, trí thức Nhật ...