Tin tức

4/4
2:16 PM 2017

LỄ KỶ NIỆM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Vanvn.net - Sáng ngày 04-4-2017, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957 – 2017).

Quang cảnh Lễ kỷ niệm

Đến dự Lễ kỷ niệm có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương  Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên  Bí thư thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam...; đại diện lãnh đạo các cơ quan văn hóa văn nghệ Trung ương và các tỉnh, thành phố; các thế hệ nhân viên văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cùng hơn 500 nhà văn đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Lễ kỷ niệm cũng vinh dự nhận hoa chúc mừng từ Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đồng chí Nguyễn Văn  Nên - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội...

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sau nghi lễ chào cờ, các đại biểu dành một phút tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, tưởng nhớ các thế hệ nhà văn đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa IX đọc báo cáo tổng kết 60 năm xây dựng và phát triển Hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động điểm lại những chặng đường phát triển kể từ dấu mốc ngày 04-4-1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập với 278 hội viên (trong đó gồm 25 thành viên sáng lập) đến nay vừa tròn 60 năm. Trong 60 năm qua, các nhà văn Việt Nam luôn là người đồng hành chung thủy cùng dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến, sang thời kỳ đổi mới. Ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn dấn thân hết mình vào với sự nghiệp Cách mạng, thực sự giữ vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tiếp năng lượng tinh thần cho nhân dân và cho những người lính ngoài mặt trận. Trong sự nghiệp ấy, các nhà văn đã xông pha vào những nơi gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến cũng như của đời sống, nhiều người đã ngã xuống như một anh hùng… Sự hy sinh to lớn ấy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi và thành quả Cách mạng của nhân dân. Và đó cũng là lý tưởng xã hội của nhà văn. 60 năm cũng là quá trình Hội Nhà văn Việt Nam tập hợp được đông đảo các nhà văn có khát vọng, có tài năng tâm huyết cùng sánh bước dưới mái nhà chung ấm áp của mình. Nhiều lớp nhà văn mới đã xuất hiện, đem tài năng và tâm sức của mình sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Tài năng của nhà văn trước hết thuộc về cá nhân, nhưng nó cũng là tài sản của xã hội. Tài năng chỉ trở nên có giá trị khi mang ý nghĩa xã hội. Trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam là phải luôn mở rộng cánh cửa để tập hợp, đoàn kết các tài năng văn học ấy, từ đó tạo điều kiện để khuyến khích các nhà văn sáng tạo và cống hiến. Một gia đình yên ấm, một mái nhà đồng thuận sẽ làm cho mỗi người say mê hơn, tự tin hơn trên con đường sáng tạo hết sức cô đơn của nhà văn. Giao lưu và hội nhập quốc tế được xem là một cánh cửa để giới thiệu vẻ đẹp của văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới bằng con đường văn học. Thông qua văn học, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại, cũng nhờ có giao lưu mà chúng ta cũng học được từ thế giới rất nhiều những tinh hoa tốt đẹp để làm giàu hơn cho nền văn học Việt Nam. Với quan điểm không để Việt Nam chỉ là thị trường tiêu thụ văn hoá thế giới, mà phải là đối tác giao lưu văn hoá với thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện, chúng ta cần hiểu biết thế giới thì thế giới cũng có nhu cầu hiểu biết Việt Nam; trong những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh các mối quan hệ ngoại giao trên lĩnh vực văn hóa và văn học. Kết quả của những hoạt động này đã khẳng định một hướng đi đúng, làm thức dậy nhiều tiềm năng và hiệu quả... Không chỉ có thế, thông qua giao lưu văn học, chúng ta còn hướng đến những mục đích cao cả, mục đích bảo toàn thế giới của văn học, bằng việc thiết lập những cây cầu hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia. Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, có thể nói nền văn học Việt Nam là một nền văn học luôn vận động và phát triển. Vượt qua rất nhiều cột mốc, vượt qua sự ấu trĩ, sơ lược, xơ cứng, gò bó… nền văn học của chúng ta thực sự là một quá trình liên tục của sự tự hoàn thiện và tự đổi mới. Biết tiếp nhận cái mới có thể xem là một trong những đặc điểm của văn học Việt Nam. Đặc điểm này sẽ là cơ sở vững chắc và đảm bảo cho những cọ xát của văn học với những biến động của đời sống xã hội hiện nay… 60 năm đồng hành với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, 60 năm gắn bó máu thịt với đời sống của nhân dân, 60 năm xây dựng đội ngũ, mở rộng sáng tạo, giao lưu và hội nhập. Có thể nói, trong suốt hành trình ấy, với Hội Nhà văn Việt Nam là cả một quá trình luôn vận động để phát triển, với tất cả tài năng, tâm huyết và khát vọng sáng tạo.

Đồng chí Võ Văn Thưởng

Đồng chí Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chào mừng các đại biểu đến dự Lễ kỉ niệm. Đồng chí đánh giá biểu dương vai trò của các nhà văn Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời kỳ vọng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trở thành Hội chính trị xã hội nghề nghiệp vững mạnh trong thời kỳ mới.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Để văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23 –NQ/TW về văn học, nghệ thuật, đặc biệt là Nghị quyết 33 –NQ/TW về “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam...

Hội Nhà văn Việt Nam cần tiếp tục đi sâu, nắm bắt, sáng tạo các tác phẩm văn học ngợi ca, tôn vinh cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, nhân dân anh hùng trên tinh thần nhận thức lịch sử một cách biện chứng, sâu sắc. Hội cũng nhìn nhận đúng độ lùi về thời gian, sự thay đổi về khoảng cách thẩm mỹ, thái độ chiêm nghiệm và ý thức văn hóa, sự đổi mới về bút pháp và cách tân nghệ thuật, giúp các nhà văn có thêm nhiều xúc cảm thẩm mỹ mới.

Bên cạnh đó, Hội cũng cần bám sát hơi thở cuộc sống đương đại, đi sâu, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của xã hội, phấn đấu tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khắc họa sinh động hình ảnh con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại; đề cập đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội đương đại; kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo-truyền thống quý báu của dân tộc, văn hóa Việt Nam. Hội cần bình tĩnh, cảnh giác trước các biểu hiện, khuynh hướng văn học thiếu lành mạnh, thậm chí độc hại, phản động; tình trạng “thương mại hóa” văn học nghệ thuật, chạy theo thị hiếu dễ dãi, tầm thường có nguy cơ lan rộng. Hội tích cực phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, định hướng sáng tác, nghiên cứu của tổ chức Hội, Đảng đoàn Hội Nhà văn với các hội viên, lực lượng cầm bút trong cả nước để không xảy ra tình trạng chệch hướng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong văn học, nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ không ngừng bám sát thực tiễn, sống cùng đất nước, nhân dân, gắn bó với sự nghiệp đổi mới, đi sâu vào thực tiễn, dám đổi mới mạnh mẽ nhưng đúng đắn, tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng.

Nhà thơ Giang Nam

Tiếp đó, đại diện các thế hệ nhà văn Việt Nam phát biểu ý kiến, bày tỏ tình cảm đối với Hội Nhà văn: nhà thơ Giang Nam (người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm nay gần 90 tuổi), nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường, thuộc thế hệ nhà văn sáng tác sau năm 1975).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội, Trưởng ban Sáng tác đọc quyết định truy tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (đợt I) cho 22 nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB và dịch giả văn học đã qua đời. Đây là những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho nền văn học, để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam 60 năm qua nhưng vì những lí do khác nhau, chưa được trao tặng những giải thưởng văn học xứng đáng với tác phẩm.  

 Thân nhân của các cố nhà văn nhận giải thưởng văn học do Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Trần Đăng Khoa trao tặng 

Tổng kết trong 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác. Đồng thời Hội cũng đã có 53 nhà văn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 129 nhà văn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 3 nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3 nhà văn được phong tặng Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

 

PL

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *