HỘI THẢO “VHNT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH-30 NĂM ĐỔI MỚI”
Ngày 28-9-2017, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo với chủ đề “VHNT thành phố Hồ Chí Minh-30 năm đổi mới”. Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng đông đảo các văn nghệ sĩ TP đã tham dự hội thảo
Tham luận của các đại biểu cho rằng: Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện từ Đại hội VI của Đảng đã thúc đẩy văn nghệ sĩ TP tự chủ sáng tạo, phong phú về đề tài, thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện... Qua đó xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh sâu sắc, sinh động cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT ngày càng cao của nhân dân, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Đồng thời đấu tranh hiệu quả với âm mưu thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng được bổ sung về số lượng, chất lượng được nâng cao, hoạt động sôi động, gần gũi quần chúng. Thông qua hội thảo, thành phố cũng rút ra nhiều kinh nghiệm, nội dung, biện pháp đầu tư, chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động VHNT trong thời gian tới:
Từ cơ chế thị trường đến hội nhập quốc tế
30 năm đất nước đổi mới là 30 năm TP Hồ Chí Minh không ngừng trăn trở vươn mình. Mỗi bước đổi thay, lớn mạnh của TPHCM đều có công sức, tâm huyết của đông đảo văn nghệ sĩ TP. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động VHNT của TP có nhiều khởi sắc. Hoạt động VHNT tiếp tục phát triển với dòng mạch chính là yêu nước, nhân văn, khắc họa cuộc sống, chiến đấu của một thời chiến tranh gian khổ, hào hùng và cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình VHNT TP Hồ Chí Minh: “Giai đoạn 1986-2006 là thời điểm rực rỡ của sân khấu. Có được điều này là do sân khấu đã tìm cách tạo ra khán giả cho riêng mình và mỗi sân khấu đều có điểm riêng để khán giả lựa chọn thưởng thức. Chúng ta rất quan tâm đến việc định hướng qua các kênh báo chí làm lý luận phê bình, nhưng do người làm lý luận phê bình còn thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm về thị trường nên sân khấu xã hội hóa từ 2006-2016 đã từ từ tách ra khỏi định hướng ban đầu”.
NGND Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đánh giá: 30 năm đổi mới, giới mỹ thuật TPHCM vừa tập hợp được lực lượng nghệ sĩ sáng tác hùng hậu, từng bước xây dựng đội ngũ nghệ sĩ trẻ với 12 câu lạc bộ và trên 700 hội viên sinh hoạt, cho thấy tinh thần yêu nghề của các nghệ sĩ luôn hăng say; uy tín và sức hút của hội ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, TP chưa có sự đầu tư đúng mức cho nghệ thuật và mỹ thuật. Giới mỹ thuật đã có nhiều kiến nghị nhưng những tiếng kêu ấy như chìm vào quên lãng”...
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đi vào kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông đa phương tiện, văn hóa văn nghệ có điều kiện phát triển hơn, nhưng thách thức cũng lớn hơn. Sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài khá mạnh, trong khi sự chuẩn bị, ứng phó trên mặt trận này còn chưa đủ sức và tỏ ra lúng túng.
Tăng cường đầu tư cho VHNT
Theo NGND Huỳnh Văn Mười, 30 năm đổi mới là thời gian đội ngũ văn nghệ sĩ được tăng cường đáng kể, cả về lượng lẫn chất. Quá trình chuyển giao thế hệ đã và đang diễn ra tích cực, giữ vững dòng chảy liên tục của hoạt động VHNT TP. Công chúng văn nghệ ở TP ngày càng đông đảo, sôi động, nhu cầu thưởng thức ngày càng cao, đa dạng và cũng không kém phần phức tạp, đòi hỏi quản lý sâu sát và đáp ứng kịp thời. Mãi đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực hiện quy hoạch tổng thể tượng đài, hệ thống bảo tàng không có cái nào chuyên nghiệp, cơ sở xuống cấp cũ kỹ, thiếu đầu tư, chỉ tận dụng theo kiểu có gì dùng nấy...
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần tăng cường đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình VHNT nói chung và âm nhạc nói riêng. Hiện nay, nhiều chương trình truyền hình thực tế, công nghệ lăng xê, gameshow... với kiểu tâng bốc đang góp phần tạo ra những giá trị ảo trong nghệ thuật. Trong khi việc xây dựng đội ngũ lý luận phê bình - nhân tố đóng vai trò then chốt để VHNT phát triển - lại thiếu và yếu, chưa được đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh: “Do chi phối của những mặt trái cơ chế thị trường, tác phẩm VHNT chiều theo thị hiếu dễ dãi, thậm chí là thị hiếu thấp kém, xuất hiện ngày càng nhiều và đáng lo ngại, làm nhiễu sự chọn lọc các giá trị chân, thiện, mỹ của công chúng; ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nhân cách, lối sống, nhất là đối với một bộ phận thanh thiếu niên. Hội thảo này rất quan trọng, bởi chúng ta có thể đúc kết được một số kinh nghiệm, những bài học quý giá để từ đó có những đề xuất cụ thể thúc đẩy sáng tác, kích thích đội ngũ văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực, sáng tạo những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Thông qua tác phẩm, khẳng định các nhân tố mới trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và lao động của nhân dân; tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội; tham gia đấu tranh phản bác các khuynh hướng nghệ thuật sai trái, lệch lạc, cực đoan; bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng”.