HẰNG NĂM, MỖI NGƯỜI DÂN BẮC NINH ĐỌC GẦN MỘT CUỐN SÁCH
Đó là số liệu nghiên cứu khảo sát của Thư viện tỉnh Bắc Ninh năm 2019. Với một vùng đất văn hiến, có truyền thống hiếu học khoa bảng và đang phát triển năng động như Bắc Ninh mà mỗi người dân đọc chưa đến 1 cuốn sách/năm là con số rất đáng suy nghĩ…
Cũng theo khảo sát trên đây, sau 2 năm Bắc Ninh thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đến nay các chỉ số phát triển văn hóa đọc bước đầu có tín hiệu tích cực, khả quan song vẫn còn chưa như mong muốn. Báo cáo của cơ quan chuyên môn, có khoảng 20% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng; 43,6% số học sinh, sinh viên được tiếp cận sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng; 100% học sinh, sinh viên được tiếp cận thông tin tri thức tại thư viện của các cơ sở giáo dục; 25% người dân có kĩ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, tri thức qua việc đọc và học tập suốt đời; gần 70% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc cũng được các cấp, ngành, cơ quan báo chí trong tỉnh tích cực thực hiện với phong phú nội dung, đa dạng hình thức. Tính riêng Thư viện tỉnh trong 2 năm qua đã tổ chức 8 buổi nói chuyện chuyên đề, phối hợp giới thiệu 96 cuốn sách trên sóng truyền hình; tích cực tổ chức các hoạt động trưng bày sách mới, sách theo chuyên đề, tổ chức ngày hội sách…
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phong phú hoạt động triển lãm, trưng bày sách báo, tọa đàm, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm tiêu biểu; khuyến khích phong trào sưu tầm sách cũ, tặng sách cho các thư viện, phòng đọc cơ sở...
Tạo sự thay đổi theo chiều dọc trong ngành giáo dục, kết hợp với tác động chiều ngang từ các hoạt động khuyến đọc, đưa sách về khu vực nông thôn để thu hẹp khoảng cách và tạo sự biến chuyển trong nhận thức xã hội về văn hóa đọc... là nỗ lực mà các cấp, ngành của tỉnh đã và đang thực hiện nhằm đạt mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng như Đề án đẩy mạnh học tập suốt đời trong các Thư viện, Bảo tàng, Nhà văn hóa, Câu lạc bộ.
Một vấn đề căn bản tồn tại đã lâu, đó là sự nghèo nàn, thiếu cơ sở vật chất, nguồn sách lạc hậu, hoạt động đơn điệu... của hệ thống thư viện, tủ sách cấp huyện, cấp xã, thôn làng cơ sở nên việc thu hút bạn đọc rất hạn chế. Ngay tại Thư viện tỉnh, dù cơ sở vật chất, trang thiết bị bước đầu đã được đầu tư song vẫn chưa đồng bộ, tài liệu bổ sung hàng năm khá thấp, tài liệu địa chỉ của tỉnh mỏng, chưa xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nên khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, học tập, nghiên cứu của người dân rất mức độ. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Những vấn đề về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là câu chuyện chung của cả xã hội Việt Nam và cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản của Bắc Ninh. Để hướng tới mục tiêu cuối cùng là hình thành một cộng đồng có thói quen đọc sách, trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương, các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò của văn hóa đọc. Ngành Văn hóa sẽ tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành chức năng để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống thư viện công cộng các cấp, đặc biệt là thư viện cấp huyện, xã và thôn, làng, khu phố; chỉ đạo Thư viện tỉnh tiếp tục đổi mới sáng tạo, tổ chức phong phú hoạt động khuyến đọc; định kỳ tổ chức ngày hội đọc sách, đề cao vai trò gia đình trong hình thành thói quen và duy trì văn hóa đọc…
(Theo: baobacninh.com.vn)