NGƯỜI KỂ CHUYỆN BẰNG NHỮNG KHÚC CA TÀY
“Lạ” theo nghĩa tài giỏi hơn người. Người “lạ” đầu tiên cần phải nhắc tên là ông cụ Hứa Văn Khải. Năm 1947 mà cụ ông Hứa Văn Khải đã tự mình chế ra một khẩu đại bác rất đặc biệt vì tất thảy được làm bằng gỗ nghiến, đặt tên là súng Sàng Là. Khi giặc Pháp đánh lên Trùng Khánh, ông cụ đem Sàng Là ra bắn chặn ở đèo Keng Phác. Chiến công của cụ ông họ Hứa cùng các lão du kích Co Xàu đã được Bác Hồ ghi nhận và viết tặng các cụ bài thơ Tuổi cao chí khí càng cao. Khẩu đại bác Sàng Là kỳ lạ đó của cụ Khải hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Pháo binh ở Thủ đô Hà Nội. Người lạ thứ hai là cụ ông Hứa Văn Cường.
Ông cụ là người biết chữ Nho, một thầy Tào có tiếng, biết chữa bệnh tâm thần để cứu người, cũng là người nổi tiếng ham đọc sách thánh hiền. Nhờ bố mẹ để lại cho nhiều ruộng nương, đến khi lập gia đình lại được bố mẹ vợ cho thêm ruộng nên nhà ông cụ có nhiều trâu bò, thóc gạo. Với một cơ ngơi như vậy, ông cụ phải nuôi người làm giúp. Một người đàn bà Tàu từ bên kia biên giới chạy loạn sang Lăng Hiếu, được ông cụ đón về nuôi, chuyên giúp việc cơm nước. Một chàng nông dân quê dưới Hải Dương chạy đói năm 1945 cũng được cụ Cường đón về, sau thành người làm ruộng và chăn bò, và là người thân trong nhà thầy Tào làng Hiếu Lễ. Nhà có người giúp việc, thêm anh em họ mạc trong làng làm giúp khi mùa vụ, thóc gạo nhà cụ Cường ngày càng nhiều, nên sau cách mạng tháng Tám năm 1945, có vụ ông cụ đóng thuế cho cách mạng đến cả một tấn tư thóc để nuôi quân, nuôi đoàn thể. Nhưng công lớn nhất của cụ Hứa Văn Cường là cùng cụ bà Nông Thị Lộc sinh hạ và nuôi dạy được cậu con trai tên là Hứa Vĩnh Sước, sau này lớn lên thành người lạ thứ ba của làng Hiếu Lễ, tăm tiếng vượt khỏi phạm vi làng, cả nước biết tên, biết mặt. Nghe kể rằng, cậu bé Tày này khi lọt lòng mẹ đã khiến mọi người xuýt xoa vì phổng phao đẹp đẽ, càng lớn lên sự đẹp đẽ càng tăng bởi nước da trắng bóc, khuôn mặt ai nhìn thấy cũng muốn thơm mấy cái vào đôi má trắng hồng của cậu. Đến tuổi đi học, bé Sước theo chúng bạn tới trường, học hành một mạch qua cấp 1, cấp 2, lên cấp 3 phổ thông chẳng khó khăn gì. Nhưng có điều lạ, là dù học chăm, ngoan ngoãn, không mảy may mắc tội lỗi gì với thầy cô và các bạn, mà Hứa Vĩnh Sước không được kết nạp vào đội Thiếu niên tiền phong, và khi qua tuổi 15 Sước cũng không được kết nạp vào Đoàn Thanh niên lao động. Sước bấn bức, truy hỏi, mới vỡ lẽ: cơ sự bởi tại bố mé Sước có nhiều ruộng nương và trâu bò, nhà lại nuôi người giúp việc, cho dù đã tự nguyện nộp thuế Nông nghiệp đứng đầu làng xã, nhưng theo quy định, bố mẹ Sước vẫn bị quy thành phần Phú nông, không thuộc “thành phần cơ bản… Nghe giải thích rõ căn nguyên của sự thua thiệt như thế, Sước buồn bực lắm, đang chưa biết tính sao về cuộc đời mình. Đúng lúc đó, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, việc tuyển quân ngày càng nhiều để đáp ứng công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, Sước liền cắt ngón tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sước nghĩ kỹ rồi, có theo học hết cấp 3 cũng sẽ chẳng được học lên Đại học hay xin được vào một cơ quan Nhà nước, chi bằng đi bộ đội đánh Mỹ, để, như người ta nói: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực!”, xứng là trai thời loạn! Nguyện vọng chính đáng của Sước được chấp thuận, ngày 16 tháng 8 năm 1968, Hứa Vĩnh Sước rời làng Hiếu Lễ lên đường nhập ngũ với tờ giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn của Xã đoàn Lăng Hiếu trong ba lô, dù chẳng được kết nạp, cũng không được sinh hoạt Đoàn một ngày nào (!). Sước được biên chế vào một đơn vị bộ đội đặc công. Sau 6 tháng huấn luyện, đầu năm 1969, Hứa Vĩnh Sước cùng đơn vị vào đánh Mỹ - ngụy trên đất Quảng Trị, theo chế độ “cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Năm 1970, đơn vị quay ra Bắc huấn luyện. Vì có trình độ văn hóa học dở cấp 3 phổ thông (cả tiểu đoàn đặc công của Sước chỉ có bốn người - trong đó có Sước - học đến cấp 3), lại hoạt bát nhanh nhẹn, Hứa Vĩnh Sước được rút lên làm liên lạc của tiểu đoàn. Năm 1971, Sước được điều về Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Đặc công để giao cho làm thủ thư, nhưng bất ngờ hết biên chế, liền được đưa sang làm Thuyết minh phim của đội chiếu bóng phục vụ Bộ Tư lệnh và các đơn vị trong binh chủng, sau khi học xong 3 tháng nghiệp vụ. Năm 1972, Sước nhận lệnh về Tổng cục Chính trị, vẫn làm Thuyết minh phim, để vào phục vụ chiến trường miền Nam. Bốn năm làm lính, việc nào được giao Sước cũng hoàn thành xuất sắc, lãnh đạo các đơn vị tin yêu quý mến, muốn kết nạp Sước vào Đảng, nhưng 7 lần đại diện đơn vị về thẩm tra lý lịch và xin ý kiến địa phương thì cả 7 lần lãnh đạo địa phương từ chối. Thế là, đầu năm 1973, Hứa Vĩnh Sước hành quân vào Nam mà chưa được đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản. Tập kết ở Tây Ninh một tháng, nằm chờ các thủ tục tổ chức, cuối cùng Sước được giao làm công tác Thuyết minh phim trong tổ chiếu bóng 5 người, phục vụ Bộ Tư lệnh Miền. Sước và tổ chiếu bóng làm nhiệm vụ ấy cho đến 30/4/1975 thì theo Bộ Tư lệnh có mặt ở Sài Gòn. Đêm 30 /4/1975, anh lính trẻ Hứa Vĩnh Sước sinh ra và lớn lên ở làng Tày Hiếu Lễ đã ung dung dạo bước trên đường phố Sài Gòn hoa lệ vừa được giải phóng. Và, 30 tháng 10 năm 1975, trong niềm vui chiến thắng vẫn đang tràn ngập phố phường Sài Gòn, Hứa Vĩnh Sước được đón nhận niềm vui lớn của riêng mình: anh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam!
Vậy là, sau bảy năm làm người lính đánh Mỹ, bước chân anh lính trẻ người Tày Hứa Vĩnh Sước đã đi từ làng Hiếu Lễ quê mình qua suốt dặm dài chiến trận, đến cán đích cuộc chiến tại thành phố mang tên “Hòn ngọc Viễn Đông”, và sau ngày Việt Nam thống nhất được vinh dự mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh”, với cái được lớn nhất cho riêng anh: Từ thân phận “Công dân loại Ba” thành người Ưu tú, “Công dân loại Một”
Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở việc “lột xác” ấy, thì chắc chắn tên tuổi anh lính trẻ người Tày Hứa Vĩnh Sước cũng sẽ bị chìm lấp đi như hàng vạn người lính trẻ khác sau chống Mỹ, khi chuyển ngành làm việc gì đó hoặc phục viên về quê làm ruộng. Và như vậy cái làng Hiếu Lễ dưới chân núi Bo Păn sẽ vẫn chỉ có hai người “lạ” là cụ ông Hứa Văn Khải chế ra súng đại bác Sàng Là và bố Sước là Hứa Văn Cường nổi tiếng vì biết chữ Nho, biết làm thầy Tào và biết chữa bệnh tâm thần cứu người. Hứa Vĩnh Sước ngẫm nghĩ, quyết làm cái gì đó. Anh chợt nhớ hai bài thơ Bếp nhà trời và Dáng một con sông được in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 6 năm 1973. Thời đánh Mỹ, Tạp chí này rất được quân đội và bạn đọc cả nước coi trọng, xem đó là một diễn đàn văn học sáng giá, cùng báo Văn nghệ của Hội Nhà văn nuôi dưỡng các cây bút trẻ tài năng thành các Nhà văn, Nhà thơ cho đất nước. Thật ra, Bếp nhà trời và Dáng một con sông Sước viết để góp mặt theo trách nhiệm cho cuộc thi làm báo tường ở Bộ Tư lệnh đặc công, và nghe nói được Giải Nhất. Cả việc hai bài thơ đó được in Văn nghệ quân đội tháng 6 năm 1973 Sước cũng chỉ được “nghe nói”, vì khi các việc ấy diễn ra thì Sước đã vào chiến trường miền Nam. Sau 30/4/1975, tình cờ Hứa Vĩnh Sước gặp các Nhà văn, Nhà thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh, và được các anh Từ Bích Hoàng, Hồ Khải Đại, Vương Trọng, Lê Thành Nghị nói cho Sước biết câu chuyện về đường đi nước bước của hai bài thơ. Các anh nói rõ thêm: người chấm Giải Nhất cho Bếp nhà trời và Dáng một con sông rồi đem hai bài thơ giới thiệu trên số 6 năm 1973 của Văn nghệ quân đội là Nhà văn Vân Thảo và Nhà thơ Văn Thảo Nguyên. Chính hai sự kiện văn chương quan trọng này đã là sự gợi mở hướng đi mới của đời Sước. Năm 1976, Hứa Vĩnh Sước ra Bắc với ước muốn được theo học một trường viết văn, nhưng chờ mãi, chờ mãi không thấy có trường lớp nào, thế là đành tắc lưỡi theo học trường Điện ảnh, khoa Tuyên truyền phim. Năm 1980, tốt nghiệp khóa học, Sước về Quân khu 1, rồi về Quân đoàn 26 làm cán bộ Tuyên huấn. Và, tháng 7 năm 1981, Sước rời quân ngũ về nhận công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng quê hương. Cuối năm 1982, Hứa Vĩnh Sước được lãnh đạo Ty và Tỉnh cho tham dự cuộc thi vào Khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Lúc đó, Sước đã là chủ một gia đình nghèo, vợ là cô giáo dạy Văn - Sử cấp 2 phổ thông và hai con Nhuệ Anh, Tuấn Anh. Nghèo đến mức cô giáo Hoàng Thị Khôn phải bán con lợn 9 kg đang nuôi để có tiền cho người bạn trai suốt thời cắp sách từ cấp 1 đến cấp 3 và bây giờ đã là bố của hai con cô, cho anh đủ tiền về Hà Nội theo đòi Nghiệp Văn chương.
Tôi gặp Hứa Vĩnh Sước tại lớp ôn tập để thi vào học khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Hơn tháng sau, tôi và Sước cùng về tựu trường. Và thật tình cờ, tôi và chàng trai Tày họ Hứa làng Hiếu Lễ được Hành chính nhà trường phân cho ở cùng một gian, ngăn làm hai phòng, trong dãy nhà tập thể của sinh viên Khóa 2 học Chuyên tu từ cuối năm 1982 đến hết năm 1985. Ba năm ăn ở cùng Hứa Vĩnh Sước (cả Khóa 2 Nguyễn Du, duy nhất chỉ có tôi và Sước nấu ăn chung), hiểu Sước, quý mến Sước, tôi đã báo cáo Nhà văn Phượng Vũ, đề nghị anh nhận Sước về làm biên tập Thơ cho Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình và anh Vũ vui vẻ gật đầu. Nhưng đến lúc ra trường, sau khi suy tính, Sước quyết định hồi hương, làm tôi tiếc mãi. Trong nỗi tiếc nuối, tôi có phần ngạc nhiên trước sự ngược bắc của người trai họ Hứa. Để tự tìm câu trả lời cho mình, tôi tìm đọc lại hai bài thơ Tên làng và Phòng tuyến Khau Liêu. Đây là hai bài thơ đem lại danh giá lớn đầu tiên cho đời thơ của chàng trai làng Hiếu Lễ khi nó được trao Giải Nhất của Tạp chí Văn nghệ quân đội trong cuộc thi Thơ năm đó. Với riêng tôi, quả thật đến thời điểm ấy, đấy chính là hai bài thơ đầu tiên của Sước tôi được đọc, và vì vậy, chất lượng thơ cùng với giải thưởng để lại cho tôi ấn tượng rất tốt đẹp, và kể từ đấy, tôi như quên hẳn cái tên cúng cơm Hứa Vĩnh Sước, chỉ gọi nhà thơ trẻ ở cùng phòng tên bút danh Y Phương. Ngày ngày, vào lúc soạn sửa bữa cơm đạm bạc cho hai anh em, tôi lại lẩm nhẩm những khúc thơ của Y Phương vừa được trao Giải Nhất: “Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ. Ba mươi tuổi từ mặt trận về/ Vội vàng cưới vợ//… Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/ Mang trong người cơn sốt Tây Nguyên…// Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/ Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba/ Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà//… Ơi cái làng mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn trề…”.
Sau ngày tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, tôi trở lại Hà Sơn Bình, Y Phương ngược về Cao Bằng, rồi tập thơ “Hát tháng Giêng của Phương được Hội Nhà văn trao Giải Nhất với sự tấm tắc của hai Nhà thơ Vân Long và Bế Kiến Quốc ở cùng phòng Sáng tác với tôi, lúc rỗi rãi, tôi lại lẩm nhẩm khúc thơ trên của Y Phương. Cho đến khi tập thơ Lời chúc của Y Phương ra mắt bạn đọc, tôi lại có thêm hai khúc thơ mới của bài Mùa hoa để thỉnh thoảng lẩm nhẩm một mình: “Mùa hoa/ Mùa đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Thừa sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi// Mùa hoa/ Mùa đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ”. Vài năm sau, tập thơ thứ ba Đàn then, rồi trường ca Chín tháng… kế tiếp nhau đến với người đọc, tôi lại có thêm khúc thơ mới của chú em ăn ở cùng phòng suốt ba năm để nhẩm đọc và thưởng thức: “Lên Cao Bằng/ Được mời rượu cả chum/ Mời quả cả cây…”, mà không nhớ khúc thơ hay này nằm trong tập thơ nào của Y Phương nữa. Cứ thế, tôi nhẩm đọc, ngâm nga, và chợt nhận ra một đặc điểm rất riêng trong các bài thơ của Nhà thơ dân tộc Tày này: Mỗi bài thơ của Y Phương đều chứa đựng một câu chuyện; mỗi khổ thơ là một khúc ca kể một phần chuyện để người đọc nhanh nhớ, nhanh thuộc nhờ vần điệu, nhạc điệu và những ngôn từ mới lạ đặt đúng chỗ của nó, khiến khổ thơ và cả bài thơ cứ ngân vang lên trong tâm tưởng người đọc như những khúc dân ca Tày.
Nguồn Văn nghệ số 34/2020