Chuyện văn chương

28/2
1:22 PM 2017

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: SỐNG THẬT VÀ SỐNG ẢO

Nguyễn Hiệp -Con sâu muốn qua sông /Nở thành cánh bướm… “G9!” Bên đầu máy kia nhắn vậy. Tôi bóp trán: “G9?” Không thể hiểu nổi nội dung thông báo điều gì, tôi đành hỏi lại: “G9 là gì em?”. Trả lời: “Good night!” Tôi bật ngửa một mình trong đêm, “Tiếng Anh kiểu gì vậy?”… Không thể nói hết về ngôn ngữ trò chuyện trên mạng xã hội.

                                                     Nhà văn Nguyễn Hiệp

Nơi đó, người ta tha hồ phá phách tiếng mẹ đẻ, tiếng các nước, chế biến đủ thứ và cả “chế biến” bản thân mình. Họ giới thiệu với nhau tất tần tật các hành vi, các món ăn, thức uống trong ngày và tất nhiên cả những suy ngẫm, suy tư, suy nghĩ mà họ cho là minh triết, là cao cả, là phong lưu, là sáng suốt. Lợi ích của mạng xã hội thì đã rõ, nó là một phần của thế giới phẳng, nó làm cho con người gần nhau hơn, giảm bớt sự cô đơn, thậm chí thuận lợi hơn trong những công việc cần có sự trao đổi, hội ý từ xa… Trên mạng xã hội hiện nay có nhiều cách thể hiện: Có người rút ruột trải bày tâm sự, chia sẻ, có người đùa vui hài hước, có người châm biếm sâu cay và cả những người vớ vẩn bâng quơ hời hợt. Người sâu sắc thật, giỏi thật cũng có nhiều nhưng cũng có trường hợp cả người đăng hình ảnh, bình luận và cả bạn bè chia sẻ của họ đều rơi vào trường hoang tưởng; nó mê hoặc, lôi cuốn đến mức người ta cứ chắc mẩm thế giới ảo ấy chính là đời sống thực của mình. Cho nên đến đâu ta cũng thấy những khuôn mặt cúi gằm vào màn hình, những ánh mắt dán chặt vào màn hình là vì vậy. Có người nói vui: Cái kén tưởng mình là con bướm khi nhìn vào màn hình ấy. Tất nhiên không phải tất cả là như vậy.

 

Gần đây, khi đọc qua 90 bài thơ của một bạn Bình Thuận viết trong nhiều năm đăng trên trang facebook, tôi nhận ra tất cả đều cùng một đề tài hoài nhớ, từ năm đầu tới năm thứ 10, nỗi hoài nhớ ấy vẫn không thay đổi gì.

Cách sống trong làn sương mờ đục của bạn và thơ bạn cũng bị nuốt chửng trong quá khứ khổ đau như thế. Bạn ấy đã sống trong ngôi nhà chỉ có một cửa sau, cánh cửa mở về phía những gì đã để lại sau lưng. Bạn ấy đã sống bằng những ham muốn không cưỡng nổi là quay về thời gian đã mất cùng với những kỷ niệm đã qua. Bạn ấy đã thật sự cầm tù mình bằng quá khứ. Trong cái sa mạc thiếu vắng hiện tại ấy, bạn ấy đã bị thôi miên thực sự, đã bị đánh mất đời sống của mình.

Một cô bạn khác, cũng đồng hương Bình Thuận với tôi, thì ngược lại, mục tiêu của cô ấy đặt ra cho mình là trở thành công dân toàn cầu, cô khát cháy trong người sự vươn lên thoát khỏi não trạng u ám bám chặt vào quá khứ. Cô thường say sưa viết trên stt của mình lý thuyết về sự hỗn loạn: Sự khác biệt rất nhỏ tại điểm khởi đầu có thể dẫn tới những kết quả khác biệt vô cùng to lớn. Cái câu mà cô bạn ấy thường nói, tôi nghe đến mức đã thuộc từng từ là: Sự vỗ cánh của một con bướm nhỏ có thể làm lệch hướng một cơn bão lớn. Điều này thì tôi đồng ý với bạn mình, trần gian này luôn được thay đổi bởi những nỗ lực nhỏ bé của hàng tỉ con người đó thôi. Tuy nhiên, cũng nên hiểu bất cứ khoảnh khắc nào đi qua đời ta đều có giá trị của nó, thẳng thừng giũ sạch dĩ vãng cũng là thái độ sống cực đoan.

Qua mạng xã hội, tôi thấy bạn ấy đăng lên tấm hình mình đang cười hơn hớn, tay ôm vô lăng một chiếc xe sang trọng với lời chua: “Format[1] quá khứ!”. Con người ta có thể xóa sạch quá khứ hay định dạng lại tất cả được sao? Tôi tự hỏi và chờ đợi. Bẵng đi một năm, tôi lại vào trang Facebook của bạn ấy và hiểu ra câu hỏi của tôi cũng chính là câu trả lời. Chỉ lời buông duy nhất trên cái nền hình u ám: “Trắng tay!”. Có thể bạn tôi không sai khi sống tích cực nhưng bạn ấy chắc chắn đã nhầm lẫn những thứ có được bên ngoài mình và những điều có được bên trong mình.

*

Tôi có cậu con trai đã tập trung học tập suốt một thời gian dài, cả sau khi đã tốt nghiệp đại học, nhiều lúc nhìn cơ thể con gầy tọp đi mà xót xa. Tôi đã thường xuyên dạy các con mình về đức hy sinh và sự đột phá cần thiết nhưng có lúc chính tôi vì thương con quá nên định bụng khuyên nên giảm bớt việc học lại, với lý lẽ con người khi sinh ra trên đời này đều lấy hạnh phúc làm mục tiêu tối thượng, học hành cao hoặc cao hơn nữa cũng cùng mục đích là hạnh phúc hơn mà thôi. May mà tôi lưỡng lự bởi chỉ một thời gian không lâu sau, những nỗ lực ấy đã được bù đắp khi con tôi đã có được Master kép về Văn học tổng quát và đối chiếu đại học Paris-Sorbonne và Ngôn ngữ học ứng dụng đại học Rouen… Trước khi cái kén nở thành con bướm nó phải chấp nhận trầy xước, đau đớn, âu đó cũng là cái đạo làm người vậy.

Nhắc lại hết những câu chuyện dài dòng như thế để thấy rằng tạo được thói quen mới là điều vô cùng cần thiết cho sự vươn lên của mỗi cá nhân, nhất là trong bước chuyển tiếp hiện nay. Những con người nhỏ bé, đơn lẻ chúng ta cần phải đồng hành cùng sự thay đổi về chất của đất nước. Nhưng nếu không giữ gìn đúng mực những giá trị quá khứ và đời sống hiện tại thì tương lai sẽ chỉ là cái bóng hão huyền.

Trào lưu muôn đời nay cũng chỉ là trào lưu mà thôi! Người vợ trốn vào quá khứ xa xôi, mơ hồ nào đó, dựng dậy, tô vẽ lại những gì đã đánh mất thật và cả những tưởng tượng đánh mất, (trong sâu thẳm con người xu hướng khẳng định đời sống mình ý nghĩa hơn là có thật), để quên những bực bội do ham muốn đủ thứ mà không mãn nguyện. Chồng trốn vào thế giới ảo để né tránh, để xoa dịu những cuộc tấn công của stress cấp tính, stress cảm xúc, stress sinh lý… Con cái trưởng thành, đi làm rồi thì khổ với thành tích, chức vụ, quyền lợi và những đòi hỏi của gia đình nên rời khỏi cơ quan, công ty, là chìm vào thế giới game, chìm vào những cuộc “nấu cháo điện thoại” không dừng được. Con cái còn tuổi ăn tuổi lớn thì bấm lia bấm lịa, mắt dán chặt vào ipad, iphone, vào những tấm hình tự sướng đến mức vừa đi vừa “hành sự” cụng đầu vào tường cũng không hay… Một khi ai đó đánh mất cuộc sống hiện tại thật sự của chính mình thì sao có thể mơ tới điều gì ở tương lai?!

Hành trình làm người cũng giống như hành trình của con bướm qua sông vậy! Không có con sâu xanh khỏe mạnh, không có cái kén khổ đau, cam chịu thì có cánh bướm xanh nơi bờ bên kia được sao?! Còn nếu ngay thời còn cái kén đã khuyết tật, đã bệnh tật thì khoan hãy nói đến ngày tạo ra cơn bão lớn.

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *