TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: VỤ ÁN HỒ DUY HẢI – MỘT VỤ ÁN NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY KHUẤT TẤT
VỤ ÁN HỒ DUY HẢI – MỘT VỤ ÁN NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY KHUẤT TẤT
Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải, nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa đã thẳng thắn thể hiện quan điểm về quyết định này. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ:
- Tôi không bênh Hồ Duy Hải, cũng không khẳng định cậu ấy vô tội. Nhưng để kết tội rồi tử hình cậu ấy, mà tử hình đến ba lần, thì phải có bằng cứ. Ngay cả
những người dân bình thường, bằng suy luận thông thường cũng thấy rất khó tin cậu ấy giết người, vì chẳng có lý do gì để cậu ấy giết. Cậu ấy không phải người yêu của cô Hồng, cô Vân, không có cớ gì để phải ghen tuông, dẫn đến một hành động mù quáng. Cậu ấy cũng không nghiện ma tuý, không phải kẻ ngáo đá để có những việc làm mất kiểm soát. Còn bảo cậu ấy giết người vì thua cược bóng đá thì cũng không thuyết phục. Muốn cướp của thì phải chọn người có của chứ không ai chọn hai cô hợp đồng làm công ăn lương nghèo nhếch ở một bưu cục cấp xóm cấp phường. Hơn nữa lại giết người vào lúc 7 giờ, 7 rưỡi tối, là cái lúc bưu điện vẫn đang làm việc, người ra kẻ vào nườm nượp thì giết thế nào? Làm sao có thể giết người vào thời gian đó được. Người ta muốn đẩy thời gian lên để giải cứu cho ai đó thành ngoại phạm, nhưng lại rất vô lý vì chính cái yếu tố thời gian ấy, đến trẻ con cũng không tin được. Vả lại, số tiền cá độ, chỉ có 15 triệu, 20 triệu thì cũng đâu có lớn đối với ngay cả một người nghèo. Gia đình Hải lại không nghèo. Cậu ấy từng cai quản một cửa hàng của bà dì ruột, với số tiền lớn hơn con số ấy rất nhiều mà không thất thoát đến một xu thì làm sao cậu ấy phải giết người vì hơn chục triệu đồng bạc?
-Thưa ông, Viện KSND tối cao cho rằng quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải có quá nhiều sai sót về tố tụng, có những sai sót rất nghiêm trọng, trong khi không có chứng cứ trực tiếp nào xác định Hồ Duy Hải là người đã gây ra cái chết cho 2 nạn nhân. Ông nghĩ gì khi tòa án kết án Hồ Duy Hải tử hình mà không có chứng cứ trực tiếp?
-Chính vì không có chứng cớ thuyết phục mà lại kết tội tử hình, và tử hình đến ba lần ở cả phiên tòa quan trọng mà người dân tin nhất ở sự công minh và đúng đắn, mới thành sự xung chấn trong dư luận xã hội. Từ quán nước vỉa hè đến nơi sang trọng nhất là nghị trường Quốc hội, người ta cũng đều bàn đến vụ án này. Điều quan trọng nhất là những bằng chứng tối thiểu, bằng chứng không thể chối cãi để kết tội Hồ Duy Hải thì lại không có. Đó là dấu vân tay. Không có dấu vân tay nào của Hải ở trong hiện trường. Cơ quan tố tụng đã đưa ra cách lý giải rất trẻ con: Không có dấu vân tay Hải vì Hải đã rửa tay. Cứ cho rằng cậu ấy rửa tay thì có thể xoá được dấu vân tay ở bồn rửa mặt, nhưng còn bao nhiêu dấu vân tay ở các vị trí khác trong khắp hiện trường thì rửa làm sao? Mà trong hiện trường có đầy những dấu vân tay. Chỉ không có dấu vân tay nào của Hải. Đây là vụ án rất đơn giản có thể tìm ra ngay hung thủ, nhưng lại thành phức tạp vì sự khuất tất. Nhìn đâu cũng thấy sự khuất tất. Không ai lại mua hiện vật ở chợ về để làm bằng chứng kết tội một con người. Đến khi người ta phê phán thì lại bảo đấy không phải hiện vật, không phải bằng chứng mà chỉ là vật tương tự để thị phạm. Ô hay, kết tội người ta thì phải có bằng chứng cụ thể, chứ sao lại dùng vật thị phạm? Cách điều tra kỳ dị thế này làm sao ngăn người dân nghi ngờ có sự mớm cung. Rồi lại còn bảo, nếu không giết người sao cậu ấy lại nhận tội, rồi cứ căn cứ vào lời khai, lời nhận tội mà kết tội thì thật kỳ dị, nhất là ở các phiên toà xét xử ở Việt Nam, khi trò bạo hành, mớm cung đã từng xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Hàn Phi Long, ông Huỳnh Văn Nén cũng đã từng nhận giết người đó thôi. Ông Chấn còn bảo: “Suốt cả tháng trời họ cứ bắt tôi phải diễn tập đâm người, giết người rồi lôi xác người như thế nào. Tôi tập thành thạo theo sự chỉ dẫn của họ, rồi họ mới chụp ảnh rồi làm bằng chứng để kết tội tôi”. Thế thì tin sao được bằng cớ với những lời khai có thể được mớm cung như thế? Nguyên tắc xét xử là trọng chứng hơn trọng cung. Chuyện xét xử ở ta từng có những sai phạm nghiêm trọng, và vụ án Hồ Duy Hải là đỉnh điểm của sự tuỳ tiện, khiến Viện Kiểm sát tối cao và Quốc Hội phải vào cuộc.
-Ông nghĩ gì về phát ngôn của Phó chánh án TAND tối cao cho rằng một số vị đại biểu Quốc Hội lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải là “phát biểu không đúng bản chất vụ án, làm phức tạp thêm tình hình…”
-Thế nào mới là phát ngôn đúng bản chất vụ án? Người dân thực sự biết ơn Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Quốc Hội đã vào cuộc trong vụ án rất tai tiếng này để khôi phục và củng cố niềm tin của Dân vào thể chế và nền Tư pháp của chúng ta. Tôi rất ngạc nhiên và bàng hoàng khi ông Phó Chánh án TAND tối cao kết tội cả các Đại biểu Quốc hội, cho là họ đã có những phát ngôn nguy hiểm, do bị tiêm nhiễm luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Làm sao có tư tưởng thù địch nào mà lại chui được vào cơ quan quyền lực cao nhất của chúng ta? Và những đại biểu cao quý như Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân…, những người đại diện cho dân, hết lòng vì dân, luôn được dân yêu quý tin cậy, lại bị tiêm nhiễm tư tưởng của địch được. Chính họ đã khôi phục và củng cố được niềm tin của dân vào chính thể này. Mọi việc rồi sẽ dần sáng tỏ. Tôi chợt nhớ đến bài thơ A Gien đê của nhà thơ Nga nổi tiếng thế giới Epghenhi Eptusenko. A Gien đê là Tổng thống Chi Lê. Có lần người ta trình lên A Gien đê danh sách 100 kẻ được coi là phiến loạn, yêu cầu A Gien đê ký lệnh tử hình. A Gien đê không ký mà yêu cầu phải kiểm tra thật kỹ lưỡng. Bởi vì: “Chỉ một sai lầm thôi, một sai lầm rất nhỏ / Làm chín mươi chín cái đúng kia có thể bị nghi ngờ/ Máu oan khuất đổ trên con đường đúng/ Làm bản thân con đường có thể hóa bùn nhơ…” Chúng ta phải phấn đấu làm sao để hạn chế thấp nhất những oan sai trong công tác tố tụng. Phê phán cái xấu, cái sai, cái không hoàn thiện bao giờ cũng cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác “Phê bình và tự phê bình”. Đảng ta luôn chủ trương “phải nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật”. Nếu cái đúng, cái tốt lên ngôi và luôn được ươm mầm phát triển thì cái xấu không còn đất trú ngụ. Phê phán cái xấu, cái không hoàn thiện, để giảm thiểu oan sai, không còn sự đau khổ bao giờ cũng rất cần thiết. Có phải thế không?
-Xin trân trọng cảm ơn ông!
PHÙNG NGUYÊN ghi