Chân dung văn

6/8
6:42 PM 2020

TỪ NGUYÊN MẪU ĐẾN NHÂN VẬT: NGƯỜI TÌNH CỦA “CON GÁI THỦY THẦN”

Đỗ Hoàng Diệu. Tôi mê huyền thoại. Làng tôi đầy huyền thoại, thánh thần, như bất kỳ làng quê nào miền đồng bằng Bắc Bộ. Anh chị tôi, bạn bè tôi, khi lớn lớn biết biết, liền trề môi khanh khách cười xả trôi xuống sông những hoang đường. Còn tôi, vẫn vùng vẫy trong biển sương mờ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với nhà văn Đỗ Hoàng Điệu, tác giả bài viết. Ảnh: NVCC

 

Nên tôi say mê "Con gái Thủy thần", truyện ngắn hiện thực lãng mạn huyền ảo của Nguyễn Huy Thiệp. Con gái Thuỷ thần là Gianna Đoàn Thị Phượng, con của giao long, của Phật, của Chúa. Đứa con huyền thoại. Người tình kỳ diệu của nhà văn.

Sau "Những ngọn gió Hua Tát" mang màu sắc kỳ ảo, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đi thẳng xuống đầm hiện thực kỳ dị. Vùng đầm lầy quánh đặc, nhiều ba ba thuồng luồng rắn rết, thi thoảng trồi lên một búp sen. Con gái thủy thần tần ngần đứng trước cửa đầm lầy, thở dài vài hơi rồi bặm miệng quay lưng. Bước về phía dòng sông. Dòng sông lừ đừ chảy mãi không ra tới biển. Khiến nhiều năm sau nhà văn phải khẩn cầu "Chảy đi sông ơi".

"Con gái Thuỷ thần" chào đời năm 1988. Lúc nhà văn còn thanh niên trai tráng. Và tôi chưa dậy thì. Năm năm sau, tôi đến thư viện quốc gia ở thủ đô tìm gặp cô gái huyền hoặc chơi vơi ấy. Khi đó Phượng đã thành “siêu sao”. Tôi vừa chạm thuyền thiếu nữ đã đánh mất ngây thơ. Phượng vươn mình khỏi nước. Người nàng óng ánh trăng, tóc nàng long lanh nắng. Ruộng mía rẽ ra nhường lối cho nàng, con đường uốn lượn hình chữ S, hình thân nàng, hình đất nước, hình cuộc đời. Mỉm cười, nàng đi về phía tôi, phía phố thị. Nguyễn Huy Thiệp tư lự sánh đôi cạnh nàng, khuôn mặt tối như không khí làng quê Việt Nam thập niên tám mươi. “Không khí u uất, tù đọng của làng quê làm tôi tái tê cảm giác chua xót. Mọi người rối rít, cuống cuồng để kiếm miếng ăn. Những định kiến, tập tục thật nặng nề. Tôi đã thấy tinh thần gia trưởng hủy hoại bao nhiêu số phận con người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ. Rất ít thanh niên. Ngoài đồng chỉ có các ông bà già, phụ nữ và trẻ em thất học làm việc.” Thỉnh thoảng, nhà văn mỉm cười, nụ cười hiền ngây ngô như nụ cười cô Lài trong "Tướng về hưu".

Tôi đứng lặng trên phố Tràng Thi ngắm họ đi khỏi thư viện, rẽ sang Nhà Chung. Tôi lần tràng hạt giấu sau vạt áo, đi theo. Tràng hạt thầy cúng cho tôi ngày rời làng ra thủ đô. Hạt này là vạt áo mẹ, hạt này cặp kính cha, hạt cây cột nhà, hạt ngôi mộ ông, hạt lúa lép trong tay mẹ sần, hạt con đường làng câm lặng dưới trăng non… Chúng tạo nên linh hồn con, tách ra từ con. Đi đi, đi thật xa khỏi mảnh đất cằn, nhưng hãy nhớ, hãy cầu nguyện, hãy quay về.

Đến vườn hoa Nhà Chung, Gianna Phượng quay sang Nguyễn Huy Thiệp, mỉm cười, rồi vượt lên trước. Ánh nhìn buồn bã, điệu cười trên mây. Nhà văn không đuổi theo, ông bước chậm lại, như thể Phượng mới đưa ra mệnh lệnh và ông nghiêm chỉnh phục tùng. Trước khi rẽ vào Nhà thờ lớn rồi mất hút, Phượng không nhìn lại một lần. Tôi bỏ tay khỏi tràng hạt, thở dốc, chạy lên. Cái bóng nhỏ chầm chậm của nhà văn cũng mất hút. Nắng vồng lên đỏ rực tháp nhà thờ. Tôi thấy Chương, chàng trai mười bảy si mê Phượng trong truyện nằm vắt ngang thánh giá, vết thương trên trán nhỏ máu ròng ròng. Tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp đang hà hơi cấp cứu cho Chương, làn hơi thổi ra như dải sương dài bồng bềnh hư ảo Phượng. Đáng ra Chương không nên tiếp tục theo Phượng, để rồi một ngày leo lên nóc nhà thờ sơn lại thánh giá, tiếp tục quẹt phết đời mình vào những giấc chiêm bao. Chương nên “đứng lên, đi về nhà”, nên chấp nhận “ngoài biển không có thủy thần”. Nhưng năm 1988, Nguyễn Huy Thiệp đang sung sức, không phải đi ra biển mà chạy ra biển, lặn quẫy như cá kình. Năm 1988, nhiều chàng trai vẫn tin có con gái thủy thần. Có hôm mưa, cả đoàn con gái thủy thần bơi qua sông Hồng, bơi qua phố, bơi về phía Khương Trung, nơi nhà văn đang trăn trở học “những bài học nông thôn

Nhiều phụ nữ hâm mộ tài năng ông hoàng truyện ngắn Việt Nam, rồi mê người. Lẽ đương nhiên. Sau này, tôi biết vài người trong số họ. Tò mò, tôi quan sát. Tôi tìm sợi dây nối giữa họ với con gái thủy thần. Với các nhân vật thiếu nữ - đàn bà trong truyện ông. Những người nữ dù nông dân hay bác sĩ, mạn dưới sông hay cao núi, thủ tiết thờ chồng hay ngoại tình khắp nơi cùng chốn đều đặc biệt trong con mắt nhà văn, đều được ông nâng niu quý trọng. Dù họ không tóc dài da trắng như Phượng, nhưng tôi thấy cử chỉ họ, ánh nhìn họ, tinh thần họ sương sương hao hao dáng hình con gái thủy thần. Nghe nói khi những Phượng bỏ cuộc chơi đi lấy chồng, lần nào nhà văn cũng buồn bã cả thời gian dài. Có lần tôi hỏi thẳng ông, bấy nhiêu năm, già rồi, đã tìm thấy Gianna Phượng chưa? Ông cười cười, đuôi mắt vê về phía sông Cả: biết đâu thế hệ Diệu, con cái Diệu sẽ tìm ra.

Tôi giấu, không kể cho Nguyễn Huy Thiệp nghe, rằng mình đã mơ về con gái thủy thần suốt thời thiếu nữ. Những cơn mơ giăng mắc tơ vò. Lúc tôi thành Gianna Phượng, lúc là cô gái đau tình chạy ra bến sông khẩn cầu gặp mẹ Cả. Lại nhiều đêm tôi đi xuyên bãi ngô, bật tung hàng cúc áo tù túng, hát điệu hát giao long. Rồi một ngày nóng mùa hè năm 2004, thiếu nữ áo đỏ bấy lâu bị bóng đè trồi lên từ sông Cả, hát tung tăng giữa cánh đồng ngô, những lời khao khát tự do. Cuối cùng, cuối những cơn mê, tôi nhận ra con gái thủy thần chính là Mẫu, thánh linh của người Việt. Nhân vật Chương tôn sùng nàng, nhà văn mơ ước nàng, đàn ông Việt lấy nàng làm đạo. Đạo đời. Vừa hiện thực vừa xa vời.

Tôi những muốn Chương tin lời Đô Thi, rằng mẹ Cả chỉ là chuyện bịa, dù có thể sự thật đôi giao long đã quấn nhau trên chiếc nia bẩn thỉu. Tôi mong ước câu chuyện huyền ảo kết thúc bằng cái vẫy đuôi thô mộc của chú trâu nước hiền lành. Con gái thủy thần được Chương nâng niu đặt lên tầng mây mù giữa lưng chừng, rồi gió sẽ đẩy mây tới trời hoặc xuống sông sâu. Nhưng không, Chương tiếp tục đi, tìm con gái thủy thần trong truyện thứ hai. Thiên hạ đồn Nguyễn Huy Thiệp rất chung tình. Như Chương, như thầy giáo Triệu. Chương đi mãi vẫn chưa qua biển lớn, thầy giáo Triệu chết dưới cặp sừng trâu bên bờ đê nặng trĩu những bài học nông thôn.

 

Con gái thủy thần à, con của giao long à, thánh thần à? Chúng quấn nhau trên chiếc nia rách ngoài kia kìa! Mẹ Cả cái con khỉ! Tôi thấy nhà văn vừa viết vừa cười. Khi ngồi với phụ nữ, Nguyễn Huy Thiệp hay cười. Ông có nước da của người nông dân lam lũ, nâu sạm tối. Nhưng lúc cười, hàm răng trắng đều khiến khuôn mặt ông bừng lên. Đôi khi, kể chuyện buồn, ông vẫn vô tư cười. Nụ cười đời. Nhấp nhánh quầng hài hước. Thường những khi ấy, tôi tủm tỉm nhớ những lời thoại hài hước mà nhiều nhân vật của ông đã tự nhiên buông ra. “Chim bằng quả ớt thế thì làm các cụ ra sao… Các cụ toàn chim to” trong "Những bài học nông thôn". Hay “Các hạ chú ý, cây không đổ về phía có vết rìu” trong tiểu thuyết kiếm kiệp "Bên rìa nước", bản thảo không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thể xuất bản thành sách. Có thể nói đó là một trong những tác phẩm hài hước nhất của văn chương hiện đại. Hài hước và thâm sâu.

Dễ dàng nhận ra Nguyễn Huy Thiệp đọc nhiều kiếm hiệp, như Nguyễn Việt Hà. Nếu nhà văn "Cơ hội của Chúa" hay trích dẫn kiếm kiệp thì ông, bằng ma thuật huyền bí, thường thổi hơi anh hùng vào truyện. Hơi hướng kiếm hiệp bàng bạc trong hầu hết truyện ông. Dễ nhìn thấy nhất ở mở đầu trực diện, kết thúc vững, lai lịch nhân vật ngắn gọn, bối cảnh rành rẽ. Chỉ khác là hành văn đơn giản của truyện kiếm hiệp cứ thế trôi tuồn tuột theo chuyện kể. Còn văn chương trầm chắc, không lộng lẫy của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một không khí đặc trưng riêng biệt. Thứ không khí nằng nặng được tạo nên từ ngàn vạn trùng độc, vũ khí tối thượng của võ nhân. Mỗi câu văn là một trùng độc, găm vào mạch người đọc, tàn phá rồi chốt hạ. Tôi đã trúng trùng độc "Con gái Thuỷ thần", chìm sâu dưới hố sương huyền hoặc, cho đến ngày…

Ngày đôi mắt ông buồn tối hơn mùa đông, hai bàn tay vò nhau giữa giai điệu khắc khổ, kể tôi nghe chuyện ông đứng chờ mấy tiếng đồng hồ dưới trời mưa phùn giá rét, trước cửa nhà thông gia, để mong được trao cặp lồng cháo cho cháu nội. Dòng sông bãi mía Gianna Đoàn Thị Phượng biến mất, chỉ Nguyễn Huy Thiệp đứng đó, trần tục đáng thương, như ông lão đánh cá quay về túp lều tranh. Văn chương bạc bẽo. Lâu đài nguy nga người đọc xây nên người đọc cũng dễ dàng đập nát. Nhà văn bỏ mình vào tấm lưới, kéo dọc bờ sông nhỏ, kéo mãi kéo mãi đến huyền thoại xa xăm, nơi con gái thủy thần – người tình bất diệt đang nằm vẽ cuộc đời lên mặt nước, chờ ông…

ĐỖ HOÀNG DIỆU

NGUỒN: VNQĐ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *