Chân dung văn

7/9
10:43 AM 2020

CÁNH CHIM BIỂN CHỊU NHIỀU BÃO GIÔNG

Phan Bùi Bảo Thi-Thấm thoát cũng đã hơn 20 năm kể từ ngày nhà thơ Hải Bằng rời xa cõi thế để trở về với tiên tổ ông bà. Những ngày chớm thu này, tôi lại ngồi nhớ ông (ông mất ngày 7-7-1998), lật giở lại những trang thơ chép tay mà tôi đã may mắn được ông tặng trong những ngày tháng còn làm sinh viên ở Huế. Đọc lại những trang tự sự ông viết, để thấu hiểu nhiều hơn những gập ghềnh giông bão trong cuộc đời của một thi sĩ đa đoan, nặng nợ với đời, với người, với thi ca nghệ thuật…

Nhà thơ Hải Bằng tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Tôn, sinh năm 1930 tại Huế, ông là con trai của quan quản đạo tỉnh Gia Lai và là chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 trong 13 vị vua của triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, vua Bảo Đại và triều đình nhà Nguyễn làm lễ thoái vị, trao ấn, kiếm và quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những ngày ấy, người dân xứ Huế hân hoan rạo rực trong niềm vui độc lập. 15 tuổi, cậu thanh niên xuất thân trong một gia đình hoàng tộc là Nguyễn Phúc Vĩnh Tôn cũng hăng hái nghỉ học để ghi tên mình vào danh sách tòng quân. Ngày ấy, vì thân hình nhỏ bé, không đủ cân theo quy chuẩn, nên sau 7 lần đứng nín thở đợi được gọi tên mình trước sân trường Đồng Khánh mà ông vẫn phải lủi thủi quay trở về nhà. Mãi đến sau đó một thời gian, Vĩnh Tôn được một người bạn học mách nước rằng, sở dĩ anh ta được tòng quân là vì anh ta đã lén bỏ một quả cân vào trong túi quần nên mới đủ cân nặng theo quy định. Nghe bạn bày như thế, Vĩnh Tôn quyết tâm thực hiện ngay và y như rằng sau lần ấy tên Vĩnh Tôn đã được ghi vào danh sách nhập ngũ. Sau này trong một hồi ức của mình, nhà thơ Hải Bằng đã viết: “Đúng ngày 10/10/1945, tôi đã thành chú bộ đội đóng quân tại đồn Cuốc-Xi bên góc Tòa Khâm sứ Huế. Ngày ngày, tôi cùng các bạn thay phiên nhau ra đứng gác đầu múi cầu Trường Tiền song song với tên lính “Tàu vàng” gọi là lính đồng minh. Nắm khẩu Mút-cơ-tông tôi đi đi lại lại… cho đến 7 giờ sáng ngày 3/11/1945 thì tôi cùng với các bạn thuộc phân đội 36 nhận lệnh rời Huế để lên xe ô tô ngược đường ra Quảng Trị rồi theo đường số 9 qua Lào giúp bạn đánh Tây…”.

Gần một năm trời chiến đấu trên đất Lào, bước chân Hải Bằng trải dài theo từng vùng đất từ Sê Pôn, Trạc Thộn, Na Còi… rồi nhiều đêm gối đầu trên súng thép, nằm bên bờ suối Na-Mặc-Mi nghe tiếng róc rách để nhớ về xứ Huế những buổi sớm mờ sương. Đầu năm 1946, đơn vị chiến đấu của Vĩnh Tôn được lệnh rút quân về lại Việt Nam. Trở lại mặt trận quê nhà, anh bộ đội dòng dõi hoàng tộc Vĩnh Tôn được biên chế về đơn vị trinh sát thuộc Tiểu đoàn 16 đóng quân ở khu C, gần dốc Bến Ngự. Một thời gian sau đó, mặt trận Huế bị vỡ, ông lại khoác ba lô theo đoàn quân cách mạng lên rừng rồi ra miền Bắc…

Là thế hệ con cháu, nhưng những năm tháng còn làm sinh viên ở Huế, người viết bài này đã nhiều lần đến nhà và được nhà thơ Hải Bằng thân tình tiếp chuyện. Trong vô số những câu chuyện về cuộc đời và văn chương ngày ấy, thỉnh thoảng ông vẫn nhắc lại cái hành trình nhiều trắc trỡ của đời mình. Ông kể: Sau khi rời Huế để lên rừng, đơn vị của ông đã hành quân đi bộ ra vùng Quảng Trị, rồi từ đó mới đi tàu ra Vinh. Ở đó, ông được điều về công tác ở đoàn cơ giới hóa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì ông bị ốm nên phải đi điều trị ở Quân y viện Bạch Ngọc đóng trên đất Đô Lương (Nghệ An). Ra viện, ông tiếp tục được chuyển đến công tác ở Ban chính trị với nhiệm vụ là chuyên động viên thương bệnh binh và đây cũng là thời kỳ ông bắt đầu bén duyên với văn chương, nghệ thuật, là giai đoạn những sáng tác (thơ) đầu tay của ông được ra đời. Năm 1947, ông được thuyên chuyển về công tác ở Ban chính trị Liên khu 4, ở đoàn văn công cùng với: Bửu Tiến, Phạm Duy, Thái Thanh, Trúc Quỳnh… Công tác ở đoàn văn công được một thời gian không dài thì ông lại được cấp trên điều sang công tác ở báo Chiến sĩ (Tiền thân của báo Quân đội Nhân dân sau này). Đến đơn vị mới, ông được công tác cùng với những người đã có tên tuổi như nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ Hữu Loan… nhận thấy ông là người có năng khiếu nghệ thuật, vì vậy nhà thơ Hữu Loan đã cử ông tham gia học lớp văn nghệ quân đội khóa đầu tiên vào năm 1948 do tướng Nguyễn Sơn tổ chức ở thôn Bàn Thạch, cùng với Đình Quang, Mặc Hy, Hải Hồ… Những ngày đó, ông đã cùng với những người bạn học của mình tổ chức ra tờ báo tường hàng ngày và những tác phẩm đầu tiên của ông và bạn bè đều được đăng trên tờ báo tường ấy. Năm 1949, ông ra trường và quay trở lại công tác trên chiến trường Bình Trị Thiên. Trong hành trang quay trở lại chiến trường xưa của ông ngày ấy còn có bằng chứng nhận hai giải nhất về thơ và hội họa. sau này ông vẫn hay nói “mình làm báo trước khi sáng tác thơ và hội họa, làm thơ là việc của con tim, khối óc, nhưng mình trở thành nhà thơ là do cách mạng “phân công”, vì con đường mình đến với nghệ thuật là con đường cách mạng…”.

Có thể nói rằng, cuộc đời cũng như con đường nghệ thuật của Hải Bằng đã trải qua quá nhiều khúc quanh gập ghềnh giông bão. Công việc bị chuyển đổi liên miên, từ cán bộ văn hóa đến anh công nhân sắp đá làm đường, như thế mà ông vẫn vui. Nhiều thời điểm trong đời, những bài thơ của ông đã đưa ông đến những cảnh tình thậm khổ. Những câu thơ của ông ngày trước đã bị người ta mang ra mổ xẻ, rồi quy chụp cho ông là “thế này, thế khác”, ông bị “đánh” đến “lên bờ, xuống ruộng”, ấy vậy mà ông vẫn vui, vẫn bình thản sống, bình thản sáng tác trong nỗi nhọc nhằn của thân phận.

Trong đời thơ của mình, Hải Bằng đã viết đến hàng nghìn bài thơ, đã in đến 13 tập sách, nhưng trong số đó có một bài thơ ông không đưa vào in trong bất cứ tập sách nào của mình. Đó là bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp, đây là bài thơ đã làm cho tên tuổi của ông vang danh khắp vùng chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng, Gio Linh, Cam Lộ… nhưng đây cũng là bài thơ đã làm cho ông “lao đao lận đận” suốt một thời gian dài vì bị cho là “thương vay khóc mướn”, “rung động trước cái chết của quân thù”… Bài thơ này là một kỷ niệm không thể phai mờ trong cuộc đời và hành trình sáng tạo văn học của ông. Sinh thời, ông vẫn thường kể cho các thế hệ đàn em nghe về kỷ niệm này: Mùa hè năm 1952, ông theo bộ đội Trung đoàn 95 ra trận phục kích đoàn quân Pháp tiếp tế quân lương, đạn dược cho cứ điểm Nam Đông vùng Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau trận đánh đó, quân ta bắt được một số tù binh, trong đó có một nữ cứu thương người Pháp còn rất trẻ. Quân Pháp đã bắn ca-nông vào ngay trận địa của quân ta, làm cho một số bộ đội bị tử trận trong số đó có cả cô nữ cứu thương người Pháp. Những người lính của Trung đoàn 95 đã tìm thấy trong hành trang của cô nữ cứu thương ấy có một bức thư còn thơm mùi mực của mẹ cô từ Pháp mới gửi sang nhắn rằng “con hãy về với mẹ”. Xúc động trước thân phận của một người con gái bị ném vào cuộc chiến tranh tàn khốc và phi nghĩa này, chàng Vệ quốc đoàn dòng dõi hoàng tộc 22 tuổi (lúc này lấy bút hiệu là Văn Tôn) đã thức trắng đêm để viết nên bài thơ dài 56 câu (14 khổ) và xem đó như một nén nhang thắp cho người xấu số. “Chiều nay tiếng súng anh ngừng nổ/ Thấy xác em nằm giữa cỏ tranh/ Anh đắp cho em mền trấn thủ/ Còn đâu nhìn thấy mắt xanh xanh/ Bên xác còn nguyên tờ giấy mỏng/ Ngậm ngùi anh nhặt đọc dòng thư/ Thư buồn mẹ nhắn con về nước/ Anh biết nhà em cũng xác xơ…”. Làm xong bài thơ, ông đã đọc cho các chiến sĩ trong đơn vị mình nghe, những câu chữ mộc mạc, da diết của bài thơ đã làm cho nhiều người thực sự xúc động. Ngay sau đó, bài thơ được chép tay, được học thuộc lòng và lan truyền một cách nhanh chóng trên dọc dài mặt trận Trị Thiên. Không những các chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc nằm lòng bài thơ mà ngay cả lính ngụy đóng trong các đồn cũng chuyền nhau chép tay và học thuộc. Sau này, khi nói về bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp của Hải Bằng. Nhà thơ Ngô Minh đã viết: “Đây là lần đầu tiên trong văn chương cách mạng Việt Nam có một tác phẩm viết về “kẻ thù”, nhưng không ở mức độ phản kháng, chống đối mà ở sự “thương xót” cho số phận con người và lên án chiến tranh. Vì thế bài thơ có tầm nhìn nhân loại lớn, cách nhìn chiến tranh rất nhân văn và nhân đạo…”.

Nội dung bài thơ đã được nhà thơ nói rất rõ là cô nữ cứu thương người Pháp bị Vệ quốc đoàn bắt, nhưng rồi cô bị chết bởi chính đạn ca-nông của quân Pháp, vì vậy mà sự căm hờn càng tăng lên “Bắt em súng anh ngừng không bắn/ Nhưng súng quân thù lại giết em/ Chúng bắn ca-nông vào giữa trận/ mắt xanh nhắm lại xác nằm im…”. Sau trận đánh ấy, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã đắp cho cô nữ cứu thương xấu số một nấm mộ đàng hoàng nơi chiến khu: “Rằng các anh là vệ quốc đoàn/ Chiều nay thắng trận tiếng hò vang/ Em được đắp dày ngôi mộ mới/ Anh ngừng tay cuốc: Giận… buồn… thương…”.

Bài thơ này cũng đã được nhà văn Nguyễn Khắc Thứ dịch ra tiếng Pháp để chuyển cho những hàng binh Com-Măng-Đô đọc, nhiều người lính xa xứ ấy đã khóc ngon lành, bài thơ được nhiều người ngợi khen là có tinh thần quốc tế rộng lớn. Tuy nhiên, những câu thơ tự sự da diết ấy cũng đã làm cho một số lãnh đạo cực đoan lúc bấy giờ cho rằng “Quan điểm địch-ta trong bài thơ không rõ ràng”, tác giả bài thơ là Vệ quốc đoàn nhưng “không biết căm thù giặc”. Mặc dù đã được nhà thơ Vĩnh Mai bày tỏ ý kiến bênh vực nhưng trong thời gian ấy tác giả bài thơ cũng không tài nào tránh khỏi nỗi “lao đao, lận đận”…

Năm 1957, đang hoạt động cùng đơn vị ở chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), ông được một người bạn từ Hà Nội vào mang đến một niềm vui, đó là chiếc thẻ Hội viên Hội Văn nghệ Việt Nam mang tên ông do nhà văn Nguyễn Tuân ký. Năm 1958, do ông có thơ và tranh minh họa in trên báo Nhân Văn, nên bị kỷ luật. Ông bị “phát vãng” về Quảng Bình. Mấy năm liền ông thui thủi sống bằng nghề câu cá trên dòng sông Loan thuộc vùng biển Cảnh Dương. Một vài năm sau, ông được gọi đi làm việc ở Ty văn hóa Quảng Bình và được phiên chế về bộ phận phát hành sách. Ngày ngày, ông đạp xe đạp đi vài chục cây số để làm nhiệm vụ bán sách để nuôi mộng làm thơ. Năm 1965, lúc này tình hình chiến tranh vô cùng khốc liệt, ông đã tìm tòi tài liệu, nghiên cứu thông tin viết nên bài thơ Cồn Cỏ để ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của những chiến sĩ đang ngày đêm giữ đảo. Làm xong bài thơ, ông đưa cho nhà thơ Văn Dinh đọc trước. Văn Dinh đọc xong phán ngay rằng: “cậu chưa ra Cồn Cỏ thì biết gì về ngoài ấy mà viết, cậu không thực tế chút nào, suy nghĩ để viết cái gì đó sát với thực tế đi…”. Tuy thế, nhưng khi nhà thơ Xuân Diệu vào thăm đất lửa Quảng Bình, có dịp đọc bài thơ Cồn Cỏ thì Xuân Diệu lại xúc động và ngợi khen. Kết quả là bài thơ ấy đã được giải trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm đó. Từ đây, bút danh Hải Bằng mới chính thức xuất hiện dưới nhiều bài thơ và tác phẩm tạo hình. Về sau này, khi ông đã là một nhà thơ nối tiếng, rất nhiều người trong đó có tôi tình thật muốn biết vì sao chàng trai hoàng tộc Nguyễn Phúc Vĩnh Tôn lại chọn cho mình bút danh là Hải Bằng? Ông giải thích: Ở biển có con chim báo bão, vốn được xem là biểu tượng của biển cả. Vì ông rất thích con chim bằng ấy mà đã chọn cho mình bút danh là Hải Bằng.

Sau ngày 30/4/1975, Hải Bằng trở lại quê nhà và tiếp tục công tác ở ngành văn hóa thông tin tỉnh Bình Trị Thiên và sau này là tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong suốt một quãng thời gian dài từ đó cho đến ngày ông rời xa cõi thế, Hải Bằng luôn là một kẻ nô bộc của nghệ thuật, một con người tận hiến với thi ca. Ông đã in 13 tập thơ với rất nhiều thể loại, hàng trăm bức tranh và tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng rễ cây của ông đã có dịp trình diễn cùng công chúng. Ông luôn là một người bạn tốt, cao thượng và thẳng thắn đối với bạn bè cho dù đồng niên hay vong niên…

Đã hơn 20 năm, cánh chim biển chịu nhiều bão giông ấy không còn bên người thân và bè bạn nữa, nhưng những câu thơ nặng nỗi tình đời và những câu chuyện về ông, thi sĩ Hải Bằng vẫn luôn còn mãi với những người còn sống…

Nguồn Văn nghệ số 35+35/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *