TẢN MẠN NHỮNG CHUYỆN VUI VỀ VÕ QUẢNG NHÂN KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT CỦA ÔNG
Mới đây, trong một lần gặp gỡ đầu xuân tại Bảo tàng Hội nhà văn Việt Nam nhà văn Đà Linh nguyên Tổng biên tập nhà xuất bản Đà Nẵng trong câu chuyện với tôi có hỏi thăm sức khoẻ của ông. Tôi cảm ơn anh và thông báo cụ đã mất năm 2007. Anh như chợt nhớ ra: Ừ nhỉ chính mình đã đến dự đám tang của cụ. Mình cứ có cảm giác như cụ vẫn đang sống. Đó là cảm giác mà ta luôn có với những người thân yêu. Trước đó trong một ngày đẹp trời đúng ngày giỗ 10 năm của Võ Quảng theo âm lịch (1/5/2007-1/5/2017) chúng tôi đã lên mộ thắp hương cho ông. Hương hoá cháy thật đẹp, có lẽ ông đang vui. Là con trai ông, lại có dịp gần gũi ông nhiều, thêm nữa tôi cũng là hội viên sinh hoạt trong Hội nhà văn Việt Nam nên tôi hiểu và cảm nhận được Võ Quảng là hiện tượng độc đáo và kỳ lạ trong văn học Việt Nam, là người khởi sự cho nhiều cái đầu tiên trong văn học Việt Nam và ông như là tiếng nói của tương lai.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào năm 1955 Võ Quảng từ miền Nam tập kết ra Bắc và trong phần khai với tổ chức về nguyện vọng của mình ông đã đề đạt mong muốn được viết văn làm thơ cho thiếu nhi. Cái nguyện vọng đó kỳ lạ vì nó khác với tâm lý chung của người đời, và với nó Võ Quảng cũng bắt đầu một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới. Con đường chính trị trước đó của ông đang hanh thông đầy triển vọng, như sau Cách mạng tháng tám năm 1945 Võ Quảng từng là Chủ tịch Uỷ ban hành chính kiêm phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng và những năm kháng chiến chống Pháp ông từng là phó chánh án Toà án Liên khu 5… thế mà giờ đây ông bỏ hết chỉ xin được chuyển sang chuyên làm thơ viết văn cho con trẻ. Thực ra công việc đó xem ra không hề dễ dàng và đây là một thách thức to lớn, một cuộc phiêu lưu mới trong cuộc đời Võ Quảng. Nhà thơ Tố Hữu Trưởng ban văn hoá tư tưởng lúc bấy giờ biết chuyện này và trong một cuộc gặp gỡ có chủ động đến hỏi han Võ Quảng, xem ông bạn từng có thời cùng hoạt động trong một tổ thanh niên dân chủ xem có vấn đề tư tưởng gì hay không. Sau khi nghe Võ Quảng nói, Tố Hữu nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của việc phải có sách văn học cho trẻ con đọc và nguyện vọng của Võ Quảng rõ ràng là vô cùng hợp lý bởi nó đáp ứng nhu cầu phát triển thế giới tâm hồn của trẻ em, nó góp phần làm tương lai đất nước trở nên tươi sáng hơn. Tố Hữu tâm phục khẩu phục công nhận Võ Quảng nói đúng và ông nói thêm như một lời hứa cần phải nhanh chóng có một cơ quan làm việc này và sẽ điều Võ Quảng về đây làm việc.
Tháng 6 năm 1957 lời hứa của Tố Hữu và nguyện vọng của Võ Quảng được thực hiện với sự ra đời của nhà Xuất bản Kim Đồng, kết quả này có được nhờ sự đóng góp của rất nhiều người như nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Hồ Thiện Ngôn, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Thi Ngọc… Đặc biệt là sự đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông đã nhận làm giám đốc đầu tiên đúng vào lúc ông bắt đầu khởi sự dồn sức viết tác phẩm tâm huyết của đời mình là “Sống mãi với thủ đô”. Và Võ Quảng, tất nhiên rồi, cũng xắn tay áo, chung tay với mọi người hết mình với công việc trong vai trò Tổng biên tập đầu tiên của nhà Xuất bản Kim Đồng. Tháng Sáu năm nay (2017) Nhà xuất bản chuyên làm sách thiếu nhi đầu tiên này của Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập. Trong thực tiễn công việc, Võ Quảng luôn hiểu rằng việc sáng tạo sách văn học cho trẻ em là việc lớn và khó cần rất nhiều người chung tay cùng làm. Sinh thời ông là người rất giỏi “rủ rê” các bạn văn tham gia viết cho con trẻ. Ông có sức hút như một nam châm quy tụ và phát triển những tài năng sáng tạo văn học nghệ thuật cho thiếu nhi. Điều này luôn thể hiện rõ khi ông lãnh đạo Nhà xuất bản Kim Đồng, rất nhiều những nhà văn nhà thơ tên tuổi đã được ông mời tham gia viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Tế Hanh, Huy Cận, Đoàn Giỏi, Đào Vũ, Vũ Tú Nam, Xuân Tửu, Văn Biển... Khi làm Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam ông đã chung tay xây dựng được đội ngũ những người tâm huyết viết văn làm thơ cho thiếu nhi như Phạm Hổ, Định Hải, Nguyễn Kiên, Vũ Ngọc Bình, Phùng Ngọc Hùng, Trần Hoài Dương... Hôm nay tiếp nối truyền thống đó chúng ta cũng đã có được một đôi ngũ đông hơn những người viết văn làm thơ cho thiếu nhi tài năng và tâm huyết như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Phương Liên, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Quốc Toàn, Đức Quang, Hoài Khánh, Hường Lý, Thuý Loan… đã có không ít nhà lý luận phê bình về văn học thiếu nhi cũng như có người mang học hàm học vị cao như tiến sĩ phó giáo sư Vân Thanh. Chúng ta đã có nhiều hơn những nhà xuất bản, những nhà sách, những tờ báo, những tạp chí phục vụ thiếu nhi... Nhưng thực tế xem ra chúng ta vẫn chưa thỏa mãn được cái sự khát đọc vô cùng lớn của con trẻ và một điều nữa là chúng ta vẫn chưa có được nhiều sách hay cho trẻ đọc, đặc biệt là sách trong lĩnh vực văn học.
Những đóng góp của Võ Quảng đã thực sự góp phần khai mở cho văn học Việt Nam một mảng văn học mới tươi non và đầy xuân sắc là văn học thiếu nhi. Chính cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Võ Quảng cũng là tấm gương, là một trong những bằng chứng đầu tiên cho thấy tính chuyên nghiệp của văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông không chỉ góp cho văn học thiếu nhi những tác phẩm đỉnh cao tâm huyết của mình như tiểu thuyết “Quê nội”, “Tảng sáng” như “Kinh tuyến vĩ tuyến”, như những truyện dài “Cái thăng”, “Chỗ cây đa làng”, “Cái Mai”, như những đồng thoại “Bài học tốt”, “Những chiếc áo ấm”, “Ngày Tết của trâu xe”, “Vượn Hú”… Như những tập thơ “Gà Mái Hoa”, “Thấy cái hoa nở”, “Măng tre”, “Anh Đom Đóm”, “Nắng Sớm”, “Quả đỏ”… mà bằng cả việc tạo cho văn học thiếu nhi bước đầu có được nền tảng lý luận phê bình được ông đúc rút bằng chính kinh nghiệm sáng tác của mình. Võ Quảng là người khởi sự cho nhiều cái đầu tiên trong văn học Việt Nam ví dụ như ông là một trong những người đầu tiên nêu ý tưởng và góp công xây dựng nền văn học thiếu nhi Việt Nam, một trong những lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam… Ngay cả trong dịch thuật văn học ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam dịch tác phẩm Đông Kihôtê của Xecvantet sang tiếng Việt cho thiếu nhi đọc. Bản dịch của ông là một bản dịch phóng tác, một sáng tạo tuyệt với rất phù hợp với thiếu nhi và được các em thích thú. Nhưng có lẽ cái đầu tiên quan trọng nhất với Võ Quảng chính là tác phẩm thiếu nhi đầu tay “Gà Mái Hoa”. Bản thảo viết tay tác phẩm này ông đưa nhà thơ Khương Hữu Dụng lúc đó đang làm biên tập viên thơ ở Nhà xuất bản văn học đọc và tác giả “Từ đêm mười chín” lập tức nhận ra một tài năng văn học thiếu nhi đang chín trong con người Võ Quảng. Khương Hữu Dụng đã cho in ở Nhà xuất bản văn học và động viên Võ Quảng đi theo con đường sáng tác văn học thiếu nhi. Tác phẩm“Gà Mái Hoa” được các em đón nhận nhiệt liệt. Lúc đó vào khoảng năm 1956, Nhà xuất bản Kim Đồng chưa ra đời, và tác phẩm này có thể được coi là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên cho một giai đoạn hình thành mới và quan trọng của văn học thiếu nhi Việt Nam. Trước đó văn học Việt Nam đã có “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, nhưng cái điều đầu tiên mà Võ Quảng làm được trong tác phẩm này là tác giả đã thực sự chủ động và có ý thức viết nó trước tiên cho thiếu nhi. Những tác phẩm của Võ Quảng đều có mục tiêu rõ ràng đầu tiên là cho con trẻ và sau đó người lớn đọc cũng thấy thú vị. Còn với Tô Hoài ông viết “Dế mèn phiêu lưu ký” không dành riêng cho thiếu nhi, cho dù sau đó tác phẩm này rất có duyên với trẻ em. Đây rõ ràng cũng là một thao tác đặc thù khẳng định tính chuyên nghiệp của một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.
Thực ra ý tưởng thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên làm sách văn học cho thiếu nhi đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự ra đời một nền văn học thiếu nhi mới thực sự bài bản hơn với chất lượng tác phẩm phù hợp hơn với đại chúng bạn đọc trẻ. Và chính điều đó góp phần quan trọng hình thành một thế hệ nhà văn mới sẽ làm chủ văn đàn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là những tác giả sinh vào những năm 40 và 50 của thế kỷ trước và cũng là những lứa bạn đọc đầu tiên của nhà xuất bản Kim Đồng. Chúng ta sẽ nhận ra tác động của Nhà xuất bản này ngay trong thơ của Trần Đăng Khoa “Mỗi người một gánh thôi/Là có tiền mua phich/Mua thêm sách Kim Đồng/Gần đây nhiều quyển thích.” (Bắt ông rừng nộp củi). Tác giả này từ ấu thơ đã đã làm thơ và được coi là thần đồng. Đây cũng là hiện tượng lạ trong trong cuộc Kháng chiến huyền thoại này của dân tộc và lạ hơn là thủơ đó không chỉ Khoa mà nhiều bạn trẻ trong tuổi thơ đã làm thơ. Đây có thể được coi là thời vàng son của văn học thiếu nhi Việt Nam. Nhiều người thuở đó, trong đó có cả những nhà thơ cây đa cây đề mới đầu cũng không tin là trẻ con có thể làm được thơ. Còn Võ Quảng đã có cái nhìn rất tinh và chính xác về những tài thơ nhí này. Thuở đó ông hay được mời vào hội đồng chấm giải cho các cuộc thi thơ thiếu nhi. Báo thiếu niên Tiền phong cơ quan chủ quản của cuộc thi thiếu nhi làm thơ thường gửi đến ông những bài thơ đã qua vòng loại và nhờ Võ Quảng chấm giải. Để tăng thêm phần khách quan ông nhờ tôi lúc đó cũng đang ở tuổi thiếu niên đọc và sắp xếp hộ ông bài nào hay xếp trên bài nào chưa hay xếp dưới.Tôi theo lời ông đọc hết những bài thơ đó và theo cảm quan riêng của mình xếp thứ tự theo đúng yêu cầu của ông. Theo thứ tự của tôi, Trần Đăng Khoa lại nằm ở dưới. Tôi đưa kết quả lao động của tôi cho ông xem. Sau khi xem xong ông nói: Nhìn chung con sắp xếp như thế là đúng nhưng riêng tác giả này phải ở trên vì thơ hay tự nó nổi lên trên. Tôi cãi lại: Con nghĩ cậu này chép thơ của ai đó, chứ trẻ con sao có thể làm hay như thế được. Còn ông thủng thẳng nói: Ba lại nghĩ khác, trong lĩnh vực thơ thiếu nhi thì người lớn lại không làm hay được như nó đâu. Võ Quảng đã đặt Khoa lên đầu và thực tế cho thấy ông có cái nhìn chính xác ở chỗ trong tất cả các tác giả nhi lúc đó thì chỉ duy nhất Khoa cho đến giờ vẫn làm thơ và hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Bằng sự cảm nhận tinh tế Võ Quảng biết đây là những bài thơ chính khoa tự làm, nhưng ông vẫn cử nhà thơ Định Hải và nhà thơ Hồ Thiện Ngôn đến tận nơi kiểm tra hiện tượng Trần Đăng Khoa. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì Võ Quảng từng làm bên ngành tư pháp và với ông bằng chứng cùng sự thật khách quan luôn là điều ông cũng như công luận hướng đến. Sau đó nhà thơ Hồ Thiện Ngôn có dẫn Trần Đăng Khoa ra Hà Nội chơi và có đến thăm Võ Quảng. Chú Ngôn đưa Khoa đến và sau đó bận phải đi đâu đó, chú chỉ thị cho tôi sau đó phải đưa Khoa về nhà chú ở ngay gần Nhà hát Lớn. Ba tôi vui vẻ tiếp Khoa như tiếp một đồng nghiệp thơ ngang hàng. Khoa đọc thơ cho ba tôi nghe và ông khen cái sự hồn nhiên chân thật trong thơ Khoa. Còn tôi thì tò mò hỏi Khoa: Ra thăm Hà Nội cái gì với Khoa là ấn tượng nhất. Khoa đã trả lời ngay đó là cái quạt máy, không cần mỏi tay mà vẫn được mát. Sau bữa cơm thân mật vui vẻ tôi lại đưa Khoa về nhà chú Hồ Thiện Ngôn bằng xe đạp. Trước khi đi ba tôi còn dặn: Đi phải rất cẩn thận. Tôi đã nghiêm túc thực hiện lời ba tôi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chú Ngôn và ba giao cho là đưa thần đồng thơ đi đến nơi về đến chốn.
Trong những sáng tác củaVõ Quảng có một bài thơ rất lạ là bài “Mở cửa”, sau này ông đổi là “Mời vào”, bài thơ được ông viết và cho đăng báo cuối thập niên 60 và năm 1970 và nó được in trong tập thơ “Anh Đom Đóm”. Bài thơ như một bài đồng giao và nhanh chóng được trẻ em thích và thuộc. Bài thơ là bài học sinh động giúp con trẻ nhận diện cuộc sống “Cốc, cốc, cốc!/Ai gọi đó?/Tôi là Thỏ/Nếu là Thỏ/Cho xem tai/ Cốc, cốc, cốc!/Ai gọi đó?/Tôi là nai/Thật là nai/Cho xem gạc/ Cốc, cốc, cốc!/Ai gọi đó?/Tôi là Vạc/Nếu là Vạc/Cho xem chân/ Cốc, cốc, cốc!/Ai gọi đó?/Tôi là Gió/Nếu là gió/Xin mời vào/Kiễng chân cao/ Trèo qua cửa/Cùng soạn sửa/Đón trăng lên/Quạt mát thêm/Hơi biển cả/Reo hoa lá/Đẩy buồm thuyền/Đi khắp miền/Làm việc tốt. ” Bài thơ cũng là bài học cảnh giác trong điều kiện thời chiến thuở đó. Nó còn mang tinh thần thời đại của ngọn gió tự do “Đi khắp miền/Làm việc tốt”. Cái mới và hiện đại trong bài thơ là ở chỗ hình tượng nghệ thuật cực kỳ giản dị nhưng lại ẩn chưa trong nó những tầng nghĩa sâu và rộng hơn rất nhiều. Ở mọi thời điểm của cuộc sống bài thơ luôn giữ được tính thời sự của nó. Nó phản ánh thực tế cuộc sống và cho thấy ngay trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đất nước ta đâu có đóng cửa, chúng ta vẫn mở cửa đón bạn bè đến giao lưu và giúp chúng ta đấu tranh cứu nước, bạn bè của ta không chỉ các nước xã hội chủ nghĩa mà có ở cả các nước tư bản chủ nghĩa, nữ nghệ sĩ Mỹ Giên Phônđa đã đến Việt Nam, là người bạn đã giúp người Mỹ hiểu rõ hơn về Việt Nam và góp phần khơi dậy phong trào ủng hộ Việt Nam ngay tại nước Mỹ. Như vậy, từ cuối những năm 60 Võ Quảng đã có một cái nhìn rất mới và minh triết về vấn đề “Mở cửa”, quan điểm mở cửa này góp phần giúp đất nước hoà nhập vào thế giới và tương lai để từ đó trưởng thành và mạnh mẽ hơn lên. Xem ra văn học thiếu nhi với bài thơ này của Võ Quảng đã rất sớm đổi mới và mở cửa. Sau này khi Võ Quảng về hưu các cụ cùng tổ hưu trí với ông đã lấy bài thơ này trang trong đăng trên báo tường của mình và các cụ đặt cho Võ Quảng một biệt danh vui là “Ông đổi mới và mở cửa”. Đó có lẽ cũng là bài thơ thiếu nhi duy nhất được các cụ hưu trí đăng trên báo tương của mình./.