Chuyện văn chương

2/4
9:39 PM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN, VIỆT NAM: NGƯỜI NĂM ẤY

Trần Thị Tuệ Anh-60 năm là cả một quãng thời gian dài, nó gần bằng một đời người. Vì vậy mà trong dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn,chúng ta chỉ có thể đếm lác đác trên đầu ngón tay những người còn sống đã từng tham dự Đại hội lần thứ nhất để thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1957.

 

Còn nhớ 5 năm trước khi chuẩn bị cho số báo kỉ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà văn, tôi có may mắn được tiếp xúc với một trưởng lão trong làng văn, Tổng thư ký đầu tiên của Hội, đó là nhà văn Tô Hoài. Giờ đây ông lão Dế Mèn đáng kính đã thành người thiên cổ. Và để chuẩn bị cho số báo mà quý vị đang đọc, tôi lại có may mắn được tiếp xúc với những bậc tiền bối ít ỏi còn sống trong làng văn, mà năm xưa họ đã cùng nhau dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất, đó là vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và bà Thanh Hương. Trong làng văn, cả hai vợ chồng đều là hội viên Hội Nhà văn thì có nhiều nhưng cả hai cùng tham dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn thì chắc hẳn hiếm hoi. Đặc biệt hơn nữa, trong Đại hội lần thứ nhất đó còn có anh trai nhà văn Vũ Tú Nam là nhà thơ Vũ Cao, rất nổi tiếng với bài thơ Núi Đôi, và anh trai nhà văn Thanh Hương là nhà văn Huy Phương.

 

Theo như lịch hẹn, tôi tìm đến nhà ông bà vào một buổi chiều cuối xuân, trời mưa ẩm ướt. Ngôi nhà ông bà nằm trên phố Vạn Phúc, một con phố đẹp, nhỏ, nhưng xem ra nhộn nhịp với nhiều hàng quán. Tầng một ngôi nhà là quán cà phê nhỏ nằm gọn dưới bóng mát của hai cây khế sai trĩu quả. Lúc đó tôi mới biết rằng mình đã từng đến đây uống cà phê và khá ấn tượng với không gian quán. Quán cà phê đó do con cháu ông bà mở từ nhiều năm nay. Những bậc cầu thang được rợp kín bởi tán cây khế xanh mướt đưa tôi lên tầng hai của ngôi nhà. Trong lúc ngồi chờ tại gian khách, tôi tranh thủ quan sát căn phòng nhỏ giản dị với tranh và sách cùng những đĩa nhạc. Nổi bật là bốn bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, được treo trang trọng ở bốn mảng tường của căn phòng. Tôi thầm nghĩ, thế hệ các văn nghệ sĩ tài danh, những người đã có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà một thời đã ra đi gần hết nhưng các tác phẩm của họ, nhân cách của họ, những đóng góp của họ sẽ còn mãi, sẽ được những lớp cháu con gìn giữ, trân trọng, biết ơn. Và, tôi đang được ở trong ngôi nhà của những con người như vậy. Để có được một Hội Nhà văn Việt Nam hơn ngàn hội viên như ngày nay, trước tiên phải kể đến những con người đã đặt nền móng cho nó từ những ngày đầu thành lập như nhà văn Vũ Tú Nam và vợ ông. Những con người của cái thuở ban đầu đó nay còn lại mấy người?

Hai ông bà Vũ Tú Nam - Thanh Hương nay đã ở tuổi 88, đều đã yếu. Ông đi lại phải có gậy và người dắt, còn bà thì cứ chậm rãi từng bước. Cả hai ông bà không còn nhớ được nhiều chuyện của 60 năm về trước. Do sức khỏe còn tốt hơn, nên suốt cuộc trò chuyện của tôi với hai ông bà đều do nhà văn Thanh Hương nhớ và kể lại.

Thưa hai bác, năm 1957, khi về dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất thì hai bác đang làm gì, ở đâu?

Ông Nam ho mấy tiếng, quay sang nhìn bà, bà Thanh Hương suy nghĩ chốc lát rồi chậm rãi:

Khi đó anh Nam đang làm Phó Phòng Văn nghệ Quân đội, còn tôi làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam. Đại hội được tổ chức trong ba ngày tại Câu lạc bộ Đoàn kết.

- Bác còn nhớ có bao nhiêu đại biểu về tham dự không?

- Khoảng 100 người (con số thực 165), từ khu 4 trở ra.

- Các bác còn nhớ được những kỉ niệm gì trong đại hội đó không?

Lâu quá rồi không thể nhớ được, nhưng có một chi tiết này là tôi vẫn nhớ. Sau khi Đại hội kết thúc, ông Nguyễn Tuân có dẫn mấy chị em nhà văn nữ chúng tôi đi ăn bún chả. Ông Nguyễn Tuân còn bảo quán bún chả này có từ rất lâu đời và ông là khách quen lâu năm ở đó.

Sau đại hội ông Nguyễn Tuân có giữ trọng trách gì trong Hội Nhà văn không thưa bác?

Ông Nguyễn Tuân có được bầu vào Ban Chấp hành, anh Vũ Tú Nam cũng được bầu. Tôi nhớ không nhầm thì Ban Chấp hành khóa 1 có khoảng 30 người.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước số lượng thành viên Ban Chấp hành, bà Thanh Hương bảo:

Tôi nhớ kì đại hội 3 còn bầu ra Ban chấp hành hơn 40 người. Vậy mà không hiểu sao những kì đại hội sau này người ta cứ bầu Ban Chấp hành ít dần đi.

Lâu lâu nhà văn Vũ Tú Nam lại nhớ ra một chi tiết và cùng góp chuyện.

Tôi làm Ban Chấp hành từ khóa 1 đến khóa 4 thì được bầu làm Tổng Thư ký.

Thưa bác, mọi người vẫn gọi bác bằng sự yêu quý là: Người hiền. Vậy làm người hiền thì có sợ bị thiệt thòi không ạ?

Ông nhìn tôi bằng ánh mắt đầy quan sát. Có lẽ trong đầu ông đang nghĩ rằng, tại sao lớp trẻ bây giờ luôn suy tính thiệt hơn vậy. Rồi ông lại mỉm cười:

Thế nào là thiệt hơn đây. Quan trọng là cái đức của mỗi người. Trước sau gì thì cuộc đời sẽ trả cho anh đúng như những gì anh đã sống.

Rồi ông lại nhìn thẳng vào mắt tôi, nói như nhắc nhở một đứa cháu:

Như trong kỉ yếu của Hội Nhà văn tôi đã từng nói: Tôi thường chú ý và tin vào điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu.

Tôi giật mình cảm thấy như mình vừa nói một điều gì đó không phải. Và rồi, tôi thầm cảm ơn những con người, những tấm lòng như ông. Chính những tấm lòng như thế nhiều khi là cái neo để chúng ta giữ được lòng mình trước cuộc sống có quá nhiều cám dỗ và thách thức này. Thực ra, câu hỏi mà tôi vừa đặt ra cho ông cũng chính là câu hỏi mà tôi đã nhiều lần tự đặt ra cho mình. Trong cuộc sống với trăm nghìn dại khôn, với muôn vàn tính toán, nhiều khi ta không dám sống là chính mình, không dám trung thực với cuộc đời và trung thực với bản thân mình. Và có lẽ, đó là một trong những bất hạnh lớn nhất của con người và khó lòng để vượt qua nó.

Cuộc trò chuyện được hơn 30 phút, bà Thanh Hương gọi cô giúp việc ra dắt ông vào nhà để nghỉ. Bà bảo sức khỏe ông độ này yếu nhiều nên không thể ngồi tiếp chuyện lâu được. Bà bảo tôi ngồi chờ một lát rồi bà cũng chậm rãi đi sau ông cùng cô giúp việc vào trong nhà.

Tuy đã lâu rồi không sáng tác nhưng cách đây mấy năm thỉnh thoảng vẫn thấy nhà văn Vũ Tú Nam xuất hiện trên báo chí với những bài viết ngắn, quyết liệt, thẳng thắn, mang tính góp ý và phản biện cao. Ở cái tuổi gần đất xa trời, trải qua bao thăng trầm cuộc đời cũng như của đất nước, đã chứng kiến bao điều hay lẽ phải, qua nhiều can qua của sự tử tế, ông vẫn luôn giữ cho mình một lẽ sống: Đó là trung thực và nhân hậu. Vậy thì có lý gì mà một nhà văn lại không dám nói những điều trung thực nhất, đấu tranh vì sự tốt đẹp cho cuộc đời này. Chỉ có sự dám sống và dám viết mới đem lại thành công đích thực cho nhà văn và đem lại sự tôn trọng của xã hội dành cho họ. Sau nhiều năm làm quan chức trong giới văn nghệ với nhiều cương vị ở nhiều cơ quan khác nhau, ông luôn muốn xóa bỏ và vượt qua những định kiến, chấp nhận những tính cách và cả phong cách văn chương khác nhau miễn sao nó đem lại cho cuộc sống và văn chương những sắc thái mới để hướng tới cái thiện, hướng tới cái đẹp. Trong những năm tham gia Ban Chấp hành hội nhà văn ông lần lượt trải qua các công tác như: Thư kí tòa soạn báo Văn Học, Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới, rồi làm Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Nhà văn Vũ Tú Nam cũng từng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Một người hiền lành, trung thực như ông nhưng cũng từng trải qua “kiếp nạn” trong nghiệp viết. Ấy là nửa thế kỉ trước khi ông cho xuất bản tác phẩm viết cho thiếu nhi là “Văn Ngan tướng công”. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những chi tiết về câu chuyện đó. Quả thực, hồi đó những truyện thiếu nhi như: Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài hay Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công thực sự là những cuốn sách đã mê dụ lũ trẻ con chúng tôi. Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu đầy kì thú của một chú ngan với những tình tiết vui nhộn hài hước, vô cùng hồn nhiên. Qua câu chuyện đó tác giả đã chuyển đến các độc giả nhí những bài học làm người quý giá, nhẹ nhàng dễ tiếp cận với trẻ con. Ông đã lắng nghe mọi sự sống sinh sôi nảy nở, của hoa lá cỏ cây, của muôn loài đang tồn tại trên thế gian này và biến chúng thành nguyên liệu cho tác phẩm của mình. Ấy vậy mà hồi ấy ông cũng đã bị lên bờ xuống ruộng vì tập truyện thiếu nhi đó. Có người cho rằng tác giả có ý đồ, có sự ám chỉ điều này điều kia thông qua các loài vật. Đương nhiên rồi, tác phẩm văn học nào mà chẳng có “ý đồ”, mà chẳng có sự ẩn dụ. Dẫu là con trẻ hay người lớn khi đọc tác phẩm, thấy được mình trong đó cho dù tốt hay xấu, để rồi biết nhận chân giá trị của cái thiện cái mĩ, nghĩa là tác phẩm đã thành công. Chẳng phải đó là tính nhân văn của một tác phẩm văn học sao. Vậy mà nhiều người cứ gán ghép, suy diễn cho tác phẩm là có ý đồ nọ âm mưu kia, vậy chúng ta có còn coi đó là tác phẩm văn học nữa không? Âu cũng là tư duy của một thời đã qua, ít nhiều hạn chế sự phát triển đa dạng của văn học. Nói vậy không có nghĩa là thời bây giờ không còn những người cảm thụ văn học theo kiểu đó. Đức Phật từng nói, kẻ thù lớn nhất chính là mình. Nghĩa là cái tôi của anh quá lớn, sự tham sân si trong con người anh quá lớn, anh không dám nhìn ra mặt không tốt của mình, bởi luôn nghĩ rằng chỉ có anh mới là một giá trị, thì khó mà có thể tự sửa mình trên con đường hoàn thiện bản thân. Theo như nhà văn Vũ Tú Nam đã từng chia sẻ ở đâu đó mà tôi được đọc thì truyện đó ông muốn chỉ trích một loại cán bộ mà việc gì cũng làm nhưng thực chất chẳng biết làm gì cả. Họ chỉ có cái vỏ bọc màu mè đáng thương nhưng lại không biết điều đó, và luôn thích thể hiện mình.

Tôi cũng đã từng được nghe kể chuyện về gia đình nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương, một gia đình gồm có ba thế hệ theo con đường nghệ thuật. Con trai ông là một họa sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam. Cháu nội ông là cô người mẫu nổi tiếng Vũ Hà Anh, ngoài ra còn tham gia lĩnh vực điện ảnh, ca hát, dẫn chương trình, mới đây cũng bắt đầu cầm bút viết văn. Cô tuyên bố chính ông bà nội là những người đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, và có nhiều ảnh hưởng đến cô. Trong ngôi nhà của họ, tôi thấy hiện rõ hai không gian hoàn toàn khác biệt, hai thế giới đối lập. Dưới tầng một và sân vườn là không khí hàng quán ồn ào với đủ kiểu người. Nhưng, trên căn phòng tầng hai này lại là một không gian hoàn toàn khác. Bước qua bậc thềm kia, khép cánh cửa kính lại, ta sẽ được tận hưởng sự tĩnh tại với những nét thanh nhã giản dị của căn phòng. Tôi thầm nghĩ, với sự quan sát của nhà văn thì trong một ngôi nhà có hai không gian hoàn toàn khác biệt như thế có lẽ cũng sẽ tạo ra hai cảm xúc trái ngược trong từng thời điểm khác nhau, có cả sự phiền lòng và cả sự lí thú. Từ bàn uống nước tôi được nhìn thấy sự bình yên trên tán lá mướt mát bên ngoài khung kính cửa sổ, từng chùm khế lúc lỉu khiến ta liên tưởng đến một khu vườn tuổi thơ nào đó.

Tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ thì nhà văn Thanh Hương đi từ trong ra, trên tay cầm một cuốn sách và đưa cho tôi xem. Đó là một cuốn sách in hơn 250 bức thư của ông bà viết cho nhau thời trẻ. Lướt qua những bức thư tôi như được sống trong giai đoạn của một thời sao mà trong trẻo đến vậy của thế hệ cha ông mình đã đi qua. Bên cạnh đó những bức thư giúp cho bạn đọc có thể hiểu thêm về cuộc đời làm báo viết văn của họ cũng như sự hình thành một thế hệ cầm bút từ kháng chiến chống Pháp, và biết thêm về cuộc sống, đời tư của đôi vợ chồng nhà văn này.

Chia tay với hai vợ chồng nhà văn già mà thấy có chút bâng khuâng. Vậy là thế hệ nhà văn đầu tiên của Hội Nhà văn (tính từ khi thành lập Hội), những người đã khởi dựng và tạo nên một nền móng vững chắc, một diện mạo đặc trưng cho nền văn học nước nhà nay chỉ còn mấy người. Nhưng chắc chắn một điều tác phẩm của họ sẽ còn mãi.

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *