GIỚI THIỆU 10 CHÙM THƠ CỦA 10 NHÀ THƠ
LƯƠNG VĨNH
BÌNH MINH CHẾT
Tờ giấy tựa ban mai
Đóng con dấu mặt trời đỏ chói
Bình minh chết trong bản án tử hình.
ĐÀN BÀ
Đàn ông bảo:
Trí lự đàn bà
Bụng dạ đàn bà
Đàn bà không chấp!
Nhưng tại sao đàn ông phải gặp đàn bà?
Và khi gặp
đàn bà bị đàn ông che khuất.
Cho đến khi đàn ông bị thương
Mới gặp đàn bà chảy máu.
ĐÀO THẾ
Đào thế uốn đau cả chân tay mình mẩy
Hoa cười bảo duỗi ra
Đâu biết duỗi ra đau hơn uốn
Gượng cười để xuân tươi
Một thế đào đi mấy lẽ đời.
Thương cây đào thế
Không muốn múa mà uốn éo
Chưa muốn cười miệng đã tươi
Đáng nể cây đào thế
Một thế cười ứa máu môi
Để vô tư rực rỡ đất trời.
Ôm cây đào thế
Ôm vào lòng bề bộn nhân gian
Không ngờ ta thành cây đào thế
Múa cười ngộ nghĩnh hồng hoang.
ĐƯA TAY RA NGOÀI CỬA SỔ
Đưa tay ra ngoài cửa sổ
chạm vào thu
làm rơi chiếc lá
rủ ta bay dài.
Đưa ta ra ngoài cửa sổ
gió thu sập cửa tím bàn tay
bàn ta từng lau nước mắt
lúc thu về
chạm vào thu như đụng vào thiên mệnh
Đưa tay ra ngoài cửa sổ…
CHUYỆN NGÀN LẺ MỘT ĐÊM
Người đàn bà kể chuyện ngàn đêm
Cứu ngàn mạnh sống
Còn một đêm lẻ, cứu mình
Đêm định mệnh nàng đã mang thai.
Nếu đẻ ra minh quân hay bạo chúa
Nàng sẽ ru gì?
Ru thiên thần cho quỷ dữ
Ru từ mẫu cho quái thai
Nàng ru gì cho những đau thương
Nàng ru gì cho mình?
Nước mắt cạn, lời ru cạn
Chỉ còn người đàn bà kể chuyện
Ngàn lẻ một đêm.
NGUYỄN ĐỨC MẬU
KHÔNG GIAN HẸP
Trong căn phòng chín mét vuông có bốn người ở
Hai vợ chồng, hai đứa con, đôi khi một người khách trọ nhờ
Không gian hẹp bớt nhiều đồ dùng, thêm ngăn gác xép
Mùi nước mắm, mỡ dầu, mùi son phấn, nước hoa
Vậy mà có thêm một chú mèo nữa đấy
Chú mèo sống chung cùng bầy chuột một gian nhà?
Con đường bê tông lao vào thành phố
Sóng người chen nhau, trời nóng 37 độ
Tiếng còi xe, tiếng máy nổ ầm ào
Phố phường muốn bung ra, không gian hẹp
Vậy mà có một ông già chậm chạp
Rẽ đám đông người xe, nhích từng bước sang đường
Những ngôi nhà kích cỡ khác nhau. Không gian hẹp
Mái chóp, mái bằng, mái ngói, giấy dầu
Kìa khách sạn cao tầng ngạo nghễ
Bên những mái nghèo lam lũ đứng chen nhau
Vậy mà có một ngôi chùa cổ
Tiếng chuông chùa và dáng áo sồng nâu
Không gian hẹp trong ngôi nhà, trên đường phố
Cuộc sống cuốn theo những lo toan bận mọn thường ngày
Trong giấc mơ đêm qua tôi gặp
Con mèo nằm khoanh nắng
Ông lão qua đường rợp bóng hàng cây
Thơ khao khát khoảng không gian mở
Trang giấy phập phồng muốn hoá cánh diều bay…
CÁNH ONG VÀNG
Bất chợt cánh ong vàng
Lạc vào phòng ta ở
Cái ghế mọt kêu
Cái quạt trần quay gió
Cánh ong vàng vẩn vơ tìm chi...?
Tìm chi chồng sách mờ bụi phủ
Tìm chi chùm hoa khô thời xưa
Những bày kiến ngôn từ chết trong bản nháp
Hoa khô năm cũ đã qua mùa
Tờ lịch mỗi ngày rơi xác giấy
Bốn bức tường câm không nắng mưa.
Này cánh ong vàng ơi
Giữa khô cằn nhàm cũ
Ta cũng sợ mình biến thành ong thợ
Dòng thơ sáo mòn câu chữ chẳng nên hương
Dường như có tiếng gì vang động
Ở trong ta hay ở phía con đường.
Thôi hãy bay đi cánh ong vàng mỏng mảnh
Giữa phố phường khét lẹt bụi xăng cay
Bay tìm lại mảnh vườn xưa xanh lá
Ô cánh ong vàng
Sao lạc vào đây...?
CHÚ TƯ
Chú Tư người dân chài
Tôi gặp chú nơi Cà Mau chót đất
Chú rót rượu đầy bát :
- Gặp nhau thì uống chơi
Tôi nhìn con còng chạy lơ ngơ trên cát
Nhìn chú Tư
những đường gân, nếp nhăn kênh rạch
Nhìn hoàng hôn rơi tím bát rượu đầy
tôi uống biển xanh, rừng tràm, rừng đước
Rượu chú Tư mời sóng sánh chiều say
Mới thế đã mười năm không gặp
Hồi đó chú bảy mươi
Nước da rám đen, bàn tay săn chắc
Mười năm rồi không biết chú ra sao
Con thuyền rỗ vỏ hà già như tuổi chú
và ngôi nhà gió lùa qua vách
thả neo trên chót đất sóng gào...
Có nhiều người
Tôi gặp một lần rồi xa, xa mãi
Như chú Tư
Gặp một lần, uống rượu một lần thôi
Nhắc đến Cà Mau tôi lại thấy hình bóng chú
Như con thuyền qua sóng to, bão dập
Như cây đước xanh nơi bãi đất sa bồi...
TRƯỚC TRANG GIẤY TRẮNG
Nhiều khi trước trang giấy trắng
Núi dựng vô hình không dễ qua
Sa mạc vô hình không dễ vượt
Ta sợ sự cũ mòn, tìm cách gì thoát xác
Này con dã tràng ngàn năm se cát
Sóng xoá đi bao thành quách lâu đài
Nhà thơ trước trang giấy trắng
Con dã tràng trước vô hạn biển khơi
Viết như thể con dã tràng se cát
Vẫn biết sóng sẽ xoá nhoà bài thơ không dấu vết
Nhưng vẫn phải viết thôi
Sau những lo âu, sau tuyệt vọng, nản lòng
Nhiều khi trước trang giấy trắng
Mình hoá người lữ hành cô độc
Càng đi càng thấy con đường thật xa
Tìm bức tượng trong rừng già
Tìm viên ngọc giữa xù xì tảng đá
Con đường nhiều người đi, ai người bỏ cuộc
Ai người tìm bóng mát nghỉ ngơi
Ai ngắm nhìn chút hào quang quá khứ
Con dã tràng trước mênh mang biển cả
Cát chưa khô sóng đã xóa đi rồi…
NGƯỜI XA LẠ
Ba mươi năm. Trở lại thành phố cũ
Một người đi lặng lẽ quanh hồ
Đi dưới cây cơm nguội vàng hoa
Rơi tan tác trên dấu giày hồ nước
Đi trở lại thời trẻ trai bồng bột
Hoa vẫn vàng, người cũ giờ đâu
Người cũ bỏ anh
Anh bỏ thành phố cũ
Nơi con tàu khản giọng đêm mưa
Bàn tay anh thọc vào túi áo
Như muốn tìm chìa khoá ngôi nhà xưa
Ngôi nhà xưa đã thay chủ khác
Túi áo rỗng năm rỗng tháng rỗng ngày
Không phải của anh hàng cây cơm nguội
Chiếc ghế đá ven hồ, nhợt nhạt ngọn đèn lay
Nghĩa trang cũ di dời xa thành phố
Mộ ông bà đã chuyển về quê
Ngôi trường cũ không còn, cây bàng già bão đổ
Bạn bè xưa trôi dạt mãi không về
Gặp chú bé đánh giày nằm co chiều rét
Gặp một người điên vô cớ hát vang trời
Gặp một người giống anh, châm nhờ anh mồi thuốc
Rồi hững hờ lẻ bước ngắm sao rơi
Ba mươi năm, anh thành người xa lạ
Thành phố sinh ra anh, anh là khách trọ nhờ?
Qua mấy vòng chiều
Qua mấy vòng đêm
Bàn chân mỏi
Mái tóc đầm sương rơi hay tơ mưa…
TRƯƠNG NGỌC LAN
NHỮNG CHẤM BUỒN
Tình xưa mất tích còn âm bản
Lang thang trên giấy đợi tàng hình
Chiều nay may trở thu nức nở
Những chấm buồn thương đậu vai mình.
CHUÔNG THIÊNG
Những hạt bụi còng lưng lên núi
Cõng riêng hệ lụy cõi Thiền
Từng mảng bong ra từ tiền kiếp
Bay bay tiếng chuông thiêng
Như đất đá cội cây màu lá
Khát khao linh khí lành
Rũ một ngày có thật
Hồi sinh…
CÁCH TÂN
Phải cách tân lối sống
Hai mươi tư giờ nào có thể hơn
Thơ tình cũng cách tân luôn
Lời tâm sự rộn ràng gõ phím
Những câu thơ sóng sánh
Dọc ngang biên giới mộng mơ
Nhưng yêu và ghét
Chẳng bao giờ có thể cách tân!
KHÔNG ĐỀ
Quăng thời gian ngồi kẻ vạch đồng hồ
Tay chuyển kênh
Vừa chờ đợi
Vừa thờ ơ…
Bỗng muốn ăn một chiếc kem lạnh buốt
Uống một tách cà phê đen đậm
Dập phím đàn khuya khoắt
Cãi nhau với bức tường.
Làm gì cũng được
Miễn là chấm dứt
Chuỗi ngày đáng ghét kia.
NGOÁI NGƯỢC
Ngoái ngược phía đồng hồ
Đầu giường kim nhích từng nấc
Tiếng tim đập.
Ngoái ngược quá khứ
Chạy ngang dòng chữ
Những khuôn mặt khó nhớ
Những suy nghĩ rối tinh.
Cuộc sống không phút dừng
Còn đi còn đi
Một mình đêm ngoái ngược
Ước làm lại từ đầu
Biết đâu?
ĐINH TẤN PHƯỚC
THƠ BA CÂU
1. Trân trọng mời
tôi bầy ra vội vã
và đi…
2. Tiếng sóng
chạm bát cơm dân chài
mặn chát.
3. Không triết lý cỏ
không hề triết lý sông
cỏ và dòng sông có thật.
4. Giờ mọi thứ đều ảo
chỉ có tiếng trẻ con là thật
em cứ về đi!
5. Mang câu thơ
đi qua một câu thơ
chiều sa mạc.
6. Cành dâu và đất sét
hình nhân
thơm mộ gió.
7. Người đàn bà khóc
không thành tiếng
vẻ đẹp.
8. Chim chèo bẻo
cánh đồng vừa gặt
tuổi thơ.
9. Biên giới
biết là đâu?
hỏi nàng Tô Thị.
BẾN ĐỢI
Trong hành trang của anh
có một bến sông
miên man
dập dềnh ngấn nước
tiếng đò khuya ai gọi
đêm tinh khiết
mơ hồ
nhánh sông xưa
neo vào lòng anh
chỗ đợi
sóng vẫn đưa
mà lòng vấp ngã
khản giọng gọi đò
anh sương giá
đợi em.
ĐIỆU CHĂM
Rớt giọt đìu hiu
thung lũng buồn
tháng Chạp
mưa muội lâm râm
xô chiều Mỹ Sơn vào góc núi
Tôi độc hành
khập khềnh gió bụi
thả hồn
theo điệu mềm vũ nữ
trốn mưa
ngồi tựa gốc trầm rừng.
Ôi, những thánh thần sao cứ bâng khuâng, nhớ ai mà tiếc nuối?
Ôi, những rắn, bò, voi, ngỗng…
Núi thiêng tìm về núp bóng.
Ở đây, tường đổ liêu xiêu
tháp chiều nghiêng ngả
giữa đất trời
tất tả
Shinva.
Chiều cuối năm
phía xa xăm
lúc ngày tàn
một cánh dơi đói muỗi
đứng lặng câm
nhìn tháp đền rã rượi
Hỡi trụ đá chống trời
Ganesa!
NGỌ MÔN
Vẫn một con đường
mà sao xa hút
đom đóm khuya
lạnh ngắt
lối về.
Có bóng ai
phía Tây lầu
gió gợn
kịp ngoái đầu
đêm
hóa thành thơ.
Vẫn một con đường
Mà sao cũng lạc?
Sương lan
hương nhãn
sững sờ.
THU HÀ NỘI
Anh rớt giữa mùa thu
dù không lời hò hẹn
vầng trăng không còn khuyết
Hà Nội ơi
sương giăng!
Chút mùa thu để lại
trọn một nửa cuộc đời
anh có thời lãng đãng
em
mùa thu xa khơi.
Có mùa thu ướt sũng
quay quắt trái tim mình
đành nửa chừng bỏ cuộc
tàn hơi anh lặng thinh.
Ơi cỗ xe mùa thu!
biết khi nào đỗ bến
người lữ hành khấp khểnh
giữa Hà Nội mông mênh.
PHÙNG HIỆU
CẢM THỨC
Cơn mưa lạ
cuốn chiều trôi mất
Mây rưng rưng
về phía lưng chừng
Cây đứng lặng
hoàng hôn vờ khép mắt
Trong mơ màng
thương nhớ
một người dưng.
KẾT LUẬN
Anh không thể chối từ một nụ hôn tán thưởng
khi hơi thở của em
có thể xóa tan mùa đông ranh giới
nên đáp lại bằng nụ hôn giới hạn
trong hiền từ
mắt em.
Đêm Bình Lộc lặng im
chỉ có những giọt sương rơi vào lầm tưởng
em vụt mất lúc bình nguyên trở giấc
anh mơ hồ khoảnh khắc hôm qua.
Xúc cảm nào khơi nỗi nhớ lên men
khi những tế bào nhớ nhung đi vắng
anh lạc vào khoảng lặng
sau đêm…
GIÁO ĐIỀU
Vạch đêm xé một mảnh trời
Xẻ câu tục ngữ ngẫm lời em yêu
Bao nhiêu ngôn ngữ mỹ miều
Chết trong con mắt giáo điều em thôi.
BẤT CHỢT
Bất chợt cơn mưa chiều
Gieo vào anh nỗi nhớ
Nghe từ trong hơi thở
Một thoáng buồn vu vơ.
Bất chợt một vần thơ
Tạt ngang bên song cửa
Cho anh thêm cái cớ
Tiễn một mùa thu đi!
Bất chợt em lại về
Mái nhà sao ấm lạ
Hình như mùa đông đã
Không còn là mùa đông.
TIẾNG RỪNG
Vừa đến bìa rừng bỗng nghe cây và đất gào lên:
Cứu tôi với, các người ơi
Nhân loại đã tru di dòng họ tôi từ thân đến rễ
Tàn phá thiên nhiên, săn bắt thú rừng
Những loài ghi vào sách đỏ
Đó là những đứa con mà tôi mang nặng đẻ đau từ mấy ngàn năm trước
Rồi họ đền lại cho tôi
Những khối bê tông
Những dãy nhà cao
Làm tôi nghẹt thở
Ôi đầu nậu và những kẻ vô tâm
Đã cắm thép gai làm tim tôi đẫm máu
Hãy cho tôi bình yên!
Sự bình yên của thời xa xưa
Thời chim thú rong chơi, cây cối hoang dại
Sông suối trong veo, núi đồi trùng điệp
Xin các người
Đừng xem tôi như đồ ăn thức uống
Hãy buông tôi ra
Hãy trả lại những gì tôi đã mất
Hãy thương tôi như chính bản thân mình.
VƯƠNG CƯỜNG
TÔI MƠ
Hồn như khói bay bay
cõi vô vi
tôi thức.
Thành cổ ơi
mỗi ngày một trăm năm mươi đồng đội bỏ tôi ra đi
81 ngày chiến dịch giống như 81 tầng tháp lửa và hoa
Nhân lên 81 lần mất mát…
Giờ bạn – cỏ non một phía chân trời
Giờ bạn – thông già bảo tàng lòng đất.
Tôi mơ thành chó đá
đứng canh chừng lãng quên.
CÕNG BẠN ĐI CHƠI
Nằm giữa cánh rừng sâu không tên
hay dưới đáy sông Thạch Hãn
úp mặt vào bùn
mày thấy gì đâu!
đôi chân đứt lìa mấy đoạn
mày có đi được đâu!
Đêm đêm trăng mất bóng hiên nhà
gió giật đùng đùng mê dại
cái miệng mày bê bết máu
mày nói được gì nào!
Mà tao có ngủ được đâu.
Thức cõng mày đi mấy vòng cho đã
mày hăm hở đến nhà người yêu
gặp bà già nhăn nheo, tóc bạc
trong đáy mắt thêm vết sẹo nước mắt.
Mày xăm xăm chạy ùa đi tìm mẹ
cả bố mẹ mày đã ra gò mả
hóa thành hai nắm đất lặng im
hai nắm đất một thời biết khóc.
Mày loạng choạng vào bàn thờ thắp hương
lại gặp mình ngồi cười sau nải chuối
Thôi, mày về đi
cái thằng hai mươi tuổi
tao thương mày
mày chẳng biết thương tao.
MỘT SỚM MAI THẤY TÓC MÌNH BẠC TRẮNG
Một sớm mai thấy tóc mình bạc trắng
trăng không rơi vào đáy suối
đêm chẳng mài gươm
gươm đã tra vào vỏ.
Máu những cuộc chiến tranh đã khô sau lưng
không còn vật vã vượt qua những nút chết
bằng những tiếng cười rỏ máu
cùng bạn bè tóc xanh.
Cả khi các anh hối hả trở về
em đã bế con theo chồng
con gái có thì, anh biết
chỉ mong sao người thương em như anh
chỉ cầu mong em quên anh cái thủa tóc xanh.
Một sớm mai thấy tóc mình bạc trắng
đất nước bốn bề lại giặc
không ở trên cao
không ở dưới thấp
không ở trước mặt
không ở sau lưng
giặc tự trong ta
không đánh lén.
Thương cả triệu người sấp mặt vào đất
ngã xuống vẫn cười
miệng mấp máy: Ngày mai…
Một sớm mai thấy tóc mình bạc trắng.
THƠ
I.
Có câu thơ
một đời không đọc hết
có một đời
không đi hết câu thơ.
II.
Có một thời
khóc, cũng thành thơ
có một thời
thơ ròng ròng nước mắt.
DỤ YẾN
Nắng ấm ngoài sân, hoa vàng trước ngõ
nhà anh bốn tầng, bốn tầng mở cửa
Lọc khóc thành cười, lọc mây thành gió
thương đầy sóng sóng, nhớ đầy trăng trăng
Đồng trải mênh mông, núi chồng bát úp
bước xuống ruộng mật, bước lên rừng vàng
Ơ yến ra ràng chàng màng bỡ ngờ
anh ngóng em về hoàng hôn chín đỏ
Ơ này yến nhỏ môi đỏ má hồng
anh đi khe khẽ em giật mình không
Bay qua đại dương triều cường dựng ngược
Xiu xíu bàn chân, long lanh trăng nước
Nào bão, nào giông, nào sông, nào biển
nơi nào em qua, nơi nào em đến
Ơ này yến ơi, đầy vơi yêu mến
thơ anh giật mình vỡ tiếng bay lên.
ĐOÀN VĂN THANH
QUÊ VÀ PHỐ
Hai phần tắm nước ao quê
Tháng năm còn lại mải mê phố phường
Xa quê chín nhớ mười thương
Xa phố phường nhớ bụi đường khói xe
Về quê rượu nếp, bạn bè
Chõng tre lưng ngả đêm hè đếm sao
Chuông chùa chợt tỉnh chiêm bao
Bâng khuâng lại nhớ ồn ào phố xa
Tình quê giữa phố, còn ta
Ước gì sớm tối mặn mà cả hai!
NÓI Ở ĐỌI TAM*
Thân trâu mưa nắng kéo cày
Ăn giả làm thật tối ngày chưa tha
Một mai sức kiệt, lực già
Xả thân lột xác mảnh da để đời
Sống cắm mặt chẳng một lời
Chết đi mặt trống muôn nơi nghe mình.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
* Tên một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Duy Tiên, Hà Nam.
BÙ NHÌN
Sinh ra từ kiếp rạ rơm
Chôn chân đứng gác áo cơm cho người
Lặng thinh mặc gió khóc cười
Nón mê đội lệch cả mười nắng mưa
Giang cờ sớm trắng bạc trưa
Công lênh “đuổi giặc” gió đưa lên trời
Được mùa ngô lúa bời bời
Thân làm mồi lửa một đời hóa tro
Tro tàn về đất thơm tho
Hồn rơm ở lại tự do giữa đồng.
Ở GIỮA TRỜI VÀ ĐẤT
Có cánh diều
ngã lưng chừng gió
Có ngọn gió
nấc giữa trời cao
Có ngôi sao
băng trong đêm tối
Có đám mây
vừa tụ đã rơi
Ở giữa đất và trời
ta và em
và cỏ.
CÓ MỘT BẢO TÀNG…
Chân đi trong tĩnh lặng
Lòng đi trong rưng rưng
Giữa những tượng người gầy guộc
Máu hoen rỉ
Xích xiềng hoen rỉ
Nhà tôn và dày đặc thép gai…
Ai trong số các chị, các anh
Tuổi xuân năm lại
Ai vỡ bè vùi xác biển sâu
Ai trở về thành chứng nhân lịch sử
Giờ thiên cổ nơi đâu?
Một nén tâm nhang
cúi lạy.
Du khách lên xe…
Ai nhớ?
Ai quên?
Giữa lòng đảo Ngọc
Có một bảo tàng cất giữ
Máu hoen rỉ
Xích xiềng hoen rỉ
Bên những tượng người số phận giống nhau.
BÙI SỸ HOA
CHỔI ĐÂY
Ai chổi đây
Chổi đót một nghìn
Dành dành năm trăm
Ai chổi...
Nghe như tiếng người quê
Tranh thủ hết mùa, tôi nhớ
Em tôi cơm nắm đi từ gà gáy
Lấy đót vào sâu trong núi Bọ Trà
Lấy dành dành leo lên Hòn Dài, Hòn Xã
Phơi cho được nắng bó cho chặt tay
Ba ngày đi rừng một lần đi chợ
Ai nào chổi đây...
Em tôi quanh năm vất vả cấy cày
Ngày mùa quà dăm cân gạo mới
Tôi về phố lâu ngày
Nhà quen lau sân quen rửa
Dép để ngoài thềm mưa nắng ở ngoài xa
Nhiều lúc hững hờ tờ bạc lẻ
Trưa nay bất ngờ trận gió
Cửa sổ đập chói tai cây lá rũ khắp vườn
Người bán chổi vừa đi đâu đó
Gió tạnh dần
Sao trời đất ngổn ngang ?
Ở QUÊ
Kính viếng nhà thơ Trần Hữu Thung
Thơ đưa ông từ người nông dân thành nhà thơ
từ Vinh ra Hà Nội
rồi ra thế giới
Còn ông, ông chọn con đường từ Hà Nội về Vinh
rồi về quê!
Ở quê, ông luôn là người mạnh khỏe
Với sức vóc của một đô vật
Thỏa sức cày xới vốn tiếng Nghệ
Ở quê, ông lặng lẽ lật trong từng lớp sò cát
Làm sống lại nước mắm Vạn Phần
Tiếng bễ lò rèn sắt Nho Lâm, tiếng chuông đồng Diễn Tháp
Ở quê dân dã bún-giá-cá-ruốc
Nước vục gàu mo khỏa trần sông Bùng
Khuya hò bên tê đồng nghe chân dùng dằng
Ở quê, ông gánh vai này Ký ức đồng chiêm vai kia Chuyện trạng
Giữa chặng nghỉ đọc những câu thơ vụt đến
Ở quê, áo gụ thuốc lào chén rượu nhạt
Bạn xa về thăm ngày một đông
Giờ ông đi Thăm lúa không thể tìm gặp
Nhìn khắp đồng chỉ thấy núi Hai Vai trầm ngâm!
HÒN DÀI
Cao nhất núi quê
Dài nhất núi quê
Men lên đỉnh
Mới biết
Có vô vàn núi khác
Cao...
Dài...
Mút tầm mắt
Men lên đỉnh những hòn núi khác
Mới hay
Thật ít những chỗ bấu víu...
Hòn Dài
Mỗi lần về quê
Từ rất xa thấy núi chờ phía trước
Mỗi lần ngoái lại
Núi ngậm ngùi mờ mây sau lưng
Người quê tôi
Khi đi như được xuất phát từ đỉnh núi
Khi về cúi lặng dưới chân đèo...
KÝ ỨC
Ô hay liên tưởng nào cũng tìm cánh đồng
Tìm những chú rô sầy vi tróc vảy ngày xưa!
Năn lác rau bèo trong đục
Tháng Năm tháng Mười hương sữa
Thỏa sức bơi lượn dưới lúa che chở
Nhưng sẽ đến mùa gặt
Mùa nơm tát
Lùi dưới bùn đen
Lóc lên cạn
Sẽ đến những cơn mưa tràn bờ
Nước không còn mùi tanh, bùn không nơi ấm áp
Những sải lưới bủa vây
Những mồi câu hấp dẫn
Mặt nước là một cái bẫy
Ai nào rạch qua số phận
Đâu nào làm mồi ngon
Ô hay ký ức những con rô đồng
Tanh tưởi giữa nắng và rét
Xa quê mấy chục năm vẫn nghe tiếng giẫy
Trong chiếc giỏ ký ức.
KHUYA PHỐ
Những ồn ào náo nhiệt không dành cho tôi
Những nhà cao uy nghi không dành cho tôi
Không dành cho tôi công viên tuổi nhỏ
Tình nhân của liễu, của mặt hồ
Tôi về phố khuya
Một thời chỉ thuộc đường ra ga và thư viện
Một thời ba lô hồn tàu phía Bắc
Tôi bây giờ
Vẫn tên đường tên phố lơ mơ
Em đi về nơi khác
Tìm đâu những ánh rêu mờ
Không nhìn rõ con đường xưa
Không gặp lại vẹn nguyên câu thơ nước mắt
Ngõ Giếng cỏ chưa xanh lại
Hoa rum vô tình
Gió lạnh về loay hoay
Như đã xa niềm vui tìm người trên phố
Quán nhỏ ai ngồi lơ đãng thời gian
Tờ báo cũ mực phai tên người cũ
Rau dưa chen lấn ngoại thành
Năm năm, mười năm
Giọt rơi tí tách
Mắt người thăm thẳm
Có gì đâu, có gì đâu mà mang nặng
Bây giờ phố đang về khuya...
NGUYỄN VIỆT BẮC
MÙI QUÊ
Mùi quê
kéo tôi trở về làng
Mùi nhựa sung
phết lên cánh diều thủa nhỏ
Mùi con ốc nhồi bén lửa
tàn khuya
Mùi rạ ẩm
nấu cơm buổi trưa
Mùi quần áo ướt
quay quanh đầu gối
Mùi nhựa khoai lang
quệt qua nhánh tỏi…
Làng tôi
Đàn ông ít hát
Đàn bà ít mộng mơ
Tôi đốc chứng làm thơ
Mùi bồ kết
thơm từng sợi tóc
Mùi đàn ông
nũng nịu
đàn bà.
LUY LÂU
Luy Lâu thành cũ Luy Lâu
Ẩn trong phơ phất cỏ lau bên đường
Tôi về cỏ vẫn ngậm sương
Con chim kêu tiếng vẫn thương thương là
Rung rinh rặng ổi khóm hoa
Tôi bệt xuống cỏ để mà chiêm bao
Bỗng nhiên gió thổi ào ào
Hồn người giữ đất bay vào trời xanh
Ngày qua nhanh tháng qua nhanh
Vẫn xanh như cỏ tường thành Luy Lâu.
CHẠM ĐÁY NĂM
Tin gửi đi không tin nhận lại
Em giận
Em thương
Chạm đáy năm
Lịch Tết đỏ phố phường
Hồ Gươm hoa kết chữ
Níu chân người đi đường
Anh một mình
Một đêm
Cây đào khát nước
Mang trong người mong ước
Bao nhiêu là bao nhiêu
Sớm sau
Em như gió xuân
thơm
nức nở.
NGƯỜI CHẾT Ở PHỐ NHÀ GIÀU
Ông chết ở phố nhà giàu
Ai vuốt mắt khi mình ông tắt thở
Vẫn như mọi ngày người ra vào đóng cửa
Liền kề biết cũng như không.
Ở trong nhà lạnh một mình ông
Mấy nén nhang
Bảy ngày chấm hết
Không trống
Không kèn
Không người dẫn dắt
Khi quy tiên ông chỉ một mình.
Lọt khe cửa vào nhà
Vẫn nắng bình minh
Chim vẫn hót hiên nhà bên thảm thắc
Chỉ con người dửng dưng như không biết
Phố nhà giàu
váy ngắn
ô tô…
Thả xuống lòng sông là hài cốt bụi tro
Linh hồn nhẹ tênh như không có
Đêm đêm thì thầm những gì không rõ
Ông thành người mù đi xuống cõi âm.
LÍNH ĐẶC CÔNG
Tặng Thuận
Bạn cũ ngồi tràn quanh mâm
không bàn ghế
ngồi dưới sân
khề khà
Rượu buồn
như rót vào ta
Rượu khóc
bạn uống cho ba, bốn thằng
Đũa làm khẩu súng: Tằng tằng
nhắm vào
bát úp
xe tăng đang bò
Quảng Trị
thành bụi thành tro
Bạn may còn sống thân cò lội sông
Trời đầy mây trắng mây hồng
Bao nhiều đồng đội giờ không thấy về
Nước non kết những vùng quê
Nước non chung một lời thề nước non.
VĂN TRỌNG HÙNG
ĐÊM ẤY Ở CÔN SƠN
Khi Nguyễn Trãi được minh oan
Thị Lộ vừa cười vừa khóc
Nàng không dám trở về rừng trúc
Cùng những oan hồn lang - thang - ở - Thăng Long
Cả kinh thành đèn được đốt nhiều hơn
Trăm họ mừng vui bàn tán…
Không dám nhìn ánh sáng
nàng đi về phía những làng xa
Sao đã yêu một bậc tài hoa
Lại không xa được một quân vương lỗi đạo
Phải danh vọng làm ta không tỉnh táo
Hay ta đã quá yêu mình?
Thị Lộ
khuất dần vào cõi u linh.
Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên
Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách
Về khuya mưa như trút nước
Lê Lợi đến thăm
Nguyễn Trãi đã đi nằm!
LỜI MỴ CHÂU
Gả con cho Trọng Thủy là cha
Hẹn hò với Trọng Thủy cũng từ cha
Vì cha không nói với con người con yêu là giặc
Người yêu nào khi chia xa mà chẳng hẹn ngày gặp mặt
Nên những chiếc lông ngỗng kia mới khắc khoải ở dọc đường
Con không trách cha trút giận một đường gươm
Dẫu là vua, cha cũng chỉ người trần mắt thịt
Kẻ đáng trách là thần Kim Quy
Đã tặng nỏ thần cho cha, sao không giúp cha cách gìn giữ nỏ
Lại bảo con là giặc?!
Con hóa ngọc trắng trong mà oan nghiệt
Cha ơi, con không cần người đời khen, chê, xót xa, thương tiếc
Chỉ muốn là Mỵ Châu thuở trước
Mỵ Châu bé bỏng của cha
Mỵ Châu chưa gặp Trọng Thủy bao giờ!
THÁNH GIÓNG
Từ người mẹ nghèo sinh ra
Từ hạt cơm làng vụt lớn
Từ sắt thép, tre làng đánh giặc
Giặc tan lại bay về trời
Truyền thuyết sáng ngời trong lòng dân muôn thuở.
Ta cứ nghĩ vẩn vơ
Ngày ấy nếu ông làm vua
Rồi con cháu ông làm vua
Không biết được - thua
và liệu bây giờ
có vết nhơ nào để lại ?
GỬI THÚY KIỀU
Phải chi Kim Trọng là ta
Thì nàng đâu phải phong ba một đời
Dẫu không khuấy nước chọc trời
Lật nhào cung điện, đổi ngôi sơn hà
Thì nàng vẫn mãi bên ta
Tiết trinh đâu phải chỉ là tiết trinh!
Thúy Vân trăm đẹp nghìn xinh
Vẫn không thay được bóng hình Kiều xưa
Yêu như ai đó bằng thừa
Lấy em, thay chị lại vừa được quan!
Ta đây quyết chí tìm nàng
Dẫu xơ xác nhụy, dẫu tàn tạ hương
Thủy chung vẫn vẹn yêu thương
Thói đời như lớp mờ sương sá gì!
Thơ, đàn một gánh ta đi
Cách xa cái chốn thị phi tầm thường...
Mà thôi, thôi đã đoạn trường
Phải chi Kim Trọng đường đường là… ta!
HỒ QUÝ LY
Chữ Nôm thay chữ Hán
Tiền giấy thay tiền đồng
Minh đạo thay Lão, Khổng
Tuốt kiếm dựng non sông.
Lệnh xuống phương Nam mở
Chiếu chỉ giảm điền trang
Hạn nô ban sắc luật…
Tất cả vì giang san.
Cơ nghiệp vẫn sụp đổ
Đất nước thuộc ngoại bang
Phải chăng mưu lược đủ
Thiếu kế sách dân an?
Chiều nay thăm thành cũ
Tây Đô nhuốm điêu tàn
Nhắm mắt nhìn điện ngọc
Dậy nỗi buồn mang mang.
(Nguồn: Tạp chí NV&TP)