Kỷ niệm 110 năm ngày mất (1907-2017) danh nhân Đào Tấn: NHỚ BẬC HẬU TỔ CỦA NGHỆ THUẬT TUỒNG
GS HOÀNG CHƯƠNG - Trong số các vị đại thần của triều đại phong kiến cuối cùng của “Văn hiến phương Nam”, chúng ta thấy tên tuổi của Đào Tấn khá nổi bật nhưng sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông chỉ được phát huy từ sau năm 1975.
Đào Tấn là một nhà nho yêu nước 30 năm làm quan - ba lần làm Tổng đốc, bốn lần làm Thượng thư, dốc lòng chăm dân và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, là một tài năng lớn về nghệ thuật được người đời tôn vinh là Hậu Tổ nghệ thuật Hát Bội (tuồng). Cụ đã để lại cho dân tộc một di sản văn hoá đồ sộ, một khối lượng kịch bản tuồng, vở diễn tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp. Nhưng dưới chế độ phong kiến, với quan niệm “xướng ca vô loài” nên không phải ai ai cũng biết nghệ sĩ vĩ đại Đào Tấn cũng như di sản nghệ thuật to lớn của cụ. Người đời trước đây chỉ biết Đào Tấn là ông quan Phủ Doãn, ông Tổng đốc An Tĩnh, quan thượng thư triều Nguyễn mà không mấy ai nhắc tới nhà thơ, nghệ sĩ tuồng Đào Tấn thật đúng nghĩa. May thay, nhiều vị vua kế vị Gia Long trở đây phần lớn là những bậc đại bút đã quan tâm nhiều mặt văn hoá Phú Xuân, trong đó có nghệ thuật Tuồng. Tự Đức đã đánh giá cao tài năng viết tuồng của Đào Tấn là “bút pháp như thần”, còn vua Thành Thái gọi Đào Tấn là một bậc Thầy, Nguyễn Hiển Đình ở Quảng Nam gọi Đào Tấn là “Thánh trung thánh”.
Từ thời trẻ, Đào Tấn đã viết những vở tuồng như: Tân Dã Đồn, Đảng Khấu, hoặc vở Tam Bảo Thái giám thủ Bửu... và trong thời gian làm quan, ông viết hàng chục vở tuồng nổi tiếng cùng hàng trăm bài thơ và từ rất hay, cả nước diễn tuồng của Đào Tấn. Năm 1963, nhà nghiên cứu Mịch Quang với bài: Đào Tấn, nhà soạn tuồng kiệt xuất đăng trên tạp chí Văn học, khởi xướng việc nghiên cứu Đào Tấn và bước đầu nói về con người và sự nghiệp Đào Tấn tương đối đầy đủ. Tiếp theo, cụ Phạm Phú Tiết trong công trình Hội thoại nghệ thuật tuồng, có đề cập tới Đào Tấn và đánh giá cao tài năng và sự nghiệp sáng tác của Đào Tấn. Ban nghiên cứu tuồng và các nghệ sĩ lão thành ở đoàn tuồng LK5 trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20 cũng ghi lại một số vở tuồng của Đào Tấn nhưng chưa nghiên cứu sâu về thi pháp nghệ thuật Đào Tấn.
Trong quyển Sơ khảo lịch sử tuồng (1973), GS Hoàng Châu Ký cũng nhắc khái quát về Đào Tấn qua một số nhận định và đánh giá cao về tuồng Đào Tấn.
Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, nhân tài vật lực phải dồn vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, việc nghiên cứu danh nhân nói chung, Đào Tấn nói riêng chưa thật quan tâm. Một lý do khác nữa là lúc bấy giờ không có tư liệu nên việc nghiên cứu Đào Tấn trên miền Bắc chỉ dừng ở đó. Ở miền Nam có nhiều công trình nghiên cứu văn hoá trong đó có những trang viết về Đào Tấn như “Danh nhân Bình Định” của Bùi Văn Lăng, “Nước non Bình Định” của Quách Tấn, “Văn đàn bảo giám” của Trần Trung Viên, “Nhân vật Bình Định” của Đặng Quý Địch... Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Nghĩa Bình mới có điều kiện nghiên cứu sâu về Đào Tấn, nhất là sau Liên hoan tuồng toàn quốc tại TP Quy Nhơn (tháng 7/1976), di sản nghệ thuật Đào Tấn ngày càng hé lộ ra, khiến các nhà nghiên cứu quan tâm hơn. Cũng tại Liên hoan tuồng toàn quốc đầu tiên này, các nghệ sĩ ba miền đất nước đều được xem tuồng Đào Tấn, đến thăm nhà Từ đường Đào Tấn, viếng mộ Đào Tấn, tưởng niệm vị Hậu tổ của mình. Tiếp theo là một Hội nghị nghiên cứu về Đào Tấn lần thứ I, được tổ chức vào giữa năm 1977 cũng ở TP Quy Nhơn. Tại hội nghị này (3 ngày đêm) nhiều vấn đề về con người và sự nghiệp của Đào Tấn được nêu ra bàn cãi rất sôi nổi, không ít vấn đề học thuật và tư tưởng của Đào Tấn còn nhận định chưa đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu và nhà thơ bàn sâu về văn học kịch (kịch bản tuồng và thơ, từ) của Đào Tấn. Còn nhiều vấn đề về thế giới quan và phương pháp sáng tác thi pháp, phong cách nghệ thuật Đào Tấn chưa được bàn sâu và giải quyết dứt điểm. Vấn đề tư tưởng yêu nước của Đào Tấn, cũng chưa được làm sáng tỏ...v.v. Tuy vậy, tại hội nghị này hầu hết những nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cả nước, kể cả những người lãnh đạo cao nhất của ngành văn hoá nghệ thuật lúc bấy giờ như Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường đều đánh giá rất cao tài năng và cống hiến của Đào Tấn cho nền văn hoá dân tộc. Cũng tại Hội nghị này nhiều bài thơ hay của Đào Tấn được dịch, một vài vở tuồng của Đào Tấn được phục hồi. Quyển kỷ yếu Hội nghị mang tên “Đào Tấn - Con người và sự nghiệp” do Ty văn hoá Nghĩa Bình xuất bản và phát hành. Riêng Xuân Diệu đã viết tiểu luận 50 trang về thơ Đào Tấn.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu ở Nghĩa Bình cho xuất bản tặp Hý trường tuỳ bút coi như công trình lý luận về tuồng của Đào Tấn mới phát hiện được. Nhiều nhà nghiên cứu đã viết bài hoan nghênh tập “Hý trường tuỳ bút”. Một số đoàn tuồng đã bắt đầu vận dụng lý luận tuồng của Đào Tấn.
Để tiếp tục bàn sâu về thân thế và sự nghiệp của Đào Tấn, làm rõ hơn về tư tưởng yêu dân yêu nước của Đào Tấn, đồng thời đánh giá những di sản của Đào Tấn từ kịch bản tuồng, nghệ thuật đạo diễn tuồng, và đào tạo diễn viên tuồng của Đào Tấn, Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với UBND tỉnh Nghĩa Bình đã mở Hội thảo lần thứ II về Đào Tấn (9/1982) thống nhất nhận định: Đào Tấn là một ông quan yêu nước, tuy làm quan to trong một thời gian dài, nhưng là ông quan thanh liêm, cương trực có đủ ba phẩm chất thanh, thận, cần, vua Tự Đức phải thừa nhận cụ là kẻ sĩ “bất uy cường ngự”, có mối quan hệ với các chí sĩ cách mạng trong phong trào Đông Du, như mối quan hệ với Phan Bội Châu, đến với văn thân, cụ giữ trọn tình chung thuỷ đối với nghĩa Đảng cụ tỏ lòng kính trọng...v.v.
Tập “Hý trường tùy bút” của Đào Tấn được tổ chức giám định tại Viện Văn học Việt Nam, do nhà thơ Hoàng Trung Thông - Viện trưởng chủ trì. Tại hội nghị giám định này, các giáo sư, các nhà nghiên cứu tên tuổi đã bàn luận, phân tích rất kỹ và đi tới kết luận: Nội dung cơ bản của tập Hý trường tuỳ bút là của Đào Tấn, còn những chỗ nào chưa thật rõ, do người ghi chép, trích dẫn chưa chính xác thì nên bóc tách ra, hoặc tiếp tục giám định làm rõ, không vì một số “hạt sạn” mà phủ định hoàn toàn một công trình lý luận rất có giá trị của Đào Tấn. Cũng trong thời kỳ này, tập “Thư mục tư liệu Đào Tấn” được công bố. Để làm sáng tỏ thêm vấn đề tư tưởng và nghệ thuật của Đào Tấn, một Hội thảo về Đào Tấn lần thứ 3 do Viện Nghệ thuật Sân khấu, Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Sở Văn hoá Nghĩa Bình tổ chức tại Quy Nhơn vào tháng 8 năm 1988. Tại hội thảo này tập trung vào các vấn đề về tư tưởng và tài năng nghệ thuật của Đào Tấn. Hội thảo đã đi đến thống nhất: Đào Tấn là một ông quan yêu nước thể hiện trong mối quan hệ của ông với phong trào cần vương qua tác phẩm văn, thơ, câu đối và rõ ràng nhất là trong kịch bản tuồng của ông. Cùng với những tư liệu mới được sưu tầm về Đào Tấn như “Thư mục tư liệu về Đào Tấn”, “Đàơ Tấn thơ và từ” (NXB Văn học năm 1987), “Tuồng Đào Tấn” (Tập I và II) - NXB Sân khấu - Sở VHTT Nghĩa Bình 1988 và những khảo cứu thẩm định đánh giá đã góp phần làm sáng tỏ các vấn đề mới về tư tưởng và nghệ thuật của danh nhân họ Đào. Cũng vào thời điểm này quyển truyện “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng được công bố rộng rãi, trong đó có nhiều đoạn nói về mối quan hệ của Đào Tấn (khi làm Tổng đốc An - Tĩnh) với Văn thân cần vương ở An - Tĩnh và với cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng con trai cụ là Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ của chúng ta).
Cuối năm 1988, sở VHTT Nghĩa Bình lại tổ chức cuộc tọa đàm hẹp với các nhà nghiên cứu lão thành: Lê Hồng Long, Quách Tấn, Quách Tạo cùng các nhà nghiên cứu Hồ Đắc Bích, Vũ Ngọc Liễn, Hồng Nhân... Tại cuộc toạ đàm nhiều tư liệu mới về Đào Tấn được công bố.
Qua nhiều hội thảo, hội nghị, con người sự nghiệp và tư tưởng Đào Tấn ngày càng được sáng tỏ và Đào Tấn được đánh giá là danh nhân văn hoá dân tộc, là hậu tổ nghệ thuật tuồng. Cùng với việc nghiên cứu về Đào Tấn, những vở tuồng viết về Đào Tấn cũng ra đời như “Thanh Gươm Hát Bội” của Mịch Quang, Hoàng Chương đạo diễn được Nhà hát tuồng Khánh Hoà diễn rất thành công. Tiếp theo là vở “Hồn Tuồng” sáng tác của Lê Duy Hạnh, Võ Sĩ Thừa đạo diễn, Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn, và vở “Giấc mộng Hồ hoa” cũng của Mịch Quang được Nhà hát tuồng Khánh Hoà diễn. Các nhà hát tuồng cả nước đều dựng diễn những vở tuồng hay của Đào Tấn. Những công trình nghệ thuật biểu diễn ấy đã gây được ảnh hưởng lớn trong nhân dân về danh nhân Đào Tấn. Đến tháng 12/1995, Bộ Văn hoá - Thông tin do Viện Sân khấu Việt Nam chuẩn bị phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Hội đồng hương Bình Định tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Đào Tấn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước tới dự - Tại lễ kỷ niệm này, nhạc sĩ Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin long trọng đọc diễn văn và đánh giá: “Đào Tấn là danh nhân văn hoá kiệt xuất của dân tộc”, và một lần nữa suy tôn cụ là “Hậu tổ của nghệ thuật tuồng”. Sau một số hội nghị, hội thảo khẳng định Đào Tấn là danh nhân văn hoá, nhà hát tuồng Bình Định chính thức được mang tên Đào Tấn và tiếp theo UBND thành phố Hà Nội quyết định đường mang tên Đào Tấn tại quận Cầu Giấy. Khi còn giữ chức Bí thư Đảng đoàn văn hoá văn nghệ, đồng chí Hà Huy Giáp đề nghị nên thành lập Viện Đào Tấn. Cũng thời điểm này, Viện Sân khấu Việt Nam và Hội đồng hương Bình Định đề xuất với UBND tỉnh Bình Định và Bộ Văn hoá - Thông tin cho thành lập Giải thưởng Đào Tấn. Bộ trưởng Trần Hoàn đã phê duyệt về giải thưởng này và từ đó đến nay giải thưởng Đào Tấn đã trao cho nhiều văn nghệ sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước, góp phần nâng tầm danh nhân Đào Tấn.
Năm 2007, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Đào Tấn, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn VHDTVN đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “Đào Tấn con người và sự nghiệp”, một lần nữa con người và sự nghiệp danh nhân Đào Tấn được các nhà nghiên cứu trong và ngọài nước khẳng định. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, Đào Tấn không chỉ là danh nhân văn hoá của dân tộc Việt Nam mà còn xứng đáng tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới. Vì thế việc nghiên cứu về Đào Tấn còn phải tiếp tục làm rộng hơn, sâu hơn, có bài bản hơn, tức là phải có những công trình cấp Bộ hoặc cao hơn nữa. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong - Việt kiều ở Mỹ người được tặng Giải thưởng Đào Tấn năm 1997 cùng với một số thành viên khác trong giới khoa học, giáo dục, đã vận động thành lập trường Đại học Đào Tấn và năm 2015 Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định quyết định xây dựng khu nhà thờ Đào Tấn rộng hơn 2 héc ta ngay sát cạnh hương thảo thất Đào Tấn và công trình đã được khánh thành vào tháng 8 năm 2016. Từ đây khu đền thờ Đào Tấn sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa phục vụ cho người Việt Nam và người nước ngoài.
Nhiều vở tuồng của Đào Tấn như: Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Quan công hồi cổ thành, Khuê các anh hùng... và nhiều trích đoạn tuồng hay của Đào Tấn đã được khai thác biểu diễn và quay thành phim nhựa, phim video, vừa để phục vụ cho công chúng rộng rãi, vừa phục vụ cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước. Nhiều sách báo, tư liệu về Đào Tấn cũng đã được xuất bản như:
- Thư mục về Đào Tấn - Sở Văn hoá - Thông tin Nghĩa Bình - xuất bản (1977)
- Đào Tấn con người và sự nghiệp - (kỷ yếu hội thảo) - Ty Văn hoá Nghĩa Bình - xuất bản (1977)
- Hý trường Tuỳ bút - Ty văn hoá Nghĩa Bình - xuất bản (1981)
- Kịch bản tuồng Đào Tấn (2 tập - NXB Văn học và NXB Sân khấu)
- Thơ và Từ Đào Tấn - NXB Sân khấu
- Tuyển tập tuồng Đào Tấn - NXB Sân khấu
- Mộng Mai Vân Sao/ Mộng mai Từ lục/ Mộng mai thi tồn
- Tang sự tích biên (tản văn của Đào Tấn)
- Mai viên cố sự (chuyện về Đào Tấn) do Đặng Quý Địch sưu tầm dịch, NXB Dân tộc ấn hành
- Đào Tấn 100 năm nhìn lại – GS Hoàng Chương chủ biên, NXB Văn học (2008)
Nhiều nghiên cứu sinh ở trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm luận án tiến sĩ về Đào Tấn. Tuy vậy, việc nghiên cứu và phát huy di sản của Đào Tấn với hàng chục tác phẩm tuồng mẫu mực, với hàng ngàn bài thơ và từ tài hoa, chưa kể công trình lý luận “Hý trường tuỳ bút”, và nhiều hoạt động về xã hội và về nghệ thuật thì quả là còn quá ít. Việc tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản Đào Tấn là cần thiết và cấp thiết để Đào Tấn không chỉ là hậu Tổ nghệ thuật tuồng, là danh nhân văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn phải là danh nhân văn hóa thế giới.
(Nguồn: vanhien.vn)