HƠI ẤM LỬA RẠ RƠM…
Tùy bút của CAO NGỌC THẮNG
Những ngày cuối năm lòng sao chộn rộn. Giữa bề bộn bỗng thấy bâng khuâng. Có gì đó níu kéo, muốn dừng lại hít thật sâu khí trời căng lồng ngực, trút bỏ mọi bực bội, những lăn tăn. Thì đó, những chiếc lá già nua rơi là đà, cây cối trơ cành khô như những cánh tay gầy guộc. Dấu hiệu mùa đông sắp tàn, cũng là lúc mùa xuân đang sang - rất gần. Trời đất nôn nao, khiến lòng người khấp khởi…
Trong những ngày năm cùng tháng tận, hẳn tâm tư mỗi người đều hướng về một niềm nhớ nhung nào đó, chẳng ai giống ai, chẳng năm nào giống năm nào. Song, dường như cứ vào thời điểm cuối năm mọi người đều chung nguyện ước: đoàn tụ cùng gia đình, họ mạc, láng giềng nơi bản quán quê hương, hưởng hương vị đầm ấm quen thuộc sau một năm (những năm) quầy quả chọn kế sinh nhai, cùng chờ thời điểm “Giật mình lộc biếc chồi xanh/ Cung đàn ngân gió đổi canh – Giao thừa”*.
Tôi thường nhớ lại những chuyến đi công tác xa Hà Nội dịp giáp và sau Tết Nguyên đán, thời điểm mà ở những vùng quê đồng bằng và trung du miền Bắc, khi sớm tinh mơ và lúc chiều chạng vạng xuất hiện một lớp sương trắng đục là là mặt đất nơi rìa làng, một hình ảnh rất đặc trưng, như tạo cho làng một chân đế vững chãi. Hình ảnh đó lặp đi lặp lại, dần hình thành trong tôi khái niệm có thể đặt tên là chân làng. “Chân làng” liên quan tới hiện tượng ngưng tụ hơi nước khi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai khu đất liền kề, ở đây cụ thể là đất làng và đất ruộng, tương tự và đồng thời với hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra khi nhiệt độ lớp đất mặt ấm hơn lớp không khí bên trên. Thực ra, “chân làng” xuất hiện cả bốn mùa trong năm, song vào mùa đông và mùa xuân “chân làng” cho ta vẻ đẹp rõ rệt hơn, vì thế ấn tượng hơn. Rõ ràng xóm làng, nơi cư trú của cộng đồng dân cư người Việt, từ rất lâu rồi đã có khả năng giữ nhiệt lâu hơn và cao hơn so với ruộng ngoài làng, nhất là khi mọi nhà trong làng cùng nổi lửa, mọi người quây quần cơm nước trong mỗi nếp nhà. Công việc đồng áng tạo cho người nông dân nếp “dùng” hai bữa cơm chính trong ngày, bữa sáng sớm trước khi người lớn ra đồng, trẻ em đi học và bữa chập tối, lúc gà táo tác lên chuồng, cả nhà hội đủ, còn buổi trưa thì có gì ăn nấy, hiếm khi nấu nướng, nếu có thì gọi là bữa quá mái. Với người nông dân, hai bữa cơm sáng và tối rất quan trọng. Gà gáy canh năm, các bà các chị đã vục dậy, búi tóc gọn gàng là bắt tay vào công việc nội trợ. Chiều về, buông đòn gánh, các chị các em nhanh nhẹn vào bếp. Lửa nhen lên, bùng lên và tỏa hơi ấm với vị nồng nồng hương đất bùn, quánh hương nắng mưa từ nhánh rơm cọng rạ, từ vỏ trấu còn vương hương cám. Ấy là những lúc làng ấm lên, cái ấm từ nhiệt của lửa, của tình người, tình trời đất quyện vào nhau, phảng phất, dịu êm, có sức hút kỳ diệu, lan tỏa tới từng tâm hồn và kết lại thành những tổ ấm gia đình, thành cộng đồng làng xã. Hơi ấm làng được duy trì qua hàng ngàn đời bởi sự đồng thuận của dân chúng biểu hiện cụ thể, chi tiết trong hương ước, quy định và điều chỉnh mọi hành vi phù hợp với đạo đức, lối sống, nếp sống, tập tục trong sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất, nhờ đó mà hội tụ những nét đẹp thành đời sống văn hóa, thành truyền thống. Độ ấm làng như thể có sức hun đúc, nuôi dưỡng tình nghĩa ngày thêm sâu đậm, quyện lại thành gốc gác, khiến người người “tối lửa tắt đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”, khi “chị ngã” thì “em nâng”, luôn hối thúc những người con của làng dù ở chân trời góc bể nhanh chóng trở về để được làng ấp iu, che chở.
Mới tháng trước, tôi có dịp về thăm Tây Tựu, một làng cổ với cái tên thuần Việt – làng Đăm, cách trung tâm Hà Nội về phía tây hơn mười cây số. Chữ “Đăm” do người xưa đọc chệch từ “Đam” (với nghĩa là vui, quá vui), hoặc “Đàm” (nghĩa là đầm nước sâu). Tên Tây Tựu ngày nay từ Tây Đam đổi thành, do kiêng quốc húy. Các tên chữ này đều xuất phát từ vị trí của làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ, con sông lấy nước từ sông Cái (tức sông Hồng, cách làng chỉ hơn một cây số). Từ lâu ở làng Đăm đã có truyền thống bơi chải và vật, hai môn thượng võ đã đi vào ca dao: “Làng Đăm có hội bơi thuyền/ Có lò đánh vật lưu truyền từ lâu”, và trở thành ngọn lửa hun đúc khí thế dân làng luôn hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Hằng năm, dân làng Đăm tổ chức ba ngày lễ trọng đều vào ngày mồng chín âm lịch, nên phiên chợ Đăm vào ngày mồng chín của ba tháng Giêng, Hai và Ba phải nghỉ họp (phiên ngày mồng bốn họp bình thường). Đó là “Lễ giao điệt”, mồng chín tháng Giêng, tưởng nhớ Thánh trùm vật. Mồng chín tháng Hai là “Tế bi kỳ” (hội đánh cờ), tưởng nhớ bà Nguyễn Thị Tính – đệ bát cung phi của vua Lê Hy Tông, đã có công thuyết phục nhà vua dựng cho làng Đăm ngôi đình mới bề thế, khang trang. “Hội bơi” (đua thuyền) diễn ra vào ngày mồng chín tháng Ba, là dịp tưởng nhớ chiến công của Bạch Hạc tam giang đại vương Thượng đẳng thần, cũng là Thành hoàng của làng. Những ngày hội này luôn giục giã dân làng Đăm xa mấy cũng về với lòng nao nức, tự hào, thu hút người tứ chiếng đổ về góp vui, đua tài, tạo nên khí thế hừng hực giữa mùa xuân đất trời ấm áp, hoa lá mơn mởn đua chen. Xưa, làng Đăm trồng được giống ngô quý rất nổi tiếng, bởi bắp to nhưng lõi nhỏ, nhiều hạt, đều, vừa mềm vừa thơm, là đặc sản và mặt hàng chủ yếu bán ở chợ Đăm, đã từng được đem sang Pháp (1938) tham dự hội chợ. Đất trồng ngô ngày sau được thay thế, trước hết là cà chua và dưa lê (dưa Đăm nổi tiếng một thời), nay chuyển sang trồng các loài hoa cúc, hoa ly và các giống hoa nhập ngoại, hằng ngày cung cấp cho chợ đầu mối và các điểm chợ khắp nội thành, bổ sung nguồn hoa từ các làng của Hà Nội và của các địa phương lân cận, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu thụ Thủ đô ngày càng cao và một phần dành cho xuất khẩu. Nghề trồng hoa ở Tây Tựu thu hút sức người gần như quanh năm, diện tích canh tác lớn và ổn định. Với sản lượng hoa không ngừng tăng, chợ Đăm mới đã hình thành ở một địa điểm khác, rộng hơn một hécta, một tháng họp sáu phiên thay vì hai phiên trước kia.
Về thăm Tây Tựu hôm nay thấy cảnh vật thay đổi nhiều. Song, làng Đăm, như bao làng quê khác, lợi thế “cận sông” vẫn phát huy tác dụng. Hình ảnh những dòng sông gắn với xóm làng, luôn mang lại sự trù phú. Nó thường gợi cho tôi liên tưởng đến đời người. Đời sông cũng giống đời người. Cũng thời trẻ trung. Cũng những khúc ngoặt. Cũng lúc lở lúc bồi. Cũng tải nặng gian truân. Mà cũng cho nhiều hơn nhận, để vươn mình ra biển cả, trở về với vòng tuần hoàn lớn của bà mẹ thiên nhiên vĩ đại. “Tuổi nào sông tải lá nhiều/ Tuổi nào sông mải phiêu diêu lắng buồn/ Tuổi nào sông chẳng hoàng hôn/ Tuổi nào sông thấm đẫm hồn làng quê”*.
Ở Tây Tựu, tôi quen gia đình Tuấn. Tuấn là chàng trai thuộc thế hệ U-90, đã theo nghề trồng hoa trên mười năm. Vợ chồng Tuấn có hai con, một trai một gái. Diện tích đất trồng hoa không nhiều lắm, nên vợ chồng Tuấn phải thu mua thêm để “bõ công” hằng ngày Tuấn chở hoa ra chợ đầu mối bán buôn. “Đi chợ hoa”, Tuấn xuất phát từ chiều muộn hôm trước đến sáng hôm sau mới trở về. Vất vả vậy, nhưng Tuấn là chàng trai cởi mở và đặc biệt có tài nấu ăn. Khi vào bếp, cậu như một nghệ sĩ. Hôm đó gia đình Tuấn thết tôi một bữa cơm làng quê, đặc biệt có món cá quả nướng bằng rơm do chính Tuấn thực thi, điều mà đã lâu tôi mới được thưởng thức. Để làm món này, bà mẹ Tuấn phải mua những chét rơm nếp với giá hai mươi nghìn một chét (nằm gọn trong lòng hai bàn tay chụm lại). Những sợi rơm nếp sóng mượt ấy đã một thuở là nguyên liệu để bện, tết những chiếc mũ tránh mảnh bom, theo chân lũ trẻ đến trường hay chăn trâu, cắt cỏ. Rơm tẻ để bện nùn rơm che chắn cửa hầm, tăng xê thời chiến tranh phá hoại. Và, người nông dân bện những nùn rơm dài cả cánh tay để giữ lửa, hay quấn quanh miệng nồi bánh chưng ngày giáp Tết. Khi que diêm phát lửa, những sợi rơm bắt nhẹm để làn khói bay lên và tỏa mùi thơm quyến rũ, vừa ngai ngái vừa nồng đậm, cái mùi không thể có ở những loại bếp than quả bàng, than tổ ong, càng mất tăm ở bếp điện, bếp ga; lửa từ củi có mùi khác, tùy loại gỗ. Mỗi con cá quả được xiên bằng một que tre dài để cầm hơ trên ngọn lửa. Đến độ nào đó, mùi của cá dậy thì, ban đầu khen khét rồi chuyển sang thơm và thơm lừng, khiến người ở cách xa cũng phải tứa nước miệng huống hồ người ngồi gần hai ba mét như tôi. Từ cách ngồi nướng cá cho đến ngọn lửa, mùi khói và hương thơm của rơm và cá quyện vào nhau làm tôi nhớ lại thời kỳ sơ tán hồi những năm cuối thập niên sáu mươi thế kỷ trước. Cuộc sống sơ tán về làng quê là dịp những đứa trẻ thành phố nhập vào ký ức nhiều điều mới lạ mà trước đấy chúng chưa hề biết. Nào là mót lúa, mót khoai trên những thửa ruộng vừa thu hoạch. Nào là những trận hôi cá dầm mình dưới lớp bùn sền sệt khi ao, đầm tát cạn. Nào là cắt rạ, bó rơm, gánh nước, cuốc vườn, be bờ bắt cá, kéo vó te, ngụp lặn dưới đáy đầm móc ngó sen… Vui nhất vẫn là nướng cá, nướng tôm, thậm chí nướng cả niềng niễng, châu chấu bằng rạ rơm ngay trên bờ thửa. Những “bữa ăn” đầu bờ như thế vui lắm, khó quên lắm. Không hiểu từ lúc nào hương lửa rạ rơm đã “nhiễm” vào tuổi thơ tôi, để mỗi khi “gặp lại” nó tôi nhận ngay ra vị đồng quê, không lẫn vào đâu được. Thưởng thức hương vị của rạ rơm trong từng miếng cá nướng cảm thấy ấm áp lạ thường. Ngày nay, công nghệ hiện đại đã thâm nhập quá sâu vào công việc bếp núc, rất thuận tiện và sạch sẽ, nhưng lại làm mất đi cái hồn cốt quê mùa. Các thế hệ sau này sẽ rất hiếm khi được thưởng thức, nhất là với những người sống ở đô thị. Chuyện lan man như thế này chẳng phải để cổ súy cho sự hoài niệm, mà là nỗi nhớ hồn quê của lớp người đã từng gắn bó ít nhiều với những vùng nông thôn trù phú, nơi sinh ra và nuôi dưỡng biết bao thế hệ, trong hòa bình và trong cả chiến tranh giữ vững chủ quyền đất nước, nơi khởi nguồn cái “đặc điểm to nhất” để tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Đại hội Đảng III năm 1960.
Nhân nói về lửa, tôi nhớ, một người bạn dẫn lại nhận xét của ai đó, đại ý: lửa là một trong những phát minh vĩ đại của loài người (chắc là từ thời tiền sử). Thoảng nghe rất bùi tai. Nhưng, không hẳn như vậy. Có chăng, cái vĩ đại ấy là ở chỗ con người biết dùng lửa và đặc biệt là biết cách giữ lửa, với cả nghĩa đen và nghĩa mở rộng trong mọi trường hợp, để tiến hành cuộc hành trình thiết lập và phát triển nền văn minh, xác lập và củng cố sức bền các nền văn hóa của mỗi cộng đồng người ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng những lợi ích do lửa đem lại, ví như trong sinh hoạt thường nhật cho đến những hoạt động nghệ thuật, thì con người lại sử dụng lửa một cách tắc trách, dù vô tình hay cố ý, gây ra những tai họa khôn lường cho chính mình và cho môi trường sống của mình. Hậu quả mà các trận hỏa hoạn đem lại là rất nghiêm trọng, chẳng thua kém với hậu quả do lũ lụt gây ra, mà trên thực tế tai họa này thường kích thích tai họa kia đi liền theo sau.
Tôi cũng không quên ý kiến của một vài người bạn khác, mà tôi đoan chắc chỉ là do “quán tính” góp câu chuyện làm quà, rằng: để mau chóng trở thành “rồng” như các quốc gia xung quanh thì đừng nhấn nhiều, nhấn mạnh “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, nhằm ngăn chặn sự ỷ lại vào sự giàu-đẹp ấy. Đó là một suy nghĩ hoàn toàn cực đoan. Đất nước Việt Nam thực sự giàu và đẹp, có nhiều tiềm năng và nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi do tạo hóa ban tặng, hơn hẳn một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong nông nghiệp và các ngành, các lĩnh vực liên quan đến quá trình phát triển các loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Nguồn tiềm năng lớn và việc khai thác, sử dụng nguồn tiềm năng đó như thế nào là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, do đó để xây dựng ý thức và trách nhiệm công dân đối với hai vấn đề đó rất không giống nhau. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới do Đảng và Nhà nước phát động, thực sự là sức mạnh lay chuyển, làm thay đổi tư duy và hành động trong tiến trình phát triển nền nông nghiệp tiên tiến và bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện đời sống của người nông dân trên phạm vi toàn quốc. Cuộc cách mạng trong nông nghiệp và nông thôn có thể diễn ra lâu dài, có thể còn gặp không ít trở ngại, nhưng là động lực lớn cho sự đổi mới và bảo tồn độ ấm cho mỗi thôn làng, cho hồn quê mà nền văn minh Đại Việt được dày công vun đắp từ thuở ông cha khai sinh lập địa.
Đường phố Hà Nội chiều ba mươi dường rộng hẳn. Đã đến lúc “Cành đào trên vai thênh thênh phố vắng” để nhận ra “Chợt nồng nàn mưa bụi thắt lưng sông”*. Tiếng chuông đồng hồ bắt đầu dóng dả điểm phút giao thừa. Và, thật sự “Xuân đã đến. Và, Xuân đã đến/ Từ nơi nao hạ cánh nhẹ nhàng/ Chỉ thủ thỉ mà nôn nao cành lá/ Bật chồi tươi mơn mởn đất trời”*. Thời điểm này hồn quê bừng sáng hơn lúc nào hết, bởi hòa quyện với hương khói tâm nhang là hương lửa rạ rơm làm ấm lên sự đoàn tụ trong mỗi gia đình, ấm lên ở mỗi miền quê trên toàn lãnh thổ Tổ quốc thân yêu. Trong hơi ấm làng, người người hy vọng, tin tưởng hướng tới tương lai đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, người dân hạnh phúc ấm no, dựng xây cuộc sống hòa bình và hữu nghị…
[Nguồn: Diến đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 1-2020]