Chân dung văn

24/6
7:37 PM 2020

BỘ ĐỘI CỤ HỒ TỪ CỘI NGUỒN DÂN TỘC ĐẾN MỘT HÌNH MẪU NHÂN CÁCH HÔM NAY

Lê Đình Tư-Nếu ai đó đặt ra câu hỏi về tinh thần đoàn kết của Việt Nam, về khả năng quy tụ thành một khối thống nhất mạnh mẽ từ trong lịch sử đến hiện tại, vượt qua mọi thử thách cam go nhất thì đó chính là ý thức về nguồn cội. Nguồn cội tổ tiên duy trì huyết mạch “Lạc Hồng” trong tâm can người Việt.

 Chưa có duyên được gặp GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng, nhưng với đặc thù công việc ở một trường chính trị của tỉnh (Thanh Hóa), tôi được đọc những tác phẩm của ông. Ấn tượng đầu tiên khi đến với những công trình nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học của Đinh Xuân Dũng đó là sự hữu ích, cần thiết cho bản thân trong việc góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và hệ thống tri thức phục vụ công việc.Những thu nhận ấy có dịp được ứng dụng, phát huy trong môi trường lí luận chính trị mà tôi đang trực tiếp tham gia hoạt động.

GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng sinh năm 1945 tại Nghệ An. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị; Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4) và Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (Phó Chủ tịch chuyên trách). Ở tuổi 75, GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng đã cống hiến trọn vẹn sức lực và trí tuệ của mình cho nền khoa học xã hội nhân văn nước nhà, đồng thời trong vai trò một nhà quản lí văn hóa văn nghệ, ông đã tham góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đảng trong việc hoạch định đường lối chính sách văn hóa văn nghệ Việt Nam. Nhìn lại những đóng góp của ông trên lĩnh vực lí luận văn hóa văn nghệ, qua những vấn đề cụ thể và bao quát trong cuốn sách Văn nghệ với người lính và thời cuộc (Nxb Lao động ấn hành năm 2018, sách đạt giải A - Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm của Bộ Quốc phòng), chúng ta có dịp suy nghĩ sâu hơn về những đúc kết quan trọng suốt một đời tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Đinh Xuân Dũng, đặc biệt là vấn đề văn học nghệ thuật và người lính trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những vấn đề mà Đinh Xuân Dũng nêu lên thực sự vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuốn sách. Đó là những vấn đề then chốt, trọng yếu về tình hình văn hóa văn nghệ ở Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật, những mảng đề tài có tính trung tâm trong đời sống xã hội, văn hóa, văn học (nguồn gốc dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam, người lính và chiến tranh cách mạng, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự hình thành nhân cách con người Việt Nam, đổi mới giáo dục và những giá trị cốt lõi nằm trong chương trình đào tạo…). Với nhiều vấn đề lớn như vậy, một bài viết nhỏ e rằng khó có thể bao quát được một cách thấu đáo. Một trong những vấn đề đặt ra từ cuốn sách mà bản thân tôi quan tâm nhất, là mẫu hình bộ đội Cụ Hồ đặt trong tương quan với mẫu hình nhân cách con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại. Qua những phân tích, luận giải của Đinh Xuân Dũng, anh bộ đội Cụ Hồ từ một biểu tượng đã trở thành một mẫu hình nhân cách, có ý nghĩa quân sự, văn hóa, xã hội sâu rộng.

Nếu ai đó đặt ra câu hỏi về tinh thần đoàn kết của Việt Nam, về khả năng quy tụ thành một khối thống nhất mạnh mẽ từ trong lịch sử đến hiện tại, vượt qua mọi thử thách cam go nhất thì đó chính là ý thức về nguồn cội. Nguồn cội tổ tiên duy trì huyết mạch “Lạc Hồng” trong tâm can người Việt. Đó là ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào” đã in sâu trong truyền thống của dân tộc ta. Gợi lên vấn đề nguồn cội sức mạnh dân tộc, Đinh Xuân Dũng một lần nữa khẳng định chân lí và giá trị của những cố kết cộng đồng trong lịch sử, văn hóa Việt Nam. Điều đó cần phải được xem là động lực, là di sản của mỗi người và của cả dân tộc. Thực tiễn lịch sử Việt Nam, suốt chiều dài dựng nước, giữ nước đã minh chứng cho sức mạnh cội nguồn ấy. Và, sự thực như Đinh Xuân Dũng đã cảm nhận và chỉ ra, sức mạnh Việt Nam không chỉ đến từ những người đang sống mà là sự kết hợp của truyền thống và hiện tại, của cả những linh hồn đã khuất vẫn đồng hành cùng tâm thức nhân dân: Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về (Đất nước - Nguyễn Đình Thi); Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta… (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Một dân tộc luôn bị ám ảnh bởi chiến tranh, thiên tai, dường như đã biết cách để vượt qua mọi thử thách nguy nan bằng việc kết hợp tất cả sức mạnh vật chất - tinh thần, hữu hình - vô hình trong đời sống của mình. Sức mạnh đoàn kết, tổng hợp ấy hiện thân trong sức mạnh của các vị thần trừ thiên tai, địch họa, các thần trấn ải hay giúp dân lao động sản xuất. Sức mạnh ấy thể hiện trong những chiến thắng oanh liệt của nhân dân khi đối đầu với cường địch. Nghĩ về cội nguồn dân tộc, trong dòng chảy bất diệt của tinh thần đoàn kết, ý chí một lòng vì đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc, ngày hôm nay chúng ta thấy hiện lên phẩm chất ấy ở hình tượng bộ đội Cụ Hồ. Một lẽ giản đơn mà thành chân lí, đó là bộ đội Cụ Hồ đã thể hiện rõ tinh thần, sức mạnh, vẻ đẹp của dân tộc kết tinh suốt hàng ngàn năm lịch sử. Có lẽ vì thế, Đinh Xuân Dũng đã chọn vấn đề cội nguồn dân tộc để mở đầu cho công trình tâm huyết của mình - Văn chương với người lính và thời cuộc.

Đinh Xuân Dũng là một người lính, một nhà khoa học, nhà quản lí văn hóa văn nghệ. Những vấn đề ông đặt ra liên quan mật thiết đến công tác tư tưởng văn hóa văn nghệ của Đảng và của quân đội. Nhiều năm gắn bó với công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội, thấm nhuần đường lối cách mạng của Đảng, ông hiểu rằng, chất lượng chính trị là “vấn đề căn bản” trong đấu tranh cách mạng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Bác Hồ và Đảng ta đối với công tác tuyên truyền, chính trị. Bác Hồ đúc kết “người trước, súng sau” nghĩa là nhấn mạnh công tác tư tưởng, chính trị phải đi trước bạo lực cách mạng. Trạng thái tinh thần của quần chúng (như lời Lênin chỉ ra) chính là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Ý thức rõ tầm quan trọng của tư tưởng đối với con người cũng như trạng thái tinh thần của quần chúng đối với cách mạng, một trong những vấn đề được Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh là công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội. Có thể nói, công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội, cụ thể là công tác Đảng, công tác chính trị làm nên sức mạnh thống nhất từ trên xuống dưới của quân đội ta. Cốt lõi của tinh thần, tư tưởng này là sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu hiểu, thông suốt mục tiêu, lí tưởng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam. Quá trình xây dựng tư tưởng - chính trị trong quân đội là sự bén rễ của lí tưởng cách mạng vào từng con người, trở thành bản chất, thành ý thức hệ, thành tình cảm của mỗi người. Kết tinh của quá trình này là hình ảnh anh Vệ quốc quân, Giải phóng quân mà đỉnh cao là “bộ đội Cụ Hồ” - biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Không chỉ là hiện thân của một thời đại, bộ đội Cụ Hồ là hiện thân của sức mạnh Việt Nam từ trong lịch sử, khi quân dân gắn bó một lòng, một ý chí, lấy lợi ích của dân tộc làm căn cốt. Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ được Đinh Xuân Dũng đặt trong tương quan dài rộng với biết bao thế hệ dân binh, nghĩa binh đã đứng lên bảo vệ non sông đất nước trong suốt hàng ngàn năm qua. Tại đó, “bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là cách gọi tên mà thực sự đã trở thành “danh hiệu”, một “vinh dự lớn” của mỗi người chiến sĩ nhân dân. Để có được vinh dự ấy, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đã không ngừng nâng cao phẩm chất cách mạng, “gắn chặt nhận thức chính trị với tình cảm cách mạng, với năng lực trí tuệ, định hướng hành động” (Văn chương với người lính và thời cuộc, tr. 33). Các cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là những hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy quá trình phấn đấu hoàn thiện không ngừng của mỗi người cán bộ, chiến sĩ. Sức mạnh của quân đội, môi trường văn hóa quân sự, truyền thống hào hùng của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu không ngừng được nâng cao trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng, cống hiến. Đinh Xuân Dũng là một người lính, gắn bó với quân đội hơn 20 năm, và có lẽ, kể cả khi ông không khoác lên mình bộ quân phục, phẩm chất người lính trong ông vẫn luôn được duy trì, như là cách thế để sống ở đời. Ông nhận ra, “Bộ đội Cụ Hồ là những chiến sĩ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản. Trung thành với Đảng cũng là trung thành với Tổ quốc Việt Nam” (Văn chương với người lính và thời cuộc, tr. 42). Sự trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, sự cống hiến hết mình cho dân tộc, nghĩa tình đồng chí đồng đội, ý thức kỉ luật và tinh thần không ngừng học tập để hoàn thiện… có thể nói là những phẩm chất ưu tú của bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất, danh hiệu, vinh dự đó đã trở thành một mẫu hình nhân cách, một thành quả ưu việt của chiến lược “trăm năm trồng người” mà Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn.

Một trong những vấn đề trọng yếu, có tính chất “thượng tầng” trong việc xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật trong quân đội nói riêng, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ chính là “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ”. Như trên đã trình bày, Đinh Xuân Dũng có hơn nửa thế kỉ nghiên cứu văn hóa, văn học và lí luận văn nghệ, nên ông đúc rút được những điều cốt thiết nhất đối với nền văn nghệ do Đảng lãnh đạo. Theo đó, ông chỉ rõ những biểu hiện “sính ngoại”, lệch lạc trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ; những di hại lâu dài của một số khuynh hướng cổ vũ các tác phẩm xấu độc, tiêu cực trong đời sống văn học nghệ thuật; tình trạng xói mòn, hủy hoại nền tảng đạo đức tốt đẹp của dân tộc; lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỉ, thích hưởng lạc, sa đọa, cái xấu, cái ác, cái phi nhân tính… có dấu hiệu gia tăng đang thực sự trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Trong tình hình đó, Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh, cần phải “khẳng định và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, phát huy hơn nữa các giá trị nhân văn, thẩm mĩ của dân tộc, “tỉnh táo đặt ra yêu cầu mới về tầm nhìn xa, về năng lực lãnh đạo, về khả năng thấu hiểu và nắm vững các quy luật đặc thù trong lĩnh vực này để có thể lãnh đạo, chỉ đạo đúng và trúng” (Văn chương với người lính và thời cuộc, tr. 205). Lãnh đạo đúng và trúng, thể hiện tầm nhìn và sự thấu hiểu văn hóa - văn nghệ có lẽ là một luận điểm gan ruột của Đinh Xuân Dũng khi bàn về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ. Biểu hiện của vai trò này trong quân đội chính là công tác Đảng, công tác chính trị được thực hiện đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, các thiết chế chính trị trong toàn quân đến từng cán bộ, chiến sĩ. Có nhiều năm gắn bó với quân đội, đảm nhiệm công tác tại Cục Tuyên huấn, Đinh Xuân Dũng hiểu rõ đặc thù của công tác quản lí văn hóa văn nghệ, nhất là trong môi trường quân sự. Chính vì thế, ông có quan điểm rất xác đáng khi bàn về vấn đề này: “… cần phải lãnh đạo, định hướng cho sự vận động và phát triển của văn nghệ để nó góp phần cho sự phát triển tốt đẹp của dân tộc, đất nước mình. Điều đó cũng có nghĩa là, lãnh đạo văn nghệ không phải là sự áp đặt chủ quan của Đảng cầm quyền, mà trở thành nhu cầu khách quan, không chỉ cho việc thực hiện mục tiêu, lí tưởng của Đảng đó, mà còn vì bản thân sự phát triển đúng hướng, toàn diện, có ích và đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú, lành mạnh của nhân dân, của dân tộc” (Văn chương với người lính và thời cuộc, tr. 198). Quan điểm này thể hiện sự thấu hiểu, nắm rõ quy luật, đường lối cách mạng, văn hóa - văn nghệ ở Việt Nam của Đinh Xuân Dũng. Hai bình diện của một thực tại (sự lãnh đạo của Đảng - đời sống văn hóa, văn nghệ) cần phải được nhận thức một cách triệt để, nhưng hết sức mềm dẻo, hướng tới sự phát triển toàn diện và hữu ích nhất, đáp ứng mục tiêu cách mạng và đặc thù văn hóa, văn nghệ. Từ trong huấn luyện, chiến đấu, lao động sản xuất và hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ càng được khẳng định. Và, văn hóa văn nghệ với đặc thù của mình bám rễ vào đời sống của cán bộ, chiến sĩ tiếp tục làm ngời sáng hơn cội nguồn, sức mạnh dân tộc trong hình tượng bộ đội Cụ Hồ.

Sự lãnh đạo đúng, trúng, tỉnh táo, thấu hiểu và có tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với văn hóa văn nghệ, trong quân đội góp phần hình thành môi trường văn hóa quân sự. Chiến tranh đã lùi xa, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời bình cần được phát huy hơn nữa những khía cạnh mới, gắn với diễn biến mau lẹ, phức tạp của thời đại, đất nước và thế giới. Trong môi trường văn hóa quân sự hôm nay, bộ đội Cụ Hồ ngoài việc phát huy truyền thống cần phải không ngừng học tập để nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, xứng đáng với vinh dự to lớn mà Đảng, nhân dân đã dành cho người chiến sĩ. Bởi thế, sẽ có thêm những phẩm tính mới, những giá trị mới, làm giàu có hơn, sinh động hơn danh hiệu “bộ đội Cụ Hồ”. Một mẫu hình nhân cách, đúng như GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng đã chỉ ra, không phải tự nhiên mà có, không phải ngày một ngày hai mà thành hình. Đó là sản phẩm của một quá trình lâu dài, bền bỉ, có kế thừa, chọn lọc, có chiến lược đầu tư, phát triển đúng hướng. Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự yêu quý, tin tưởng và đùm bọc của nhân dân, sẽ không ngừng lớn mạnh, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ văn hóa, xây dựng kinh tế, làm nhiệm vụ quốc tế. Nghĩ về sức mạnh cội nguồn của dân tộc, về vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, về hình tượng bộ đội Cụ Hồ, chúng ta càng nhận ra rõ hơn một mẫu hình nhân cách cao đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh đã và đang hiện diện giữa đời thường

L.Đ.T

NGUỒN: VNQD

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *