Tìm tòi thể nghiệm

26/4
9:01 AM 2017

LÀNG GIAI NHÂN-TRUYỆN NGẮN CỦA ĐOÀN NGỌC HÀ

Ngày xuân. Mưa bụi. Hạt đều như rắc phấn. Nắng chưng mật. Xứ Bắc Việt Nam có hoa đào nở. Ngày còn sống, bà Hoan thường bảo con điều ấy. Bà còn dặn thêm, dân Việt nghèo nhưng giêng hai đi xem hội cả tháng. Khi nói về hội, gương mặt bà sáng lên. Hội vui vì có nhiều trò nhưng trò mê mết nhất là con gái được ghẹo. Ghẹo là một sự yêu, thú vị, đắm đuối, không lẫn dục cẩu.

                                                        Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Hội Việt là cái hội đầy đàn bà, cho đàn bà. Vậy Melice quyết định về Việt cùng với một lí do khác nữa. Ở sân bay đã thấy hoa đào. Cánh hồng mở rất mỏng, một thứ hoa như sương, như không có thật vì nó không cần trang màu lòe loẹt mà vẫn kiêu kì, rung rểu như da cô gái trinh đang độ lớn. Dư vị đầu tiên mà Melice nhấm nháp khi sang Việt.

Công việc bắt buộc Melice phải gặp người công quyền ở một huyện đồng bằng Bắc Bộ, nơi mẹ Hoan sinh. Mọi sự sẽ hanh thông cho một chuyến đi theo lời di huấn của mẹ trước lúc nhắm mắt nếu người công quyền (cách nói của Melice) gật đầu cho phép. Cái gật đầu của người Việt là một cử chỉ đối thoại có giá trị ngang với một thông điệp. Mọi hành trang cho một chuyến đi đã sẵn sàng. Sức chứa của tài chính, sự hào hoa của đồng xanh vừa đủ. Me (Melice) vừa lướt tuổi 25 nồng nàn yêu, con gái út mẹ Hoan, thừa hưởng nước da trắng mỏng của mẹ, nước da gái Việt, vóc dáng đầm Âu cao thon, tươi tốt như một thứ “thài lài gặp cứt chó” (nói theo ngôn ngữ bản địa)(1). Thật may! Bởi cô gái út ít ở độ xuân thì có ý thức tuyệt đối về vẻ đẹp lai Việt, gốc đồng bằng Bắc Bộ, gốc làng Sậy, làng tổ sư gái đẹp, người tử tế gọi là làng Giai Nhân, kẻ ghét bỏ gọi là làng Đĩ, làng thờ đĩ, thờ cái thứ tiếng Việt rất kiêng gọi, kèm những áng Folklore(2) thót tim, đại để như một anh đánh giậm vào nghỉ trưa trong phủ Nương Bà, bị Thần hiếp cho đến chết. Trai tráng không dám bén mảng. Hễ bén mảng là bị vật bổ ngửa rồi lịm dần đi, trôi vào cái miền chết tiệt! Con gái càng đẹp càng thiêng, càng đĩ càng thiêng. Đĩ thành Thần. Chữ “đĩ ” rất khó dịch cũng như những mê lộ tiềm tàng đến bí ẩn của dân Việt, nhưng chính những cái đó lại là thứ “cứt chó” Việt tắm gội cho cô gái lai cả linh hồn và thể xác, cả mental (trí tuệ) nữa! Hiểu vậy nhưng cô không tài nào diễn tả nổi, diễn tả cho được thứ ngôn ngữ bản địa thuần phác và tinh tế (subtil) nhã nhặn, lịch sự mà cô từng dày công học ở mẹ. Sang Việt, đó là thứ hành trang ít ỏi nhất, đáng lo nhất. Cô không thể có cái âm vực dư dôi, trong trẻo như các cô gái ở sân bay Nội Bài vừa gặp. Họ rớn rác như chim. Họ vừa hát (tức nói) vừa mỉm cười nữa chứ! Môi họ đã là một thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp, mỏng mảnh và ngọt lịm.
 
Xe vào công đường. Người bảo vệ mặc cảnh phục làm thủ tục. Melice xin 5 phút gặp người công quyền. Chờ. Bỗng phòng trực dội một hồi chuông ngắn. Vài người lóng tóng ra mở cửa. Một người hơi gầy lặng lẽ tiến lại bắt tay Me. Me chào. Người ấy không hé một cử chỉ gì gọi là thân thiện. Ông mặc sơ sài, áo màu cỏ, mắt màu tro, đường sống mũi gãy và tẹt, cửa mũi mở rộng hai lỗ sâu tối, không râu, hơi mím, toát lên vẻ lạnh lùng, mực thước. Ông hỏi ngay về công việc của khách. Me không thể trình bày hết được bằng tiếng Việt về những chi tiết hết sức hiểm hóc, tế nhị như lời mẹ dặn. Nhưng ông đã nhìn như cắm vào đồng hồ.
 
Việt Nam đang vào cuộc canh tân, cố nhiên rồi, cuộc đổi thay đến tận gốc rễ dân Việt. Đi đâu cũng thấy khẩn trương, bận bã. Xứ Việt đang vỡ ra một cái gì. Thật không ngờ, ông ấy đã rút máy gọi lái xe cho về làng Sậy. Có lẽ câu chuyện gay cấn gần như một bí sử khuất lấp từ cha đẻ Me, mẹ đẻ Me, trải gần 40 năm làm ông tách khỏi các công việc bề bộn. Chiến tranh, diễm sử và bí sử. Rùng rợn và khó hiểu. Kể ngàn năm không hết. Me khó hiểu nhưng tạm yên tâm.
 
Làng Việt, những tế bào dệt nên vương quốc của họ. Mỗi làng xưa có một lũy tre gói một tập tục nghiêm ngặt. Mẹ Hoan từng nói bà là con một vị chánh tổng, nức tiếng hoa khôi, được học trong một trường dòng, kinh thánh chảy trong tiếng Pháp. Vị chánh tổng làm ruộng, thuê tới bảy lực điền, xẻ gạo cho kháng chiến. Giàu có nhưng ăn mắm tép trộn với cơm gạo tẻ bầu, một thứ cơm màu đỏ, phảng phất mùi bùn. Bùn ngập làng. Bùn và đỉa. Đỉa bơi từng chùm trong những hố lội. Mẹ kể. Kể như lật từng trang trong một gia đình thời loạn. Học xong trường dòng, mẹ mười tám tuổi. Đẹp như một bông sứ. Đẹp đến nỗi đi đâu cũng phải bôi nhọ nồi. Khổ thân, cha gả cho một ông phán năm mươi, đã hai vợ. Đời mẹ coi như hết. Được một thời gian, mẹ bỏ ông phán về nhà. Bị cha đánh đòn, nhốt chuồng trâu bảy tháng rồi đày đi làm đồng với bọn người làm thuê. Mẹ nhớ, hôm ấy nắng tháng sáu. Nắng to lắm. Nắng cháy trên mặt nước rần rật. Nắng vỡ từng chùm lửa. Giữa một cánh đồng bao la, mẹ thấy nhôn nhốt ngứa và tức bụng. Thò tay xuống, mẹ chạm phải một vật gì thăng lẳng bằng chuôi dao. Đỉa! Đỉa cắn! Đỉa cắn! Trời hỡi, con vật bám chắc. Bứt được đầu này thì còn đầu kia nó co lại tụt sâu hơn. Nôn và buốt. Đồng rộng. Toàn lực điền đang quất trâu cày ruộng. Mẹ phải chạy về nhờ một người nấu bếp gí hòn than đỏ mới lấy được con vật. Sau sự việc ấy, mẹ mới được ở nhà làm nội trợ và việc vặt. Có lẽ cũng do công việc nội trợ, gạo mắm mà dẫn đến một chuyện sau này... Cũng là cái phận! Gái trong làng, truyền kiếp đẹp và truyền kiếp khổ. Ai bảo mẹ lấy Tây? Cái khổ tự những đâu, mẹ làm sao biết được. Khổ quá thì chỉ còn dóng về đền Nương Bà, cầu lạy để được tưới rượi trong một chuyện kể như một Thánh kinh dạy dỗ. Từ bao đời, câu chuyện đã như một điều an ủi, một chút ngậm ngùi, niềm ân uy cao quý xoa dịu bớt nỗi đau. Chuyện rằng, cô người họ Đào. Vua đi kinh lí được nghe về một làng giai nhân liền ghé thăm. Đàn bà, con gái trốn chạy. Thấy một con thú chạy rung bụi rậm, nhà vua giương cung. Ai dè, con thú bị thương giãy chết trong bụi rậm lại chính là một cô gái. Nhà vua đau đớn. Không chỉ tội giết người mà chính ông đã hủy diệt một sắc đẹp. Có gì mà cứu lại? Không còn cứu được nữa! Vua ngửa mặt nhìn trời. Trời rền lên một tiếng sét. Thấy linh nghiệm, nhà vua cho tạc tượng và lập miếu thờ cô gái họ Đào…
 
Làng Giai Nhân quê mẹ. Xe dừng. Một bản photocopie(3) theo lời mẹ kể về một làng quê Việt. Rất lắm cây, lắm đất, lắm ngõ. Đường bê tông ngoằn ngoèo. Ngước lên thấy một mái chùa thấp lẹt đẹt như sắp tụt hẳn xuống lòng đất. Còn vài bụi tre. Thỉnh thoảng bới lên trời một cái nhà cao tầng. Có một cái ao khoanh như một vòng khăn xếp, trồng rau cần (thứ rau thân mềm, rễ trắng, thơm), nhớ ra rằng mẹ bảo thứ rau nấu cá quả cúng ông bà ngày tết. Giật mình khi thấy rẽ từ ao lên một cô gái như vừa nở ra từ một cái bọc đen sì. Gái Việt, gái làng Sậy (làng Đĩ). Cô xắn quần. Nửa bắp vế dưới đen như thuốc nhuộm, thứ bùn lỏng, thứ dung dịch nhờn và lầy nhầy. Không thấy quái vật đỉa, không thấy đỉa cắn, hẳn quái vật đang ngóc đầu ở dưới cái bọc sâu kín kia. Còn nửa bắp vế trên là một công trình tuyệt mĩ! Thứ da trắng nõn, trinh khôi và tơ tuốt đến mê lú rẽ lên đến tận góc, lỏng lẻo buông một vòng eo thập thò, nghịch ngợm. Mỗi lúc, cặp đùi trần của gái tơ làng Sậy càng rớn lên óng và sáng, thứ ánh sáng mê man nhấc cả cái ao rau cần chòng chành. Ôi mẹ! Trái đất, một hành tinh vụn. Ai đã nhìn một đàn bà phương Đông phong tình và khỏe mạnh nhúng xuống bùn? Cô ngửa mặt cười với khách. Nụ cười thay rất nhiều lời nói. Lẳng. Duyên. Hình như cả đĩ nữa. Cái đặc trưng vừa cố hữu, vừa sơ hở, vừa tội tình. Tạo hóa vẫn sáng tạo ra những thứ trái khoáy làm mê sảng và ngập ngụa thế gian.
 
Người công quyền từ lúc xuống xe vẫn phăm phăm đi. Trước tượng Nương Bà, ông cẩn thận ngả mũ, chậm rãi cử hành ba lần vái rồi lặng lẽ cúi đầu. Cử chỉ đầy vẻ trọng hậu. Có một cái gì rờn rợn, xao xác, hoang tàn. Có một cái gì như tiếng người lầm thầm. Mặt trời đậu nóc phủ bỗng tóe một màn thiên phúc đẫm sáng. Bà đứng, ánh sáng lễ mễ từ một ngách cửa sổ treo lửng ở phía sau rót vào. Trần trần. Hoang hoang. Âm ẩm. Tủi thương và e ấp nứt một cái khe mũm mĩm khiêu khích đến nỗi viên đạn của một thứ thực dân đã hung hãn cắn vào. Vết cắn ít người biết khi rêu phong và màng nhện phủ. Vết cắn âm ỉ, rỉ máu. Vết cắn do con đỉa thực dân gây nên trần ai, bi khốc và cực kì khốn nạn! Gã Hơbớt (cha đẻ của Me) phạm một tội nghiêm trọng là bắn vào sắc đẹp của loài người. Ăn bơ sữa và ăn cả súng đạn thôn tính các thuộc địa, gã sĩ quan điên cuồng trong cả mấy năm không được hít đàn bà, giận dữ khi chỉ được liếm bằng mắt con đĩ phương Đông giễu cợt gã trong một thứ đá lạnh thế này ư? Pằm! Viên đạn réo lên rồi bất lực tóe lửa rơi xuống chân người đẹp. Trong khi túc hạ của gã đã dồn đến một lô dân thường cùng việc phát hiện một cái bem (hầm) chứa du kích. Du kích Việt là một thứ ma trơi rất khốn nạn đối với quân đội viễn chinh hùng hậu. Thời ấy, bắt được du kích, bọn thực dân chỉ còn một việc là chặt nát cái xác cho hả giận. Gã quay ra lệnh cho bọn giặc bồng tiểu liên giòn giã nổ vào đám dân cho đến người cuối cùng. Máu thành rãnh. Máu vẽ trên mặt đất. Tanh. Khét. Nhầy nhụa. Những cặp mắt trước khi khép lại còn ngơ ngác. Chưa hả, gã mở đến cái “mỏ vịt” thứ ba ném vào nơi có nắp hầm chứa du kích. Đất tung xới. Hố sâu lõm dần. Càng lõm cái hang tối càng hiện ra thách thức. Dân Việt là một thứ sâu đất! Chúng dũi vào đất, đi trong đất như người ta đi bộ. Kinh hoàng! Mặt trời lúc ấy tong tưởi nhỏ máu. Bầu khí quyển tí tách vỡ. Từ hõm sâu của ba quả lựu đạn thay nhau đào khoét bỗng lòi ra một mảnh khăn bao xanh màu thiên lí, thứ khăn thắt eo làm đỏm gái Việt. Còn cái gì thế này? Giữa bùn và máu, đám giặc bới lên một tấm thân đàn bà trần nõn mang khuôn mặt rờn rờn cứ như vừa được bóc ra từ một đám mây rơi xuống. Tiếng xì xồ quây lại. Chúng lật ngửa người đàn bà… Kì dị! Thằng sát nhân hộc lên một tiếng rồi quỳ xuống…
 
Rời phủ Nương Bà, người công quyền cùng Me vào sâu một cái ngõ. Ngõ Việt như một đường tơ rối. Chỉ rộng vài gang tay. Nhưng thăm thẳm. Âm cung. Rối rắm. Như vào một cái tổ ong nhiều lỗ. Ngõ Việt mới kì khôi chứ! Chỗ thò. Chỗ thụt. Chỗ bỗng cẩng lên như đái vọt ra một đoạn rồi thình lình “bai bai” mất hút. Giời ạ! Mẹ Hoan đã từng ở cái làng thế này! Cuối cùng cũng dẫn đến một cái nhà. Mở tung một ngôi nhà gỗ cửa bức bàn có bờ ngưỡng cao phải co gối mới bước vào trong được. Nhà cụ Tổng Kếnh, cha đẻ bà Hoan, mẹ cô gái lai Melice. Tấm phản lim. Ngai thờ mang ảnh cụ Tổng mặc quần ống sớ trắng. Vẻ mặt nghiêm trang. Ông ơi! Cháu ngoại của ông đây! Melice gục xuống tấm phản khóc cho cả mẹ. Người công quyền bảo một bộ phận địa chủ Việt có công. Một thời, họ bị hiểu nhầm, chúng tôi kịp nhìn ra và đau đớn sửa chữa. Riêng ông Tổng (người công quyền lướt một chút hóm) còn một “cái tội” đáng kể hơn là cha đẻ của một cô gái đẹp lấy Pháp, cái thằng bắn vào Nương Bà và nòng tiểu liên của nó nhúng vào máu làng Sậy. Để cứu một tiểu đội du kích bị bao vây, cô gái tiếp tế Đào Thị Hoan đã hút giặc về phía chiếc hầm bọc bện cây lá ở cuối vườn phủ Nương Bà. Ba quả lựu đạn xé đất. Điều kì lạ, cô chỉ bị vài vết thương nhẹ. Người ta bảo cô được Nương Bà che chở. Điều kì lạ hơn nữa là chính Nương Bà đã phù hộ cho thằng sĩ quan để nó phản chiến, để cô con gái vị Chánh tổng thạo tiếng Pháp cảm hóa được nó quay mũi súng lại bọn thực dân bẩn thỉu trong khi chúng đang sa lầy ở chiến trường đồng bằng và chết chìm ở Điện Biên Phủ. Trăm lạy Nương Bà anh linh! Khi tướng Đờ Caxtơri kéo cờ trắng ra hàng thì họ làm lễ kết duyên ở một xứ sở xa lạ trước khi hồi cư yên lành về Pháp quốc.
 
Người công quyền không vái cụ Tổng Kếnh như ông vái Nương Bà. Nhưng ông nói một câu. Chúng tôi rất coi trọng quá khứ. Đừng để quá khứ là tảng đá, hãy coi quá khứ là một đóa hồng. Cơ hội cho công việc sập đến, Me nén sự hồi hộp:
- Thưa ông! Tôi muốn trình lên ông một việc!
- Việc gì?
 
Người công quyền quay phắt lại. Cái mũi không gãy nữa. Chỗ tẹt gợn lên như cái khu cá. Tim Me nảy lên. Cơ hội vàng. Me rưng rưng:
- Thưa ông, tôi mang về Việt lời dặn của mẹ tôi, xin ông cho hàn lại vết thương của Nương Bà!
- Vết thương chiến tranh! Người công quyền nói nhanh và gật đầu.
- Thưa ông, thế này!...
 
Me không còn ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ uyển ngọc và quỷ quái này bỗng bay đâu hết. Có những bầy chim hót rất lạ, có những vương quốc ngôn ngữ chỉ vừa lỗ tai họ. Lúng túng, cô cứ nâng tay lên, hạ tay xuống, khuơ khuơ trước ngực mãi. Người công quyền mỉm cười thông cảm:
- Tôi hiểu rồi! Cô muốn tái thiết?
- Vâng! Là vết thương chỗ… chỗ… chỗ…
 
Khốn khổ! Trong khi ý nghĩ có sẵn mà lời thiếu. Me mấy lần định đưa tay đặt dưới bụng mình để diễn tả nhưng sợ sệt khi nhớ rằng văn hóa Việt rất kiêng cái chỗ… Cuối cùng cô chỉ đành lặp lại một cách ấp úng và tội nghiệp:
- Chỗ… chỗ… Merci(4) chỗ… Merci chỗ…
 
Người công quyền bỗng giật lên. Ông đóng người xuống đất bằng một thỏi thép:
- Không được đâu! Chúng tôi sẵn sàng xóa bỏ hận thù đi vào mái nhà nhân loại. Nhưng xóa không có nghĩa là quên. Cô hiểu chứ? Chúng tôi cần nhớ những bài học. Bài học ở phủ Nương Bà là máu. Hãy để nguyên, đừng làm mất thể dạng chỗ mặt đất có máu!...
 
Ngày cuối cùng trên đất Việt. Mọi cố gắng của Me đều bị xổ toẹt. Đêm hội phủ Nương Bà, người công quyền đốt lửa truyền thống, ở Việt Nam rất hay đốt lửa. Ôi mẹ! Thứ lửa đàn bà họ có hình dung nổi? Chiến tranh. Đàn bà. Đàn bà là sức mạnh của vương quốc này. Họ là kẻ tội tình nhất, đáng thương nhất. Hỏi chiến tranh, hỏi đàn bà. Sau mỗi cuộc chiến, Thượng Đế vẫn cúi xuống lau nước mắt cho họ. Nỗi đau xé ruột. Làng Sậy, đêm sáng rực. Gái đẹp, chao ôi, cái đẹp gái làng Sậy, hành tinh còn phải đốt đuốc mệt mỏi. Họ về như một cơn mưa. Như sao. Như trăng. Ảo não. Mơ thức. Hôi hổi. Gương mặt như mẹ Hoan. Mẹ ơi! Me khóc. Khóc mẹ. Khóc ông ngoại. Khóc một người cha tội tình và lầm lạc. Khóc cho những vết thương ở các vương quốc chưa lành. Nước mắt, lâu đài chung trên mặt đất. Nước mắt, thông điệp bi khẩn lúc nào cũng rền rĩ cứu độ toàn nhân loại. Người công quyền dâng ngọn đuốc, ông vẫy Me lại, cử chỉ duy nhất đầy thân thiện của ông trong suốt quãng ngày Me trên đất Việt. Căng thẳng. Me đứng bên người công quyền. Quanh họ, những gương mặt giai nhân như thần hiện. Sau rốt, hi vọng hay là vô vọng, Me chỉ còn nấc lên như một cái cát xét rè lặp lại:
- Merci chỗ… chỗ…
 
Người công quyền hầu như lúng túng. Hầu như sửng sốt. Cặp mắt ông lướt một đám mây đen chứa sét.
- Merci chỗ… chỗ…
 
Hình như ông ta bối rối. Những giai nhân xáp lại. Ấm áp. Mê man. Không khí thơm mùi hoa. Không khí thơm mùi đàn bà. Chỉ còn vài giây, ngọn đuốc đưa vào đài lửa. Chỉ vài giây. Chỉ vài giây. Chỉ còn vài giây.
- Chỗ… Chỗ…
 
Không còn ngôn ngữ nữa! Thứ ngôn ngữ Việt để diễn tả điều sâu kín, thứ ngôn ngữ chết tiệt chỉ người Việt chính cống mới nói được. Cuống quýt và liều lĩnh, Me đã kịp cướp tay người công quyền đặt trên nền váy mỏng khi ông thả tay xuống cho ngọn lửa hù lên trời một mảng nhũ lộng lẫy…
Chỉ một ngày sau đấy, chữ kí của người công quyền cho việc hàn gắn thi thể một giai nhân đã bay rẹt ngang trang giấy.
 
Tháng 2 năm 2017
Đ.N.H
----------
1. Tục ngữ Việt Nam: “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó”
2. Tiếng Pháp Folklore: chuyện kể dân gian
3. Photocopie: bản sao
4. Merci: cảm ơn
 Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *