Chuyện văn chương

17/3
4:49 PM 2017

THẮP SÁNG NHỮNG CHÂN TRỜI

Trần Anh Thơ-Nhà tâm lý học John Adair là tác giả của ấn phẩm Sự khích lệ tích cực (Effective Motivation, Nxb Pan Books). Xuất bản từ 1996, và tới năm 2009, với hơn 600.000 ấn bản đã bán hết, sách đã để lại những dấu ấn sâu đậm, là ánh lửa soi đường thắp lên những chân trời mới.

                                                         Nhà tâm lý học John Adair

Cảm nhận về sự lao tâm, khổ tứ của một học giả nước ngoài, với ấp ủ mang tới cho bạn đọc trẻ Việt Nam, đặc biệt là các thầy, cô giáo một cái nhìn đa chiều dưới tác động của nhiều điều kiện sống khác nhau, chúng tôi muốn chuyển tới quý bạn đọc đôi điều bổ ích về cách giáo hóa con người. Với chúng ta, hy vọng cuốn sách này có thể trỏ thành cẩm nang học đường thực sự bổ ích.

 

Cảm nhận về một lý thuyết Khích lệ

 

Trong đời sống thường nhật, con người thường chịu tác động của một khuôn mẫu, hàm chứa những xung động qua lại của nhiệm vụ- cộng đồng- cá nhân. Khuôn mẫu này có một liên kết lôgic, đan xen, ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau, dưới tác động của môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường kinh doanh và nghiên cứu. Những yếu tố nêu trên phản ánh một thực tại  khách quan biện chứng và phổ quát, như là nguyên nhân và kết quả, và như, nói theo luận lý của Phật giáo là Nhân-Quả và Nghiệp-Chướng, với lý do là nó ẩn giấu những nhu cầu của con người, động lực thực hiện và giá trị của con người, mà giá trị là cái cốt lõi chi phối toàn bộ hoạt động tâm sinh lý và tâm-đạo-trí của con người.

Hoàn cảnh xuất xứ, điều kiện kinh tế và điều kiện sống thực tại của mỗi con người khắc họa nên những dấu ấn khó phai mờ, thẳm sâu sự ân oán, tâm an và hận thù. Từ những quan niệm sinh tồn cùng với thái độ chủ động và tích cực, tác giả John Adair trong Sự khích lệ tích cực đã nêu lên quan điểm của mình về mối dính kết giữa Người với Người. Sách của ông như ánh lửa chỉ đường cho các nhà tâm lý học, giáo dục học, sư phạm học, các CEO của các tập đoàn kinh tế lớn nhỏ. Ông đã suy ngẫm thật kỹ về các lối hành xử, để qua đó khơi dậy những tiềm năng ẩn giấu trong mỗi con người, trên hết là nghệ thuật dạy Lễ trước khi dạy Văn. Nói một cách ngoa dụ, đó là: Hãy biết tự giáo dục mình trước khi giáo dục người khác- Thật là một phương cách giản đơn mà chí lý!

Tính phổ quát của một “khuôn mẫu khích lệ”

Cội nguồn của tác động nhiều chiều mang tính phổ quát về nhiệm vụ xã hôi, nhu cầu quyền lợi Nhóm hay Cộng đồng, nhu cầu của cá nhân nhằm đạt tới mục tiêu tích cực, hay tham vọng lơi ích cá nhân hay nhóm, dẫn tới bất chấp những quy chuẩn về đạo lý làm người. Thấu hiểu tính đa dạng, tác động và chi phối qua lại  giữa những yếu tố trong khuôn mẫu khích lệ, John Adair có những Lời Khuyên cho các nhà quản lý, các thầy cô giáo trong công việc dạy người, trồng người, và đào tạo nguồn nhân lực cho hôm nay va mai sau, rằng:

- Biết cảm xúc, có cảm xúc về thành tích, tức công sức của nhóm nghề hay  của cộng đồng xã hội đã tác tạo nên. Đó là giá trị trong chiến thắng của mối liên kết đa chiều làm nên kỳ tích. Kỳ tích không của riêng ai.

- Biết nâng đỡ và hợp tác cùng nhau để tạo dựng những thắng lợi bằng những trải nghiệm, giao tiếp với chính mình, giáo tiếp trong nhóm hay cộng đồng nhỏ của mình, và “giấy rách, phải  giữ lấy lề”, trên cái tinh thần giáo lý đạo đức theo lẽ thông thường- đạo và đời. Adair cho rằng đây là tích tập của cái trí kiến văn và cái trí đức tính làm nên một nhân cách.

- Nhu cầu của cá nhân và nhu cầu của tập thể hay cộng đồng xã hội đều có chung một mục tiêu và một quyền lợi, chúng hợp sức để sản sinh ra hoa thơm quả ngọt. Trong cái riêng có cái chung và ngược lại, dưới tác động đa chiều như đã nêu, dẫn tới những hệ quả biện chứng, như:

- Thật đúng với câu nói dân gian Việt Nam: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Ý thức như thế nên mỗi cá nhân là một miền đất “anh hùng” để làm nên sức mạnh, tránh sự tan rã bởi một khâu nào đó trong khuôn mẫu khích lệ bị suy yếu hay đứt gẫy. Việc để tâm vào chỗ thực hành ấy cho hợp nghĩa, tức là tập nghĩa vậy. Bởi cái tập nghĩa mới có cùng lý để hành đạo- dạy người.

- “Một cây làm chẳng nên non/ Nhiều cây chụm lai nên hòn núi cao”. Đây là lời nhắn nhủ để quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhóm phải biết hòa đồng trong một dòng chảy thống nhất của nền học vấn nhân văn và nhân bản- vì con người và bởi con người. Luận lý này gần gũi với triết lý sống và giá trị sống của người Việt. Quân tử lấy sự biết làm gốc, sự làm làm thứ, ví như đi đường nên có ánh sáng soi rõ đã. Cái tính của người ta vốn lành, theo lý mà làm là thuận, theo lý mà hành động. Thật đúng, phải duyên thì dính như keo.

- “Chết trong còn hơn sống đục”. Hơn đâu hết, hồn dân tộc Việt lại được thắp sáng trong tâm tưởng của Adair. Dịu dàng mà kiên quyết. Từ tốn mà cao thượng. Được như thế, thật đúng tính cách của hiền nhân quân tử, của sĩ phu Bắc Hà. Lời răn từ tấm lòng của một người từng trải nghiệm trên mỗi chặng đường đời. Chỉ bảo đó dung dị mà đằm thắm, như muốn nâng tầm của các cá nhân, của nhóm- cộng đồng và trách nhiệm lên tầm thanh cao, có sức lan tỏa và lay động đến nơi sâu thẳm cõi lòng của từng con người.

Sáng lên Những Chân Trời  

Ca dao Việt có câu: “Thương con, ngon rau”, và “Yêu hoa nên phải vịn cành”. Cũng được hàm chứa trong lý thuyết về khuôn mẫu khích lệ của Adair khi muốn thắp lửa từ trái tim và làm sáng lên một tâm hồn, khi mà “Chim kêu ai nỡ bắn”, về mặt đạo lý và nhân bản, về xúc cảm cũng như về hiệu ứng nghiệp-chướng. Cũng như vậy, sự từ tâm của một con người hay một ông thầy, một nhà quản lý về nhân sinh “Thịt da ai cũng là người” và lòng bao dung “Nhờ phèn nước mới trong” mà ánh lửa của sự khích lệ và phấn khích đã làm thay đổi số phận một con người, khiến con người biết Làm Người. Đó chẳng phải lời ru “đường mòn, ân nghĩa không mòn” sao?

Trong các bài luận về sự khích lệ, ông cùng một tư tưởng của Khổng Tử, mục đích khích lệ là đem người ta đến bậc nhân. Vì cái đích ấy mà ông chú trọng ở sự học Thi, học Lễ và học Nhạc. Không học Thi không lấy gì mà nói…; không học Lễ không biết gì mà đứng, mà hành xử với người và với đời. Nghĩa là không học Thi, thì sự lý không đạt, tâm khí không hòa bình, nói nghe sao được; không  học lễ, thì cái phẩm tiết không rõ, đức tính không kiên, đứng vững sao được- Stand on one’s ground!

Qua từng trang viết, đâu cũng thấy thấp thoáng sự từ tâm của ông với con người, bằng một luân lý là cứ tuần tự khéo dạy dỗ người; lấy văn học mà làm rộng kiến thức, lấy nghĩa mà ước thúc hành vi của con ngườì và của chính mình thông qua hai phần: Công truyền và tâm truyền. Công truyền nói về luân thường đạo lý để dạy người; phần tâm truyền nói về những sự cao xa khó hiểu để riêng cho những người có tư chất đặc biệt. Tất cả công việc đó phải đặt trên nền tảng văn hóa. Giáo dục nảy nở phương trưởng trên nền tảng của văn hóa, và sự khích lệ con người là tinh túy của văn hóa, vì biết khơi dậy cái “vĩ đại” ẩn tiềm ở những góc khuất của tài năng chưa phát lộ. Phương pháp của Adair là trước hết dạy những điều người ta có thể hiểu được, rồi dần dần đến những điều cao xa, nhưng thiết thực từ muôn mặt đời thường. Đó là:

1. Có lòng tự trọng khiến người vị nể để làm điều lớn trong một khuôn mẫu  tư cách cá nhân, suy xét cho kỹ các lẽ ở dân gian mà tác động lan tỏa, hợp về tính và đạo Trời. Quả đúng lời cổ nhân: “Sống đục sao bằng thác trong”.

2. Lấy đức tin mà hành đạo. Chuyên tâm ý trí mà thờ một Chúa, đừng phản bội, có vậy mới kiến tạo được niềm tin tưởng; biết chở che, bao bọc những thân phận cơ nhỡ bằng những ảnh hưởng tích cực từ tư cách. Thật đúng, “Manners make the Man!” Hành vi làm nên Con người!

3. Chia sẻ và chăm sóc là động lực tích cực, có sức lan tỏa và tác động sâu xa nhất để khám phá những tiềm ẩn con người, dẫn dắt họ đi tới miền tươi sáng tương lai cùng với những mục tiêu trong đời. ý nghĩa của nó không thể diễn tả được. Quả đúng lời tiền nhân: “Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi”.

4. Hãy đứng bằng chính đôi chân của mình, cho dù cuộc sống nhiều dâu bể. Biết sống vững vàng, kiên định là biểu hiện tư chất một chính nhân quân tử. Đấy cũng là một đạo nhân. Adair luôn dung dưỡng cái thần khí tư chất con người là thật hậu, thật trung dung, để gây thành cái tập quán đạo đức cho đến bậc nhân.

5. Biết lấy sự bình đẳng mà giáo hóa và lay động tâm hồn con người. Lễ phân ra trật tự khác nhau, để cho vạn vật có thứ vị phân mình; nhạc hợp đồng lại làm một, để người ta biết vạn vật tuy khác nhau, nhưng cùng đồng một thể. Thế là sự bình đẳng ắt nhân duyên giữa người với người. Vì thế tạo nên niềm tin và đức tin từ nơi con người, không phân thấp hèn, trên dưới, vì một chân lý- thịt da ai cũng là người. Như vậy là đắc nhân tâm lắm lắm!

6. Sống có niềm tin để vượt qua muôn vạn điều sầu não, dù là phận hèn của số phận. Biết sồng như cây tùng giữa phong ba bão táp, dám với tay đo trời cao thấp; trời  cao ta cũng bay cao, và luôn mỉm cười trước số phận mà Chúa sinh ra. Như thể cái đạo làm người cho chính vậy!

7. Biết lắng nghe để luận điều thấu đáo mà hành xử phải đạo giữa cộng đồng xã hội. Theo nghĩa rộng, điều đó đó hàm dưỡng tính tình; gây ra cái trạng thái có nhiều tình cảm rất hậu; biết lấy sự thành thực cung kính mà biết nghe điều hay lẽ phải đang như phả vào nơi sâu thẳm tâm hồn con người. Biết nghe là biết chuẩn bị con đường đi tới tương lai của mình, theo nghĩa suy rộng. Cũng vì thế mà hãy ghi nhớ câu tục ngữ: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, để có cơ thoát hiểm.

8. Duy trì tĩnh tâm, cho dù bên bờ vực thẳm, cho dù bị lăng mạ giữa thanh thiên bạch nhật. Hãy ý thức về số phận. Trời phó cho gọi là mệnh, bẩm lấy ở ta gọi là tính, thấy ở các sự vật gọi là lý. Lý, tính, mệnh, ba điều ấy không khác nhau. Thiên mệnh cũng như thiên đạo. Biết tính và khí để mà né tránh, nhẫn nhịn để trời cao biển rộng, thâm tâm đều giải thoát những u sầu. Lại nói đến cái tính và cái tài. Lấy cái dụng mà nói thì cũng gọi là mệnh. Chữ tài với chữ tai một vần. Khổng Tử nói “Không thiện là ở cái tài!”, “Tài là bẩm của cái khí”. Gặp loại người ấy nên tránh. Tránh voi chẳng xấu mặt! Trong những bài thuyết giảng, Adair cũng đã từng nói: Người ta phải giữ cái chí cho bền để khiến cái khí không loạn, thì tâm mới định. Như thế một lời khích lệ cũng thắp sáng một chân trời.

Lời bình cho một bài viết

“Phàm cái đạo của sự học là chính cái tâm, nuôi cái tính mà thôi”, như Mạnh Tử nói. Nghĩa là ông cho cái học phải chú trọng về dưỡng đạo đức để có lớp người kinh bang tế thế, trông nom việc nước, dưỡng dục nhân quần, hướng nhân quần bay tới chân trời sáng lạn, tầm nhìn xa, trong trẻo chở hồn của những tiểu sự và đại sự, và làm sáng lên những góc khuất của con người.   Những lời khích lệ của người “cầm cân, nẩy mực” có sức công phá và tác động rất lớn đến hành vi và ước vọng con người. Luận ngữ lại có câu: “Đọc sách và dạy người phải cùng lý trí để dụng. Nếu để cái tâm trệ ở chương cú là vô dụng!” và “Học giả phải vụ thực, không cần cái cận danh. Vị danh mà học là dở vậy”.

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *