Tin tức

5/5
8:26 PM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (5-5-2017)

Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”.

Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và triển khai cơ chế đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đề án, Nhà nước đầu tư trang thiết bị phù hợp cho một số Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh do ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý.

Cụ thể, trang bị 68 bộ thiết bị chiếu phim (máy chiếu phim lưu động kỹ thuật số và hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đi kèm) cho các đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện đặc thù (30 tỉnh).

Bên cạnh đó, trang bị 25 xe ô tô chuyên dùng (hoặc phương tiện vận chuyển cơ giới chuyên dùng khác theo đặc điểm địa lý của các địa phương) cho 25 Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện đặc thù (25 tỉnh).

Thời gian thực hiện đề án trong 2 năm từ 2017 - 2018. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin hàng năm ở trung ương. Tổng mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho một số đội chiếu phim lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2018 là 41,65 tỷ đồng.

Trong năm 2017, 30 tỉnh được hỗ trợ 34 bộ thiết bị chiếu phim và 12 tỉnh được hỗ trợ 12 xe ô tô chuyên dùng chiếu phim lưu động, tương đương với số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và thông báo bổ sung kinh phí cho địa phương là 20,4 tỷ đồng.

Năm 2018 sẽ có 19 tỉnh được hỗ trợ 34 bộ thiết bị chiếu phim và 13 tỉnh được hỗ trợ 13 xe ô tô chuyên dùng chiếu phim lưu động, tương đương với số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và thông báo bổ sung kinh phí cho địa phương là 21,25 tỷ đồng.

(Theo: dangcongsan.vn)

Trưng bày mẫu phác thảo Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc

Ngày 5-5, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm trưng bày mẫu phác thảo Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Mẫu phác thảo Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc được trưng bày gồm chân dung Bác Hồ là hình ảnh của Bác vào thời điểm lịch sử Bác lên thăm Khu tự trị Thái - Mèo năm 1959, thể hiện sự gần gũi, ân cần và giản dị. Bức phù điêu phía sau Tượng đài Bác Hồ là hình tượng bông hoa Ban cách điệu có 5 cánh - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Mặt trước bức phù điêu thể hiện đặc trưng văn hóa, các công trình lịch sử của 6 tỉnh Tây Bắc. Mặt sau bức phù điêu khắc họa một số hoạt động văn hóa, kiến trúc, cảnh quan nổi bật của tỉnh Sơn La như: Lễ hội Hết Chá của người Thái Mộc Châu; cầu Pá Uôn ở huyện Quỳnh Nhai…

Triển lãm là hoạt động quan trọng trong quá trình triển khai Dự án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhằm giáo dục truyền thống, thể hiện sự tôn kính và ghi nhớ tình cảm của Bác với đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc đặt tại thành phố Sơn La còn là sự thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc khu vực Tây Bắc nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với tình cảm của Bác Hồ kính yêu dành cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Triển lãm trưng bày mẫu phác thảo Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc diễn ra đến hết ngày 25-5. Sau triển lãm, Tổ công tác Dự án Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc sẽ tổng hợp các ý kiến, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, trình Ban Bí thư xin ý kiến về mẫu phác thảo bước 2; đồng thời giao nhóm tác giả hoàn chỉnh mẫu phác thảo theo ý kiến của các cấp, ngành, trình UBND tỉnh Sơn La phê duyệt và thực hiện các bước tiếp theo.

(Theo: TTXVN)

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể bị phạt 40 triệu đồng

Từ ngày 5-5-2017, Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó có biểu diễn văn hóa nghệ thuật bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, những vi phạm thuộc lĩnh vực này sẽ bị xử phạt với mức tiền cao nhất lên tới 40 triệu đồng. Cụ thể, những vi phạm quy định về nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu khi chưa có giấy phép, mức phạt tiền từ 15 triệu đồng tới 20 triệu đồng.

Bổ sung mức phạt tiền từ 20 triệu đồng tới 25 triệu đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; nhân bản bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

Hành vi dán nhãn kiểm soát không đúng chương trình đã được cấp phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 1.000 bản trở lên bị phạt tiền từ 15 triệu đồng tới đến 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; Vi phạm các quy định về bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dụng sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng; Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

Mức phạt tiền đối với hành vi phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung chưa được phép phổ biến, hoặc chưa dán nhãn kiểm soát từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng…

Cùng với đó, Nghị định 28/2017/NĐ-CP cũng bổ sung việc phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi phổ biến, lưu hành hình ảnh cá nhân người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung phản cảm, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục văn hóa Việt Nam; Đình chỉ hoạt động biểu diễn 12 tháng đối với người biểu diễn tái phạm hành vi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Theo khung xử phạt mới, đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoặc đề án tổ chức cuộc thi đã gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sẽ bị phạt tiền ở mức nghiêm khắc hơn. Cụ thể, các cá nhân, đơn vị tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng đối với những hành vi sau: Ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế mà không có giấy phép; Ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; Không thu hồi danh hiệu đã trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu.

(Theo:qdnd.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *