THƠ CẤU TRÚC LẠI TÔI
Chắc chắn sẽ có người lấy làm ngạc nhiên lắm nếu bảo thơ vẫn còn chỗ đứng nay mai, khi mà các loại hình video, âm nhạc, và mạng xã hội đang thống trị tất cả, làm nản lòng các nhà thơ, vốn là những người luôn đòi hỏi phải có sự sâu lắng và ưu tư nơi độc giả, thậm chí phải có năng lực phân tích đáng kể, kiến thức thơ truyền thống dày dặn.
Hồi thế kỷ XIX, những nhà thơ như Scott, Byron, và Longfellow có được lượng độc giả khổng lồ. Các tác phẩm của họ được liệt vào hàng những bestseller, và họ đồng thời trở thành những “người hùng văn hóa”. Nhưng ngày đó, độc giả thực sự không có nhiều để chọn lựa. Có thể hình dung, dĩ nhiên cũng có thể sai lầm, rằng con người thực sự thích thơ. Nghệ thuật này cung cấp cho họ những hoạt cảnh sinh động và đầy hứng khởi. Nó cũng cho phép độc giả tiếp cận kho ngôn từ tinh tế để diễn đạt cảm xúc. Ngoài ra, độc giả còn tự mình được ngẫm ngợi, nhấm nháp những vần điệu linh diệu nữa. Theo một nghĩa nào đó, từ trong bản thể, thơ và nhạc đã dan tay song hành.
Đến thế kỷ XX, có một điều gì đó đã trở thành sai hỏng. Thơ ngày một “khó” hơn. Nghĩa là, các nhà thơ bắt đầu phản ánh những hiện thực phức hợp của văn hóa hiện đại. Thơ của các thi sĩ Ezra Pound, Hilda Doolittle, T.S. Eliot, Marianne Moore, và Wallace Stevens đòi hỏi nhiều độc giả, thuộc nhiều giai tầng văn hóa khác nhau, phải đánh vật với chữ và nghĩa, thậm chí từ rất sớm, đầu những năm 1900. Để hiểu được Pound và Eliot cho thấu đáo, ví dụ, độc giả phải biết một ít thơ bằng tiếng Hy Lạp và Latinh cổ. Những kiến thức đó chỉ có thể được dạy trong các nhà trường của tầng lớp phong lưu, để đào tạo ra những độc giả uyên thâm. Trong khi đó, thế kỷ XX quay cuồng không cho phép quảng đại người dân tiếp cận với những nền giáo dục xa xỉ. Hay như ngày nay, khi nền giáo dục đã ngày một dân chủ hơn, thì việc học cho đến nơi đến chốn những kiến thức kinh điển cũng chỉ hấp dẫn được một lượng nhỏ những người nhiệt thành. Tóm lại, nói như một số người bình dân, thơ của các nhà kinh điển, và gần đây là một số nhà thơ hiện đại “cỡ đỉnh”, chỉ hợp với những người thích đọc thơ có chú thích dưới chân!
Nhưng thơ vẫn có thể tạo ra những sự khác biệt trong cuộc đời của một con người. Bản thân người viết bài này vẫn luôn tự biết rằng, mình đã và đang đọc thơ, viết thơ suốt bốn thập kỷ nay. Sáng nào tôi cũng chào ngày bằng một cuốn thơ mới bên bàn điểm tâm. Tôi đọc một bài thơ. Không, có lẽ hai bài. Tôi nghĩ về những tứ thơ lảng vảng. Rồi tôi ghi lại những cảm xúc vào cuốn sổ nhỏ. Việc đọc thơ như thế thông báo rằng một ngày của tôi đang còn ý nghĩa. Nó cũng khiến bước chân của tôi như được soi chiếu, hay những góc tâm hồn nào đó của tôi bỗng rợn ngợp cảm xúc, mà trước đó tôi chưa từng thấy bao giờ. Trong rất nhiều trường hợp, tôi thử đọc lại và nhận thấy, những cảm xúc này lâng lâng trong đầu tôi suốt cả ngày, tựa như những điệp khúc lãng mạn. Tôi tin rằng, đời tôi sẽ nghèo nàn biết mấy nếu không có nhạc và thơ, những trí khôn sâu nặng.
Vâng, vẫn có những người quên rằng thơ là thứ trí khôn sâu nặng. Gần đây tôi có đến Marốc, và một tín đồ Hồi giáo đã kể với tôi rằng, nhà tiên tri Muhammad, trong cuốn sách truyền đạo của ông ấy đã nói rằng, thơ chính là tinh chất. Nhưng cũng chính kinh Koran lại bảo (tôi từng nghe nói), nhà thơ là loại người nguy hiểm, nhân dân nên tránh xa họ. Điều này gợi nhắc tôi đến Plato, người từng mong bỏ tù mọi nhà thơ nếu được lên nắm quyền, bởi ông ta cho rằng thi sĩ là bọn người trí xảo. Những gì đại diện cho cái thế giới lý tưởng đó thì luôn luôn không đúng. Người nghệ sĩ, về bản chất, là đại diện của thế giới lý tưởng, do vậy cũng rất đáng nghi ngờ!
Plato cũng còn phiền não về các nhà thơ bởi những lý do khác nữa. Trong nền cộng hòa, ông than vãn, các nhà thơ có khuynh hướng dựng dậy những cảm xúc bất ngờ nơi độc giả, theo những cách không ai quản lý được. Họ khuấy động cảm giác “hoa mắt và tức giận, rồi cả những yêu mến một cách vô lối, tóm lại khát vọng, đau thương, rồi sung sướng đến phát cuồng”. Thơ, theo Plato, “tưới tắm cho những cõi thâm u đáng lẽ ra phải để cho chết khô”, trong khi việc đó chỉ thuộc quyền của “giai điệu của Chúa Trời và những lời tụng ca dành cho giới cao quý”, chưa nói “luật và lý trí còn xứng tầm hơn nữa”.
Mặc dù Plato không quyết dìm chết thi ca, nhưng do những nghi kỵ vô lý của ông, các nhà thơ đời sau hiếm khi được thoải mái trong xã hội. Thậm chí các nhà thơ lãng mạn dân gian, ví dụ Byron, Coleridge, Keats, Shelley, Wordsworth..., đều từng phải sống bên bờ vực của sự tha hương, chứ đừng nói đến sự kính trọng. Thậm chí rất gần đây thôi, nhà thơ Allen Ginsberg đã phải lên tiếng cười nhạo xứ sở mình. Nói chung, các nhà thơ đời nay luôn như những người thua bạc tại chính cộng đồng, còn lâu mới được mon men tới gần những bàn tiệc chất ngất như thuở nào.
Ngược lại, các giáo sư và các chuyên gia thì đã từ lâu coi thơ là một phần hữu ích của giáo trình, và một trong những nơi thơ còn giữ vị trí trung tâm chính là trường học. Tới mức, các nhà thơ đã thực sự thuộc về giới kinh viện, được lớp nhân loại này đón chào. Frost chính là một trong những thi nhân đầu tiên được rước mời vào giảng đường thỉnh giảng. Ông dạy tại Đại học Amherst trong gần suốt cuộc đời. Ông đi khắp nơi, giảng cho rất đông học trò. Ông tin tưởng sâu sắc rằng, thơ chính là một phương tiện sắc bén để tạo dựng trí tuệ, mà theo con đường không gì thay thế được.
Trong bài luận Dùng thơ để giáo dục, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình, Frost khẳng định rằng, ai biết cách thơ vận hành ra sao, người đó chắc chắn sẽ có quyền năng. Ông tin tưởng đến nỗi dám giả định rằng, trừ khi bạn ngồi nhà trong phép ẩn dụ, còn thì bạn không ở đâu mà có được an toàn, ngoài thơ. Bởi vì nếu không yên tâm với những giá trị tượng trưng, “bạn sẽ không thể biết được rằng mình sẽ đi xa được đến đâu, và khi nào thì tai họa sẽ ập xuống đầu bạn”. Vậy đấy, thật là một tín điều kỳ vĩ!
Các nhà thơ cũng thường hay xác tín giống như vậy, nên mới hay mang tiếng là cường điệu. Trong cuốn Sự tự vệ của Thơ, Shelley viết: “Thi nhân là những nhà lập pháp không được đánh giá đúng mức của thế giới”. Tôi muốn xoáy vào câu nói bất hủ, nhưng hơi khác một chút, của thi sĩ George Oppen: “Thi nhân là những nhà lập pháp của cái thế giới không được thừa nhận đúng mức”.
Tôi không đặc biệt muốn các nhà thơ phải làm luật hay điều hành thế giới. Cực đoan nhất, họ có thể hành cái đạo của họ khác hẳn cách mà thế giới thông thường vẫn vận hành. Thế giới của các thi nhân nói chung là cõi bên trong của các tri thức và cảm xúc, nơi mà thực ra hầu hết chúng ta đang sống. Và thơ sẽ bồi đắp mãi cái vương quốc tưng bừng trong lặng lẽ đó. Trong một bài nói ở Đại học Princeton (Mỹ) năm 1942, khi mà thế giới bên ngoài đang cháy, Stevens kêu lên rằng thế kỷ XX đã trở nên “bạo lực quá thể”, cả vật chất lẫn tinh thần. Ông xác định thơ, một cách súc tích, chính là “nội bạo lực” giúp con người chống lại “ngoại bạo lực”. Nó giống như một thứ áp suất từ trong đẩy ra, đánh đuổi thứ áp suất hiện thực từ bên ngoài nén vào. Nó như thể khả năng tự đề kháng của con người, nên không nghi ngờ gì nữa, khi thơ xuất hiện, những tiếng run rẩy đồng vọng của nó xuất hiện, chúng ta sống tiếp cuộc đời chúng ta một cách thanh thản.
Áp lực của hiện thực kể ra cũng thật dữ dội, và thơ đưa ra một thứ vũ khí để cân bằng, đẩy lùi những cảm giác đắng cay ngang trái đang đe dọa vùi dập tâm hồn. Các thi sĩ cất lên tiếng nói giữa thế giới, theo cách mà các kiểu người khác đang rất lúng túng. Phải, chúng ta nếu biết lắng nghe, sẽ sớm nhận ra trong mỗi bài thơ, dù nhỏ, đều có cái giọng thầm thì nhưng cứng rắn đó. Và nếu bài thơ thực sự lớn, tiếng nói đó sẽ tạo nên tiếng nổ lớn trong xã hội.
Tôi luôn xác định với các sinh viên của mình rằng, thơ là một thứ ngôn ngữ tương xứng với trải nghiệm của mỗi người, một thứ trải nghiệm đủ đầy, dám lắng chìm vào thung lũng nội tâm, để rồi từ đó mọc lên những đỉnh núi cao, những cánh đồng rộng rãi, bằng phẳng. Thơ giúp hình thành một lời khuyên nhỏ nhẻ nhưng giá trị, giống như nhà thơ Scotland Alastair Reid đã viết: “Những đầu thừa đuôi thẹo, gợi những điều xa xôi”. Có thể ai đó chẳng hy vọng thơ thay đổi thế giới. Thi nhân Auden từng lưu ý: “Thơ không làm cho bất cứ thứ gì xảy ra”. Tất nhiên, làm sao thị trường chứng khoán hay dã tâm của tên bạo chúa lại bỗng dưng lụi tàn? Thơ cũng thường không xui cả khối người xuống đường phản đối chiến tranh hay đòi công lý về mặt kinh tế. Thơ lặng lẽ hơn nhiều, hình thành nên những không gian nội tâm trong lòng độc giả, thêm vào đó những bong bóng tế vi, huyền ảo, giúp họ nhìn thế giới bên ngoài bằng con mắt sâu sắc và đủ đầy hơn.
Ngôn ngữ giúp chúng ta được là Con Người. Chúng ta nói, vậy chúng ta tồn tại. Chúng ta có cái khả năng kỳ lạ là biểu lộ bằng lời, để biểu thị và yêu cầu, để mô tả cảm giác, tạo dựng quan điểm, rút ra kết luận. Ngôn ngữ thơ có tác dụng, bởi vì nó vừa cụ thể, vừa khái quát, tóm lại, chính xác, đưa chúng ta đến gần hơn với thế giới thực. Trong bản chất, Emerson giả định, thực thể trong suốt của ngôn từ giúp chúng ta hướng tới được thế giới gọi là “tinh thần”. Quan niệm này tạo nên bến đỗ cho một loạt những phong trào Tiên nghiệm, tìm kiếm bản chất gần với dấu hiệu của thế giới tinh thần. Các nguyên tắc đó vẫn đáng để phản ánh. Ở mức độ nào đó, ngôn từ gợi ý sự việc bản chất, dù đó là “đá”, là “sông”, là “chim chóc” hay “mây mưa”... Bước nhảy xảy đến ở quan niệm định vị thế giới tinh thần. Ở đây, ta có thể, tôi nghĩ, bỏ qua những ghi chú giả định về tinh thần và chấp nhận một thế giới bên trong sâu sắc, nơi ai trong chúng ta cũng đang vật lộn với nỗi u hoài, bất kể tôn giáo, tín ngưỡng. Tôi nhớ một câu của Gerard Manley Hopkins: “Chà, tâm trí, tâm trí có núi, thác dựng giữa trời/ Đáng sợ, vực thẳm khôn dò”. Vậy là cõi lòng chúng ta có đỉnh cao và vực sâu, mà có vài người không cảm nhận được chúng, vẫn đứng chênh vênh oai vệ trên miệng. Đó là thực thể tinh thần mà ta có thể nới rộng theo bất kỳ chiều hướng nào. Cuối cùng, bản chất trở thành, “biểu tượng tinh thần” của Emerson, và thi ca là hiện thân của cái bản chất ấy. Thơ tham dự vào, phản ánh cái thế giới bên trong mênh mông, đưa tới cho công chúng những hình ảnh, những trồi sụt của nó, tạo nên nền móng của hiện thực cuộc đời mỗi con người.
Tôi không thể sống thiếu thơ, bởi thơ đã giúp tôi phả tinh thần vào quãng tồn tại đời người, theo cách vừa cụ thể vừa sâu lắng. Thơ tạo hình nên những ý nghĩ trong tôi, làm sinh động cõi thâm nghiêm, tặng tôi những con đường rất mới (đây là tôi đang lặp lại lời Bác sĩ Johnson), thậm chí đầy phép lạ.
Đàm Ngọc Xuyến
Dịch và giới thiệu từ chronicle.com
Nguồn Văn nghệ số 24/2017