VĂN NGHỆ KHẮP NƠI
Đại hội CLB Thơ Văn Việt Kiều Hải Phòng
Cuối tháng 11-2020 vừa qua, tại trung tâm tổ chức sự kiện Tây Âu số 189 Hàng Kênh, đã long trọng diễn ra Đại hội CLB Thơ Văn Việt Kiều Hải Phòng nhiệm kỳ 2020- 2025. Tham dự có đại diện lãnh đạo Hội LL Việt Kiều Hải Phòng, đại diện các Chi hội, TT, CLB trực thuộc Hội, cùng toàn thể hội viên CLB Thơ Văn Việt Kiều Hải Phòng.
Sau các nghi lễ truyền thống; Đại hội đã nghe báo cáo tổng kết hoạt động CLB nhiệm kỳ 2015- 2020, hướng hoạt động CLB nhiệm kỳ 2020- 2025; Báo cáo tài chính; Các tham luận của hội viên; Phát biểu chào mừng và chỉ đạo của lãnh đạo Hội LL Việt Kiều Hải Phòng.
Đại hội đã bầu Ban Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ mới gồm 03 nhà thơ, Nhà thơ Minh Trí làm Chủ nhiệm CLB, các Nhà thơ Phan Quốc Dũng và Lại Xuân Hậu làm Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Văn Việt Kiều nhiệm kỳ 2020- 2025. Cũng trong đại hội, BCN đã trao kỷ niệm cho các thành viên BCN khóa trước không tham gia BCN khóa mới, trao kỷ niệm cho đại diện nhà tài trợ.
Đại hội CLB Thơ Văn Việt Kiều Hải Phòng nhiệm kỳ 2020- 2025 đã thu được kết quả tốt đẹp.
(Theo: vanhaiphong.com)
Hội nghị CTV báo Văn nghệ Thái Nguyên
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Báo Văn nghệ Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị Cộng tác viên. Tham dự có gần 30 cộng tác viên tích cực, tiêu biểu của Báo cùng cán bộ, nhân viên cơ quan Hội và Tòa soạn.
Tại Hội nghị, Tòa soạn Báo VNTN đã thông tin đến các cộng tác viên những nội dung chính Đề án chuyển đổi Báo VNTN thành Tạp chí VNTN và Đề án Thiết lập Tạp chí VNTN điện tử. Hai đề án này đã được báo VNTN chú trọng, triển khai xây dựng trong thời gian qua, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt để thực hiện từ ngày 01/01/2021.
Hình thức và nội dung của Tạp chí VNTN sẽ thay đổi so với Báo VNTN hiện nay, cụ thể: báo in 4 kỳ/ tháng chuyển thành tạp chí xuất bản 2 kỳ/ tháng, phát hành vào ngày mùng 5 và 20 hàng tháng. Tạp chí dự kiến dày 36 trang nội dung, 4 trang bìa, đóng ghim, kích cỡ mỗi trang 28,5 x 36 (cm). Một số nội dung của tạp chí cũng được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với chức năng của một tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Song song với tạp chí in, Tạp chí VNTN điện tử cũng sẽ đi vào hoạt động. Điểm khác biệt là Tạp chí VNTN điện tử hoạt động trên môi trường mạng internet, cách thể hiện nội dung phù hợp với loại hình báo điện tử; được phép sản xuất, cập nhật các tin bài mới, không hạn chế về dung lượng…
Các cộng tác viên đã góp ý, trao đổi về một số nội dung liên quan đến hai Đề án: hình thức trình bày, các chuyên mục của tạp chí, quan tâm mở rộng đối tượng người đọc và cộng tác viên, đưa yếu tố đa phương tiện vào Tạp chí VNTN điện tử, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội… Tòa soạn đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu đó để triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất ngay sau khi các Đề án được phê duyệt.
Cũng tại Hội nghị, Tòa soạn VNTN đã triển khai nội dung 2 số Tạp chí VNTN đặc biệt gồm Số 01 và Số Xuân Tân Sửu đến các cộng tác viên. Số 01 sẽ có chủ đề là “Hành trình mới” dự kiến gồm 44 trang (cả bìa), với các sáng tác gắn liền với nội dung: hành trình mới của Tòa soạn VNTN đặt trong hành trình lớn của địa phương, đất nước trong một thập kỷ mới. Số Tạp chí VNTN chào Xuân Tân Sửu dự kiến dày 72 trang có chủ đề “Về nhà”, chủ yếu là các sáng tác thể hiện tình cảm, gắn bó yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, về Tết đoàn viên, Xuân yêu thương, về quê hương, đất nước, phong tục, tập quán đón tết ở các vùng miền, quốc gia…
Hạn cuối để nhận bài cho Tạp chí VNTN số 01 là ngày 15/12/2020, với số Tạp chí chào Xuân Tân Sửu là 25/12/2020.
(Theo: vannghethainguyen.vn)
Tập huấn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Vừa qua, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tập huấn Dân ca Ví, Giặm năm 2020 cho gần 150 thành viên của 36 các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của các xã, phường, thị trấn, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, mới được công nhận năm 2020 trong ba ngày.
Theo đó, các học viên được các giảng viên là những nhạc sỹ, nghệ sỹ, nghệ nhân có kinh nghiệm về Dân ca Ví, Giặm giảng dạy các chuyên đề: Tổng quan về Dân ca Ví, Giặm; kỹ năng tổ chức hoạt động câu lạc bộ; kỹ năng diễn xướng Ví, Giặm làn điệu gốc phổ biến; kỹ năng diễn xướng Ví, Giặm làn điệu pha, làn điệu cải biên phổ biến.
Mục đích của lớp tập huấn là thực hiện tốt chương trình bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, góp phần thực hiện Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trang bị kỹ năng cho các học viên về hoạt động câu lạc bộ; hướng dẫn cách thức tổ chức và duy trì sinh hoạt câu lạc bộ Dân Ca Ví, Giặm; kỹ năng hát và diễn xướng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; có kiến thức sơ bộ về công tác sưu tầm, biên soạn và phục dựng không gian diễn xướng Dân ca Ví, Giặm. Thông qua tập huấn, học viên có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về hoạt động câu lạc bộ và công tác bảo tồn, phát huy các di sản phi vật thể.
Nhân dịp này, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn tặng cho 36 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ một cuốn sách “Chung lời hẹn ước” và bà Phan Thư Hiền – Chi hội trưởng Hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh tặng cho 36 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ một cuốn sách “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
(Theo: vanhocnghethuathatinh.org.vn)
TUYÊN HÓA Tổng hợp