TÓC RỐI- CHÂU HOÀI THANH-TRUYỆN DỰ THI LÀNG VIỆT THỜI HỘI NHẬP CỦA BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY
Hoan gọi điện cho tôi và hỏi:
- Bà có đi làm tóc với tui không?
Tôi trả lời là còn bận. Nó nói như quát trong điện thoại:
- Bận gì! Lại xuề xòa! Tết này, bà phải sửa soạn đẹp lên!
Tôi ừ vì biết, Hoan đang quyết tâm làm thay đổi diện mạo của mình.
Nó đến đón tôi. Hai đứa chạy một đoạn và dừng xe trước cửa tiệm làm tóc Lan Anh. Cô chủ tiệm còn khá trẻ chạy ra đon đả:
- Mời hai chị vô trong ni!
Giọng Huế ngọt ngào đến thú vị. Lúc này, trong tiệm có hai người khách. Một cô nằm dài trên ghế nệm, mặt phủ một lớp da mặt nạ màu trắng. Cô kia ngồi ở chiếc ghế, đang được tỉa tót móng chân. Hoan kéo tay tôi rồi ấn vào chiếc ghế trước tấm gương lớn:
- Em làm cho chị này đi!
Lan Anh dạ rồi rời chỗ đi lấy miếng da có in hình một bàn tay nắm chặt, có ngón cái đưa lên ra vẻ: “Duy nhất! Số một!” và phủ quanh cổ tôi:
- Chị làm kiểu mô? Bob kiểu Thùy Linh, xoăn dập kiểu Hà Hồ hay xoăn lọn kiểu Diễm Hương?
Vừa nói, cô vừa đưa tôi cuốn tạp chí thời trang. Tôi lật mở vài trang. Đó là hình ảnh của các cô nổi tiếng, xinh đẹp với muôn vàn kiểu tóc. Suôn thẳng, lượn sóng, xoăn tít, xoăn vừa, xoăn to, xoăn nhỏ…
Hoan quay sang giật tờ tạp chí từ tay tôi:
- Bà đưa đây, tui chọn cho!
Nó lật từng trang rồi chỉ vào một bức hình mẫu và quả quyết:
- Tui thấy mặt bà làm kiểu này là hợp nhất.
Tôi nhìn qua và lắc đầu, nó giở tiếp mấy trang nữa:
- Này! Này! Hay là này đi!
Tôi chối đẩy rồi quay qua Lan Anh:
- Thôi, em cứ duỗi thẳng cho chị đi.
Hoan giãy đành đạch, giọng chua chát:
- Trời! Bà khùng à? Kiểu đó bây giờ… xưa… rồi!
Rồi nó giải thích một loạt về vẻ đẹp của người phụ nữ. Lan Anh ngắm nghía mái tóc của tôi rồi cầm chiếc lược. Nhưng không, nó không chỉ đơn giản là chiếc lược. Những nhát chải ngọt ngào, giòn rụm như kiểu quảng cáo “nhai giòn sật sật” đang chiếu liên tục trên tivi.
Những lọn tóc của tôi bắt đầu rơi xuống.
Tôi chợt nghĩ tới Toan. Ngày ấy, Toan thường lấy quạt nan và ngồi bên. Vừa quạt, Toan vừa ngắm nhìn tôi chải tóc.
Thế mà bây giờ… Tôi lại ngồi đây, ung dung ngắm nhìn những lọn tóc dài và đen mượt của mình rơi xuống. Không! Tôi chẳng ung dung tí nào! Nỗi luyến tiếc, bâng khuâng đang trào dâng. Nhưng rồi, tôi tự trấn an. Tiếc làm gì nữa! Bây giờ chẳng có Toan, tôi có để tóc dài cũng còn có ý nghĩa gì nữa đâu!
Trong lúc tôi còn vu vơ thì Hoan ngồi ghế sau, mắt không rời khỏi tờ tạp chí.
Không hiểu từ bao giờ, Hoan lại mê các kiểu tóc đến thế. Một năm, nó cũng đến tiệm dăm bảy lần và mỗi lần lại một kiểu tóc khác nhau. Lúc dài, lúc ngắn. Lúc xù lên như nhím, lúc lại thuổn đuột, ngay đơ. Lúc cong cong vài ba lọn, lúc quăn tít thò lò… Tiền lương của nó chẳng mấy mà cạn kiệt theo những kiểu tóc thời trang. Mỗi lần thấy tôi ra ngân hàng gửi tiền về cho mẹ là nó lại ngoa ngoắt:
- Đời mấy hột mà bà phải chắt chiu cho khổ!
Tôi chẳng biết đời mình “mấy hột” nhưng tôi biết chắc là mẹ tôi luôn phải vất vả mà trong túi bà không lúc nào có nổi mấy trăm nghìn đồng. Tôi tiết kiệm để gửi về cho mẹ. Mẹ đã rất buồn từ khi tôi bỏ quê lên thành phố rồi. Cũng may, mẹ còn có chị Tâm.
Bây giờ, trước mặt tôi. Những lọn tóc vẫn liên tiếp rơi xuống. Chùm nọ chồng lên chùm kia. Sợi nọ đan vào sợi kia…
Lan Anh bưng ra một khay đồ. Cô cuốn tóc tôi lên từng lọn nhỏ rồi bôi thuốc. Thứ thuốc có mùi như nước tiểu đang ngấm dần qua lớp tóc và đến lớp da đầu tôi. Cảm giác gờn gợn, lành lạnh. Xong. Một túi nylon được Lan Anh trùm lên đầu tôi:
- Chị ngồi qua kia đợi em hí!
Tôi hỏi:
- Bao lâu hả em?
- Hai tiếng chị ạ.
Tôi gật đầu. Trong thời gian đó, Lan Anh tiếp tục công việc với hai cô gái trẻ. Một lúc sau, hai cô gái trả tiền rồi bước ra xe. Chỉ còn lại tôi và Hoan. Tôi hỏi khi thấy Hoan vẫn chăm chú vào tờ tạp chí:
- Bà không làm tóc sao?
- Tui mới làm tuần trước!
Bỗng nó đứng dậy hốt hoảng:
- Chết cha! Chìa khóa nhà của tui?
Tôi nhìn ra dãy ghế nhựa và hỏi:
- Lúc nãy vào, bà để ở đâu?
Nó lắp bắp:
- Ở ghế… Mà không! Hình như… là trên bàn?
Lan Anh đang loay hoay với mớ tóc dưới chân tôi thì dừng lại:
- Chị kiểm tra lại đi! Thiệt tình là em không để ý!
Hoan hết đi ra lại đi vào, săm soi từng chỗ trên chiếc bàn bày bừa đủ thứ:
- Mất thật rồi! Chiếc nhẫn của tui!
Tôi giật mình hỏi:
- Bà vừa bảo chìa khóa mà?
Nó nói như mếu:
- Chìa khóa… Nhưng trong chiếc ví da treo cùng chìa khóa là chiếc nhẫn có gắn kim cương.
- Nhẫn kim cương nào? Sao lại cất ở đó?
Hoan mếu máo phân bua:
- Của Ngữ tặng...
Lan Anh nhìn chúng tôi với nét mặt lo lắng:
- Răng chị vô ý rứa?
Sau một lúc bới hết mọi thứ trên bàn thì Lan Anh thấy chùm chìa khóa. Hoan cười khi nhận từ tay Lan Anh:
- May quá! Mất nó… Có lẽ Ngữ… bỏ tao!
Hoan chơi thân với tôi kể từ ngày tôi mới chân ướt chân ráo vào thành phố. Hoan là con người mạnh mẽ và khảng khái. Dù đôi lúc nói năng hơi lỗ mãng nhưng sống lâu với Hoan, tôi nhận ra Hoan cũng tốt tính. Hoan đã từng yêu, từng lầm lỡ. Hoan đau khổ cả năm trời rồi đột ngột, Hoan quyết định yêu người đàn ông lớn tuổi tên Ngữ. Ngữ đã có gia đình và ba đứa con gái. Mỗi khi hai đứa nói về chuyện yêu đương, Hoan luôn so sánh Ngữ với Toan. Nó bảo, Toan yếu đuối như đàn bà nên chạy trốn tình yêu. Còn Ngữ - là người đàn ông đích thực. Ngữ luôn tôn trọng Hoan, yêu thích mọi cá tính, mọi thay đổi của nó! Chiếc nhẫn là giao kèo đầu tiên mà nó đặt ra với Ngữ. Tôi không đồng tình nhưng cũng không thể ngăn cản thứ tình cảm được gọi là tình yêu ấy của Hoan.
Lan Anh bắt đầu tháo túi nylon trùm đầu và xử lý mái tóc của tôi. Từ ngày vào thành phố, nói thật, tôi chưa đến tiệm làm tóc nên cảm giác được gội đầu thật dễ chịu và thư thái. Sau một lúc, Lan Anh bảo:
- Xong rồi! Chị ngắm thử xem!
Tôi sực tỉnh nhìn vào chiếc gương trước mặt. Một hình tôi với mái tóc ngắn xoăn tít, buông xòa. Một khuôn mặt tôi vừa quen, vừa lạ.
* * *
Một tháng sau. Hoan và Ngữ làm đám cưới.
Đám cưới nhỏ. Tình yêu lớn. Ngoài sự chứng giám của gia đình Hoan còn có sự chứng dám của gia đình nhà chồng. Cô dâu chú rể được tự do nắm tay nhau. Trong lòng tôi là sự lo lắng, cho dù nó không hiện hữu như cái bắt tay và nụ cười của cô dâu, chú rể và cũng không rõ ràng như cái nhìn hào hiệp của bà vợ cả mà nó lẩn khuất nhưng day dứt khôn nguôi.
Hoan theo Ngữ về nhà riêng. Nó nghỉ việc ở công ty tôi để chuyển qua công ty của chồng.
Từ khi đó, tôi thường hay suy nghĩ về Toan.
Một ngày, tôi nhận được tin Toan trở về. Mẹ cứ ngập ngừng mãi mới nói ra điều ấy qua điện thoại:
- Hôm qua nó đến nhà, lại chẻ cho mẹ một đống củi. Nó hỏi thăm mày… Mẹ biết, nó vẫn thương mày đấy con ạ?
Tôi im lặng.
Suốt đêm tôi không ngủ. Tôi nghĩ đến sự chia tay đột ngột của Toan ngày trước.
* * *
Thời gian là thứ gì đó mà tôi không định hình được. Hình như tôi bắt đầu nhiễm thói đam mê các kiểu tóc từ Hoan. Tôi gọi điện cho nó chừng tháng sau:
- Tụi mình đi Lan Anh nha?
Trả lời tôi là giọng nói ngái ngủ của Hoan:
- Thôi! Bà đi đi! Tui mệt!
Tôi nổi cáu:
- Này! Ngày xưa bà chẳng suốt ngày rủ tui đi làm tóc là gì?
- Nhưng… Tui đang mệt. Bà đi một mình đi…
Câu trả lời như một gáo nước lạnh khiến tôi nổi quạu.
- Này! Đồ quỷ… Bà vừa vừa thôi nha…
Tôi nói và dập máy. Và… Tôi chợt nhận ra, mình nhiễm cả cách nói chuyện bụi bặm của Hoan.
Tôi đến tiệm Lan Anh một mình. Thấy tôi, Lan Anh hỏi:
- Hôm nay chị đi một mình à? Chị Hoan mô?
Tôi trả lời buồn bã:
- Nó ở nhà và đóng cửa làm đẹp rồi…
Sau hai tiếng, tôi đã có mái tóc xoăn bồng bềnh màu hạt dẻ của nghệ sĩ Diễm Hương. Tôi nhìn mình qua gương. Hình như tôi đẹp hơn? Bất chợt, tôi lại nghĩ tới Toan. Toan đã về và đang ở nhà. Nếu tôi về…, Toan sẽ nghĩ gì khi gặp tôi với mái tóc này nhỉ? Mà cũng đã gần hai năm, tôi chưa về nhà rồi còn gì.
Trở về, tôi gọi điện cho Hoan khi đã mười giờ đêm. Hoan ngạc nhiên khi tôi nói rằng, tôi sẽ về quê:
- Sao bà bảo Tết bà mới về! Còn nhớ Toan à…
Tôi ngắt lời nó:
- Tui nhớ nhà!
- Thật không đó? Mà khi nào bà về?
- Thật chứ giỡn à? Sáu giờ sáng ngày mai tui lên xe.
Tưởng nó sẽ nói dài hơi một chút như thói quen nhưng thật không ngờ, nó cụt lủn:
- Bà đi một mình nha! Miễn tiễn!
- Biết rồi!
Tôi cúp máy mà lòng buồn như người mất của. Sự vắng mặt của Hoan trong đời sống hàng ngày khiến tôi hụt hẫng. Và tự nhiên, tôi thấy ghét lão Ngự. Chẳng biết lão có đem hạnh phúc đến cho Hoan như đã hứa?
* * *
Sau hơn hai mươi tiếng mệt mỏi trên chuyến xe giường nằm, tôi đã về gần đến nhà. Ngã ba Cầu Ngang đây rồi! Tôi xuống xe, vào quán nghỉ tạm. Vừa rót nước, chị chủ quán vừa trả lời khi tôi hỏi về giờ xe đến:
- Em đi đã lâu không về hả? Hơn năm nay chẳng có tuyến xe chạy về các xã nữa. Họ dẹp tiệm rồi! Lỗ vốn mà…
Tôi chợt thấy lòng man mác buồn. Phải! Mới đó mà tôi xa quê cũng gần hai năm. Ngần ấy thời gian. Nỗi nhớ dai dẳng kéo tôi qua những giấc mơ hoang hoải có bóng hình cây cầu nhỏ và giọng nói thô mộc của Toan.
Bây giờ về, tôi thấy mình như kẻ có lỗi trước những đổi thay lạ lùng ấy.
Cánh đồng lúa trước mặt tôi đã chuyển sang màu vàng ươm. Vụ thu hoạch cận kề, lác đác trên đồng xa là những bóng nón trắng. Chắc giờ này mẹ tôi cũng đang còng lưng trên 5 sào ruộng. Một mình mẹ đã tảo tần nuôi hai chị em tôi. Vậy mà… Tôi bỏ mẹ, bỏ làng quê yên bình để đi tìm một bóng hình xa ngái.
Chị chủ quán lại rót thêm nước vào cốc:
- Nếu em có người nhà thì gọi điện đến đón, còn không thì đợi. Lát nữa, anh nhà chị sẽ chở em về.
- Dạ! Nhà em chẳng có ai chị ạ!
Tranh thủ lúc chờ chồng chị chủ quán, tôi để hành lý bên chiếc bàn con rồi ra phía sau nhà.
Từ đây, nhìn về phía làng xã tôi, con đường nhỏ vừa mới đổ nhựa quết một vệt đen thẫm ngoằn ngoèo chạy qua cánh đồng lúa rồi hun hút tầm mắt. Quê tôi thật đẹp. Đẹp như một bức tranh. Vậy mà đến giờ này tôi mới nhận ra điều ấy.
Từ xa có chiếc xe máy đang chạy về phía tôi. Trên xe là một người đàn ông. Chiếc xe rẽ vào cổng quán nước. Tôi tò mò trở vào sân. Tôi đứng sững. Tim tôi rộn lên. Đó chính là Toan. Toan già dặn, phong trần trong chiếc áo thun màu cánh gián và chiếc quần zin đã cũ. Thấy tôi, Toan chững lại một chút rồi nở nụ cười thật tươi:
- Anh xin lỗi vì đến trễ… Hành lý em đâu để anh đưa ra xe…
Tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhưng rồi nghĩ lại, tôi chợt hiểu ra. Tôi thấy mình như kẻ lạ nên nhấm nhẳng:
- Ai cần mà anh đi đón?
Giọng Toan mềm đi:
- Thôi mà! Tính lên xe. Anh chở về kẻo mẹ mong.
Tôi xách giỏ quyết định đi bộ. Toan chèo kéo dắt xe theo sau. Cả một cây số, Toan cứ vừa đi, vừa năn nỉ, còn tôi, muốn tỏ rõ sự cứng rắn. Tôi còn ngồi bệt xuống vệ đường. Nhưng rồi, cuối cùng, tôi cũng chịu lên xe để Toan chở về. Toan chẳng có vẻ bực tức, cứ líu lo hỏi chuyện suốt!
Mẹ đón tôi ở cổng nhà. Không kịp hỏi gì, tôi nhảy từ trên xe xuống, lao đến ôm lưng mẹ. Tôi khóc hu hu như đứa trẻ mà quên cả Toan lúc đó đứng lặng nhìn. Khi tỉnh lại thì Toan đã bỏ về tự bao giờ. Mẹ mắng khi lau nước mắt cho tôi:
- Cha mẹ cô. Nó lại về rồi đấy!
- Mẹ cứ mặc kệ anh ấy.
Tôi nhìn sang nhà chị Tâm và hỏi:
- Chị Tâm đi làm rồi hả mẹ?
- Nó vừa ra đồng.
Nói rồi mẹ thở dài.
Tôi chợt nhớ tới cha ngày còn nằm viện. Năm đó, tôi đang học lớp mười. Chị Tâm vừa nghỉ học. Toan ngày nào cũng đèo mẹ tôi từ nhà lên bệnh viện để chăm cha, rồi sáng hôm sau lại đèo chị tôi lên thay mẹ. Giờ thì cha tôi đã về với ông bà tổ tiên…
Tôi rửa tay chân rồi sau đó, quỳ gối trước bàn thờ cha, nước mắt rơi lã chã. Cha nhìn tôi, bao dung độ lượng.
* * *
Tôi theo mẹ từ đồng về nhà cũng đã chập tối. Mẹ vào bếp lo bữa cơm tối. Tôi định gội đầu, sau đó sẽ sang nhà chị Tâm. Tôi múc mấy gàu nước đổ vào chậu rồi xõa tóc. Những lọn tóc xoăn của tôi bị rối bù lên vì gió. Vừa gỡ tôi vừa nhìn sang phía bên kia hàng rào. Nhà Toan cách đó không xa.
Một bóng người lấp ló sau bụi dâm bụt được cha tôi đan kết thành dãy hàng rào từ mấy năm trước. Dù nhìn chưa rõ nhưng tôi đoán chắc là Toan.
Đã hai hôm mà Toan cũng chưa dám gặp và nói chuyện cùng tôi. Tự nhiên, tôi nhìn sang đống củi đã vơi đi gần hết và nghĩ, thế nào chiều mai, Toan cũng sang để xin mẹ được chẻ củi giúp.
Trong chuyện của chúng tôi, Toan là người có lỗi. Toan bỏ đi với một lý do đơn giản: “Tính ở lại chờ. Anh đi làm ăn. Một thời gian anh sẽ trở về...”.
Tôi tự hỏi: Một thời gian là bao lâu? Một tháng. Một năm hay là mười năm?
Một tháng sau khi Toan ra đi, tôi cũng khăn gói theo mấy chị trong làng thực hiện cuộc trường chinh Nam tiến mặc cho chị tôi ngăn cản và mẹ cứ nước mắt ngắn, nước mắt dài.
Những gáo nước mát lạnh làm tâm trí tôi như tỉnh hơn. Nước dầu gội làm mắt tôi cay xè. Tôi quờ tay về phía vại nước, mò mẫm tìm cái gáo. Tiếng bước chân, rồi một gáo nước giội lên đầu tôi, từ từ, nhẹ nhàng. Có lẽ mẹ từ bếp vừa ra tới. Tôi khoan khoái thụ hưởng cái mát lạnh chạy từ đỉnh đầu lan xuống mắt, xuống má, xuống cằm rồi hỏi bâng quơ:
- Củi đun cũng gần hết rồi mẹ nhỉ?
- Ừ… Em và mẹ cứ dùng thoải mái, mai anh lại sang chẻ tiếp.
Tôi giật mình vì đó là giọng của Toan.
- Tính làm tóc từ khi nào?
- Từ khi nào thì kệ người ta! Liên quan gì…
- Có chứ! Anh không phải bê ghế cao ra đầu hè cho ai đó ngồi nữa!
Vừa nói tôi vừa giành lấy cái gáo từ tay Toan. Toan cầm lấy cái gàu múc nước:
- Thôi được. Tính cứ việc! Anh sẽ múc tiếp…
Cứ thế, tôi múc ra còn Toan cứ đổ vào. Một chốc thì nước tràn khỏi vại, chảy ào ào dưới chân tôi. Toan buông gàu nước và ngồi xuống bên tôi.
Im lặng.
Đột ngột Toan hỏi:
- Tính! Bao giờ em mới chịu tha thứ cho anh?
Tôi im lặng thả gáo nước vào chậu rồi lao vào nhà. Toan chạy theo:
- Tính nói đi! Bao giờ?
Tôi ngoái đầu lại:
- Em đã thay đổi rồi!
Toan nói giọng buồn buồn:
- Tính! Em… có người khác rồi phải không?
Tôi vào buồng và đóng cửa mặc cho Toan ở ngoài gọi mãi.
Phải hai tuần tôi mới chịu nói chuyện với Toan. Toan vui lên trông thấy. Mỗi ngày anh đều sang nhà tôi, lúc thì giúp mẹ ôm củi vào bếp, lúc lại giúp tôi xách nước, tưới rau… Toan hỏi tôi, tại sao hôm trước tôi lại nói rằng tôi đã khác xưa, đã thay đổi? Tôi xù mái tóc của mình lên rồi bắt Toan nhìn mình. Đó! Anh thấy em khác xưa chưa? Em không còn là Tính tóc dài ngày xưa nữa! Toan cười ngặt ngẽo: Làm anh hết hồn! Dù có thay đổi thế nào thì em vẫn là cô bé của anh ngày trước. Thật không? Một ngón tay tôi đưa lên. Toan móc một ngón, kéo về phía mình và nói:
- Anh luôn thích em nhưng dù sao…
- Nhưng sao? Tôi cắt ngang.
Toan ghé vào tai tôi và nói nhỏ: Anh vẫn thích em để tóc dài hơn! Tôi nguýt dài và kéo tay anh…
Tôi còn định hành hạ anh thêm một thời gian nữa nhưng xem ra trái tim tôi không thể tiếp tục khi nhìn vào đôi mắt rực lửa như muốn thiêu đốt, đôi môi đang cháy niềm khát khao.
Tôi thèm được một mình bên anh. Và rồi… Tôi đã run rẩy trao cho anh nụ hôn đầu tiên sau gần hai năm xa cách.
Có thể ai đó sẽ không tin lời tôi nói, nhưng sự thật, lúc này tôi mới được nếm vị ngọt của tình yêu. Có lẽ vị ngọt ấy đã chín qua hai năm dài ấp ủ. Vì yêu Toan, tôi chẳng còn chất vấn anh về lý do mà anh ra đi.
Toan đưa cho tôi mười triệu, nói là tiền anh dành dụm để lo đám cưới. Tôi bảo:
- Em có cần tiền của anh đâu! Em chỉ cần có anh thôi!
Định bụng về nhà một thời gian rồi lại vào nơi làm việc nhưng giờ thì tôi đã thay đổi ý nghĩ. Tôi sẽ ở nhà với mẹ và Toan.
Tôi gọi điện cho Hoan và biết, Hoan đã sinh một chàng quý tử cho người đàn ông ấy. Chắc chắn là Hoan chẳng còn thời gian để dành niềm đam mê cho những kiểu tóc… Còn tôi, tôi cũng tự hứa với mình sẽ để tóc dài, dài đến đầu gối cũng được. Tôi chỉ muốn mình mãi là cô gái chân quê mộc mạc dễ thương trong mắt Toan mà thôi!