Chân dung văn

18/8
12:15 PM 2020

“BẾN LẠ” CỦA ĐỜI…

Đỗ Quyên-Thơ Đặng Đình Hưng chỉ là một ví dụ đẹp của quy luật muôn đời. Trong cái đẹp thường có cái đau. Hay ngược lại, cái đau cưu mang cái đẹp, thì cũng vậy thôi. Nói về phong cách, các sáng tác văn học của Đặng Đình Hưng rất kỳ khôi, rất khó hiểu, ngay cả trong giới trong nghề.

Chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời, hoạt động nghệ thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm sáu tập thơ. Dù về kiến văn, tiên sinh là bậc cao thủ, không chỉ thi ca mà - trước tiên - nhạc, rồi họa, kiến trúc... Văn hóa Đông-Tây ăn ở chung tình trong con người đó!

Văn nghiệp truân chuyên mà dần dần tỏa sáng. Một bất hạnh cho Đặng Đình Hưng, và thường thấy ở các tài năng lỗi nhịp, là sinh thời tất cả các thi phẩm của ông đều chưa được công bố rộng rãi trong công chúng, ngoài sự lưu truyền giữa một số bạn văn nghệ hợp gu. Chỉ đến khi có vài trích đoạn được in trên báo chí vào dịp ông qua đời, thì văn giới và công chúng mới được kinh ngạc trước một tính cách thơ lôi cuốn với thi pháp có một không hai. Nhưng rồi, ngay cả khi đã hiển lộ và gần như không còn bị ngăn cách bởi thời thế, thơ Đặng Đình Hưng vẫn như thi sơn cô lập. “Cái quan” chưa hẳn “định mệnh”.

Nói về phong cách, các sáng tác văn học của Đặng Đình Hưng rất kỳ khôi, rất khó hiểu, ngay cả trong giới trong nghề. Một không gian thi ca, một thời gian thi ca mang vẻ đẹp siêu thực sao mà thô ráp gần gụi, vừa hiện đại ở cách thể hiện vừa đau đớn ở cảm xúc muôn thuở. Tất cả, sóng sánh những niềm tin cuối cùng vào chân - thiện - mỹ. Như một niềm tin lành lặn mà lẻ loi.

Hãy thử nhìn lại một thoáng về hai sáng tác quan trọng nhất đã được công bố của Đặng Đình Hưng. Mà đến nay, sau 30 năm, vẫn còn đó uốn lượn những dấu hỏi đầy hứng thú cho văn đàn và độc giả.

*

Tập di cảo mang tên Bến Lạ, năm 1991 - ngay sau khi thi sĩ qua đời một năm - được nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu “như là thể nghiệm thơ của Đặng Đình Hưng. Thực vậy, lúc đó cách viết của Bến Lạ hoàn toàn chưa quen thuộc với bạn đọc. Nếu không nói là lần đầu tiên thi đàn Việt Nam đương đại có một “thứ thơ” kỳ cục mà sang trọng đến vậy! Với thời gian và với quy luật sáng tạo chân chính, tập thơ Bến Lạ dần hé ra một tâm tư chân thành không hề xa cách với những ai biết rung động.

Thế rồi sau đó, như những tiếng gà gáy gọi báo bình minh, cùng hình thức thể nghiệm tương tự Bến Lạ của Đặng Đình Hưng, công chúng thi ca lại được biết thêm một số tập thơ cũng cực kỳ khó hiểu mà lại vẫn sang cả của Trần Dần, như tập Mùa Sạch xuất bản năm 1998. Đến hôm nay, có tới cả dăm chục tác giả thành danh và đang thành danh ở trong và ngoài Việt Nam đã là chủ nhân của các sáng tác theo những khuynh hướng - tạm gọi chung là “hậu hiện đại” - đồng điệu đồng cảm với Đặng Đình Hưng và Trần Dần; ít nhất về tâm thức sáng tạo. Tuy thế, nói cho ngay, chỉ riêng về mặt ngôn ngữ thi ca nói riêng và sử dụng tiếng Việt nói chung cũng chửa thấy một ai qua mặt hai vị tiền bối.

Bến Lạ được thai nghén chắc hẳn từ đã lâu và bản thảo ra đời khi tác giả qua tuổi 60 trên giường bệnh. Từ khung cảnh chật chội cầm tù thân xác, thi sĩ thủng thẳng bước vào thế giới nội tâm vô tận. Bài thơ dài, chảy trong không gian nghệ thuật như vậy rất hợp với Đặng Đình Hưng, vì toàn bộ thi liệu nơi ông là chuỗi độc thoại trong sự cô độc bất di san bằng, bất khả san sẻ. Nói nôm, người thơ ở thế chân tường. Tường của thơ ca. Tường của đời thường. Bên kia tường là… bến lạ. Tất nhiên thôi, “quay đầu là bờ” là bến. Bến của riêng Đặng thi nhân. Nó luôn là lạ với chính chủ. Càng lạ với nhân quần bá tánh.

Đây, những câu thơ bảng hiệu Đặng Đình Hưng vẫn nằm lòng những người yêu thơ từ đó tới nay:

“Vâng, tôi chán Bến Lạ

Tôi già rồi

Tôi không làm jì được quyển lịch”.

Tứ không lạ lắm. Thể hiện tự nhiên. Diễn ngôn trực tiếp. Lặp ba chữ “tôi” trong ba câu ngắn tí. Lối nói đặc trưng người già Bắc kỳ dề dà ca cẩm chì chiết... Tất cả bình thường. Ngay cái lối viết lạ “” là điểm nhấn của đoạn thơ (cũng là thủ pháp trong toàn tác phẩm), nếu trở về “” cũng vẫn không làm mất đi tâm thế dễ thấy ở thơ Đặng Đình Hưng: bất lực trong mộng tưởng. Từ khóa của ba câu thơ là “Bến Lạ”, tất nhiên rồi. Một cách thơ hóa sự lực bất tòng tâm trước ông lão Thời gian.

Cảm xúc ở phút cuối cùng bên bến bờ sinh tử. Ông già có tên Hưng không hề thấy cái chết đón chờ thân xác mình. Mà thấy đang có Một Bến Lạ đợi chờ một thi sĩ họ Đặng, dù thi sĩ đâu có ham.

Với thi - bệnh - nhân kỳ lạ mang hồ sơ Đặng Đình Hưng, nếu ba câu thơ trên thuộc về cực trầm cảm thì sáu câu thơ sau ở cực hưng phấn của chứng cảm xúc lưỡng cực/ bipolar (mà bất kỳ nhà thơ thứ thiệt nào cũng mắc dính ít nhiều). Họ Đặng là nhà thơ thứ thiệt và “thứ dữ”:

“Bến lạ ngay gầm jường

mưa to ngay ở gầm bàn

và trong hòm mọi con người

 chở một con tàu navir trọng tải

những hình thù Hồng hải căng lên

những cái yếm mùi nồng của

đám cưới năm ngoái hong ra

khoe và đã đi – những cột đèn

đứng lại.”

Bốn câu đầu quả là đặc biệt, không ít thi sĩ thứ thiệt có thể làm đồng tác giả. Song hai câu cuối chỉ có nơi Đặng Đình Hưng. Thi bá, thi hữu cùng hoạn nạn - Hoàng Cầm lãng mạn hơn, dân gian hơn, viết về “yếm” ắt là “nồng” hơn nhưng chắc không thể cho nó “hong ra” để “khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại.” Chỉ ở Đặng Đình Hưng.

Ấy thế, một thi bá khác cũng bạn thơ, là Trần Dần - người có lưỡng cực cảm xúc đồng điệu đồng hành với Đặng Đình Hưng - vẫn có thể là tác giả các câu thơ trên. Cùng ở cực hưng phấn này Đặng Đình Hưng cũng có thể viết các lời thơ bảng hiệu Trần Dần: “Hãy sống như / những con tàu / phải lòng / muôn hải lý / Mỗi ngày / bỏ / sau lưng / nghìn - hải - cảng - mưa - buồn!”

*

Thi phẩm thứ hai đã được ra mắt với đời của Đặng Đình Hưng là Ô Mai, do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tại Hà Nội năm 1993. Đó cũng là sáng tác cuối cùng của ông, hoàn thành không lâu sau Bến Lạ. Chính người bạn tri âm tri kỷ là Hoàng Cầm đã viết bài giới thiệu có nhan đề Thư Gửi Người Âm.

Tập Ô Mai như tác giả tự gọi là Roman poem, có thể hiểu là tiểu - thuyết - thơ; và đúng như đánh giá của nhà thơ, nhà phê bình Hoàng Hưng. Rằng Ô Mai mang một hình thức đặc biệt, có lẽ chỉ có riêng ở tác giả và cũng chỉ xuất hiện một lần: trên nền một độc thoại nửa thơ nửa văn xuôi, hiện lên câu chuyện tình hư hư thực thực với những đoạn hát đôi của nhạc kịch, xen kẽ là những tùy bút đầy không khí và những đối đáp lý thú về công việc sáng tạo mà ông gọi là “thể ngiệm”” (Lời giới thiệu sách Ô Mai)

Người ta đã bàn cãi nhiều. Tất nhiên. Và thi giới Việt Nam còn cần trở lại tranh biện thêm về “hiện tượng Ô Mai” sao cho học thuật hơn nữa, thi ca hơn nữa, thay cho chủ yếu đọc Ô Mai vì Đặng Đình Hưng. Cần phải đọc Ô Mai vì Ô Mai. Trả tác phẩm về văn bản của nó. Có thể tham chiếu bằng lai lịch tác giả, chứ không phải theo lý lịch tác giả.

Nếu lấy các chuẩn mẫu nhận định thông thường, về nội dung, tư tưởng, đề tài, thể loại... với sáng tác thơ này khó có thể trích ra một câu, một đoạn để minh họa. Chúng sẽ “vô nghĩa toàn phần” trong con mắt, cảm nhận và lý trí phê bình khi so đo với các tác phẩm thơ thông thường. Tức là Ô Mai phá hủy chuẩn mực trên gần hết tiêu chí văn học từng có.

Có cái gì không thơ và cái gì thơ trong trích đoạn sau, mở đầu chương 1 của tiểu - thuyết - thơ của Đặng Đình Hưng?

“Lần này không ngồi ở jữa chợ, ồn. Anh lui vào một quán không nhìn thấy, mà từ quán nhìn thấy các dòng đi - xe - người - những cái rổ rá - mớ rau - như thể một fông động. Thú, cực thú! có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay.

Nếm cả một cái chợ không fải là chuyện dễ. Fải có một động cơ cực mạnh: Thèm. Có thèm mới ăn được. Kiểu nhà thơ, người ta ăn tái.

ăn tái bình minh

ăn tái buổi chiều

ăn (ràu rạu) cả mặt trời”

Đấy vẫn còn là một trích đoạn hiểu được, có nghĩa. Nhiều câu, đoạn, trường đoạn trong Ô Mai rất “quái”, tưởng như vô ý tứ, thậm chí lệch ngữ nghĩa tiếng Việt, nếu đọc theo kiểu nhảy dù, tách chúng ra khỏi khung cảnh tác phẩm. Tức là khó có thể biết các câu, đoạn, trường đoạn đó có ẩn dụ nghệ thuật gì. Thế nhưng, toàn bộ tác phẩm vẫn đủ đầy ba tiêu chí thuộc về bản chất thi ca: cảm xúc mãnh liệt; tưởng tượng phong phú và câu chữ chảy theo một nhịp điệu riêng. Đa số các nhà phê bình chuyên nghiệp cho rằng thơ Đặng Đình Hưng góp phần làm đa dạng tiếng Việt, bằng hình thức ngôn ngữ trữ tình mang dáng vẻ nửa dân dã nửa trí thức.

Về mặt tâm lý sáng tạo, Ô Mai là “thể nghiệm cuối cùng” về nỗi “cô đơn toàn phần” của thế giới Đặng Đình Hưng. Mang nặng nỗi niềm nhân bản khao khát tình thương giữa hai đối tượng nam nữ mỗi người một thân phận cô độc khác nhau, dòng thơ lạ lùng ấy đã hướng người đọc đến lối siêu thoát mà nhà thơ may mắn rẽ vào ở cuối đoạn đời bi thương. Cả thơ lẫn người - tác giả và nhân vật trữ tình. Kết thúc đẹp và đau.

May sao, nhìn và đọc đoạn chót của Ô Mai vẫn thấy… thơ:

“Mùa hương đi tóc xanh

mắt xanh

tình xanh

đi nơi xanh

rừng xanh

tìm xanh

tìm anh!”

*

Đặng Đình Hưng từng có hai câu thơ quá đỗi tân kỳ, bạt mạng phong thái Âu châu mà rất chi là bình dị, chân chỉ dân Việt nước Nam:

Tôi đi xa ra phố nửa giờ

Tìm một cái ao ngồi giặt áo

cả ngày…”

Nghịch lý đến mức giản đơn. Hai cái hiện thực tầm thường, ghép lại nhau, vụt trở nên “thoát thực”. Chỉ có thi ca mới có thể. Chỉ có thi ca Đặng Đình Hưng mới có thể.

Không thơ - ca chút nào mà thơ - ngây tột cùng. Ngay với những người không sính thơ thẩn, có lẽ cũng cảm thấy ở hai câu thơ có gì đó nếu không ngồ ngộ thì cũng hay hay, và… tội nghiệp?

Chúng ta cứ nhẩn nha đọc chậm, đọc khẽ; rồi sẽ thấy ánh lên một tín hiệu nghệ thuật chân xác về tư chất của tác giả, và cũng như của các văn hữu khác đồng điệu “quai quái” - những người chỉ thích “đi xa ra phố nửa giờ/ Tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày”.

Đặng Đình Hưng, thi – nhân - bến - lạ hãy yên lòng! Ông không còn là Thi Sơn cô đơn với bạn đọc thơ tiếng Việt.

Nguồn Văn nghệ số 33/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *